Phạm Đức Thân
Nhạc Rap và Hiphop
.
Một loại nhạc mới hiện đại, đa số thính giả người lớn còn xa lạ, nhưng lại hấp dẫn giới trẻ do tính cách hoạt náo, đại chúng. Đó là rap hay hip hop, theo nhiều người chúng giống nhau, nhưng cũng có nguời phân biệt rap dùng để chỉ nói, hát, còn hip hop chỉ rộng hơn bao gồm rap và nhiều biến thể, cũng như cả nhẩy, thời trang, lối sống, văn hóa,..Cái gì xuất phát từ dân chúng thường ít đuợc nhất trí về nguồn gốc hay danh xưng.
Rap đã phát triển mạnh mẽ toàn câầu, ngay ở VN cũng có đủ cả rap phong cách Mỹ, Hàn, Nhật, Tầu, Ấn... và dĩ nhiên VN. Rap VN thường thuộc loại đường phố, hiếm tụ điểm ca nhạc. Các rapper VN cũng có tự sản xuất. và một số chiếm được cảm tình của thính giả, điển hình là Binz, Karik, Suboi, Woyi, Bigdaddy, LK, Dế Choắt, Phúc Rey, Lil Shady...
Bài này thử tìm hiểu cơ bản nhạc rap, phát xuất từ Mỹ da đen, hy vọng giúp độc giả mở rộng chân trời thưởng ngoạn. Do tính cách mới lạ, người viết đề nghị độc giả xem trên youtube vài trình diễn rap điển hình, nhiên hậu sẽ dễ lĩnh hội bài viết hơn.
Rap là một hình thức dùng giọng nói kết hợp ngôn từ (thường là đường phố) có vần có điệu, thể hiện hoặc hát bằng nhiều cách, trên một cái nền âm nhạc có khi chỉ là những phách điệu của trống. Rap xuất hiện giữa thập niên 70 trên nền nhạc hip hop, trong khu lao động Bronx (ghetto) của dân Mỹ đen ở New York, chịu ảnh hưởng của nhạc reggae, blues, jazz....
Rap có nghĩa là nói tào lao, nói nhảm, nói phứa; nội dung đôi khi phản kháng cảnh sát... nhưng dần dần phát triển thành một loại hình nghệ thuật rõ ràng nên còn được giải thích: RAP = Rhythm or Rhyme And Poetry (Điệu hay Vần Và Thơ), hoặc Rage Against Police (Giận Chống Cảnh Sát). Rap có thể là đọc, chứ không hát, nên còn đuợc giải thích RAP = Read A Poem (Đọc Thơ)
Rap là hình thức âm nhạc phổ thông đại chúng phát triển nhanh nhất hiện nay. Toàn cầu, nước nào cũng có nhạc rap pha chút tính cách địa phương. Nhưng về mặt đạo đức và thẩm mỹ rap chịu đựng những phê phán khắt khe, và về mặt tổ chức xã hội còn bị kiểm duyệt, sách nhiễu, bắt bớ, cưỡng bách hạn chế những buổi trình diễn hoành tráng. Chưa kể ở Mỹ rap còn bị phá hoại về nội dung chủng tộc và chính trị, dưới những hình thức thuơng mại CD, DVD... đã được "chỉnh sửa" của nhà sản xuất, vừa khuyến khích vừa lợi dụng rap để kiếm lời.
Điều này cũng dễ hiểu vì nguồn gốc văn hóa của rap, và diễn tiến thuận lợi tiếp theo sau, thuộc về giai cấp thấp da đen của xã hội Mỹ. Hung hăng hãnh diện là da đen và nói lên kinh nghiệm bị đàn áp tại khu nghèo, cho thấy tiềm ẩn mối đe dọa hiện trạng tự mãn của xã hội Mỹ. Nhất là đối với giới trung lưu da trắng, sống lân cận và cạnh tranh với dân da đen về các phương tiện truyền thông ( TV, show, băng đĩa âm nhạc...), muốn khẳng định mình hơn da đen về mặt xã hội, văn hóa và chính trị.
