Cái Ðình
Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại 2009
Tiếp nối truyền thống của năm qua, với sự hợp tác của các hiệp hội văn hóa và cơ sở truyền thông Việt Nam hải ngoại Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại (NGGVHVNHN) năm 2009 đã được tổ chức từ chiều thứ sáu 28-08-2009 đến sáng thứ hai 31-09-2009 tại Trung Tâm Văn Hóa Maison Notre-Dame du Chant d’Oiseau, Bruxelles, thủ đô của Cộng Hòa Vương quốc Bỉ. NGGVHVNHN năm nay mang chủ đề: Phụ Nữ Trong Sinh Hoạt Văn Hóa.
NGGVHVNHN, đúng như tên gọi, chú trọng nhiều hơn đến sự gặp gỡ thân mật, cùng nhau tổ chức và sinh hoạt, thông tri các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của các đoàn thể cũng như các cá nhân. Cũng như năm qua, sinh hoạt này đã qui tụ được các đồng hương đến từ các quốc gia Âu Châu, các thành viên của của các tổ chức hoạt động trong các lãnh vực văn hóa, chính trị, giáo dục, văn học, nghệ thuật, truyền thông…
Diễn tiến sinh hoạt:
– Tối thứ sáu 28-08:
Sau phần giới thiệu tham dự viên với chương trình văn nghệ phụ diễn, đạo diễn Huỳnh Tâm đã trình chiếu một phim tài liệu về những người Việt Nam sống bất hợp pháp ở Pháp, trong các khu rừng nằm rải rác gần cảng Calais để tìm đường vượt biên bằng xe vận tải qua Anh.
Những đồng hương này, tuổi từ 16 đến 45, quê quán ở Việt Nam như Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hải Dương…, đã do các tổ chức lường gạt đưa từ Việt Nam qua Nga và sau đó đi từ Đông Âu sang Pháp. Thân nhân của họ đã phải bán nhà cửa, ruộng đất để trả tiền cho chuyến đi (khoảng 6000 đến 7000 Mỹ kim). Hiện họ đang sống nhờ các nguồn tiếp tế bất thường của các hội từ thiện địa phương.
Ngoài các sinh hoạt thuyết trình, thảo luận, văn nghệ,… một phòng triển lãm cũng đã được mở cửa dành cho các thành viên cũng như tổ chức tham dự bao gồm phần triển lãm tranh của họa sĩ Đỗ Bình và Nguyen Hélène, các CD với các tác phẩm phổ nhạc từ truyên Kiều của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, các gian hàng triển lãm hình ảnh và tài liệu của Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, Trung Tâm Nhân Quyền (Đức), Cơ Sở Việt Tộc Paris. Cũng cần mở hoặc để nói về gian hàng triển lãm của Cái Đình (Hòa Lan). Để phù hợp với chủ đề Phụ Nữ trong năm nay, Cái Đình đã trưng bày các sáng tác phẩm của phụ nữ Việt ở Hòa Lan đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Mỗi tác phẩm được trưng bày đều có kèm lời giới thiệu ngắn về tác giả và tác phẩm:
* Một hình chụp tranh và lời giới thiệu nữ họa sĩ Hoàng Mai.
* Quyển Em Học Việt Ngữ của Nguyễn Thị Hoàng.
* Bộ sách Học Kĩ Đọc Đúng của Phạm Thị Tú Minh.
* Thơ, nhạc của Tyna, Miên Thụy.
* Khảo luận, văn của Phạm Thị Tú Minh, Nguyễn Thị Vành Khuyên, Phạm Hải Anh.
* Các truyện thiếu nhi chuyển ra Việt ngữ trong sê-ri Leesleeuw của nhà xuất bản Zwijsen với các tác giả Paul van Loon, Annemarie van Haeringen, Rindert Kromhout.
* Bộ sách song ngữ Âu Á Gặp Nhau của Trương Thị Diệu Đế.
* Một số tuyển tập thơ văn tiếng Việt và tiếng Hòa Lan trong đó có đóng góp sáng tác của phụ nữ.
– Sáng thứ bảy 29-08:
* Đại diện ban tổ chức, ông Nguyễn Đăng Trúc đã phát biểu lời chào mừng đến các tham dự viên và xem NGGVHVNHN như là điểm hẹn của những người yêu văn hóa, khơi mở chất liệu tự do và tương kính trong văn hóa. Ông cũng phát họa về chủ đề Phụ Nữ, về phẫm giá, vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội, lịch sử (nhân loại và dân tộc) của người phụ nữ và cùng chia sẻ những thực trạng đau buồn của Việt Nam hiện nay.
