Nguyễn Lê Hồng Hưng
Vượt Đại Tây Dương
Bilbao
Sáng sớm vừa vẹt màn cửa sổ, một quang cảnh tuyệt vời liền ập vào mắt tôi. Ngoài khung cửa kiếng, những con tàu đậu bên kè đá còn lờ mờ trong ánh sáng mai và chơn trời Đông nhuộm màu than cháy. Tôi vội quay ngang lấy chiếc điện thoại thông minh trên bàn, bấm phần camera, mở cửa đi nhanh ra sau lái, đưa máy nhắm về chơn trời Đông hực màu ráng đỏ và bấm liền vài ba tấm. Chụp xong tôi mới phát hiện chim nhàn bay rợp không gian và đậu trắng trên bến cảng, tiếng kêu chót chét om xòm trời đất nghe không hay ho gì hết, trong thơ ca các vị thi sĩ nhạc sĩ gọi chim nhàn là Hải Âu và họ chỉ tả về sắc trắng duyên dáng của loài chim gắn liền với biển trời nhưng không có ai diễn tả về tiếng kêu, có lẽ tiếng kêu của loài Hải Âu quá tệ nên trong thơ ca không nhắc tới. Tôi đưa máy lên chụp bầy chim lớp bay lớp đậu giữa lúc trời còn tranh tối tranh sáng. Khi thấy chim nhàn tụ về đất liền đông đảo, người mang nghiệp sông nước biết liền đó là báo hiệu ngoài khơi có gió to sóng lớn. Trời vừa sáng trắng thì mây đen lại kéo về chuẩn bị cho cơn mưa, thời tiết thay đổi thất thường làm tôi tưởng nhớ tới quê hương, lạ thật, lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác nhớ quê. Quê hương tôi hướng mặt ra biển, thường vào những buổi chiều đẹp, phía trời Tây nhuộm đỏ một màu, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy ráng đỏ lúc bình minh và trời chuyển cơn mưa sáng gợi cho tôi nhớ lại đầu mùa gió nam và cũng là mùa tôm bạc rại. Nỗi nhớ nhung chỉ thoáng qua tâm trí nhưng nó đã khiến lòng tôi xôn xao và lưu luyến buổi sáng tuyệt vời.
Trời bắt đầu mưa lắc rắc và cũng đã tới giờ làm việc, tôi trở vào phòng cất máy, vô buồng tắm đánh răng, rửa mặt, thay quần áo và bắt đầu những công việc quen thuộc cho một ngày mới. Trong lúc sửa soạn cho buổi ăn sáng, thuyền trưởng tới nói với tôi:
– Ông xem lại thực phẩm, nếu còn thiếu gì thì mua thêm tại đây, sang Nam Mỹ không mua được đâu.
– Yes sir!
Tàu khởi hành từ cảng Rotterdam Hòa Lan, sau đó sang Anwerpen bên Bỉ, xuống thêm hàng rồi qua Bilbao vùng cực bắc Tây Ban Nha, nơi đây họ xuống thêm containers, đây là cảng cuối cùng ở Âu Châu. Khuya nay tàu sẽ khởi hành qua Nam Mỹ, qua đó còn ghé nhiều cảng lên hàng và xuống hàng, chưa biết bao lâu mới trở về Âu Châu. Thuyền trưởng nói bên Nam Mỹ đồ ăn chất lượng kém và nhiều chứng bịnh truyền nhiễm vùng nhiệt đới nên không phải cảng nào cũng được phép mua thức ăn. Chuyện này thiệt tình tôi không hiểu nổi, nhiều năm trước, mỗi lần sang Nam Mỹ hay trên những tuyến đường đường xa, trên tàu hết rau cải, trái cây tươi và trứng, thuyền trưởng đưa tiền cho tôi lên chợ mua thêm. Bây giờ bày ra chuyện an toàn thực phẩm cho có vẻ nhân đạo một chút, nhưng dù gì đi nữa thì đây cũng là một cái cớ cho công ty tiết kiệm được một khoản tiền.