Được lợi điểm chính trị và nhằm chống lại rap, người ta tìm mọi lý lẽ thẩm mỹ để hạ giá rap, cho rằng rap không phải là một nghệ thuật đúng nghĩa. Rap không phải ca hát mà là nói liến thoắng, không dùng nhạc sĩ, ban nhạc, bài bản sáng tạo. Rap chỉ gồm những âm thanh cắt xén, lấy từ các băng đĩa nhạc đã có sẵn (thường là nổi tiếng). Ngôn từ bình dân, sống sượng, đường phố, nhiều khi tục tĩu, lập đi lập lại.... cho thấy đầu óc ấu trĩ, thấp kém, chả có giá trị văn hóa.
Thật ra, rap là một hình thức nghệ thuật của thời hậu hiện đại. Hậu hiện đai là một hiện tượng rất phức tạp mà mỹ học của nó không thể tóm gọn chính xác. Tuy nhiên, có thể nêu vài nét chính hoàn toàn thách thức mỹ học truyền thống; và muốn hiểu rap cần phải đặt nó trong bối cảnh này:
Tính địa phương và thời đại, hơn là tính phổ quát và vĩnh cửu của nghệ thuật.
Hình thức và truyền đạt của rap là chiếm đoạt: chọn lựa và kết hợp các phần của những bài hát đã sẵn có trên băng đĩa để tạo kết quả thu âm thành soundtrack (dải ghi âm) "mới", làm nền cho lời rap. Nội dung lời rap thường là vừa khen tài của DJ (Disc Jockey = người chọn đĩa và cắt xén âm thanh) đã tạo nền nhạc thích nghi, vừa khoe tài của rapper (gọi là MC = Master of Ceremonies) đã tạo lời có vần có điệu. Rapper cũng thường tự khoe khả năng làm tình, thành công thương mại, tài sản đáng kể..., nhưng chúng chỉ là thứ yếu, cái chính là tài ăn nói linh hoạt, nhạy bén của rapper.
Người ngoài thấy khó hiểu ở chỗ dân da đen tôn sùng quá đáng tài ăn nói, không biết rằng đó là truyền thống của Tây Phi: tài ăn nói tạo được quyền lực, được nể trọng trong xã hội; và truyền thống này được duy trì tại Tân Thế Giới qua những thi tài ăn nói diễn ra thường xuyên.
Tiếng Anh da đen có những phức tạp: đa nghĩa, đảo nghĩa, hàm hồ, giản dị giả vờ, chế nhạo kín đáo.... che mắt thính giả da trắng, khiến họ tưởng là tâầm phào, phiến diện, lai căng. Với da đen đó là Thơ (Poetry hay Poem trong cụm chữ RAP) mà tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ thấy được những tinh tế ngôn ngữ đặc sắc, có thể sánh với tác phẩm mở của bất cứ nghệ thuật cao cấp nào.
Rapper VN cũng có tài sử dụng vần điệu, chơi chữ, ẩn dụ… Ví dụ:
- người nghĩa là nhân, khi vấp ngã thì biết nhẫn (chữ nhân có dấu ngã là nhẫn)
- đường đời lúc lên lúc xuống vì cuộc sống là lầm than (đường đời chỉ thực tế cuộc đời)
- bình yên chỉ đến khi nào đường đời là một đường nằm ngang (đường đời chỉ đường điện tâm đồ). Hai câu cũng có vần với nhau (than / ngang)
Mặt khác tương tự, các phách điệu đặc thù có thể có nguồn gốc từ tiết điệu của rừng rú châu Phi và đã được nhạc jazz, rock, disco.... dung nạp. Hip hop ra đời thời đại disco giữa thập niên 70 tại khu nghèo da đen ở New York (Bronx, Harlem rồi Brooklyn). Nó chiếm đoạt kỹ thuật và âm thanh của disco. Nhưng không như jazz giai đoạn đầu mượn giai điệu, câu nhạc của ca khúc, đem trình diễn biến đổi (nghĩa là vẫn nằm trong một thể loại quy ước), hip hop vay mượn, pha trộn các trình diễn có sẵn, tạo cụ thể một kiểu nhạc mới lạ, không đòi hỏi kỹ năng âm nhạc (biết nhạc lý, biết chơi đàn...) mà chỉ cần biết sử dụng, thao tác thành thạo các máy móc ghi âm.
