Nguyễn Hiền


“Người Buôn Gió” trong Liên hoan Văn chương Read My World 2013

AMSTERDAM.- Lần đầu tiên, Liên hoan Văn chương Read My World được tổ chức trong ba ngày 13 đến 15/09/2013 tại khoảng vườn Tolhuistuin (Amsterdam), một nơi tập họp quen thuộc của giới văn nghệ sĩ Hòa Lan.

Read My World 2013 nhắm vào chủ đề giới thiệu những giòng văn học của Ai Cập và Palestine. Một đề tài khác trong Liên hoan này là nghiên cứu tìm hiểu về giới hạn giữa nhà văn và nhà báo, vì tuy cùng là người viết văn xuôi, nhưng nhà văn lấy bối cảnh để chuyên chở suy tư của mình trong khi nhà báo dùng ngòi bút để mang sự việc đến cho người đọc.

Hơn 60 người viết đủ mọi thể loại cùng nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới đã được mời tham dự một chương trình kéo dài hai ngày rưỡi với những quầy hàng giới thiệu tác phẩm, tác giả, những buổi trình diễn âm nhạc kịch nghệ, những buổi đọc thơ và bình thơ, và sôi nổi hơn là một số chương trình hội luận với nhiều chủ đề văn học nghệ thuật cũng như xã hội. Mục thơ chiếm phần lớn các chương trình, có lẽ do tính năng mang ẩn dụ cao của thơ. Cũng có thể vì sự tham gia tích cực của hai hội thơ, cũng là hai tổ chức góp phần lớn trong việc hình thành lễ hội này. Ðó là nhóm Perdu chuyên về thơ thử nghiệm và Trường dậy thơ (School der Poëzie) chuyên đào tạo và giới thiệu những tài năng thơ vừa khám phá.

Những diễn giả hay khách mời tham dự hội luận phần lớn là những nhân vật có tên tuổi, đã đoạt ít nhiều giải thưởng văn học hay có công lớn trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Hòa Lan, Ai Cập và Palestine. Ở Hòa Lan có sự tham gia của Frank Boeijen (nhà soạn nhạc, thi sĩ, ca sĩ, là con chim đầu đàn của ban nhạc Frank Boeijen Groep), Willem Jan Otten (thi sĩ, nhà phê bình, đã được nhiều giải văn thơ giá trị), Anne Vegter (thi sĩ, kịch tác gia, tác giả nhiều quyển sách cho thiếu nhi), Chris Keulemans, khuôn mặt quen thuộc trong những sinh hoạt kết tụ văn nghệ sĩ và tận tình trong việc giúp đỡ những văn nghệ sĩ sống tại các quốc gia đang phát triển đang gặp khó khăn…

Ngoài ra có những ban nhạc, vũ… Ai Cập, Ấn Ðộ, Hòa Lan đảm trách những tiết mục âm nhạc.

Một sự kiện nổi bật mà người tham dự ghi nhận là hiện nay có sự xuất hiện của nhiều diễn đàn văn học mang thêm tính xã hội. Ðây là nơi để các thành viên chia sẻ nhận thức, quan điểm của họ về những hiện tượng xã hội chính trị trong nước họ đang ở, cũng như là xuất phát điểm của những phê phán những sự đàn áp bất công, đồng thời nói lên hy vọng của mình. Sự gia tăng nhanh chóng của những diễn đàn này đã đặt ra một vấn đề mới: người viết giữ luân phiên hai vai trò, vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Ðó cũng là một đề tài được Liên hoan Read My World nêu ra làm chủ điểm.

