Phạm Đình Lân
Cuộc so găng giữa Obama và Romney
Trong những tháng vừa qua đảng Cộng Hòa nhập nhằng trong các cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tổng thống tranh cử với đương kim tổng thống Barack Obama của đảng Dân Chủ. Trong các cuộc tranh luận kéo dài các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa nêu tất cả các yếu điểm của các đối thủ của mình với hy vọng được cử tri chọn ra tranh cử để lấy lại ghế tổng thống của Obama, vị tổng thống Da Đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông Mitt Romney dẫn đầu trong các ứng cử viên Rick Santorum, Newt Gingrich, Ron Paul sau khi các ứng viên Herman Cain, Rick Perry, Michele Bachmann, Jon Huntsman rút lui. Ông vất vả khi vận động ở các tiểu bang miền Nam giữa lúc ông luôn luôn đạt kết quả tốt ở các tiểu bang miền Bắc, kể cả Massachusetts nơi ông đã là thống đốc, hay Michigan, tiểu bang sinh quán của ông và nơi cha ông từng là thống đốc.
Cựu nghị sĩ Pennsylvania, Rick Santorum, gốc Ý và theo đạo Thiên Chúa, đắc cách ở miền Nam với lập trường bảo thủ và tôn giáo của mình. Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện Cộng Hòa thời tổng thống Bill Clinton, được phiếu của những người bảo thủ cực đoan nhưng ông kém hơn Santorum về lập trường tôn giáo. Nhiều người mệnh danh Santorum là "hồng y" mới được bổ nhiệm. Với lập trường nầy ông đụng chạm ít nhiều với cử tri phụ nữ. Người ta đề cao thức ăn chay và người ăn chay nhưng thức ăn mặn vẫn bán chạy và được nhiều người ăn. Ông Santorum đụng chạm với báo chí khi có lời nhận xét quá đáng về ông Romney cũng như có thái độ không đẹp khi nói về cố tổng thống Kennedy cùng tôn giáo như ông nhưng khác đảng chánh trị.
Những người bảo thủ trong đảng Cộng Hòa cho rằng ông Romney không phải là người bảo thủ. Những gì ông thực thi ở Massachusetts khi còn là thống đốc cho thấy như vậy. Ông là giám mục của đạo Mormon. Đó là hai bức tường khó khăn mà ông gặp trong đảng Cộng Hòa, nhất là với Tea Party (đảng Trà trong đảng Cộng Hòa). Nhưng bất cứ người bàng quan nào cũng thấy Romney là người khả dĩ đương đầu hữu hiệu với Obama trong hoàn cảnh hiện nay của Hoa Kỳ: nợ nần, thâm hụt ngân sách, kinh tế yếu kém, công việc làm chưa đảm bảo, nhiều người bị mất nhà không đủ tiền để trả hàng tháng, giá xăng dầu tăng vọt, v.v. Romney được xem như người của tình thế nhưng còn nhì nhằng trong việc tranh phiếu với Santorum, Gingrich và Ron Paul. Nhiều khuôn mặt có ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng Hòa công khai lên tiếng ủng hộ Romney như Mc Cain, Bob Dole, bà Barbara Bush, Jeb Bush và cả tổng thống Bush I, v.v... để chấm dứt những cuộc đả kích lẫn nhau trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Đảng cần thống nhất, ủng hộ người khả dĩ đắc cử, nghĩa là đánh bại đương kim tổng thống Obama vào tháng 11 sắp tới. Cho đến tháng 3 Romney được 680 phiếu đại biểu trên tổng số 1144 và được nhiều siêu đại biểu trên tổng số 140 siêu đại biểu ủng hộ. Triển vọng ông được đảng Cộng Hòa đề cử rất cao so với các ứng cử viên khác. Ngày 10-04 ông Santorum tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử sau khi con gái ông xuất viện và sau khi ông biết rõ cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử sơ bộ ở Pennsylvania, tiểu bang sinh quán mà ông đại diện ở Hạ Viện rồi Thượng Viện và bị thất cử năm 2006, hoàn toàn thuận lợi cho ông Romney. Sự rút lui của ông Santorum cho thấy rõ ràng đối thủ của ông Obama vào mùa thu này là ông Romney.
