Bùi Văn Phú


Bầu cử 2022: Sức mạnh của lá phiếu

    

Vận động bầu cử 1982 trong sân trường Đại học Berkeley, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Sáu năm qua nước Mỹ đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và ngày càng căng thẳng giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Với việc Donald Trump được bầu làm lãnh đạo trong bầu cử tháng 11 năm 2016, Hoa Kỳ đã có một tổng thống với chủ trương dân túy, lo cho nước Mỹ trước hết, đưa nước Mỹ hùng cường trở lại. Chính sách đó làm thay đổi sinh hoạt chính trị đối nội và đối ngoại có ảnh hưởng cả thế giới.

Biểu tình phản đối Donald Trump thắng cử năm 2016, Đại học Berkeley (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Các chính sách mới về quốc phòng, kinh tế tài chánh, kiểm soát di dân và quan hệ với thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc, Nga Sô và cả với đồng minh NATO làm nhiều giới chức trách nhiệm quan ngại, lên tiếng phản đối.

Nếu không có đại dịch Covid-19, không biết chủ trương dân túy và các chính sách của chính quyền Trump có được dân ủng hộ để ông thắng cử nhiệm kỳ hai vào tháng 11 năm 2020 hay không?

Kết quả thực tế là Tổng thống Trump thất cử. Nguyên do nhiều phần vì cách đối phó với Covid-19, vì nhiều phát biểu phản khoa học, không đúng sự thực và gây sốc của ông về cách chữa trị, cách phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Riêng ông cho rằng thay đổi cách cử tri tham gia bầu cử trên toàn quốc, hầu hết bằng phiếu khiếm diện, đã khiến ông thua cuộc. Tổng thống Trump không thừa nhận kết quả bầu cử, đưa đến vụ bạo động tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6/1/2021, hai tuần trước ngày chuyển giao quyền hành mà ông từ chối tham dự.

Trong gần nửa thế kỷ qua, quan sát sinh hoạt chính trị Mỹ chưa bao giờ tôi thấy có cuộc chuyển giao quyền hành với nhiều bất trắc như vừa qua.

Hai năm đã qua, đến nay tranh cãi về kết quả bầu cử tháng 11 năm 2020 vẫn còn và nhiều người Mỹ vẫn tin vào thuyết âm mưu, tin là có gian lận bầu cử cho Tổng thống Joe Biden lên làm lãnh đạo, dù rằng các vụ kiện ở các cấp liên quan đến kết bầu cử đã không cho thấy có gian lận trong việc đếm phiếu.

Cũng trong sáu năm qua, như chưa từng có trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ, một tổng thống bị đàn hặc hai lần và khi vừa rời văn phòng lại phải đương đầu với nhiều cuộc điều tra. Ông Trump bị điều tra liên quan đến bạo loạn 6/1, điều tra về các thương vụ kinh doanh, điều tra về việc tài liệu mật của quốc gia được ông đem về nhà riêng khi rời Bạch Ốc. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để truy tố hay buộc tội cựu tổng thống Trump.

Những tranh tụng về kết quả bầu cử không phải mới có vào năm 2020 mà đã xảy ra năm 2000. Cuộc đếm phiếu bầu tổng thống năm đó, giữa hai ứng cử viên George W. Bush (Con) và Al Gore thật là căng thẳng, kéo dài nhiều ngày sau bầu cử, với những khiếu kiện lên đến Tối cao Pháp viện. Hình ảnh nhân viên kiểm phiếu ở quận hạt Miami-Dade, Florida dùng kính lúp soi rọi những lá phiếu để tìm xem ý định của cử tri đã chọn ai cho thấy mỗi lựa chọn của người dân đều quan trọng. Sau nhiều vòng đếm lại và khiếu kiện, cuối cùng Tối cao Pháp viện quyết định chấm dứt việc đếm lại phiếu. Kết quả Bush chỉ hơn Gore 537 phiếu trong tổng số gần 6 triệu phiếu bầu của cử tri Florida. Sau khi có phán quyết của Tối cao Pháp viện, Phó Tổng thống Al Gore chấp nhận thua cuộc.

Khi George W. Bush của Đảng Cộng hoà lên làm tổng thống, nhiều người ủng hộ Đảng Dân chủ cho rằng ông không phải là tổng thống của đa số dân, vì đạt phiếu đại cử tri 271 trên tổng số 538 để thắng, nhưng thua Al Gore hơn 500 nghìn phiếu phổ thông.

