Nguyễn Lê Hồng Hưng
Bốn Biển Là Nhà
.
Từ ngoài khơi biển Baltic muốn vào thủ đô Thụy Điển tàu phải qua ngang quần đảo Stockholm. Dọc theo triền đảo những chòm nhà cất trên thềm đá, vách ván sơn trắng hoặc màu huyết dụ viền trắng, mái lợp ngói màu đỏ, màu đen nép mình dưới những tàn cây xanh lá vào mùa hè. Dưới bến nước, những chiếc thuyền con buộc chặt vào ghềnh đá nhấp nhô theo con sóng nhẹ vỗ bờ. Xa khơi những cánh buồm trắng lấp la lấp lánh dưới ánh mặt trời và nhiều tàu đò chở đầy du khách ngược xuôi, ngang dọc trên làn nước xanh. Hoa tiêu hướng dẫn con tàu lòn lách để tránh đá ngầm, trước khi tàu vào cảng Stockholm.
Tôi đã từng đi nhiều nơi và qua những thành phố lớn và nhiều thủ đô, có những thành phố đi dạo một vài lần là thấy sợ, lần sau tới không dám đi một mình. Nhưng mỗi khi tới Stockholm tôi rất an tâm và dành hết những giờ nghỉ, mình ên có thể thả bộ hết khu phố nầy qua khu rừng nọ, đi hoài mà không thấy chán.
Trưa hôm ấy tôi bỏ mấy chai nước lọc vô ba lô, mang theo dành uống dọc đường. Vừa ra khỏi cửa tàu thì gặp Jannet, một nữ sinh viên theo tàu thực tập, con nhỏ mập thù lù, còn vận bộ đồ thể thao bó sát người trông như con voi con. Mỗi lần nhìn nó là tôi muốn cười và nhớ ngày nó mới xuống tàu, tình cờ nó đọc một truyện ngắn của tôi do anh bạn dịch ra tiếng Hoà Lan đăng trên một tờ báo của hội quán, truyện viết về một người đàn bà mập hơn một trăm ký...
Đọc xong nó tìm tôi, mặt ra vẻ khẩn trương căn dặn:
– Khi nào ông viết về tui thì phải đem cho tui đọc trước.
Tôi lấy làm lạ mới hỏi nó:
– Tại sao? Tại sao tao phải viết về mầy?
– Ông viết về người đàn bà mập hơn trăm ký, uống rượu, hút thuốc, làm đĩ và bị đàn ông chê...
– Có vấn đề với mầy sao?
Nó dang hai cánh tay ra gạt gạt hai bên mông, nói:
– Tui cũng mập và cũng ghiền thuốc.
– Mầy bao nhiêu ký?
– Chín mươi bảy ký.
– Tao không viết về mầy đâu, mầy khỏi lo.
– Sao vậy?
– Vì mầy chưa hơn một trăm ký, răng mầy chưa vàng khói thuốc, hổng ghiền rượu và mầy không làm đĩ.
Tôi nói như vậy mà Jannet cũng tưởng thiệt. Nó cười híp con mắt lại rồi nói với tôi, ở nhà nó thường chạy bộ cho xuống ký nhưng trên tàu không có chỗ chạy, còn tôi thì nấu ăn ngon quá làm nó nhịn không được, xuống tàu mới có mấy tuần mà nó lên ba ký lô. Tôi chỉ cho nó một khu rừng ngoài cổng rào bến cảng có con đường vắng người, vắng xe, bây giờ là mùa hè chạy bộ ngon lắm. Hôm nay nó đón đầu tôi lại khoe rằng một lát nữa nó sẽ lên khu rừng mà tôi chỉ cho nó hôm trước để chạy bộ. Tôi nói một câu khích lệ:
– Tốt lắm, chạy tới khi nào mệt mầy có thể ngồi nghỉ chưn, hít thở trên một tảng đá hay chiếc băng bên đường mòn và nghe chim hót cũng khoẻ khoắn tâm hồn.
Tôi day lưng bước tới giữa cầu thang thì thằng Ivan từ ngoài boong tàu chạy tới hỏi tôi đi đâu. Tôi khoa tay một vòng vui vẻ, khôi hài nói:
– Tao đi dạo phố, dạo rừng và dạo loanh quanh...
