Đỗ Bình


Hẹn một ngày về

.

Từ những thế kỷ trước người Việt đã có mặt trên đất Pháp vì nhiều lý do, dù cách quê hương hàng vạn dặm, xa lạ với văn hóa mới nhưng họ đã thích ứng hội nhập vào đời sống văn hóa bản xứ. Nỗi lòng người tha hương vẫn trăn trở, hy vọng có một ngày mang những kiến thức trí tuệ học hỏi được ở xứ người về phục vụ xứ sở quê hương. Những ước mơ đó đã trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau đến ngày nay vẫn không thành, người Việt vẫn bỏ nước ra đi nhiều hơn trở về!

Paris thủ đô ánh sáng, nơi giao lưu nhiều nền văn hóa của thế giới nên đã tiếp nhận nhiều sắc dân trong đó có một số người Việt đến ồ ạt từ sau biến cố năm 1975. Những sinh hoạt của cộng đồng người Việt rất sinh động nhộn nhịp kéo dài mãi đến hôm nay nhất là mặt văn hóa văn nghệ, như: hội thảo chuyên đề, ra mắt tác phẩm, triển lãm tranh, trình diễn nhạc thính phòng, văn nghệ giải trí, lễ hội…vv…Trong những buổi sinh hoạt đó xuất hiện một đôi nghệ sĩ là Phạm Đình Liên &Minh Cầm từ Grenoble về Paris định cư vào năm 1999. Trong cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris thực hiện năm 2017 ở trang 407 có giới thiệu một khuôn mặt văn hóa là GS TS Phạm Đình Liên.

Vài Nét Về Tiểu Sử và Sinh Hoạt của Phạm Đình Liên:

Ông sinh năm 1935 tại Huế (Trung Việt), trúng tuyển kỳ thi Học bổng Quốc-Trưởng Toàn quốc vào tháng 7 năm 1954 và được Chính-phủ gửi sang Pháp du học tại Paris bắt đầu từ niên-khóa 1954-1955. Đỗ bằng Tiến sĩ Đệ tam cấp (Doctorat 3e cycle) về Vật lý Hạt nhân và bằng Tiến sĩ Quốc gia Khoa học Vật lý (Doctorat d'Etat ès Sciences Physiques). Nguyên giáo sư tại Đại Học Minnesota (Hoa-kỳ) và tại Đại học Grenoble Pháp). Với 60 publications scientifiques có giá trị, Phạm Đình Liên được mời làm Hội-viên của Hội "Association Américaine pour le Progrès de la Science", một hội rất tiếng tăm ở Mỹ, do các Prix Nobel de Physique.

Những sáng tác :

Ngoài ra năm 2010, CD "Tình Khúc Tha Hương" đã được ra mắt tại Paris do sự cộng tác của ba nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên và Đỗ Bình.

Từ năm 1999, giáo sư Phạm Đình Liên về hưu và cùng với phu-nhân Minh-Cầm và bốn con sống tại Paris.

Làng văn nghệ Paris chào đón những tâm hồn đồng điệu. Năm 1999, do lời mời của Nữ nghệ sĩ GS Bích Thuận tại tư gia đã giới thiệu, tôi hân hạnh được quen biết ông bà GS Phạm Đình Liên và đã mời đến tham dự buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật do CLB Văn Hóa VN Paris tổ chức. Thoạt đầu tôi không hề biết ông bà còn là nghệ sĩ mà chỉ biết ngoài dạy học ông còn viết những bài nghiên cứu khoa học. Tôi đã mời ông bà tham gia vào CLB Văn Hóa VN Paris, ông bà nhận lời và từ đó trở thành những thành viên tích cực. Gần gũi thân thiết nhau anh chị Phạm Đình Liên &Minh Cầm không còn e dè, thỉnh thoảng góp mặt trong những sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng tiếng hát của Minh Cầm qua ngón đàn điêu luyện của nhạc sĩ Phạm Đình Liên, hoặc những màn biểu dễn độc tấu Tây ban Cầm nhạc cổ điển Tây Phương. Được biết anh đã theo học biểu-diễn Tây ban Cầm (độc tấu cổ điển, đệm đàn hòa âm) cùng với sáng tác nhạc trong nhiều năm với hai Giáo sư nổi tiếng ở Pháp: Romain Worschech và Ida Presti (Tây ban Cầm thứ nhì trên Thế giới sau Andrés Ségorra).

