Trần Tiến Xuân
Một con tim, một khối tình dành cho âm nhạc
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nhạc sĩ Minh Quang, Nhạc sĩ Quốc Dũng
Cùng ban nhạc với Quốc Dũng, Lê Hựu Hà... Vào những năm 1980.
Sau bao tháng năm qua đi, hai người bạn đồng nghiệp và cũng là những người Anh đúng nghĩa Lê Hựu Hà - Quốc Dũng đã ra đi... nhưng nghệ sĩ chơi đàn ghi-ta bass Minh Quang vẫn cuồng nhiệt với cây đàn như thủa ban đầu.
Một ngày đông với cái lạnh se buốt, tôi tình cờ gặp Minh Quang nơi vùng đất thấp, một xứ sở nhỏ bé, hiền hoà đầy nhân bản. Qua ánh mắt, qua nụ cười tôi cảm nhận được dường như trong sâu thẳm người đàn ông này chất chứa đầy nỗi niềm... Bản tính hài hoà, cởi mở lịch thiệp theo thói quen hàng ngày tiếp xúc với khách hàng tôi đã tạo cho Minh Quang một ngày một gần gũi, thân thiết với tôi hơn.
Từ đó mỗi tâm giao nảy sinh giữa tôi và Minh Quang... Được biết Minh Quang là một tay đàn bass có một không hai trên nền trời âm nhạc Việt Nam, và cũng là một nhạc sĩ tài ba có nhiều sáng tác với nhiều bút hiệu... Nổi bật là tác phẩm TÌM VỀ CHỐN CŨ với bút hiệu ĐẶNG QUANG VỸ, tác phẩm đã được trung tâm Thúy Nga Paris by Night 60 – THẤT TÌNH chọn làm nhạc phẩm này mở màn cho chương trình.
Nhạc sĩ Minh Quang tâm sự: “Cây đàn ghi-ta vốn quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng thích đánh đàn ghi-ta bass. Số là ôm đàn dạo vài câu, đệm hát, biểu diễn độc tấu... lại không phải là sở trường của người chơi ghi-ta bass, Minh Quang chỉ là người đệm cho các ban nhạc và các ca sĩ. Trong cả ngàn người học và chơi đàn ghi-ta, thì họa chăng có một vài người chuyên về cây đàn trầm bass. Minh Quang đem đến cho ba mẹ một sự thất vọng, đó là khi Minh Quang vác về nhà một cây đàn bass - Minh Quang, biệt danh Quang “bass”, Quang “bờm” vì có thời Minh Quang để tóc dài như bờm ngựa. Gia đình Minh Quang kinh tế cũng khá giả, ba mẹ Minh Quang đều muốn Minh Quang thành thương gia, kỹ sư, bác sĩ. Khi thấy Minh Quang mười mấy tuổi cứ ôm đàn lang thang chỗ này chỗ kia, cả nhà đều lo lắng, ăn ngủ không yên. Nhưng rồi ba mẹ cũng hiểu tình yêu âm nhạc trong Minh Quang quá lớn, nên không đành ngăn cấm Minh Quang nữa.
Trước năm 1975, nhạc Rock tại Miền Nam Việt Nam phát triển rất mạnh. Nhưng rồi sau đó, biến cố 30.04.1975 Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam cho rằng âm nhạc của Mỹ và phương Tây là đồi trụy, cần phải ngăn cấm. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng kể: “Sau năm 1975, người nhạc sĩ tài ba Nguyễn Ánh 9 được điều đi làm công nhân, vì các vũ trường, tụ điểm đóng cửa hết.” Mãi đến khi du lịch mở cửa trở lại họ mới nhớ Nguyễn Ánh 9 đi tìm mời chơi piano trong khách sạn”.
Lớn lên sau năm 1975, Minh Quang học đàn ghi-ta bass từ người thầy Lý Được. Những năm 1980, cuộc sống và văn hóa Sài Gòn có phần nào được nới rộng một chút. Các tụ điểm âm nhạc bắt đầu được hoạt động trở lại. Nhạc Rock được tái sinh, song với hình thức khác, ca ngợi cuộc sống lao động trên các nông trường, mỏ dầu... Những bản nhạc Rock ngoại rất hiếm khi được biểu diễn... Minh Quang còn nhớ mãi chuyến đi biểu diễn ở nhà máy thuỷ điện Trị An, xe cộ nghệ sĩ lấm lem khói than, nhưng khán giả vô cùng náo nhiệt.
