Phạm Đình Lân


Về Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2012

 

Sự luận đoán dựa vào những dữ kiện thấy và biết chưa bảo đảm được kết quả chính xác của cuộc bầu cử và sự lựa chọn của cử tri.
Vấn đề giản dị bình thường bên ngoài không làm cho ta thấy được vô vàn phức tạp tiềm ẩn bên trong trên một quốc gia rộng lớn, đa chủng, đa văn hóa và đa tôn giáo như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ...

   

Cứ mỗi lần có bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ, tôi nhớ lại lời than phiền của một vị giáo sư đại học Starkville, MS. Ông tâm sự với tôi:'Tôi chưa bầu ứng cử viên nào đắc cử tổng thống cả'. Người ông nghĩ sẽ là tổng thống lại thất cử và người ông nghĩ sẽ thất cử lại đắc cử. Sự luận đoán dựa vào những dữ kiện thấy và biết chưa bảo đảm được kết quả chính xác của cuộc bầu cử và sự lựa chọn cử tri. Vấn đề giản dị, bình thường bên ngoài không làm cho ta thấy được vô vàn phức tạp tiềm ẩn bên trong trên một quốc gia rộng lớn, đa chủng, đa văn hóa và đa tôn giáo như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Dù vậy chúng ta vẫn cố tìm hiểu và bàn bạc như là một học hỏi chánh trị ở quê hương thứ hai.

Cách đây sáu tháng tôi có viết bài Cuộc So Găng Giữa Obama và Romney. Lúc ấy ông Romney chưa được đảng Cộng Hòa đề cử và dĩ nhiên chưa chọn ứng cử viên phó tổng thống.

Trong kỳ bầu cử năm 2012 đương kim tổng thống Barak Obama và phó tổng thống Joe Biden là ứng cử viên của đảng Dân Chủ.

Ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của đảng Cộng Hòa là Mitt Romney, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts và Paul Ryan, dân biểu Wisconsin. Đây là lần đầu tiên đảng Cộng Hòa đề cử ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống không phải là tín đồ Tin Lành. Romney theo đạo Mormon. Paul Ryan theo đạo Thiên Chúa. Chữ Christian mà người Hoa Kỳ dùng chỉ đạo Tin Lành. Tín đồ Thiên Chúa Giáo được gọi là Roman Catholic. Trong lịch sử Hoa Kỳ John F. Kenedy là vị tổng thống Thiên Chúa Giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Tổng thống Obama theo đạo Tin Lành nhưng cha ruột và chồng chấp nối của mẹ ông theo đạo Hồi. Ông sống ở Indonesia khi còn bé. Phó tổng thống Joe Biden theo đạo Thiên Chúa. Người ta ngạc nhiên không thấy khẩu hiệu GOD trong đại hội đảng Dân Chủ. Bị lưu ý, đảng Dân Chủ vội thêm GOD vào khẩu hiệu đại hội. Tính 'vô thần' và 'Hồi Giáo' được tìm thấy khi biểu quyết nên thêm GOD vào khẩu hiệu của đại hội hay không. Điều mâu thuẫn là GOD lại đứng bên cạnh chủ trương phá thai, hôn nhân đồng phái do tổng thống Obama công khai công nhận trước khi có đại hội đảng Dân Chủ.

Bây giờ chúng ta thử phân tích mặt MẠNH và YẾU của hai ứng cử viên của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

 

Mặt mạnh và yếu của tổng thống Obama

Người cầm quyền có một số kinh nghiệm chánh trị quí báu và có cơ hội để lập thành tích để trình bày trước cử tri. Đó là mặt mạnh của tổng thống đương nhiệm.

Tổng thống Obama là tổng thống người Da Đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông được ít ra 90% người Da Đen dồn phiếu. Ở Hoa Kỳ người Da Đen chiếm 14% tổng số dân trong nước. Ông còn được đa số phiếu của người Latinos rất e dè chánh sách bảo thủ của đảng Cộng Hòa. Tỷ lệ người Latinos hiện nay cao hơn tỷ lệ người Da Đen. Họ sống rải rác khắp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ Florida, New Mexico, Nevada, Colorado, Texas đến Michigan, New York, California v.v. Ngoài người Da Đen và Latinos, người da màu khác như người Á Châu, Trung Đông Hồi Giáo sẽ bỏ phiếu cho Barak Obama.

Ông Obama được những nhân vật chánh trị Da Trắng nổi tiếng như cựu tổng thống Bill Clinton, Jimmy Carter, nghị sĩ Kerry, phó tổng thống Joe Biden, nghị sĩ Reid hết lòng binh vực và ủng hộ.

