Nguyễn Thị Hải Hà


Utagawa Kuniyoshi: Dùng mèo để chống kiểm duyệt

Utagawa-Kuniyoshi, Tự Họa, Shunga album, 1839. (Nguồn: Wikipedia)

Tranh gỗ Nhật Bản, woodblock prints hay ukiyo-e, đến với châu Âu và châu Mỹ vào khoảng thế kỷ thứ 19. Loại tranh này thời ấy rất thịnh hành và được nhiều họa sĩ danh tiếng thời ấy theo đuổi, trong đó có Van Gogh. Khởi đầu (1600-1868), tranh gỗ in hình các vị Phật và kinh kệ, phát không cho người đi lễ chùa. Dần dần để tăng thu nhập tài chính, họa sĩ và nhà xuất bản chuyển sang làm tranh phục vụ những người giàu có và uy quyền trong xã hội, hoặc có nhu cầu nổi tiếng như các vị võ sĩ samurai, nghệ nhân (geisha), kỹ nữ (courtesan), và diễn viên kabukai.

Tranh khiêu dâm cũng rất thịnh hành vào thời kỳ này. Vì tranh gỗ phục vụ các thành phần bị xem là thác loạn, nên được gọi là ukiyo-e, hay pictures of the floating world; có nghĩa là những bức tranh miêu tả cuộc sống trần tục. Ukiyo, hay floating world, hay thế giới nổi trôi, là chữ lấy từ nhà Phật, dạy rằng cuộc đời mang tính phù du. Tuy nhiên, trong thời kỳ Edo, người ta nghĩ khác. Nếu cuộc đời là tạm bợ thì người ta nên tận hưởng lạc thú của cuộc đời. Chữ e nối thêm vào đằng sau ukiyo có ý nghĩa là bức tranh.

Ukiyo-e bị xem là nghệ thuật thấp hèn ca tụng cuộc sống đồi trụy, vì có một số họa sĩ ukiyo-e vẽ tranh gỗ khiêu dâm. Có lẽ thời nào cũng vậy, nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật thường nghèo. Vẽ tranh khiêu dâm là một cách các họa sĩ thời ấy kiếm sống trong khi phục vụ nghệ thuật. Ngay cả nhà danh họa Hokusai và cô con gái Ōi của ông khi túng quẫn cũng vẽ tranh khiêu dâm.

Shogun Tokugawa khi ấy ra lệnh chấn chỉnh sự suy đồi của xã hội bằng Luật cải cách Tenpo Reforms. Luật cải cách Tenpo, do Mizuno Tadakuni, cố vấn của Shogun, đề xuất và thực hiện từ năm 1841-1843 được đặt ra để chấn chỉnh quân sự, kinh tế, nông nghiệp, tài chánh, tôn giáo, chứ không chỉ riêng mặt nghệ thuật. Tuy nhiên vì áp dụng quá cứng rắn vào bộ môn nghệ thuật khiến cho một số nghệ sĩ tranh gỗ bị bắt giam trong đó có Utagawa Kuniyoshi. Năm 1843, Kuniyoshi phải viết một bài tự kiểm điểm và hứa là sẽ không vẽ các chủ đề như tranh khiêu dâm, kịch Kabuki, diễn viên, geisha.

Trước khi bị kiểm điểm, từ năm 1827 đến 1830 Kuniyoshi chuyên vẽ các vị anh hùng trong truyện Trung Quốc như 108 Anh Hùng Lương Sơn Bạc. Kuniyoshi có biệt tài tuy vẽ một nhân vật nào đó trong truyện thời xưa, nhưng lại có những chi tiết đặc biệt khiến người xem tranh nhận ra ông đang miêu tả một vị quan nào đó đương thời. Kuniyoshi dùng tranh để châm biếm và chỉ trích những việc làm sai trái của người đó. Thí dụ như ông vẽ Ngô Dụng, nhân vật đứng hàng thứ ba của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, thì người xem tranh nhìn thấy sự đồng dạng với một vị quan chuyên ăn cắp của công. Một thí dụ khác là bức tranh “Con Nhện Kêu Gọi Quỷ Sứ Đến Lâu Đài của Minamoto Raiko.” Người xem tranh dễ dàng nhận ra các vị quan chức trong bức tranh là Shogun Tokugawa Ieyoshi và quân sư của ông ta. Bởi vì cách ngụ ý và dùng biểu tượng của Kuniyoshi quá tài tình khiến cho giới kiểm duyệt lo ngại, thậm chí ông vẽ những phụ nữ đức hạnh danh giá thời xưa cũng bị khiển trách là vẽ tranh xưa với kiểu ăn mặc thời trang đương đại, bắt chước cách vẽ của Tây phương.