Cuộc sống tại Sài Gòn có nhiều thay đổi vào những năm 1980, khi phong trào nhạc Rock được khôi phục, không khí rất sôi nổi, niềm vui và tiếng cười tràn ngập khắp nơi. Minh Quang chơi trong ban nhạc gồm những tên tuổi lớn của phong trào âm nhạc bấy giờ như Quốc Dũng, Lê Hựu Hà... mỗi người một phong cách khác nhau, người thì khúc chiết, chặt chẽ, người thì cảm xúc, lãng mạn. Lê Hựu Hà và Quốc Dũng sáng tác, phối khí tổ chức rất nhiều chương trình âm nhạc, và Minh Quang là người chơi rất nhiều chương trình của họ mỗi tuần. Minh Quang thường đệm cho các ca sĩ như Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Bích, Đình Văn, Cẩm Vân…
Có một điều bây giờ khó ai tưởng tượng, thời điểm những năm đổi mới ấy... ban nhạc thường biểu diễn âm nhạc vào ban ngày. Các tụ điểm âm nhạc giải trí được mở ra ồ ạt, nhưng chưa hoạt động nhiều vào ban đêm mà chủ yếu mở cửa vào ban ngày. Khán giả tới xem rất đông. Trời Sài Gòn nắng chang chang, mỗi ngày ban nhạc chạy sô tới mấy tụ điểm... Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới lại biểu diễn âm nhạc vào buổi trưa, buổi chiều như Sài Gòn những năm 1980. Cuộc sống những năm tháng ấy cũng khá phức tạp, nhiều người đã tìm đường vượt biên, không ít bạn bè Minh Quang đã rời Việt Nam.
Minh Quang là một trong số tay đàn ghi-ta bass hiếm hoi từng chơi nhạc những năm 1980 mà hiện vẫn chơi nhạc được thường xuyên. Lê Hựu Hà, Quốc Dũng đã qua đời... nhiều người theo đuổi nghiệp âm nhạc nhưng chuyển sang sáng tác phối khí.
Minh Quang có 18 năm liên tục chơi nhạc tại phòng trà Ân Nam mỗi tối. Ân Nam là một phòng trà nhạc xưa chất lượng tại Sài Gòn do Minh Quang biên tập âm nhạc và Minh Quang cũng là trưởng ban nhạc. Nhiều ca sĩ đã thành danh tại đây như Thuỵ Long, Thiên Kim, Thuỳ Dương, Khắc Dũng ...
Nhớ lại bạn bè một thủa, Minh Quang nói: “Thời của chúng tôi không có ai là ngôi sao cả. Các ca sĩ nổi tiếng như Lưu Bích hay Nhã Phương thì cát-sê cũng không cao hơn anh em ban nhạc là bao nhiêu. Không có ai là ngôi sao. Mọi người sống với nhau chia ngọt sẻ bùi, trân quý nhau bởi tình yêu âm nhạc, bởi tài năng.”
Minh Quang nghe nhiều, học nhiều. Trước kia Minh Quang gửi bạn bè đi nước ngoài mua đĩa về nghe học, nay tải trên mạng internet về nghiên cứu. Minh Quang không ngần ngại liên lạc bạn bè người quen nhờ giải đáp thắc mắc, tìm đến các nhạc sĩ tên tuổi để học hỏi. Minh Quang thường đến các tiệm đàn cũ, có hôm ôm đàn ngồi một mình ngoài công viên Tao Đàn…
Minh Quang thường đội mũ khi lên sân khấu với cây đàn, mái tóc “bờm ngựa” của Minh Quang theo thời gian đã vơi đi ít nhiều. Nhưng lòng của Minh Quang khắc ghi những nốt nhạc của một người hát rong. Trên một chuyến xe, Minh Quang vô tình nghe tiếng đàn sáo của một người hát rong chơi đệm Bolero. Minh Quang sững sờ, thán phục. Tất cả những người nghe hôm ấy đều tán thưởng cách đệm đàn của người hát rong. Trở về phòng tập nhạc, Minh Quang đem những câu nhạc của người hát rong vào tác phẩm... Dĩ nhiên, chúng được anh chỉnh sửa cho phù hợp với từng tác phẩm. Mọi người thấy hay và hỏi Quang: “Quang học câu bass này ở đâu mà hay thế?”