Tôi lấy đơn nhận hàng hôm ở Rotterdam xem lại mới phát hiện thiếu muối và dấm. Cho chắc ăn, tôi xuống kho kiểm lại thực thẩm lần nữa, những thứ cần thiết như ngũ cốc, đồ đông đá, đồ khô, đồ hộp đầy đủ trên hai tháng. Rau, củ và trái cây tươi ăn từ Rotterdam qua đây có hao hụt chút đỉnh nhưng không sao, dù gì đi nữa đồ ăn tươi cũng không giữ được lâu hơn một tháng, trên tàu ăn rau cải đông đá là chuyện thường. Dấm thiếu thì có thể châm chế được, cần lắm thì lấy chanh hoặc lấy dấm ngâm dưa chua thay thế, muối coi vậy mà thiếu nó thì nấu nướng còn có ra gì. Tôi sắp xếp công việc buổi sáng gọn gàng để giấc trưa dư nhiều thời gian có thể lên chợ mua thêm mớ đồ dùng cá nhân và vài ký lô muối.
Sau cơn mưa ngày dứt, tôi rời tàu, đi theo con đường dưới chơn núi và hướng về trung tâm khu phố nhỏ gần bến cảng. Bilbao là một thành phố lớn của tỉnh Biscay miền bắc Tây Ban Nha, thuộc xứ Basque có bãi biển nối dài liền qua nhiều tỉnh trong vịnh Biscay, hướng ra phía Bắc Đại Tây Dương, nước sâu và lạnh nên khách du lịch tới đây tắm biển không đông. Tuy nhiên nơi đây rất lý tưởng cho những du thuyền đến nghỉ ngơi và ngoạn cảnh. Những con đường ven biển của vương quốc Tây Ban Nha thiết kế gần giống nhau, một con đường rộng lót gạch sạch sẽ, dành cho người đi bộ, lề trong con đường trồng cây thốt nốt ngay hàng thẳng lối, từng khoảng trống dưới gốc có đặt những băng đá dành cho người đi bộ nghỉ chưn, bên ngoài con đường là một bờ biển dài có bến đậu cho những chiếc du thuyền. Bây giờ là mùa thu, không thích hợp cho khách đi thuyền, nên nhiều chiếc đã xếp buồm đậu san sát nhau chung một bến.
Thả tà tà một lát đã tới ngã quẹo vào công viên khu chợ. Tôi lưỡng lự, không biết nên vô siêu thị trước hay đi dạo phố trước? Suy đi tính lại, thời gian nghỉ trưa của tôi còn lâu, bây giờ mà mua đồ xách theo vướng bận tay chưn. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại cảng Bilbao thì cũng nên đi dạo chơi và xem lại những con đường, những quán nước và xem hoa lá cành trong khu phố nhỏ. Khỏi nghĩ ngợi lôi thôi tôi quẹo vô khu phố, vừa tới đầu đường cạnh công viên, liền nghe tiếng đờn ghi ta rộn rã. Dưới gốc cây thốt nốt, một anh ca hát dạo ngồi trên chiếc xe lăn, tay ôm cây ghi ta vừa đờn vừa hát. Tôi dừng lại móc bóp mở ngăn tiền lẻ bước tới trút hết số tiền cắc vô chiếc bao đờn lật ngửa trước mặt và đứng xem anh hát. Văn hoá Tây Ban Nha và Nam Mỹ mật thiết với nhau, cho nên loại nhạc vui vẻ này tôi cũng thường nghe ở nhiều quốc gia bên Nam Mỹ.
