Nguyễn Lê Hồng Hưng


Về một chuyến đi

.

Từ ngày xuống tàu cho tới nay, cũng hơn hai tháng rồi, thường gặp gió to, sóng lớn, mưa nhiều. Cho tới hôm nay sóng, gió mới chịu ngừng và mưa không còn nữa. Khí trời vùng này tuy lạnh nhưng không buốt, hôm nay trời nắng và mặt biển trơn láng như mặt thủy tinh. Trên không, sau lái tàu chim nhàn bay cả bầy. Dưới nước, trước mũi tàu, một bầy cá nược đua trông nhộn nhịp vô cùng. Tôi có thói quen gặp cảnh đẹp và vui, tôi hay chăm chú theo dõi, tôi đứng nhìn bầy cá nược rất lâu, cá nược lâu lâu mới gặp chúng đua một lần. Chim nhàn thì mùa nào cũng có, bất cứ ở nơi đâu, xứ lạnh tuyết, băng hoặc xứ nóng như thiêu, nói chung từ Nam Cực lên Bắc Cực ra tận giữa Thái Bình Dương, chỗ nào cũng thấy chim nhàn bay theo lái tàu. Đàn cá nược đua rất trật tự và ngay hàng thẳng lối theo hông hoặc trước mũi tàu. Thỉnh thoảng vài con phóng lên khỏi mặt nước và rơi xuống lao chao qua lại rồi cũng bơi theo một đường thẳng, hình như chúng chăm chú chỉ có cuộc đua thôi. Nhìn tốc độ chúng đua theo tàu, rất thong thả. Tàu chạy trên dưới mười bảy hải lý, tức trên dưới hai mươi lăm cây số một giờ, có lẽ chúng không có ý tranh phần thắng nên không thấy có dấu hiệu cố sức và cũng không một chút nào lơ là. Chúng có thể bơi nhanh hơn tốc độ con tàu, nhưng chúng cứ thong thả trước mũi tàu theo đường thẳng mà bơi. Cũng như chim nhàn, thỉnh thoảng nhấp cánh một cái rồi dang thẳng hai cánh thả theo tàu, tàu tới đâu chúng tới đó và trong lúc chúng nhấp cánh đứng yên lấy trớn, trước khi từ trên lao xuống như mũi phi tiêu thẳng một đường, ùm xuống lặt nước, khi cất cánh lên thì trên mỏ đã gắp được con mồi. Tuy thấy động tác chớp nhoáng nhưng rất nhẹ nhàng, thong thả không lệch lạc chút nào, đặc biệt hơn nữa là không thấy chúng giành giựt hay cắn mổ nhau vì một con mồi.

***

Mấy chục năm làm đầu bếp trên tàu buôn, nấu cho nhiều loại người ăn, từ giám đốc công ty, officers cho tới những thủy thủ ít học, tôi hay chú ý cách ăn uống của họ và có sự so sánh này. Mặc dù mỗi con người, mỗi dân tộc, có đạo hay không theo đạo gì hết, phần đông con người ta hay đứng núi này trông núi kia, ăn uống ít khi nào chú tâm tới món ăn trước mặt, dọn ra món này thì ước ao được ăn món khác. Có vài thuyền trưởng hể uống bia thì ngồi miết từ trưa cho tới chiều, thuyền trưởng làm sao thì đám phụ tá làm theo vậy. Nhưng thấy họ có chú tâm uống bia đâu, ngồi tụm lại người này nói, người kia nói, lâu lâu ngước cổ đổ bia vô họng rồi lấy trớn nói tiếp, làm như bia là dầu bôi trơn cho mấy cái máy nói chạy. Hổng biết chuyện gì mà ngày nào cũng tụm lại vừa uống bia vừa nói chuyện, đàn ông không mà cũng nhiều chuyện quá trời, có khi mê nói mà bỏ luôn cả bữa ăn. Tôi có làm chung với thuyền trưởng phụ nữ, nhưng đàn bà thường sống kỷ luật hơn, đúng giờ giấc hơn và các bà đâu có ngồi lê đôi mách hàng giờ, uống bia và nhiều chuyện như mấy ông. Mỗi khi quan sát cá nược và chim nhàn, tôi nghĩ tới sự chú tâm (mindfulness), ngôn ngữ phật giáo gọi là “chánh niệm”, tôi thấy ngoài những chùa chiền ra, nhiều nơi trên thế giới này có nhiều trung tâm tổ chức thực tập chánh niệm, nhưng càng ngày con người càng lộn xộn, sống trong sợ hãi và bất an. Xem ra chim nhàn và cá nược khỏi cần thực tập, có lẽ từ khi có loài chim, loài cá cho tới nay chúng vẫn hồn nhiên vui sống trong chánh niệm.

