Nguyễn Văn Lục
Cái giá phải trả cho cuộc xâm chiếm Ukraine chính là con người
Cuộc chiến Ukraine (Ảnh Nguyễn Hồng Giang- FB)
Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga mở cuộc tấn công Ukraine. Tưởng rằng cuộc tấn công chỉ kéo dài từ một tuần đến hai tuần là cùng. Chiến tranh sẽ kết thúc. Không. Cuộc chiến giữa Nga-Putin và Ukraine đã kéo dài trên 5 tháng. Và chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt.
Có thể, trong đầu của Nga-Putin, ông cho rằng một cuộc tấn công bất ngờ, thần tốc với một binh đội vượt trội về người, về vũ khí hẳn là sức mạnh của kẻ xâm lược sẽ dành được chiến thắng. Nào máy bay thả bom, chiến đấu cơ, máy bay không người lái, hàng ngàn hỏa tiễn dủ loại, xe tăng, xe chuyên chở lương thực, xe chở nguyên liệu như xăng dầu trong một quy trình logistic của cuộc chiến hiện đại nhất sẽ có thể đè bẹp Ukraine trong ngắn ngày.
Nhưng, trong một cuộc chiến tranh xâm lược, đánh và rút, nó chỉ cho phép một thời hạn ngắn ngày. Quá cái thời hạn ấy, cuộc chiến bị sa lầy, bị sói mòn, tiến tới cũng không được, rút cũng không dễ.
Và người ta thấy cảnh tượng hàng đoàn xe của Nga dồn cục, khi những xe đầu bị bắn phá, xe khác đằng sau tắc nghẽn dài cả chục cây số bị khựng lại như những mục tiêu chờ bị đốn ngã.
Điều mà Nga-Putin không ngờ và thấy trước được là quyết tâm của người dân Ukraine chiến đấu và bảo vệ đất nước họ một cách dũng cảm. Phải chăng đây là yếu tố quyết định thắng-thua. Tinh thần của binh đội Nga và binh sĩ Ukraine hẳn là khác biệt
Anh Serhii, một binh sĩ Ukraine đã vài lần bị thương đã nói: Chết không đáng sợ, thua đáng sợ hơn nhiều. Người dân Ukraine chấp nhận gian khổ, ít khi nào gặp họ cúi mặt, khóc than. Vì thế nữ diễn viên ballet Katryna Kalchenko ở nhà hát Opera ở thành phố Odessa đã phát biểu: Chúng tôi đã quen với điều này và thật là kinh khủng chúng tôi đã quen với nó.
Đó là một sự quyết tâm và bình thản như chuyện thường ngày đến điên rồ của người dân Ukraine. Họ chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến cho họ. Càng bị Nga đánh phá, bỏ bom bừa bãi vào các khu dân cư như trường học, nhà thương nhằm tiêu diệt ý chí của người dân Ukraine, người dân Ukraine càng tỏ ra kiên định, càng tỏ ra tin tưởng rằng cuối cùng họ sẽ chiến thắng.
Đó cũng là cái cảnh tượng quân đội và dân chúng Ukraine với đàn bà trẻ con tạm trú trong các hầm xe điện ngầm, chia xẻ và đùm bọc lẫn nhau với những bữa ăn, nước uống, được tổ chức phân phối mỗi ngày.
Và ngay trong những giờ phút chiến tranh với những cái chết rình rập trước mặt, họ vẫn có thể tổ chức ban nhạc bộc phát với những nghệ công và nghệ sĩ ca hát với sự vỗ tay cổ vũ của đám đông. Như một nghệ sĩ biểu diễn đánh đàn ngay bên cạnh những tòa nhà bị phá hủy vì giao tranh ở phía tây yahidne, vùng đông bắc Kiev. Nó như một sự thách thức lại mọi hoàn cảnh.
Người ta cũng biết rằng, một dân tộc có truyền thống văn hóa cao mà mỗi trẻ em đều có cơ hội học một nhạc cụ sau giờ học thì một dân tộc ấy không dễ gì bị khuất phục trước bạo lực.