Tổng thống Obama được nhiều phiếu của phụ nữ, những người tán đồng chánh sách phá thai, hôn nhân đồng phái và dễ dãi trong vấn đề nhập cư của người Latinos vào Hoa Kỳ. Số người ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng phái không nhỏ. Chẳng những thế những người nầy đều giàu có, đóng góp nhiều tiền bạc cho quỹ vận động bầu cử. Ông cũng được phiếu của những người 'phản chiến' ngao ngán chiến tranh Iraq và Afghanistan và những tranh chấp không bao giờ dứt ở Trung Đông giữa Do Thái và các nước Hồi Giáo. Khó biết đích xác số người này đông đảo bao nhiêu.

Truyền thông dành nhiều biệt đãi đối với tổng thống Obama. Đa số các tài tử chiếu bóng đều ủng hộ ông. Các tiểu bang California, New York, Connecticut, Massachusetts được xem như thành trì kiên cố của đảng Dân Chủ. California và New York là hai tiểu bang có số cử tri đoàn rất cao. Các tiểu bang dọc Thái Bình Dương như Washington State, Oregon dồn phiếu cho đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Đó là tiểu bang có nhiều người Á Châu,  nhất là người Trung Hoa sinh sống từ lâu. Obama mạnh ở Pennylvania không phải vì đó là tiểu bang sinh quán của phó tổng thống Biden mà vì tiểu bang nầy có nhiều người Da Đen, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở đây trên 9%. Michigan là tiểu bang sinh quán của Romney nhưng Obama có ưu thế ở đó vì chánh sách kích thích kinh tế của ông cứu vãn việc sản xuất xe hơi. Detroit, Dearbom, Grand Rapids có nhiều người Trung Đông và Latinos sinh sống. Sau thất bại của cuộc tranh luận với Romney ngày 03-10-2012, Obama vẫn còn ưu thế ở Ohio và ý thức rằng con đường vào White House (Bạch Ốc) đi ngang qua Ohio và không ứng cử viên tổng thống nào, nhất là ứng cử viên đảng Cộng Hòa, vào White House mà không thắng cử ở Ohio. Năm 1960 ứng cử viên Dân Chủ là John F. Kennedy đắc cử tổng thống nhưng không thắng cử ở Ohio. Đó là một ngoại lệ. Nếu Romney không thắng ở Ohio thì hy vọng vào White House của ông sẽ nhỏ lại. Sau cuộc tranh luận thắng lợi to lớn trước Obama, Romney vẫn chưa nắm ưu thế ở Ohio đến nỗi nhiều cố vấn trong đảng Cộng Hòa nghĩ đến việc thắng cử của Romney mà không cần thắng cử ở Ohio như Kennedy trước kia.

Năm 2008 Hoa Kỳ bỏ phiếu cho nghị sĩ Obama vì tài hùng biện của ông khiến cử tri tin tưởng ông có khả năng giải quyết sự suy thoái kinh tế, thâm hụt ngân sách và nợ nần quốc gia do tổng thống Cộng Hòa Bush II để lại sau hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Cử tri cũng tin tưởng rằng ông có khả năng đem lại sự cảm thông của thế giới Hồi Giáo với Hoa Kỳ bằng đường lối nhún nhường và tạ lỗi.

Trong kỳ bầu cử nầy sự hùng biện của ông giảm rõ rệt. 72% cho rằng Romney thắng trong cuộc tranh luận ngày 03-10 và 20% cho rằng Obama thắng. Đây là tỷ lệ thắng lớn nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (52 điểm). Năm 1992 Billo Clinton thắng tổng thống Bush I 42 điểm trong cuộc tranh luận. Thật ra không phải ông Obama mất tài hùng biện mà vì ông không có thành tích nổi bật để trình bày và biện bạch cho sự lãnh đạo của mình. Ông chỉ đổ lổi tổng thống Bush II và Quốc Hội. Người bàng quan cho rằng vì ông Bush II mà ngân sách hao hụt nên người Hoa Kỳ mới bầu ông để giải quyết khó khăn chớ không phải để qui trách cho người khác trong khi ông có quyền và Quốc Hội lưỡng viện đồng đảng trong tay. Từ 2009 - 2011 đảng Dân Chủ chiếm đa số trong Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Sau cuộc bầu cử năm 2010 đảng Dân Chủ chỉ còn nắm đa số ở Thượng Viện mà thôi. Các nhược điểm của tổng thống Obama là:

– Kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa xoay chiều.

