Phạm Ðình Lân


Vài suy nghĩ về tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)

 

Võ Nguyên Giáp trong chiến khu với Hồ Chí Minh (ảnh tài liệu lịch sử)
và Võ Nguyên Giáp những năm cuối đời (ảnh chân dung treo trong Công Ty Enobi Games Hà Nội,
nơi đã nghĩ ra trò chơi điện tử "7554" của Việt Nam, diễn lại trận Ðiện Biên Phủ, ảnh Hoàng Ðình Nam)

 

…Vậy mà Việt Nam đã trải qua cảnh chém giết lẫn nhau suốt 30 năm liền chỉ vì muốn được danh “anh hùng”, làm tiền đồn chống Tư Bản, nghĩa vụ quốc tế hay tiền đồn chống Cộng Sản. Ðó là điều cả dân tộc ta cần suy nghĩ lại một cách nghiêm chỉnh để tự cứu mình thay vì mù quáng tung hô những “anh hùng” gây đổ máu triền miên, phá vỡ đoàn kết dân tộc, tiêu hủy nhân lực, trí lực và tiềm năng đất nước để quê hương mãi mãi không có độc lập thật sự, nhân dân không có tự do và hạnh phúc…

 

Quảng Bình là vùng biên giới giữa nước Việt Nam cổ với Chiêm Thành (Champa). Vào thế kỷ XVII đó là bãi chiến trường trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh (1627 - 1672). Sông Gianh là đường ranh phân chia giữa Đàng Trong (Nam Hà) của họ Nguyễn và Đàng Ngoài (Bắc Hà) của vua Lê, chúa Trịnh. Vào thế kỷ XX Quảng Bình là tỉnh sinh quán của vài nhân vật chánh trị gây nhiều tranh cãi trong lịch sử giữa những người ủng hộ và chống đối như tổng thống Ngô Đình Diệm (sinh ở Huế nhưng gồc ở Quảng Bình), đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tọa Thích Trí Quang và thiếu tướng Đỗ Mậu. Trong bài viết ngắn ngủi nầy tôi xin trình bày vài ý nghĩ cá nhân đối với tướng Võ Nguyên Giáp vừa mất ngày 04-10-2013 vừa qua, thọ 102 tuổi.

Võ Nguyên Giáp: Một nhà giáo

Võ Nguyên Giáp học luật và được truyền tụng rằng ông từ chối không học môn hành chánh thuộc địa (Administration Coloniale). Có người cho rằng ông có cử nhân luật năm 1937.  Cũng có người cho rằng ông chưa hoàn tất ba chứng chỉ để hoàn thành cử nhân luật. Ông lập gia đình với Nguyễn Thị Quang Thái, em của Nguyễn Thị Minh Khai bị xử tử ở Hóc Môn năm 1941 sau cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa thất bại. Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong và là người được xem có liên hệ tình cảm với Lin (tức Hồ Chí Minh sau nầy) ở Hong Kong vào 1930. Võ Nguyên Giáp dạy Sử và Địa Lý ở tư thục Thăng Long sau khi có gia đình. Dạy học là phương tiện mưu sinh của phần lớn những nhà trí thức Việt Nam. Hầu hết những người hoạt động cách mạng dù thuộc khuynh hướng Cộng Sản hay Quốc Gia đều núp bóng ở các trường học, nhất là các trường tư thục và cả trường công lập nữa. Trường học là nơi tập trung thanh thiếu niên có học, có nhiều nhiệt huyết và lý tưởng. Thầy giáo tương tự như các thầy tu. Họ có ảnh hưởng nhất định đối với học sinh và phụ huynh học sinh cũng như với quần chúng ngoài xã hội. Các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Tuyên (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Trần Khánh Dzư tức Khái Hưng (VNQDĐ), Vũ Hồng Khanh (VNQDĐ), Hồ Văn Mịch (VNQDĐ), Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Đoàn Văn Trương  (Đệ Tứ), Nguyễn Ngọc Huy (VNQDĐ), Nguyễn Văn Kiểu, (VNQDĐ – bào huynh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu)… đều là những nhà giáo. Khi cần mưu sinh và sự an toàn trong thời gian hoạt động bí mật, người Cộng Sản mặc áo của nhà mô phạm. Nhưng khi họ cầm quyền thì nhà giáo là những người thiệt thòi từ quyền lợi đến quyền hành. Họ được an ủi bằng câu: Không tượng đồng bia đá nhưng cũng vẻ vang. Rất ít nhà giáo được kết nạp vào đảng Cộng Sản. Được kết nạp vào đảng mới có điều kiện để thăng tiến địa vị trong xã hội. Nhà giáo trong xã hội Cộng Sản rất thiếu thốn và bị chánh quyền theo dõi, ngờ vực vì:

Nhà giáo dễ có uy tin trong quần chúng. Ðó là điều tối kỵ trong xã hội Cộng Sản vì cạnh tranh ảnh hưởng với đảng Cộng Sản. Trong xã hội Cộng Sản, bác sĩ, luật sư, dược sư, dược sĩ, kiến trúc sư… vẫn được gọi là bác sĩ, dược sư, dược sĩ, kiến trúc sư v.v... Nhưng giáo sư chỉ được gọi là giáo viên và sinh viên được gọi là học sinh đại học. Khoa trưởng được gọi là hiệu trưởng! Sự tiết kiệm từ ngữ này không phải là không có nguồn gốc chánh trị của nó, vẫn biết rằng năm nào trong nước cũng cử hành ngày Nhà Giáo Quốc Tế (20-11). Bên cạnh khẩu hiệu Tôn Sư Trọng Ðạo là câu thơ của Tố Hữu:

Thầy không theo đảng, em không theo thầy.

Trong thời đại chúng ta có ba nhà giáo tham gia chánh trị và có địa vị quan trọng: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tâm và Trần Văn Hương.

Ông Trần Văn Hương là nhà giáo chân chính đúng nghĩa của nó. Ông tốt nghiệp Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội, từng theo kháng chiến chống Pháp nhưng bỏ bưng biền ra thành sau khi thấy cuộc kháng chiến do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo nặng màu sắc Cộng Sản và sắt máu hơn là yêu nước. Ông ví chủ nghĩa Cộng Sản như bệnh dịch hạch và chủ nghĩa thực dân như bệnh dịch tả. Cả hai đều có vi trùng độc dẫn đến cái chết. Ra thành ông không hợp tác với Pháp và chánh phủ Bảo Ðại mà làm thơ ký cho một nhà thuốc tây để sống qua ngày. Ông từng là đô trưởng Sài Gòn (hai lần), thủ tướng (hai lần), nghị sĩ Quốc Hội, phó tổng thống và tổng thống Việt Nam Cộng Hòa 8 ngày sau khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ông không là nhà chánh trị thành công nhưng ông có đầy đủ đức độ của một nhà giáo can trường, có hùng tâm, dũng khí phản đối sự độc tài của ông Ngô Ðình Diệm và từ chức đô trưởng về đứng tên làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Minh Ðức ở Trảng Bàng do ông Nguyễn Ngọc An làm chủ trước khi bị cầm tù ở Chí Hòa năm 1960. Thời gian sống trong tù ông viết tập thơ Lao Trung Lãnh Vận. Ông cám ơn đại sứ Hoa Kỳ và chánh phủ Pháp đề nghị giúp ông rời khỏi Sài Gòn trước và sau khi VNCH sụp đổ. Ông cương quyết ở lại Sài Gòn bất chấp mọi hiểm nguy, nghèo đói và nhục nhã do nhà cầm quyền Cộng Sản mang lại cho ông. Ông từ chối lên đài phát thanh ca ngợi tân chế độ. Ông cũng từ chối không nhận quyền công dân khi hàng triệu người dưới quyền ông còn bị giam cầm trong các trại cải tạo và nhà tù Cộng Sản. Ông chết nghèo năm 1982.