Thưởng thức xong bản nhạc tôi tiếp tục đi, anh nhạc sĩ vẫn chăm chú vô bản nhạc kế tiếp như chỉ có mình anh và trời đất chung quanh. Mưa lại rỉ rả làm cây cỏ lá hoa ướt mèm. Trong khí trời lành lạnh, người đi phố thưa thớt, tiệm tùng phố xá không nhộn nhịp như những ngày hè. Tôi vô một quán nước vắng người, mua một ly bia, ngồi nhâm nhi ly bia lạnh, tự dưng trong dạ bồn chồn nhớ tới già Luis, quê hương già cũng ở trong vịnh Biscay này. Nhiều năm về trước, tôi với già thường la cà thâu đêm trong những quán nhậu bên góc phố kia, cũng trong quán đó, tôi đụng phải mấy tên lại cái, nếu không có già can thiệp chắc bọn chúng đập tôi một trận nhừ tử và móc sạch túi. Nhớ tới già tôi liên tưởng tới một con người kỳ dị, mình đầy lông và râu phủ gần hết khuôn mặt, đi tới xứ nóng già bận quần jeans cắt ống ngang đầu gối tua tủa, phơi lưng trần và lúc nào bên hông cũng mang con dao găm, con cá chuồn nào xấu số bay đáp nhằm boong tàu, nhảy lạch bạch trước mặt già, lập tức một tay già thộp con cá, một tay móc dao găm ra và đè con cá lên thành tàu, cắt cổ lóc thịt bỏ vô miệng xơi tái ngay. Thời gian tôi còn trẻ và ông còn khoẻ, chúng tôi thường hải hành sang Nam Mỹ, vùng này nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, ghé cảng nào chúng tôi cũng đi chơi chung, nhờ có già thông dịch, tôi khỏi phải huơ tay ra dấu mỗi khi tiếp chuyện với người bản xứ, nói chung già lúc nào cũng muốn giúp đỡ và che chở tôi. Ấy vậy mà tôi thường có thái độ bất kính với già, có khi chưởi già không ra gì, được cái là dù cãi nhau ầm ĩ, có khi muốn đánh nhau, nhưng qua rồi thì già vẫn vui vẻ chia xẻ và chỉ dẫn tôi kinh nghiệm sống. Cũng tại thị trấn ven biển này, già giới thiệu món Pintxo của Bilbao, được xiên lại bằng cọng tăm tre, cầm tay ăn không cần dao, nĩa. Pintxo nhậu rượu nho hoặc bia rất bắt.
Năm trước già nghỉ hưu, lúc chia tay già tới ôm tôi nghẹn ngào nói:
– Tao không còn cơ hội đi nữa, mày tiếp tục đi cho thiệt tốt, thiệt tốt... giữ gìn sức khoẻ...
Đi cho thiệt tốt nghĩa là sao? Già vừa khóc vừa nói chẳng ra đầu ra đuôi làm tôi hổng hiểu gì ráo. Nhìn nước mắt già ràn rụa, tôi không nói được lời nào, bèn cúi xuống xách phụ già chiếc va li rồi tiễn chưn già lên bến.
Khuya nay tàu khởi hành, thủy thủ đoàn toàn là ma mới, sóng vừa dậy lên thì đã có người ói mửa. Chuyến này sang Nam Mỹ, hổng có già tôi thiếu đi một bạn đồng hành. Nhìn ngoài trời mưa rơi, tôi bỗng thấy mình đơn độc, hớp một hớp bia, bia gì mà đắng nghét.
Ra khơi
Mấy hôm đầu tàu còn trong vịnh Biscay mưa ngập trời, gió cấp sáu, cấp bảy quật con tàu dài một trăm hai chục thước, trọng tải trên mười ngàn tấn vừa lắc vừa nhồi làm Jurre, thằng nhỏ sinh viên theo thực tập, và đám thủy thủ In Đô ngóc đầu không nổi. Trong đời làm thủy thủ, thỉnh thoảng tôi gặp một vài người mỗi khi gió lên, say sóng, sợ hãi, nhớ nhà, kể lể khóc than... đây là lần đầu tiên tôi thấy cả đám thủy thủ say sóng nằm la liệt và ói mửa tùm lum. Thuyền trưởng, thuyền phó, phụ thuyền phó, thợ máy chánh, phụ máy và tôi đã gắn liền với đại dương lâu năm nên vật vã với sóng to gió lớn có hơi mệt mỏi nhưng không đáng ngại.