*
Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ pháp trị nên không thể có ưu thế dành cho người đang cầm quyền như ở các quốc gia dân chủ ấu trĩ hay độc tài. Lướt nhìn tiểu sử của hai ứng cử viên Dân Chủ (Obama) và Cộng Hòa (Romney), ta thấy:
- Romney lớn hơn Obama 14 tuổi nhưng sức khỏe của ông rất tốt.
- Cả hai đều tốt nghiệp đại học Harvard. Obama có tiến sĩ luật. Romney có tiến sĩ luật Juris Doctor và MBA. Cha ông Obama là một du sinh viên Kenya cũng học đại học Harvard. Cha ông Romney là cựu thống đốc tiểu bang Michigan (1953 - 1969) và chủ tịch American Motor Corporation từ năm 1954 đến 1962. Năm 1968 ông ra tranh với Richard Nixon để được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống. Ông nhường bước trước Nixon, cựu phó tổng thống dưới thời tổng thống Eisenhower.
- Về tôn giáo ông Obama theo đạo Tin Lành nhưng thuở nhỏ có nhiều liên hệ với đạo Hồi (cha theo đạo Hồi. Chồng chấp nối của mẹ ông là người Indonesia theo đạo Hồi. Khi còn nhỏ Obama từng sống và học ở Indonesia, nơi Hồi Giáo là quốc giáo). Đạo Mormon chấp nhận đa thê nhưng Romney chung sống với vợ trên 40 năm nay. Ông Romney là giám mục của đạo Mormon. Ông từng là thành viên trong phái bộ truyền giáo Mormon ở Pháp. Cha ông Obama đa thê. Cha ông Romney độc thê.
- Ông Obama là nghị sĩ của tiểu bang Illinois được nửa nhiệm kỳ thì đắc cử tổng thống. Năm 2009 ông được giải Nobel Hòa Bình. Ông Romney là CEO và đồng sáng lập viên của Bain & Company, chủ tịch ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông ở Utah năm 2002, thống đốc tiểu bang Massachusetts (thành trì văn hóa của Hoa Kỳ và tư tưởng cấp tiến của đảng Dân Chủ). Năm 1994 Romney ra tranh ghế nghị sĩ với Ted Kennedy (đảng Dân Chủ) tức Edward Kennedy. Đây là một cuộc so gươm giữa một người trẻ (Romney) chưa có thành tích chánh trị với người giữ ghế nghị sĩ 32 năm tính đến năm 1994. Ted Kennedy thắng cử với 58,07% phiếu, Romney được 41,01%. Các nhà bình luận chánh trị xem sự thất bại nầy của Romney là sự thất bại vẻ vang của một người trẻ trước một nghị sĩ có 32 năm kinh nghiệm. Massachusetts là thành trì của đảng Dân Chủ và gia đình Kennedy từ năm 1952 sau khi dân biểu John F. Kennedy (sau nầy là tổng thống) đánh bại nghị sĩ Henry Cabot Lodge II, đại sứ ở Nam Việt Nam vào năm 1963. Ted Kennedy là nghị sĩ Massachusetts cho đến khi chết vào năm 2009. Sự thắng cử của Mitt Romney vào chức vụ thống đốc Massachusetts năm 2002 như là một thành tích phá vỡ bức tường kiên cố của đảng Dân Chủ. Năm 2006 ông không tái tranh cử chức vụ nầy mà hướng về việc kinh thương.