Hip hop không cần nhạc sĩ, chỉ cần DJ dùng thủ thuật cắt xén, pha trộn những âm thanh từ các băng đĩa, chắp nối các phách điệu sao cho chuyển đổi trơn tru, không làm gián đoạn dòng chảy của nhẩy nhót. Tóm lại hip hop thoạt đầu là nhạc nhẩy, cảm nhận qua chuyển động thân hình, không phải qua thính giác, diễn ra tại những trình diễn sống (tiệc tùng, lễ hội, trường học...), thiên hạ trầm trồ kỹ xảo của DJ, và khen ngợi cá tính, tài ăn nói của rapper, rồi sau đó hip hop mới trải rộng ra đường phố, cộng đồng, trình diễn xôm tụ....
Từ cắt xén các đĩa nhạc, hip hop phát triển 3 kỹ xảo, tạo nên một loại âm thanh mới lạ:
1/ scratch mixing: pha trộn, chồng đè âm thanh đĩa này trên đĩa kia trong khi đĩa đang quay, bằng thủ thuật cào xoa trên đĩa.
2/ punch phrasing: để pha trộn được hoàn hảo, DJ di chuyển tới lui kim máy quay trên câu nhạc đặc biệt (có các hợp âm hoặc đập trống) của đĩa này, nhằm tạo thêm tác dụng kích phát mạnh mẽ vào âm thanh của đĩa kia cũng đang quay.
3/ simple scratching: không nhất thiết trên câu nhạc đặc biệt nào, mà chỉ cọ quẹt, cào xoa tới lui thật nhanh trên đĩa - nhanh quá này làm âm nhạc được thu trên đĩa không thể cảm nhận rõ, mà chỉ thấy phát sinh âm thanh cọ quẹt, cào xoa xen vào các phách, tạo tác dụng đặc sắc về mặt âm nhạc, khiến gây kích động, phát cuồng. Thảo nào rap thường đi đôi với nhún nhẩy, múa máy chân tay, truyền cả sang thính giả.
Thủ thuật chiếm đoạt, biến đổi của rap xem ra cũng giống như bên hội họa. Duchamp vẽ thêm râu vào người đẹp Mona Lisa của L. da Vinci; Rauschenberg tẩy xóa tranh De Kooning; Picasso dùng yên xe đạp biến thành tác phẩm đầu bò.... Rap không chỉ cắt xén, pha trộn bài hát mà còn thuổng nhạc của cổ điển, các nước, TV, quảng cáo, điện tử, và dùng làm lời rap cả bản tin báo chí, diễn văn của M. L. King, Malcolm X.
By Marcel Duchamp and Francis Picabia (https://en.wikipedia.org/w/index.php?curid=58928767)
Thái độ rap công khai, và còn hãnh diện, thừa nhận chiếm đoạt, cắt xén tác phẩm của người khác, đã thách thức tính sáng tạo và độc đáo của tác phẩm nghệ thuật theo mỹ học truyền thống, cho rằng đó là sáng tạo đặc thù của tác giả với cá tính đặc biệt, và nếu các tác giả có chịu ảnh hưởng lẫn nhau thì cũng rất ít, không phải chiếm đoạt trắng trợn như rap. Tính sáng tạo độc đáo của nghệ thuật bị mất giá trị tuyệt đối. Rap cho rằng vay mượn và sáng tạo có thể đi đôi, giống như nhiều tái chế của các nghệ thuật khác thời hậu hiện đại (vd. thời trang).
