Người Buôn Gió


One World: Việt Nam là quốc gia mà người dân không có quyền tự do ngôn luận. Từ khi có internet người dân Việt Nam đã khám phá ra một phương tiện mới để phát biểu ý kiến của mình mà không phải qua hệ thống truyền thông bị kiểm duyệt gắt gao của nhà nước cộng sản. Thế nhưng các blogger thuộc về “lề trái” ở Việt Nam đã phải trả giá rất đắt cho quyền tự do của mình. Hiện có gần 40 Blogger, Facebooker và người viết trên Internet bị giam cầm với án tù đến 16 năm trong số đó có nhiều người bị bắt vì những cáo buộc không liên quan gì đến hoạt động thực sự của họ. Bên cạnh đó hàng trăm người khác đang bị đe dọa thường xuyên bằng những hành vi câu lưu ngắn hạn, chặn đánh ngoài đường, phá hoại tài sản, v.v… Từ tháng 9 năm 2013 chính quyền Việt Nam cho áp dụng “Nghị định Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” để kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động phổ biến thông tin trên internet. Để khỏi bị bắt giữ và phạt tiền các blogger chính trị Việt Nam đã phải chuyển ban biên tập và server của trang blog của họ nước ngoài. OneWorld xin giới thiệu bài viết sau đây của Blogger Người Buôn Gió đang sống ở Đức từ tháng 4 năm 2013 trong chương trình học bổng của các tổ chức văn hóa Đức.

***

Cục nam châm

 

Tôi thay đổi ip truy cập trên máy tính và đặt lại cục nam châm ở vị trí thuận tiện dễ lấy nhanh nhất. Trang Google mọi khi vẫn vào  lúc này bỗng nhiên hiện đuôi .de không phải .vn. Tôi sực nhớ ra mình đã ở Châu Âu.

Ở Việt Nam thay đổi ip là việc đầu tiên sử dụng máy tính vào internet, như vậy tôi mới truy cập  được trang Facebook của mình vì nó bị chặn tường lửa bởi nhà nước Việt Nam. Muốn xem thông tin nhiều trang khác như BBC, RFA, RFI, Reuter ở Việt Nam phải biết cách nào đó để vượt tường lửa.  Tôi luôn mang theo cục nam châm to và mạnh. Cục nam châm là đồ vật không thể xa rời khi tôi sử dụng máy tính. Người ta nói nam châm có thể xóa sạch dữ liệu trong ổ cứng máy tính. 

Khi ở Việt Nam, tôi đã nhiều lần bị bắt đột ngột chẳng vì lý do gì. Khi tôi đang vừa trên máy bay từ thành phố này sang thành phố khác. Hoặc khi tôi vừa đến một khách sạn thuê phòng. An ninh Việt Nam ập đến , khống chế tôi ngồi im, việc đầu tiên là họ thu luôn máy tính để kiểm tra.

Cho nên tôi luôn xóa sạch dấu vết trong máy tính trước khi di chuyển, khóa cửa phòng, cửa sổ khi sử dụng máy tính và đặt cục nam châm ở vị trí sẵn sàng. Đó là cách bảo vệ mình khi muốn viết bài nội dung phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam.

Trong trường hợp không  tìm thấy gì trong máy tính của tôi. Cơ quan an ninh sẽ giam lỏng tôi vài ngày với lý do an ninh quốc gia. Đến khi nào sự kiện xảy ra ở thành phố đó chấm dứt họ cho tôi về. Các sự kiện đó là những vụ như người dân biểu tình vì đất đai của họ bị nhà nước lấy mất. Hay  phiên tòa mà nhà nước gọi là công khai  xét xử những blogger bị cho là viết bài nói xấu nhà nước, lãnh đạo...

Còn nếu thấy bài viết gì của tôi, hay trang website nào đó, hoặc tài liệu văn bản trong máy tính tôi sẽ bị giam giữ để họ thẩm vấn với lý do là liên quan đến an ninh quốc gia.

Luôn phải cảnh giác an ninh ập vào nhà bất kỳ lúc nào là tình trạng khi tôi sử dụng máy tính. Con trai tôi 6 tuổi, có lần đi học về đã đập cửa nhà quát:

– Bùi Thanh Hiếu có nhà không? Mở cửa ngay.

Tôi giật mình định vớ cục nam châm, nhưng nhận ra giọng con mình. Tôi mở cửa hỏi sao con gọi bố thế. Con trai tôi cười bảo:

– Con đùa bố, giả vờ làm công an.

Đôi khi chở con đi đâu, qua mỗi đoạn rẽ, cậu bé 6 tuổi ấy quay đầu nhìn lại phía sau buồn bã nói.

– Bố ơi ! Họ đang theo dõi mình.

Tôi không vui gì về sự nhanh nhạy của con mình. Nó còn quá bé để phải cảnh giác trước những điều như thế. Thật đáng buồn  khi nó mới chỉ 6 tuổi đã phải lo lắng cho sự an toàn của bố. Có lần tôi đang gõ bàn phím, nó đến gần, mặt đăm chiêu rồi hỏi.

– Nếu bố không viết nữa, thì người ta có không theo dõi bố nữa không?

Đó là câu hỏi khó nhất với tôi. Tôi có thể viết bài nhận định về những động thái chính sách của nhà nước, về nguyên nhân sự kiện lớn xảy ra tại xã hội Việt Nam. Nhưng tôi không biết trả lời sao với câu hỏi đơn giản của đứa bé vừa mới đi học lớp 1.

Ở Châu Âu, tại thành phố Weimar nơi tôi được cấp học bổng sáng tác, có một hôm tôi gặp ông thị trưởng thành phố Weimar. Khi nghe câu chuyện về những gì tôi viết và những gì tôi phải đối phó ở Việt Nam ông thị trưởng ngạc nhiên một chút, rồi vỗ vai tôi chia sẻ.

– Ở đây anh có thể viết bài nói tôi là một kẻ xấu xa, nói chính sách của nhà nước này là tồi tệ. Tôi đảm bảo ở nước Đức này sẽ không ai bắt anh vì điều đó.

Bây giờ nhìn cục nam châm, tôi tiếc công đã mang theo từ nhà sang châu Âu này. Giá mà tôi có thể gửi về cho con trai làm đồ chơi. Lúc ở nhà, có lần tôi đã phát hoảng quát mắng con vì  không thấy cục nam châm cạnh máy tính, do cháu mang ra làm đồ chơi. Nhưng thôi, trong những ngày ở châu Âu này, mỗi khi dùng máy tính tôi sẽ đặt nó bên cạnh. Để luôn nhớ rằng ở quê hương tôi, những blogger khác đang ở trong tình cảnh nào.

 

Blogger Người Buôn Gió

 


Cái Đình - 2013