Cao Xuân Tứ


Descartes ở Amsterdam

Tiết học tiếng Hà Lan đầu tiên của tôi có cơ nguy trở thành một tai họa. Cứ mỗi lần tôi cố gắng phát âm chữ ‘leuk’ , cả lớp lại nháo lên.
‘Coi kìa! Đồ thô tục!’ bà học viên gốc Somalie la lên.
‘Thằng dơ dáy!’ gã đàn ông đầu quấn vành khăn rế chõ sang tôi hăm dọa.
‘Tống cổ nó ra khỏi xứ này đi!’ một tên vừa thoát chết trận thảm sát Thiên An Môn chêm vào.
Nhưng đám choai choai dường nhưạ chẳng thèm để ý đến chuyện ấy. Một tên thanh niên mặc áo thun in chữ ‘Mobutu thúi tha’ đưa nắm tay lên thay lời chào thân hữu. ‘Tới luôn đi bạn. Úynh cho nó biết thân.’
Còn bà giáo thì ôm chặt bộ ngực đồ sộ, cố nén trận cười. Bà gọi tôi lên bảng, ôn tồn giải thích lý do vì sao có sự khích động này. Cầm cục phấn bà vung tay kiểu cách, khoanh trên bảng một vòng tròn tượng hình cho cái đầu, chiếm hết phân nửa tấm bảng. Với lối vẽ của bà, hốc miệng to gần bằng đầu, còn lưỡi thì giống như khúc xúc xích có cái đuôi uốn cong đụng vào một chỗ trên khẩu cái, nơi âm chuẩn xác phải phát ra từ đó. Nhưng những chi tiết trên bản đồ họa này có cũng như không, bởi vì tôi vẫn tiếp tục lún sâu trong bãi lầy ngôn ngữ. Tôi chưa nói là tôi vốn sinh trưởng ở một nơi mà dân bản địa mỗi khi đọc một từ bắt đầu bằng phụ âm ‘l’ cứ uốn lưỡi làm thế nào mà nó phát thành âm ‘n’. Đám bạn Trung quốc của tôi cũng chịu chung số phận, khi tụi nó biến món cơm chiên thành những con chí bay trong ngôn từ của Shakespeare . Và vị tổng thống Mỹ già khụ có cách nào khác hơn là vỗ tay tự khen mình khi nghe thủ tướng Nhật chúc ông đã ‘thẳng cu’ vẻ vang thay vì thắng cử.
Đến lúc bà giáo sắp sửa đầu hàng tôi, sự huyên náo đã lên tới mức ông giám đốc trung tâm tiếp cư phải nhảy vào can thiệp. Mọi người thấy ông sao mà dễ thương thế, tại sao nhỉ, bởi vì ông là một người cực kỳ hào phóng, đã có lần đem chiếc máy vi tính mới tinh của mình biếu không một ông tị nạn 79 tuổi người Bosnia -- nhà văn tài danh theo như tạp chí Literary Gazette của xứ Nam Tư cũ. Chuyện này đã làm ông thi sĩ râu xồm đâm đơn khiếu nại viện dẫn lý do phân biệt đối xử. Ông thi sĩ này vốn người Chili, có lần làm cận vệ cho Allende và đã kịp thời trốn thoát trước khi Pinochet chĩa súng vào sếp của mình. Vụ này hiện còn đang chờ phán quyết của Tòa án Âu châu ở Luxemburg.
‘Có chuyện gì vậy?’ ông giám đốc lo lắng hỏi. ‘Lại hai tên đấu võ với nhau phải không?’ Lý do là trước đó vài ngày đã có vụ choảng nhau giữa mấy tên Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan.
‘Anh ấy gặp khó khăn trong việc phát âm,’ bà giáo trỏ vào tôi, giọng sôi nổi.
Vị giám đốc thản nhiên: ‘Ồ, chẳng có gì quan trọng đâu. Lưỡi của hắn cần phải được xoa bóp một chút. Cái đó đã có quỹ bảo hiểm sức khoẻ lo. Điều luật thứ mấy thứ mấy... trong Bộ Dân Luật có những qui định dành cho những người lánh nạn và cho những ai có qui chế tị nạn, diện nào diện nào... Ha ha!’
Ông ta quay lại đám học viên trong lớp và bật mí thêm một chút về chuyến đi chơi Amsterdam một khi những khổ sở về ngôn ngữ đã qua đi, nhờ vậy mà sự yên lặng đã trở lại. Sau đó ông thảo luận đôi câu với bà giáo. Cả hai vị đều đi đến kết luận là tôi sẽ phải dọn đến ở tại tư gia của ông giám đốc, một chương trình luyện giọng đặc biệt dành cho tôi sẽ được soạn thảo.

