Nguyễn Hoàn Nguyên


 

Các bài tham luận và phát biểu trong Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa VNHN 2009.

 

Tiếp nối truyền thống của năm qua, một số hiệp hội văn hóa và cơ sở truyền thông Việt Nam hải ngoại đã cùng nhau hợp tác tổ chức Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại (NGGVHVNHN) năm 2009 tại Trung Tâm Văn Hóa Maison Notre-Dame du Chant d’Oiseau, Bruxelles, thủ đô của Cộng Hoà Vương Quốc Bỉ từ chiều thứ sáu 28-08-2009 đến sáng ngày thứ hai 31-08-2009. Tương tự như năm qua, NGGVHVNHN chú trọng nhiều hơn đến sự gặp gỡ thân mật, cùng nhau tổ chức sinh hoạt, thông tri các hoạt động văn hóa, văn học của các đoàn thể cũng như của các cá nhân hơn là một sinh hoạt nghị hội theo nghĩa thông thường. Chủ đề của NGGVHVNHN năm nay là: Phụ nữ trong sinh hoạt văn hóa.

Chủ đề trên đã được nhiều thuyết trình viên trình bày qua các bài tham luận hay phát biểu. Chúng tôi chỉ ghi nhanh và xin được tóm lược bên dưới một số điểm quan trọng để giới thiệu đến bạn đọc. Hầu hết các bài tham luận hay phát biểu hoặc quá dài và được thuyết trình viên trình bày ngắn gọn cho kịp thời gian qui định, hoặc chỉ là bảng tóm tắt ngắn gọn và được diễn giả ứng khẩu khai triển đề tài. Sự ghi nhận chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu sót. Do đó bài viết này không có tham vọng tóm lược hoàn toàn trung thực nội dung các bài tham luận hay phát biểu, mà chỉ chú trọng về tính cách tường thuật một trong những sinh hoạt mà chúng tôi cho là nổi bật nhất trong Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa năm 2009. Cũng cần ghi nhận thêm: tuy NGGVHVNHN năm nay có chủ đề Phụ Nữ, nhưng một số bài tham luận hay phát biểu đã có đề tài khác với chủ đề được đưa ra.

*****

Thứ bảy 29-08-2009

1.- Hòa Thượng Thích Như Điển

Ttrong bài diễn văn khai mạc, Hòa Thượng đã nhấn mạnh đế tình mẫu tử cùng sự đóng góp của phụ nữ trong xã hội qua suốt quá trình dựng và giữ nước và sự đóng góp của phụ nữ trên thế giới.

 

2.- Phát biểu của Linh Mục Paul Đào văn Thạnh:

– Người phụ nữ trong quan niệm của cố Đức Giáo Hoàng Joan Phao Lồ: Trong các thông điêp, huấn dụ, tông thư, v.v... Ngài đã kết án những bạo lực đối với phụ nữ. Dựa vào Thánh Kinh, trên ý nghĩa thân xác, ngài nói về thiên chức làm mẹ và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Quan niệm này cũng như sự không đồng ý các phương pháp hạn chế sinh sản, không chấp nhận nữ linh mục, đã gây nhiều tranh luận.

– Trong quá trình phát triển, Cộng Đoàn Ky Tô Giáo đã thoát ra khỏi sự chi phối của các tập tục của văn hóa Do Thái lúc ban đầu để truyền đạt đức tin Thiên Chúa đến tất cả mọi người, cùng với sự đóng góp của phụ nữ vào sinh hoạt của Giáo Hội. Thí dụ điển hình là dòng nữ tu Mến Thánh Giá với sự đóng góp vào việc truyền giáo và sinh hoạt xã hội trong các thôn làng ở Việt Nam.

 

3.- Bài thuyết trình của Tiến Sĩ Vĩnh Đào với đề tài: Người Phụ Nữ Trong Tác Phẩm Chinh Phụ Ngâm:

Ông đã trình bày đề tài dưới góc độ văn học (thay vì dưới góc độ của xã hội học hay tâm lý học) chân dung của một người vợ và cùng lúc của một người tình. Bổn phận làm vợ hay làm mẹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tác phẩm. Phần còn lại là tâm trạng mênh mông của người phụ nữ trẻ bàng bạc trong toàn tác phẩm.