Mấy ngày qua tôi chỉ nấu được món stampot. Stampot là món ăn truyền thống của người Hòa Lan, trên tàu nó rất thuận tiện cho những ngày biển động. Thực hiện món stampot chỉ cần gọt vỏ khoai tây và luộc khoai cho mềm dầm cho nhuyễn trộn chung với cải soắn (boerenkool) hoặc bắp cải trắng chua (zuurkool) gia vị thêm nootmuskaat, sữa, bơ, muối... Nếu đem khoai dầm trộn với cà rốt luộc mềm và củ hành xắt nhỏ xào cho thơm trộn chung thì stampot được gọi là hutspot, tuy nhiên hutspot hay stampot cũng ăn chung với dồi ung khói (rookworst) hâm nóng và thịt ba chỉ cắt lát mỏng chiên dòn.
Sáng nay gió cấp ba, gió mùa thu, dậy lên những con sóng đủ đẩy đưa con tàu bồng bềnh. Tôi bước ra boong khi biển còn tối om và sao trên trời chỉ còn vài mống. Tàu trực chỉ về hướng Tây Nam, từ hải cảng Bilbao sang Cuba nếu biển im thì hải hành mất mười lăm ngày, biển động lâu hơn. Từ hôm rời Bilbao tới nay đã năm ngày trôi qua và tàu cũng đã đi qua hai múi giờ. Giông gió đã qua rồi, thủy thủ đoàn tuy còn mệt mỏi nhưng cũng phải làm việc, làm để lấy lại sức. Thằng Idnul to con nhưng hơi lười biếng và làm việc thì hay càu nhàu, được phân công lau chùi trong tàu, nó vừa bò vừa lết quọt quẹt được một lát thì đã nằm dài trên băng, nùi giẻ một nơi, cây chổi một nẻo, sô nước lật đổ tùm lum. Thuyền phó kêu nó dậy làm việc. Nó nói:
– Chừng nào ông làm cho biển im thì tui sẽ làm việc.
Thuyền phó chửi thề và day qua tôi chỉ tay ra khung cửa kiếng, nói:
– Ông coi, biển như vậy mà nó nói biển động.
Tôi cười và gật gật đầu nói:
– Biển không động, nhưng trong đầu nó động.
Tuy miệng thì càu nhàu nhưng Idnul cũng rán sức bò dậy cầm nùi giẻ lau sàn tàu. Thấy thằng nhỏ thê thảm quá, tôi tới lấy cái sô nằm lăn lóc trong góc và giúp nó lau khô chỗ nước đổ. Giọng Idnul yếu ớt như đàn bà mới đẻ:
– Chú có say sóng không?
Tôi nói:
– Tao nghĩ, hổng nhiều thì ít người nào cũng say.
– Sao thấy chú tỉnh bơ vậy?
– Mấy ngày đầu tao cũng mệt nhưng vì việc làm phải rán chịu cho qua.
– Hồi mới bắt đầu làm thủy thủ chú có say sóng không?
– Có chớ, ói tới mật xanh luôn.
– Vậy có cách nào hết say không chú?
– Chỉ có cách làm việc cho quên.
Tôi vô bếp lấy ra đưa nó một gói bánh mì dòn và dặn:
– Mầy ra ngoài boong tìm việc gì đó làm đi, tôi chỉ tay xuống sàn còn tèm lem vết bẩn nói, chỗ này để tao giúp cho, mày có ói thì cứ ói, ói xong thì ăn vô, uống nước ít lại, đừng nằm lì riết rồi thành quen.
Idnul cầm bọc bánh, cám ơn rồi đi ra ngoài.
