Minh Hạnh
Van Gogh gặp Pokémon: Màn tân cổ giao duyên kỳ lạ trong mỹ thuật
Quảng cáo cho triển lãm Pokémon & Van Gogh với các bức họa lấy hứng từ tranh Van Gogh.
Các con thú trong tranh, từ trái: Munchlax, Snorlax, Picachu và Sunflora
Để thử nghiệm sự thúc đẩy hỗ tương giữa hai đề tài hoàn toàn khác nhau, Viện Bảo tàng Van Gogh (Amsterdam – Hòa Lan) đã nảy ra một ý khác thường. Họ cho triển lãm một số tranh của danh họa Van Gogh chung với các bức tranh các vật biểu tượng của Pokemon trong một chương trình triển lãm, kéo dài từ 28.09.2023 tới 07.01.2024. Cuộc triển lãm này đánh dấu 50 năm thành lập Viện Bảo tàng Van Gogh.
Các bức tranh các con thú ngộ nghĩnh của Pokémon như Picachu, Munchlax, Snorlax, Sunflora… lấy hứng từ tranh của Vincent van Gogh được treo xen kẽ với những bức tranh nổi tiếng của nhà danh họa sống vào thế kỷ 19 này (Vincent van Gogh sinh năm 1853 và qua đời năm 1890).
Picachu được vẽ đội nón nỉ xám lấy ý từ bức tranh ‘Chân dung Tự họa với nón nỉ xám’. Snorlax nằm phưỡn bụng trên giưởng, cạnh con Munchlax ngồi trên ghế là lấy hứng từ bức tranh ‘Phòng ngủ’. Sunflora đứng chen với những bông hướng dương như trong nhiều bức vẽ hoa hướng dương của Van Gogh.
Trái: Picachu, do Naoyo Kimura vẽ (1960) lấy cảm hứng từ bức tranh “Chân dung tự họa với mũ nỉ xám”
do Vincent van Gogh vẽ năm 1887. Phải: ‘Phòng ngủ’, tranh Vincent van Gogh vẽ năm 1888 (hình: wikipedia)
Pokémon nguyên thủy là một trò chơi điện tử trên Nintendo và Game Boy, được tung ra ở Nhật vào năm 1996 và nhanh chóng trở thành phổ thông trên toàn thế giới. Trong trò chơi Pokémon có những con vật hư cấu ngộ nghĩnh, người chơi phải huấn luyện chúng để chúng đánh nhau hoặc thi đấu với nhau. Sau đó, Pokémon đã trở thành một trò chơi tìm bắt những con thú này ngoài phố, nhưng thực chất là để các thương hiệu biết chủ nhân của chúng đang ở đâu, tìm gì và có thói quen nào, từ đó sẽ dùng chiêu thức quảng cáo để dụ người vào cửa hiệu mua hàng. Quảng cáo kiểu này sau đó đã được các mạng xã hội tận dụng, nhất là Facebook. Rồi tiếp theo là những bộ phim hoạt hình Pokémon ăn khách, truyện tranh, rồi video game và hiện nay vẫn còn rất nhiều người sưu tầm và đổi chác các tấm cạc có hình những nhân vật Pokémon. Đây là thương hiệu tạo được doanh thu cao nhất trong lịch sử.
Nếu nói về sự nổi tiếng, Pokémon ăn đứt Van Gogh!
Ngay từ ngày khai mạc cuộc triển lãm, đã rộ lên hai luồng dư luận khen chê. Người khen cho rằng nhờ vào Pokémon mà nhiều người sẽ biết đến Van Gogh cùng những nét đặc biệt của hội họa Hòa Lan, với những tên tuổi như Rembrandt (1606-1669), Johannes Vermeer (1632-1675), Piet Mondriaan (1872-1944) v.v.. Người chê thì cho rằng để Pokémon cạnh Van Gogh là một sự hạ thấp giá trị của mấy con thú này!