Theo những cuộc thăm dò dư luận trong thời gian bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa thì tổng thống Obama sẽ thắng các ứng cử viên đảng Cộng Hòa từ Romney, Santorum đến Gingrich, Ron Paul nếu cuộc bầu cử diễn ra vào lúc ấy. Tổng thống Obama phấn khởi cho rằng ông còn tại chức 5 năm nữa, nghĩa là ông sẽ tái đắc cử. Cựu tổng thống Bill Clinton vận động tài chánh cho tổng thống Obama và cho rằng ông Obama là người thắng cử trong kỳ bầu cử vào mùa thu năm nay. Bà Hillary Clinton cũng tin chắc rằng ông Obama sẽ tái đắc cử dễ dàng. Hàng ngày các cơ quan truyền thông đều có tin ông Obama thắng các ứng cử viên Cộng Hòa dù đó là Romney với cử tri phụ nữ. Điều hiển nhiên là ông sẽ được người Mỹ Da Đen ủng hộ triệt để mặc dù họ cũng có chút điều không hoàn toàn hài lòng sau bốn năm cầm quyền của ông Obama. Người Latino ủng hộ Obama hơn là ủng hộ đảng Cộng Hòa khi đảng nầy ca ngợi đường lối cứng rắn đối với người nhập cư bất hợp pháp của tiểu bang Arizona. Những người chủ trương phá thai và hôn nhân đồng phái chắc chắn sẽ thiên về đảng Dân Chủ hơn là đảng Cộng Hòa. Dù muốn dù không người Mỹ gốc Á Rập và Hồi Giáo cũng dồn phiếu cho ông Obama hơn là Romney.
Tỷ lệ thất nghiệp có sụt giảm đôi chút nhưng kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa khởi sắc rõ rệt. Số người bị ngân hàng lấy nhà vẫn còn cao. Giá xăng dầu bỗng nhiên tăng vọt. Ngân sách thâm hụt. Nợ quốc gia gia tăng từ năm 2008 đến tháng 2 năm 2012 từ 10.700 tỷ đến 15.589 tỷ Mỹ kim trong khi GDP của Hoa Kỳ cuối năm 2011 là 15.087 tỷ Mỹ kim (tỷ lệ thâm thủng 103%).
Nợ quốc gia sau 8 năm cầm quyền của tổng thống Bush II tăng từ 5.700 tỷ Mỹ kim đến 10.700 tỷ Mỹ kim, tức tăng 5.000 tỷ Mỹ kim. Trung bình mỗi năm Hoa Kỳ phải nợ 625 tỷ Mỹ kim dưới thời tổng thống Bush II. Sự thiếu hụt tài chánh dưới thời tổng thống Bush II do hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq và việc không đánh thuế những người có lợi tức cao mà ra.
Nợ quốc gia trong 3 năm cầm quyền của ông Obama lên đến 4.889 tỷ Mỹ kim. Trung bình mỗi năm Hoa Kỳ phải nợ 1.630 tỷ Mỹ kim dưới thời tổng thống Obama. Sự thiếu hụt tài chánh thời Obama do sự cắt giảm thuế lợi tức, chánh sách kích thích kinh tế và chánh sách bảo vệ y tế toàn dân. Chánh quyền Dân Chủ không tự hào nhiều về thành quả của chánh sách kích thích kinh tế.
Bề ngoài chánh sách bảo vệ y tế có vẻ thuận lòng dân. Những luật nầy nay đang được Tối Cao Pháp Viện cứu xét xem nó có hợp hiến không khi bắt buộc mọi công dân phải mua bảo hiểm sức khỏe và các công ty bảo hiểm sức khỏe phải bán bảo hiểm cho mọi người bất luận bịnh bất trị và dây dưa đến đâu! Như vậy quyền mua hay không mua của công dân và quyến bán hay không bán của công ty bảo hiểm bị tước đoạt, hay nói một cách khác, sự tự do quyết định không còn nữa. Đó là hiện tượng mới lạ trong một nước dân chủ truyền thống lâu đời như Hoa Kỳ. Với đà nầy các công ty bảo hiểm sớm bị phá sản vì bán bảo hiểm với giá 200 hay 300 Mỹ kim một tháng lại phải trả bạc ngàn hay chục ngàn tiền thuốc men và y phí cho bác sĩ và bịnh viện. Hệ thống tổ chức tư bản chủ nghĩa đã có từ lâu sẽ bị lung lay. Những người chống lại luật nầy cho rằng nó quá tốn kém trong khi quốc gia mang quá nhiều nợ. Chánh sách y tế toàn dân mô phỏng theo các nước Âu Châu và xã hội chủ nghĩa. Hoa Kỳ là quốc gia lãnh đạo thế giới nên không thể noi theo gương nước nào cả. Điều đó làm mất bản sắc đặc thù của quốc gia lãnh đạo thế giới.