Suốt mấy ngày nay mây bạc phủ khắp bầu trời, mặt trời ẩn sau đám mây trắng tỏa ra ánh sáng chói lòa làm lợt lạt màu xanh của nền trời, những tia nắng bạc chen theo kẽ mây xám chiếu xuống mặt biển như những ngọn đèn pha, biển dạt dào sóng và con tàu thì vẫn cứ lắc lư. Thủy thủ đã lấy lại được thăng bằng và trở lại ăn, uống bình thường, nghĩa là ăn rất nhiều. Thuyền trưởng khó chịu về cách ăn uống mấy người Nga và Ucraina, ông kêu riêng tôi lên phòng và đưa ra quy định, một tuần mỗi người được bốn trứng gà; mật ong, mứt trái cây, sô cô la mỗi thứ một keo, mỗi keo bốn trăm năm mươi gram; nước trái cây mỗi ngày một lít nước táo, một lít nước cam, một lít nước trái cây hỗn hợp và một lít sữa. Buổi trưa mỗi đầu người một trăm gram thịt, buổi sáng, buổi chiều ăn bánh mì, thịt nguội và phó mát, không được nấu thêm món gì khác.
Tôi biết viên thuyền trưởng hồi ông còn làm thuyền phó, lúc đó còn trẻ, khoẻ mạnh ông ăn uống rất bạo và nhiều lần ông cãi cọ với thuyền trưởng về chuyện ăn uống, có lần vô bếp cự nự làm đầu bếp tức giận phang cho cái tách xém chút lỗ đầu. Từ khi ông lên thuyền trưởng, ngồi chỉ tay năm ngón nhiều hơn vận động, sợ béo phì ông ăn ít lại và không muốn người khác ăn nhiều hơn ông. Thiệt ra thì ăn nhiều là thói thường của thủy thủ trẻ còn sung sức, dù là người của bất cứ nước nào, chớ hổng riêng gì người Nga hay Ucraina. Tôi thấy cách tính toán của ông hổng ổn, mới đề nghị:
– Buổi sáng, buổi trưa thì tạm được, buổi chiều ông phải cho thêm một món gì nữa, ông cho ăn kiểu này trong vòng một tháng thịt nguội và phó mát sẽ hết sạch.
Thấy ông nhìn xuống lưỡng lự, tôi tưởng ông đồng ý cho thêm, nào ngờ ông ngước lên nói:
– Ông dọn phó mát thì không thịt nguội, thịt nguội thì không phó mát.
Rồi ông gạt tay dứt khoát:
– Thằng nào ọ ẹ ông cho tôi biết.
Chuyện thức ăn trên tàu thừa mứa, ăn không hết, đổ bỏ tôi đã ý thức được từ khi còn là thủy thủ. Khi tôi làm bếp, muốn tránh phung phí, chỉ còn cách chịu khó học hỏi cách bảo quản thức ăn và chú ý những thực đơn được nhiều người ưa chuộng. Hơn nữa thực phẩm trên tàu thường là những thứ gần hết hạn, chuyến nào đi chung thuyền trưởng như ông, mỗi khi tụi kiểm tra thực phẩm xuống kiểm, những thứ hết hạn bị liệng bỏ trông mà xót ruột. Tôi nói:
– Ọ ẹ thì hổng có đâu, dù sao đồ ăn cũ cũng còn nhiều, ông hổng cho người ta ăn, lần nào tụi kiểm tra thực phẩm xuống kiểm, bắt gặp đồ ăn quá hạn phải đổ bỏ.
Ông lạnh lùng bĩu môi, nhún vai, nói:
– Bỏ thì bỏ.