Nghệ sĩ, mỗi người chọn cho mình một con đường để đi nhưng tất cả vẫn có chung sự đồng điệu là cùng yêu văn học nghệ thuật và thiết tha với ‘chân thiện mỹ’. Chúng tôi: GS Lê Mộng Nguyên TS Luật và Khoa Học Chính trị, được bầu vào Hàn lâm Viện Khoa học Hải ngoại của Pháp và là tác giả nhạc phẩm tiền chiến nổi tiếng: Trăng Mờ Bên Suối, GS TS Phạm Đình Liên và tôi Đỗ Bình dù đã từ lâu sống chung một vòm trời Pháp Quốc nhưng mỗi người một phương nay có duyên hạnh ngộ gặp nhau trên xứ người lại hợp nhau về tư tưởng, tâm tính, thi ca và âm nhạc nên đã kết tình làm “Anh Em”, mượn thi ca và âm nhạc ghi lại kỷ niệm đánh dấu sự cộng hưởng nên ra chung một CD “Tình Khúc Tha Hương” vào năm 2010 và ra mắt tại Paris năm 2012. Riêng nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên vào năm 2008 đã đi cùng tôi qua W.DC để ra mắt CD Lê Mộng Nguyên, đồng thời giới thiệu tác phẩm Mùa Xưa Vỗ Cánh của tôi được Hội Văn Bút và Cộng Đồng Người Việt ở W.DC tổ chức ra mắt sách.

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và Phạm Đình Liên rất trân trọng nghệ sĩ, vì theo hai anh: Nghệ sĩ là ‘sáng tạo’ nền tảng của mỹ học nên hai anh thích các bạn gọi là nhạc sĩ hơn là giáo sư! Từ đó giới khoa bảng của người Việt ở Paris làm nghệ thuật thích được gọi nghệ danh hơn học vị.

Nhạc sĩ Phạm Đình Liên dáng người cao lớn, da trắng, mũi cao, khuôn mặt rạng rỡ đẹp lão, thoạt trông như người bản xứ. Vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước người Việt ở Paris rất ít nên ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là tiếng bản xứ. Dù xa quê hương hơn 60 năm anh vẫn không quên tiếng mẹ đẻ, vẫn giọng Huế chay, bản tính hiền hòa đôn hậu. Anh hay cười ít nói nhưng rất cương quyết. Cả một đời đứng trên bục giảng, tận tụy với văn hóa văn nghệ, đến lúc tuổi đời cao, sức yếu bệnh tật, Nhạc sĩ viết đôi dòng tâm sự khi ngã bệnh: 

“Tôi luôn luôn theo dõi và ước mong CLB Văn Hóa Việt Nam tại Paris được sáng ngời hoài để gieo sáng cho nền Văn Hóa Việt Nam.”
(Viết tại Paris, mùa Thu năm Ất Mùi 2015 GSTS kiêm NS Phạm Đình Liên.)

Minh Cầm thuộc hoàng phái bên mẹ, có năng khiếu ca hát và được học dương cầm từ lúc còn nhỏ nhưng vì thuở ấy cô sinh viên tài sắc vừa tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế 1959, mới được bổ nhiệm đi dạy học dù có thích ca hát cũng đâu dám cất tiếng hát lời ca trong một thành phố nhỏ đầy truyền thống cổ kính! Mãi đến khi Minh Cầm theo chồng là GSTS Phạm Đình Liên sang Pháp định cư 1964. Ở Grenoble Minh Cầm đã theo học Solfège tại nhạc viện, nhưng vì bận với những công việc giảng dạy và gia đình nên tiếng đàn, tiếng hát loãng theo dòng thời gian. Cho đến năm 1999 giáo sư Phạm Đình Liên hưu trí, anh chị về lại Paris, lúc đó mới có cơ hội tiếp xúc với đông đảo người đồng hương khiến máu văn nghệ bừng lên, anh tập lại đàn và chị theo học thêm đàn dương cầm của một vài nhạc sĩ Jazz làm niềm vui.