Vả lại một cuộc chiến trong thành phố thì lực lượng xâm chiếm cần phải có một quân số gấp 5 lần quân trú phòng mới có hy vọng xâm chiếm được. Điều ấy vì thế đã không thể xảy ra được thì lấy đâu sự chiến thắng.
Cuộc chiến càng kéo dài thì cơ hội của kẻ đi xâm lược càng lùi xa.
Với những ý nghị vụn vặt ấy mà tôi có bài viết này của một người ngoài cuộc, không biết một tí gì về kỹ năng chiến thuật và cũng không có một kinh nghiệm chiến trường nào lận lưng. Tôi chỉ tâm niệm có một điều: Đứng về phía kẻ bị áp bức.
Nhưng trước mắt, thực tế, nó đã tàn phá đất nước Ukraine, nhiều nơi trở thành như một đống đổ nát của một sa mạc hoang tàn. Tôi thấy phẫn nộ trước những cảnh tượng đổ nát của những ngôi nhà chỉ còn trơ những bức tường bị cháy xém. Tôi cảm thấy buồn trước một đất nước Ukraine vốn giàu mạnh, tài nguyên thiên nhiên được ưu đãi vượt trội, con người vốn thông minh và giàu lòng nhân ái. Bấy nhiêu thứ ấy đã làm nên đất nước Ukraine nay trên đà bị triệt sản.
Chiến tranh đã thay đổi diện mạo đất nước này và cứ bề ngoài khách quan mà xét, không biết phải cần bao nhiêu năm tháng để có thể vực dạy từ đống hoang tàn đổ nát.
Nghĩ mà đau cho một đất nước bất hạnh.
Nhưng tổn thất giữa đôi bên thật vô lường với những kỹ thuật tân tiến nhất và hiện đại nhất, chính xác nhất hiện nay. Không có những sự hỗ trợ từ Mỹ, tiếp đến là nước Anh, liệu Ukraine có thể đứng trụ được bao lâu.
Chỉ riêng nước Mỹ đã tài trợ cho Ukraine đến nay là gần 10 tỉ đô la. Nhất là cung cấp các đạn pháo cho hệ thống hỏa tiễn HIMARS có tầm bắn xa đến 80 ki lô mét có thể bắn sâu vào phòng tuyến của quân đội Nga. 95.000 đại pháo, 1000 tên lửa chống tăng Javelin. Ngoài ra Mỹ còn cung cấp đại bác 155 ly, súng cối 120 ly, xe chống tăng vv. mà họ tin rằng có thể khống chế được nước Nga đẩy lùi quân Nga ở phía Đông và các nơi khác từ xa.
Sự tài trợ hàng loạt đủ loại vũ khí cho thấy rằng các nhà quân sự Mỹ cho rằng đó là yếu tố quyết định cản trở được sự xâm lược của Nga.
Chưa kể Ngân hàng thế giới cung cấp 4 tỉ đô la để tài trợ cho Ukraine, số tiền này gián tiếp do Mỹ tài trợ.
Thế giới Tây Phương, nhất là những nước trong khối Nato cũng vào cuộc bao vây, trừng phạt đủ cách để cô lập Nga.
Trật tự thế giới sẽ thay đổi từ đây. Những địa danh như Mariopul, Kiev, Bucha trước đây chúng ta không hề hay biết, nay được nhắc tới từng ngày về những cảnh bom đạn tàn phá ngày đêm. Còi báo động hú lên từng hồi bất chợt.
Không biết còn có từ nào xứng hợp hơn để mô tả sự chạy đua vũ trang của đôi bên, nó vượt biên giới của Ukraine và những thiệt hại này nếu chỉ dựa trên những con số.
Đã vậy, nó còn vạ lây đến nhiều nước trên thế giới. Các nước nghèo thì sống nhờ vào lương thực xuất cảng từ phần lớn tại Ukraine như các nước Trung Đông, Châu Phi và cả các nước Á Châu. Nạn đói đang đe dọa họ mà số người lâm vào nạn đói đến lên đến hàng triệu triệu người trong tương lai.
