Lê Ngọc Vân
7554 cho game thủ Việt cơ hội phản công
Nhà thiết kế trò chơi điện tử (computer game) Emobi Games ở Việt Nam vừa tung ra thị trường một game PC được giới chơi game khắp thế giới đánh giá là có tính kỹ thuật và độ gay cấn khá cao.
7554 thuộc loại game bắn súng dựng trên bối cảnh Việt Nam. Khác hơn những game chiến tranh Việt Nam từ trước đến nay, 7554 diễn lại cuộc chiến Ðiện Biên Phủ giữa bộ đội Việt Nam và quân Pháp. Tựa đề 7554 lấy từ con số 07/05/54, ngày Pháp đầu hàng Việt Minh sau khi Ðồi A1 ở Ðiện Biên Phủ bị tràn ngập.
Trong trò chơi 7554, game thủ trong vai đơn vị bộ đội Việt Minh được đưa đến tuyến phòng ngự của Pháp với hỏa lực mạnh mẽ. Các tay chơi phải làm sao thắng được cuộc chiến giành độc lập, xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau, có cả những màn kéo pháo, hầm chông v.v… Người chơi được dẫn qua những địa danh nổi tiếng trong chiến dịch Ðiện Biên qua những trận giao tranh ác liệt: Hồng Cúm, Him Lam, Mường Thanh, đồi C1, đương nhiên có cả Hà Nội. Ông Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc Emobi Games, trong bài phỏng vấn của tạp chí game hàng đầu – Kotaku – cho biết: “Chúng tôi muốn tạo một game có giá trị cho thế hệ hiện đại. Hiện tại, chưa có ai trong nước tôi tạo được một game mang một cái tựa hiện đại… Tôi muốn chọn một chủ đề mà chúng tôi từng hãnh diện vì nó. Vì thế chúng tôi cố gắng thiết kế một trò chơi trong đó chúng tôi đứng lên bảo vệ đất nước.”
Tuy nhiên, điều ông quan tâm hơn trong công trình thiết kế là tính hấp dẫn và sự thử thách cao mà game phải có. Theo ông: "…nhiều game thủ Việt Nam rất thích chơi Call of Duty, đơn giản vì nó hấp dẫn và có tính thử thách cao. Trên thực tế, không nhiều người có kiến thức về bối cảnh chiến tranh mà series game này phản ánh. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng game thủ nước ngoài sẽ dễ chấp nhận những sản phẩm không thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng hay chủng tộc của họ".
Nhưng chính vì vậy mà trong game có những pha… sôi động hơi quá lố, điều không thể tránh được nếu muốn nhắm vào những tay bắn súng tuổi teen thế kỷ 21. Những tay chơi trên mạng hiện đại một khi đã quen với những laser gun, súng siêu liên thanh, những tools độc đáo, thì những vũ khí thô sơ như súng trường bắn lạch tạch phát một, lựu đạn chày tự chế… sẽ dễ làm người chơi ngoảnh mặt.
Một điều thú vị nữa là những game thủ có thể nhận ra những commando, những tiếng hò hét trong game là… tiếng Việt. Chưa biết điều này có ảnh hưởng ra sao trên sân chơi quốc tế, tuy nhiên 7554 vẫn là game offline. Phóng viên Kotaku có vẻ lo ngại game này khó phổ biến ra nước ngoài vì lý do trận Ðiện Biên Phủ qua gần 60 năm, đã chìm sâu trong trí nhớ mọi người. Một tạp chí game quốc tế nổi tiếng khác là Gameinformer chỉ loan tin phát hành phim 7554 một cách dè dặt.
Ngày 16/12/2011, game được tung ra trên thị trường Hoa Kỳ với giá $US 12. Nhiều người lo ngại đội ngũ hacker Việt Nam sẽ bẻ khóa game cho mọi người download thoải mái như đã từng làm với những game nổi tiếng, nhưng Emobi Games hy vọng những hacker Việt Nam vì thể diện quốc gia sẽ không làm chuyện này. Ðương nhiên giá bán game ở Việt Nam sẽ hạ hơn giá quốc tế. Câu hỏi đặt ra là: giá đó có xứng đáng với sự hấp dẫn không.
Trong làng game, có những khu vực chính là: phiêu lưu mạo hiểm, thể thao, cờ và bạc, thử sự thông minh và bắn súng. Lãnh vực bắn súng hiện là lãnh vực ăn khách nhất. Trong địa hạt này, từ trước đến nay có nhiều game về chiến tranh Việt Nam nổi tiếng, nhưng là những trận chiến giữa cảm tử quân Hoa Kỳ chống lại Việt Cộng. Game bắn súng hiện đang nổi tiếng có dính dáng đến trận chiến Việt Nam là Call of Duty: Back Ops (2010). Ngoài Call of Duty, những game bắn súng có dính dáng đến chiến tranh Việt Nam được giới chơi game nồng nhiệt đón tiếp trong 10 năm cuối là:
– Men of Valor (2004), game đầu tiên dành cho Microsoft Xbox, trong đó một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ “phải” tham dự 16 cuộc hành quân ở Việt Nam.
– Shellshock: Nam ’67 (2004), chuyện một đơn vị GI cùng với binh nhất Kowalski săn lùng Việt Cộng ở Kontum. Game này do nhà sản xuất Guerrilla Games ở Amsterdam thiết kế.
– Vietcong (2003) với tập tiếp theo ra năm 2005.
– Battlefield Vietnam (2004), nằm trong bộ Battlefield, trong đó có cả Bad Company 2: Vietnam. Trong bộ phim này có những scene diễn ra tại đường mòn Hồ Chí Minh, cổ thành Huế, trận Ia Drang, trận Khe Sanh, và nhất là trận Saigon 1975.
Ngoài những game hiện đại này người ta có thể kể đến những trò bắn súng cổ điển trong chiến tranh Việt Nam như Cabal (từ thời computer Amiga, Commodore 64 của thập niên ’80) hay NAM-1975 (trong những gamehouse Arcade).
Lê Ngọc Vân
(Hòa Lan, 12/2011)