Ông Nguyễn Văn Tâm là một nhà giáo năng nổ hoạt động để trở thành một đốc phủ. Ông là người Việt Nam đầu tiên làm tỉnh trưởng Tân An vào năm 1946 ở Nam Kỳ. Sau đó ông giữ các bộ An Ninh, Nội Vụ, thủ hiến Bắc Việt rồi thủ tướng. Ông nổi tiếng thân Pháp và được nhắc đến khi tuyên bố: “Je fais la guerre” ngày nhậm chức thủ tướng.

Ông Võ Nguyên Giáp không phải là nhà giáo yêu nghề. Ông chỉ dùng nghề ấy tạm bợ để sống và hoàn thành giấc mơ quyền hành và danh vọng mà thôi. Tay ông dấy máu người đồng chủng khi giữ bộ An Ninh và Nội Vụ. So với ông Trần Văn Hương, ông không có cái đạo đức của một nhà giáo. Ông không có cuộc sống đạm bạc và thanh bạch của một người có quyền cao chức trọng trong nước như Trần Văn Hương. Ngay trong đệ nhị thế chiến và trong chiến khu Việt Bắc, người ta đã thấy những ảnh chụp ông Võ Nguyên Giáp mặc quần áo trắng toát, mang giày da và cà vạt bên cạnh ông Hồ Chí Minh ốm ròm, mặc quần ngắn và mang dép! Bức ảnh ấy cho thấy sự diêm dúa và sự yêu thích xa xí của ông Giáp ngay lúc chưa có quyền tước. Nó cũng phản ảnh sự mị dân của ông Hồ Chí Minh vì trên thế giới có thuộc hạ nào như Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Ðồng  dám mặc com-lê trắng, mang giày da, thắt cà vạt, đội nón nỉ chụp hình với người chỉ huy mình mặc quần đùi và mang dép trong chiến khu!? Ông Hương từ chức đô trưởng và mạnh dạn lên tiếng ngăn chận những sai trái của nhà cầm quyền mà ông hợp tác. Những việc làm vừa kề của ông Hương không thể tìm thấy nơi ông Giáp. Ông Giáp có vài điểm chung với ông Tâm mà thôi (bộ An Ninh, bộ Nội Vụ, chỉ huy quân đội và Je fais la guerre). Người ta chê ông Tâm thân Pháp. Còn liên hệ giữa ông Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai (bạn đồng nghiệp và nhạc phụ) với Louis Marty, giám đốc Mật Thám Ðông Dương như thế nào? Có phải đây là tử huyệt của ông Võ Nguyên Giáp không?

Võ Nguyên Giáp: Một tướng lãnh

Năm 1938 ông Võ Nguyên Giáp dạy lịch sử và địa lý tại trường tư thục Thăng Long do ông Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Lúc ấy ông chỉ dạy các lớp đệ nhất cấp (Premier Cycle) tức là từ 1ère année đến 4ème année và chương trình không có lịch sử Việt Nam mặc dù vào lúc ấy ở Hà Nội có phong trào nghiên cứu lịch sử Việt Nam do sự hiện diện của Trường Viễn Ðông Bác Cổ (École Française d’Extrême Orient) và dư âm của thuyết Ðại Ðông Á Thịnh Vượng Chung của Nhật, nhưng nước ta là một thuộc địa của Pháp. Ông Giáp ái mộ Napoléon I mà ông biết được qua các giờ lịch sử mà ông học ở Albert Sarraut với các giáo sư Pháp. Ước vọng của ông là trở thành một danh tướng.

