Ca Dao
Phải là đàn bà
Phát biểu trong Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại
tại Bruxelles
từ 28 đến 30 tháng 8 năm 2009
do Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ tổ chức
Kính thưa quý cử tọa.
Chủ đề của Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại năm nay là “Phụ Nữ Trong Sinh Hoạt Văn Hóa”.
1.- Hai ngày qua, có 9 bài thuyết trình được 9 diễn giả thuyết trình trước quý cử toạ, trong đó có đến 8 diễn giả là nam, chỉ có 1 diễn giả nữ.
2.- Giáo Sư Lê Mộng Nguyên cũng đã thuyết trình về hình ảnh của Người Phụ Nữ VN trong Tự Lực Văn Đoàn. Những thành viên trong TLVÐ đa số là Nam, chỉ có bà Nguyễn thị Vinh là phụ nữ.
3.- Sau bài thuyết trình của Tiến Sĩ Vĩnh Đào “Hình ảnh người Chinh Phụ” trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, có 1 câu hỏi được cử tọa đặt ra là: “Ông Đặng Trần Côn là đàn ông làm sao ông có thể viết được tâm trạng của người đàn bà như thế!”....
Qua 3 thí dụ vừa nêu, chúng tôi muốn đưa đến một câu hỏi là: Đặng Trần Côn nói về người chinh phụ, Nguyễn Du nói về Kiều, tâm trạng dằn vặt của người phụ nữ trong buổi giao thời được diễn tả qua những cây viết Nam trong TLVÐ, những bài thuyết trình về phụ nữ do những thuyết trình viên Nam trong ngày hôm nay v.v... Tất cả những người đàn ông, những cây viết nam giới đã và đang viết về, nói về người phụ nữ. Như thế có chính xác không? có trung thực không? có chủ quan không? Hay phải là phụ nữ mới có thể nói đúng hơn, chính xác hơn về người phụ nữ? Nói khác hơn: phải làm đàn bà mới có thể nói hết được tâm trạng của người đàn bà. Đó cũng là chủ đề trong bài tham luận của tôi hôm nay: Phải là đàn bà !
Cũng xin được nói thêm: trong ngày hội luận đầu tiên, sau bài phân tích về hình ảnh người chinh phụ qua tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, tiến sĩ Vĩnh Đào có kết luận: “Theo tôi, đó là hình ảnh lý tưởng của người phụ nữ.” Riêng cá nhân tôi không chia sẻ ý kiến đó vì nếu sinh ra làm đàn bà để suốt đời chỉ phải trông đợi, mong chờ một hình bóng người chinh phu thì kiếp sau tôi sẽ không mong được trở thành đàn bà!!!!
Kính thưa quý cử tọa,
Chúng tôi xin được bắt đầu bài tham luận ngắn dưới đây bằng một vài trích đoạn trong một bài thơ của Xuân Quỳnh:
Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Vượt qua ô cửa cỏn con, văn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
Chính phục đại dương bằng các con tàu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
Biết bao điều quan trọng được đề ra
Những hiệp ước xoay vần thế giới
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
...............
Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày...
............................
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
Loài rong rêu ai biết đến bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Kính thưa quý cử tọa,
Bài thơ dù được sáng tác vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 vẫn cho thấy cái thân phận của người phụ nữ ngày nay, thời đại của internet, của micro wave, của máy vi tính… cũng không khác xa thân phận của người đàn bà hàng trăm năm về trước, thời đi chân đất, thời cõng chồng qua sông, thời của những bà Tú Xương “Quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng”.
Người đàn bà Việt Nam qua con mắt Hồ Dzếnh "đều phải đau khổ từ lúc lọt lòng" với "những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn…, người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc" (Chân trời cũ, Hồ Dzếnh tác phẩm chọn lọc, trang 31, 42). Vẫn là những phận người co cụm sống nép bên cạnh cuộc đời, sống cho một người khác mà không hề thấy thiệt thòi và không bao giờ tự đặt cho mình một dấu hỏi. Người đàn bà ở thế kỷ 20 của Xuân Quỳnh vẫn không hơn người đàn bà ở thế kỷ 19 của Hồ Dzếnh là bao. Năm tháng có trôi đi, nhưng số phận của người đàn bà, nhất là người đàn bà VN, trong một chừng mực nào đó, hình như đứng lại.