– Tỷ lệ thất nghiệp: 8,1%.

– Nợ quốc gia sau gần 4 năm cầm quyền của tổng thống Obama trên 6.000 tỷ Mỹ kim (trên 6 trillion, tức 6.000.000.000.000) so với 5.000 tỷ Mỹ kim sau 8 năm cầm quyền của tổng thống Bush II.

– Tín dụng AAA sụt xuống còn AA+.

– Giá xăng tăng đến $ 4/gallon ở vài tiểu bang ở Hoa Kỳ.

– Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm trong khi ngân sách quốc phòng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Nga tăng.

– Sự thắng cử của Morsi và nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập, cái chết của đại sứ Chris Stevens ở Benghasi ngày 11-09-2012, vấn đề nguyên tử ở Iran và Bắc Hàn lơ lửng không thể xem là sự thắng lợi ngoại giao và chánh trị của Hoa Kỳ. Osama Bin Laden đã chết. Nhưng khủng bố không chết theo ông ta.

– Tổng thống Obama có đường lối lạnh nhạt với Do Thái, đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Mùa xuân Á Rập không mang dân chủ cho các nước Bắc Phi và Trung Đông. Dân chủ hóa trở thành Hồi Giáo hóa. Nó đánh dấu sự thắng lợi của Huynh Đệ Hồi Giáo và các nhóm Hồi Giáo cực đoan. Sự sụp đổ của Mubarak ở Ai Cập làm Do Thái thấp thỏm lo ngại cho an ninh và hòa bình của nước họ. Do Thái trách tổng thống Obama đòi Do Thái trả lại đất đai đã chiếm trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 nhưng không buộc Palestine ký một văn bản công nhận sự hiện hữu của nước Do Thái ở Trung Đông. Do Thái cũng than phiền tổng thống Obama không tiếp thủ tướng Netanyahu nhân dịp ông nầy đến New York tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 vừa qua.

Điều may mắn cho tổng thống Obama, người bị chánh phủ Do Thái xem như có chánh sách bất lợi cho nước Do Thái, là cử tri gốc Do Thái không quan tâm đến chánh sách của ông về nước Do Thái và sự trì trệ kinh tế hiện nay để ủng hộ ông. Theo sự thăm dò gần đây nhóm cử tri nầy ủng hộ Obama hơn là Romney! Năm 2008, 77% cử tri Hoa Kỳ gốc Do Thái bỏ phiếu cho Obama.

– Giải thưởng Nobel Hòa Bình mà ông nhận cuối năm 2009, cảm tình mà các nước ngoài dành cho ông, kể cả cảm tình của nhà độc tài có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez của Venezuela, sự nhũn nhặn và xin lỗi của ông trước các quốc gia Hồi Giáo không giúp ích nhiều cho ông trong cuộc tranh cử năm 2012. Lý do dễ hiểu là Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ thế giới duy trì hòa bình và giải quyết những nan đề của nhân loại nhưng quyền lợi của Hoa Kỳ và quyền lợi của thế giới không thể là một. Cho đến ngày mang nợ trên 16.000 tỷ Mỹ kim, Hoa Kỳ vẫn còn là một siêu cường và là một nước tư bản truyền thống.

 

Mặt mạnh và yếu của Thống Đốc Mitt Romney

Thống đốc Mitt Romney xuất thân từ một gia đình giàu có và có thế lực. Cha ông là thống đốc Michigan và chủ tịch American Motor Corporation. Ông tốt nghiệp tiến sĩ Luật và Cao Học Quản Trị Kinh Doanh ở đại học Harvard, Massachusetts. Ông là người có khả năng tổ chức và giải quyết các vấn đề nan giải. Ông là đảng viên Cộng Hòa đắc cử thống đốc Massachusetts, tiểu bang được xem như pháo đài của đảng Dân Chủ và gia đình Kennedy. Khi làm thống đốc, ông cân bằng ngân sách, tạo ngân sách thặng dư, biến tiểu bang Massachusetts thành tiểu bang đứng đầu về giáo dục. Ông vượt qua mọi khó khăn một cách khéo léo vì hầu hết các dân biểu, nghị sĩ tiểu bang đều là đảng viên Dân Chủ. Ông là một nhà kinh doanh thành công với Bain & Company. Năm 2002 ông cứu Thế Vận Hội Mùa Đông ở Utah một cách ngoạn mục. Sự thành công nầy cứu vãn danh dự quốc gia và mang lại số tiền thặng dư trên hàng trăm triệu Mỹ kim.

