Võ Ðình
Viết văn bằng tiếng Việt
Tôi năm nay đã vào tuổi hưu. Ở Hoa Kỳ, đó là sáu lăm. Lứa tuổi già. Già, không dấu kép. Cũng thuộc vào lớp người gốc Việt sống lâu năm nhất ở hải ngoại. Có về thăm quê vài ba lần, nhưng tính tổng cộng thời gian ở ngoài nước là gần... nửa thế kỷ! Ngót nghét gấp ba thời gian ở trong nước (khi rời Việt Nam ra đi lần thứ nhất, mới có mười bảy.)
Từ năm hăm bốn, dấn thân hoàn toàn vào con đường hội hoạ (hội hoạ chứ không phải nghề cầm cọ - sự khác biệt tương tự như con đường văn chương và nghề cầm bút vậy.) Tuy nhiên, trước 1975, có tí toáy viết lách tiếng Việt, nhưng ít quá, không đáng kể. Cũng lai rai viết cả tiếng Anh. Đôi ba tác phẩm, vài bản dịch... Tóm lại, từ năm hăm bốn tuổi (1957) đến năm bốn hai (1975), sáng tác hội hoạ là việc chính. Không làm nghề gì khác.
Biến cố đổi đời 1975 ở quê nhà cũng là ‘biến cố nghệ thuật’ cho bản thân tôi. Bắt đầu viết tiếng Việt nhiều hơn. Từ năm 1978, cũng nhờ có ông Võ Phiến với tờ Văn học Nghệ thuật, tôi viết tiếng Việt thường xuyên hơn. Một tập truyện (tiếng Việt) được nhà Lá Bối xuất bản ở Pháp. Từ đó đến nay, viết tiếng Việt đều đều. Ít, nhưng đều. Và đôi lúc, tự hỏi, với ít nhiều ngậm ngùi: Tại sao tôi viết tiếng Việt?
*
Ừ, tại sao tôi viết tiếng Việt trong khi tôi thừa sức viết bằng tiếng Anh là ngôn ngữ của xứ sở tôi đang trú ngụ? Lọt được vào những tạp chí cỡ The New Yorker hay The Atlantic không phải là chuyện dễ. Nhưng báo chí ở Mỹ, hàng ngàn tờ. Báo hằng tháng, hằng ngày, hằng tuần, báo cho người già, báo cho người trẻ, báo cho đàn ông, cho đàn bà, cho trẻ em, cứ có một quần chúng là có một tờ báo. Một thị trường báo chí mênh mông như thế, thiên hình vạn trạng như thế, cứ viết là được - viết thôi, chưa nói viết văn - là có thể lọt vào. Mà lọt vào được là có tiền. Huống chi một người như tôi, một người viết tài tử thôi nhưng đã có sách (tiếng Anh) được in bởi hai trong những nhà xuất bản lớn, có uy tín nhất ở Hoa Kỳ.
Ừ, tại sao tôi lại viết tiếng Việt? Trả lời, dễ ợt. Bởi vì tôi yêu tiếng Việt chăng? Bởi vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ chăng? Hay bởi vì tôi muốn nổi tiếng như một nhà văn chăng? Những câu trả lời bay về tới tấp; chọn câu nào cũng được. Nhưng xét lại kỹ hơn thì câu nào cũng có cái thiếu sót.
Đương nhiên, tôi yêu tiếng Việt. Nhưng tôi không chỉ yêu tiếng Việt. Tiếng Pháp, tiếng Anh, tôi cũng yêu lắm lắm. Tôi dốt Hán văn, nhưng với cái vốn liếng Hán văn lèo tèo tôi có, tôi cũng yêu tiếng Trung Quốc vô kể. Nếu nói rằng tôi viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng Việt, e rằng o ép tôi quá.