Năm 2004 Câu Lạc bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế FIAP một buổi văn học nghệ thuật về đề tài Hán Nôm do học giả Đỗ Thông Minh từ Tokyo sang diễn thuyết, đồng thời ra mắt CDlần đầu là: Việt Nam Mến Yêu với tiếng hát Minh Cầm và phần nhạc đệm của nhạc sĩ Phạm Đình Liên. Buổi sinh hoạt quy tụ hơn 400 khách mời trong giới văn học nghệ thuật. Tiếp theo, năm 2005 Minh Cầm cho ra đời thêm Việt Nam Mến Yêu 2. Với hai CD đủ để thỏa ước vọng của người yêu tiếng hát điệu nhạc. Trong âm nhạc có những dấu luyến, láy, dấu ngân thì cũng có dấu lặng. Ca sĩ Minh Cầm cũng thế, từ chất giọng Soprano tiếng hát trong trẻo vút cao như con chim sơn ca líu lo hát cho đời thêm hân hoan, tiếng hát đang vút cao thì nhạc sĩ Phạm Đình Liên bị bệnh hiểm nghèo 2013 nên Minh Cầm đã giã từ sân khấu và không còn hát nữa!  

Để trân trọng Tình Yêu, kỷ niệm vàng của thuở còn đi học, lúc tâm hồn còn xanh chất ngất nhiều khát vọng đã tạo nguồn cảm hứng cho chàng sinh viên xa nhà trở thành nhạc sĩ có thể soạn lên ca khúc đầu tay vào năm 1957 tại Paris để tặng người yêu là Minh Cầm. Dù tuổi đời cao có những lần trình bày nhạc phẩm này Phạm Đình Liên đã không che dấu được cảm xúc, để lộ tình cảm say đắm của thời trai trẻ trước một số ít người thân quen khiến người nghe xúc động. Như một tri âm tri kỷ Phạm Đình Liên đã cho tôi xem những lá thư tình, những bài thơ mà anh viết cho người yêu Minh Cầm vào những năm 57, 58, đây là một tâm hồn đầy lãng mạn. Có nhiều lần tôi muốn anh sáng tác thơ văn lại nhưng anh chỉ dượt đàn và viết thêm một số ca khúc và phổ thơ của Phương Du, Quỳnh Liên, Phạm Quang Minh… Anh nói:

“Bao năm làm khoa học chất lãng mạn giảm đi, cảm hứng viết nhạc thì còn, chứ thả hồn theo con chữ khó quá!”

Anh lại miệt mài sáng tác nhạc, có lẽ anh muốn có tác phẩm mới trình làng mỗi lần họp mặt Câu lạc bộ với các bạn. Các anh Lê Mộng Nguyên, Lê Trạch Lựu, Trịnh Hưng (Lối Về Xóm Nhỏ, Tôi Yêu…), Mạnh Bích (Thôn Trăng), và Anh Việt Thanh (Bụi Đời) vẫn sáng tác đều tay. Chỉ có nhạc sĩ Xuân Lôi (Nhạt Nắng) là ngừng hẳn! Riêng nhạc sĩ Lê Trạch Lựu tác giả nhạc phẩm Em Tôi sáng tác chậm lại vì mộng ước thực hiện một CD hoàn hảo ở bên Mỹ bất thành!

Khi viết những dòng tâm tình về anh chị Phạm Đình Liên tôi giở lại những lá thư cũ và bài thơ của anh Phạm Đình Liên photo gởi cho tôi đã lâu, ngày đó anh muốn cho tôi biết thuở còn đi học anh cũng biết làm thơ, viết tùy bút. Vào dịp đó trong một buổi họp thân mật của CLB Văn Hóa VN Paris, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu kể lại chuyện tình và gọi tên người thiếu nữ trong nhạc phẩm tiền chiến Em Tôi, (sau này các nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Trịnh Hưng, Phan Anh Dũng có viết những bài về chuyện tình trong nhạc phẩm Em Tôi của Lê Trạch Lựu), nhạc sĩ Trịnh Hưng kể về mối tình đầu đơn phương qua nhạc phẩm Tìm Quên. Nhạc sĩ Phạm Đình Liên kể chuyện tình của mình với Minh Cầm trong nhạc phẩm Hẹn Một Ngày Về. Còn nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên chỉ cười mà không kể người tình trong Trăng Mờ Bên Suối, có lẽ anh nghĩ mọi người có mặt đều biết. Riêng nhạc sĩ Xuân Lôi lớn tuổi nhất, Cụ giữ im lặng và sau này chỉ kể cho tôi khi nhờ tôi thực hiện cuốn Hồi Ký Xuân Lôi.