Vì đạo luật bảo vệ y tế nầy mà ông Obama lớn tiếng chỉ trích Tối Cao Pháp Viện và cho rằng họ không có quyền bãi bỏ một đạo luật do quốc hội soạn thảo và biểu quyết thông qua vì 9 vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện không do dân bầu! Tối Cao Pháp Viện tượng trưng cho quyền Tư Pháp, đệ tam quyền hiến định, không có quyền giải thích tính hợp pháp và hợp hiến của một đạo luật? Đó là câu hỏi mà Tối Cao Pháp Viện nhờ Bộ Tư Pháp giải đáp.
Tống thống Obama khoét sâu NGHÈO-GIÀU ở Hoa Kỳ với việc đánh thuế người giàu theo sáng kiến của tỷ phú Buffet. Phong trào Occupy Wall Street mở đầu cho việc đào sâu mâu thuẫn NGHÈO-GIÀU ở Hoa Kỳ với những tỷ lệ đầy tính lấy thịt đè người: Với 99% người nghèo trong nước, Hoa Kỳ là quốc gia nghèo nhất thế giới và sẽ là quốc gia xã hội chủ nghĩa sau cùng trên trái đất!
Về đối ngoại Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường quốc dưới thời tổng thống Obama nhưng Hoa Kỳ không thân thiện với đồng minh cố hữu như Anh và Do Thái. Đối với Trung Hoa Cộng Sản và Nga, Hoa Kỳ không hoàn toàn ở thế thượng phong. Vấn đề Iran và Bắc Hàn vẫn lơ lửng như cũ. Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq và sẽ rút quân khỏi Afghanistan vì quá tốn kém chớ không phải vì chiến thắng. Ông Obama xin lỗi Iran về biến cố năm 1953 lật đổ Mossadegh, xin lỗi Afghanistan vì lính Hoa Kỳ bắn vào thường dân. Nhưng Afghanistan không xin lỗi và bắt thủ phạm đã giết một đại tá và thiếu tá Hoa Kỳ ngay tại bộ Nội Vụ của Afghanistan, không xin lỗi việc lính Afghanistan bắn chết quân sĩ NATO và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ giữ sự im lặng vàng son khi công an Cộng Sản Việt Nam ở Huế vật ngã một nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ và liệng lên xe cam nhông v.v. Điều nầy không thể xảy ra với nhân viên sứ quán Nga hay Trung Hoa Cộng Sản.
Obama thành công trong việc giết chết trùm khủng bố Osama Bin Laden vào tháng 5 năm 2011. Xác chết của ông nầy trị giá vài trăm tỷ Mỹ kim sau 10 năm chiến tranh và tìm kiếm. Ông ta sống an toàn trên lãnh thổ của nước bạn đồng minh Pakistan suốt cả chục năm trường trước khi bị giết chết.
Vì sao truyền thông nhắc qua nhắc lại tin tổng thống Obama sẽ được nhiều phiếu phụ nữ? Cách đây không lâu bà Hilary Clinton nói bà không làm bộ trưởng Ngoại Giao nữa sau khi tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Có người hỏi bà có định ra tranh cử tổng thống năm 2012 không vì nhiều người, trong đó có cả cựu tổng thống Carter, khuyến khích bà ra tranh chức vụ nầy và có nhiều hy vọng đắc cử hơn Obama. Câu trả lời của bà luôn luôn là "KHÔNG". Đầu tháng 4 năm 2012 đột nhiên cựu tổng thống Bill Clinton lại nói rằng ông ước muốn vợ ông ra tranh cử vào năm 2016. Và bà Pelosi, cựu chủ tịch Hạ Viện cũng có ý tương tự. Trước đó vài ngày ông Trump đã đoán trước điều nầy. Có phải chăng bà Hilary Clinton sẽ là ứng cử viên phó tổng thống của tổng thống Obama trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2012 nầy? Ông Biden (đương kim phó tổng thống Hoa Kỳ) đã già. Ghế bộ trưởng Ngoại Giao có thể sẽ trao cho ông Biden hay ông Kerry nếu ông Obama tái đắc cử. Nếu chọn bà Hilary Clinton làm phó tổng thống, ông Obama sẽ thống nhất được đảng Dân Chủ, nhất là các đảng viên Da Trắng khuynh hữu và được phiếu của phụ nữ vì bà Hilary được xem như thủ lãnh tranh đấu cho nữ quyền. Trong trường hợp nầy ông Bill Clinton sẽ hết lòng giúp đỡ cho Obama tái đắc cử. Trước mắt Clinton vận động người ủng hộ tiền bạc cho liên danh Dân Chủ. Người ta dự trù Obama sẽ có 1 tỷ Mỹ kim trong cuộc bầu cử sắp tới. Đó cũng là một ưu thế rất lớn trong cuộc bầu cử dân chủ
Nếu bà Hilary Clinton ra phó tổng thống với Obama và được đắc cử thì năm 2016 đương nhiên bà sẽ được đảng đề ra tranh cử tổng thống để hoàn thành mộng ước.
