nguyễn như mÂy


Vài nét về những thăng trầm của nhà thơ Hữu Loan, tác giả “Màu Tím Hoa Sim”

Chân dung nhà thơ Hữu Loan (Ảnh: http://cob.cdcs.selu.edu/)

Đà Lạt là “Quê hương Thứ hai” của tôi từ lúc tôi mới sắm xe gắn máy Goebel – năm ấy tôi 17 tuổi. Nay, tuy bị khớp hai đầu gối rồi nhưng tôi vẫn “máu” khi chạy xe gắn máy từ Phan Thiết lên Đà Lạt để lang thang hay gặp gỡ bạn bè văn nghệ và ngồi quán cà phê rồi khoảng 14 giờ lại vượt qua hai cái đèo là đèo Prenn và đèo Đại Ninh (hoặc đèo Gia-pắc) để về nhà trong ngày, nếu hôm ấy không có “cớ” gì để ngủ pụi ở Đà Lạt! Tôi đi vậy suốt mấy chục năm nay đã thành thói quen rồi, nếu để lâu mà không được đi là tôi sẽ bị bịnh nặng hơn (?)

Cuối năm 1990, trong những ngày “ăn cơm bá tánh” ở “Quê hương thứ hai” ấy, tôi được quí anh Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự là chủ tịch và phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Lâm Đồng biết tôi đang đi pụi nên đã ưu ái nuôi ăn và ở khá lâu ngày tại trụ sở Hội. Trong thời gian ấy, tôi được hân hạnh gặp và nghe nhà thơ Hữu Loan (tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim”) kể chuyện văn nghệ miền Bắc và những vui buồn của đời mình... Lúc ấy, ông đang là khách quí của Hội và của cả Đà Lạt.

Cũng như nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988), tác giả bài thơ nổi tiếng “Tây Tiến”, sau 1951 bị ngược đãi về nhiều mặt từ tinh thần tới vật chất một phần vì có lúc ông đã tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng dù ông có nhiều công trạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thơ Hữu Loan (1916 - 2010), tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” cũng đã phải sống trong những bức bách tệ hại và những khó khăn tưởng chừng như không bao giờ có dành cho một nhà thơ, một chiến sĩ luôn hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc.

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, quê làng Vân Hoàng (xưa là làng Ô Lỗi), huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá. Ông ra Hà Nội thi đậu Tú tài năm 1941, được bổ làm quan Thông phán ở Đà Lạt mấy năm rồi bỏ về quê nhà. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông là một trong 4 người lãnh đạo cướp chánh quyền ở địa phương mình là huyện Nga Sơn (Thanh Hoá). Sau, ông được gọi về tỉnh phụ trách một lúc 4 cơ quan gồm: Ty Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Nhưng tới mùa hạ năm 1946, do bất bình việc nội bộ, ông đã xin về quê!

Lúc Toàn quốc kháng chiến, ông lại được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn Liên khu Bốn. Lúc này, người ta đều biết tới các bài thơ của ông như: Đèo Cả, Hoa Lúa, Những Làng Đi Qua và nhất là bài thơ “Màu tím hoa sim” ông viết để tưởng nhớ hiền thê của mình (là bà Lê Đỗ Thị Ninh) chỉ mới cưới khoảng 2 tháng thì bị chết đuối vì trượt chân ngã xuống sông trong khi giặt áo quần...

Các năm 1948 - 1949, Hữu Loan được đề cử làm trại trưởng Trại sáng tác Lam Sơn tổ chức tại Thanh Hoá. Trong trại viết này có các nhà giáo, nhà trí thức nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh...

Tới cuối cuộc kháng chiến, vì bất bình nội bộ (?), ông lại xin từ chức để về làng! Và rồi, khi “hoà bình lập lại”, Hữu Loan được “vời” ra Hà Nội làm báo Văn Nghệ (thường trực ban Thơ của báo lúc ấy là nhà thơ Tế Hanh). Và sau đó, năm 1957, trong Đại hội Hội nhà văn Toàn quốc lần thứ nhất, ông là một trong vài người có công sáng lập Hội. Nhưng rồi qua năm sau (1958), ông lại “xin về vườn” ở quê nhà. Đây là lần cuối cùng Hữu Loan từ giã “chính trường” văn nghệ để lui về ở ẩn.

Nhưng Hữu Loan đã không thoát khỏi việc bị “phê bình” và bị người ta “treo bút” vì ông đã viết bài thơ “Màu tím hoa sim” và vì ông có “dính” tới “vụ án” Nhân Văn và Giai Phẩm do Phan Khôi chủ trương... Trong “vụ án” này còn có khá đông các trí thức khoa bảng, nhà thơ, nhà báo, học giả tên tuổi như các ông Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Văn Cao, Phùng Quán... Tác phẩm của các vị này do đó  đã bị cấm đăng, cấm xuất bản trong thời gian khá dài...

Oái oăm thay, ngày 23 tháng 12 năm 1990, ngay tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi họp mặt gồm các nhà văn, nhà thơ từng bị “đánh” thậm tệ ngày nào trong đó có Hữu Loan, Phùng Quán...! Và sau này, các ông nói trên đều được người ta “phục hồi” lại danh dự và nực cười thay, tác phẩm ngày nào bị phê bình “chết lên chết xuống” thì nay lại được “cho phép” xuất bản công khai; trong đó có bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan! Có một điều đáng nói là: khoảng tháng 12 năm 2004, bài thơ nổi tiếng này được Công ty Điện tử Vitek VTB của Sài Gòn mua đứt bản quyền với giá 100 triệu đồng khi tác giả đã ở vào tuổi gần 90! Sự việc này đã gây xôn xao dư luận trong giới văn nghệ trong và ngoài nước một thời gian. Đây cũng là lần đầu tiên ở nước ta có một tác phẩm văn học được mua với giá cao ngất trời vào thời điểm ấy. (Người thứ hai về sau này là nhà thơ Trần Đình Thu với bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” cũng với mức giá tương tự).

Đêm ấy trời Đà Lạt khá lạnh, tôi đem rượu ra mời hết các anh uống cho ấm lòng. Trong giây phút lắng đọng của tâm hồn và của sương khói cao nguyên, chúng tôi được Lão Thi sĩ Hữu Loan đọc cho nghe vài bài thơ khác của ông được in lẻ tẻ từ năm 1960, trong đó có đoạn:

... Khi nắng chiều tắt thở
trên hàng cau úa vàng
bóng từng đôi nạng gỗ
đi kều trên đường làng
đàn ai trong chiều tàn
từng âm rơi như vỡ ...

Hoặc :

... Em là đôi mắt
xưa ngời xanh lam
của chàng lính trẻ say em hát
ngồi lặnh hình dung
                 mắt
                    một nàng ...

Trích bài thơ nhan đề “Ngày mai”, viết năm 1947,

tác giả đề tặng cô Thuỷ, hộ lý trại Thương binh huyện Thanh Chương ...

 

nguyễn như mÂy

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/vainetvenhungthangtram.htm


Cái Đình - 2021