 

4.-Bài thuyết trình của Giáo Sư Lê Mộng Nguyên: Người Phụ Nữ Việt Nam Qua Trào Lưu Tự Lực Văn Đoàn:

– Người phụ nữ Việt Nam không có vị trí quan trọng trong nấc thang của Nho Giáo.

– Trong khoảng thời gian 1925 -1930, xã hội Việt Nam đang bị khủng hoảng, cùng lúc ảnh hưởng Tây phương đã tác động lên trào lưu văn học lúc bấy giờ.

– Tự do cá nhân của người phụ nữ (việc lựa chọn đối tượng yêu và hôn nhân) cũng như sự bình đẳng giá trị giữa đàn ông và đàn bà được đề cao qua báo Phong Hóa (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam), Tự Lực Văn Đoàn (1933), Văn Hóa Ngày Nay (1956). Đề tài phụ nữ phản kháng cùng chủ nghĩa cá nhân, sự xung khắc xã hội cũng như các nhân vật điển hình trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh đã được thuyết trình viên phân tích.

– Ngoài ra hai người đàn bà – Bà Lê Thị Sâm, mẹ nhà văn Nhất Linh, và Bà Phạm Thị Nguyên, vợ nhà văn Nhất Linh – đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Nhất Linh cũng đã được đề cập đến trong bài thuyết trình.

Các ý kiến thảo luận cho rằng vị trí của phụ nữ Việt Nam trong văn hóa Việt tuy vậy khá cao so với nhiều nền văn hóa khác. Tuy nhiên có thể do ảnh hưởng của Trung Quốc chi phối qua Hán Nho hoặc thực tại xã hội Việt Nam đã làm mờ nhạt đi điểm tích cực này.

 

5- Bài thuyết trình của Giáo Sư Trần Văn Cảnh: Người Phụ Nữ Trẻ Ngày Hôm Nay Muốn Gì?

Bài thuyết trình được đặt trên các dữ kiện của bản thăm dò được thuyết trình viên thực hiện vào ngày 04-08-2009 tại Sài Gòn trong một cư xá nữ sinh viên (giám đốc là một vị cha sở).. Ông đã sử dụng phương pháp đánh giá chất lượng, xây dựng đồ án để đề ra các câu hỏi cho các nữ sinh viên dựa trên các quan đìểm của một sơ đồ:

1- Nhận định tình huống,
2- Phân tích nguyên nhân,
3- Xác định mục tiêu,
4- Phác thảo chương trình làm việc.

Các nữ sinh viên nói trên có quê quán từ Huế cho đến Cà Mau và là sinh viên thuộc các phân khoa khác nhau như khoa học kỹ thuật, luật, kinh tế, thương mại, ngân hàng, quản trị, văn học, nhân văn, ngôn ngữ (ít hơn),…

Theo Giáo Sư Trần Văn Cảnh, giá trị phương pháp thăm dò trên cũng tương đối, nhưng hoàn toàn phản ảnh được các ý kiến của các nữ sinh viên và biết họ sẽ nhận định và suy nghĩ như thế nào. Các số liệu tiêu biểu:

– Nhận định tình huống:

* Về tinh thần thực dụng cho thấy hầu hết đều xác nhận vai trò phụ nữ rất quan trọng trong xã hội Việt Nam, về vấn đề bình đẳng (18% cho rằng đã có bình đẳng, 82% cho rằng chưa được bình đẳng), góp phần vào việc xây dựng đất nước. 81% các nữ sinh viên lưu ý đến vấn đề bất bình đẳng giữa nam và nữ (trong khi chỉ có 5% lưu ý đến công ăn việc làm và 14% bận tâm về vấn đề hôn nhân). Tuy nhiên những nữ sinh viên này cho rằng sự bình đẳng cũng đã được thực hiện, càng ngày càng được bình đẳng hơn. Người đàn ông cần phải chia xẻ công việc gia đình với phụ nữ. Nhóm này cũng cho rằng họ sẽ không đơn thuần trở thành những nội trợ, họ có thể có khả năng vượt qua nam giới.
* Chỉ 18% cho rằng vai trò của phụ nữ quan trọng trong gia đình. Cân bằng giữa công việc và gia đình là bài toán khó.
* Vai trò làm mẹ rất khó khăn, nhất là trong ý nghĩa vừa làm mẹ vừa nuôi sống gia đình, thực tại xã hội có rất nhiều cạm bẫy.
* Các quan niệm phong kiến vẫn còn tồn tại và ngăn chận sự phát triển của phụ nữ.
* Đã có những nguyên tắc bình đẳng ( thí dụ trong việc thâu nhận người) nhưng lại trở thành bất bình đẳng trong thực tế (mức lương thấp hơn, không được có con trong vòng ba năm).

– Phân tích nguyên nhân: Chưa có được sự bình đẳng hay những thành công như nam giới dựa trên các điểm:

1.- Kỹ thuật và tinh nghệ để được thu nhận.
2.- Quản lý công việc.
3.- Khả năng liên hệ.
4.- Tình/ý chí quyết định:

33% cho là do thiếu thời cơ.
38% cho rằng không phải vì lý do khả năng kỹ thuật hay tinh nghệ.
48% cho rằng không phải do thiếu khả năng quản trị
75% cho rằng không phải vì thiếu khả năng giao thiệp
51% cho rằng do nhiều cảm xúc nên đưa đến bất bình đẳng.
76% cho rằng do ràng buộc gia đình nên đưa đến bất bình đẳng.

Định hướng tương lai:

Dựa trên 4 điểm:

1.- Thành công học tập.
2.- Thành công nghề nghiệp.
3.- Thành công trong cuộc sống gia đình.
4.- Thành công phục vụ/lý tưởng xã hội:

48% muốn thành công trong kinh doanh.
30% muốn theo các nghành đào tạo giáo dục.
22% muốn chọn các nghành chuyên môn khác.
41% muốn thành công trong chuyên môn nghề nghiệp.
50% muốn tranh đấu để được bình đẳng.
50% chủ trương không nhất thiết phải tranh đấu nhưng cộng tác với nam giới để có cân bằng xã hội.

– Phác thảo chương trình làm việc:

14% không xác định thời gian và không có ý kiến khác về chương trình làm việc trong tương lai.
14% biết tiên liệu trước điều mình muốn trong 5 năm.
41% biết tiên liệu những điều mình muốn trước 20 năm.
27% biết tiên liệu những điều mình muốn trong vòng 30 – 40 năm sau..

Tóm lại phương pháp khảo cứu có nền tảng, duy nhất và phổ quát. Họ mong muốn có một cuộc đời thành công và hạnh phúc. Có sự tiến bộ ít nhiều về vấn đề bình đẳng. Qua họ hình ảnh người phụ nữ như một người nội trợ công dung ngôn hạnh đã mờ nhạt. Họ năng động hơn rất nhiều, hiếu học hơn, có khuynh hướng kinh doanh và muốn xông xáo vào nhiều lãnh vực khác nhau.

Thuyết trình viên đã nhấn mạnh là không nói đến thực tại Việt Nam, chỉ ghi nhận lại trung thực những gì phụ nữ mong muốn qua các câu trả lời của các nữ sinh viên và ông cũng không phê bình đúng sai các dữ kiện này. Hơn nữa tình trạng sinh sống của họ không phải như ở môi trường tự do nên họ phải trả lời theo hoàn cảnh xã hội trong nước. Thí dụ như ở câu hỏi về thành công phục vụ/lý tưởng xã hội họ xác định theo cá nhân, một số quan tâm đến vấn đề môi sinh trong nước nhưng họ cho rằng nhà nước có làm được gì hay không thì hãy còn là câu hỏi.