– Ông đợi tui thay đồ xong tui đi với.
– Mầy hông làm việc?
Nó cười:
– Tui bây giờ là hành khách rồi chớ không còn phụ máy nữa.
– Ủa!
Tuy nó không nói thêm nhưng tôi cũng đoán được chuyện gì đã xảy ra cho nó, tôi nói tiếp:
– Vậy thì khỏi làm việc một buổi mà được ăn lương cũng sướng.
– Không đâu, kỳ nầy tui bị Sếp cho về thiệt rồi.
– Tao thì không nghĩ vậy, nhưng thôi, mầy lên thay đồ rồi xuống đi dạo chơi một lát, chuyện tới đâu tính tới đó.
Ivan thở ra một cái rồi quay lưng đi lên phòng thay đồ. Ivan với Viktor là người Ukrainian đổi xuống vừa được hai tuần thì viên thuyền thưởng thu hồi master key (loại chìa khóa mở được hết các cửa phòng trên tàu) của hai người. Đã vậy còn xuống lưu ý đầu bếp hễ thấy thằng nào ăn uống không dọn dẹp, sống vô kỷ luật thì lên nói với ông. Sợ hai người tối xuống kho lấy cắp đồ ăn, ông dặn sau khi xong việc nhớ khóa kho lương thực cẩn thận.
Mấy năm nay tôi hải hành chung với người Ukrainia cũng nhiều. Thiệt tình mà nói, phần đông họ sống rất kỷ luật, ăn xong dọn dẹp đàng hoàng, tuy có ăn nhiều hơn người Hòa Lan nhưng họ chỉ ăn những món ăn nào đầu bếp dọn ra bàn hoặc những thức ăn thừa thay vì đổ bỏ tôi dành lại cho họ ăn vào buổi chiều và phiên trực đêm, tôi chưa bao giờ thấy họ léo hánh xuống kho thực phẩm. Chỉ có người Hòa Lan ít có thằng biết dọn dẹp, phần đông ăn xong, chùi miệng, phủi đít đứng dậy đi. Trên tàu tuy ăn, uống miễn phí nhưng cũng có mức quy định, không ai được đòi hỏi và không được khen chê, kể cả thuyền trưởng. Theo nguyên tắc là vậy, nhưng phần đông người nào cũng muốn ăn giống như thực đơn trong nhà hàng và ban đêm tự tiện xuống kho lấy đồ ăn, nhứt là là các cô gái hay lấy sữa tươi và trái cây đem lên phòng dự trữ. Thấy hao quá đầu bếp khóa kho lại thì thuyền trưởng biểu cứ để mấy cô ăn thoải mái. Ăn thì đòi hỏi nầy nọ còn khi có chuyện kêu làm thì thoái thác, đường ống thoát nước trong bếp bị nghẹt và cái máy rửa bị hư, nếu thợ máy người Ukrainia thì thuyền trưởng bắt phải sửa liền, còn thợ máy Hòa Lan cứ hẹn nay hẹn mai cả mấy tuần rồi mà có ma nào rớ tới đâu. Ivan và Viktor mới vừa xuống tàu đã bị thuyền trưởng dằn mặt, làm cho mấy tên thủy thủ mạt rệp ngoài boong cũng ăn theo rồi coi thường và nói xấu con người ta, chỉ có Jannet và thuyền phó hai đứa có hơi cà tửng nhưng còn biết điều và sống rất hòa đồng với mọi người. Bị cả đám ‘khủng bố’ nên vào bàn ăn Ivan và Viktor rụt rè không dám ăn no và mỗi khi tàu ghé bến hai đứa phải thay phiên đổ bộ mua thêm thức ăn đem xuống tàu dự trữ phòng khi đói bụng.
Hôm Ivan xuống tàu cho tới nay, ngày nào tôi cũng nghe thợ máy lớn tiếng chửi bới con người ta, gặp ai hắn cũng chê thằng Ivan lười biếng và không biết làm gì hết. Hồi sáng nầy tôi cũng nghe hắn chưởi Ivan một chập và đuổi không cho vô phòng máy. Tại vì hắn ganh tỵ với Ivan rồi kiếm chuyện chưởi chơi cho bỏ ghét, chớ thật ra với bằng cấp và kinh nghiệm cỡ như Ivan nếu ở bên Ukrainia thì nó đã lên thợ chánh lâu rồi.
