Ngô Thụy Trúc Lâm


Phỏng vấn bà Trương Bạch Tuyết

.

Lời giới thiệu: dưới dây là buổi trò chuyện giữa người phỏng vấn là ông Ngô Thụy Trúc Lâm (NTTL)
với cựu trung sĩ nhất cảnh sát quốc gia Trương Bạch Tuyết (TBT). Sinh năm 1944, hiện bà cư ngụ tại Hòa Lan từ năm 1987.

.

NTTL: Xin bà kể qua về thân thế và gia đình, cũng như về môi trường nơi bà sinh trưởng ở Việt Nam?

TBT: Gia đình tôi có tất cả 7 chị em gồm 3 gái và 4 trai. Chúng tôi sinh trưởng tại Sài Gòn và hưởng cuộc sống tự do và bình an tại miền Nam trước năm 1975. Tôi là một nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia làm việc tại Khối Ðặc Biệt và là thư ký Trung Tâm Huấn Luyện Trung Cấp của trường Tình Báo Trung Ương Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Tôi tham gia vào ngành cảnh sát từ năm 1965 và phục vụ cho đến ngày 30/4/1975, là ngày cộng sản chiếm miền Nam. Chồng tôi cũng là nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia làm việc tại Nha Ðô Thành Saigon. Tôi lập gia đình vào năm 1967 và chúng tôi có được 6 người con. Cha tôi cũng là nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia làm việc tại Khối Ðặc Biệt, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Ông đã trình diện “học tập cải tạo” vào ngày 19/8/1975 và chết trong trại cải tạo Long Giao, tỉnh Long Khánh vào năm 1976. Hiện thân xác vẫn còn trong nghĩa trang hoang lạnh. Em trai kế của tôi cũng là nhân viên cảnh sát làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện Tác Xạ Rạch Dừa. Em trai thứ 5 và thứ 6 là nhân viên Cảnh Sát Dã Chiến làm việc tại Sài Gòn. Em thứ 5 cũng phải bị tập trung cải tạo 7 năm, sau 2 năm được trả tự do đã chết do bệnh tật vì thời gian dài sống trong trại cải tạo. Em thứ 3 đã chết năm 2019. Em rể làm nhân viên cảnh sát tại trường Tình Báo Trung Ương cũng bệnh chết năm 1984.

NTTL: Lý do nào thôi thúc bà là một phụ nữ vào ngành cảnh sát? Bà đã phục vụ những đơn vị nào?  

TBT: Cá nhân tôi, lúc 12 tuổi theo ba lên núi ở Tây Ninh đã được nghe và thấy tận mắt những hành động vô nhân của Việt Cộng, và những năm sống ở Bình Dương, tôi đã chứng kiến cảnh người chết do Việt Cộng pháo kích v.v… những hình ảnh man rợ do Việt Cộng gây nên đã im đậm vào tâm trí tôi. Vì thế, khi lớn lên tôi đã nuôi một lý tưởng bảo vệ miền Nam Tự Do, với bàn tay yếu ớt nhỏ bé này, tôi phải làm gì cho dân tộc tôi để không hổ thẹn là con cháu Rồng Tiên với hơn 4.000 năm văn hiến. 

Xin tạ ơn hồn thiêng sông núi, vào năm 1962 tôi đọc báo và thấy đăng tin thị xã Vũng Tàu (Cát Lở) cần tuyển mộ một số phụ nữ bán quân sự cho “Ðoàn Nữ Công Nhân Chiến Ðấu” do bà cố vấn Ngô Ðình Nhu thành lập. Sáng hôm sau tôi xin phép mẹ cho ra Vũng Tàu để xin gia nhập  đoàn này. Trong vòng 1 ngày thủ tục đã hoàn tất, họ hẹn tuần sau là ngày 8/10/1962 đi trình diện nhập ngũ. Tuần sau, chị em thuộc đủ mọi lứa tuổi đến trình diện, mọi người đều còn trong vóc dáng thư sinh. Tất cả vào hội trường làm lý lịch, có tổng cộng 62 chị em tham dự khóa học. Chúng tôi thụ huấn trong quân trường trong 3 tháng, học tác xạ, tập trận và sau khi mãn khoá chúng tôi bắt đầu đi hành quân.