Nó trở thành sự thật khi ông được Phạm Văn Ðồng dẫn sang Trung Hoa gặp Ông Già Trần (Hồ Chí Minh) năm 1940. Ông có dự khóa huấn luyện quân sự sơ cấp ở Trung Hoa do các sĩ quan Trung Hoa Quốc Dân Ðảng huấn luyện. Lúc ấy ở Guangxi (Quảng Tây), Guangdong (Quảng Ðông), Yunnan (Vân Nam) có nhiều nhà cách mạng Việt Nam thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau đang hoạt động: Cộng Sản, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, thân Nhật (Phục Quốc) mặc dù lúc bấy giờ Trung Hoa kháng Nhật. Các ông Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Hồ Học Lãm đều là những tướng lãnh hay sĩ quan cao cấp người Việt Nam có uy tín với chánh phủ Quốc Dân Ðảng do Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) lãnh đạo. Hoàng Văn Hoan từng được sự che chở của đại tá Hồ Học Lãm khi hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa. Tuy vậy các đảng viên Cộng Sản Việt Nam phải giấu tông tích kỹ lưỡng vì Chiang Kaishek rất ghét Cộng Sản mặc dù từ năm 1936 ông phải chấp nhận liên minh Quốc Cộng lần thứ hai sau biến cố Xian (Tây An). Võ Nguyên Giáp là tướng lãnh không học trường võ bị. Ðến năm 1944 ông chỉ huy 34 du kích quân trang bị bằng võ khí thô sơ. Sau các sĩ quan OSS ở Hoa Nam, tiền tâan của CIA, có tặng ông Hồ Chí Minh một vài khẩu súng ngắn và giúp cho du kích Việt Minh xử dụng võ khí, cách liệng lựu đạn v.v…

Ông Giáp là người Việt Nam dạy lịch sử nhưng ông biết Napoléon mà không biết Quang Trung Nguyễn Huệ. Có thể ông biết nhưng vì vọng ngoại hay a dua theo những lời tán tụng của các sử gia Pháp khi ái mộ Napoléon. Napoléon chỉ đạt chiến thắng trong bộ chiến nhưng luôn luôn thất bại trong thủy chiến trước Hải Quân Anh ở Aboukir (1798) và Trafalgar (1805)  do Nelson chỉ huy. Những năm 1813, 1814 (Leipzig, vây hãm Paris) và 1815 (Waterloo) ông bị bại trong những trận đánh bộ chiến làm sụp đổ đế triều của ông. Quang Trung Nguyễn Huệ có những chiến thắng thần tốc và bất bại trong bộ chiến lẫn thủy chiến trong suốt đời cầm quân của mình mặc dù ông không học trường võ bị nào cả! Ðiểm chung của tướng Giáp và Napoléon là xây dựng chiến công và vinh quang cho cá nhân mình, bất chấp sự đau khổ và chết chóc của người khác. Năm 1799 tướng Napoléon Bonaparte đã bỏ quân sĩ của ông ở lại Ai Cập, về Pháp làm đảo chánh để trở thành đệ nhất tổng tài rồi từ từ lên ngôi hoàng đế (1805). Vì danh vọng ông bỏ người yêu Desirée để cưới Joséphine rồi ly dị Joséphine để cưới Marie Louise, công chúa nước Áo. Vì danh vọng và để được tín nhiệm của nhà độc tài Robespierre, Napoléon Bonaparte không ngần ngại dùng đại bác bắn vào những người biểu tình ngoài đường phố Paris. Võ Nguyên Giáp làm công việc tương tự với các đảng viên VNQDÐ, Ðại Việt, Duy Tân, nhóm Thiết Thực năm 1945 - 1946 và luôn luôn sát quân như dùng củi mục trên chiến trường. Người ta không thấy con cái của ông hay của các vị lãnh đạo Cộng Sản trong số các chiến binh ngã gục trên chiến trường. Quang Trung Nguyễn Huệ và Napoléon Bonaparte đều xông pha ngoài trận mạc cùng với quân sĩ. Chuyện nầy vắng bóng nơi Võ Nguyên Giáp và các tướng lãnh Cộng Sản khác nên người ta chỉ thấy chiến binh Cộng Sản chết rất nhiều. Nhưng suốt hai cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài gần 30 năm sau đệ nhị thế chiến không có một tướng lãnh Cộng Sản nào chết ngoài mặt trận cả. Người ta cũng ngờ vực “thiên tài” quân sự của tướng Võ Nguyên Giáp vì:

 

Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp - Ðảng Cộng Sản Việt Nam

Không thể phủ nhận lòng yêu nước của mọi công dân Việt Nam vào những thập niên 1920 và 1930 khi bí mật tham gia vào các đảng phái cách mạng như Tân Việt, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội, Ðại Việt, Duy Dân, v.v... Võ Nguyên Giáp gia nhập đảng Tân Việt Cách Mạng Ðảng có lẽ do ảnh hưởng của người thầy cũ là Ðào Duy Anh. Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Ðặng Thái Mai đều là đảng viên Tân Việt chuyển sang đảng Cộng Sản. Trần Phú là tổng bí thơ đầu tiên của đảng Cộng Sản Ðông Dương. Mãi đến năm 1940 Võ Nguyên Giáp mới được gặp Hồ Chí Minh (lúc ấy chưa mang bí danh nầy) qua trung gian của Phạm Văn Ðồng. Hồ Chí Minh để ý đến Võ Nguyên Giáp có thể vì các yếu tố sau đây:

Bộ ba Hồ Chí Minh –  Phạm Văn Ðồng – Võ Nguyên Giáp chuẩn bị nắm chánh quyền sau khi Nhật đầu hàng. Lúc bấy giờ Hồ Chí Minh rất xa lạ với Hà Nội. Ông đã sống ở Huế và Sài Gòn. Trái lại Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Ðồng quen thuộc với Quốc Học Huế và Albert Sarraut Hà Nội. Riêng Phạm Văn Ðồng còn có hoạt động ở Sài Gòn trước khi đảng Cộng Sản Việt Nam chào đời. Các đảng viên Cộng Sản miền Bắc rất đông. Ðó là những phu hầm mỏ than đá Hòn Gai, hãng dệt Nam Ðịnh, công nhân Hỏa Xa, công nhân nhà máy sản xuất xi măng Hải Phòng, phu bến tàu Hải Phòng, bần nông trên châu thổ sông Hồng  và người Thổ, Tầy, Nùng… ở các tỉnh biên giới Việt-Hoa. Các đảng viên nầy chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sâu đậm. Họ đặt dưới sự lãnh đạo của Trường Chinh Ðặng Xuân Khu và Hoàng Văn Thụ (bị Pháp xử tử năm 1944). Hoàng Văn Thụ và Chu Văn Tấn là những khuôn mặt lớn trong đảng Cộng Sản gốc người Tầy và Thổ. Chu Văn Tấn là tổng trưởng bộ Quốc Phòng trong chánh phủ Hồ Chí Minh năm 1945. Miền Bắc có nhiều đảng phái cách mạng phi Cộng Sản như Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Duy Dân. Võ Nguyên Giáp có vai trò lớn trong việc tân diệt các đảng phái phi Cộng Sản và trong việc củng cố địa vị của Hồ Chí Minh trong hàng ngũ Cộng Sản. Lúc bấy giờ Cộng Sản Trung Hoa chưa nắm chánh quyền nên Trường Chinh chưa lộ diện như sau khi đảng Cộng Sản được phục hồi dưới tên đảng Lao Ðộng Việt Nam (1951) do ông làm tổng bí thơ.

Năm 1946 Hồ Chí Minh phải nhờ Võ Nguyên Giáp dùng uy tín cá nhân của ông thầy Sử-Ðịa Thăng Long để giải thích hiệp ước sơ bộ 06-03 cho dân chúng Hà Nội. Dưới mắt người Pháp Võ Nguyên Giáp là người có nhiều khả năng và có nhiều tham vọng. Trên chiếc phi cơ chở Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, tướng Salan hỏi ông Hồ có sợ Võ Nguyên Giáp đảo chánh trong lúc ông vắng mặt ở Hà Nội không? Hồ Chí Minh trả lời tự nhiên rằng ông đã tạo ra “họ” và “họ” không làm gì được nếu không có Hồ Chí Minh! Câu trả lời tự nhiên của ông Hồ cho thấy tài năng thật sự của ông Giáp khác với những gì mà các tác giả và phóng viên Tây Phương nói về ông. Võ Nguyên Giáp được sự che chở của Hồ Chí Minh. Năm 1956 Hồ Chí Minh dùng ông để chỉ trích và hạ bệ Trường Chinh và dìm nông dân Quỳnh Lưu chống đối chánh sách cải cách ruộng đất của Cộng Sản trong biển máu. Ông được xem như người thân Nga, một tướng lãnh tài ba, một ủy viên học rộng trong Bộ Chánh Trị  của đảng Lao Ðộng Việt Nam.