Tôi biết viên thợ máy hồi hắn còn là sinh viên thực tập, lúc đó hắn rất thô lỗ, hống hách và sống không hòa đồng với ai hết. Tôi nhớ lần đầu tiên xuống tàu, hắn xông vào bếp kêu tôi phải nấu nầy nấu nọ cho hắn ăn. Tôi tưởng hắn mới xuống chưa quen luật lệ trên tàu nên mới từ tốn giải thích cho biết. Nhưng hắn hằn học lớn tiếng chửi bới om sòm. Tức mình, tôi chụp lấy cái giá múc canh nằm cạnh bên đưa lên dọa đuổi hắn đi chỗ khác, bằng không tôi đâp vô mặt cho phù mỏ. Hắn sợ tôi đập thiệt bèn chạy lên mét thuyền trưởng, thuyền trưởng xuống hỏi tôi chuyện gì. Tôi kể lại đầu đuôi cho ông nghe và nói cho ông biết, nếu hắn không xin lỗi tôi thì từ ngày hôn nay cho tới ngày về tôi sẽ không dọn phần ăn cho hắn nữa. Thuyền trưởng nghe xong liền bắt hắn tới xin lỗi và dọa cho hắn về bờ nếu còn sống vô kỷ luật. Có hôm hắn la cà vô bếp hỏi tôi, có bao nhiêu người Việt sanh sống tại Hòa Lan. Tôi vô tư trả lời:
– Khoảng chừng đâu mười lăm mười sáu ngàn gì đó.
Tự nhiên hắn gắt:
– Như vậy là quá nhiều, quá nhiều.
Tôi day lại:
– Ê, mầy biết dân Hòa Lan của mầy hiện nay sống ở nước ngoài bao nhiêu không?
– Tui hổng biết.
– Vậy thì về tìm hiểu cho biết, khi nào biết rồi trở lại đây nói tiếp, tao không thích nói với những người nói ra mà không biết mình nói gì.
Thấy tôi bắt đầu khó chịu hắn liền dịu giọng.
– Nhưng Hòa Lan đất hẹp người đông, mà người ngoại quốc ở rất nhiều, như trên tàu nầy, ông thấy đó toàn là người nước ngoài không thôi.
– Chuyện đương nhiên, dân Hòa Lan mầy nói nhiều hơn làm hoặc làm thì tà tà, thích chỉ tay năm ngón, ăn thì muốn ăn ngon và đòi hỏi quyền lợi quá cao nên chủ người ta không mướn nữa. Tao cho mầy biết, không có những người ngoại quốc tới Hòa Lan làm những chuyện lặt vặt, dơ dáy thì hãng, xưởng ở Hòa Lan đóng cửa và ngành hàng hải Hòa Lan sập tiệm từ lâu rồi, chớ còn có tàu bè đâu để cho mầy đi thực tập.