Chuyện tình của nhạc sĩ Phạm Đình Liên & Minh Cầm là chuyện tình đẹp như thơ của hai kẻ đang yêu người ở quê nhà còn người ở Paris. Lòng tin và sự chờ đợi trong 7 năm giúp họ gắn kết, sau đó được chung sống với nhau hạnh phúc trọn đời. Lòng chân thật đã minh chứng một tình yêu tuyệt đối. Đọc lại những dòng thư cũ, tôi đã phôn hỏi chị Minh Cầm để xin phép được trích đoạn đưa vào bài viết tưởng nhớ anh. Chị Minh Cầm vui vẻ bằng lòng, chị còn đọc thuộc lòng những lá thư và những bài thơ của anh Phạm Đình Liên làm tôi xúc động. Sự thủy chung đó kh ông bút mực nào diễn tả được hết ý nghĩa thâm sâu của tình yêu. Trích đoạn thư:

“Em đã nói với anh qua muôn ngàn cây số những lời thật dài và đầy yêu đưuơng làm lòng anh hồi hộp sung sướng.… Anh sung sướng nhất đời em ạ, vì Cầm là của anh, của anh vĩnh viễn…”.
Phạm Đình Liên, Antony 1958

Em là Bài thơ tình sướt mướt bộc bạch những thầm kín những nỗi niềm thương nhớ người yêu. Đó là nguồn an ủi sưởi bớt nỗi cô đơn giá lạnh xứ người. Đó cũng là động lực thúc đẩy anh cố gắng học hành. Tình yêu quả là liều thuốc tuyệt diệu nhất đã nối liền hai mảnh hồn cách nhau ngàn trùng cùng gõ chung nhịp đập con tim. Phạm Đình Liên đã tả người yêu của mình và bài thơ tự nó nói lên nỗi lòng diệu vợi của tình yêu, tôi xin chép:

EM

“ Em đẹp như đóa hoa hồng mới nở
Như vầng trăng bỡ ngỡ một đêm mơ
Như nước hồ thu thấp thoáng mơ hồ
Như rặng liễu xanh lờ mờ rủ bóng.
Em đẹp hơn ánh sao đêm trầm lặng
Môi em cười tranh thắm kém xa tươi
Tóc em xanh hơn cả áng mây trời
Tiếng em nói ru lòng người đau khổ.
Em là cả nguồn thơ trên vũ trụ
Em là cung đàn phổ tiếng tiêu dao
Em là hoa đẹp nhất cả rừng đào
Mà Lưu Nguyễn năm xưa vào lạc lối.”

Paris juin 1958

Nhạc sĩ Phạm Đình Liên rất thương vợ, anh muốn gắn bó chia sẻ cùng ‘người thương’ qua lãnh vực âm nhạc nên chỉ muốn mình đàn cho vợ hát để làm chỗ dựa tinh thần trước ánh đèn sân khấu. Anh đàn hay nhưng không phải ca khúc nào của anh cũng phù hợp với loại đàn guitare, hay piano! Trong lãnh vực ca hát ngoài âm thanh, ánh sáng, sân khấu, tiếng hát tuyệt vời phải thích hợp với ca khúc, ca sĩ nếu được một ban nhạc hay với hòa âm phối khí bài bản thì tiếng hát đó sẽ hòa điệu tạo thêm truyền cảm vọng xa hơn. Trong suốt nhiều năm dài ở Paris cặp Minh Cầm & Phạm Đình Liên trở thành biểu tượng của tình yêu là đôi uyên ương khắn khít trong nghệ thuật, giá trị ý nghĩa thủy chung của vợ chồng. Khi anh Phạm Đình Liên nằm nhà thương anh phôn nói chuyện với tôi, anh không muốn bằng hữu vào thăm nhìn thấy hình hài người bệnh, anh chỉ muốn còn chút thời gian để gần vợ con. Anh nhắn với tôi đọc cho anh bài phúng điếu ngày đưa tiễn anh. Đây là đoạn thư anh viết năm 1958 lúc còn đang học ở Paris cho Minh Cầm về ý nghĩa tình yêu và sự ra đi: “...Cầm và anh mỗi đứa mình chỉ sống trên đời này có một lần thôi và sau đó em hãy nhắm mắt lại để thử tưởng tượng… Khi chúng mình chết đi là hết, trên đời này cho mãi mãi đến ngày thật xa xôi mà vũ trụ không còn nữa, chúng mình đâu còn sống mà biết trên thế gian có những chuyện gì…thế mà anh lại gặp được em để cùng nhau sống cho trọn một đời…”

GS TS nhạc sĩ Phạm Đình Liên đã vĩnh viễn ra đi năm 2016!

.

Đỗ Bình

_________

Nghe bài thơ “Em”, được Nguyễn Đình Niêm phổ nhạc. Bích Lan trình bày

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/amnhac/henmotngayve.html


Cái Đình - 2022