Nguyễn thị Cỏ May


Alexei Navalny bị Poutine giết, hết chống đối hay có người nối tiếp?

Alexei Navalny và vợ năm 2020

Sau gần một tuần tranh đấu quyết liệt với Poutine, đòi Poutine phải giao trả ngay lập tức xác của con, không trả phải chăng vì muốn phi tang tội giết người, bà Lioudmila Navalnia, mẹ của Alexei Navalny, bị Poutine ám sát hôm 16 tháng 2/2034 trong nhà tù biệt giam ở Bắc cực, đã thắng được một phần quan trọng. Poutine đã chịu cho bà nhìn xác con trong nhà thương của Thành phố Salekhard thuộc Quận Iamalo-Nénétsie, nơi có nhà tù nhốt Alexei Navalny.

Bà tố cáo Poutine sở dĩ cho bà nhìn thấy xác con là để buộc bà chấp nhận mai táng Alexei Navalny một cách âm thầm, bí mật tuyệt đối, không tang lễ, ở bên lề một nghĩa trang, bên cạnh một nắm mồ mới, và một nhơn viên trong Ban điều tra về cái chết của Alexei Navalny nói với bà “Nơi đây con của bà yên nghỉ”. Bà phản đối.

Nhơn viên ấy liền dọa bà “Nếu bà không đồng ý chôn cất ngay như chúng tôi đề nghị, thì xác con của bà sẽ thối rữa”.

Từ chối cho bà Lioudmila Navalnia tổ chức tang lễ cho con, phải chăng vì Poutine sợ? Poutine sợ Alexei Navalny chống đối nên đã ám hại Navalny. Nay Poutine lại sợ cả cái xác của kẻ chống ông ta nữa!

Nhưng sau Alexei Navalny còn ai nối tiếp để chống Poutine và chế độ ác ôn ở Kremlin không?

Hi vọng về một nước Nga khác đang bị mai một

Ai cũng thấy cái chết của Alexei Navalny đã thật sự làm cho Poutine cực kỳ lo sợ về tương lai của chế độ ở Nga. Theo nhà chánh trị học chuyên về Nga, Giáo sư Nikolai Petrov, giải thích thì gần đây nhiều quyết định của Poutine, nhứt là quyết định thanh toán nhà chống đối số 1 Alexei Navalny, là do sợ hãi. Poutine lo sợ trước bầu cử vào giữa tháng ba tới sẽ bị xáo trộn tuy ông ta biết chắc sẽ thắng cử. Xưa nay chế độ độc tài không bao giờ được yên ổn. Poutine lo sợ thắng cử sẽ không đạt số phiếu tối đa trên 90% và sẽ có chuyện bất ngờ không hay xảy ra trong bầu cử.

Về cái chết của Alexei Navalny, ông Nikolai Petrov quả quyết là do Poutine ám sát. Ông nhấn mạnh trong mọi trường hợp Poutine vẫn là thủ phạm. Nên thấy từ sau khi xâm chiếm Ukraine, Poutine không còn quan tâm tới một giới hạn nào nữa hết. Không thắc mắc tới phản ứng của Tây Âu hay phản ứng của dân chúng Nga. Điều đó có nghĩa là Poutine chỉ quan tâm tới sự mất còn của chế độ mà thôi. Đó đúng là lý do tại sao Poutine đày Alexei Navalny lên nhốt ở cực Bắc, cắt đứt hết mọi liên lạc với luật sư và với thế giới bên ngoài.

Mặc dầu áp lực mạnh của dư luận từ khắp nơi và sức ép chánh trị, Poutine vẫn không tin chắc là Alexei Navalny sẽ không ảnh hưởng xấu tới cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng ba tới. Từ khi từ Đức trở về, ảnh hưởng của Alexei Navalny đối với phần lớn dân chúng và những người theo ông rất lớn. Nhiều người trong số này đã bị Poutine cho lệnh bắt hoặc đã kịp chạy thoát ra ngoại quốc nên ngày nay không nên chờ đợi những cuộc biểu tình lớn xảy ra ở Nga để phản đối cái chết oan ức của Alexei Navalny. Còn biểu tình chống Poutine thì càng khó xảy ra hơn.

Nhưng không vì thế mà nói là sự bất mãn trong dân chúng không có cách nào để bùng phát được. Nhiều chuyện biết đâu sẽ nổ bùng ngay trong ngày cử tri đi bầu? Poutine không thể nào hoàn toàn kiểm soát chặt chẽ hết dân chúng cử tri được. Nhà đối lập khác ở hải ngoại, ông Mikhaïl Khodorkovski, đang tung ra lời kêu gọi cử tri nga khi đi bỏ phiếu, hãy viết tên Alexei Navalny lên lá phiếu. Cách phản kháng này rất dễ thi hành mà nhà cầm quyền của Điện Kremlin lại khó kiểm soát và ngăn chặn.