Phần đông người Hòa Lan được cái là khi nói chuyện biết mình đuối lý thì xuống nước xin lỗi hoặc bỏ đi chớ không cãi chầy cãi chối như nhiều dân khác. Thời gian sau khi hắn ra trường làm phụ máy rồi lên thợ máy chánh. Chẳng bao lâu ai cũng biết tiếng hắn ta là một thợ máy khó chịu nhứt trong đám thợ máy của công ty. Những năm đầu hắn lên làm thợ máy chánh tôi chưa đi chung với hắn. Thỉnh thoảng lên hội quán gặp bạn đồng nghiệp hay than phiền rằng ngày nào hắn cũng xuống phòng bếp đòi nầy đòi nọ và còn dở giọng du côn mắng chưởi mỗi khi dọn ra những món không hợp khẩu vị của hắn. Đó là gặp những đầu bếp có lương tâm chỉ phàn nàn đôi chút rồi thôi, chớ còn gặp những đầu bếp tâm tánh không bình thường mà chọc giận thì Bếp sẽ trút cơn giận bằng cách trộn đồ dơ vô thức ăn rồi dọn ra cho ăn. Có một đầu bếp mà trong công ty ai cũng khen ông có bàn tay vàng, vì ông pha chế thức ăn rất ngon. Trước mặt đám officers lúc nào ông cũng vui vẻ, thưa thưa dạ dạ... nhưng người nào xúc phạm tới ông thì trước sau gì cũng bi ông cho ăn đồ bậy bạ. Tánh tình ông rất trào phúng, mỗi khi lên hội quán ông hãnh diện kể lại cho đồng hương của ông chuyện ông cho những thằng officers nào hống hách ăn những món cực kỳ dơ dáy do ông tự nghĩ ra. Hôm cuối năm, trong lúc ông bận rộn lo cho bữa tiệc, tên thợ máy vô bếp đòi nầy đòi nọ và nặng lời với ông làm ông tức giận, ông bèn lấy tinh trùng của ông trộn vào sốt whisky dọn ra trong bữa tiệc Giáng Sinh. Những đầu bếp khác mỗi khi bực mình chỉ nghĩ ra những cách thông thường hạ cấp như khạc nhổ vào thức ăn dọn ra cho ăn hoặc múc nước trong bồn cầu pha cà phê, pha trà đem ra cho uống. Còn ông thì cao cấp hơn, pha chế chỉ có món sốt whisky phải tốn hao bao nhiêu năng lượng. Nhìn mái tóc bạc phơ, thân thể ốm nhôm ốm nhách, tôi đâm nghi ngờ cho cái tâm thần và ái ngại cho cái sức khoẻ của ông, bảy tám tháng trời xa nhà, xa vợ, hễ mỗi lần tức giận là mỗi lần ông trút hết năng lượng vô món ăn để phục vụ cho người khác, cứ như vậy tiếp tục cho tới ngày về thì còn sức lực đâu nữa để phục vụ cho bà nhà.
Đó là những chuyện tôi nghe về tên thợ máy trước đây. Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng như nhiều đồng nghiệp có ấn tượng không tốt về hắn. Mấy năm gần đây hắn đổi qua đi chung tàu tôi. Tôi lấy làm lạ khi thấy hắn sống rất kỷ luật, ăn uống xong hắn dọn dẹp đàng hoàng và sau khi ra khỏi phòng ăn luôn lúc nào cũng cám ơn đầu bếp. Những cái ý nghĩ lúc hắn còn là sinh viên trước kia và những tiếng đồn xấu về hắn sau nầy trong tôi đều tiêu tan hết. Nhiều lần gặp bạn đồng nghiệp, nhắc tới thói hư tật xấu của hắn ta tôi bèn lên tiếng đính chánh và kể cho họ nghe những tánh tốt mà tôi đã chứng kiến trong những ngày tháng hải hành chung với hắn. Tức thì bạn đồng nghiệp của tôi nhau nhau phản đối, họ nói tại vì tôi là người Hòa Lan nên hắn không đụng tới đó thôi.
Mấy ông bạn của tôi nói cũng đúng một phần. Riêng tôi thì còn nhiều nguyên do khác nữa, tôi qua Hòa Lan được ba năm thì đã có quốc tịch rồi, nhưng tôi chưa thấy người bản xứ nào xem tôi là đồng hương của họ hết, họ có thể coi trọng tôi vì tôi là đầu bếp lâu năm và cách cư xử của tôi khác hơn các bạn đồng nghiệp. Có hôm thợ máy hỏi ba bốn cái trứng chiên, nếu gặp những đầu bếp khó khăn thì cự nự hoặc đầu bếp cắc cớ bỏ đồ bậy bạ vô trứng trộn lên đem chiên rồi dọn ra cho hắn ăn. Tôi thì không làm như các bạn, ngoại trừ những tên sống vô kỷ luật, xấc xược tôi mới dùng biện pháp mạnh để dằn mặt cho hắn biết, không thì bất cứ người nào có con mắt to hơn cái bụng tôi ép ăn thêm, mấy tuần trước trong giờ điểm tâm thợ máy hỏi xin sáu cái trứng chiên với thịt ba rọi ung khói, ăn chưa chưa hết hắn đã ợn lên ợn xuống rồi đứng dậy chạy vô toilet mửa thốc mửa tháo ra hết sạch. Tới nay nghe tôi nhắc tới trứng chiên thì hắn khoát tay lia lịa và lè lưỡi ọe ra...