Những ngày sau đó họ bắt tôi tham gia một loạt những thử nghiệm, có cái rất thích thú, có cái không.
‘Thằng ấy ăn rặt những đồ tầm bậy,’ bà Anna vợ ông giám đốc bảo. ‘Mấy cái bụng của bọn thế giới thứ ba chứa đầy một đống tạp nhạp. Cho hắn ăn nhiều pho-mát vào. Có vậy cái lưỡi nó mới thẳng ra.’

Sau ba tuần chẳng ăn thứ gì ngoài pho-mát tôi trở nên mập ú và uể oải đến độ không còn cử động nổi thân xác, nói chi đến cái lưỡi. Tôi bắt đầu mơ giấc mơ của một anh nông dân mong được một chén cơm bốc khói với chút nước mắm và mấy khoanh ớt xanh, nhưng vì mắc cỡ tôi chẳng dám nói ra. Có lần tôi cực kỳ sợ hãi khi họ mang tôi đến bệnh viện Arnhem cho một vị bác sĩ chuyên khoa khám nghiệm. Bằng động tác thành thạo, hai ông y tá lông lá trong chiếc áo choàng trắng buộc chặt tôi vào một chiếc ghế sắt, trong khi ông bác sĩ chuyên khoa cạy miệng tôi ra, dùng cây thăm và chĩa xông sáng bóng rà chỗ này, đè chỗ nọ cả trong lẫn ngoài miệng tôi. Lạ một nỗi là tôi thấy hứng lên, và chút xíu nữa tôi đã ra trong quần. ‘Miệng và dây thanh quản của anh không có gì sai lạc,’ vị bác sĩ phán, ‘nhưng toàn bộ răng của anh cần được tu bổ cho sạch sẽ.’ Vì lời phán này mà tôi bị nhổ hết mấy cái răng hàm đã mục và họ gắn cho tôi một bộ răng giả mới tinh.
Trong khi đó ông giám đốc quyết định rằng đã đến lúc phải thay đổi quyết liệt phương pháp giảng dạy. Mùa lặt củ bông vừa bắt đầu, người ta cần nhân công phụ thêm để cho việc xuất khẩu được trôi chảy, và họ cũng bảo tôi rằng nếu không làm thế thì sẽ không sao có đủ ngân khoản để tài trợ cho làn sóng tị nạn. Tôi bị đưa ra một căn nhà kho ở nơi đồng không mông quạnh để làm việc và ở đó luôn. Cô lập là điều tối cần cho sự tập trung. Mỗi sáng đồng hồ điểm bảy giờ là bà giám đốc dựng tôi dậy khi bà lái chiếc xe hàng nhỏ chở những bao củ hoa tulip tới nơi. Sau khi vỗ béo tôi bằng cơm nguội – chà, chờ mãi mới được thứ này – và cá mòi hộp, bà bắt đầu công tác lao động và học tập đã trở thành thói quen mỗi ngày với tôi. Ngồi vào bàn đối diện với tôi, cạnh những bao củ hoa, mỗi lần đưa tôi một củ để lặt, bà lại nói lớn: ‘Tu-Líp’, và mỗi lần như thế tôi lại phải lập lại theo bà. Tốc độ làm việc nhanh kinh khủng, lại được theo dõi bởi một bộ phận cơ học phát ra tiếng kêu chát tai mỗi khi tôi chậm tay. Sau ngày thứ nhất, tôi hoàn toàn bị đo ván và đêm về khi nhắm mắt, tôi mơ thấy bà Anna đang nhồi nhét những củ hoa vào mọi lỗ khe trên thân thể tôi, để rồi chúng nở ra thành một tấm thảm hoa khổng lồ mà người ta có thể chạy chơi trên đó.

