Tuấn Khanh
Hiện tượng “Đệ Nhất Tuyệt Phẩm” trong âm nhạc Việt
Có thể nói thời kỳ rực rỡ nhất của âm nhạc Việt Nam là 1954-1975,
ngụ ý về giai đoạn ra đời những bài tình ca độc đáo, nhiều bản sắc mới lạ và cấu tứ,
làm nên một phong thái rực rỡ của đời sống văn hóa Việt Nam.
Dù trải qua bao nhiêu năm nữa, đó vẫn là một dấu ấn rất đặc biệt. Giai đoạn này không chỉ xuất hiện những nhạc sĩ tài danh về sáng tác, về ngôn từ, cũng như đột phá phong cách, mà đáng ghi nhận còn là sự xuất hiện liên tục các tác phẩm thuộc hiện tượng One Hit Wonder.
One Hit Wonder – tạm dịch là hiện tượng “Đệ Nhất Tuyệt Phẩm” – hàm ý đến việc một nhạc sĩ trở nên cực kỳ nổi tiếng chỉ nhờ vào việc bùng lên một tác phẩm. Người có One Hit Wonder – tức có tuyệt phẩm được nhiều người biết đến lâu dài – là nhạc sĩ mà tên tuổi của họ gắn liền vào bài hát thành danh đến mức khán giả gần như không nhớ đến những sáng tác khác của họ.
Trong lịch sử âm nhạc thế giới, vào thời điểm nào, ngành ghi âm và biểu diễn cũng chứng kiến các bản hit. Không phải nghệ sĩ nào hay ban nhạc nào cũng tài danh đến mức mọi bài hát đều thành công tuyệt đỉnh, mà có thể họ chỉ có một hoặc hai bản hit trong suốt sự nghiệp. Thậm chí những ngôi sao đỉnh cao thế giới có thể có vài trăm tác phẩm nổi tiếng, nhưng may ra, họ cũng chỉ có vài chục bài One Hit Wonder. Chẳng hạn nói đến Beatles, người ta vẫn luôn mở đầu trong trí nhớ bằng “Yesterday” hoặc “Let it be”. Hoặc nhẩm hát “The Sound of Silence” hay “Scarborough Fair” khi nhắc đến cặp nghệ sĩ Simon & Garfunkel.
Trong hơn 20 năm thịnh trị của nền âm nhạc tự do miền Nam Việt Nam, người ta nhìn thấy sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ lưu danh đặc biệt như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương… Những tác phẩm của họ dày đặc trên sóng phát thanh, truyền hình cũng như trên sân khấu biểu diễn. Họ cũng là thế hệ nhạc sĩ để lại nhiều Đệ Nhất Tuyệt Phẩm, góp phần tạo nên những nét đặc sắc không bút mực nào tả xiết. Một số bài hát của họ nổi tiếng đến mức người hâm mộ thuộc tựa bài, có thể hát ngâm nga đôi câu, nhưng không nhớ tác giả là ai.
Chỉ cần nhắc qua một vài bài hát, người yêu âm nhạc có thể hình dung ngay. Đó là những tác giả Nguyễn Minh Khôi (Cơn Mê Chiều), Thăng Long (Quen Nhau Trên Đường Về), Nhị Hà (Mẹ Tôi), Mạnh Quỳnh (Gõ Cửa), Đinh Miên Vũ (Sương Trắng Miền Quê Ngoại), Duy Quang (Kiếp Đam Mê), La Hối (Xuân Và Tuổi Trẻ), Anh Sơn (Nhà Anh Nhà Em)…
Hiện tượng One Hit Wonder có những yếu tố hình thành rất đặc biệt mà không phải xã hội nào, quốc gia nào cũng có được. Đầu tiên, Đệ Nhất Tuyệt Phẩm phải đi cùng với sự phát triển liên tục của âm nhạc trong xã hội, và đồng thời, đời sống âm nhạc phải được sống trong không khí của tự do sáng tạo. Chỉ với tự do sáng tạo mới có thể dẫn đến việc bùng phát nhiều đề tài, thể loại, hình thức mới lạ, thu hút khán thính giả.