Rap không tôn trọng tính thống nhất và toàn vẹn của tác phẩm. Rap thích thú cắt dán, giải cấu nghệ thuật, phá hủy cái cũ để tạo cái mới, lập đi lập lại quá trình này, và không bao giờ có tác phẩm cuối cùng. Rap tạo nên những tác phẩm mở, ngược hẳn với thói quen thường đặt lên bệ tác phẩm được coi như tuyệt đối, không được xâm phạm.
Rap không nhìn tác phẩm như một cái gì vĩ đại, phổ quát, vĩnh cửu, mà coi chúng là vô thường, biến đổi theo hiện thực cụ thể là cuộc sống hàng ngày. Vậy mà triết gia thường đánh đồng thực thể với vĩnh cửu, thường hằng, mặc nhiên cho rằng tác phẩm có giá trị khi chịu được thử thách của thời gian, nhưng không thể chứng minh; và thiên hạ cứ nhắm mắt tin theo. Tuy nhiên, hip hop phát triển rộng khắp về sau nhờ phương tiện truyền thông tiến bộ, rap cũng nói đến các chủ đề lớn như, bất công, áp bức, nhân quyền và tệ nạn xã hội.....
Trên đây rap được bàn đến chủ yếu về mặt nghệ thuật. Rap xuất thân từ kỹ thuât (máy quay, đĩa nhạc, loa...) và sau này phát triển mạnh mẽ rộng rãi nhờ các kỹ thuật âm thanh tiến bộ được sử dụng ngoài kiểu máy quay và đĩa ban đầu. Cũng như phải kể đến công của các nhà sản xuất muốn đạt lợi tức tối đa, khuyến khích và tạo được thật đông đảo khối thính giả, người tiêu thụ, khiến có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, phát sinh lối sống, văn hóa hip hop, với các rapper triệu phú (vd. Kanye West) là mơ ước của nhiều da đen trẻ, cũng như lối sống đua đòi, xa hoa, muốn giầu nhanh, đã làm gia tăng tệ nạn xã hội sẵn có trong khu nghèo da đen (ban nhạc cạnh tranh có khi đổ máu, du đãng, gái điếm, ma túy...)
Thành thử, ngoài gây ác cảm về mặt nghệ thuật do thách thức các nguyên tắc của thẩm mỹ truyền thống như trên đã trình bầy, rap còn thuờng bị chỉ trích về mặt văn hóa xã hội:
Sau một thời kỳ phát triển rầm rộ, rap hiện nay đã không còn chiếm lĩnh sân khấu Mỹ như truớc, mặc dù toàn cầu rap vẫn ăn khách. Rap chiết trung, thu nạp hổ lốn mọi thứ của nơi khác, ít có phân biệt (vd. nhạc của các nuớc, nhạc bất cứ thời đại nào, dạng điện tử, games, TV....). Nhưng xét cho cùng rap cũng đóng góp vài cái mới: đĩa hát, bài nhạc có thể sử dụng vụn rời, không cần nguyên vẹn; và đặc biệt, máy quay đĩa đã không còn là công cụ mà trở thành một nhạc cụ đúng nghĩa, phát ra âm thanh mới lạ.
Qua nhiều kỹ xảo cào xoa đĩa, xê dịch kim máy (mà bài này chỉ sơ lược vài thủ thuật cơ bản) DJ đã kiến tạo và điều khiển âm thanh mới lạ trong thời gian thực; giống như một nhạc sĩ sử dụng nhạc cụ để tạo âm thanh trong thời gian thực. Cho nên nhiều DJ tự cho mình cũng là nhạc sĩ. Có lẽ những điểm sau đây đã khiến máy quay đĩa được coi như một nhạc cụ:
Nhờ hip hop máy quay đĩa cũng len lỏi được vào nhạc cổ điển. Để kết thúc bài này, xin mời độc giả thưởng thức tại link dưới đây:
Concerto for Turntables and Orchestra của Gabriel Prokofiev (cháu của nhạc sĩ Nga nổi tiếng Sergei Prokofiev) do DJ Switch trình diễn với The National Youth Orchestra để nhìn thấy cụ thể tài năng của một DJ hip hop.
Phạm Đức Thân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/amnhac/nhacrapvahiphop.htm