Đứng trước tình trạng kinh tế xập xềnh hiện nay, vai trò của ông được nhiều người quan tâm đến. Mitt Romney là người bị nhiều thử thách cam go:

– Ông là nhà truyền đạo Mormon nhưng bị nghị sĩ Reid đồng đạo thuộc đảng Dân Chủ tìm mọi cách tấn công ông để giúp cho tổng thống Obama khi nói rằng ông không đóng thuế suốt 10 năm liền. Lời buộc tội chưa có kết quả thì ông Reid lại nói tiếp rằng Romney không phải khuôn mặt của đạo Mormon. Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Beijing, cùng đạo với ông Romney nhưng không thực tâm ủng hộ ông. Huntsman có vẻ thân Obama và Beijing vì thân phụ ông là một tỷ phú làm ăn phát đạt ở Trung Hoa lục địa.

 - Ông Romney gốc ở Michigan nhưng không chắc chắn Michigan dồn phiếu cho ông. Ông cư ngụ và là cựu thống đốc Massachusetts, nhưng tiểu bang nầy là thành trì kiên cố của đảng Dân Chủ.

– Ban vận động bầu cử của tổng thống Obama đào sâu mâu thuẫn NGHÈO - GIÀU để nói rằng ông Romney là người giàu có và xa cách quần chúng. Hoa Kỳ há không phải là một quốc gia tư bản chủ nghĩa sao? Quốc phụ Hoa Kỳ, cố tổng thống George Washington, không phải là người giàu có nổi tiếng vào thời bấy giờ sao? Chính vị Quốc Phụ giàu có nầy đã lèo lái con thuyền tân tạo Hoa Kỳ đến bến Hùng Cường quân sự và Phồn Vinh kinh tế.

– Trong cuộc tranh cử sơ bộ ông Romney gặp vô vàn khó khăn: người thì cho rằng ông không có lập trường bảo thủ; người cho rằng ông thuộc đạo Mormon, đạo nầy không phải là đạo thờ đấng Christ như đạo Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo; người khác nói ông có khuynh hướng 'tự do' với chương trình bảo vệ y tế khi làm thống đốc Massachusetts v.v. Ông khắc phục mọi khó khăn để được đảng Cộng Hòa đề cử, ban vận động bầu cử của đảng Dân chủ đã có những quảng cáo nhắm vào Romney để chỉ trích. Điều đó cho thấy đảng Dân Chủ kiêng dè Mitt Romney, người hiểu biết kinh tế giữa lúc quốc gia đang rơi vào cơn trốt kinh tế.

– Ông Romney đi từ khó khăn, ngờ vực sang hanh thông dễ được nhiều người ghi nhận. Cuộc tranh luận ngày 03-10-2012 cho thấy phần nào khả năng và đức tính của ông. Ông kết hợp kinh nghiệm chánh trường với kinh nghiệm thương trường để tấn công đối thủ nghèo nàn về kiến thức kinh thương. Cựu chủ tịch Hạ Viện, New Gingrich, ám chỉ tổng thống Obama là Carter và thống đốc Romney là Reagan. Reagan cứu vãn kinh tế Hoa Kỳ sau khi đắc cử năm 1980 mặc dù ông không phải là một nhà kinh tế. Ông thuộc đảng Cộng Hòa. Nhiều người bị ám ảnh rằng đảng Cộng Hòa gây thâm hụt ngân sách và đảng Dân Chủ giải quyết các vấn đề kinh tế hữu hiệu như tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã làm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 2008 Hoa Kỳ lâm vào tình trạng gần giống như 1929. Cử tri dồn phiều cho nghị sĩ Obama (Dân Chủ) với hy vọng ông là Roosevelt thứ nhì. Sau trên ba năm cầm quyền, ông không phải là Roosevelt mà lại có sức công phá gấp đôi tổng thống Bush II về thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nợ quốc gia chiếm 103% so với GDP của Hoa Kỳ.

Năm   
Nợ
Tổng Thống
2001-2009   4.800 tỷ   Bush II
2009-2012 6.100 tỷ Obama

Đảng Cộng Hòa luôn luôn được nhiều phiếu ở các tiểu bang miền Nam và miền Bắc giữa Ngũ Đại Hồ và dãy Rocky Moutains. Nhưng số cử tri đoàn của các tiểu bang nầy rất nhỏ ngoại trừ Texas. Florida và Ohio là tiểu bang xôi đậu giữa Dân Chủ và Cộng Hòa. Năm 1980 thống đốc Ronald Reagan thắng cử ở 44 tiểu bang trên 50 với 480 phiếu cử tri đoàn (chỉ cần 270 phiếu cử tri để được đắc cử). Reagan thắng ở các tiểu bang thành trì của đảng Dân Chủ như California, New York, Connecticut, Massachusetts v.v. Romey có thể thắng cử nhưng không thể vẻ vang như vậy được. Reagan là một tài tử chiếu bóng từng là thống đốc California. Ông là người của đảng Cộng Hòa nhưng được các tài tử điện ảnh Hollywood nhiệt tình ủng hộ vì ông và vợ ông đều là tài tử chiếu bóng.

