Iviet Redactie
Sinh viên Hòa Lan gốc Việt thuộc vào hạng sinh viên ngoại quốc xuất sắc
Amstelveen – Giải ECHO một lần nữa (lần thứ 11) lại được trao cho những tài năng xuất chúng người ngoại quốc vào ngày thứ tư 06/04 trong một buổi họp mặt tưng bừng tại văn phòng chính của KPMG. Một trong những người được đề cử nhận giải năm nay là Thế-Phan Đặng, cựu thành viên ban điều hành Iviet.nl. “Thật là tuyệt vời khi được tham dự trong buổi lễ hội này. Nó cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao được nghe đủ chuyện khác nhau của những bạn trẻ ngoại quốc, bằng cách nào họ đóng góp cho một xã hội đa văn hóa được tốt hơn”, Thế-Phan kể. Rất tiếc Thế-Phan đã không được chọn là “Sinh viên ngoại quốc xuất sắc nhất của năm 2011” trong bộ môn của anh. Anh trả lời về chuyện này: “Tất cả những người được đề cử tối nay đều là người thắng giải. Chúng tôi đã chứng tỏ được là chúng tôi sáng giá trong xã hội của chúng ta. Và theo cách này, nỗ lực và lòng thành tâm của chúng tôi khi được thừa nhận và được đánh giá cao chỉ là một khuyến khích tuyệt vời để chúng tôi tiếp tục theo đuổi những lý tưởng và những giấc mơ của mình.”
Giải ECHO là một giải mang tính khuyến khích có tầm vóc quốc gia dành cho những tài năng hàng đầu trong số những người ngoại quốc ở Hòa Lan, và là một bộ phận trong Quỹ ECHO. Những người được đề cử được xét trên thành tích học tập và sự đóng góp cho xã hội. Quỹ ECHO mang mục đích đưa ra ánh sáng những thành công của sinh viên ngoại quốc trong những ngành học cao cấp và làm rõ điều này cho những thành phần khác trong xã hội thấy. “Tất cả những sinh viên được đề cử đều có đầy đủ tài năng vượt bực và họ nổi bật ở sự kiên trì, thành quả học tập, tài năng trong điều hành và tổ chức, và tích cực gắn bó với xã hội, cả trong lẫn ngoài việc học”, đó là lời tuyên bố của John Leerdam, trưởng ban xét duyệt giải ECHO 2011, trong bài phát biểu mở đầu.
Thế-Phan là một sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Dân dụng trường đại học TU Delft và hiện đang theo một khóa học về kinh doanh tại Đại học Singapore. Với Thế-Phan, sự đề cử mang nhiều ý nghĩa: “Tôi muốn là một tấm gương cho nhiều bạn trẻ Á châu khác và muốn khuyến khích họ tích cực tham gia vào sinh hoạt xã hội, bên cạnh việc học hành. Và sự đề cử này đã xác nhận tầm mức quan trọng của sự gắn bó với xã hội.” Thế-Phan có riêng cảm tưởng là sinh viên Hòa Lan gốc Á châu không đủ tiếng nói đại diện trong các hội sinh viên, các hội đoàn trong ngành học và trong các tổ chức xã hội khác. “Tự tôi đã nhận ra được là những hoạt động phụ của tôi đã đóng góp được vào việc phát triển cá nhân và phát triển chuyên môn của mình ra sao, và tôi muốn chuyển điều này đến các bạn trẻ khác. Đó cũng là một trong những lý do để Hội Iviet.nl được thành lập với mục đích khơi dậy một thay đổi trong cộng đồng những người trẻ Viêt Nam.” Thế-Phan đã từng có hoạt động tích cực trong những ủy ban khác nhau trong hội sinh viên của anh, anh đã từng làm ủy viên cho United Netherlands, là đồng sáng lập viên và đã từng là thành viên ban điều hành Hội Iviet.nl.
Ngay sau khi được trường Hogeschool hay được các trường đại học đề cử nhận giải, bạn trở thành một đại sứ của ECHO. Mạng lưới những đại sứ này năm nay có thêm 2 đại sứ có gốc Việt Nam nữa. Bên cạnh sự đề cử giải cho Thế-Phan, trường Hogeschool Utrecht đã đề cử Sang Nguyễn. Cho tới nay, người duy nhất nhận giải là Đông Phương Nguyễn. Năm 2007 chị đã đoạt giải ECHO trong bộ môn Bèta (bèta: chỉ chung những bộ môn khoa học chính xác – chú thích của người dịch) và Kỹ thuật. “Tôi vô cùng biết ơn những người đã chọn tôi, điều này đã mang lại ảnh hưởng lớn trong đời tôi. Giải thưởng đã cho tôi nhiều tự tin, nhiều cánh cửa mới đã mở ra, và về đường hướng trong việc học nó đã để lại những dấu ấn,” Đông Phương cho biết – từ Hoa Kỳ, nơi chị hiện nay đang trong giai đoạn kết thúc của học trình Master. Là người nhận giải, Đông Phương đã được phép theo học một khóa hè tại một đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ. “Trong khóa hè này tôi đã được làm quen với ngôn ngữ học và tôi thấy nó rất là bổ ích. Vì lý do đó trong học trình Master tôi đã chọn một ngành trong tin học có thể ứng dụng được trong ngôn ngữ con người.” Năm tới, Đông Phương sẽ bắt đầu công trình nghiên cứu luận án tiến sĩ của chị trong lãnh vực Kỹ thuật Ngôn ngữ.
Đông Phương cũng khuyến khích những bạn trẻ khác tích cực sinh hoạt bên cạnh chuyện học. “Điều cần làm là phải ráng làm sao để bạn có thể có những công chuyện làm bên cạnh việc theo đuổi ngành học, bởi vì cho dù chuyện đạt điểm cao đương nhiên là tốt, nhưng tôi đã nhận thấy rằng đặc biệt những hoạt động bên cạnh ngành học được đánh giá rất cao.” Đông Phương đã tích cực hoạt động trong việc quảng bá ngành bèta, qua tổ chức những buổi hội luận về ngành này cho sinh viên trung cầp hay cho những sinh viên đang theo chương trình Bachelor. Chị cũng từng là sinh viên phụ tá. Ngoài ra chị còn tham gia trong việc tổ chức những buổi tối sinh hoạt văn hóa.
Cuối cùng Đông Phương muốn nhắn nhủ những sinh viên Hòa Lan gốc Việt là phải đề ra mục tiêu đường dài và phải tìm cách đạt chúng, nhưng đặc biệt là cũng phải làm những gì bạn đam mê. “Tôi quả quyết rằng bạn chỉ có thể nổi bật lên nếu bạn làm những điều ấp ủ trong tim”, Đông Phương nói. Thế-Phan tiếp thêm: “Hãy bước ra khỏi môi trường tiện nghi và cố gắng tìm tòi những điều mới và thực hiện chúng. Chẳng có gì trầm trọng khi làm lỗi. Chính do ngã xuống bạn đã học hỏi và lớn lên.”
Những thông tin thêm về Quỹ ECHO có thể tìm trong www.echo-net.nl
Nguyên tác: "Nederlands-Vietnameze studenten behoren tot allochtone topstudenten"
Iviet Redactie