Trước kia gặp chuyện bất bình tôi hay cãi lại hoặc ra mặt thách thức, mặt dù ông lạm quyền cho thỏa mãn lòng ganh tị cá nhân, nhưng thuyền trưởng là cha mẹ mà, mích lòng ông không tốt lắm đâu. Hơn nữa, tôi đã từng chứng kiến biết bao nghịch cảnh lớn lao trong đời thì ba cái chuyện ăn uống có đáng gì đâu. Đời mà, cá ăn kiến thì có ngày kiến cũng ăn cá, người Nga cũng đâu phải hiền, tôi đã thấy người Hòa Lan sang Nga bị đánh sưng mặt hoài. Vì vậy thuyền trưởng nói cái gì tôi cũng “yes sir” cho qua, rồi sau đó tôi vẫn làm việc bình thường. Ông ta nói cho bỏ ghét thôi chớ đời nào xách cân xuống bếp cân từng miếng thịt, miếng cá. Còn thức ăn nguội như dăm bông, phó mát có thiếu cũng không sao. Mứt và sô cô la trong keo khi nào tôi thấy gần hết thì châm thêm cho đủ ăn trong tuần. Thiệt tình mà nói thì người Nga và Ucraina họ ăn không mấy gọn gàng, lấy phần ăn lúc nào cũng dư ăn không hết đổ bỏ. Người Hòa Lan ăn uống gọn gàng hơn và lấy phần ăn lúc nào cũng vừa đủ, họ ăn xong cái dĩa sạch trơn, ngoại trừ những tên hổng bình thường ra, không khi nào thấy họ bỏ thức ăn. Người Hòa Lan phần đông uống bia, nhiều thuyền trưởng có thể ngồi uống từ mười hai giờ trưa cho tới bốn năm giờ chiều, thuyền trưởng uống thì nguyên cả nhóm officers cùng uống, uống bia trừ cơm và khỏi làm việc.Trong khi đó vài người Nga có tật uống rượu say hay quậy phá hoặc bỏ bê công việc thì bị cấm, mấy năm sau này trên tàu không chứa rượu mạnh nữa, nhưng bia thì lúc nào cũng đầy đủ.
Thuyền trưởng, nói chung người Hòa Lan, khó chịu vì tập quán có chút khác biệt. Riêng thủy thủ đoàn thì vẫn sống chung nhau rất vui vẻ.
Sau hai tuần hải hành, chỉ thấy xa xa vài biểu hiện tàu lấm chấm trên màn ra đa, tuyệt nhiên không thấy bóng một chiếc tàu nào chạy cùng tuyến. Càng tiến dần qua Nam Mỹ khí trời càng ấm áp. Đêm trăng soi lung linh, dìu dịu man mác, ngày nắng nóng.
Sáng nay tàu vô hải phận Caribbean, nghe mùi hăng hăng của đất liền người nào cũng thức sớm, vô phòng ăn rót cà phê rồi bưng ra boong ngong ngóng trời mây, chỉ có vậy thôi mà người nào cũng háo hức và có người bỏ luôn bữa ăn sáng. Nam Mỹ cách Âu Châu năm giờ trừ, vậy là tàu đi được mười bốn ngày rồi. Thuyền trưởng ăn sáng xong ghé mặt vô phòng bếp nói:
– Còn ba ngày nữa tàu sẽ tới Curaçao:
– Vậy à.
Thuyền trưởng đi rồi, Jurre hấp tấp đi vô kéo tay tôi:
– Ông qua đây.
– Cái gì vậy mậy?
Hỏi vậy thôi nhưng tôi cũng bước theo, chưa tới cửa phòng ăn đã nghe từ bên trong vang vang tiếng nhạc, vừa bước vô phòng đã thấy mấy chai bia mới khui để trên bàn. Trên sàn hai thằng In Đô và hai thằng Nga đang đứng lắc theo tiếng nhạc. Jurre buông tay tôi ra và nhào vô vừa lắc lắc giựt giựt vừa hấp tấp nói:
– Bắt được radio từ đất liền rồi.
– Ồ, hèn chi...