Nếu bà không ra phó tổng thống và không giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao như đã nói thì ý câu nói bà sẽ ra tranh cử năm 2016 ngầm hiểu rằng năm 2012 ông Obama không được tái đắc cử như một ít người đã ví ông với tổng thống Jimmy Carter.
Vấn đề Iran và năng lượng là mẫu số chung giữa Carter và Obama.
Obama thành công trong việc triệt hạ Osama Bin Laden.
Carter hòa giải thành công giữa Do Thái và Ai Cập.
Dưới thời Carter lạm phát lến đến 12% trong mùa bầu cử, tỷ lệ thất nghiệp 7,7%, ngân sách quốc gia thâm hụt 27,7 tỷ Mỹ kim.
Sau trên 3 năm cầm quyền của ông Obama tỷ lệ thất nghiệp lối 8,9%. Ngân sách quốc gia thâm thủng trên 1000 tỷ Mỹ kim mỗi năm, tỷ lệ lạm phát tính đến tháng 2 năm 2012 là 2,9%, giá xăng $4/gallon vào tháng 04-2012, v.v.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ thắng cử của ông Carter cao hơn ông Reagan của đảng Cộng Hòa, giống như những cuộc thăm dò dư luận vừa qua khi đảng Cộng Hòa chưa biết sẽ chọn ai trong số các ứng cử viên Romney, Santorum, Gingrich, Ron Paul, Rick Perry cho thấy đương kim tổng thống Obama thắng các ứng cử viên kể trên dễ dàng ngay trên các tiểu bang quyết định kết quả chung của cuộc bầu cử như Ohio, Florida, Pennsylvania, Michigan, Virginia, Wisconsin. Sự tiên liệu nầy quá sớm chăng? Hay người ta quá xem thường khả năng của ông Romney và sự đoàn kết của đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử?
Ông Romney đã thành công khi đắc cử thống đốc ở tiểu bang được xem là thành trì của đảng Dân Chủ. Ông là một nhà kinh doanh thành công, có kinh nghiệm tổ chức và điều hành kinh tế; cương nghị với No Apology; tự tin vào văn hóa Anglo-Saxon; vào sức mạnh, sự hưng thịnh và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Ông vượt qua những khó khăn trong cuộc bầu cử sơ bộ trước cử tri bảo thủ và Chritian (Ki Tô hữu; Tin Lành các phái + Thiên Chúa Giáo) một cách kiên nhẫn và ngoạn mục. Ông lần lượt loại các đối thủ nặng cân như Perry, thống đốc Texas; Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện; Santorum, cựu nghị sĩ Pennsylvania để được đảng Cộng Hòa đề cử.
Vấn đề gì được xem là quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2012?
Vấn đề kinh tế, tài chánh và xã hội?
Vấn đề đảng phái?
Vấn đề đối ngoại?
Vấn đề tôn giáo?
Vấn đề sắc tộc?
Vấn đề bảo vệ y tế?
Vấn đề phá thai?
Vấn đề hôn nhân đồng phái?
Vấn đề nhập cư bất hợp pháp?
Về phía cử tri bảo thủ của đảng Cộng Hòa, giữa việc hoài nghi ông Romney không thực sự bảo thủ và việc cần đánh bại ông Obama của đảng Dân Chủ để giành lại ghế tổng thống, cái nào quan trọng hơn một khi đảng Cộng Hòa đã đề cử ông Romney?