***

Mấy ngày nay biển tương đối êm, tàu tới bến không bị trễ như những ngày gió to sóng lớn. Khi tàu yên vị cảng đảo Las Palmas cũng vừa đúng giờ ăn sáng. Sau khi dọn bữa điểm tâm cho mọi người, tôi trở vô phòng bếp lo cho bữa ăn trưa. Một lát sau tôi qua phòng ăn dọn dẹp, hơi ngạc nhiên khi thấy mọi người bỏ đi đâu hết mà dĩa thức ăn của người nào cũng còn thừa. Đương thắc mắc chuyện gì xảy ra, thì nghe tiếng xôn xao bên phòng làm việc của thuyền phó, tôi ngó qua thấy cảnh sát và nhiều nhân viên đứng chật cả phòng, có mấy người đứng ngoài cửa và mặt mày người nào cũng có vẻ khẩn trương. Thấy một thủy thủ đi ngang, tôi bèn hỏi:

– Có chuyện gì?

Anh ta trả lời một tiếng:

– Stowaway!

– Oh!

Tôi giựt mình đánh độp một cái. Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà từ thủy thủ cho tới thuyền trưởng rất sợ phải đối mặt trên những tuyến đường. Hơn một ngày trước tàu lấy hàng ở hải cảng Casablanca, thủ đô nước Ma Rốc, cảng này được rào bằng rào sắt và canh phòng cẩn thận, ai muốn ra, vô thì phải qua mấy trạm kiểm soát và thủ tục rất rườm rà. Mỗi khi tàu ghé bến, cũng như các cảng khác ở Châu Phi, nhân viên trụ trách an ninh cảng, cho thêm ba người xuống tàu cùng với một thủy thủ canh chừng stowaway. Hổng biết bằng cách nào anh này vượt qua những rào cản, lẻn được lên tàu và chui xuống khoang mà cả bốn người canh gát không người nào phát hiện. Khi tàu lấy hàng xong, đóng hầm lại và rời cảng, anh ta bị kẹt dưới khoang. Cho tới sáng nay, sau khi tàu cặp bến, một thủy thủ nghe tiếng gõ lạch cạch dưới nắp hầm, anh ta liền xuống xem, mới phát hiện ra một thanh niên người Ma Rốc mệt mỏi, ngất ngư miệng phát ra tiếng khàng khàng hỏi xin nước uống và thức ăn, anh lên thông báo cho thuyền truởng biết. Nghe qua mọi người tá hoả, bỏ ngang bữa ăn sáng, đi ra xem stowaway. May mắn cho thuyền trưởng, anh ta lỡ chết trong khoang thì ông bị rắc rối cũng không ít và cũng may cho anh ta, chuyến đi chỉ một ngày rưỡi, nếu đi một hai tuần lênh đênh trên biển thì anh ta toi mạng là cái chắc.

Trong đời thủy thủ, đây là lần thứ ba tôi đối mặt với những hành khách không có giấy tờ, không trả tiền mua vé và có tên là stowaway, tức là người trốn theo tàu. Những lần trước, cách đây hai, ba chục năm rồi, cũng trên vùng duyên hải Phi Châu này, tôi đã gặp và cũng thường nghe nói, có khi năm sáu mạng trốn trong một container trong suốt hải trình. Cho đến khi container chứa họ được bốc lên bến cảng, thủy thủ đoàn mới phát hiện ra thì người nào người nấy ngất ngư gần chết. Theo tôi biết được thì đi cách này, khi bị bắt, họ phải được đối xử một cách nhân đạo, trên tàu phải lo cho ăn, uống đàng hoàng. Khi tới một bến cảng thuyền trưởng phải thông báo cho cảnh sát biết để cảnh sát xuống thăm. Nếu có toà đại sứ của họ ở nước sở tại xuống nhận thì có thể bàn giao họ cho toà đại sứ, và công ty tàu phải trả chi phí hồi hương người trốn cùng với một người hộ tống về nước. Tôi biết đại khái vậy thôi, vì lịch sử của stowaway đã có hơn trăm năm rồi và mỗi một quốc gia làm thủ tục hồi hương hoặc cho những stowaways nhập cảnh cũng khác nhau.