Nhạc Nam Mỹ thường rộn rã, vui tươi nhưng không ồn, hễ nghe trổi lên tức thì con gái lắc lắc cái mông, con trai cẳng chưn giựt giựt, nhứt là bản Lambada lúc nào nghe cũng nhộn nhip. Aryadi ngưng lắc cầm chai bia đưa qua tôi. Tôi cũng giựt giựt theo mấy cái và nói:
– Mới tảng sáng mà sung vậy sao?
– Hôm nay Chủ Nhựt mà.
Tôi khoác tay:
– Tụi mày chơi đi, tao còn phải làm việc.
Thật ra trên tàu tôi không dùng bia rượu với lại tôi còn phải ướp mấy con gà, Chủ Nhựt trên tàu thường ăn gà đút lò.
Tới giờ cà phê chỉ có Slovan, thợ máy người Ucraina tới rót một tách và lấy bánh ngọt đi ra ngoài. Tôi cũng lấy miếng bánh ngọt và tách cà phê rồi cũng đi theo nó, trong tàu có máy điều hòa không khí, vừa mở cửa ra, không khí miền nhiệt đới hắt vào mặt. Tôi hô:
– Nóng quá.
Slovan đương đứng nhâm nhi cà phê và nhìn trời nhìn mây sau lái thấy tôi bước ra hắn day lại nói:
– Ba mươi tám độ C.
– Nóng, nhưng biển đẹp quá.
Tôi đi tới đứng cạnh Slovan nhìn mặt biển im lìm, trong không khí thoang thoảng mùi hăng hăng của đất liền, xa xa vài hải đảo in đậm trên mặt nước xanh và bầu trời trong vắt.
Slovan hỏi tôi:
– Ông thường qua Nam Mỹ, ông thấy thế nào?
Câu hỏi bất ngờ làm tôi suy nghĩ một lát, tôi hỏi lại:
– Ông muốn hỏi về chuyện gì?
– Đời sống và con người.
– Nói hết ra thì nhiều lắm, nhưng tóm lại thì những nước bên Nam Mỹ còn nghèo nhưng con người lúc nào cũng vui vẻ và con gái bên đó rất chịu chơi.
– Nghe nói bên Nam Mỹ mấy cô gái chơi hổng lấy tiền.
Phần đông người Nga ít khi vô bar uống bia và tới chỗ nào cũng tìm mua đồ giá rẻ và vô hội quán có uống rượu thì cũng uống mình ên, có ngồi chung thì mạnh ai nấy trả tiền. Slovan nhỏ hơn tôi vài tuổi, trước khi sang Âu Châu làm việc hắn làm giàn khoan dầu ở Việt Nam. Lần đầu gặp tôi hắn đưa tôi cái USB trong có đựng mấy video bài bản cổ nhạc và hỏi tôi có loại nhạc này thu mp3 không thì sang cho hắn. Tôi đem sang mấy bài tân cổ, một số bài bản như: xàng xê, xuân tình, nam ai, tứ đại oán và vài điệu lý. Từ đó tới nay ghé bến hắn thường đi chung với tôi và vô quán ăn nhậu cũng biết có qua có lại, cho nên nói chuyện với hắn tôi không cần dè dặt nữa. Tôi nhìn Slovan cười và nói:
– Chơi mà sợ tốn tiền thì cắt cu bỏ cho rồi.
Slovan khoát tay lia lịa:
– No... no... Tui nghe nói mới hỏi thôi.
– Nói chơi thôi, thật ra thì tuổi tui và ông còn gái gộc gì nữa.
Slovan định nói thêm gì đó chợt Donald từ ngoài boong phía trước đi vô, thấy tôi nó liền đi lại đứng trước mặt và nói:
– Nghe chú nói vùng này cá chuồn bay lên tàu nhiều lắm, nhưng mấy hôm nay sáng nào con cũng đi rảo quanh tàu tìm mà hổng thấy con nào hết.