Với Poutine, chiến tranh ở Ukraine làm tốn kém rất lớn vì xua quân đánh Ukraine là một quyết định không hợp lý. Poutine đang trả giá chiến tranh Ukraine quá đắt về tài chánh mà cả về mạng sống của dân Nga, mà về tương lai gần đây, kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng mà suy sụp hơn. Nhưng Poutine chỉ quan tâm kiểm soát hệ thống cầm quyền cho chặt chẽ, giữ tư cách người lãnh đạo chánh trị và quân sự cẩn thận. Vì Poutine chỉ muốn sử dụng chiến tranh để kiểm soát sát sao hơn nữa hệ thống cầm quyền và xã hội như quản lý cả những nhà tài phiệt. Nên đối với Poutine, việc kết thúc chiến tranh với sự thắng lợi thật sự không phải quan trọng. Poutine muốn kéo dài chiến tranh. Kết thúc, Poutine phải giải thích với dân chúng chiến tranh Ukraine đem lại được gì trong khi Nga đã phải trả giá quá đắt về nhơn mạng và tài chánh. Điều này chắc chắn sẽ không mấy gì hay cho Poutine!

“Còn chờ đợi gì nữa đây?”. Câu hỏi mỉa mai của một nhơn viên Điện Kremlin được tờ báo độc lập Meduza tường thuật. Thật vậy, một chế độ độc tài ác ôn tuy không cộng sản đảng trị nhưng do một tên gốc cộng sản mà lại được trui rèn trong lò KGB nên mọi chống đối đều bị nghiền nát hết.

Khi nghĩ trở về xứ, đem thân cho Poutine bắt tù đày, Alexei Navalny hi vọng đánh thức tinh thần tranh đấu cho một nước Nga khác của dân chúng Nga và nhờ đó làm sụp đổ chế độ của Poutine. Nhưng ba năm sau, cái chết của anh chỉ đủ đánh dấu mọi hi vọng cho một nước Nga khác của những người chống đối không còn nữa.

Chỉ có, ở khắp nơi trên xứ Nga, những nhóm nhỏ người Nga, vô danh, can đảm, cầm những cánh bông Cẩm chướng đỏ tới đặt ở chơn tượng tưởng niệm những nạn nhơn bị chế độ ác ôn Liên-xô sát hại. Ơ Nga, những chuyện xảy ra trước đây, ngày nay không có thể xảy ra được nữa.

Ai sẽ thay thế Alexei Navalny chống Poutine?

Hiện nay có ông Boris Nadejdine đang động viên hàng ngàn dân Nga để yểm trợ ông ứng cử Tổng thống, tranh cử với Poutine vì hồ sơ ứng cử của ông đã bị Ban Bầu cử từ chối do không đủ điều kiện. Nay ông Boris Nadejdine tranh cử với tư cách người nối tiếp sự nghiệp Alexei Navalny.

Ông Boris Nadejdine biết nay “niềm hy vọng một nước Nga tự do đã hoàn toàn tan biến. Nhưng không phải như vậy là mình xuôi tay, bất lực, đầu hàng tình thế. Tôi sẽ làm mọi cách để thực hiện nguyện vọng của Alexei và của hằng nhiều triệu công dân xứ Nga của chúng tôi. Nước Nga sẽ hòa bình và tự do”.

Nhưng ông tuyên bố như vậy được, không bị Poutine bắt, vì ông chỉ là một người muốn làm chánh trị lớn mà cái may mắn nhận được số phiếu bầu cho lại quá nhỏ. Trong lúc đó hy vọng hồ sơ ứng cử của ông sẽ được Hội Đồng Bầu cử chấp thuận cũng quá mong manh.

Nhung Nadejdine ứng cử còn vì có ý kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ngay trong họ “Nadejdine” của ông, đã có “nadejda”, trong tiếng Nga, có nghĩa là “hy vọng”, đủ nói lên ông là ứng cử viện duy nhứt sẽ cổ động cho chấm dứt chiến tranh như ông hằng mong muốn: “Không có chiến tranh. Poutine hãy cút đi chỗ khác”.

Thật sự phải nói là sau Alexei Navalny, sự chống đối Poutine là một tương lai quá mờ mịt.

Trong lúc ở Paris, cũng như ở nhiều Thủ đô khác, Đại sứ của Nga bị triệu tập, ông Josep Borrell, Trưởng Ban Ngoại giao của Liên Âu đề nghị Liên Âu nên gởi một thông điệp ủng hộ sự chống đối ở Nga sau khi Alexei Navalny bị Poutine ám hại. Lời đề nghị này được đưa ra trước khi bà Ioulia Navalnaïa, vợ của Alexei Navalny, tới.

Vấn đề tiếp nối sự nghiệp của Alexei Navalny vẫn còn mơ hồ. Trong một vidéo phát hành trên mạng xã hội, Ioulia Navalnaïa, 47 tuổi, tuyên bố bà sẽ tiếp nối nỗ lực chống tham nhũng của chồng. Tỵ nạn ở Âu châu, cho tới nay, bà vẫn từ chối một vai trò chánh trị nhưng nay, bà chấp nhận lên tiếng kêu gọi mọi sự ủng hộ đoàn kết để đập Poutine một cái cho xong.

Trên thực tế ai cũng biết mọi kêu gọi tập họp đông đảo không phải dễ. Cái giá của phản kháng luôn luôn cao. Đi biểu tình, một người bình thường sẽ bị tù từ 5 tới 9 năm. Ngay cả viết một lời phê bình chế độ trên mạng cũng có thể bị công an bắt nhốt.

Như ở Việt Nam tội chống đảng và Nhà nước. Vì Poutine học theo Nguyễn Phú Trọng!

   

Nguyễn thị Cỏ May

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/alexeinavalnybipoutinegiet.html


Cái Đình - 2024