* Hòa Thượng Thích Như Điển, trụ trì chùa Viên Giác (Đức), đã đọc diễn văn khai mạc, nhấn mạnh đến tình mẫu tử, sự đóng góp của phụ nữ trong xã hội qua quá trình dựng và giữ nước Việt Nam cũng như trên thế giới.
* Phát biểu của Linh Mục Paul Đào Văn Thạnh. (Bấm vào đây để đọc phần tóm lược của bài phát biểu).
* Bài thuyết trình của Tiến Sĩ Vĩnh Đào: Người Phụ Nữ Trong Tác Phẩm Chinh Phụ Ngâm (Bấm vào đây để xem phần tóm lược bài thuyết trình).
– Trưa thứ bảy 29-08:
* Bài thuyết trình của Giáo Sư Trần Văn Cảnh: Người Phụ Nữ Trẻ Ngày Hôm Nay Muốn Gì?. (Bấm vào đây để đọc phần tóm lược bài thuyết trình).
* Bài thuyết trình của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần: Người Phụ Nữ và Các “Trào Lưu Giải Phóng Phụ Nữ” (Bấm vào đây để đọc phần tóm lược bài thuyết trình).
* Phát biểu về tiếng Việt, chữ Việt của Tiến Sĩ Hoàng Đức Phương (Bấm vào đây để đọc tóm lược bài tham luận Sứ Mệnh Của Chữ Viết).
– Tối thứ bảy 29-08:
Với sự đóng góp của các tham dự viên đến từ các quốc gia Âu Châu, và qua sự điều hợp của ông Phạm Hồng Lam, một chương trình văn nghệ phong phú với chủ đề Phụ Nữ đã được trình diễn bao gồm các bài nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, các ca khúc bất hủ (được trình bày do Ngọc Xuân, Ngọc Châu, Miên Thụy, các ca khúc phổ thơ Kiều (của Quách Vĩnh Thiện), dân ca, vọng cổ, Hồ Quảng (Vương Quân Lệ), Nguyễn Thanh Hùng với sáo và đàn tranh, Bùi Tố Nga, ngâm thơ (Lâm Đăng Châu),.. với sự đóng góp của Quách Vĩnh Thiện, Lê Mộng Nguyên, Phan Đình Vĩnh Trinh, Thúy Hằng, Lê Hải,…
– Sáng chủ nhật 30-08:
* Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc đã có đôi lời tưởng niệm đến cố Giáo Sư Nguyễn Văn Thành cũng như sự đóng góp của ông qua các hoạt động văn hóa. Giáo sư cũng là một thuyết trình viên trong ngày gặp gỡ VHVNHN lần thứ nhất (năm vừa qua).
* Bài thuyết trình của Giáo Sư Trần Văn Toàn: Văn Hóa và Tôn Giáo. (Bấm vào đây để xem phần tóm lược)
* Chia sẻ về đề tài: Hình Ảnh Người Nữ Trong Huyền Thoại và Văn Chương Việt Nam: Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc (Bấm vào đây để xem phần tóm lược), và Trong Một Bản Văn Kinh Thánh:nữ tu Võ Thị Thiên Nga (Bấm vào đây để xem phần tóm lược).
– Trưa chủ nhật 30-08:
* Phát biểu của Giáo Sư Hương Anh: Vài Quan Điểm Về Phụ Nữ Theo Dòng Lịch Sử Việt Nam. (Bấm vào đây để xem phần tóm lược)
*
Phát biểu của bà Ca Dao Ngô Thị Ngoan: Phải Là Đàn Bà. (Bấm vào đây để xem bài phát biểu)
* Phát biểu của ông Lâm Đăng Châu: Các Trở Ngại Trong Sinh Hoạt Cộng Đồng. (Bấm vào đây để xem phần tóm lược)
* Tổng kết NGGVHVNHN năm 2009 và thảo luận về sinh hoạt trong năm tới. Có thể nói sinh hoạt năm 2009 có một số ưu điểm so với năm qua:
1) Số người tham dự nhiều hơn, trong đó thành phần trẻ và phụ nữ tham dự cũng đông hơn.
2) Ða số tham dự viên đều đóng góp vào tổ chức và sinh hoạt.
3) Chương trình sinh hoạt trôi chảy và các bài thảo luận, phát biểu đã được phân chia hợp lý hơn, có nhiều thời giờ cho phần trao đổi giữa diễn giả và quan khách.
4) Sinh hoạt văn nghệ rất đa dạng, phong phú và vui vẻ.
– Tối chủ nhật 30-08:
Sinh hoạt văn nghệ nội bộ NGGVHVNHN.
– Sáng thứ hai 31-08:
Sau phần điểm tâm, mọi người chia tay và hẹn gặp nhau trong các sinh hoạt tương lai.
Cái Đình