Minh Hạnh
Công nghệ nuôi cá ba sa ở Việt Nam dưới con mắt một nhà Thực phẩm học Hòa Lan
Sau nhiều cố gắng vận động, cuối cùng ông IJsbrand Velzeboer, Giám đốc cơ sở Scienta Nova, đã trao được tập phúc trình nghiên cứu về ngành nuôi cá ba sa (Pangasius) ở Việt Nam cho ông Ernst Cramer, dân biểu Quốc hội Hòa Lan vào ngày 14/01/2010 (Voedselveiligheid in de Mekong Delta – De Pangasius aquacultuur in Vietnam: An toàn thực phẩm trong vùng châu thổ sông Cửu Long – Cá ba sa nuôi hồ ở Việt Nam).
Bản phúc trình có nguồn gốc từ hội chợ triển lãm SIAL 2009 tại Paris dành cho những chuyên gia về thực phẩm và đồ uống, khi những nhà xuất cảng cá nước ngọt của Việt Nam với nhiều giấy chứng nhận phẩm chất đã cố gắng thuyết phục ông Velzeboer rằng việc nuôi cá ba sa ở Việt Nam chẳng có vấn đề gì hết. Là một người có tính soi mói và hay tìm hiểu mặt trái của những chuyện về thực phẩm, ông cảm thấy có điểm khúc mắc: Vì sao cá Pangasius bán ở Hòa Lan lại có thể rẻ như vậy (khoảng 1,70 euro/kg cá đã lóc da và xương, giá sỉ xuống kho ở Rotterdam, năm 2009 – chú thích của người viết), trong khi chúng phải trải qua một chặng đường vận chuyển hơn mười ngàn cây số trong container đông lạnh. Ngoài ra, trong một hội chợ giới thiệu thủy sản ở Bruxelles năm 2008, ông đã có dịp tiếp xúc với một cơ sở nuôi cá ba sa ở Việt Nam và được họ mời đi thăm hồ nuôi cá. Thế nhưng, bỗng dưng cả người lẫn hãng đều biến mất!!! Vì thế ông đã quyết định làm một cuộc điều tra tận nơi bằng phương tiện riêng của mình và không báo trước. Ông biết rằng nếu báo trước thì chỉ được xem một màn trình diễn. Ông đã tự tìm thuê khách sạn ở một vùng có nhiều hồ nuôi cá ba sa trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, và tìm cách thăm những hồ nuôi cá này. Theo lời ông mô tả, có những hồ rộng tới 1200 m2 chứa tới 70.000 con cá. Khi nuôi tăng trọng kiểu này, cá đạt trọng lượng 1kg chỉ sau 180 ngày, theo lời ngư dân. Sở dĩ người ta có thể nuôi nhiều cá như vậy trong hồ vì loại cá ba sa có thể rúc xuống bùn, chỉ trồi đầu lên thở, không cần bơi liên tục.
Giả làm một người Hòa Lan muốn giúp những ngư dân hành nghề nuôi cá, ông đã được họ tiếp đãi ân cần và chỉ cho xem tận nơi tận chốn. Nhờ vậy ông đã lấy được mẫu nước những nơi ông muốn thử, chụp được hình những bao đựng thuốc, đồ ăn.... Khi về Hòa Lan ông đã nhờ một người Việt trong ngành kỹ thuật thực phẩm dịch những chữ trên nhãn để biết có gì trong đó, vì 'chính người nuôi cá cũng không biết đích xác những bao đó đựng chất gì'. Ông cũng lấy mẫu nước sông Cửu Long trong vùng để so sánh. Vì luật cấm không cho mang nông sản ra khỏi nước, ông đã phải mua cá ba sa trong siêu thị để thử đối chứng.