Người ta không chết vì súng đạn, bom rơi mà chết vì đói ăn. Mạng con người bị coi như cỏ rác. Thế giới đã lên tiếng cảnh báo về nạn đói này rồi.
Còn các nước trong khối NATO thì lại lệ thuộc không nhỏ vào năng lượng và khí đốt – nhất là trường hợp nước Đức. Còn các nước Âu Châu, họ phải vất vả đang tìm đủ mọi cách để xoay sở như tìm nguồn năng lượng ở các nước khác như Ả Rập Séoudiste. Tuy nhiên, khối Apec đang hưởng lợi một thùng dầu là 90 đô la. Họ thấy không có lý do chính đáng gì tăng sản xuất để chỉ còn hưởng một giá là 60 đô la-một thùng.
Cái giá phải trả trực tiếp của cuộc xâm chiếm Ukraine của Nga-Putin theo ước tính của nhà kinh tế Dan Ciuriak
(Bài viết của Erick Desrosiers trên tờ Le Devoir, nhan đề: Le cout de l’invasion de l’Ukraine est surtout humain. Cái giá phải trả của cuộc xâm chiếm của Ukraine, chính là con người. Nó đã gợi ý cho tựa đề bài viết này).
Theo kinh tế gia Dan Ciuriak, ước tính là 2600 tỉ đô la là tổn phí trực tiếp cho ba nước liên hệ là Ukraine, Russie và Biélorussie về sự chậm tụt tăng trưởng kinh tế, phá hủy các cơ cấu hạ tầng như đường xá, cầu cống, dinh thự và sự đào thoát chất xám ra nước ngoài.
Nhưng nếu tính thêm đến tình trạng suy thoái chung của thế giới về giá năng lượng, về giá thực phẩm tăng vọt giây chuyền, về lãi xuất ngân hàng và sự mất tin tưởng của người tiêu thụ cũng như của các hãng xưởng thì con số sẽ là 4250 tỉ đô la.
Những số tiền bạc tỉ này bị lãng phí một cách vô ích cho một cuộc xâm lăng. Bạo lực sẽ được đáp trả bằng bạo lực và cứ như thế tiếp diễn. Bài học Israel và Palestine vẫn còn đó. Có cần nên chấm dứt một lằn ranh bạo lực, lùi lại một bước, để tìm ra một giải pháp hòa giải. Nhưng khó ai có thể đưa ra một giải pháp ngưng bắn và hòa giải, trừ khi một bên kiệt quệ.
Về số phận Ukraine
Số phận về phía dân chúng là một thiệt hại không thể đơn giản tính bằng con số. Số người Ukraine phải trốn chạy ra khỏi nước họ cách này cách khác là trên 7 triệu người. Chưa kể số những nạn nhân chết trên chính quê hương họ. Không thể có những con số chính xác về số thương vong mỗi ngày: Vợ mất chồng, con mất cha mẹ, bố mẹ mất con. Bạn bè mất bạn bè, ai còn ai mất.
Sản phẩm nội địa (PIB) của Ukraine hụt mất đi một nửa theo ngân hàng thế giới.
Trên đây, vẫn chỉ là tính toán dè dặt có tính cách lý thuyết mà kinh tế gia Dan Ciuriak đề ra. Sự xâm lăng của Nga đối với Ukraine khiến nhiều khu vực của nước này trở thành hoang địa.
Ai có thể tính cho hết sự tổn phí này.
Nhưng cái giá phải trả cho cuộc xâm lăng này, ngoài vật chất, còn là cái giá về sinh mạng con người.
Con người vẫn là vốn quý và không thể trả giá. Của cải vật chất mất có thể lấy lại được. Nhà cửa tan nát, cầu cống bị phá hủy vẫn có cơ may tái thiết, xây dựng lại.
Nhưng sinh mạng con người thì không cách chi đền bù được.
Một người chết sẽ mãi mãi là một người chết không gì thay thế được.
Ngay từ ngày đầu cuộc chiến xâm lược của Nga, thanh niên buộc phải ở lại để bảo vệ mảnh đất của họ, bên cạnh đó còn có phụ nữ và trẻ con.