Dù có dùng hàng ngàn trang để nói về thân phận đáng thương ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của người phụ nữ như Kiều nương, về nỗi cô đơn khôn cùng của người Chinh Phụ thời binh lửa, cái truân chuyên của bà Tú Xương, cái lao đao của những nàng Kiều của thể kỷ 21. Nhưng tất cả, tất cả cũng chỉ là cái nhìn của một người đứng bên ngoài, cái chia sẻ của một kẻ bàng quan, của kẻ qua đường ngó xuống một thân phận, thoáng chút mủi lòng cho ra người quân tử. Nhưng tất cả những chia sẻ, những ngậm ngùi, những trăn trở nếu có ấy cũng chỉ như một người tốt bụng, săn sóc vết thương đã lở loét của một bệnh nhân lâu ngày. Họ có thể thoa lên vết thương một ít thuốc, họ có thể chùi tạm một dòng máu đang rò rỉ, họ sẽ rất mủi lòng trước những đớn đau, họ sẽ rất xót xa khi nhìn vết thương đang mưng mủ, họ sẽ an ủi vài câu, họ sẽ chúc bạn qua cơn hoạn nạn, họ sẽ và họ sẽ…… Nhưng dù họ có nói rằng họ rất cảm nhận và chia sẻ cùng bạn về nỗi đau tinh thần hay thể xác đi chăng nữa, họ vẫn không là bạn để có thể đau như bạn đang đau, xót như bạn đang xót. Họ vẫn không nhìn thấy, không cảm nhận được những con vi trùng đang khoét lần vào vết thương, họ vẫn không thể khóc bằng những dòng nước mắt của bạn. Phải là người mang vết thương mưng mủ ấy mới cảm được hết cái xót xa, cái rát bỏng của muối rắc vào vết thương, đêm đêm nằm cảm nhận những con vi trùng đang đục lần hồi vào vết thương, càng ngày càng sâu. Như nhà văn Thơ Thơ nói “Cái đau là sở hữu duy nhất không ai đánh cắp được của con người” (Thơ Thơ, Phòng Triển Lãm Mùa Đông, trang 168). Mỗi người đau những cái đau khác nhau, không thể “cảm nhận dùm” được, không thể “chia” dùm được. Đầu thập niên 1940 nhà văn Thạch Lam cũng đã cho rằng không ai hiểu đàn bà hơn là… đàn bà! Cái hoài vọng của ông nhỏ bé lắm nhưng cũng không cùng lắm, bởi vì ông không thể trở thành đàn bà để có thể hiểu được đàn bà. Trong "Theo Giòng", nhà văn Thạch Lam chỉ mơ ước "Tôi bằng lòng đánh đổi cả một đời để được biết (về đàn bà), vì tôi bắt đầu nghi ngờ những điều mà tôi tự tìm hiểu một mình."
Những thương vay khóc mướn của các đấng mày râu về thân phận đàn bà cũng chỉ như những người hàng xóm tốt bụng, thoa nhè nhẹ chút thuốc đỏ vào cái mụn ghẻ lâu ngày, thỉnh thoảng mở ra xem nó lành hay chưa cho vui chứ không đủ khả năng để trị và cũng không thật tình muốn trị. Nhưng cái xác thân đang mang cái mụn ghẻ lâu ngày ấy thực tình nó muốn được xát muối vào một lần cho rát bỏng, muốn được con dao giải phẫu cắt phăng đi những mụn nhọt của đời sống. Đau lắm! Nhưng một lần, rồi thôi. Phụ nữ chỉ muốn nhìn lại những mụn ghẻ ấy như những vết sẹo kỷ niệm, ghi lại dấu tích một thời đã qua, và vết sẹo ấy dù sâu thế nào, cũng sẽ mờ theo năm tháng.
Thời gian có phải hẳn gần hàng chục chục năm, trong văn đàn Việt Nam đã có rất nhiều những cây bút nam giới dành nhiều trang giấy để phân tích đàn bà, để đề cao cái oai hùng của những bà Trưng bà Triệu vung kiếm trả thù nhà, để xót thương cho cái lận đận của một đời Kiều, để tội nghiệp cho cái cơ cực của một đời vợ. Nhưng khen chỉ để mà khen, xót chỉ để mà xót, tội chỉ để mà tội. Thấy vậy đó, viết ra vậy đó cho qua thời gian, cho đầy trang giấy. Nhưng để làm gì ư? Không để làm gì cả, không cần phải thay đổi gì cả, chưa cần phải giải quyết gì cả. Vết thương chưa cần phải trị cho lành.
Chưa lâu lắm đâu, từ khi lân la với thế giới Tây Phương, trong cái xã hội mà thú vật được nâng lên (gần như) ngang tầm với con người thì dân ta cũng giật mình nghĩ lại và thấy mình cũng phải góp phần nào đó trong sự nghiệp đem lại bình đẳng cho xã hội để chứng tỏ mình cũng là người tiến bộ. Dần dà, ý niệm "bình đẳng nam nữ" trở thành một vũ khí để cả hai phái dùng để tự vệ và tấn công. Nhưng trong suốt cái quá khứ gọi là “giải phóng phụ nữ” ấy, chưa bao giờ có các đấng mày râu thực sự đứng lên đòi nữ quyền hoàn toàn cho phụ nữ. Họ chỉ nêu chỗ nầy một vài điểm chưa đúng, chỗ kia một ít thiếu sót cần đặt lại, chứ sự bình đẳng hoàn toàn (nếu có thể có được) chưa hề được đem ra bàn cãi tới nơi tới chốn, đừng nói gì đến sự thay đổi cụ thể.