Những mẫu thử này được gửi đến phòng thí nghiệm Fytolab ở Gent (Bỉ) để đo hàm lượng một số chất độc hại như chất độc da cam, thạch tín (arsen)... Với phương tiện hiện đại, Fytolab có thể phát hiện được 170 loại thuốc trừ côn trùng và diệt cỏ dại khác nhau. Một phòng thí nghiệm khác được giao nhiệm vụ thử kim loại nặng.
Một số kết quả phân tích chính được nêu ra trong bản phúc trình:
– Mẫu đất lấy quanh hồ nuôi cá ở độ sâu 4m có mang độ ô nhiễm rõ ràng của nhiều kim loại nặng (thủy ngân, chì, cadmium, thạch tín...), nhưng hàm lượng của chúng không cao hơn mức tối đa EU cho phép.
– Thử nghiệm trong một mẫu thức ăn đã phát hiện ra một hỗn hợp nhiều thứ thuốc trừ nấm mốc khác nhau. Theo ông, người ta sử dụng hỗn hợp thay vì dùng một chất để giảm nguy cơ bị khám phá. Trong một mẫu thức ăn khác, độc chất trong nấm mốc đã được tìm thấy.
– Trong những mẫu nước sông, nước thải, nước trong lòng đất, nước máy, người ta tìm thấy dấu vết thạch tín. Trên thực tế cá ba sa có lẽ không chứa nhiều thạch tín vì chúng bị giết rất sớm.
– Những bao đựng thực phẩm nuôi cá không dán nhãn, chỉ được cột bằng dây nhợ mang đến sự nghi ngờ về việc xác định nguồn gốc của chúng. Điều này cần phải được xem lại. Cá thường được nuôi trong những hồ không có đăng ký, cho tới cuối chu kỳ nuôi 180 ngày thì được chuyển sang những hồ họ có liên lạc làm ăn, những hồ này có số đăng ký của Việt Nam, để nuôi tiếp.
– Thường xuyên có những người mai mối đến nơi nuôi cá để chào bán những thuốc trừ côn trùng, thuốc chữa bệnh nhiễm khuẩn và những bệnh truyền từ thú sang người (sán lãi...). Chúng có thể là những chất không độc hại (như Soda để làm giảm độ chua của nước) cho tới những thuốc trừ cỏ mà Âu châu đã cấm như Trifluralin hay thuốc chống mốc Cerbendazim.
– Ngay kế bên hồ nuôi cá có sự hiện diện của một số 'chất lạ'. Ngoài những thuốc diệt cỏ, diệt khuần, chất prebiotic và probiotic, còn có những chất có lẽ được dùng để tẩy mùi bùn của cá. Mùi này là do vi khuẩn sống trên da cá và trong bùn, chúng tiết ra chất Geosmine và Metylisoborneol (MIB). Thông thường người ta rọng cá trong nước sạch 2, 3 ngày, không cho ăn để cá phải tự tiêu mỡ của chúng. Nhưng nếu làm như thế cá sẽ mất 8 - 10% trọng lượng, cho nên chủ hồ cá phải làm đủ cách, cách dùng chất che dấu mùi bùn sẽ mang đến cho họ nhiều lợi nhuận.
– Thực phẩm nuôi cá không những chứa chất đạm thực vật (như từ đậu nành), mà còn chứa chất đạm có nguồn động vật. Trên bao bì có ghi thành phần là bột cá nhưng có thể thịt gà vịt cũng được trộn vào. Như vậy sẽ có nguy cơ thực phẩm bị nhiễm những bệnh gia cầm.