Điều chắc chắn là đường lối bảo thủ cực đoan hợp cho một số người bảo thủ cực đoan chớ không hợp cho cử tri toàn quốc. Nhưng đường lối bảo thủ ôn hòa có thể được cử tri toàn quốc chấp nhận dễ dàng khi chủ nghĩa tự do (liberalism) đã đi quá trớn.
Ngân sách thâm hụt. Nợ nần tăng. Chiến tranh Iraq không còn. Chiến tranh Afghanistan sắp tàn. Đây là lúc Hoa Kỳ phải chi tiêu dè sẻn, tránh mọi chi tiêu ngân sách to lớn để thanh toán nợ nần và phục hồi kinh tế. Việc bảo vệ y tế sẽ cần đến 340 tỷ trong thập niên tới.
Sau đệ nhất thế chiến Warren Gamaliel Harding của đảng Cộng Hòa đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1920. Ông chết thình lình ở San Francisco năm 1913.
Năm 1952 đảng Cộng Hòa chọn tướng Eisenhower ra tranh cử tổng thống và đắc cử khi chiến tranh Triều Tiên sắp chấm dứt.
Năm 1968 tổng thống Johnson gặp nhiều chống đối trong lẫn ngoài đảng, trong nước lẫn ngoài nước vì cuộc chiến tranh Việt Nam. Các cuộc oanh tạc ở miền Bắc và việc đưa bộ binh tham chiến ở miền Nam Việt Nam không mang lại kết quả rõ rệt. Năm 1968 quân Cộng Sản mở một cuộc tấn công nhắm vào 100 thành phố ở miền Nam Việt Nam, kể cả Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Mỹ Tho,... Tổng thống Johnson không tái tranh cử. Hòa đàm Paris bắt đầu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1968). Ứng cử viên Cộng Hòa Richard Nixon thắng cử. Richard Nixon hứa sẽ đưa quân sĩ Hoa Kỳ về nước bằng Việt Nam hóa chiến tranh. Sơ thảo hiệp định Paris giúp cho tổng thống Nixon tái đắc cử vẻ vang trước ứng cử viên bồ câu Mc Govern của đảng Dân Chủ qua câu nói "hòa bình trong tầm tay" đơn giản của Henry Kissinger (1972).
Năm 2012 liệu cử tri Hoa Kỳ đặt kỳ vọng vào khả năng kinh tế của Romney không?
Người Hoa Kỳ đã trao cho ông Obama quá nhiều danh dự. Ở vào tuổi 47 ông được xem như đấng Cứu Tinh (Messiah), được bầu làm tổng thống có quyền lực to lớn nhất trên Trái Đất, được xem là người Da Đen đầu tiên đầy quyền lực và danh dự với giải thưởng Nobel cao quí nhất của nhân loại. Ông đã đạt tột đỉnh của quyền lực và danh dự "trần thế" mà không kinh qua gian khổ. Đó là một ngoại lệ hiếm hoi đối với một vĩ nhân. Sự tái đắc cử đối với ông chỉ là sự trùng lấp tất cả những gì ông đã đạt được một cách dễ dàng (nửa nhiệm kỳ nghị sĩ đã nhảy vọt vào tòa Bạch Ốc, được ví như đấng Cứu Tinh và lãnh giải thưởng Nobel sau 9 tháng nhậm chức). Đó là hình ảnh hiếm có và phản định luật vật lý khi một vật lên đỉnh cao nhất và dừng lại ở đó. Người lãnh giải thưởng Nobel mang lại danh dự cho quốc gia của họ nhưng họ là người của nhân loại. Hiếm khi quyền lợi của nhân loại và quyền lợi của quê hương và dân tộc họ có mẫu số chung. Nói một cách đơn giản, người hữu ích cho người hàng xóm hay được người hàng xóm khen ngợi chưa hẳn đã hữu ích trong nhà của anh ta. Một thanh niên được người hàng xóm khen lúc nào cũng tỏ ra lễ độ, lịch sự và nhũn nhặn để xứng đáng với những lời khen dành cho người "gia giáo". Đó là lý do tại sao năm 1973 ông Lê Đức Thọ từ chối không nhận nửa giải Nobel Hòa Bình với Henry Kissinger.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.