Việc bàn giao quyền lãnh đạo nước Mỹ từ Tổng thống Bill Clinton sang cho Tổng thống George W. Bush đã diễn ra tốt đẹp. Người Mỹ thường tự hào về nền dân chủ vì mỗi 4 hay 8 năm, khi dân đã nói lên ý nguyện của mình trong việc chọn lãnh đạo thì việc chuyển giao quyền luôn diễn ra trong hoà bình. Không như ở những nước cộng sản hay độc tài, độc đảng với lãnh đạo không do dân bầu chọn và chỉ muốn cầm quyền mãi mãi.

Sinh hoạt chính trị Mỹ đã thay đổi từ sau bầu cử tháng 11 năm 2016, với Donald Trump thắng với số phiếu đại cử tri 306, nhưng thua Hillary Clinton 2.8 triệu phiếu phổ thông.

Nhiều người ủng hộ Đảng Dân chủ không chấp nhận Donald Trump là lãnh đạo Hoa Kỳ, cũng như đã phản đối Tổng thống Bush (Con) sau kết quả bầu cử 2000.

Kết quả với Donald Trump thắng cử đã làm bùng lên làn sóng biểu tình phản đối ở nhiều nơi. Các cuộc biểu tình kéo dài, nhiều khi đưa tới bạo động, đốt phá ở nhiều thành phố.

Với Tổng thống Joe Biden được bầu làm lãnh đạo lại có bạo loạn ở thủ đô hôm 6/1/2021.

Một khi hai phe đối lập phải dùng tới bạo động để nói lên quan điểm của mình, nền dân chủ Mỹ đang bị thách thức. Sự thách thức đến từ nội tình lòng dân và cũng do những quốc gia không thích nếp sống dân chủ của người dân Mỹ tìm cách ảnh hưởng.

Bầu cử tháng 11 năm nay là kỳ bầu chọn đầu tiên sau đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống và diễn ra trong lúc kinh tế Mỹ đang suy yếu, lạm phát cao, giá sinh hoạt tăng. Theo thăm dò, có đến 80% cử tri coi kinh tế là điều quan tâm nhất.

Hôm nay cũng là kỷ niệm 40 năm tôi tham gia bầu cử Mỹ. Tháng 6 năm 1982 tôi tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ và ghi danh đi bầu trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Sân trường Đại học Berkeley năm đó tràn ngập bích chương vận động tranh cử. Tôi còn nhớ có bầu chọn thống đốc tiểu bang California, sôi nổi giữa hai ứng cử viên là Tổng Chưởng lý George Deukemejian, người Đảng Cộng hoà và Thị trưởng Los Angeles Tom Bradley của Đảng Dân chủ, với kết quả ông Deukmejian thắng đối thủ chỉ 50 nghìn phiếu trong nhiều triệu phiếu bầu.

Sproul Plaza từ thập niên 1960 đã là trung tâm của phong trào tự do phát biểu chính kiến vì thế thường có biểu tình chống chính phủ Mỹ, dù là chính phủ do Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà cầm quyền.

Một hôm có biểu tình, gặp một anh người Hoa từ Trung Quốc mới qua du học theo ban tiến sĩ, anh nói với tôi nếu cứ biểu tình thế này nước Mỹ sẽ loạn. Tôi trả lời không loạn đâu, vì nếu chính phủ không cho biểu tình thì nước Mỹ sẽ loạn ngay. Vì chính quyền không thể ngăn cấm dân biểu tình mà còn có nhiệm vụ bảo vệ và chỉ can thiệp khi có bạo động.

Trong nếp sống Mỹ, ủng hộ Cộng hoà, Dân chủ hay mấy đảng nhỏ, hoặc không theo đảng nào là quyền tự do chính trị. Tham gia bầu chọn người đại diện cho mình, có khi chọn đúng người của bên đa số, có khi sai. Đúng hay sai, vị dân cử được bầu có trách nhiệm phục vụ cư dân. Không được lòng dân thì hai năm, bốn năm hay nhiều lắm là tám năm sau cử tri sẽ quyết định cuộc đời chính trị của họ.

Không ai làm tổng thống Mỹ suốt đời, không ai ngồi ghế đại diện mà không bị thách thức bởi phiá đối lập, với lá phiếu của dân là quyết định sau cùng.

Trải qua những biến động trong xã hội Mỹ vài năm qua khi chính trị bị đẩy lên phân cực cao độ, tôi có chút lo ngại, nhưng vẫn tin vào sức mạnh của lá phiếu hơn là bạo lực của gạch đá, bom xăng hay súng đạn khi muốn nói lên lựa chọn chính trị của mình. Nên tôi đã vừa tham gia bỏ phiếu.

   

Bùi Văn Phú

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/baucu2022sucmanh.html


Cái Đình - 2022