Nguyễn Quyết Thắng


Kỷ niệm không rời với Huynh trưởng Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ

Huynh trưởng Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ  (trái) và nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Quyết Thắng (phải)

Giữa lúc cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang đến hồi căng thẳng, các nước Tây Âu cùng Mỹ yểm trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Nga cũng mang vũ khí tối tân của mình đến vùng giao tranh đối đầu. Mọi sự việc đã làm loài người lo lắng cho một tương lai không còn được bình yên hạnh phúc. Tin Israel và Palestine lại xung đột, tiếp đến chuyện động đất cấp 7 xẩy đến cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã vùi lấp bao sinh mạng dưới đống gạch vụn sụp đổ cùng trong một ngày. Và bất ngờ tôi nhận được hung tin anh Hoàng Ngọc Tuệ bệnh nặng chắc không qua khỏi. Lòng buồn vô hạn, thẫn thờ tôi đến ngồi giữa quảng trường Dam của thủ đô Amsterdam, nhìn những đợt người qua lại, mà đầu óc ẩn hiện hình ảnh người anh khả kính cựu chủ tịch Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ với những kỷ niệm chập chờn lẩn quẩn.

Năm 1965, tôi được nghe vài ca khúc của Nguyễn Đức Quang trên radio, tôi bị mê hoặc bởi những ca khúc như Anh Em Tôi, Chuyện Quê Ta, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, tôi nhất định phải tìm cho bằng được những ca khúc này và được biết những ca khúc đó phát xuất từ đoàn Thanh Ca Tác Động thuộc Bộ Thanh Niên và Thông Tin Giáo Dục VNCH tổ chức. Tôi đã liên lạc với Ty Thông Tin tỉnh Darlac nơi tôi ở để xin gia nhập đoàn, trong thời gian này tôi chỉ biết liên lạc với văn phòng của Ty Thanh Niên mà thôi.

Đến 1966, năm sau, tôi nhận được thư của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang từ Sài Gòn gởi về cho biết từ nay đoàn Thanh Ca Tác Động được đổi tên thành Phong Trào Du Ca Việt Nam.

Một buổi đại hội Du Ca toàn quốc năm 1967 được nhóm họp tại khuôn viên trường Đại Học Văn Khoa cũ trên đường Nguyễn Du Sài Gòn quy tụ trên 20 đoàn toán của các tỉnh miền Nam tham dự, 2 nhân vật quan trọng nhất đã được bầu lên: Chủ tịch là Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ và trưởng xưởng là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Từ Banmethuot, tôi thường liên lạc với anh Tuệ và anh Quang qua thư từ, trụ sở của Phong Trào được đặt tại số 114 Sương Nguyệt Ánh Sài Gòn, đó cũng chính là tư gia của anh Hoàng Ngọc Tuệ, phía sau nhà là nơi trú ngụ tạm thời của nhóm Trầm Ca đến từ trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt gồm các anh Quang, Thảo, Văn, Châu và Lĩnh.

Đến với trụ sở Phong Trào là tôi đến thẳng phía sau để hy vọng được gặp trực tiếp anh Nguyễn Đức Quang bởi tôi rất thích được nói chuyện về âm nhạc với anh ấy, nhưng đa phần, tôi chỉ gặp được anh Trần Trọng Thảo, những người khác thường hay vắng nhà. Cũng nhờ thế, có lần tôi đã thắc mắc hỏi anh Thảo:

– Tại sao đoàn Thanh Ca Tác Động lại đổi tên thành Phong Trào Du Ca Việt Nam?

Anh Thảo cho biết:

– Do bởi anh Hoàng Ngọc Tuệ lúc đó đang là một viên chức của Tổng Nha Thanh Niên, muốn đẩy mạnh đường hướng sinh hoạt văn nghệ có tác dụng sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ, có ảnh hưởng tốt cho dân tộc Việt Nam, nên đã vận động bộ Thanh Niên yểm trợ cho nhóm Thanh Ca Tác Động này. Nhưng sau Bộ Thanh Niên đã đưa ra chỉ tiêu và đường hướng hoạt động mà đoàn phải thực hiện theo nguyên tắc và chỉ thị của Bộ.