Trường Chinh vẫn có vị trí vững chắc trong Bộ Chánh Trị mặc dù không còn giữ chức tổng bí thơ. Người thay thế Trường Chinh mới xứng đáng là người của đảng Lao Ðộng theo đúng quan điểm của Lenin và Stalin. Trường Chinh xuất thân từ một gia đình khoa bảng, phong kiến và giàu có. Bí danh của ông đượm màu sắc Maoist, dựa vào cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao Zedong trong thời kỳ 1934 - 1935.

Lê Duẩn là công nhân Sở Hỏa Xa, trình độ học vấn rất khiêm tốn. Theo gương Liên Sô ông là bí thơ thứ nhất chớ không gọi là tổng bí thơ. Khi Hồ Chí Minh nắm chánh quyền ở Hà Nội năm 1945, Lê Duẩn bị quên lãng. Lúc ấy ông mới được tự do từ nhà tù Côn Ðảo. Ông ỏ Nam Bộ suốt thời kỳ kháng Pháp và chỉ ra miền Bắc vào năm 1957 sau khi bị mật vụ Việt Nam Cộng Hòa phát giác. Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ đều hoạt động ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng Pháp. Cả hai hợp tác để tạo một thế đứng vững chắc trong đảng Lao Ðộng. Lê Duẩn là kiến trúc sư của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng. Trong Bộ Chánh Trị của đảng Lao Ðộng năm 1960 có nhiều ủy viên sinh trưởng ở phía nam vĩ  tuyến 17, trong đó có Nguyễn Chí Thanh, một đối thủ của tướng Võ Nguyên Giáp, được xem là người thân Beijing (Bắc Kinh) được sự nâng đỡ của Trường Chinh trước kia. Lê Duẩn tự hào về thành tích chánh trị, nhưng khó chịu trước học lực và danh tiếng quốc tê của tướng Võ Nguyên Giáp, người được sự bảo trợ của Hồ chủ tịch.

Lê Ðức Thọ (Phan Ðình Khải) là người kiêu căng và không xem trọng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về nguồn gốc, ông vốn họ Phan Ðình, cha là tổng đốc dưới thời phong kiến và thuộc địa. Các em của ông là Ðinh Ðức Thiện (Phan Ðình Dinh) và Mai Chí Thọ (Phan Ðình Ðống) đều là ủy viên trung ương đảng Lao Ðông. Bản thân ông Lê Ðức Thọ gia nhập đảng Cộng Sản Ðông Dương trước Võ Nguyên Giáp và từng học trường Pháp. Năm 1973 ông được giải Nobel Hòa Bình với Henry Kissinger. Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ khéo léo dùng uy danh còn sót lại của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Người trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh ở miền Nam là Nguyễn Chí Thanh. Khi Nguyễn Chí Thanh chết, Phạm Hùng được đưa vào chỉ huy Trung Ương Cục Miền Nam. Tướng Võ Nguyên Giáp là phó thủ tướng kiêm bộ Quốc Phòng cho có lệ hơn là có thực quyền. Khi biến cố Mậu Thân mà Cộng Sản Việt Nam gọi là cuộc Tổng Tấn Công và Nổi Dậy năm 1968 xảy ra, ông Võ Nguyên Giáp đi chữa bịnh ở Hung Gia Lợi. Có người cho rằng ông sợ Hoa Kỳ dội bom nguyên tử. Ông không bước chân đến nơi nào ở miền Nam trước ngày 30-04-1975 mà chỉ thấy Lê Ðức Thọ, Trần Văn Trà, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng. Tướng Giáp không có công lao gì trong Chiến Dịch Hồ Chí Minh.