***
Stockholm tên thủ đô vương quốc Thụy Điển được chiết ra từ địa danh archipelago Stockholm (quần đảo Stockholm). Thủ đô Stockholm, được nối kết bằng năm mươi bảy chiếc cầu qua mười bốn hòn đảo trọng yếu. Thành phố với những đền đài tráng lệ nằm trong những chòm cây xanh và nhiều cao ốc với lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính đứng hiên ngang trên ngọn đồi hướng ra làn nước như thể ngóng nhìn tàu bè qua lại. Đi trong phố có thể thấy dấu vết nghệ thuật ở khắp nơi, không kể tới những bức tượng đồng khêu gợi giữa mấy hồ nước và nhiều vòi nước phun tua tủa trong Millesgården của nhà điêu khắc lừng danh Carl Milles và vợ ông là một nữ họa sĩ danh tiếng Olga Milles trên hòn đảo Lidingö ra, ta còn thấy những tranh ảnh của nhiều họa sĩ và nhiếp ảnh gia được trưng bày bên góc phố và tranh vẽ dọc theo hai bức tường dưới đường hầm xe điện dài hơn trăm cây số đã tạo cho thành phố Stockholm hoành tráng nhứt so với các thành phố lớn trong vùng biển Baltic.
Tôi với Ivan đi dọc theo bực thạch của bờ nước thẳng ra trung tâm thành phố, qua ngang một chiếc cầu và loanh quanh công viên xem hoa lá cành... Đường xá tuy đâm qua xuyên lại, lúc lên cao, khi xuống thấp nhưng khang trang sạch sẽ. Đi trong phố tôi vẫn cảm nhận được mùa hè mát mẻ len lỏi cùng những du khách vui tươi và dân bản xứ hiền hòa thân thiện. Tôi có thể yên tâm đi khắp thành phố mà không sợ cướp giựt giữa ban ngày ban mặt như mấy thành phố lớn bên nước Nga. Cuối cùng chúng tôi dừng lại xem tranh, ảnh nghệ thuật được dán lên những bước tường nhỏ dựng trong một khu đất hẹp ngay góc phố cạnh trạm xe bus và bến tàu đò. Sau khi rảo xem hết mấy bộ tranh, ảnh dán tường Ivan ngỏ ý muốn tìm internetcafe. Cái thằng, nãy giờ đi với tôi mà đầu óc nó để đâu đâu, tôi hỏi:
– Mầy muốn internet?
– Tôi muốn gọi về nói chuyện với phòng lao động.
– Mầy không có di động à?
– Có nhưng không có thẻ của Thụy Điển.
Tôi móc điện thoại đưa qua Ivan:
– Mầy có thể dùng máy nầy.
– Tui nói chuyện với nhân viên phòng lao động lâu lắm, vô internetcafe dùng Voipcheap cho rẻ tiền.
– Sao mầy không vô hội quán dùng internet miễn phí.
– Ở đây có hội quán sao?
– Có chớ, hội quán truyền giáo, nó nằm ở phía ngoài phố, cách tàu mình đậu đâu chừng mười phút đi bộ.
Chúng tôi đi ngược trở ra ngoại ô hướng về bến cảng. Đi được một đoạn khá xa, không hiểu sao Ivan cất tiếng hỏi tôi:
– Sao trước kia ông không chọn định cư ở Đức.
– Chỗ nào cũng vậy, miễn sao yên ổn là sống được rồi.
– Nhưng người Hòa Lan coi rẻ người ngoại quốc.
– Chuyện kỳ thị chủng tộc và kỳ thị vùng, miền thì dân tộc nào cũng có. Hơn hai chục năm qua nấu ăn cho nhiều dân tộc khác nhau, tao đã chứng kiến nhiều xung đột giữa dân xứ nầy với dân xứ khác. Theo tao thì từ những người có địa vị cao cho tới những phần tử hạ cấp có thể chưởi bới thậm chí đánh nhau chỉ vì miếng ăn tầm thường, huống hồ chi đụng chạm nghề nghiệp. Không riêng gì dân Hòa Lan hay dân Việt Nam hoặc dân nào khác... dân Ukrainia của mầy cũng vậy thôi. Thử hỏi nếu dân nước nào sang Ukrainia dành lấy những việc làm béo bở, có khác nào giựt lấy túi khoai tây của dân mầy, như vậy mầy có vui vẻ với họ không.
