Nguyễn Lê Hồng Hưng


Thuyền Nhân

.

Những ngày biển êm và trời trong, giữa đêm khuya trợt giấc, tôi có thói quen ra boong nhìn trời, ngắm trăng, ngắm sao và những chòm đèn của những con tàu xa xa. Đêm nay trăng khuyết và trời trong quá, nên thấy những vì sao sáng tỏ. Nhìn vầng trăng già hơn nửa mảnh treo ngang vòm trời, tôi nghĩ tới một đời người có khác nào vầng trăng khi tròn, khi méo, thoáng chốc lụi tàn. Kiếp người ngắn ngủi, ấy vậy mà không biết bao nhiêu chuyện vui, chuyện buồn, chuyện suông đuột, chuyện éo le xảy ra trong đời sống. Có chuyện tưởng chừng như theo thời gian quên lảng, nhưng rồi chỉ trong giây phút tâm trí bừng sáng và nhớ lại một cách rõ ràng.

Những tháng năm tập tễnh hải hành, tôi đi đi, lại lại hải cảng Belfast mỗi tuần một lần, cảnh vật nơi đây tôi cũng đã quen. Sau đó tôi đổi những tuyến đường xa, cho tới năm nay, hơn ba mươi năm rồi, tôi mới trở lại tuyến đường Belfast. Bao năm trôi qua, quang cảnh nơi này có nhiều thay đổi, hồi đó mùa đông tuyết rơi nhiều lắm nhưng bây giờ thì ít hơn, cây cối trụi lủi, trơ cành, những con đường trơn nhớt, ở đây ít khi trời trong và khô ráo, cảnh vật luôn mơ màng và thường mỗi sáng có sương mù, hiếm hoi lắm mới có ngày nắng đẹp. Trước kia khi tới một vùng đất mới, ban đêm tôi có thể đi lang thang nếu mệt thì vô quán ngồi. Nhứt là bên Nam Mỹ, ở những nước có khu ăn, uống bình dân mở cửa suốt đêm, tôi có thể vào đó ngồi uống bia tới sáng. Bây giờ đi mới nửa khu phố tự dưng tôi hổng muốn đi nữa, đúng là tâm trạng làm biếng của tuổi già, chớ hổng phải vì tuổi già sức yếu. Nghĩ tới tuổi tác, tôi mỉm cười một cái rồi quay gót giày đi trở về hội quán.

Vô hội quán tôi thường ngồi mình ên trong góc, uống nước lọc và nhìn người ta sinh hoạt. Đã qua hơn ba mươi năm rồi, nhân viên trong hội quán đã thay đổi hết, lớp nhân viên trẻ thay lớp già nên tôi hổng còn người quen trong hội quán nữa. Nhưng hổng sao, nhân viên hội quán luôn lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện và rất tử tế, thủy thủ cần gì thì họ tận tình giúp đỡ. Tôi mới quen với Bryony, cô nhỏ là nhân viên tiếp thị của hội quán, cô thường xuyên xuống tàu nạp tài khoản internet và xem thủy thủ có cần giúp đỡ gì không. Nghe thủy thủ trên tàu gọi tôi là uncle, cô cũng bắt chước gọi tôi là uncle, tiếng Anh uncle nghĩa là chú. Chuyến trước Bryony xuống tàu trong lúc thủy thủ ra boong hết nên tôi ngồi tiếp cô nhỏ. Cô hỏi tôi:

– Chú có thường lên hội quán?

Tôi cười:

– Có chớ mỗi khi ghé đây là chú lên, hơn ba mươi năm trước, hội quán này là nhà của chú, dạo đó trong hội quán ai cũng biết chú.

– Oh, chú còn nhớ ai không?

– Còn, còn nhớ ông John, vì ông ấy thương chú lắm.

– À, con biết ông John.

Nhắc tới ông John tôi nhớ lại, ông John là nhân viên hội quán, ông đứng quày ba rót bia và rượu cho khách, tiếng Anh gọi là bartender. Lần đầu tôi mua bia, ông hỏi tôi:

– Bia gì?

Tôi nói:

– Bia gì cũng được miễn là của nước Anh.

Ông cười vui vẻ vừa đưa tay lấy ly và lon bia ông vừa nói:

– Ô kê, ô kê...When in Rome, do as the Romans do.

Thấy ông đưa cho tôi bia Guinness. Tôi nói:

– Guinness là bia của Ái Nhĩ Lan mà.

Ông nói:

– Đúng đúng, nhưng đây là hải đảo của Ái Nhĩ Lan.

– Cũng được, tôi nói, Guinness là bia đen của Dublin, nổi tiếng thế giới.

– Đúng đúng...

Từ đó tôi mới biết Belfast là phần đất của Anh quốc nằm bên hải đảo Ái Nhĩ Lan và tôi thuộc luôn câu thành ngữ “When in Rome, do as the Romans do”, nghĩa là “Nhập gia tùy tục”. Ông John hỏi tôi là người gì. Tôi nói:

– Tôi là người Việt.

– Nam Việt hay Bắc Việt.

– Nam Việt.

– Oh! Southern Vietnamese, boat people!

