Nguyên Ngôn


Uyển

.

Niềm vui bùng vỡ. Hàng cây xương rồng trổ bông. Đám nga dọc bờ sông trổ cờ. Cây bằng lăng đơm bông tím tình yêu rực rỡ. Tất cả các nét đẹp thiên nhiên xuất hiện do sự xuất hiện của một cô gái. Không, phải nói là một nàng tiên vừa xuất hiện.

Thời dụng biểu của anh học trò nghèo phải thay đổi. Anh học trò phải bỏ ra buổi trưa nửa giờ, buổi chiều nửa giờ để len lén đón nhìn tiên nữ đi học ngang nhà. Anh học trò tên Độ. Anh vừa mới đậu bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Rắn đã thay da. Cua vừa lột vỏ. Anh bước lên một từng lớp mới. Anh có thể làm quan: thiếu úy Bảo An hay Thẩm Sát Viên Cảnh sát. Người ta nhìn anh học trò như thế.

Chính hắn, hắn chỉ biết mình là anh học trò lớp Đệ Tam, ban B. Hắn học buổi sáng. Đây là năm học nhàn nhã sau cùng của thời học sinh, đầy mộng mơ lãng mạn. Hắn đứng dưới tàng cây bằng lăng, đờ đẫn, ngây dại, thất thần nhìn nàng tiên của hắn đi qua. Nàng tiên sáng chói, đẹp rực rỡ, đẹp hơn cả các tượng nữ thần. Sức sáng chói thần tiên của nàng đủ để soi rọi, làm bừng sáng các cõi u minh trần thế. Nàng tiên chẫm rãi, nhẹ nhàng, thoáng một cái đã đi ngang qua hắn. Ánh mắt đờ đẫn, siêu hồn, lạc phách của hắn làm cho nàng tiên bối rối, e thẹn cuối đầu. Nàng tiên đã đi qua từ lâu, hắn vẫn còn đứng trơ ra đó. Hắn đã đánh mất linh hồn. Hắn biến thành tượng đá. Tượng đá đứng cạnh gốc bằng lăng từ tạo thiên lập địa đến giờ.

Bác Năm gái, người láng giềng của Độ bước đến bên hắn nhỏ nhẹ:

– Cô gái đẹp thiệt!

Độ sáng mắt:

– Bác Năm thấy cổ đẹp thiệt hả?

– Ừ, đẹp thiệt: ngũ quan rực rỡ, mắt sáng lấp lánh, làn da trắng, trong sáng, tóc óng mượt, tướng sang, thần thái cao quí. Bác Năm gái tuông ra một hơi.

Độ ngẩn ngơ. Hắn chỉ biết đẹp là đẹp, hắn chưa bao giờ có cái nhìn phân tích như thế. Bác Năm gái nói tiếp:

– Cổ đặng hào con.

– Là sao? Độ hỏi.

– Là sanh nhiều con. Bác Năm gái trả lời.

Độ thắc mắc:

– Sao bác biết?

– Dù cô bé còn nhỏ, nhưng vóc dáng đã bắt đầu lộ ra rồi: lưng ngắn, chân dài, eo thắt, mông nở. Ông bà mình nói gái trổ mã.

Sự diễn tả của Bác Năm gái làm cho Độ đỏ mặt. Cái đẹp của các cô gái trong con mắt của Độ là cái đẹp mang tính nghệ thuật, chưa bao giờ Độ nghĩ đến cái đẹp da thịt của các bộ phận mẫn cảm trên thân thể các cô gái.

Chiều xuống. Mặt trời đỏ ối xuống dần ở chân trời, trên cánh đồng, đằng cuối con sông. Ráng chiều đẹp rực rỡ, màu đỏ cam, rơi xuống đáy nước, phản chiếu lên hàng dừa ven sông. Độ ngỡ ngàng tự hỏi, ôi trần gian đẹp như thế sao? Một con nhạn lẻ loi, cô đơn bay xuôi theo dòng nước, về phía cánh đồng. Hắn nhìn theo con nhạn, chạnh lòng nghĩ đến cô gái trên con đường đất dọc bờ sông, hồi nãy. Giờ nầy cô đang làm gì? Cô sống với ai? Cha, mẹ, anh, em? Tại sao mấy năm nay cô chưa xuất hiện? Gặp mình, không biết cô nghĩ gì?

Trưa hôm sau, cùng chỗ cũ, Độ ngây dại nhìn nàng tiên của mình đi ngang qua.

Chiều hôm sau, cùng chỗ cũ, Độ ngây dại nhìn nàng tiên của mình đi ngang qua.