Trong phần thảo luận, mặc dù thuyết trình viên đã cho rằng kết quả thăm dò chỉ có tính cách tương đối, các ý kiến cho rằng các số liệu trên chỉ có giá trị cho các nữ sinh viên trẻ mà thôi và các nữ sinh viên này không thể đại diện cho hầu hết các thành phần phụ nữ trong thực tại xã hội Việt Nam hiên nay. Nếu không bảng thăm dò sẽ có những số liệu khác hơn.

 

6.- Bài thuyết trình của Tiến Si Nguyễn văn Trần: Người Phụ Nữ và Các “Trào Lưu Giải Phóng Phụ Nữ”.

– Theo thuyết trình viên hiện có 600 triệu phụ nữ mù chữ trên thế giới, hàng trăm trìệu phụ nữ chết vì bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp,…

– Mức lương sai biệt giữa phụ nữ và nam giới trên thế giới là 20%, ở Pháp là 40%.

– Nữ triết gia Pháp, nhà văn và người tranh đấu cho nữ quyền Simone de Beauvoir (1908 – 1986), đã tuyên bố: “Không phải sinh ra đã là phụ nữ, chính xã hội đã làm họ thành phụ nữ”.

– Bản Tuyên Ngôn Nữ Quyền và Nữ Công Dân năm 1791.

– Năm 1974 đưa ra tuyên ngôn 343 đòi quyền phá thai.

– Năm 2008 chính phủ Pháp đặt ra luật bình đẳng nam nữ trong xí nghiệp và trong sinh hoạt chính trị nhưng cho đến nay vẫn còn có những bất công.

– Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa nông nghiệp và đó là văn hóa tình cảm của phụ nữ. Trong thời quân chủ cực thịnh người phụ nữ đã có quyền đề nghị ly thân nếu người chồng không hành xử đúng bổn phân và trách nhiệm của mình (Việt Nam đã đi trước định chế của phụ nữ ở Âu Châu).

– Xã hội Việt Nam ngày hôm nay có rất nhiều hội phụ nữ giải phóng, nhưng thay vì nâng cao vị trí người phụ nữ lại dìm họ xuống trong thực tại xã hội hiện nay qua các vấn đề bạo hành, chế độ xuất cảng phụ nữ ra ngoại quốc,…

 

7.- Bài phát biểu của Tiến Sĩ Hoàng Đức Phương: Sứ Mệnh Của Chữ Viết.

– Thuyết trình viên đã mở đầu đề tài qua qua vài ý kiến cho rằng có những suy tư lệch hướng trong chế độ giáo dục của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn cùng nói lên sự quan trọng của chữ viết và tiếng nói

– Ông đã trình bày một số quy luật của tiếng Việt như quy luật chuyển ngữ, quy luật gạch nối, quy luật âm vận. (Bấm vào đây để đọc Tóm Lược Bài Tham Luận Sứ Mệnh Của Chữ Viết của Hoàng Đức Phương).

 

Ngày chủ nhật 30-08-2009

 

8.- Bài thuyết trình của Giáo Sư Trần văn Toàn: Văn hóa và Tôn giáo

– Văn hóa có phạm vi rất rộng lớn bao trùm cả tôn giáo.

– Con vật phải thích nghi với môi trường chung quanh, không thích nghi được chúng sẽ không tồn tại.

– Con người vẫn tồn tại dẫu cho không thích nghi và con người có khả năng thay đổi môi trường tự nhiên để biến thành mội trường nhân tạo, mội trường nhân vị qua quá trình lao động, sáng tạo, lễ nghi truyền đạt qua nhiều thế hệ: do đó có văn hóa và trong đó có tôn giáo.

– Như thế tôn giáo không phải là hiện tượng tự nhiên mà là hiện tượng văn hóa, tùy thuộc vào ngôn ngữ (nếu có kinh điển).

– Rất khó để có một định nghĩa chính xác về tôn giáo. Tạm thời có thể định nghĩa tôn giáo là lòng tin tưởng vào khí lực siêu nhiên.

– Tôn giáo được chuyển từ “tông giáo” (tôn giáo và chính trị lẫn lộn) sang “tôn giáo” (tục hóa vũ trụ).