Ðến đầu thập niên 1980 tướng Giáp không còn giữ chức vụ gì trong đảng lẫn chánh phủ sau khi đảm trách chương trình Kế Hoạch Hóa Gia Ðình. Ông Phạm Văn Ðồng vẫn tiếp tục làm thủ tướng cho đến năm 1986. Năm 1984 Võ Nguyên Giáp không được nhắc đến trong lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Sau nầy ông còn bị Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh và cả con của đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Nguyễn Chí Vịnh hài tội. Ông đành thúc thủ nhận chịu.

Ông Võ Nguyên Giáp không có một lời nuối tiếc khi Hoàng Sa mất vào tay Trung Hoa Cộng Sản năm 1974 và không có một giọt nước mắt thương xót cho người đồng chủng “thua cuộc” bị người “đồng chủng” thắng cuộc hành hạ không thương tâm sau năm 1975. Nếu so sánh Võ Nguyên Giáp với Võ Văn Kiệt, chúng ta ngạc nhiên khi thấy một người có trình độ học vấn kém xa Võ Nguyên Giáp, tên tuổi trong và ngoài nước không vang động hơn Võ Nguyên Giáp, nhưng can đảm hơn Võ Nguyên Giáp khi dám nhỏ nước mắt trước người đồng chủng chiến bại bằng câu “triệu người vui và triệu người buồn” vô thưởng vô phạt, cho người lãnh những hội viên Hội Trí Thức Yêu Nước bị bắt về tội vượt biên, dùng Nguyễn Xuân Oánh làm cố vấn, chủ trương cởi mở kinh tế để cho dân chúng có đời sống dễ thở hơn… khi làm chủ tịch Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong xã hội Cộng Sản những việc làm như thế, dù nhỏ nhặt, rất nguy hiểm đối với những người đang có quyền chức vì dễ dàng bị kỷ luật, trừng phạt, mất chức và mất cả sự sống. Nó cho thấy ông Võ Văn Kiệt can đảm, có suy nghĩ đến người khác và có viễn kiến về tương lai hơn ông Võ Nguyên Giáp. Một cựu cố vấn Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Ramsey, mà tôi gặp trong trại tỵ nạn Phi Luật Tân năm 1985 đã ví Lê Duẩn với Minh Mạng và Võ Văn Kiệt với Lê Văn Duyệt. Sự so sánh nầy làm cho tôi giật mình vì có một người Hoa Kỳ thấu triệt lịch sử Việt Nam.

Ông Võ Nguyên Giáp được nổi danh nhờ chinh chiến 30 năm thời hậu đệ nhị thế chiến dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam. Hoa Kỳ là cường quốc kỹ nghệ và kinh tế giàu mạnh nhất thế giới mà phải kiệt quệ và mang nợ vì hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Vậy mà Việt Nam đã trải qua cảnh chém giết lẫn nhau suốt 30 năm liền chỉ vì muốn được danh “anh hùng”, làm tiền đồn chống Tư Bản, nghĩa vụ quốc tế hay tiền đồn chống Cộng Sản. Ðó là điều cả dân tộc ta cần suy nghĩ lại một cách nghiêm chỉnh để tự cứu mình thay vì mù quáng tung hô những “anh hùng” gây đổ máu triền miên, phá vỡ đoàn kết dân tộc, tiêu hủy nhân lực, trí lực và tiềm năng đất nước để quê hương mãi mãi không có độc lập thật sự, nhân dân không có tự do và hạnh phúc. Ðến đây tôi xin dừng bút, dành quyền suy tư và phê phán cho người đọc. Không một căn nhà nào được xây bằng một viên gạch.

 

Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2013