Nghe ông hô lớn, nhân viên trên hội quán và nhiều thủy thủ hướng mắt về tôi. Khi tôi quay ra tìm chỗ ngồi thì nhiều thủy thủ ân cần mời tôi ngồi chung, mời tôi cụng ly, uống cạn bia họ mua thêm bia cho tôi uống. Có người hãnh diện khoe tàu họ đã từng vớt người tị nạn rồi đưa về trại Tân Gia Ba và nhiều người hỏi tôi về chuyện vượt biển. Lúc đó tôi nói tiếng Anh còn bập bẹ, phải chi dạo đó có điện thoại thông minh và Google dịch như bây giờ thì tôi đỡ mỏi tay, vì tôi nói chuyện bằng tay nhiều hơn bằng miệng. Tuy vậy mà mọi người vẫn chăm chú lắng nghe, có lẽ họ nghe bằng mắt nhiều hơn bằng tai. Hổng biết họ hiểu câu chuyện tôi kể được bao nhiêu, nhưng tôi cảm nhận được, trong mắt họ tôi là người đáng thương, cần được an ủi và giúp đỡ. Cũng từ đó trở đi nhân viên hội quán gặp tôi ai cũng vui vẻ đón chào và hổng gọi tên cúng cơm tôi mà gọi biệt danh tôi là Boat People.

Hổng riêng gì người Anh, nước Anh cư xử tử tế với thuyền nhân. Thời gian đó tôi ghé bất cứ những nước tự do nào trên thế giới, người ta nghe tôi giới thiệu: “I am Vietnamese.”Tức thì có người hỏi: “Nam Việt hay Bắc Việt?”. Khi biết tôi người miền Nam Việt Nam, nhiều người trố mắt ra vẻ cảm thông và kinh ngạc hô lên: “Oh! Boat people! hoặc Southern Vietnamese boat people!”. Có người đưa ngón tay cái ra trước mặt tôi gặt gặt và có người thân thiện vỗ vai, nói:

– Southern Vietnamese people is good, very good.

Ông John là người ân cần và luôn giúp đỡ tôi, mặc dù tôi có việc làm và có tiền mua sắm, nhưng ông cũng chỉ cho tôi chỗ máng áo, quần, khăn, nón, đồ dùng cũ mà hội quán dành cho thủy thủ. Cũng từ đó tới nay, những ngày hải hành, ghé hội quán tôi thường tới chỗ máng áo quần cũ lựa cái nào vừa lấy về mặc. Ông John về nhà kể với vợ ông sao đó mà thỉnh thoảng bà mua kem đánh răng, bàn chải xà bông gội đầu để sẵn trong bọc, nhờ ông đưa cho tôi.

Tôi hỏi Bryony:

– Ông John còn khoẻ không?

Cô nhỏ đưa bàn tay ra lắc:

– Hông biết, lâu rồi con không gặp ông ta.

– Oh, vậy con có biết địa chỉ của ông ấy không?

– Không, nhưng con tìm được.

Ngẫm nghĩ một chút, tôi lưỡng lự và nói với Bryony:

– Lâu quá rồi, hổng biết ông John còn nhớ chú không.

Bryony cười:

– Không thành vấn đề, chú còn nhớ ổng là tốt rồi.

Hôm kia tàu ghé bến tôi nhận tin nhắn của Bryony, cô nhỏ hẹn tôi tối lên hội quán, ông John sẽ xuống thăm. Trước kia, hội quán lúc nào cũng chật nứt người, bàn nào cũng đầy bia rượu, thủy thủ ăn to nói lớn ồn ào. Bên góc phòng đặt cả chục hộp điện thoại nhưng thủy thủ vẫn đứng dọc dài chờ để gọi về thăm nhà. Bây giờ những hộp điện thoại công cộng đã dẹp hết, thủy thủ nào cũng có điện thoại thông minh, họ ngồi chung nhau nhưng mắt chăm chú nhìn màn hình, ngón tay rà rà bấm bấm lên mặt điện thoại, người nào muốn nói chuyện với gia đình thì ra góc ngoài đứng tha hồ nói, không khí hiền hoà nhưng trông có vẻ lạnh lùng.