– Ông nghĩ vậy sao?
– Tao chắc là vậy, tuy nhiên có người chống đối ra mặt, có người thì kín đáo không ra mặt. Chuyện của mầy tuy có hơi quá đáng, tại vì mầy xui xẻo xuống chiếc tàu gặp nhằm viên thuyền trưởng ba trợn, thợ máy lố lăng nên mầy nghĩ người Hòa Lan kỳ thị, thật ra thì phần đông dân Hòa Lan rất tử tế và sống hòa đồng hơn dân Đức nhiều.
– Tui chưa thấy đầu bếp nào như ông.
Câu nói nầy tôi nghe cũng rất nhiều và hiểu ý nó ám chỉ về chuyện gì rồi, nhưng tôi không muốn tiếp tục bới sâu vào ba cái chuyện trí thức, trí ngủ mà nghe riết đến độ mất cảm giác. Tôi khôi hài nói trớ sang chuyện khác:
– Có lẽ tại vì tao là một đầu bếp nấu ăn hấp dẫn nhứt, tánh tình tốt nhứt và là người Việt Nam duy nhứt trong công ty, cho nên hổng giống đầu bếp nào khác ha ha...
Ivan nghe tôi dí dỏm nó cũng cười ra tiếng. Tình cờ lúc đó chúng tôi đi ngang một quán ăn nằm bên góc đường. Tôi liền chỉ tay qua tấm bảng hiệu màu đỏ đề hàng chữ màu vàng to tướng “Vietnammese’s Wok”:
– Kìa! Mầy thấy không, nhờ thức ăn Việt Nam quá hấp dẫn nên mới có mặt khắp nơi trên thế giới, cho đến người Thái Lan cũng phải mượn tên Việt Nam gắn lên nhà hàng của mình.
– Nhà hàng đó của Thái Lan?
– Đúng rồi, lần đầu tao tưởng nhà hàng nầy của người Việt, tao bèn hiên ngang mở cửa bước vô, gặp ngay một người đàn bà, tao hỏi trực tiếp bằng tiếng Việt, tức thì được bà ta xổ một tràng tiếng Thái làm tao trơ mặt chẳng hiểu bà nói gì ráo.
– Nhưng tại sao họ không lấy tên Thai’s Wok?
– Nếu đề Thai’s Wok thì không có khách vô ăn, nhà hàng mà không có khách thì mầy cũng biết kết quả thế nào rồi.
Chúng tôi đi ra khỏi thành phố dọc trên con đường xuyên ngang tán rừng nhỏ, tới một ngã ba, tôi chỉ qua con đường bên phải:
– Hội quán nằm trên một khoảng đất rộng, cạnh bìa rừng mầy đi chồm qua một chút thì mầy sẽ thấy bên lề phía tay trái hàng chữ Seamen’s misstion màu đỏ trên tấm bảng chỉ đường hình mũi tên, cứ theo đó đi chừng vài phút sẽ tới.
– Ông không vô sao?
– Không, vô lo chuyện của mầy đi, tao đi dạo một lát rồi còn phải xuống tàu.