Vào buổi chiều chủ nhật 15/09 blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) đã là khách danh dự cho một tiết mục đặc biệt về tình trạng kiểm duyệt thông tin báo chí hiện nay tại Việt Nam. Người Buôn Gió là một blogger có rất nhiều bài viết nêu ra những điều sai trái trong xã hội Việt Nam hiện nay và chỉ trích những chính sách, quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam trước các vấn đề lớn như tranh chấp Biển Ðông, khai thác mỏ bauxite, quan hệ với Trung Quốc và những vụ cưỡng chế đất đai. Những bài viết của anh trên blog cá nhân và trên Facebook được đánh giá cao, vì nó được lồng vào trong những câu chuyện dí dỏm về nước Vệ dưới triều nhà Sản cùng nước Tề lân bang (ngụ ý nước Việt dưới chế độ cộng sản và nước láng giềng Trung Quốc), trong một văn phong đặc biệt. Anh đã bị bắt để thẩm tra nhiều lần, nhiều lần bị giam, nhưng vẫn không sờn lòng.

Theo tường trình của người điều hợp, nữ phóng viên tự do Maartje Duin, tại Việt Nam hiện nay, trong 91,5 triệu dân có 34% dân số có nối kết với mạng internet. Số người tham gia mạng xã hội là 9%, số máy điện thoại di động là hơn 127 triệu chiếc, lưu lượng trao đổi thông tin qua mạng thật khủng khiếp và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn luôn tìm những biện pháp kiểm soát gắt gao để ngăn chặn việc đưa những tin không có lợi cho chính phủ và tạo áp lực trên các blogger có bài viết phê phán chính quyền. Trong thời gian ở Việt Nam, bà đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại để có thể gặp được một số blogger nổi tiếng, trong đó có Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, tuy nhiên sau đó bà đã bị công an chìm theo dõi và trực tiếp lẫn gián tiếp đe dọa khiến bà phải quay trở về Hòa Lan vì không muốn rước họa vào thân một cách vô lý. Bà đã viết một số bài báo kể về chuyến đi này và những tiếp xúc với blogger Người Buôn Gió. Một số hội đoàn văn hóa của thành phố Weimar (Ðức) đã thuận cấp một ngân khoản cho anh và tạo điều kiện cho anh cư ngụ ở Ðức trong vòng một năm rưỡi để viết một cuốn sách, tuy nhiên Việt Nam đã tìm mọi cách ngăn trở, không cấp chiếu khán xuất cảnh cho tới khi Ðức phải chính thức can thiệp để anh lên đường vào tháng 4/2013…

Thay cho bài phát biểu, Bùi Thanh Hiếu đã đọc một truyện ngắn của anh (Cục Nam Châm  – bấm vào đây để xem toàn bài) diễn tả tâm trạng của một người blogger, suốt đêm ngày lúc nào cũng phập phồng sợ có người theo dõi, phải luôn luôn thủ sẵn một cục nam châm cực mạnh để có thể phá ngay ổ hard disk của máy tính.

Nhà văn nữ Kristien Hemmerechts, với hơn 30 tác phẩm hiện thực lẫn hư cấu (trong đó có quyển du ký “V” ghi lại những cảm nghĩ của bà trong thời gian du lịch ở Việt Nam) đã trình bày về cảm nghĩ của bà về xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Bà đã bị sốc khi đọc tác phẩm “Những Thiên Ðường Mù” của Dương Thu Hương, trong đó ngay cả người trong gia đình cũng phản bội nhau, tố cáo nhau. Bà cũng đã ngạc nhiên khi chứng kiến các bà bán hàng rong bị nhà nước qui cho tội tư bản bóc lột, phải tận diệt. Bà tỏ ra thán phục những người vẫn âm thầm, hay kiên quyết theo đuổi việc sáng tác trong môi trường bị theo dõi, kiểm soát.