Ngày teo lại thành tuần và tuần giãn ra thành tháng trong khi mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn sau những tiết học lột củ bông và uốn lưỡi kịch liệt. Trong thời gian đó tôi đã có thể phát ra được những tiếng đủ lọt lỗ tai bà Anna, và tôi được đưa trở về trại tiếp cư. Thời gian tôi vắng mặt không biết có bao nhiêu nước đã chảy dọc hai bờ khúc hạ lưu sông Rhin, và thêm một đợt dân tị nạn đã được thu nhận vào. Họ đang chuẩn bị lên xe buýt trực chỉ Amsterdam để dự một buổi tiếp tân, và tôi được phép tháp tùng theo. Xe chạy qua những ngôi làng còn ngái ngủ, đẹp như những tấm hình trên bưu thiếp mang những địa danh khó đọc: Doorn, Maarn, Enkhuizen... Nhiệt độ bên ngoài xuống thấp tới mức những con kinh ở Amsterdam đóng băng cứng như đá, đủ sức chịu nổi cho chiếc xe buýt chở chúng tôi bỏ đường phố để cùng tham dự cuộc chơi hào hứng với đám người đang trượt băng. Buổi tiếp tân được tổ chức tại một tòa nhà lớn nằm trên bờ kinh. Hành lang trải thảm dẫn tới một đại sảnh đường với sàn đá hoa và lò sưởi bằng cẩm thạch. Bà Nữ hoàng từ trên tường cao nhìn xuống mỉm cười, cặp mắt dịu dàng như mắt bồ câu. Một vị tăng ngồi kiết già, tụng kinh trên tấm thảm rơm. Một cô gái tóc vàng đứng gần cửa sổ, hút một thứ gì thơm ngát. Tôi ngạc nhiên thấy cô mặc thứ y phục truyền thống của phụ nữ xứ tôi, một tấm áo tha thướt được mệnh danh là ‘áo dài’. Tôi chẳng biết vì sao phía dưới cô ta chẳng mặc quần để che cặp đùi dài mà chỉ có đôi bít tất dài màu đen đã thủng nhiều lỗ. Với nụ cười rộng mở cô ta ra hiệu cho tôi đến gần.
‘Trở ngại ngôn ngữ hả?’ cô ta sốt sắng hỏi và chuyền cho tôi điếu thuốc thơm, tôi vui vẻ đón nhận một cách biết ơn. Nó có mùi, xem nào, giống thứ gì nhỉ...à, đúng là cỏ!

Câu chuyện nở ra. ‘Có gì đó không ổn trong hạch hạnh nhân trong cổ tôi’, tôi nói với bộ mặt thản nhiên. ‘Nhưng tôi nghĩ bây giờ nó bớt rồi.’ Tôi liếc nhanh xuống bộ áo cô ta. ‘Tại sao cô mặc đồ này? Áo cưới của vợ tôi .’ Chẳng lẽ tái sinh được chăng. Ngoại trừ chiều cao và mái tóc vàng, cô ta đúng là một phiên bản của vợ tôi, đã một lần chìm dưới biển lúc chiếc tàu chở bọn tôi trên đường tới Malaysia bị lật khi còn cách bờ chỉ vài cây số. Không còn gì nhầm lẫn nữa: đôi mắt, sắc và kéo xếch lên trên như lưỡi kiếm Ả Rập; cái mũi hơi vểnh; cặp môi đầy tròn màu đỏ của máu như vết thương mở toang, một thời đã làm tôi khóc thầm mỗi khi chúng tôi mần tình với nhau.
Mặc dầu trời đổ tuyết cả ngày, nhưng qua cửa kính tôi vẫn có thể thấy vài tàn cây xanh lá, và rồi tôi có thể nhận ra từng cây một: chuối, xoài, mít, đu đủ... mọi thứ. Hàng cây nhiệt đới chạy dọc bờ kinh vào một buổi chiều mùa đông rét mướt, cứ thử tưởng tượng xem!
Cô tóc vàng hớn hở bảo tôi: ‘Tất cả những thứ này là dành cho anh. Với lời hỏi thăm của Ân Xá Quốc Tế.’
Tôi lúng búng vài lời cám ơn và theo cô ta đến chiếc bàn dài kê sát tường. Cá trích sống chất thành đống trên những chiếc đĩa bạc. Những cái ly nhỏ xinh chứa một thứ nước trong vắt ứ lên tận mép.