Việc này đã làm phật ý anh Tuệ dẫn đến việc anh Tuệ đã xin từ chức trở về dân sự và tự mở nhà thuốc tây kiếm sống, anh ra sức ủng hộ sinh hoạt phóng khoáng của ban Trầm Ca đã thực hiện Phong Trào Du Ca Việt Nam sinh hoạt độc lập không nương tựa và lệ thuộc vào một tổ chức nào khác. Tuy vậy đến năm 1969 Phong Trào cũng đã được Bộ Thanh Niên cấp giấy phép chính thức hoạt động trên toàn miền Nam VN.

Nghe anh Thảo kể lại, tôi rất thán phục và quý mến anh Hoàng Ngọc Tuệ vô cùng.

Nhớ lại một ngày của năm 1972, tôi từ Banmethuot về Sài gòn, ghé qua trụ sở Du Ca, cũng vẫn địa chỉ cũ 114 Sương Nguyệt Ánh SG, gặp anh Tuệ ra mở cửa, anh nói:

– Ô, Thắng mới đến hả, anh Quang đang sửa soạn thâu băng trên lầu đó, em lên đây với anh.

Tôi theo anh lên một căn phòng trên lầu, trong phòng anh Nguyễn Đức Quang đang ngồi ôm đàn dạo nhạc, và trước mặt là một máy thâu băng, có lẽ cũng do anh Tuệ điều khiển, nhấn nút để thâu âm. Anh Tuệ lấy mấy tấm drap nệm nhét kín khe hở của khung cửa sổ, không cho âm thanh ồn ào của xe cộ, còi bấm ngoài đường không bị lọt vào khi đang thâu băng. Tôi cũng phụ anh một tay, thấy khuôn mặt anh thật rạng rỡ, hứng thú với công việc đang làm của mình. Nhìn anh, tôi không thấy một vẻ nghệ sĩ gì ở anh cả, anh có biết hát hay không? Hay chỉ biết chỉ đạo và lập trình kế hoạch? Nhưng chắc chắn anh phải thích văn nghệ cộng đồng lắm mới có thể sinh hoạt và được bầu làm chủ tịch Phong trào Du Ca được. Hôm nay trong căn phòng thâu băng “dã chiến” này, anh lại trở thành chuyên viên kỹ thuật thâu âm, thực hiện băng nhạc Du Ca nữa, tôi cảm thấy cũng vui lây. Hỏi ra mới biết những bản nhạc khác đều thâu trong phòng thâu chuyên nghiệp với dàn nhạc cụ đầy đủ, riêng bản nhạc này anh Quang tự đàn guitar tự hát đó là bản: Chiều Qua Tuy Hòa, một bài trong băng nhạc Du Ca 1 được phát hành trong dịp đại hội Du Ca toàn quốc tại Sài Gòn năm 1972.

Anh cười hỏi tôi:

– Thắng muốn đóng góp bao nhiêu cổ phần cho băng nhạc này? …

Năm 1972, năm của sinh hoạt Du Ca được lan rộng khắp miền Nam, nhiều nhóm văn nghệ đã cùng xin gia nhập Phong Trào Du Ca, và Du Ca bỗng có những lối sinh hoạt và hình thức khác nhau. Năm đó tôi được bầu làm Trưởng Đơn Vị Du Ca Sài Gòn. Tôi trình bầy với anh Tuệ về những khó khăn gặp phải trong việc hướng dẫn các toàn Du Ca của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - cùng những vùng quanh tỉnh, kể về những sinh hoạt cá biệt của từng toán và tìm phương án cho các toán cùng quay về một hướng. Anh Tuệ đã dặn dò tôi rất tỷ mỷ với những kinh nghiệm của anh và những lối giải quyết mềm dẻo. Anh photocopy cho tôi một mớ tài liệu của phong trào gồm: Nội Quy, 7 Nền Móng Du Ca… để phát cho các toán tìm hiểu học hỏi, anh nói “Trong giai đoạn này, sinh hoạt cách nào cũng được, nhưng phải ráng giữ vững đường lối và nền tảng của Du Ca nguyên thủy là được rồi”. Tuy nhiên về Nội Quy tôi phải uyển chuyển theo từng địa phương để thay đổi cho phù hợp.