À, thì ra hổm nay tôi hay nói về cá chuồn và thường nhắc tới chuyện ăn cá sống của già Luis làm thằng nhỏ khoái quá, mới sáng nào cũng đi ra tìm cá chuồn. Tôi nhớ có lần tàu tới vùng biển Caribbean, và cũng trong không gian yên ả như sáng nay. Tôi với già Luis đứng sau lái tàu, hôm đó không thấy già xách sô đi lượm cá chuồn, tôi hỏi già:
– Sao lần này không thấy cá chuồn?
Già chỉ tay lên khoảng không sau lái nói:
– Khi nào mày thấy trên trời hổng có bóng chim thì đưới nước cũng không có tăm cá.
– À, tôi hiểu rồi, vậy thì chim hổng có mồi để đớp và ông cũng hổng có cá chuồn tươi sống để ăn.
– Dỉ nhiên, đâu phải lúc nào cũng có cá chuồn.
Tôi lước mắt nhìn khoảng trời xanh bao la và những đám mây trắng đứng yên giữa trời không động, nhưng không thấy một bóng chim nào hết. Tôi day lại, một tay câu vai Donald một tay chỉ ra khoảng không gian sau lái, bắt chước câu nói của già Luis:
– Khi nào mày thấy trên trời hổng có bóng chim thì dưới nước cũng không có tăm cá.
Slovan chen vào nói:
– Tao nghĩ tháng này cá chuồn qua bên quần đảo In Đô tụi mày hết rồi.
Tôi nói tiếp:
– Nếu tao nhớ không lầm thì tháng Ba tháng Tư nơi đây mới là mùa cá chuồn. Vậy thì mày phải chờ tới mùa xuân mới ăn được cá chuồn tươi sống.
– Không không, con không bao giờ ăn cá sống.
Donald lắc đầu, le lưỡi, dùn mình một cái và vừa nói vừa day lưng định đi vô trong. Chợt bốn đứa ở trong phòng, nãy giờ nhảy nhót đã rồi, mỗi đứa tay cầm chai bia, đi ra đứng sau lái tàu và tiếp tục uống. Jurre xách theo máy chụp hình, vừa uống bia vừa nhắm ống kính chụp hải đảo và trời mây...
Nếu hôm nay nhằm mùa cá chuồn thì người xách sô đi lượm cá, người đốt lửa, rồi xúm nhau góp bia rượu ra bày tiệc, cá chuồn đem tới cứ thảy nguyên con, nguyên cánh lên lò. Cá chuồn tươi nướng bay mùi rất thơm, ăn thịt rất ngọt và rất bùi, người nào hổng thích ăn cá nướng thì cứ việc mổ cá ra lóc thịt xơi tái liền tại chỗ. Thấy mọi người cao hứng uống bia khan, tôi vô trong cắt một dĩa phó mát và kèm theo một muỗng mù tạt bưng ra để lên đầu cột trụ và nói:
– Rất tiếc, mùa này hổng có cá chuồn tươi để nhậu, vậy thì mời mọi người nhậu đỡ phó mát vậy.
Tất cả reo lên:
– Thank you... thank you...
Slovan kêu Donald vô lấy thêm bia. Nó liền đi vô bưng ra nguyên thùng bia, khui mời mọi người rồi vui vẻ và đưa chai lên cụng...
Biết rằng tàu viễn dương hiện đại, ít gặp hiểm nguy, có đi qua biển lớn rồi cũng tới bến an toàn. Nhưng trên đại dương mênh mông, suốt hai tuần lễ tuyệt nhiên không một chiếc tàu đi cùng tuyến, làm người thủy thủ cảm thấy bé nhỏ, cô đơn và bơ vơ giữa trời nước bao la. Cho nên vừa thấy hải đảo, nghe tín hiệu ra dô và mùi vị của đất liền thoảng trong không khí thì trên mặt người nào cũng lộ rõ nét vui mừng và hớn hở nhảy nhót hát ca...
Caribbean 15-01-2015
Nguyễn Lê Hồng Hưng