Cái hình ảnh nhìn từ bên trong Ukraine gây xúc động nhất trong tôi, xem mà không cầm được lòng là hình ảnh một cô y tá dẫm phải mìn. Cô đã nằm xấp xuống mặt đất, nhưng vẫn tỉnh táo. Người chồng vội bế cô đi nhà thương cấp cứu kịp thời. Nhưng khi tỉnh lại thì cô bị cụt mất hai chân. Sau đó, cô được đưa về nhà. Hình ảnh gây xúc động đến lương tâm nhân loại là người chồng đã bế cô và khiêu vũ. Phần cô ôm chặt lấy cổ chồng.
Hạnh phúc thay trong nỗi đớn đau và tuyệt vọng của một người đàn ông. Ông tuyên bố: “Tôi rất sợ mất cô ấy”. Cô ấy phải được sống và người đàn ông sẵn sàng hy sinh tất cả.
Cô trở thành một người anh hùng trong một đất nước bị tàn phá.
Và đã có biết bao người nữ anh hùng như thế.
Phần cô, có hai con, cô không muốn sống cuộc đời như thế này và không muốn hai con nhìn thấy hình ảnh của mẹ chúng.
Rất nhiều hình ảnh khác biểu tượng của cuộc chiến này như bà mẹ vật vã khi tìm thấy xác con trai đã rữa nát trong một rãnh cống. Những binh lính phải ôm chặt bà lại không để bà tới gần xác chết của con.
Hoặc hình ảnh một cụ già mà bên cạnh là một đống đổ nát tại Bakhmoul trong vùng Donetsk.
Và sự hy sinh vô bờ của những người chiến sĩ trẻ, tình nguyện ở lại chiến đấu trong các chiến hào, trên các xe tăng. Đó là những cái chết tình cờ, vô danh, đủ kiểu của những người trẻ Ukraine mà không ai được biết tới.
Họ cũng có một dự tính tương lai, có cha có mẹ, có vợ hoặc có người yêu và hôm nay họ đã lặng lẽ ra đi không bao giờ trở lại.
Cho nên, cái giá phải trả cho cuộc xâm lăng của Nga trên hết tất cả vẫn là sinh mạng con người.
Tôi xót của cải vật chất chỉ một phần. Nhưng xót con người phải trả một cái giá quá đắt.
Ngay từ năm 2014, hàng ngàn người dân Ukraine đã phải thiệt mạng trong cuộc giao tranh với phe ly khai thân Nga. Người dân Ukraine đã cảm thức được rằng cuộc sống của họ không còn như trước nữa. Họ đã thất bại trong việc bảo vệ phần đất của họ. Tượng đài ở thủ đô Kyiv như một chứng tích, toát ra một nét buồn của kẻ thua cuộc thầm lặng.
Về phần nước Nga – kẻ đi xâm lược
Một cách vô tình ngoài ý muốn, khối NATO với nhiều nước vẫn phân mảnh vốn có lúc chỉ là một liên minh chính trị. Rồi cũng do thời cuộc đổi thay, khối NATO ngày một ngày hai trở thành một liên minh quân sự gồm 30 nước mà một số trước đây thuộc ảnh hưởng của Nga như Albania, Croatia, Bắc Macedonia. Liên minh ấy lập thành hàng rào lá chắn bao vây Nga từ mọi phía.
Nguyên tắc của NATO ngày nay là hễ một nước nào bị đe dọa, nó sẽ trở thành sự đe dọa đến các thành viên khác.
Hai nước vốn xưa nay vẫn trung lập như Thụy Điển, Phần Lan nay sợ sự đe dọa của Nga, họ đã chính thức gia nhập NATO từ tháng bảy-2022.
Phải chăng quá khứ của liên minh khối Vác sô vi trước đây để đối đầu với NATO trong cuộc chiến tranh lạnh, nay khối Vác Sô Vi đã tan rã nay trở thành nỗi trăn trở của Putin muốn trả thù.