Có lần tranh luận loanh quanh với anh Ngô văn Hiếu (Mạng Lưới Nhân Quyền, nhà thơ Ngô Du Đông), câu chuyện lan man đến đề tài “nữ quyền”. Anh ấy thành thật nhận rằng: “Đàn ông trông phóng khoáng bên ngoài mà trong sâu kín rất bảo thủ.” Nhà phê bình văn học Thụy Khuê thẳng thắn hơn, nghiêm khắc hơn, bà nói trắng ra rằng: "Những ý thức trách nhiệm ấy (tức ý thức về sự độc lập của phụ nữ) chỉ được hiểu, được giải thích và khai triển dưới con mắt một chiều, vụ lợi của con mắt phụ quyền, để biến họ thành những "tấm gương" liệt nữ trả thù chồng như bà Trưng, bà Triệu hoặc cần mẫn nuôi chồng như bà Tú Xương. Cả hai nhãn hiệu ấy đều có tính chất phụ tòng, đều có lợi cho xã hội phụ quyền" (Thụy Khuê, Sóng Từ Trường III, trang 136).
Thử đặt mình vào vị trí của các đấng mày râu: Ừ nhỉ, trị làm gì cái vết thương ấy khi nó chẳng hại gì cho ta? Thay đổi làm gì cái trật tự ấy khi nó chẳng đem lợi gì cho ta? Hãy để yên đó, đừng làm tung những đám bụi đang nằm yên trong xó. Thỉnh thoảng cầm cái phất trần phủi đi vài phát để thấy rằng mình cũng đang tham gia vào cuộc tổng nổi dậy, cho có vẻ thời thượng, cho có vẻ "cách mạng" nhưng phất nhẹ thôi, đủ để không có cái thay đổi nào rốt ráo làm xáo trộn những thứ bậc đáng yêu đang bảo vệ cái ghế đang ngồi. Đi làm về, thở phào một cái như thể công việc ở văn phòng bận rộn khủng khiếp lắm, ngồi rung đùi đọc báo chờ cơm dọn lên bàn, ăn xong xỉa răng coi TV đợi giờ ngủ, thế là sướng lắm, từ xưa đến giờ vẫn thế, tại sao phải thay đổi nhỉ? Thỉnh thoảng, ngày cuối tuần rửa tí rau, dọn tí chén dĩa cho có vẻ "bình đẳng", cho có vẻ cũng tham gia vào "cuộc đấu tranh đòi cách mạng phụ nữ ", cũng một kiểu như hai câu thơ của Tú Sót “Hôm nay mùng 8 tháng 3. Tôi giặt cho bà cái áo của tôi.” Nhưng làm cho ra vẻ tí thôi cho thơm hương, thơm hoa. Đòi nhiều, nhỡ nó thành sự thật thì nguy hiểm lắm!!!
Phải là đàn bà đàn bà một ngày! Phải là đàn bà một đời! Phải chạm, phải nếm hết những hương vị của đời sống như người đàn bà đã chạm, đã nếm mới có thể hiểu hết những gì họ phải trải qua. Mặc dù hiểu cũng chẳng để làm gì cả, bởi vì, dù có đi hết thế kỷ này, số phận của người phụ nữ vẫn còn có những hệ lụy chưa thể tháo gỡ.
Kính thưa quý cử tọa,
Bài tham luận ngắn vừa qua chỉ đưa ra một vài nhận xét và phân tích một vài khía cạnh rất nhỏ trên con đường tìm một chỗ đứng cho nữ quyền trong một xã hội còn quá nhiều chênh lệch. Đây không phải là những kêu gọi đấu tranh đòi bình đẳng Nam Nữ. Bởi Thượng Đế đã tạo ra hai phái tính khác biệt với những khác biệt là có mục đích. Đòi hỏi một sự bình đẳng tuyệt đối (tôi xin lập lại “bình đẳng tuyệt đối”) là điều không tưởng.
Nghĩ cho cùng, hai thanh sắt của một đường rầy luôn luôn song hành, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ có thể nhập thành một. Bởi thế, hai thanh sắt ấy mới tạo nên một đường rầy. Bởi thế, các anh và chúng tôi - khác biệt mà song hành - mới tạo nên đời sống.
Kính thưa quý cử tọa,
Những ý kiến vừa qua là những ý kiến rất cá nhân của bản thân chúng tôi, nó có thể đúng, có thể sai. Nhưng với câu kết luận vừa rồi thì chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều vị trong hội trường này đồng ý với chúng tôi.
Xin cám ơn tất cả quý cử tọa đã lắng nghe. Và đặc biệt, xin cám ơn hai phụ nữ người Pháp là vợ của Giáo Sư Lê Mộng Nguyên và vợ của Giáo Sư Nguyễn văn Toàn đang hiện diện trong hội trường. Mặc dù họ không hiểu gì cả về ngôn ngữ của chúng ta, nhưng họ vẫn có mặt suốt hai ngày hôm nay cùng lắng nghe những bài thuyết trình với chúng ta trong cái nóng tháng tám. Sự kiên nhẫn và chịu đựng ấy, chỉ có ở người Phụ Nữ.
Tháng 8 năm 2009
Ca Dao