Lễ khai giảng khóa huấn luyện quân sự cho “Ðoàn Nữ Công Nhân Chiến Ðấu”(08-10-1962)
tại trại Cát Lở, Vũng Tàu. TBT hàng ngồi thứ 5 từ trái qua phải

 

TBT đứng giữa chỗ có mũi tên (1962)

 

Tập di hành (1962). TBT đứng giữa

Tháng 10 năm 1963, tôi bị thương hai chân, được tạm giải ngũ và dưỡng thương tại nhà. Ngày 1/11/1963 xảy ra biến cố đảo chính tổng thống Ngô Ðình Diệm, nên sau đó tôi không có cơ hội trở lại phục vụ cho Ðoàn vì đã bị giải tán sau cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết muốn góp phần bảo vệ quê hương, tim tôi vẫn luôn trăn trở và muốn tham gia quân ngũ. Thân phụ tôi lúc đó đang làm việc cho Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia khuyên tôi nên tham gia vào ngành này. Tôi không ngần ngại và quyết định tham gia vào ngành Cảnh Sát Quốc Gia và được bổ nhiệm về Trung Tâm Huấn Luyện Trung Cấp CSQG trường tình báo trung ương. Tôi làm việc ở đây từ năm 1965 đến ngày 30/4/1975 là ngày đất nước rơi vào tay cộng sản. 

NTTL: Theo như chúng tôi được biết thì bà có hoạt động trong ngành tình báo và hợp tác với biệt đội Thiên Nga, bà có kỷ niệm gì để kể không? 

TBT: Song song với công việc mặt nổi của tôi là phụ trách văn thư tại trường tình báo trung ương với nhiệm vụ đánh máy các văn thư tài liệu “Mật”, với vóc dáng của một sinh viên và tinh thần ái quốc của phụ nữ Việt Nam, tôi được cộng tác với “Biệt Ðội Thiên Nga” trong công tác xâm nhập vào các trường đại học Luật Khoa và Văn Khoa Sài Gòn để theo dõi các sinh viên thân cộng sản. Vừa làm việc tại trường Tình Báo vừa phải làm công tác xâm nhập trong giới sinh viên nên đôi khi tôi cũng đuối sức, nhưng tôi chưa hề từ chối một công tác nào trong tinh thần và lý tưởng của ngành cảnh sát.

Trước kia khi còn làm việc trong đoàn Nữ Công Nhân Chiến Ðấu, tôi đã nhiều lần chạm trán với Việt Cộng trong những lần hành quân trong rừng sâu nên tôi luôn dự trù mọi khả năng có thể xảy ra trong mọi tình huống. Do đó khi thực hiện công tác xâm nhập giới sinh viên tôi không hề bị phát hiện và chiếm được nhiều cảm tình của sinh viên, nhất là các sinh viên nữ.

Trung Tâm Huấn Luyện Trung Cấp của trường Tình Báo Trung Ương (1965-1975). TBT đứng bên phải.

NTTL: Sau năm 1975, bà có bị vấn đề gì không?

TBT: Biến cố xảy ra năm 1975 khi cộng sản xâm lăng miền Nam Việt Nam là một biến cố vô cùng đau thương trong lịch sử của Việt Nam. Gia đình tôi với 6 thành viên phục vụ trong Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, do đó chúng tôi gặp rất nhiều gian nan sau biến cố 30/4/1975. Mọi người trong gia gia đình phải xa cách bốn phương thật đau thương do cái gọi là “cải tạo” và người thì mất trong trại cải tạo hoặc khi được trả tự do về đoàn tụ với gia đình thì lại mất đi do bệnh tật, hệ quả của thời gian dài sống trong các trại cải tạo.

Gia đình chúng tôi cũng bị Việt Cộng gây khó dễ với lý lịch Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Lúc bấy giờ tôi sắp sinh đứa con thứ tư, nhưng vẫn phải thường xuyên đi học tập chính trị tại điạ phương và mỗi tháng đều phải đến quận trình diện và viết “bản tự khai”.

NTTL: Chuyến vượt biên khỏi Việt Nam của bà đã diễn tiến như thế nào? 

TBT: Vì sự sống còn của con cháu, chúng tôi đã phải tìm đường vượt biên vào ngày 5/12/1983. Trong chuyến vượt biên, gia đình tôi cùng người bạn đứng ra tổ chức. Điểm xuất phát từ Cà Mau. Gia đình chúng tôi từ Sài Gòn xuống, định ở lại Cà Mau bảy ngày đêm, đến giữa đêm thứ ba, chúng tôi đi vài chiếc ghe nhỏ để ra ghe lớn ở ngoài khơi. Khi trời mờ sáng đếm lại chỉ còn 18 người gồm 2 trẻ em và 16 người lớn. Khoảng vài giờ sau thì biển động cấp 7 và 8, sau đó tàu bị bể nên mọi người phải lội vào bờ, người khỏe giúp người yếu. Riêng tôi và con gái không biết lội, nên uống nước và ngất xỉu. Chúng tôi vào Thái Lan, đến ở nhờ một ngôi chùa Thái. Chùa phát cho gạo và thức ăn. Có bác sĩ hàng ngày đến khám. Ai bị thương tích thì được băng bó và cho thuốc men. Sau khi bình phục, họ bố trí cho chúng tôi một chiếc ghe nhỏ, cho thức ăn để đi tiếp sang Mã Lai. Chúng tôi đến Mã Lai ngày 22/12/1983, nơi này gọi là Marang.