Về việc cấm vận
Theo giáo sư tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia về kinh tế, khi trả lời phỏng vấn cho đài VOA, nước Nga với lợi nhuận là 1.700 tỉ đô la/năm, chỉ sau Nam Hàn. Nga sản xuất 11 triệu thùng dầu/năm. Trong đó Âu Châu tiêu thụ đến 40% năm. Điều mà Âu Châu lo ngại về việc cung cấp dầu khí là mùa đông sắp tới. Riêng nước Pháp có nhiều nhà máy điện nguyên tử nên có thể tự cung cấp tiêu thụ mà không bị lệ thuộc vào Nga.
Nước Mỹ mỗi năm nhập cảng 8% dầu khí của Nga. Nhưng chỉ tiêu thụ thực sự có 4%, 4% còn lại cho vào kho dự trữ nên cũng không thực sự ảnh hưởng gì. Vả lại, Mỹ đã trực tiếp sang Arabie Saoudiste để thương lượng và yêu cầu họ tăng năng xuất dầu thô giúp cân bằng sự thiếu hụt từ nước Nga..Nhưng kết quả gần như không đạt kết quả như lòng mong muốn vì căn bản vẫn là lợi nhuận.
Về than đá.
Âu Châu chỉ nhập 20% than đá của Nga với trị giá số tiền 4,5 tỉ đô la. Số tiền tương đối là nhỏ. Than đá có thể mua và để ngoài trời mà không cần đến kho lẫm để bảo trì. Cho đến lúc này thì chưa có dấu hiệu gì cho thấy kinh tế Nga bị tổn thương và kiệt quệ. Bên cạnh đó hai nước Tàu và Ấn độ mà dân số là 2 tỉ 800 ngàn người nên lợi dụng cơ hội này mua dầu của Nga với giá rẻ. Chưa kể Ấn Độ đã mua đến 40% vũ khí quốc phòng từ Nga.
Giới tỉ phú.
Việc cấm vận có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giới tỉ phú ở Nga, khoảng 20 tỉ phú, vốn đứng đằng sau Putin tài trợ cho cuộc xâm lược này. Nhưng các ngân hàng bị phong tỏa, các tài khoản của họ bị tịch thu, các du thuyền của họ bị niêm phong tại một số nước.
Nước Nga bị trừng phạt, bị phong tỏa và bao vây về tài chánh và thương mại của các nước phương Tây. Nhiều hãng xưởng mà các nước phương tây đang làm ăn tại Nga, nay họ rút vốn, hoặc đóng cửa vĩnh viễn như tiệm Mc. Donald, các ngân hàng, hàng không dân dụng, xưởng sản xuất xe hơi. Mức sản xuất xe hơi giảm đi đến 56%.
Sự cấm vận và trừng phạt này sẽ gây ra hậu quả dây chuyền, nếu cuộc chiến kéo dài quá một tháng. Vậy mà nay gần 6 tháng trôi qua.
Sự suy thoái kinh tế.
Nền kinh tế của Nga sẽ trụ được bao lâu. Số dự trữ vàng là 600 tỉ trong ngân khố của Nga có là bao so với tổn phí của cuộc chiến mỗi ngày.
Nga hăm dọa xử dụng võ khí như bước đường cùng. Đó là số phận rất mong manh của Trung tâm nguyên tử Japorijjia. Trung tâm nguyên tử lực này với 6 lò phản ứng, cung cấp điện lực cho 4 triệu gia đình người Ukraine đã bị Nga-Putin xâm chiếm và kiểm soát ngay từ tháng 3 khi bắt đầu cuộc chiến. Thế giới lo ngại và Liên Hiệp Quốc yêu cầu mở một vùng phi quân sự. Hiện nay hỏa tiễn vẫn rơi vào những tòa nhà hành chánh, bên cạnh Trung tâm nguyên tử lực. Có sự đổ thừa, tố cáo qua lại giữa Ukraine và Nga.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres cảnh báo việc tấn công vào các lò nguyên tử này có thể dẫn đến “một thảm họa không thể lường được”. Phần Ukraine nay cũng muốn chiếm lại các lò nguyên tử để không bị Nga xử dụng nó như con tin chiến lược để hù dọa thế giới.