Dạo đó tôi không nghĩ nhiều về chuyện này đâu, vì tôi cũng là người trốn chạy bằng đường biển, có tên là Boat People, cũng là người muốn muốn rời khỏi quê hương mình mà lại có tên gọi khác nhau. Nhưng tôi thì may mắn có Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, sau đó được nước Hoà Lan  chấp nhận cho sang định cư. Chuyến đi của tôi tuy có gian nan, nguy hiểm, nhưng về việc định cư có phần thuận lợi hơn những stowaway. Tôi còn nhớ cho tới hôm nay, dạo đó tôi nhớ quê hương tôi lắm và muốn quay trở về, nhưng tình hình chánh trị trên quê hương của tôi lộn xộn quá nên tôi chưa về được. Cho tới những năm sau này, nghe nói đất nước tôi thanh bình, không còn cảnh xáo trộn như trước nữa nên tôi mới về thăm. Nhưng về tới nơi tôi mới biết, cái quê hương tôi mang theo trong lòng mấy chục năm, từ cảnh vật cho tới tình người, tất cả đã đổi thay, không còn chút dấu vết nào hết. Bây giờ tôi mới thấm thía hai từ ‘dâu bể’! Cũng từ đó cái nhìn và mọi suy tư của tôi về quê hương đất nước hoàn thay đổi.

Cả đời phiêu bạt, xa quê hương đất nước, nhưng thời gian sau này nhờ internet mà tôi liên lạc được với các bạn trẻ trong nước, lao động nước ngoài, du học sinh, nghiên cứu sinh. Ngoại trừ thành phần con ông cháu cha và con các đại gia, phần đông được tiếng đi du học, nhưng thật ra chúng ăn chơi phè phỡn, bọn người này muốn ở lại nước nào thì chúng được cha mẹ bỏ tiền sắp xếp nơi định cư cho chúng. Còn thành phần khác thì rất khó, nhưng qua nhiều lần nói chuyện, tôi thấy người nào cũng có tâm trạng na ná như nhau. Nghĩa là, trước khi lên đường ra ngoại quốc làm việc, ngoài chuyện kiếm tiền, họ còn hy vọng mang về những kỷ niệm về danh lam thắng cảnh, những kinh nghiệm văn hóa của đất nước, con người nơi xứ lạ... Nhưng đi không bao lâu thì gặp phải quá nhiều áp lực, và quá nhiều thất vọng, cảm thấy mệt mỏi lại muốn trở về quê, sống tại một nơi bình yên. Nhưng sau khi về  ở quê nhà một thời gian, cảm thấy chẳng những bất an, mà còn bị nhiều áp lực và rồi bị hụt hẫng, chịu hổng nổi, lại tìm đường đi tiếp. Nhiều người gom góp, vay mượn tiền bạc trả cho chuyến đi, để rồi bị chết rải rác trên đường hoặc tập thể trong một container.

Nhưng dù sao tôi cũng là đầu bếp, phải nghe lệnh thuyền trưởng, nấu thêm phần ăn cho stowaway. Thuyền trưởng giao mỗi bữa phải đem thức ăn cho thằng nhỏ, ông giao luôn cho tôi chìa khoá phòng nhốt thằng nhỏ và dặn tôi phải canh chừng nó. Chết chưa, đầu bếp kiêm luôn chức giữ… tù! Vì chưa có kinh nghiệm giữ người nên bữa đầu tôi đem cơm lên cho thằng nhỏ, nó hỏi tôi xin nước và cái ly. Tôi đi xuống bếp lấy ly và nước cho nó, ỷ y như không có gì, tôi không khoá phòng lại và gắn chìa khoá trong ổ khoá cửa. Tôi đi xuống bếp chưa đầy một phút, trở lên đưa ly cho nó, khi tôi đi ra định khoá cửa lại mới phát hiện chìa khoá không cánh mà bay. Tôi hỏi nó, nó nói nó hổng biết. Tôi xuống báo thuyền phó và phụ thợ máy, hai đứa lên xét phòng, lục lọi tùm lum cả buổi mà hổng thấy chìa khoá ở đâu hết. Thuyền phó và phụ máy nghĩ tôi làm rớt chìa khoá đâu đó nên nó khoá cửa lại bằng passkey, loại chìa khoá mở được các phòng, hơn nữa tàu đã nổ máy chuẩn bị khởi hành và cầu thang cũng đã rút lên rồi, thằng nhỏ có trốn chạy cũng không khỏi.

Nhưng không ngờ, trong khi mọi người lu bu lo chuẩn bị cho tàu khởi hành. Thằng nhỏ mở cửa phòng dọt ra ngoài, rồi chạy dọc theo thành tàu tìm đường thoát thân. Thủy thủ phát hiện hô lên om xòm ngoài boong. Nghe tiếng hô, tôi liền chạy ra boong xem chuyện gì, thì thấy thằng nhỏ bận chỉ có cái quần xà lỏn, và áo thun. Từ trên thành tàu cao độ chừng hai ba thước mà nó dám phóng lên kè đá và té lăn cù, may không bị trẹo chân, tức tốc nó đứng lên chạy chối chết. . . Trong khi thủy thủ bắc xong cầu thang thì thằng nhỏ đã phóng nhanh như ngựa phi, chẳng bao lâu đã mất dạng trong những containners. Nguyên bãi  containers, bao nhiêu là kẹt, hóc hàng ngang, hàng dọc, biết nó trốn trong ngõ ngách nào mà tìm. Thuyền trưởng cũng đã gọi điện báo cho cảnh sát trên cảng, nhờ họ tìm bắt dùm. Tàu đã nổ máy rồi, bây giờ phải tắt máy đậu lại chờ. Cũng may cho thuyền trưởng, chưa đầy giờ sau cảnh sát đã bắt được thằng nhỏ và chở xuống giao cho ông. Nếu thằng nhỏ trốn thoát hoặc có chuyện gì thì ông lãnh đủ chớ hổng phải chơi.