Thế thì tôi viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ vậy. Người Việt mà đọc mấy chữ ‘tiếng mẹ đẻ’ là mềm lòng ra rồi. Nhưng bảo rằng tôi viết văn tiếng Việt vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ, e rằng chẳng những o ép tôi mà còn... phỉ báng tôi nữa. Với tôi, văn học nghệ thuật không phải là nơi giương ngọn cờ dân tộc. Nét dân tộc là chuyện chẳng đặng đừng, người nghệ sĩ miễn phơi ra. Ông Joseph Conrad sinh ở Ba Lan, chạy qua Anh, viết tiếng Anh. Ông Henri Troyat sinh bên Nga, chạy qua Pháp, viết tiếng Pháp. Ông Lâm Ngữ Đường sinh bên Tàu, qua Mỹ, viết khá nhiều bằng tiếng Mỹ. Các ông ấy có khăng khăng ôm cứng lấy tiếng mẹ đẻ của các ông đâu. Khi tôi vẽ, tôi đâu có tha thiết gì đến cảnh trí sông Hương, tháp chùa Linh Mụ, cành trúc la đà, v.v... Cớ chi tôi phải viết tiếng Việt vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ?
Tôi viết tiếng Việt vì tôi muốn được nổi tiếng như một nhà văn chăng? Đúng thế. Có thế thật, nhưng lâu rồi. Thuở tôi ‘làm báo’ (sinh viên) ở Paris, hơn bốn mươi năm về trước kia. Hồi tôi mới bắt đầu cộng tác với tờ Văn học Nghệ thuật của hai ông Võ Phiến và Lê Tất Điều, nghĩa là cũng hai mươi năm về trước kia. Từ lâu, tôi đã phát giác ra rằng, như nhiều người đã làm trước tôi, làm nhà văn chẳng được ‘ăn cái giải’ gì cả. Bây giờ, đã bước đến tuổi lưng chừng giữa ‘nhi nhĩ thuận’ và ‘cổ lai hy’, tôi thấy nảy sinh trong tâm một sự thật rõ ràng quá đỗi: tuy đã cống hiến cả một đời cho hội hoạ, tôi còn coi cái danh vọng của một hoạ sĩ chỉ như thứ chổi cùn rế rách, tôi còn ‘hổng có ham’, huống hồ chuyện được nổi tiếng như một nhà văn. "Nhà văn An Nam khổ như chó," ông Nguyễn Vỹ viết câu đó sáu mốt năm trước đây, lúc tôi mới lên bốn. Giá ông biết được cái khổ của nhà văn An Nam trong thân phận một kẻ tha hương!
Ấy thế mà tôi vẫn tiếp tục viết, và viết bằng tiếng Việt. Như tôi đang làm ngay bây giờ đây. Tiếng Việt. Tiếng có g, chứ không phải không g như tiến. Việt với t chứ không phải với c như việc. Thế là câu hỏi vẫn còn nguyên vẹn: tại sao tôi viết tiếng Việt?
*
Tôi nghĩ đến những nhà văn trẻ đặt chân ra hải ngoại lúc còn non dại (mười bảy tuổi) như tôi ngày xưa, những người như Trần Vũ, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quí Đức... và tôi tự hỏi: tại sao họ viết tiếng Việt? Có cơ hội tôi sẽ hỏi họ như vậy, để xem câu trả lời của họ như thế nào. Có phải vì họ yêu tiếng Việt, vì họ yêu tiếng mẹ đẻ, vì họ muốn nổi tiếng... không? Hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm nữa, để xem họ có còn viết tiếng Việt không.