Một tay tị nạn bắt đầu tóm chiếc đuôi con cá, ngửa cổ và nuốt cái thứ nhờn nhợt ấy trong một tư thế mà chắc chắn hắn đã học được ở một khóa hướng dẫn. Tôi làm theo và đúng vào lúc tôi sắp nhón con cá, có ai đập khẽ vào vai tôi. Tôi quay lại và bắt gập tia nhìn đăm đăm nghiêm khắc từ một khuôn mặt đàn ông trông khá quen thuộc.
‘Đây là cụ Descartes,’ cô gái thì thào.
‘A! Cụ Descartes! Tôi cứ ngỡ cụ đã...’ Tôi vật lộn với những tư tưởng rời rạc.
‘Tịch rồi, đúng không?’ Descartes cười chua chát. ‘Ai cũng muốn ta chết. Cậu có thể gọi tôi là, ờ... René.’


Tôi sửng sốt ngó ông ta. Chẳng lẽ đây là nhà đại triết gia bằng xương bằng thịt, người tị nạn nổi tiếng nhất từ trước tới nay, giờ đây trong bộ cánh nhàu, đôi giày bẩn thỉu. Trông ông giống như một tên vô gia cư thì đúng hơn. Hơi thở không được ngọt ngào cho lắm, hai gò má ửng đỏ như là ông đang lên cơn sốt. Hay đây là hậu quả của chất nước chứa trong những chiếc ly bé tí kia.
‘Cháu nghĩ là cụ không được khỏe lắm.’
‘Thà chết còn hơn,’ Descartes cười khẩy. Quay sang cô gái, ông ra lệnh: ‘Cho ta làm một hơi cái thứ cỏ đó.’
‘Hại cho sức khỏe đấy cụ ạ,’ tôi lo lắng bảo.
‘Chẳng sao cả. Nó chỉ là... lão muốn nói gì nhỉ... màn khơi mào làm tình ấy mà. Con bé còn cho ta nhiều thứ độc địa hơn. Phải không cưng nhỉ?’ Descartes mỉm cười âu yếm nhìn cô gái, và cô ta đáp lại với cái hôn gắn trên môi ông.


Cuối cùng tôi cũng xoay xở nhón được một con cá trích và đúng vào lúc tôi định đút gọn nó vào họng, Descartes kéo tay tôi lại: ‘Lấy đũa mà gắp chứ. Cậu quên phép lịch sự rồi à?’
Tôi nghe những gì Descartes nói nhưng tâm trí mãi để tận đâu, tôi đang moi óc tìm một câu danh ngôn của bậc vị vĩ nhân này mà trước đây không lâu tôi đã được học ở trường trung học.
Đột nhiên tôi kêu lên mừng rỡ: ‘Eureka! Cogito ergo sum. Ta suy tư nghĩa là ta hiện hữu!’
Descartes khẽ gật đầu ghi nhận.
‘Tụi nó không đốt sách của lão, phải không?’ ông mỉm cười. ‘Cậu là thằng nhỏ tốt bụng. Người Tàu hả? Xem cái dái tai của cậu là ta biết ngay. Cụ Mao lúc này thế nào?’
‘Chủ tịch qua đời lâu rồi mà, báo chí hồi đó có đăng.’
‘Lão hiện giờ chẳng đọc gì ngoài thơ. Cậu cố làm thơ thử xem. Cái thứ này cực tốt cho cậu đấy.’
‘Thơ? Ở nước cháu từ khi Mỹ bỏ cấm vận, đề tài đã triển khai thành ‘Coca Cola vạn tuế’ và ‘Đô-la muôn năm.’