– Kế hoạch đầy tham vọng mà Việt Nam đề ra cho 10 năm tới sẽ mang lại hậu quả lớn cho môi trường. Dọc hai bên sông không còn nhiều chỗ để có thể đào thêm nhiều hồ cá. Xuôi dòng sông, qua khỏi Cần Thơ thì nước bắt đầu lợ, không còn thích hợp cho việc nuôi cá. Vì thế từ những nơi này xuất hiện nghề nuôi tôm. Sự duy trì chế độ nuôi một thứ trên diện rộng sẽ mang tới nhiều nguy cơ trong vấn đề tật bệnh, tích tụ khoáng chất, lờn thuốc và những vấn nạn khác của chu trình sinh học. Khi nước lụt có thể xảy ra nạn bể hồ, một lượng cá lớn không kiểm soát được sẽ tràn vào sông. Điều này rất nguy hại một khi người ta nuôi cá 'đã biến đổi gen' (để mau lớn và ít bệnh) hay những cá lai tạp. Sự ô nhiễm gen sinh học sẽ rất lớn.
– Với lợi tức hàng tháng khoảng 50 đô la người ta khó có hy vọng là những chủ hồ cá sẽ thiết lập được một hồ sơ chứng từ để có thể theo dõi. Chủ hồ thường 'vay' thực phẩm để rồi trả bằng cá khi thu hoạch. Như thế thực ra họ làm công cho những nhà cung cấp thực phẩm, và chịu mọi chi phối của những cơ sở này.
Những lời khuyên:
Bản phúc trình của ông IJsbrand Velzeboer đã đưa ra một số lời khuyên, dưới đây là những điểm quan trọng:
– Nên giúp đỡ công nghệ nuôi cá ở Việt Nam bằng cách mở những khóa huấn luyện và giáo dục chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm.
– Không nên mù quáng tin tưởng vào những luật lệ ở địa phương và sự duy trì những luật lệ này.
– Phải xét lại sự tin cậy của những giấy chứng nhận ở Việt Nam: Thật là ngạc nhiên khi nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm ở Việt Nam có được nhiều giấy chứng nhận phẩm chất hơn những cơ sở trung bình ở Hòa Lan (như giấy chứng nhận HACCP, chuỗi ISO 9.000, BRC-5, IFS5, ISO 14.000 và ISO 22.000). Chúng cho ta cảm giác là những giấy này được cấp dễ dàng. Độ tin cậy của những giấy này cần phải được những cơ quan độc lập xác nhận.
– Sự gia tăng bùng nổ của công nghệ nuôi cá, mức nghèo đói cao và xã hội tham nhũng trong một phần lớn những quốc gia Đông Nam Á cho thấy là việc áp dụng luật lệ về an toàn thực phẩm là một thử thách. Sự kiểm soát những hãng lóc thịt, đông lạnh là chuyện dễ làm, nhưng những gì trước đó là cả một sự mờ ám.
– Cần lưu ý thêm về hiểm họa cúm gia cầm, vì chúng có thể nhiễm qua cá theo đường thực phẩm.
– Nên nghĩ đến một nhãn hiệu ‘Fair Trade’.
*
Ông IJsbrand Velzeboer hy vọng là chính quyền Hòa Lan sẽ lưu tâm nhiều hơn đến việc nuôi cá ba sa ở Việt Nam. Ông không chủ ý tố cáo những gì đang xảy ra ở đó, hay muốn tìm cách hạn chế giao thương (sẽ đưa đến bảo vệ mậu dịch), mà chỉ muốn nêu ra quan điểm là có sự đối xử bất công giữa những loại thực phẩm ngoại nhập và nội địa. Ông muốn tranh đấu cho cá ba sa được sạch hơn.
Rất tiếc, theo ông cho biết, bà Gerda Verburg – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Phẩm chất Thực phẩm – không lưu tâm mấy đến bản phúc trình của ông. Ông nói rằng người ta cho ông là điên khùng và họ chỉ tin vào những cuộc điều tra đã thực hiện. Hơn nữa, việc xuất nhập cảng cá ba sa bị chi phối bởi những qui định của WTO, không có cách gì ngăn cấm hay hạn chế được.
Được biết năm 2010, cá ba sa vẫn được xếp vào loại cá 'lựa chọn hạng nhì' (thứ cấp) trong bảng hướng dẫn chọn cá để ăn (Viswijzer).
Minh Hạnh