– Tục hóa vũ trụ có thể tóm gọn vào ba điểm:

* Tục hóa thiên nhiên: Hiện tượng thiên nhiên không phải do thần linh thực hiện, dùng lý trí để giải thích vũ trụ (như trong triết học Hy Lạp).
* Tục hóa chính trị: Bàn bạc thỏa thuận để có thể sống hài hòa với nhau, tách rời tôn giáo và chính trị. Thời Phục Hưng cho đạo Ky Tô là đạo của nhà nước (tôn giáo và chính trị lẫn lộn nhau) đưa đến chiến tranh tôn giáo và cuối cùng khoa học, chính trị đã tách rời khỏi tôn giáo.
* Tục hóa sức phồn thực: Mọi vật đều có thể sinh sống được.

– Tôn giáo liên hệ đến vận mệnh của con người. Chính trị nhắm vào tổ chức cho con người. Tôn giáo có các định nghĩa khác nhau về thực tại vô biên.

– Mục đích của tôn giáo bao gồm: 1- Tự qui: Đưa tất cả về bản thân mình (để mình được hạnh phúa). 2- Tha qui: Đưa về, hướng về người khác.

– Chân lý của tôn giáo không phải là chân lý khách quan (minh chứng được như toán học hoặc kiểm chứng được như trong các nghành khoa học tự nhiên. Chân lý của tôn giáo có tính cách bản thân hay hướng về tương lai, khó hay không thể kiểm chứng được.

– Tôn giáo được đề cập trên khác với các tôn giáo dân gian (không có kinh điển, Cô Ba, Cậu Năm v.v.).

 

9- Bài thuyết trình của nữ tu Võ Thị Thiên Nga: Hình Ảnh Người Phụ Nữ Trong Thánh Kinh

(Bấm vào đây để xem các bản văn tham khảo về hai người phụ nữ trong Thánh Kinh):

 Thánh Kinh bao gồm các bản văn được mặc khải từ Thiên Chúa qua dân tộc Do Thái (Cựu Ước), qua Chúa Giê-su cùng các tông đồ (Tân Ước) và các bản văn này phải được Giáo Hội công nhận. Hai phụ nữ tiêu biểu trong hai bản văn là bà E-và và Đức Mẹ Maria.

– Cựu Ước: Nói một cách tổng quát, thân phận người phụ nữ trong Cựu Ước chịu ảnh hưởng của dân tộc Do Thái trực thuộc truyền thống Châu Á vói tinh thần trọng nam khinh nữ (có thể chứng minh qua các văn bản). Vai trò phụ nữ do đó rất ít và hầu như tất cả tội lỗi đều đổ lên ngưới phụ nữ.

Evà: Mẹ của loài người, được Thiên Chúa sáng tạo vào ngày thứ sáu theo hình ảnh của mình. Trong bản văn thứ I Sách Sáng Thế: Cả nam và nữ đều bình đẳng. Bản văn thứ II chi tiết hơn và cho thấy từ “đàn bà”: Giới tính xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh. Các hình ảnh “nhân vô thập toàn” trong Kinh Thánh cho thấy sự sa ngã và trách nhiệm đó đươc qui cho người đàn bà (phạm tội bất tuân, ăn trái cấm) và Chúa đã phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”

– Tân Ước: Tuy có tiến bộ hơn nhưng cũng vẫn còn tinh thần trọng nam khinh nữ (chỉ kể về số người nam giới tham dự khi nghe Chúa Giê-su giảng). Thánh Phao-lồ, một vị thánh rất cải cách, cũng đã tiuyên bố: “Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy hay thống trị đàn ông”. Ngoại trừ chúa Giê-su, vì tôn trọng phụ nữ nên Ngài đã gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy.

– Sách Khải Huyền: Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà

Quyển sách này xuất hiện trong thời gian các tín hữu đang bị bắt đạo. 12 ngôi sao trong truyện tượng trưng cho 12 tộc Do Thái. Người phụ nữ trong truyện là hình ảnh Đức Maria. Con mãng xà là hình ảnh con rắn ngày xưa trong Cựu Ước, cho thấy các quyền lực ác, các tội lỗi vẫn theo đuổi để cám dỗ con người.