Và cứ như thế đến trưa ngày thứ bảy, cô gái không còn bối rối cuối đầu để đi ngang qua hắn nữa. Tay mặt cô cầm một chồng tập sách, dựng nghiêng nghiêng vào hông. Không rõ từ lúc nào, cái dáng vẻ như thế nầy đã trở thành kiểu dáng thời thượng của các cô sinh viên và lần lần lan xuống các cô nữ sinh trung học. Cô gái thoáng nhìn Độ, im lặng, bước chân vẫn dịu dàng lướt qua, mặt hơi thoáng nét cười tươi. Ôi! Thiên đường mở cửa ngay trước mắt. Độ bối rối, tim đập loạn nhịp, hơi thở đứt khoảng. Trần gian biến mất. Không có loài người. Không có ai cả. Không có bài vở, trường học gì hết. Chỉ có nàng tiên vừa bước ra cửa thiên đường. Độ cảm thấy mình nhỏ bé, hèn mọn, xấu xí, đầu óc trống không, ngu muội, ngẩn ngơ. Những câu văn chương lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn, những lời thơ tình ướt át của Xuân Diệu trốn khỏi đầu óc hắn. Hắn đã từng nhận được danh hiệu Xuân Diệu Sa Đéc do thầy dạy Việt văn ban cho. Nhưng bây giờ bỗng dưng hắn trở thành si ngốc, trong đầu không có một chữ. Cô gái lặng lẽ đi qua. Bóng cô xa dần, loáng thoáng sau những bông màu trắng vàng của đám cây nga vươn lên từ mé nước. Vài cánh bông bằng lăng lất phất bay theo gió.

Cho đến một ngày kia, một ngày khó quên trong suốt cuộc đời Độ, khi đi ngang qua hắn, cô gái cất tiếng nhẹ nhàng thanh thoát như tiếng hát:

– Em tên Uyển.

Chỉ với ba tiếng nầy, lập tức Độ được cứu rỗi, thoát ra khỏi cõi triền phược, bước thẳng vào vườn địa đàng. Ta không hối tiếc đã mò xuống trần gian. Ta không sinh lầm thế kỷ. Cỏ cây hòa âm một nhạc khúc êm đềm. Sông nước mơ màng lãng mạn. Cây cầu ván bắt qua rạch nên thơ. Ôi! Cõi đời sao có thể đẹp đến thế nầy. Độ bay lãng đãng vào cõi mộng, rơi vào vùng vong ngã, không còn biết mình là ai. Vâng, hắn quên cả tên của mình:

– Tôi… tôi… tê...n. Hắn nói cà lăm không ra tên mình.

Uyển lướt ngang qua hắn, miệng mỉm cười phớt qua một chút tinh ranh thông minh, bước lên cầu ván thấp thoáng sau đám bông cây nga ở bờ sông.

Độ lạc vào cõi mộng, quên mất đường về. Trong cõi thực, hắn đánh mất những khuôn thước, chừng mực đã từng biến hắn thành một học sinh mẫu mực, chăm chỉ để cho các bạn học cùng trường ngưỡng mộ. Mỗi sáng thứ hai đầu tháng, ông hiệu trưởng phát bảng danh dự trước sân cờ, tên của Độ được gọi lên trước nhứt.

***

Độ là con một nông dân nghèo ở làng quê Tân Phú Trung. Trường học trong làng chỉ đến lớp Ba. Độ phải vượt qua một kỳ thi tuyển cam go mới được nhận vào lớp Nhì trường Tiểu Học Rạch Rắn. Độ phải ở trọ tại tỉnh lỵ Sa đéc để học lớp Nhì. Con đường từ xã Tân Phú Trung ra tỉnh lỵ Sa đéc chưa thể đi xe đạp. Ba má Độ không có bà con ở tỉnh lỵ, cũng không có đủ tiền để cho Độ ở trọ, ăn cơm tháng. Ba Độ cùng với vài phụ huynh học sinh khác cất một ngôi nhà lá trong xóm lao động ở Rạch Rắn cho Độ và ba học sinh khác tạm trú để đi học. Cái đám nhóc tì trên dưới mười tuổi nầy, phải tự đi chợ, nấu cơm, rửa chén, xách nước, quét dọn nhà cửa, tắm giặt, nghĩa là phải tự chăm sóc cho mình mọi mặt. Thỉnh thoảng có người trong xóm ra chợ, ba má Độ gởi ra gạo, củi, cá, khô, nước mắm, trái cây… Sáu năm qua rồi, lớp Nhì, lớp Nhứt, đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ bình thản trôi qua. Từ lớp Nhứt, Độ thi đậu thẳng vào đệ Thất, khỏi qua lớp Tiếp Liên.