Nhưng điều đó cũng giấy lên nỗi lo ngại của dân chúng Tây phương, theo kinh tế gia Dan Ciuriak, làm họ sợ sự suy thoái. Giá cả cứ thế leo thang như bong bóng làm chóng mặt người tiêu thụ. Điều đó cũng là một cú sốc phải trả giá thêm từ 900 tỉ đến 1500 tỉ đô la.
Về phía các nước chậm tiến và nghèo như Phi Châu mà trong đó 14 triệu có nguy cơ bị đói ăn. Cái giá phải trả không rẻ gì, từ 950 tỉ đô la đến 2200 tỉ đô la.
Thị trường chứng khoán tụt dốc.
Cũng theo kinh tế gia Dan Ciuriak, những định giá trên không đầy đủ. Bởi vì người ta chưa tính đến sự sụt giá thị trường chứng khoán do chiến tranh gây ra, chưa kể đến nhiều tỉ đô la được rót vào các yểm trợ quân sự cho Ukraine cũng như sự đón tiếp những người tỵ nạn rời khỏi Ukraine từ những vùng như Marioupol hoặc Sievierodonetst bị san bằng.
Rõ ràng có một bước lùi về phát triển căn bản của xã hội về hạ tầng cơ sở phải nhường một bước cho những nhu cầu quân sự.
Số phận những binh sĩ Nga tham chiến trong cuộc xâm lăng Ukraine.
Đây có lẽ là điều mà Putin muốn che dấu. Theo ông Richard Barron, một vị tướng người Anh bàn về số phận những binh sĩ Nga tham chiến trong cuộc xâm lăng Ukraine. Theo ông Richard Barron nhận xét: sau 6 tháng kể từ ngày quân Nga xâm chiếm Ukraine, số thương vong được ước tính từ 70.000 đến 80.000 người.
Những người lính này đã bị loại ra khỏi cuộc chiến. Đây là một con số không nhỏ. Và lấy gì bù đắp lại sự thương vong đó. Vì thế, chính quyền Nga-Putin đã phải vận dụng đến những giải pháp tuyệt vọng như:
Dưới cái nhìn của tôi ở góc độ nhân bản.
Tôi vẫn xác tín rằng một người lính chết ngoài mặt trận dầu gì cũng là một chiến sĩ. Và số phận họ cũng đáng được trân trọng bất kể họ thuộc bên này, bên kia. Người lính ấy cũng có một gia đình, có cha mẹ, anh em, có vợ con và bạn bè. Xin được chia xẻ những nỗi buồn của thân nhân người lính Nga đã bỏ thây ngoài chiến trường. Cái chết của họ cần được kính trọng và xót thương. Như một nén hương cho vong linh họ được siêu thoát và niềm an ủi đến thân nhân họ. Không cần biết họ là ai, cuộc xâm chiếm Ukraine mà cái giá đắt vẫn là con người từ hai phía.
Một lối ra cho cuộc chiến
Được biết rằng có một thỏa thuận được cả Nga và Ukraine chấp nhận qua trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ, là tạo một hành lang vận chuyển lương thực từ Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến tàu đầu tiên là tàu Polarnet đã tới cảng Derince trong vịnh Izmit sau khi đã rời Chornomrst từ ngày 5 tháng 8 với 12.000 tấn ngô cung cấp cho Trung đông, Phi Châu và Á châu. Và hiện nay đã có 12 chuyến tàu được phép rời cảng để tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng là có 320.000 tấn lương thực lần lượt tới Thổ Nhĩ Kỳ. Con số còn nhỏ và tiếp tục được gia tăng. Hiện nay đã có 16 chuyến tàu rời khỏi Ukraine và ước lượng số lúa mì lên đến nửa triệu tấn và mong sẽ còn tiếp tục gia tăng. Dù gì đi nữa, nó vẫn là một trấn an cho các nước Tây phương, nhất là các nước nghèo, chậm tiến ở Trung Đông, Phi Châu và cả Á Châu..