Tôi lại nghĩ: khi Trần Vũ, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quí Đức, hay những người cùng lứa tuổi, đặt chân lên ‘đất khách’ (sau 1975), ở hải ngoại đã có một quần chúng Việt Nam đông đảo. Thuở tôi ra ngoại quốc, chỉ lơ thơ vài mống du học sinh. Những năm ở Pháp, còn có đi đi lại lại giữa "lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa," mấy thằng ‘Mít’ với nhau, chứ khi qua Mỹ, có khi cả năm, cả hai ba năm, tôi không gặp một người Việt, nói một tiếng Việt nào. Nhớ hồi mới sang Mỹ, ở New York một năm, tôi chán, nghe lời câu "young man, go West," di cư sang San Francisco. Suốt hai năm ở Frisco, tôi không gặp một người Việt Nam. Một hôm, lang thang ở phố Tàu, thấy hai phụ nữ trẻ đứng trước một cửa tiệm. Nghe loáng thoáng họ nói tiếng Việt với nhau. Hình như giọng Huế. Cảm động hết sức. Tôi dừng lại, chào hỏi. Và kinh hoàng thấy mình không nói được. Hai chị Việt Nam nói, tôi nghe, hiểu, nhưng tôi ấp a ấp úng nói không ra lời. Xin nói rõ, tôi không phải kẻ chạm mặt phụ nữ thì lúng túng, ngượng ngập. Trái lại! Vậy mà hôm đó, nói không ra lời. Chắc hẳn hai chị ấy tưởng tôi là một anh ngọng. Lâu quá rồi - đó là năm 1962 - tôi không còn nhớ buổi gặp gỡ trên hè phố kết thúc ra sao. Kỳ cục, về phần tôi, là cái chắc. Tôi chỉ biết, sau đó, hồi tâm lại, tôi hiểu rằng tôi không nói được là bởi vì trong mấy năm trời, tôi không nói tiếng Việt. Cái lưỡi tôi, nó nói tiếng Anh quen đi rồi. Nó không còn khả năng phát âm tiếng Việt một cách dễ dàng và đúng cách nữa. Từ đó trở đi, tôi hay nói tiếng Việt một mình. Kiểu như tập thể dục cho cái lưỡi.
Năm ba mươi tuổi (1963), tôi quay trở về miền Đông Bắc. New York. Pennsylvania. Maryland. Tôi quen biết thêm một số người Việt ở Mỹ. Càng có dịp nói tiếng Việt hơn. Tuy nhiên, thuở đó, gặp một người Việt vẫn là điều hiếm hoi. Ngoài ra, tôi lại có cái sở thích khác người: tôi ưa ở nơi vắng vẻ. Có lẽ vì lúc còn rất trẻ, tôi đã trầy trụa quá nhiều rồi với những thành phố lớn. Giản dị hơn, cũng có lẽ vì tôi... dại. Nơi vắng vẻ có ít người, nói gì đến người Việt. Nhưng tôi thà nói tiếng Việt một mình trên núi còn hơn là xuống cư ngụ nơi thị tứ đông đúc, xô bồ. Tình trạng này kéo dài cho đến tận bây giờ.
*
Trước 75, tôi đã hiểu thấy rằng cái lưỡi cũng như những bộ phận khác trong thân xác con người: không dùng, nó hư đi. Lâu năm không nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng nước người, đến lúc cần nói, chỉ nói được tiếng Việt... ngọng.
Sau 75, ngoài chuyện nói tiếng Việt một mình, tôi còn bày đặt viết tiếng Việt. Không phải để tập luyện cho một bộ phận của thể xác như nói là để tập luyện cho cái lưỡi. Tôi khám phá ra rằng khi tôi viết tiếng Việt, sự sống tuôn chảy từ não cân, từ kinh mạch tôi về bàn tay tôi, thấm qua cây bút, xuống mặt giấy. Viết tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi chưa hề có được cái cảm giác ấy, mặc dù tôi rất yêu tiếng Anh, tiếng Pháp. Viết tiếng Việt, tôi có cảm tưởng tôi xoi một mũi nhọn, thật mảnh, thật dài, vào tận trong cùng tâm não tôi, dò la, mò mẫm, lục lạo, tìm tòi, cho đến khi diễn đạt được vừa ý là lúc mũi nhọn đã chạm tới được sự hiện hữu của chính con người tôi. Thì ra mấu chốt nó nằm ở đây: tôi viết để mài dũa cái tinh nhạy của xúc cảm. Để nắn tỉa cái xum xuê bất trị của thói quen tưởng tượng. Nói chung, tôi viết để gìn giữ cái tròn, cái đầy của tâm thần. Và tôi chỉ làm như thế được khi tôi viết tiếng Việt.