Bây giờ, ở vào độ tuổi không còn là con nít, nhưng vẫn chưa phải là người lớn nầy, Độ và các bạn học thành “triết gia” ngang xương. Mỗi đứa viết lên vách môt vài câu “triết lý”:

Nào là “Không ai có thể tắm hai lần cùng một giòng sông”.

Nào là “Tình yêu là sự hiến dâng, không phải là sự chiếm đoạt”.

Nào là “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết vậy.”

Thấy vậy, Phi cũng cầm phấn lên viết một câu “Giàu là ngon liền”.

Phi là bạn học của Độ từ năm đệ Thất, thường đến chơi với Độ, thực tế hơn và ngổ ngáo hơn. Bọn bạn học của Độ cảm thấy đây là một câu hạ đẳng, không trí thức, không văn chương, phàm phu tục tử.

Phi phùng mang, trợn mắt cãi cho bằng được rằng, nhân sinh quan của hắn là thức thời, là thực tế. Hắn cho rằng bọn Độ mơ mộng viễn vông, là đi trên mây.

Phi rất ham mê tiền và quyền lực. Vì học dở, không có hy vọng gì có thể tiến xa hơn trên đường học vấn, vả lại tuổi đã lớn, Phi ghi danh xin học khóa sĩ quan Bảo An.

***

Sự lì lợm trường kỳ bảy ngày mỗi tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm qua của Độ, rốt cuộc được đền đáp. Uyển cho phép Độ cùng đi một đoạn ngắn trên đoạn đường Uyển về nhà. Độ ngạc nhiên trước vẻ đẹp uyển hoặc của Uyển. Uyển toát lên một vẽ đơn sơ thần bí trong chiếc áo dài trắng học trò, quần đen, dép nhựt đen, tóc xõa xuôi ngang lưng. Nét đẹp đơn sơ của Uyển sâu thẳm muôn trùng như bức danh họa chỉ có một nét, như một bài thơ lừng danh chỉ có một chữ. Cái đẹp ảo diệu uyển hoặc, sâu thẳm của Uyển nằm ngay trên bề mặt đơn sơ, giản dị của nàng. Nét đẹp thuần khiết không bị quần áo hay trang sức làm hoen ố, cũng không bị sự làm dáng mà mất đi nét tinh khiết. Tất cả ở Uyển toát lên một nét đẹp cao siêu thần thánh của nghệ thuật. Độ cảm được nét đẹp nghệ thuật của Uyển bằng trực nhận, không phải thông qua các khái niệm khô khan cằn cỗi, khuôn sáo của ngôn ngữ.

Mấy tháng trời soạn thảo, chuẩn bị, toan tính, âm mưu về một sự tỏ tình, Độ run rẩy tuôn ra được… một chữ:

– Uyển…

– Dạ…

Thế giới vật chất biến mất. Đôi trẻ lạc vào cõi vô sắc giới, vô ngôn thông. Họ chấp nhận nhau không phải thông qua sự va chạm của thân xác, cũng không phải thông qua ngôn từ. Họ tiếp xúc, trao đổi nhau qua sự chuyển động của tâm thức. Ngôn ngữ tình yêu trở thành thừa thãi. Họ “cảm” nhau như thế nào chỉ có họ mới biết. Mọi sự diễn đạt về tình yêu là một sự xúc phạm trầm trọng đến tình yêu. Hãy để tình yêu tự hiển lộ qua rung động, cảm xúc của người trong cuộc.

Cứ thế họ đi bên nhau, tỏ tình thầm lặng. Thời gian ngưng đọng lại. Không có quá khứ. Không có tương lai. Chỉ có hiện tại. Không có khởi đầu. Không có chấm dứt. Chỉ có hiện trạng. Trong hiện tại miên viễn nầy, hai tâm hồn hòa nhập nhau.

– Gần tới nhà Uyển rồi, thôi… anh trở về đi.

– Ừ, anh về. Mai gặp lại.

Độ quay trở lại con đường cũ. Cỏ cây hoa lá biến mất. Thế giới âm thanh vắng bóng. Độ không nghe, không thấy gì cả. Chỉ còn mỗi một mình Uyển hiện hữu nơi cõi non bồng nước nhược nầy.