Tôi khoát tay chào Ivan rồi day lưng đi theo lối mòn vô khu rừng nhỏ trên con đồi thấp. Đi trong rừng cây mát mẻ, tôi cảm thấy lòng mình êm ả như mặt biển của vùng Baltic phẳng lặng vào những ngày hè. Khi chưn mỏi tôi ngồi xuống một chiếc băng bằng ván bên con đường vắng bóng người và không nghe cả tiếng xe. Tôi ngồi xuôi chưn ngay ngắn, hít thở đều đều... Tiếng gió nhẹ khua động lá cây và chim chóc kêu rời rạc làm đầu óc tôi buồn buồn, mắt tôi lim dim... Trong lúc mơ mơ màng màng, chợt một cơn gió lành lạnh phớt mặt làm tôi mở mắt ra, tôi day người lại phía bên phải con đường, thấy một ông già cao lêu nghêu, ông bước êm ru không tiếng động nhưng thoáng cái đã qua ngang chỗ tôi ngồi, tôi có cảm giác như chiếc bóng nhưng rõ ràng là một thân người, tôi đưa tay lên dụi mắt mấy cái, trong lúc nửa tỉnh nửa mơ giữa rừng cây vắng vẻ làm tôi rùng mình đứng phắt dậy bước theo hướng ông đi và nhìn thẳng con đường phía trước, nhưng không thấy ông đâu hết, ngó quanh ngó quất hy vọng ông đứng tiểu tiện ở một gốc cây nào đó nhưng cũng không thấy ông đâu. Tôi nghe sờ sợ và dợm quay lưng định đi ra khỏi khu rừng, chợt thấy con Jannet xuất hiện từ phía trước, tay cầm gói thuốc với hộp quẹt, bước những bước nặng nề đi tới. Tôi liền hỏi nó:
– Mầy có thấy một ông già mới đi ngang đây không?
Nó ngơ ngác ngó quanh:
– Không, tui có thấy ai đâu.
– Lạ thật!
Tôi quay trở lại chiếc băng và ngồi xuống, Jannet cũng theo tôi ngồi xuống cạnh bên. Cơn hoang mang lắng dịu, tôi nhìn qua con nhỏ. Thấy nó vô tư không để ý gì tới thái độ mất thần của tôi và mặt mày nó tỉnh bơ không có vẻ gì là người chạy bộ hết. Tôi hỏi:
– Nãy giờ mầy chạy bộ hả?
Nó lắc đầu cười và nói như chữa thẹn:
– Đường ở đây dốc lên, dốc xuống nhiều quá nên tui đi bộ.
Tôi nhìn thân hình đồ sộ của người con gái mới hai mươi tuổi mà thấy lo, không biết một vài năm nữa thịt trên người của nó thừa ra cỡ nào. Jannet rút ra một đếu thuốc cầm trên tay nhưng chưa đốt, nó day qua nói:
– Hồi nãy ông thợ máy tìm Ivan.
– Nó đuổi người ta rồi còn tìm làm chi.
– Hổng biết, nhưng tôi mới thấy Ivan đi vô hội quán.
– Ừa, tao nghĩ nó gọi điện về báo cáo với phòng lao động chuyện xảy ra hồi sáng.
– Dĩ nhiên, nếu tui là Ivan thì tui về liền, ông biết không, tại vì bằng cấp của Ivan cao và có kinh nghiệm hơn thợ máy nên hắn ganh tỵ rồi làm khó người ta.
– Bộ mầy không ganh tỵ sao?
Jannet cười sằng sặc:
– Thời đại toàn cầu hóa mà, người Hòa Lan cũng qua bên Ukrainia làm việc vậy.
– Thì chuyện ganh tỵ nhau về nghề nghiệp, tranh giành quyền lợi cũng là một khía cạnh toàn cầu hóa. Mầy không thấy sao, chỉ có chuyện ô nhiễm môi trường, trái đất nóng nhanh mà những tai to mặt bự trên trên thế giới người đề nghị nầy, người đề nghị kia, không ai chịu ai, hợp hành tới lui tìm cách phòng chống cả mấy năm trời, trái đất thì sắp cháy thành than rồi, mà chẳng ra cơm ra cháo gì hết. Huống chi thủy thủ tàu bè, toàn là một đám dân hạ tiện tối ngày ganh tỵ ba cái nhỏ mọn mà chưởi bới nhau, theo tao thì cũng là chuyện bình thường.
– Còn ông, bộ ông hổng ganh tỵ sao?
– Tao có khỉ gì đâu mà ganh tỵ, có mầy kìa, mầy không về lo tụ tập biểu tình chống người nước ngoài sang Hòa Lan làm việc, thì tương lai người nước ngoài tràn qua chiếm lấy các việc làm, lúc đó dân Hòa Lan mầy thất nghiệp hết cho mà coi.