Được lên bờ là mừng lắm, nhưng cá nhân tôi đau buồn và tủi nhục. Chúng tôi ngồi xếp hàng trong vòng rào như một chuồng thú. Họ xịt thuốc khử vi trùng vì sợ ô nhiễm. Thật nhục nhã như một con thú bị bắt.

Ở đây một tuần, thì chuyển sang đảo Bidong, với những căn nhà lụp xụp. Gia đình chúng tôi may mắn được vào ở chung với 4 người khác đã ở đó từ lâu năm. Họ tử tế giúp đỡ chúng tôi. Sau tôi được mời lên giúp việc văn phòng ở trại, vì đồng bào đến đó rất đông. Tôi buồn vì nhớ ba đứa con còn ở lại Việt Nam, cứ khóc hoài mà không có tâm trí làm việc. Hai tuần sau, tôi sợ có hại đến sức khỏe, nên mới lên văn phòng làm việc. Sau đó, chúng tôi chuyển vào đất liền đến trại Sungei Besi. Phải chờ đến 4 năm, chúng tôi mới được định cư tại Hoà Lan vào 19/3/1987 do các con bảo lãnh. Các cháu trước đó đã được tàu Hoà Lan vớt và định cư tại nước này.

NTTL: Sau khi đến Hòa Lan, bà sinh hoạt thế nào? Bà thường có mặt trong các sinh hoạt của Cộng Ðồng, xin bà cho biết mọi người nên làm thế nào để đóng góp trong việc xây dựng Cộng Ðồng Người Việt tại Hoà-Lan?

TBT: Sau khi định cư tại Hoà Lan và cuộc sống ổn định, cả hai vợ chồng tôi cùng tìm đến Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản với mong muốn cùng xây dựng Cộng Ðồng và đóng góp cho công cuộc đấu tranh chấm dứt cộng sản để người dân Việt Nam có được Tự Do và no ấm như thời chúng tôi được sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

Chúng tôi đã luôn nuôi ý chí và lý tưởng trước khi vượt biên, với ý nguyện sẽ cùng mọi người dân trong và ngoài nước cứu nguy dân tộc khỏi tai hoạ cộng sản để các thế hệ con cháu có một tương lai tươi sáng. Là con dân Việt Nam, chúng tôi thấy rằng khi đất nước lâm nguy thì dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sẵn sàng hy sinh vì dân tộc và tổ quốc để xứng danh là con cháu Lạc Hồng.

Vì sự Trường Tồn và Vĩnh Cửu của dân tộc Việt Nam, chúng tôi luôn sát cánh cùng người dân trong và ngoài nước, cùng Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan tranh đấu cho một nước Việt Nam có được Tự Do và Dân Chủ.

Bà Trương Bạch Tuyết lúc ở Việt Nam và sau này ở Hòa Lan

NTTL: Bà có thể mô tả tình cảm của bà với Việt Nam không? 

TBT: Năm 2012, khi người chị cả của chúng tôi bị bệnh nặng và chúng tôi xin chiếu khán về thăm chị và đã nhận được chiếu khán nhập cảnh Việt Nam, nhưng chỉ hai ngày sau chúng tôi nhận thơ của Sứ Quán Cộng Sản tại Hoà Lan yêu cầu chúng tôi trả lại chiếu khán và cho biết chúng tôi không được phép nhập cảnh Việt Nam. Tôi gọi điện thoại hỏi lý do, họ cho biết vì lý do “An Ninh Quốc Gia”. Không được về Việt Nam tôi rất buồn, vì tôi còn có bổn phận với gia đình. Tôi có ý định đi tìm hài cốt của người cha mà tôi luôn thương kính, còn đang nằm ngoài rừng hoang lạnh đã mấy chục năm qua. Tôi còn một người chú là lính Hải quân bị thương tật. Chú rất thương tôi. Tôi cảm thấy có bổn phận chăm sóc cho chú ở tuổi ngoài 90. Nhưng … tôi phải bó tay trong nghịch cảnh của số phận. Các em và các cháu nhớ tôi lắm, nhưng xin gát lại gia đình nhỏ này, khi bổn phận chưa tròn … đành chịu.

Riêng đối với Quê hương, tôi luôn nhớ và biết mình thuộc dòng giống Rồng Tiên, có một tinh thần bất khuất, phải có bổn phận dù ở hoàn cảnh nào, tôi luôn giữ mãi tinh thần của cha ông "ANH HÙNG TỬ, KHÍ HÙNG BẤT TỬ". 

NTTL: Thành thật cám ơn chị đã trả lời phỏng vấn.

.

Ngô Thụy Trúc Lâm

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvantruongbachtuyet.html


Cái Đình - 2022