Đức Maria là một thiếu nữ người Do Thái, xuất hiện qua biến cố truyền tin, xuất thân từ Na-da-rét, nhận lời mặc khải khoảng 16 hay 17 tuổi (“Xin vâng, con là nữ tỳ của Thiên Chúa”). Người cưu mang con của Thiên Chúa (chúa Giê-su) và là gạch nối giữa Trời và Đất (nơi đây không đi vào chi tiết Ngôi Lời nhập thế). Đức Mẹ Maria là một phụ nữ rất Á Đông với các đặc tính biểu hiện: đức tin, đức cậy và đức mến.

Tóm lại người phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên Kinh Thánh đã hạn chế rât nhiều vai trò của phụ nữ do các đặc tính văn hoá.

 

10.- Bàì thuyết trình của Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc: Hình Ảnh Người Nữ Trong Huyền Thoại và Văn Chương.

(Bấm vào đây để xem phần tài liệu nghiên cứu)

Âu Cơ

* Thuyết trình viên trình bày đề tài bằng phương pháp tiếp cận riêng biệt với ba tiêu chuẩn đề nghị:

1.- Văn bản: Lĩnh-Nam Chích-Quái (1492).
2.- Nhân tính, ý thức thân phận làm người: cô đọng trong ý nghĩa của hai chữ Âu Cơ.
3.- Ý niệm “Thần vô phương”: không diễn đạt chân lý được bằng ngôn ngữ thông thường mà bằng ngôn ngữ thi ca, huyền thoại.

* Âu Cơ có hai thân phận:

1.- Thân phận thứ nhất: phạm tội vì đi theo Đế Lai.
2.- Thân phận thứ hai: được giải thoát qua Trời (Lạc Long Quân đi vắng trong ý nghĩa “Trời dấu mặt”).

Tiên Dung

* Trạng thái ban đầu (sa đọa/sa ngã): Tiên Dung mong muốn làm giàu, Chữ Đồng Tử phải ra đi ngoài bể khơi.
* Trạng thái được giải thoát (trở về chân tính, không bị lưu vong): Chữ Đồng Tử gặp được Phật Quang, được tặng chiếc nón (biểu tượng Trời) và cây gậy (biểu tượng Đất) để dung hòa Trời Đất.

Kiều

* Đạm Tiên là biểu tượng tiếng nói của “bờ bên kia” (Trời).
* Kiều là phụ nữ đa cảm, có khả năng cảm nhận, ý thức thân phận làm người nên đã khóc người đời xưa.
* Kiều nghe được tiếng nói của “bờ bên kia”, đã gieo mình xuống sông Tiền Đường (con người đau khổ, lưu vong đã chết), gặp Giác Duyên là ơn Trời để giải thoát (trở về chân tính).

 

11.- Phát biểu của Giáo Sư Hương Anh: Vài Quan Điểm Về Phụ Nữ Theo Dòng Lịch Sử Việt Nam

– Hình ảnh và vai trò người phụ nữ trong lịch sử từ Bà Trưng, bà Trìệu, Ỷ Lan, Huyền Trân Công Chúa, Ngọc Hân cho đến Cô Giang, Cô Bắc,…

– Phụ nữ và văn chương: ĐoànTthị Điểmvới bản dịch Chinh Phụ Ngâm, bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân Công Chúa, Hồ Xuân Huơng,…

 

12.- Phát biểu của Ca Dao Ngô Thị Ngoan: Phải Là Đàn Bà.

(Bấm vào đây để xem toàn bản văn)

– Qua thơ của Xuân Quỳnh (thế kỷ 20), thân phận đàn bà vẫn không hơn gì những thế kỷ trước: tầm thường, chịu đụng, nhỏ mọn, sống nhờ người khác,…

– Những chia sẻ phóng khoáng của nam giới cũng chỉ là những chia sẻ của người nam, không thể cảm nhận hết được những đau đớn sâu sắc của phụ nữ.