Năm 2022, nhà nghiên cứu âm nhạc Justin M. Berg thuộc Đại học Stanford đã làm một phân tích trong nhiều năm để tìm ra các yếu tố dẫn đến One Hit Wonder. Ông biên soạn bộ dữ liệu với việc phân tích khoảng ba triệu bài hát được phát hành từ năm 1959 đến năm 2010 và xác định những bản hit lớn nhất. Sau đó, Berg sử dụng thuật toán do EchoNest phát triển để tìm ra đặc điểm của các bài thành công.
Các yếu tố tạo nên sự đón nhận của công chúng, bao gồm lối xếp đặt âm giai, nhịp độ và khả năng kích thích khán giả nhún nhảy theo bài hát là vài đặc điểm của One Hit Wonder. Sự mới mẻ dựa trên nền tảng những điều đang thịnh hành trong đời sống xã hội cũng là yếu tố quan trọng.
Ví dụ, theo nghiên cứu của Berg, trong bài “No Rain” của Blind Melon, việc chọn sử dụng âm thanh guitar soft-rock vốn rất phổ biến vào năm 1992 đã khiến bài hát kích thích trí nhớ và đưa nó trở thành One Hit Wonder.
Shania Twain là một ví dụ nữa về một nghệ sĩ sáng tạo phong cách country-pop tạo nên dòng âm nhạc khác biệt với những gì đang diễn ra vào thời điểm đó. Sự đổi mới đã khiến cô trở thành một biểu tượng và truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ đồng quê tiếp theo.
Tương tự như vậy chính là trường hợp của ban nhạc Phượng Hoàng. Những ca khúc của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang chứa đầy sự mới mẻ tương đồng như các ban nhạc phương Tây lúc ấy, với giai điệu rất mới lạ nhưng vẫn rất Việt Nam. Chẳng hạn bài “Tôi Muốn” của Lê Hựu Hà. Đó là một trong những ca khúc mà mỗi khi chơi, người ta buộc phải đánh giai điệu mở đầu soạn cùng bài thì mới hoàn thiện được không gian âm nhạc của ca khúc. Nó tương tự như “And I Love Her” (Beatles) hay “Gimme! Gimme!” (Abba) chẳng hạn.
Sự mới lạ đầy tính khai phá của ban Phượng Hoàng đã kích thích những nhạc sĩ vốn lừng danh cũng như những người sáng tác trẻ hơn đi theo dòng âm nhạc sáng tác mới, tạm gọi là polyphonic, khác với lối sáng tác cũ là monodic thời tiền chiến. Phạm Duy, Anh Bằng, Lam Phương cũng bước vào làn sóng này, cùng với những nhạc sĩ trẻ lúc đó, như Ngọc Chánh, Tùng Giang, Đức Huy…
Trong tập III hồi ký của mình, Phạm Duy viết về Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang: “Hai nhạc sĩ nòng cốt của ban nhạc trẻ Phượng Hoàng, trong thời kỳ này, đã soạn ra những ca khúc tôi cho là mới mẻ nhất. Với nhạc ngữ rất lạ, phù hợp với ban nhạc combo hơn là nhạc tiền chiến, những hợp khúc của họ hay không thua gì những bài hay nhất của nhạc rock Hoa Kỳ”.
Các nghiên cứu của giới học thuật âm nhạc còn tìm thấy yếu tố đặc biệt của sự xuất hiện các bản One Hit Wonder trong xã hội: Mạch chảy của đời sống. Nhìn lại miền Nam từ 1960 tới 1975, ai cũng thấy tồn tại một nền tảng xã hội khuyến khích người sáng tạo tự do, được công chúng lẫn hệ thống truyền thông rộng rãi đón nhận.
Trong một bối cảnh nhiều biến động và biến động liên tục bởi chiến tranh, những biến cố về chia cắt, đau thương, mất mát… được diễn đạt ở nhiều khía cạnh, đúng tâm trạng người dân lúc đó, đã khiến âm nhạc nhanh chóng trở thành tiếng nói chung của trái tim con người miền Nam, thay tiếng lòng để nói cho những người không thể cất tiếng.