Cử tri bỏ phiếu cho Mitt Romney là những người bảo thủ, Da Trắng hay da màu có khuynh hướng tôn giáo (chống phá thai, chống hôn nhân đồng phái); quân nhân; những người tin tưởng ông có thể giải quyết được những khó khăn kinh tế để tạo nhiều việc làm; cử tri độc lập không bị ràng buộc bởi đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa; những người còn kỳ vọng Hoa Kỳ là quốc gia chỉ đạo trên thế giới v.v. Sự thành công của ông là sự thành công của truyền thống kinh tế và giá trị tư tưởng và tín nhiệm Hoa Kỳ. Sự thất bại của ông là sự thất bại của các thế lực tài chánh ủng hộ ông và những giá trị nói trên. Nó khích lệ cho nhóm Occupy Wall Street không ít.

 

Nhận Xét Phi Khoa Học Về Kết Quả Bầu Cử

1- 80% các vị tổng thống đắc cử ở Hoa Kỳ đều cao hơn đối thủ của mình. Ông Romney cao hơn ông Obama tới 1/10 inch. Nếu đắc cử ông cũng chỉ thắng sát nút mà thôi.

2- Năm 2012 là năm Thìn. Ông Obama tuổi Sửu. Thìn, Tuất, Sửu, Mùi khắc nhau. Tháng bầu cử là tháng Tuất. Năm và tháng bầu cử đều khắc với tuổi Sửu. cuộc bầu cử nầy rất vất vả cho đương kim tổng thống Obama. GOD không thể đi đôi với phá thai và hôn nhân đồng phái dễ dàng được. Con heo, con bò bị giết trong lò sát sinh còn có linh hồn báo oán, sá chi hồn của những bào thai chưa nhiễm tội.

3- Tổng thống Obama là người thụ hưởng danh dự và chức quyền cao nhất trên Trái Đất mà không hề trải qua một sự gian khổ nào. Ông là người Da Đen đầu tiên đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, một siêu cường quốc trên thế giới. Mới 1/3 nhiệm kỳ nghị sĩ, ông nhảy vọt lên làm tổng thống. Chín tháng sau ông lãnh giải Nobel Hòa Bình trong khi chưa làm một việc gì cụ thể ngoài vài lời tuyên bố. Năm 2008 nhiều cơ quan truyền thông Hoa Kỳ không ngần ngại cho rằng ông hơn cả Chúa Jesus! Sự tái đắc cử của ông, nếu có, sẽ làm đảo lộn sự nhận xét của người Việt Nam về:

Phước bất trùng lai
Họa vô đơn chí.

Vì nó không do THIÊN mà do NGƯỜI. Nó không dựa vào thành tích vẻ vang mà dựa vào những 'thành quả' tiêu cực (tán đồng phá thai, hôn nhân đồng phái, chánh sách dễ dãi đối với những người nhập cư, kích thích sự đấu tranh giữa Nghèo-Giàu - 99% # 1% tiêu xài rộng rãi dù mang nợ v.v.).

4- Trước khi trao cho ai một nhiệm vụ gì quan trọng, Thượng Đế luôn luôn thử thách người ấy. Ông Romney trải qua những thử thách gay go trong thời gian đi truyền giảng đạo Mormon ở Pháp, làm thống đốc Massachusetts, làm CEO cho Bain & Company, trong cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua và vận động bầu cử. Truyền thông có vẻ có ác ý với ông bằng cách khuếch tán những khuyết điểm, dù thật hay ngụy tạo, của ông và che lấp mọi lỗi lầm của đối thủ của ông hay đưa ra những con số thăm dò dân ý bất lợi cho ông. Ông rơi vào thế:

No pain, no gain

của một kiếm khách thắng không gian nguy thì chiến thắng không vinh quang.

A vaincre sans péril, on triomphe sans gloire.

Tôi xin chấm dứt bài viết ở đây bằng những nhận xét vụng dại và phi khoa học ghi trên.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012