– Những chia sẻ được đề cập trên của nam giới rốt cuộc cũng chỉ là trò thương vay khóc mướn, không đủ khả năng trị liệu. Vấn đề bình đẳng nam nữ vẫn chưa được nêu lên và giải quyết đúng mức.

– Phải là đàn bà mới thấu hiểu hết những hệ lụy của phụ nữ và những hệ lụy này, theo thuyết trình viên, cho đến hết thế kỷ này cũng chưa giải quyết được.

– Thuyết trình viên khẳng định những phát biểu trên không phải là tiếng kêu gọi để được bình đẳng.

 

13.- Phát biểu của ông Lâm Đăng Châu: Các Trở Ngại Trong Sinh Hoạt Cộng Đồng.

Có thể nói đây là bài phát biểu không hợp với chủ đề Phụ Nữ, nhưng rất thực tế và có tác động phải đặt đôi chân của văn hóa đứng trên mắt đất để góp phần vào việc chuyển hóa các thực tại tiêu cực trong và ngoài nước. Thuyết trình viên đã đặt vấn đề và nêu lên thực tại đấu tranh trong và ngoài nước:

– Hiện nay đã có gần 3 triệu người Việt ở hải ngoại, khoảng 300.000 chuyên gia có trình độ đại học. Thuyết trình viên đã bày tỏ sự chú tâm về nghị quyết 36 của chế độ cộng sản, tìm cách khai thác kiến thức và tư bản, chiêu dụ, chia rẽ người Việt ở nước ngoài.

– Những khó khăn trong Cộng Đồng: Phung phí năng lực do nghi ngờ, xung đột nhau. Cho đến nay chưa có tổ chức nào có thể làm cho người trong nước đặt niềm tin vào.

– Hiện tượng lão hóa trong cộng đồng.

– Những người hoạt động trên 60 tuổi rất khó tiếp cận các thành phần trẻ. Tư duy dừng lại, không phát triển nên khó thuyết phục giới trẻ với tinh thần Tây Phương.

– Đối với giới trẻ trong và ngoài nước: Theo thuyết trình viên rất khó kỳ vọng vào họ về vấn đề đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền cho đất nước.

– Với những đường lối đứng đắn, bất bạo động, các tổ chức tranh đấu cho tự do dân chủ đã thắng về mặt tư tưởng, nhưng chưa thắng về mặt tổ chức, động viên, vận động.

– Đâu là chủ lực chính có khả năng thay đổi chế độ?

– Các mô thức hợp tác, phân công giữa các tổ chức đấu tranh đã có các liên kết, đã chuẩn bị chưa hay đã làm được gì?

– Những người bất đồng chính kiến trong nước không tin nhau, phân hóa, chống đối nhau, đấu tranh không có sự chuẩn bị hoặc dân chủ giả hiệu.

Thuyết trình viên đã đề nghị một số phương cách hoạt động:

– Tạo sự gặp gỡ nhau để nói về đề tài văn hóa và sự sinh hoạt cộng đồng.

– Thông tin liên quốc gia.

– Dựa trên các văn bản thật sự để thông tin

– Liên lạc, làm việc chung với các tổ chức địa phương.

– Vai trò của báo điện tử:

1.- Có những điểm lợi: thông tin nhanh chóng, hiện trong nước có khoảng 25 % dân số tiếp cận được với internet (khoảng 20 triệu dân).
2.- Có những điểm bất lợi: các vị lớn tuổi không đọc được báo điện tử, giới trẻ không thạo tiếng Việt…

– Cần hàm dưỡng và phát triễn phong thái của người yêu tự do, dân chủ: bao dung, chấp nhận dị biệt, hòa nhã, đối thoại…

 

Bài phát biểu trên đã chấm dứt phần sinh hoạt thuyết trình và phát biểu trong NGGVHVNHN năm 2009.

 

Nguyễn Hoàn Nguyên
(09-2009)


Cái Đình - 2009