– Đối với tui không có vấn đề gì hết, bạn trai tui là người Ukrainia mà.
– À thì ra là vậy.
Jennet vừa ừ hữ vừa cầm hộp quẹt lên định bật lửa châm thuốc, thường lên bờ chơi tôi không muốn nghĩ tới ba cái chuyện lộn xộn trên tàu, sẵn cớ nó định đốt thuốc tôi liền bắt qua chuyện khác:
– Không gian nơi đây đẹp và sạch mầy hút thuốc làm ô nhiễm môi trường.
Nó tắt quẹt dòm lên chu mỏ nói:
– Hút một điếu chắc không sao.
Tôi ra vẻ trịnh trọng:
– Chỉ cần mầy hút một điếu thuốc thôi thì khói thuốc sẽ bay lên không góp phần làm cho chỗ hổng của tầng ozone rộng ra, sức nóng mặt trời tỏa xuống nhiều làm cho nhiệt độ trái đất tăng mau, con người ta sẽ bị chất phóng xạ của mặt trời làm ung thư da rồi sanh ra lở loét cùng mình...
Nếu tôi nói câu nầy với mấy tên ghiền thuốc khác thì thế nào cũng bị họ mắng và cho tôi là một tên khùng. Nhưng Jannet làm như thiệt, nó nhét điếu thuốc trở vô bao, cười cười nói:
– Nghe ông nói tui hết muốn hút thuốc luôn.
– Tốt, vậy mầy dám bỏ hút thuốc luôn không?
Con nhỏ cười quả quyết:
– Dám chớ.
– Tốt, vậy mầy dám liệng bỏ gói thuốc không?
– Tui sẽ liệng.
– Tốt, mầy dám hứa với tao không?
Nó chìa tay ra bắt tay tôi:
– Ô kê, tui hứa.
Nó day ngang và ra bộ như người xưng tội trước ông cha nhà thờ nói:
– Từ đây trở đi nếu ông thấy tui hút thuốc thì tui sẽ trả ông 20 euro.
Tôi đưa tay tha tha lên đầu nó rồi đứng dậy móc hai chai nước lọc trong ba lô đưa cho nó một chai và phần tôi một chai. Tôi với nó mở nước ra ngước cổ uống hột hơi, tôi nói với nó:
– Tới giờ tao phải xuống tàu, mầy ở lại đây hay về?
– Tui về.
Tôi dợm bước nhưng chợt thấy gói thuốc còn nằm trên chiếc băng, tôi hỏi:
– Sao mầy để thuốc ở đó.
– Để đây coi có ai hút lấy hút.
– Mầy sợ ô nhiễm môi trường, quyết tâm bỏ thuốc mà còn để như vậy khác nào xúi người ta làm ô nhiễm dùm mầy.
– Vậy, tui phải làm sao?
– Tao thấy mấy đứa mập ít có đứa thông minh.
Tôi chỉ tay qua cái thùng rác nằm bên đường:
– Cái thùng rác sờ sờ kia kìa.
– Ô kê, ô kê...
Jannet cầm gói thuốc lên vò bèo nhèo trước khi bỏ vô thùng rồi câu tay tôi đi... Tôi rất thích không gian rộng, mát và sạch sẽ nơi đây. Thường thì tôi hay đi một mình và đi tà tà vô phố cũng như tới những nơi vắng vẻ, tôi không muốn đầu óc mình phải bận rộn về chuyện con tàu và những chuyện phức tạp thường ngày. Hôm nay có Ivan đi theo rồi tình cờ gặp ma (?) và con Jannet.
Trên con đường mòn chật chội lại kè thêm chín mươi bảy ký lô thịt một bên, nặng như tảng đá, tôi đi nhanh thì bị nó trì lại, hễ đi chậm thì bị nó lôi theo. Tuy cuộc đi dạo không được như ý, nhưng tôi không lấy làm phiền, vì vô tình khoác lác mấy câu, vậy mà cũng thuyết phục được Jannet bỏ hút thuốc... À, đây cũng là một trong những chuyện toàn cầu phải không?.
The archipelago Stockholm 29-06-2008
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Direct link: https://caidinh.com/trangluu/vanhocnghethuat/van/bonbienlanha.htm