Thời gian trôi qua, tôi trở về quê cũ ở Banmethuot sinh sống, rồi thời cuộc thay đổi và chiến cuộc 1975 ập đến, người còn người mất, anh em thất lạc tin tức của nhau, kẻ ở người đi và sinh hoạt Du Ca cũng như các đoàn thể thanh niên khác đã phải ngưng hoạt động, làn sóng vượt biển vẫn ào ạt không ngưng. Năm 1980 tôi trở lại Sài Gòn và tìm đến các anh chị em bằng hữu Du Ca viên rủ nhau cùng tìm đường vượt biên, đa số đã rời VN từ những ngày đầu thay đổi cuộc diện, dò theo những tin của anh em còn lại, tôi tìm được anh Trầm Tử Thiêng đang ẩn dật ở một nơi kín đáo sau những lần vượt biên thất bại, anh Trần Trọng Thảo, anh Hoàng Kim Châu, anh Phạm Tuấn Ngọc vẫn còn ở địa chỉ cũ, và anh chị Hoàng Ngọc Tuệ đã không còn ở 114 Sương Nguyệt Ánh và đã rời về “Hoàng Gia Trang”, một nương trại ngoại ô Sài Gòn, đến đây mới biết hiện anh làm tài xế xe đò bất đắc dĩ và chị Tuệ là “lơ xe” cho anh, anh chị còn tự sản xuất xà phòng đem đi bán, tạo ngân sách gia đình nuôi một đàn con khá đông. Tất cả hầu như khá mệt mỏi sau nhiều lần vượt biển không thành, và đang chờ đợi một thời cơ chín chắn hơn…

Mãi đến năm 1995, nhân dịp tôi từ vùng đất định cư Hòa Lan bay sang Cali thăm gia đình, tìm kiếm anh chị em Du Ca cũ đang sống tại đây. Một buổi sinh hoạt văn nghệ được nẩy sinh, kỷ niệm 30 năm phong trào hát cộng đồng mang tên “Hát Để Nhớ Đời” cũng là tựa đề bản nhạc của anh Trần Đình Quân (cựu đoàn trưởng Du Ca Đà Nẵng, anh đang bị bệnh Alzheimer). Trong dịp này Phong Trào Du Ca VN lại bùng lên sau những buổi họp mặt, hội thảo, đóng góp ý kiến với nhau thật hào hứng.

Anh chị Tuệ đã mời vợ chồng tôi đến ngụ nhà riêng của anh đôi ngày, tôi đã có dịp trình bầy khá nhiều về sự sinh hoạt mạnh mẽ của đoàn Du Ca Hòa Lan do tôi phụ trách, không những đã mang tiếng hát Du Ca đến riêng đồng hương tại đây mà còn giới thiệu phổ biến dòng nhạc Du Ca đến nhiều nước lân cận tại Châu Âu nơi có người Việt sinh sống.

Anh Tuệ nói:

– Đấy chính là một thúc đẩy mạnh mẽ đến các huynh trưởng Du Ca còn sót lại phải lưu tâm hơn. Đó chính là một khích lệ cho người Việt tỵ nạn ở các nước khác trên thế giới cùng tạo ra những toán Du Ca mới. Thắng đang nhen nhúm ngọn lửa Du Ca, hãy luôn vun sáng và bảo vệ ngọn lửa này để làm gương.

Lời nói của anh đã giao cho tôi một trách nhiệm cao cả. Anh Nguyễn Đức Quang cũng đồng ý quyết định giao cho tôi trách nhiệm thực hiện một trang Web cho Phong Trào Du Ca Việt Nam để làm mối dây liên lạc mọi nơi. Trong khả năng quá ít ỏi về kỹ thuật điện tử và sự hạn hẹp tài liệu của Phong Trào đã bị thất lạc, tôi cố gắng tìm cách chu toàn.

