Lê Ngọc Vân


Cá tra/cá basa Việt Nam bị đưa vào danh sách đỏ

 

Trong bản tin ngày 11/11/2010, các thành viên Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF của 6 nước EU (Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) đã công bố bản hướng dẫn mới cho người tiêu thụ, trong đó một số sản phẩm từ cá tra/cá basa đã bị hạ từ hạng ‘da cam’ (có thể cân nhắc trong sử dụng) xuống hạng ‘đỏ’ (không nên sử dụng), Hà Lan cũng đã đưa cá tra/cá ba sa Việt Nam (pangasius) vào ranh giới giữa hạng mục ‘da cam’ và hạng mục ‘đỏ’ trong bản hướng dẫn (ăn) cá (Viswijzer, bấm vào đây để xem chi tiết). Những loại bị  gắn nhãn đỏ gồm:

– Những loài bị đe dọa tuyệt chủng.
– Những loài bị nhiễm độc nặng mà không có cách tẩy độc.
– Những loài mà quá trình nuôi không mang tính bền vững môi trường (làm ô nhiễm thêm).

Tin này đã làm chấn động giới nuôi cá tra (cá basa) ở Việt Nam. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Tổng Giám Đốc Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (Vietnam Association of Seafood Exporters & Processors, VASEP) đã lập tức lên tiếng phản đối là “Đánh giá không đúng đắn, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế, gây thiệt hại lớn cả cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.” (Trích VnExpress).

Nhưng tờ Thời báo Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương (Financial Times Asia-Pacific) ngày 08/12/2010 đã trích lời Mark Powell, điều hợp viên toàn cầu của WWF, rằng những kết luận của WWF là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và thực tế. Ông cũng khẳng định là tổ chức của ông không muốn gây thiệt hại cho kỹ nghệ thủy sản của Việt Nam, nhưng họ chỉ muốn khuyến khích sự triển khai những phương án mang tính bền vững hơn.

Phó TGĐ Nguyễn Hữu Dũng tuyên bố rằng ngành xuất khẩu cá catfish của Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng. Những công ty nào không thỏa mãn yêu cầu đòi hỏi của chuẩn Toàn cầu GAP (3) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông, có 20 công ty đạt yêu cầu của chuẩn Toàn cầu GAP, chiếm 17 tới 20% trong lãnh vực nuôi cá tra và cá basa.

Theo số liệu của tổ hợp thông tin về kinh doanh và tài chính Bloomberg ngày 07/12/2010, gần 37% cá catfish được xuất khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này (Việt Nam) sang Âu châu. Bản tin cũng nêu rõ tên hai tổ hợp Vĩnh Hoàn (1) và Hùng Vương (2). Còn theo VASEP, Việt nam hiện cung cấp hơn 95% nguồn cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới, với sản lượng 1,5 triệu tấn mỗi năm. Trong 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, trị giá 1,15 tỷ USD ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới.

Cá tra/cá basa dễ nuôi vì cá này không cần nhiều đạm động vật, có thể nuôi bằng cám, bã đậu nành, khô dầu…) với mật độ dầy, do đó giá trên thị trường rất hạ. Giá cá pangasius đã lóc xương da, bán lẻ trong siêu thị ở Hà Lan có lúc xuống dưới mức 3 €/kg.

 

Lê Ngọc Vân

____________

Ghi chú thêm:

(1) Công Ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn là một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam. Công ty chính là lựa chọn ưu tiên của nhà nhập khẩu nước ngoài cho mặt hàng cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và basa. Công ty được thành lập vào ngày 29 tháng 12 năm 1997 tại tỉnh Đồng Tháp, thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. (www.vinhhoan.com.vn)

(2) Công ty cổ phần Hùng Vương tại Khu Công Nghiệp Mỹ Tho - Tiền Giang, tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, được thành lập và đi vào hoạt động ngày 25/4/2003 tại khu Công Nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu.Với số vốn điều lệ ban đầu là 32 tỷ đồng VN,chỉ sau 7 năm hoạt động đã nhanh chóng tăng lên 660 tỷ, tăng gấp 20 lần lúc ban đầu. (www.hungvuongpanga.com).

(3) Global Good Agricultural Practice là chuẩn đánh giá dựa trên căn bản an toàn thực phẩm, tính bền vững và chất lượng, do sáng kiến của 26 tổ hợp siêu thị Âu châu, được soạn ra năm 1997 để thống nhất yêu cầu chung của họ đến những nhà cung cấp thực phẩm tươi sống.

******

Bấm vào đây để xem thêm về nhận xét về ngành nuôi cá catfish ở Việt Nam (2010) do các chuyên viên Thực phẩm học Hòa Lan báo cáo – Chú thích của BBT.

 


Cái Đình - 2010