Đó là một tin vui cho toàn thể thế giới. Và vị Giáo Hoàng Francis đương nhiệm cho rằng đây là một thỏa thuận cho phép tránh được nạn đói cho 14 triệu dân. Và nó cũng mở ra một trang sử mới cho phép một thỏa thuận xa hơn và cơ hội mới giữa đôi bên tham chiến.
Tuy nhiên, hiện nay mối đe dọa về việc sử dụng võ khí nguyên tử vẫn là một thách thức cho thế giới. Lời đe dọa có thể sẽ trở thành hiện thực. Tương lai nhân loại sẽ đi về đâu.
Chưa kể một nước Tàu có thể là một nước theo dõi kỹ càng nhất trong diễn tiến cuộc chiến xâm lược của nước Nga để rút ra một bài học cho chính họ. Tập Cận Bình tính toán từng bước, từng giai đoạn, so sánh vũ khí của Nga với các nước Tây Phương, nhất là của Mỹ. Họ thăm dò và tạo ra áp lực liên tục bằng những cuộc tập trận bắn đạn thật, áp sát đường ranh biên giới trên Đài Loan để thăm dò xem phản ứng của Mỹ như thế nào. Nhất là từ khi có chuyến thăm của bà Nancy Pelosi làm cho Tập Cận Bình thêm tức giận. Ngay khi bà Pelosi rời khỏi Đài Loan thì Tập Cận Bình mở cuộc tập trận lớn chưa từng có, điều động hải lục không quân trong một tuần. Mỹ đáp trả bằng cách điều động hải quân, không quân trong một vùng mà họ cho rằng được công nhận bởi quốc tế. Nay một phái đoàn gồm ba dân chủ, một cộng hòa cũng đã có mặt ở Đài Loan. Họ bàn chuyện gì, tính toán ra sao thực sự không biết được. Nhưng sự hiện diện của họ như một bằng chứng về bảo đảm về quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan.
Phần nội bộ nước Tàu cũng có lỗ hổng như nhận xét của giáo sư Khương Hữu Lộc. Theo ông, tập đoàn kinh doanh Evergrande (theo nghĩa chữ là mãi mãi lớn) bất động sản có nguy cơ vỡ nợ. Vốn tài sản họ thực sự có chỉ là 350 tỉ mà vốn nợ là 300 tỉ. Trên nguyên tắc nợ 300 tỉ thì vốn thực sự phải có là 900 tỉ. Hiện này có 1200 dự án xây cất bỏ dở. Nhiều người ham lợi bỏ tiền ra mua chỉ để đầu tư mà không phải để ở tạo ra tình trạng nhà để trống như hiện nay. Trong đó nạn nhân là 200.000 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng theo giá sư Khương Hữu Lộc, tập đoàn kéo theo mấy trăm ngân hàng dính vào cách này cách khác theo kiểu “mượn đàu heo nấu cháo” có thể tạo ra tình trạng vỡ nợ dây chuyền, nguy cơ sụp đổ toàn diện hệ thống tài chánh.
Bài toán dĩ nhiên còn có nhiều phép thử cân nhắc mà chỉ Tập Cận Bình mới có thể có những quyết định sinh tử tạo ra một cuộc chiến tranh thế giới với số lượng hơn một tỷ người.
Phần tôi, sợ Nga chỉ một phần thì sợ Tàu mười phần.
Thật là mối đe dọa toàn cầu, trong đó nay có Nhật sẽ là nước đối đầu trực diện với nước Tàu vì chỉ cách Đài Loan 150 kilô mét và tất cả căn cứ quân sự của Mỹ đều có mặt ở nơi đây. Nay đụng đến Mỹ là đụng đến Nhật.
Hy vọng mối đe dọa của Tàu vẫn chỉ là một bài toán thử.
Mong là điều tồi tệ đó sẽ không xảy ra trong bất cứ tình huống nào.
.
Nguyễn Văn Lục
23/08/2022
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/caigiaphaitrachocuocxamchiem.html