Từ hôm đó trở đi thuyền trưởng không giao cho tôi giữ thằng nhỏ nữa, tôi chỉ làm phần ăn rồi đưa cho thuyền phó và ông bưng lên phòng cho nó. Lần này thuyền trưởng cẩn thận hơn, ông viết một tờ giấy ghi phòng của stowaway dán lên cửa là chỉ có ông và thuyền phó mới được vào. Đã vậy mà ông vẫn còn chưa an tâm. Mỗi khi tàu ghé bến, ông đặt một chiếc ghế trước cửa phòng stowaway, rồi cắt ra một thủy thủ ngồi canh, cho tới khi tàu rời bến mới thôi.

Thằng nhỏ theo hơn một tuần. Khi tàu ghé Gijon nhân viên toà đại sứ Ma Rốc xuống nhận thằng nhỏ. Cả tàu ai cũng thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Tất cả đều vui khi tàu quay trở lại biển. Nhưng riêng tôi thì suy nghĩ nhiều về những người sống trên đất nước nghèo khổ, muốn đi tìm một nơi khác để đổi đời và những người sống trong những quốc gia độc tài, hễ có cơ hội, họ trốn chạy để thoát thân. Có thể đây là một trong những nguyên nhân tạo cảnh xáo trộn trong cuộc sống trên thế gian này? Mấy ngày qua tôi suy nghĩ nhiều quá, đầu óc không tập trung, muốn thành chim, thành cá, không suy nghĩ gì nữa hết mà không sao làm được. Rồi hôm kia tôi ghé hội quán, tình cờ gặp một cậu sinh viên Việt Nam theo tàu thực tập, lâu lắm rồi tôi mới gặp người Việt bên trời Âu xa tít này. Hỏi thăm nhau, mới biết cậu ta học nghề cơ khí. Qua hồi nói chuyện, cậu ta tâm sự, nhiều người trong nước, ước mơ được ra nước ngoài và thường với những chuyến đi xa là cả niềm hãnh diện của gia đình, cho họ hàng và cho cả bà con chòm xóm. Thấy tôi nhìn thẳng cậu ta và  chú ý lắng nghe. Cậu ta thao thao nói:

– Theo cháu thì ra đi không chỉ là đi ngao du ngắm cảnh mà còn mang theo trách nhiệm và để hoàn thành mục tiêu.

Nghe tới đây tôi mới chặn và hỏi:

– Trách nhiệm gì? Mục tiêu gì?

Cậu ta trả lời không ngập ngừng:

– Trách nhiệm với gia đình và định học xong cháu sẽ tìm việc làm trên tàu của nước ngoài.

Trước kia, trên bước đường lang bạt, gặp những bạn trẻ, tôi thường hỏi thăm chuyện quê hương đất nước và góp ý chuyện này, chuyện kia... Không hiểu sao bây giờ nghe cậu ta nói, tôi chỉ nhìn cậu ta mà đầu óc trống trơn và hổng biết trong lòng thương hay ghét, vui hay buồn? Cuối cùng tôi cũng moi ra được một câu. Gật gù cái đầu và nói:

– À à, mục tiêu đi nước ngoài, cũng là... một lý tưởng!

– Sao chú?                                                     

Tôi chỉ tay xuống ly bia

–  Hổng sao hết, uống cạn cái này mình chia tay được rồi...

Trên đường hải hành tôi đã từng gặp nhiều người Việt sống tha phương, có vài lần tôi đã gặp đồng hương gạ gẫm, mua chuộc, để mong có được cơ hội bỏ cái xứ sở mà luôn luôn tự hào là "quê hương ta giàu đẹp" và "rừng vàng biển bạc".

Từ giã cậu sinh viên, đi trở xuống tàu, tôi chợt nghĩ giả sử trong thời gian này gặp một stowaway người Việt, không biết tôi sẽ có cảm giác ra sao và cư xử với họ như thế nào nữa?

.

Trong quần đảo Canary, 02.1.2020
Nguyễn Lê Hồng Hưng


Cái Đình - 2020