***

Phong trào “cách mạng” lan vô học đường. Học sinh xúm nhau biểu tình “lật đổ” hiệu trưởng. Các giáo sư bị thay đổi liên tục. Năm học đệ Nhị là năm gay go nhứt của Độ. Nếu thi rớt Tú Tài I, con đường đi lên sẽ bị bế tắc ngay. Nếu không lấy được mảnh bằng Tú Tài I trước 18 tuổi, sẽ phải đi quân dịch. Độ muốn có sự ổn định để học hành. Đơn xin Giám Học đi nói chuyện với các lớp về sinh hoạt hiệu đoàn được chấp thuận, Độ bắt đầu các cuộc nói chuyện. Độ chọn lớp đệ Ngũ A làm điểm xuất phát. Giáo sư đang dạy lớp cho phép Độ nói chuyện:

– Kính thưa giáo sư,

 Các bạn học sinh thân mến…

Độ nhìn xuống dãy bàn nữ sinh, bắt gặp ngay đôi mắt tròn, to, đen láy, sáng rực của người chủ nhân tâm hồn Độ, nhìn hắn chớp chớp. Ôi hạnh phúc thần tiên. Người chủ nhân của tâm hồn đã chấp thuận và còn ban cho hắn một nguồn năng lực siêu nhiên. Không biết hắn tìm đâu ra đầy đủ ngôn từ cho bài nói chuyện dài ba mươi phút của Hắn. Hắn tuôn ra các từ ngữ thời thượng ào ào không lắp bắp, để đáp lại những lần chớp mắt đồng tình của Uyển. Bài nói chuyện của Độ nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt của tất cả học sinh trong lớp.

Chiều hôm đó, như mọi chiều, Độ sóng bước cùng Uyển trên con đường đất dọc bờ sông:

– Bài nói chuyện của anh rất hay và rất cảm động. Tụi em cảm được nỗi băn khoăn của các anh.

Dẫu cho có bị cả ngàn cái miệng chửi rủa, chỉ với câu nói nầy của Uyển cũng đủ cho Độ vững tâm mà tiến lên. Uyển là nguồn sống, là sự nâng đỡ tâm hồn, là hạnh phúc của Độ. Có lẽ đây là lần đầu tiên Độ tìm gặp người chịu hiểu mình và đồng tình với mình. Hắn xa cha mẹ anh em từ năm mười tuổi, lúc nào cũng khao khát thứ tình cảm chân thành.

– Chỉ với thái độ nầy của em, cũng đủ cho anh vững tin vào cuộc đời và sẵn sàng dấn bước vào tương lai. Cám ơn em. Cám ơn em.

– Anh còn cám ơn em nữa sao?

Độ giựt mình, chới với, nhìn Uyển với lòng kính ngưỡng sâu xa. Ôi, chỉ một niệm sai là có thể bước chân vào địa ngục. Độ ngẫm nghĩ, chắc mình chưa trưởng thành.

Bổng tiếng của Uyển vang lên nhẹ nhàng trong gió chiều như một lời than:

– Má em đã mua nhà. Cuối tuần nầy em dọn về nhà mới ở rạch Cái Sơn.

Độ bàng hoàng, ngẩn ngơ. Mỗi ngày Hắn không còn được nhìn người thật trong mộng của mình nữa. Không sao cả, yêu nhau bằng tâm hồn, ta sẽ vượt khoảng cách thời không. Hắn mở miệng hỏi một câu vô nghĩa, lạt lẽo, vô duyên:

– Như vậy em không còn ở trong Ngả Bát nữa hả.

Dọn nhà đi, dĩ nhiên không còn ở nhà cũ nữa. Vậy mà còn hỏi. Uyển vẫn dịu dàng:

– Dạ.

Độ cố gắng “gạo” bài ngày đêm để bù lại đoạn thời gian bị bỏ qua do biến cố chính trị ngày một, tháng mười một, năm sáu mươi ba. Hắn đã vang danh “vua gạo” trong lớp đệ Nhị B. Hắn không còn mỗi ngày, nhị kỳ chiêm bái thần tượng. Hắn chỉ có thể đón Uyển ở cổng trường mỗi chiều thứ bảy. Quà tặng của Hắn cho Uyển chỉ là vài thứ trái cây từ vườn nhà do ba má hắn gởi ra, không có các món hàng mua từ các tiệm. Kỷ niệm tình yêu của Hắn và Uyển chỉ là con đường từ trường về nhà, không có nhà hàng, quán nước, tiệm kem. Hắn không đủ tiền cho nhu cầu sang trọng nầy.