Buổi hội luận. Từ trái: Nhà báo Maartje Duin, Ngô Thụy Trúc Lâm (thông dịch),
blogger Người Buôn Gió và nhà văn Kristien Hemmerechts

Trong buổi hội luận sau đó giữa bà và blogger Người Buôn Gió cùng khán thính giả, người tham dự đã thích thú nghe những câu hỏi quanh vấn đề kiểm duyệt internet ở Việt Nam và về hoàn cảnh của những người viết trong môi trường bị theo dõi. Blogger Người Buôn Gió đã chứng tỏ khả năng đối đáp nhanh lẹ sắc bén của anh, một người dày dạn kinh nghiệm đối phó với mạng lưới công an. Ðể trả lời cho câu phát biểu là “những người sáng tác trong hoàn cảnh bị đe dọa thường cho ra đời những tác phẩm đặc sắc”, anh đã ý nhị trả lời “tuy nhiên điểm qua những giải Nobel văn chương, người ta thấy là những giải này lại được trao cho những người viết đang sống ở xứ tự do”. Và với nhận xét là trong hoàn cảnh bị áp bức, người viết sẽ có dịp thăng hoa qua các tác phẩm của họ, anh đã dứt khoát cho biết là trong trường hợp của anh, anh bắt buộc phải viết để cho mọi người biết những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Cho dù anh và vợ con đã phải cắt đứt liên lạc để tránh sự liên lụy. Và anh cũng cho biết anh khác với những cây bút phản kháng trước đây ở Việt Nam, ví dụ như Dương Thu Hương, ở chỗ anh viết về những gì hiện tại đang diễn ra, chứ không phải viết về thời trước “Ðổi Mới” như Dương Thu Hương. Anh cho biết thêm việc theo dõi, trù dập những người viết… hiện tại còn gay gắt hơn thời trước, vì thí dụ như tác phẩm “Những Thiên Ðường Mù” còn được cấp phép xuất bản, không như hiện tại là cấm tiệt. Những tranh luận giữa hai người cho thấy một điểm lý thú là bà Kristien Hemmerichts đứng ở vị trí một người tìm cái đẹp trong sáng tác, trong khi blogger Người Buôn Gió chủ yếu chuyên chở những khắc khoải của mình để thức tỉnh người dân. Hai người đứng sát gần ranh giới giữa nhà văn và nhà báo, tưởng như chạm tay nhau được. Tuy nhiên lằn ranh này vẫn hiển hiện qua những phát biểu của họ.

Một nhà văn nữ khác, bà Manon Uphoff, người đã có hơn 20 tác phẩm, phần lớn là tập truyện ngắn, trình bày về một đề tài khác. Hiện bà là thành viên của hội Văn bút Quốc tế (PEN-international), vừa trở về sau buổi hội nghị Văn bút quốc tế lần thứ 79 tại Reykjavik (Iceland). Bà tường trình về những can thiệp của PEN trong trường hợp những người viết bị truy bức, cầm tù. Hiện nay PEN-International đang lập một quỹ giúp những người viết đang ở trong hoàn cảnh này (Writers in Prisons). Tháng 6 vừa qua PEN đã gửi một bức thư cho Trương Tấn Sang yêu cầu thả vô điều kiện blogger Ðiếu Cày, nhưng “kết quả rất hạn chế”.

Tiếp lời, nữ dân biểu Marietje Schaake (đảng D66), thành viên của quốc hội Âu châu, đã trình bày về chính sách của EU về vấn đề kiểm duyệt thông tin nói chung. EU đòi hỏi những quốc gia muốn thiết lập bang giao phải tôn trọng quyền con người, trong đó quyền tự do phát biểu ý kiến là một quyền căn bản quan trọng. Vấn đề nhân quyền bao giờ cũng là một mục nằm trong việc cứu xét bang giao với một quốc gia khác. Tuy nhiên, vấn đề này khá phức tạp vì nó có liên quan đến những lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, thương mại… Tháng 4/2013, bà đã đề xướng với EU để ra một nghị quyết đòi Việt Nam phải có được tự do ngôn luận.

Chương trình kết thúc lúc 16:30 giờ, sau đó là phần trao đổi, phỏng vấn riêng tư với các khách mời. Khoảng 60 người đã tham dự buổi hội thảo mang tên “Censorship in holiday destination Vietnam”.

Nguyễn Hiền
(09/2013)


Cái Đình - 2013