Tìm lại được toàn bộ những ca khúc của Du Ca đã là khó, mà khó hơn nữa là tìm được tiểu sử cá nhân các Du Ca Viên cũ mới. Tôi đã cố gắng và truy cập được khá đầy đủ tiểu sử cá nhân của các huynh trưởng Du Ca ngoại trừ anh Hoàng Ngọc Tuệ, tôi đã gọi điện thoại, viết mail khá nhiều lần đến anh, để xin anh gởi cho tiểu sử của mình, hầu điền vào danh sách tiểu sử các Du Ca Viên. Thế nhưng cho đến nay tôi vẫn hoàn toàn thất vọng với sự khép kín cá nhân của anh, dò hỏi tìm kiếm mãi cũng chỉ biết Hoàng Ngọc Tuệ – dược sỹ – sinh ngày 21-08-1932 thế thôi. Tôn trọng sở hữu cá nhân tôi không hỏi thêm nữa, nhưng trong lòng có ý giận anh lắm.

Lần cuối cùng gặp anh vào tháng giêng 2019 trong đêm văn nghệ Du Ca Ban Mê tại phòng sinh hoạt báo Người Việt Cali, anh đem đến cho tôi một số tuyển tập nhạc của anh Nguyễn Đức Quang bảo là làm tài liệu sinh hoạt và phổ biến theo ý muốn của tôi, và không quên nhắc nhở: “Phong Trào Du Ca Việt Nam là một đoàn thể hoạt động về văn nghệ phục vụ cộng đồng,văn nghệ cộng đồng là hình thức văn nghệ trong đó cả người nghe lẫn người hát đều cộng tác với nhau. Loại văn nghệ này có mục đích tác động tinh thần và cảm hóa người nghe hơn là ru ngủ, để tất cả cùng ý thức và phục vụ cho cộng đồng…”

Hỏi thăm sức khỏe của nhau, anh biết tôi cũng hay bị đau khớp chân, mất ngủ và nhức đầu thường xuyên.

Hôm sau hẹn gặp nhau tại văn phòng tòa soạn báo Người Việt, anh đem đến một máy đo áp huyết nhỏ và bảo tôi đưa cổ tay cho anh đo mạch. Xong anh tự đo mạch tay của anh để so sánh và nói với tôi: “Thắng có chiều hướng bị cao máu, các ông Du Ca chỉ biết lo công việc mà không lo cho bản thân, đa số không ai bước nổi qua tuổi 70, tệ quá. Thắng uống tạm thuốc này đây, nó hiền lắm, muốn ngưng lúc nào cũng được không tác hại gì, sau khi trở về Hòa Lan, hãy xin đi khám lại và lấy quyết định chính thức của Bác sỹ. ”

Anh tặng tôi máy đo áp huyết mới tinh đó, một lọ thuốc cao huyết áp, một lọ thuốc glucosamine trị khớp xương và dặn tôi phải tự để ý gìn giữ sức khỏe.

Chuyện gì đến rồi sẽ phải đến. Có lẽ người đàn anh lớn tuổi nhất, vị huynh trưởng đã gắn bó với tôi lâu dài nhất rồi cũng sắp ra đi. Anh sẽ gặp lại được các bậc đàn anh đã ra đi từ trước, lại sẽ cùng nhau quây quần hát nhạc Du Ca nơi chốn vô thường ấy. Để lại cho tôi một sự tiếc nuối, một đơn độc với hành trình anh đã giao phó, quả thật quá khó khăn, không biết anh có hiểu cho không?

Từ khung trời Âu xa xôi này, xin chắp bàn tay nguyện cầu hướng về anh.

   

Du Ca Fa Thăng - Nguyễn Quyết Thắng
(viết trước ngày anh mất 16-06-2024)

_____

Nghe nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang hát Chiều Qua Tuy Hòa

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/amnhac/kyniemkhongroi.html


Cái Đình - 2024