Tôi không có hứng để kể với Descartes rằng tôi không phải người Trung quốc và họ đã đốt rất nhiều sách, kể cả những tác phẩm của ông trong năm Con Chó Dại ấy . Nhưng nhằm nhò gì cái chuyện ấy. Bên cạnh ông, tôi cảm thấy mình như chiếc ghế ba chân. Dầu cho cái bít tất dài của cô gái có thủng một lỗ nữa, hay tầng ôzôn có thêm một lỗ hổng toang hoác cũng chẳng làm thay đổi thực trạng này chút nào.
Tôi cùng Descartes bước tới cửa. Bên ngoài mặt trời đã ló dạng, nhưng đám cây nhiệt đới đã biến đâu mất. Tôi cố tìm lời cám ơn nhưng Descartes đã len vào trong con ngõ hẹp đông người chen chúc. Ngoài cửa sổ những lá cờ phấp phới bay. Bong bóng nổ như tiếng súng. Bia tràn từ quán đổ xuống những dòng kinh.
Cô gái đuổi kịp tôi lúc tôi đang cúi xuống lục tìm trong đống sách quăn góc bày bán tràn lan vỉa hè.
‘Chuyện gì mà nháo lên thế?’ tôi hét to cho tiếng mình vượt lên trên tiếng ồn ào điếc tai.
‘Ngày Nữ hoàng. Quốc khánh ba mươi tháng tư. Tự do xả láng. René đâu?’ cô gái gào vào tai tôi.
‘Biết đếch thế nào được. Cụ Descartes là bố cô à?’
‘Đâu có. Bọn này sống chung với nhau trong một căn phòng nhỏ. Chung nhau thuê. Không có lò sưởi. René ho ra máu đấy.’
‘Cô làm gì để sống?’
‘Làm trong khu Đèn Đỏ, nửa buổi thôi.’
‘Đèn Đỏ? Là cái gì thế?’
Cô ta nhún vai.
Ối giời, cũng tốt thôi. Chung sống và chung chia. Sòng phẳng và công bình. Tôi tự hỏi phải chăng lão Descartes có việc làm để chung tiền trả với cô ta.


Có những chuyện đã xảy ra trong ngày Nữ hoàng. Phải rồi, ngày 30 tháng 4 là ngày Saigon sụp đổ. Saigon, thành phố của tôi. Khi nào vậy? Mười năm, hai mươi năm, một trăm năm trước. Với tôi những chuyện này không còn làm tôi bận tâm.
Bên cạnh những cuốn sách là một đống đồ táp nham: tách mẻ, thìa rỉ, soong chảo méo mó. Vài đứa trẻ chơi trò buôn bán. Với một chút may mắn biết đâu tôi có thể mặc cả mua một đôi đũa cũ với giá hời.
‘Leuk, hay quá há!’ cô gái nhích lên bên tôi.
Tôi gật đầu sung sướng và lập lại lời cô ta:
‘Leuk, LEUK, sướng thiệt!’
Cô ta cười bò ra.
‘Trong trại tị nạn họ dạy anh cái gì thế?’

Mà đã sao đâu. Rất có thể tôi sẽ làm lại tất cả với em này, từ đầu.

*****

(1) Tiếng Hà Lan có nghĩa là ‘Hay, thích’. Neuk: Tiếng Hà Lan có nghĩa là ‘Đ.’

(2) Nguyên bản: ‘fried rice’ và ‘fly’ ‘lice’. Nhiều người Trung quốc phát âm chữ ‘r’ thành ‘l’ (chứ thích của người dịch)

(3) Nguyên bản: ‘erections’. Nhiều ngưòi Nhật phát âm chữ ‘l’ thành ‘r’, như vậy 'elections' đọc nghe như 'erections' (chú thích của người dịch)


Nguyên tác Anh ngữ: Descartes in Amsterdam, Cao Xuân Tứ
Chuyển ngữ: Nguyễn Hiền, với sự nhuận sắc của tác giả.
Ghi chú: Đây là truyện ngắn được giới văn học Hà Lan cho là một trong những truyện hay nhất của Cao Xuân Tứ, do ở tính siêu thực của truyện. Bản dịch ra tiếng Hà Lan đã được in trong nhiều tập truyện ngắn tổng hợp do những nhà xuất bản lớn tại Hà Lan tuyển chọn.

Xem nguyên bản Anh ngữ
Xem bản dịch tiếng Hà Lan

 



Cái Đình - 2003