Nhưng mối dây liên lạc giữa Pokémon và Van Gogh nằm ở đâu? Bà Emilie Gordenker, Giám đốc Bảo tàng Van Gogh khi được hỏi đã giải thích: “Pokémon là của Nhật: đây là một biểu tượng tiêu biểu cho văn hóa trong nghệ thuật tạo hình Nhật Bản. Còn Van Gogh đã có giai đoạn say mê nghệ thuật tranh của Nhật.” Cũng theo bà, không phải Viện Bảo tàng dùng cuộc triển lãm để quảng cáo Pokémon. Viện Bảo tàng muốn là qua cuộc triển lãm này sẽ gây thích thú cho một nhóm khách mới. Trẻ em đương nhiên là thích Pokémon rồi, nhưng với giới thanh niên lứa tuổi 20-30 thì Pokémon cũng rất là phổ thông.”
Giới trẻ thì nghĩ ngược lại. Pokémon đâu cần quảng cáo. Viện Bảo tàng muốn lợi dụng tiếng tăm của Pokémon để kiếm chút cháo cho tranh Van Gogh. “Làm sao người ta có thể đem những tên tuổi vĩ đại như Picachu hay Snorlax để chung với Van Gogh được?”, “Van Gogh chẳng là cái quái gì cả!”, v.v..
Dù sao đi nữa, chuyện bất ngờ đã xảy ra ngoài mọi dự đoán. Khách đến thăm viện bảo tàng có thể tham gia trò chơi tìm kiếm Pokémon theo một con đường xuyên qua những bức tranh của Van Gogh. Người nào làm xong trò chơi này, khi ra về sẽ được tặng một tấm card có hình con thú trong Pokémon. Có tất cả 75.000 card được dùng cho việc này. Hết ráng chịu! Nếu ban tổ chức triển lãm chịu khó tìm hiểu thêm một chút, họ sẽ thấy là giới sưu tầm card Pokémon trên toàn thế giới đang tìm mua những card hiếm, giá của những card này lên tới cả chục ngàn, có tấm giá hơn trăm ngàn đô (bởi vì trong những đợt phát hành card, bao giờ cũng có một số rất ít card hiếm được trộn chung, thúc đẩy người sưu tầm bỏ tiền ra mua với hy vọng bắt được, đồng thời có cả một thị trường trao đổi card, xuống đến tận các trường cấp 1).
Con số 75.000 card với giới sưu tầm chẳng có nghĩa lý gì, vì cuối cùng may ra chỉ có chừng 10.000 card là được mua đi bán lại cho vài trăm triệu người, trong số này đa phần không thể mua vé đi Hòa Lan chỉ để sở hữu một chiếc card không bị sây sát. Bởi vậy ngay tại viện bảo tàng đã xảy ra hỗn loạn, chen chúc vì mấy cái card. Bên ngoài viện bảo tàng có những tay sưu tầm hoặc con buôn chực sẵn để hỏi mua ngay lại card (và cả vé vào cửa) của những khách ra về. Người may mắn thì được tặng không tấm card. Người ít may mắn hơn thì mua được tấm card khoảng 100 euro. Còn khách? Người không nghĩ sâu xa hoặc không có thời giờ thì tặng cho mấy đứa nhỏ đứng chực ngoài cửa. Người nghĩ sâu hơn một chút bán tấm card và chiếc vé dùng rồi khoảng 50 euro. Người có óc kinh doanh mang về rao bán trên Marktplaats hoặc eBay giá từ 100 tới 250 euro. Người có óc mánh mung làm giả vé vào cửa và mỗi ngày ra vào mấy lần, những lần sau chỉ trong chớp mắt đã đi ra với tấm card, vì câu trả lời họ đã biết. Trẻ em được vào miễn phí, chúng ra vào nhiều lần để kiếm card cho gia đình hoặc bạn bè. Có người cho biết đã kiếm được 4000 euro, vì Viện Bảo tàng quá bận rộn đã bỏ qua chuyện xét vé bằng máy. Trong lịch sử, chưa bao giờ khách thăm viện bảo tàng thu được lợi tức thời như vụ triển lãm này.
Pokémon-fan đứng chực trước cửa Viện Bảo Tàng Van Gogh. Ảnh: Nina Jansen/NOS
Để tránh hỗn loạn, ngày 07.10, Viện Bảo tàng đã chấm dứt vụ tặng card này. Số card chưa sử dụng sau này sẽ được bán trên mạng.
Minh Hạnh
Direct link: https://caidinh.com/schilderkunst/vangoghgappokemon.html