Một đời lăn lộn với cây đàn, với những tác phẩm kinh điển của thế giới, nhưng khi chơi nhạc điệu Bolero, Minh Quang lại nhớ đến người hát rong năm nào. Minh Quang lại tự hỏi mình: “Ta đã chơi nhạc như một người hát rong mà cả đời sống với cây đàn hay chưa?”
Minh Quang thường đưa tôi xem những tấm hình về đời sống văn nghệ thập niên 80, nhưng Minh Quang không phải người sống với hoài niệm. Minh Quang mở kênh Youtube dạy ghi-ta bass miễn phí cho các bạn trẻ không ngoài mục đích đào tạo lớp trẻ cho ngày mai. Sáng sớm, Minh Quang trả lời các câu hỏi, hướng dẫn chơi ghi-ta, quay hình đưa lên mạng xã hội, chỉ dẫn kỹ thuật đánh đàn, đệm hát. Minh Quang bắt đầu ngày mới vào lúc 10 giờ sáng, và sau khi xong xuôi chương trình dạy nhạc, Minh Quang thường có thói quen pha một ly cà phê nhâm nhi, suy tư đến phương pháp kỹ thuật chơi đàn ghi-ta, cách phối trí hoà âm cho những sáng tác một ngày một thăng hoa.
Một clip dạy về kỹ thuật cơ bản đàn ghi-ta bass của Minh Quang có tới 27.000 lượt xem, bài hướng dẫn chơi điệu Bolero có 30.000 lượt xem, hướng dẫn chơi điệu Chachacha có 72.000 lượt xem... Nhiều bạn trẻ không chỉ xem clip để giải trí mà còn tập theo, áp dụng trong chơi nhạc biểu diễn.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, tay kèn Jazz Saxophone nổi tiếng của Việt Nam nhận xét: "Minh Quang là một trong những nhạc sĩ ghi-ta bass hàng đầu của Việt Nam. Minh Quang có những kỹ thuật rất điêu luyện, mẫu mực cho lớp trẻ học hỏi.” |
---|
Hiện nay Minh Quang sinh sống tại Hoà Lan. Có lần Minh Quang tâm sự với tôi: “Anh Xuân! Em muốn cống hiến hết khả năng âm nhạc cho cộng đồng Hoà Lan nơi em sinh sống. Em không tài ba xuất chúng hơn người nhưng em có : “MỘT CON TIM, MỘT KHỐI TÌNH DÀNH CHO ÂM NHẠC.” Tôi khẽ bảo Minh Quang: “Con tim có lý lẽ riêng, và chính cái lý lẽ đó em đã làm nên chuyện không tưởng...!”
Tôi đưa Minh Quang đến với ban nhạc Mây Hồng, một ban nhạc đã khăng khít với cộng đồng Việt Nam tại Hoà Lan trong nhiều năm. Niềm vui trên nét mặt Minh Quang đã trở lại sau ba năm xa cách Sài Gòn nơi Minh Quang có đầy một trời kỷ niệm với tình yêu âm nhạc. Một hôm, Minh Quang khoe với tôi như mắt đền: “Anh Xuân! Em đã đầu tư gần hết 500 Euro để mua sound đàn chơi cho ban nhạc Mây Hồng…” Tôi khẽ mỉm cười, vì biết rằng niềm đam mê vẫn còn cháy rực trong con tim người nghệ sĩ tài ba Minh Quang đã một thời làm mưa làm gió trên nền trời âm nhạc Việt Nam.
*** Những show diễn với sự cộng tác của nghệ sĩ Minh Quang cho ban nhạc Mây Hồng
lần đầu tiên dành cho Cộng Đồng Việt Nam tại Hoà Lan:
Trân trọng kính mời quý đồng hương đến tham dự đông đủ, thưởng thức và đón nhận thêm một tài năng mới trong Cộng Đồng chúng ta.
- Mong lắm thay -
Trần Tiến Xuân
27 Tháng mười một, 2023
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/amnhac/motcontimmotkhoitinh.html