Luật cải cách Tenpo cấm vẽ diễn viên kabuki, geisha, các nàng ca kỹ, và samurai. Đối với nhà cầm quyền quân phiệt, những người hành nghề này tượng trưng cho giới đồi trụy. Vẽ tranh những người này là thúc đẩy xã hội chống lại với chính quyền. Hoạ sĩ bị bắt giam. Tranh bị tịch thu. Nhà xuất bản bị phạt. Để né tránh luật kiểm duyệt khắt khe này Kuniyoshi dùng mèo và một số loài vật khác làm nhân vật.

Luật kiểm duyệt đòi hỏi các họa sĩ chỉ được vẽ tranh phụ nữ đức hạnh. Kuniyoshi bị bắt giam và cấm vẽ, điều này khiến người ta chú ý đến một bức tranh khác của Kuniyoshi đã vẽ trước khi có luật cải cách. Ông kể lại câu chuyện Hatsuhana, người vợ đức hạnh của chiến sĩ Inuma Katsugoro, để cứu chồng bị bệnh nan y đã ngồi cầu nguyện ngay dưới cái thác, chịu đựng làn nước buốt giá suốt 100 ngày.

Tuy tranh của Kuniyoshi không được xem là ngang hàng với tranh của Hokusai và Hiroshige nhưng tác dụng phản đối và ảnh hưởng chính trị rất mạnh mẽ. Thêm một lý do để Kuniyoshi bị làm khó dễ là ông thích khuynh hướng nghệ thuật của Tây phương. Các nhà kiểm duyệt không thích ảnh hưởng lộ liễu này vì nó cho thấy người dân đã không tuân lệnh bế môn tỏa cảng của chính phủ.

Hiroshige là họa sĩ tranh gỗ cùng thời với Kuniyoshi. Cả hai cùng xuất thân ở trường phái tranh gỗ Utagawa. Năm 1833-1934 Hiroshige có một loạt tranh vẽ phong cảnh, miêu tả 53 trạm dừng chân dọc theo Tokaido, con đường ven biển từ Edo (Tokyo bây giờ) đến Kyoto. Năm 1950, Kuniyoshi vẽ bộ tranh mèo ba tấm (triptych) cùng chủ đề với bộ tranh 53 trạm dừng chân trên đường Tokaido của Hiroshige. Ông dùng mèo để thay thế những nhân vật bị kiểm duyệt gắt gao như giới diễn viên kịch Kabuki, các nghệ nhân geisha, và các nhà kiếm sĩ samurai. 

Tranh mèo của Kuniyoshi, phóng tác 53 trạm dừng chân trên đường Tokaido của Hiroshige.

Thật khó mà hiểu được dụng ý của Kuniyoshi khi ông dùng mèo làm đại diện cho 53 trạm dừng chân trên đường Tokaido. Tương truyền Kuniyoshi rất thích mèo. Trong nhà ông có cả vài chục con mèo, nằm ngồi lổm nhổm. Người không biết vẽ cũng nhận thấy Kuniyoshi có tài quan sát và vẽ mèo. Chỉ cần vài đường nét đơn giản ông miêu tả cuộc sống của mèo rất hữu hiệu, từ nét duyên dáng uyển chuyển đến lười biếng uể oải, từ cách đứng, cách nằm, bò, chạy nhảy, và săn chuột. Con thì bò ra khỏi giỏ tre. Con thì cho con bú. Con thì chào nhau bằng cách cụng râu. Một người tinh ý đã nhận ra vài điều như sau: 

Trạm dừng chân thứ 41 có tên là Miya. Cách đọc tiếng Nhật nghe giông giống như chữ oya (親) có nghĩa là cha mẹ. Trạm này được miêu tả bằng hình mèo mẹ và mèo con. Trạm thứ 51 có tên là Ishibe và nó cũng từa tựa chữ (ミじめ) miji-me có nghĩa là khốn khổ. Kuniyoshi đã vẽ một con mèo ốm yếu, bộ lông còi xơ xác, và đang phát ra những tiếng kêu run rẩy.*

Đối với người ngoại quốc thật khó mà lĩnh hội cách chơi chữ và ẩn dụ của Kuniyoshi qua bộ tranh mèo này vì chữ nghĩa bị thất thoát qua dịch thuật, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng, người Nhật Bản dễ dàng hưởng thụ sự thú vị của bức tranh mèo qua những hình ảnh châm biếm đã thoát được bộ máy kiểm duyệt của nhà nước. Với người ngoại quốc, xem những hình vẽ linh động của bức tranh mèo vẫn thấy thú vị vì vui mắt.