À, thì ra, cái gút là ở nơi đây. Viết tức là nói với chữ trên giấy. Không cần phải luyện chỉ một mình cái lưỡi nữa. Viết là thể hiện cả con người. Viết về cái gì, viết như thế nào, chuyện đó đến sau. Viết, nhất là viết với cây bút như mình đã tập viết khi còn bé, không phải chỉ để sống lại. Viết là sống. Chấm.
Năm ngoái, hay năm kia, cũng không nhớ là đã đọc được ở đâu, một câu của Nguyễn Hữu Liêm, làm tôi nổi da gà, thú vị lắm. Ông Nguyễn Hữu Liêm là một luật sư nổi tiếng ở California, còn là chủ nhiệm, đồng thời là một cây bút chủ lực của tờ Triết, tập san triết học và tư tưởng. Tôi tiếc không có bài viết của ông Nguyễn trong tay, chỉ nhớ mang máng ông cho rằng sự kiện ông viết là cũng như ông cất tiếng... gọi đò.
Sao là cất tiếng gọi đò?
Ngày xưa, cám cảnh cuộc bể dâu, Trần Tế Xương có lời thê thiết: Đêm nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Tôi nghĩ rằng có lẽ đang còn hoang mang trong cơn xúc cảm thấy cái cảnh Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai cho nên ông tú họ Trần nghe ếch kêu mà tưởng là tiếng người gọi đò! Kể cũng lạ. Ta hãy nghĩ đến dòng sông, con đò, bến nước. Tới bến rồi mà gặp phải lúc đò không còn cập bến thì phải gọi. Ôi, tiếng gọi đò... Ông Nguyễn Hữu Liêm người gốc Quảng Trị, quê gần sông Thạch Hãn, hiện nay cư ngụ ở San José, Silicon Valley, hằng ngày lái xe ào ào trên xa lộ, vậy mà lúc cặm cụi ngồi viết tiếng Việt lại có ý nghĩ rằng như thể chính mình là người cất tiếng gọi đò. Hèn chi mà tôi (V.Đ.) nổi da gà!
Đó là chuyện năm ngoái năm kia. Mới đây, được nhà văn Hà Thúc Sinh (Đại học máu) gửi cho tập truyện Đêm hè (Văn Mới, 1997). Trong truyện ‘Ở chỗ mình’, nhân vật Hoàng nhớ đến "khuôn mặt lắm ưu tư, lắm hoài vọng của người bạn mới qua đời." Người bạn đó đã từng nói với Hoàng: "Còn lắm chuyện phải làm; có làm mới mong thoát cái ghê sợ của đời lưu dân cứ thao thức bởi ý tưởng bị xé đôi, và ghê sợ hơn nữa mỗi nửa người ấy lại bị đòi hỏi phải sống trọn vẹn như một con người."
Đó là lời người bạn của một nhân vật trong truyện Hà Thúc Sinh. Bản thân tôi, đặt chân lên ‘đất khách’ khi chưa tới tuổi trưởng thành, tôi không "thao thức bởi ý tưởng bị xé đôi." Tôi bị xé đôi thật. Vì vậy, thôi thì mượn lời ông Nguyễn và ông Hà cho tiện việc, tôi viết tiếng Việt là một cách cất cao tiếng gọi đò, là bị xé đôi nhưng cứ sống, cứ làm như mình vẫn nguyên vẹn.
Võ Ðình
Tháng 2 năm 1998