“Cơn Mê Chiều” của Nguyễn Minh Khôi, đặc biệt qua tiếng hát Thái Thanh, là một ví dụ về một Đệ Nhất Tuyệt Phẩm nói giùm tâm tình của muôn dân Huế sau sự kiện tang tóc Mậu Thân 1968. Khi giai điệu “Cơn Mê Chiều” vang lên, dường như đó không phải là một ca khúc để thưởng thức mà là một âm trầm lặng lẽ về sự chia sẻ, chết lặng trước sự tàn bạo và đau thương của cuộc thảm sát tàn khốc.
Là một giáo sư ở Huế, tác giả Nguyễn Minh Khôi chỉ viết duy nhất hai ca khúc là “Huế Mù Sương” và “Cơn Mê Chiều”. Và số phận của bài “Cơn Mê Chiều” đã vượt lên tên của ông, vượt thời gian, trở thành một Đệ Nhất Tuyệt Phẩm, diễn đạt súc tích về lịch sử đất kinh đô thâm trầm, có những đứa con lớn khôn, bỗng quay lại đem gươm đao vào xóm làng.
Nhạc sĩ Nhị Hà với bài “Mẹ Tôi” cũng là một hiện tượng One Hit Wonder đặc biệt. Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh năm 1935 ở Quảng Bình, là người con thứ hai trong một gia đình có năm người con. Ông tốt nghiệp cử nhân giáo khoa xã hội, giáo khoa Anh văn và ngành Ứng dụng Khoa học Công nghệ ở Sài Gòn.
Những đề tài về mẹ trong văn học nghệ thuật Việt Nam luôn được chú ý nhưng không dễ đạt đến thành công để có thể lưu danh. Hình ảnh người mẹ được tạo ra phải thuyết phục được khán giả, bằng ngôn ngữ đẹp nhất nhưng phải chân thành nhất, và phải đúng với những gì mà đa số người Việt trải qua trong cuộc đời mình, trên đất nước với người mẹ chở che, bao bọc. Nhị Hà đã vượt qua mọi thách thức đó, và sáng tác nên “Mẹ Tôi”. Ca khúc đã trở thành một tâm ca muôn đời cho những ai muốn hát về mẹ, đứng cùng với những tuyệt phẩm bất tử khác về mẹ, như “Lòng Mẹ” (Y Vân), “Bà Mẹ Gio Linh” (Phạm Duy), “Gia tài của Mẹ” (Trịnh Công Sơn)…
Đã có vài cuộc thảo luận nhỏ giữa những người sưu tập âm nhạc ở Sài Gòn về những bài hát được gọi là One Hit Wonder – Đệ nhất tuyệt phẩm. Trong gần 21 năm ngắn ngủi hình thành và phát triển âm nhạc miền Nam Việt Nam, một danh sách cả trăm bài hát đã được ghi ra nhưng e rằng là chưa đủ. Khi nhìn lại, thực sự tất cả những ai đã sống qua thời vàng son đó, hay những người tiếc nuối và vẫn yêu mến gìn giữ nền âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa, thì thật không thể nào kìm nổi sự tự hào và hãnh diện về một giai đoạn mà đất nước của một thời tự do đã tạo nên những con người và những tác phẩm đứng mãi với thời gian.
Có một câu hỏi được đặt ra: One Hit Wonder khác biệt như thế nào với những ca khúc tồn tại trong các chế độ độc tài và kiểm duyệt? Đó là chế độ kiểm duyệt sử dụng hệ thống độc quyền để lặp đi lặp lại và nhồi vào đầu người nghe. Những tác phẩm loại này chỉ sống chừng nào chúng còn được nuôi bởi chế độ.
Khi chế độ không còn tồn tại, chúng biến mất. Còn với One Hit Wonder – Đệ nhất Tuyệt Phẩm, đó là thành quả của sáng tạo tự do và chọn lựa tự do. Tác phẩm được nhìn nhận tự nhiên và được thưởng thức trong một tâm thức không bị ràng buộc hoặc cưỡng ép. One Hit Wonder hôm nay là sự chạm đúng tình tự con người. Và ngày mai, nó là ký ức chân thành sống động, về một giai đoạn mà con người được tự do giãi bày, tự do đón nhận, tự do lựa chọn, để mang theo cho đến cuối đường.
Tuấn Khanh
Nguồn: Saigonnhonews.com, 13.02.2024
_____
Nghe vài “Đệ nhất tuyệt phẩm”, bản ghi âm trước 1975:
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/amnhac/hientuongdenhattuyetpham.html