Nguyễn Hiền


Họa sĩ kiêm nhà văn Võ Ðình không còn nữa

Võ Ðình trước bức tranh ‘Lửa Tuệ’ – Ảnh: Trần Thị LaiHồng (2007)

Họa sĩ kiêm nhà văn Võ Ðình đã qua đời ngày 31.05.2009 tại nhà riêng ở West Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi.

Võ Ðình tên thật là Võ Ðình Mai, sinh ngày 14.11.1933 tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông bắt đầu nghề viết từ năm 1950 qua những truyện ngắn đăng trong báo (viết tay) Hồn Trẻ, dưới bút hiệu Thiếu Dũng. Cũng trong năm này ông sang Pháp du học ngành Luật và Văn Khoa ở Ðại học Sorbonne. Tuy nhiên sau đó ông đã đi theo con đường hội họa. Năm 1960 ông bỏ Pháp sang Hoa Kỳ. Nơi đó ông đã trú ngụ ở nhiều tiểu bang như Maryland, California, Nevada, New York, Pensylvania..., làm việc cho nhiều phòng tranh, để cuối cùng về định cư tại Florida.

Ngoài những triển lãm cá nhân từ 1961, tranh của ông đã có mặt trong rất nhiều cuộc triển lãm quốc tế. Nhiều người Việt biết đến tên (và tranh) của ông qua những bức minh họa hay những phụ bản trong nhiều tác phẩm Việt lẫn ngoại ngữ. (Cái Ðình cũng hân hạnh được ông cho sử dụng một số tranh để làm bìa và làm phụ bản của một số tác phẩm).

Tuy say mê hội họa, nhưng Võ Ðình cũng là một người viết có sức sáng tác rất mạnh. Ông mất đi, để lại hơn 10 tập truyện ngắn/tùy bút viết bằng tiếng Việt, một số tác phẩm viết bằng tiếng Anh và khoảng hai chục dịch phẩm (Việt ra Anh ngữ và ngược lại). Những dịch phẩm này đa phần chuyên chở triết lý Phật giáo, trong đó có một số dịch từ những sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một người mà ông có mối dây liên lạc mật thiết. Công trình văn học nghệ thuật của Võ Đình đã được ghi nhận trong Nhân Vật Việt Nam (Sài Gòn, 1974), Hai mươi năm văn học Việt Nam Hải ngoại, 1975-1995 (Đại Nam, California, 1995) và trong những danh mục quốc tế như Who’s Who in American Art, Contemporary Authors, Printworld, The New York Art Review…

Tác phẩm cuối của Võ Ðình là ‘Trời đất’ (xuất bản năm 2008), một tiếp nối của những tuyển tập có dạng ‘10 truyện, 10 chuyện’. Trong văn xuôi, Võ Ðình mô tả rất tài tình những nét đặc thù, diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật, có lẽ do con mắt quan sát sắc bén và óc tưởng tượng phong phú của một họa sĩ. Một số truyện ngắn của ông mang nét siêu thực, làm những tác phẩm của ông ‘kén độc giả’. Tôi thích những tùy bút và tạp văn của ông hơn, trong đó hơi văn của ông nhanh nhẹn phóng túng, nhưng chính xác và chặt chẽ đan nhau như một bức tranh. Với đoản văn ‘Viết văn bằng tiếng Việt’, người đọc qua thể tự sự có thể thấy gần hết đời hoạt động và tâm tư của ông, trải ra bằng một giọng văn giản dị, cảm động và chân tình.

*

Lần cuối cùng tôi gặp nhà văn Võ Ðình là vào năm 1999. Một buổi ăn tối trên căn gác nhỏ (tư gia của nhà văn/thơ Cao Xuân Tứ), cách năm phút đi bộ từ viện bảo tàng Van Gogh ở thủ đô Amsterdam. Ngồi hóng chuyện của hai bạn tri âm vừa gặp nhau, lại thêm bên cạnh là anh bạn trẻ đa tài Nguyễn Thanh Hùng, người từ lâu mến mộ Võ Ðình, tôi chẳng thể chen vào được. Nhưng vì thế tôi đã có dịp quan sát ông, thấy vẻ điềm đạm toát ra từ con người, từ giọng nói nhỏ nhẹ, trầm và chậm. Nhất là những khi ông ngồi thinh lặng, mắt nhìn về xa, tưởng như một pho tượng vững chãi. Vợ ông, nhà văn Trần Thị LaiHồng, ngồi bên, săn sóc ông với vẻ dịu dàng và đằm thắm của một người phụ nữ ‘rất Việt Nam’, trong một bữa ăn giản dị có vài món Huế. ‘Rất Việt Nam’, như những bài khảo cứu của bà về văn hóa Việt. Mới đấy mà mười năm đã trôi qua rồi. Những năm cuối, qua báo chí và bạn bè, biết sức khỏe ông ngày càng suy giảm, ngày rời bỏ cõi trần của ông không phải là không thể tiên đoán, nhưng sao tôi vẫn thấy bàng hoàng, khi nhận thức được sự vắng bóng dần của những người đã có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hóa Việt. Lại một nhân vật lớn đi không còn về, liền sau cặp Trường Kỳ và Tùng Giang.

 

Nguyễn Hiền
(06.2009)


Cái Đình - 2009