***

Đậu Tú Tài I, đậu luôn vào trường Sư Phạm Vĩnh Long, Độ đến ăn nhờ, ở đậu người cô ở Bắc Mỹ Thuận. Hàng ngày Độ đi xe đạp từ Bắc Mỹ Thuận đến Vĩnh Long để học sư phạm. Trong hai năm này, Độ chỉ có thể đến thăm Uyển mỗi tháng một lần tại nhà. Nội dung những cuộc thăm viếng nầy chỉ là… nói chuyện, không có bông hồng, cũng không có quà cáp.

Vào một ngày chủ nhựt, Độ chạy chiếc xe đạp còi đến thăm Uyển, bắt gặp một chiếc xe Jeep của sĩ quan đậu trước sân nhà. Độ lặng lẽ dắt xe đạp đi bộ về. Hắn không chắc mình còn có thể giữ thăng bằng trên chiếc xe đạp. Tất cả đều sụp đổ. Niềm tin sụp đổ. Lý tưởng sụp đổ. Tương lai sụp đổ. Hy vọng sụp đổ. Đất dưới chân sụp đổ. Hắn chới với quay cuồng, cố lết tới một rễ cây ngồi xuống. Hắn muốn uống rượu để quên mọi sự đời, nhưng hắn không có tiền. Hắn muốn rít một hơi thuốc lá cho đầu óc tỉnh táo, hắn không có thuốc. Lần đầu tiên trong đời hắn cảm tháy giá băng trong tim với nghĩa đen. Hắn cảm thấy một khối băng trong ngực lớn dần, to ra, càng lúc càng nặng trĩu thêm. Hắn hít thở khó khăn. Hắn sắp hôn mê. Hắn chống tay vào thân cây, đứng dậy, cố gắng hít một hơi dài, thật sâu vô lòng ngực. Hắn cảm thấy bớt đau, hắn tiếp tục thở chậm và sâu. Cơn đau dịu dần theo hơi thở của hắn. Cơn chóng mặt dịu dần, hắn dắt xe đạp thui thủi đi bộ về.

Trong hai năm học sư phạm, Độ mua sách vở tự học chương trình đệ Nhứt. Tốt nghiệp sư phạm, đậu luôn Tú Tái II, Độ xin học khóa Tu Huấn Giáo Sư Trung Học Đê Nhứt Cấp. Tốt nghiệp khóa tu huấn Độ được chuyển ngạch Từ Giáo Học cấp Bổ Túc vào Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Dạy học được một năm, Độ bị gọi nhập ngũ. Sau chín tháng quân trường, Độ mang lon chuẩn úy về trình diện ở Phòng Một tiểu khu Sa đéc. Độ được bổ dụng vào Địa Phương quân Sa đéc. Thủ tục hoàn tất, ông trưởng Phòng Một chỉ một đại úy oai nghiêm, bệ vệ ngồi chành bành cạnh đó:

– Chỉ huy của chuẩn úy đó.

Độ nhịp mạnh gót chân đưa tay lên chào kính:

– Chuẩn úy Nguyễn văn Độ trình diện đại úy

Ngài đại úy đường bệ đứng lên chào lại:

– Thôi được rồi, chiều lại nhà tao nhậu.

– Xin tuân lịnh, thưa đại úy mấy giờ, ở đâu.

– “Vua gạo’’, bộ mầy quên nhà tao rồi hả?

Độ nhìn kỹ vào bảng tên của vị chỉ huy khả kính của mình: ĐINH VĂN PHI. Quả là oan gia ngõ hẹp. Đúng là Phi phàm phu tục tử!

Sáu giờ chiều Độ xách quà cáp đắt đỏ đến bấm chuông nơi cổng một ngôi nhà khang trang hai từng lầu ở Cầu Cái Sơn. Phi chạy ra mở:

– Lại bày đặt quà cáp nữa. Mày quả đúng là Khổng Tử, lúc nào cũng trang trọng lễ mễ lôi thôi hết.

– Đến nhà sếp chớ bộ người phàm sao. Độ thăm dò, không biết trong lúc nầy, mình phải xem Phi là bạn hay là thượng cấp.

– Đây là nhà riêng, tao mày nhậu vì là bạn của nhau. Khi ở đơn vị thì mình làm việc theo phận sự. Phi quay mặt vô trong nhà gọi, em à, khách đến rồi.

Một người dàn bà đẹp rực rỡ từ trong nhà bước ra: Uyển!!!

– Chào chuẩn úy.

– Chào bà đại úy.

Trời ơi! Tại sao ông trời lại chơi ác đến nước này?!!

.

Nguyên Ngôn

 


Cái Đình - 2017