Vào giữa thế kỷ thứ sáu, các nhà sư Phật giáo đi từ Trung quốc sang Nhật Bản bằng tàu. Họ mang kinh kệ, tranh vẽ Phật để truyền giáo. Họ cũng mang theo mèo để đề phòng chuột phá hoại thức ăn, kinh kệ, và tranh để thờ. Các nhà sư cũng tin rằng mèo sẽ mang lại may mắn cho họ. Từ đó mèo trở nên là loài vật rất được yêu chuộng ở Nhật. Ngày nay mèo xuất hiện khắp nơi trên nước Nhật, trên đường phố, trên bìa sách, ở trạm xe lửa, và trên YouTube. Từ thời kỳ Edo (1615-1868) hình ảnh mèo xuất hiện trên tranh gỗ ukiyo-e thường xuyên. Mèo là hình ảnh hằng ngày trong xã hội và gia đình người Nhật bây giờ; tuy vậy, ngày xưa mèo là loài vật hiếm quí chỉ xuất hiện trong gia đình giới quí tộc hay các nhà giàu có. Mãi về sau khi nạn chuột hoành hành nước Nhật lệnh trên ban xuống là tất cả mèo được nuôi trong nhà phải được chia sẻ với thường dân bằng cách thả mèo nuôi ra đường phố và đồng ruộng để tiêu diệt chuột.

Mèo xuất hiện thường xuyên trong tranh gỗ của Nhật. Con mèo níu vạt áo của mỹ nhân. Mèo đùa với mái tóc. Mèo nằm sưởi ấm cạnh lò sưởi trong lúc ông chủ làm thơ. Mèo cũng xuất hiện trên vải dệt, trên áo kinomo. Điều này cho thấy rằng, hầu hết mọi người đều yêu mến con vật nhỏ bé, mềm mại, dịu dàng. Mèo là hình ảnh của nữ tính và vẻ xinh xắn. Mèo đánh thức sự cảm mến trong lòng người, một sự cảm mến gần giống như cảm tình dành cho trẻ nhỏ.

Nhiều người tin rằng, mèo có khả năng hiểu được loài người, bởi vì khi nói chuyện hay có những cử chỉ âu yếm với mèo, người ta thấy đồng tử trong mắt mèo dãn nở hay thu hẹp. Và cũng chính vì sự đặc biệt này người ta lại tin rằng mèo có thể biến thành ma quỷ.

Bức tranh bên dưới của Kuniyoshi kể lại vở kịch kabuki, có con mèo quỷ hiện thành hình người quấy phá người đi đường trong đêm bị một samurai giết chết.

Utagawa Kuniyoshi, diễn viên Kabuki Onoe Kikugorō III
trong vai Linh hồn của Đá Mèo, 1835.

Ngày nay, mèo có mặt hầu như khắp mọi nơi ở Nhật Bản. Trong quán cà phê đặc biệt có nuôi mèo cho khách đến vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm nghía vuốt ve mèo, cho đến ngôi đền thờ Neko-jinja trên đảo Tashirojima, và có cả một hòn đảo dành cho mèo Aoshima ở Prefecture Ehime. Ngoài ra người chủ của trạm xe lửa Kishi, tuyến Kishigawa, Kinokawa thuộc Prefecture Wakayama đã phong chức cho con mèo tam thể tên Tama làm trưởng trạm. Lòng yêu mèo và thú vật của người Nhật là hiện tượng đặc biệt được thể hiện không chỉ giới hạn trong tranh gỗ ukyo-e mà lan truyền sang nhiều khía cạnh văn hóa nghệ thuật vì vậy có nhiều tác phẩm cho người đời thưởng thức.

.

Nguyễn Thị Hải Hà
(11/25/2022)

Nguồn: vietbao.com, 09.12.2022

 

Direct link: https://caidinh.com/schilderkunst/utagawakuniyoshidungmeo.html


Cái Đình - 2022