Hổng biết từ bao giờ, tôi quên bẵng cái quốc tịch và hổng màn tới mình là người gì nữa. Ai hỏi tôi phải là người In Đô không, tôi yes và hỏi có phải Phi Luật Tân không, tôi cũng yes. Lâu rồi tôi không nghe ai hỏi tôi câu: “Ông có phải người Việt không?”. Nhưng tôi có nghe đầy tai về chuyện người Việt giết người, cướp của, trộm cắp, buôn người, trồng cần sa và bán ma túy xuyên quốc gia. Ở Anh quốc, trong những tiệm nails chứa chấp nhiều người ở lậu, trốn thuế và những trẻ em trong tuổi vị thành niên bị bốc lột sức lao động, những người làm việc bất hợp pháp bị bắt nhiều vô số, bắt hoài mà hổng hết. Không phải riêng nước Anh, mà khắp Âu Châu này, nhiều nhứt là nước Nga và những nước Đông Âu. Bọn buôn người như buôn bán thú vật chở trên những xe hàng, con người ta mà chúng coi như là heo, gà, vịt đem nhét đầy nhóc trong những containers chở xuyên qua nhiều biên giới. Khi bị cảnh sát phát hiện, moi ra thì người nào người nấy ngất ngư gần chết, cũng có khi khui container thấy có người ngộp thở chết bên trong, trong số đó nhiều nhứt là người ở Việt Nam. Cũng có người Việt tổ chức vượt biển đưa người vô nước Anh bằng ca nô bị cảnh sát biên phòng bắt. Những người Việt ngày nay tài giỏi thiệt, nước Việt Nam nằm xa mù chì bên kia bán cầu, phải qua hai đại đương, đi tàu buôn phải mất hơn hai tuần lễ, ấy vậy mà sao nhiều người Việt có mặt trong những containers và trên những chiếc ca nô nhỏ xíu bên tận trời Âu lạnh lẽo này.

Trong lúc tôi đang suy tư về quá khứ, chợt có một thủy thủ tới khèo vai và kề mặt sát vào mặt tôi, tôi nghe nực nồng mùi bia, ông hỏi:

– Ông có phải là ông Tấn đầu bếp không?

– Tôi ngước nhìn ông khách một cái, như một tia chớp trong đầu, tôi nhận ra ông ngay:

– Oh, Bobby.

Gặp lại đồng nghiệp cũ, giống như gặp hồn ma hiện về. Trong lòng tôi hổng mừng vui và cũng không vồn vã. Tôi chỉ chiếc ghế trước mặt nói:

– Ngồi xuống, ông khoẻ không?

Vẫn thái độ giống như hơn hai mươi năm về trước, lè nhè khi say xỉn. Ông vừa ngồi xuống vừa nói:

– Khoẻ khoẻ... Ông vẫn còn làm cho công ty cũ à.

– Ờ, vẫn làm bình thường. Dạo này ông sao rồi?

– Vẫn vậy, vẫn làm thủy thủ.

Bobby và tôi quen nhau hồi còn trẻ, ông lớn hơn tôi vài ba tuổi gì đó, hồi đó tôi và ông đi chung tuyến đường từ Pháp sang Belfast này. Sau vài năm tàu hết hợp đồng tôi và ông cũng đổi tàu khác nhau và sau đó nghe có một đồng hương của ông nói ông đã chết rồi. Sống chung với đân In Đô đã lâu, tôi cũng biết cái tánh ba xạo nói láo của họ cũng hổng thua người Việt mình, nhưng với tánh hay say xỉn, lè nhè giống như Bobby, nghe nói ông chết, tôi tin ngay. Vì vậy hôm nay tình cờ gặp lại ông tôi có cảm giác như gặp một hồn ma. Tôi đứng lên đi lại quày mua bưng lại cho ông ly bia. Bobby nhìn chai nước lọc trước mặt tôi, ông hỏi:

– Mày hổng uống bia sao.

– Uống, nhưng thỉnh thoảng thôi.

Lúc đó tôi thấy Bryony vô hội quán và đi lại phía bàn tôi, nhưng hổng hiểu sao cô nhỏ       quẹo qua đi vô đứng trong quày ba đưa tay ngoắc ngoắc tôi lại. Tôi đứng dậy đi tới hỏi chuyện gì. Bryony đứng phía trong quày bar chồm ra nói với tôi:

– Ông John hổng tới được.

– Ô kê.

Tôi đi lại bàn vừa ngồi xuống thì Bobby đưa ngón tay ra dấu tục, và hất mặt về phía Brony. À, tôi hiểu vì sao Bryony vừa thấy Bobby thì cô nhỏ quay gót đi vô trong. Tôi làm mặt nghiêm, nói với Bobby:

– Ở đây là Seamen’s mission ông à. Ông muốn đàn bà, con gái sao hổng ra quán Bar ngoài góc phố:

Ông lắc đầu:

– Ngoài đó cũng hổng còn đàn bà như trước nữa.

Tôi nhìn Bobby, ngoài sáu chục rồi, lại say xỉn như ông thì còn hơi sức đâu mà gái với gộc. Tôi nói:

– Tui quên, thời tui với ông còn trẻ, chưa ai biết virus HIV nên đàn bà con gái, tự do xuống tàu chơi với thủy thủ. À, mà ông già rồi còn chấm mút được mẹ gì mà đòi đàn bà?

Ông cười kha kha rồi đưa bia lên hớp một cái, nói:

– Có đàn bà nhìn cũng vui mắt, ông khoa tay một vòng nói, mày hổng thấy sao, toàn toàn là đực rựa mà thằng nào thằng nấy giống như con gà chết. Nhìn gương mặt lừ đừ, hổng còn chút mùa xuân của ông, tôi hết muốn dây dưa. Tôi nói:

– Thời đại nào, cuộc sống đó. Tụi nhỏ là gà chết còn tui với ông thuộc loại gà già, hết gáy được rồi, nói chi chuyện đá, thôi cho qua chuyện đàn bà, con gái đi cha nội.

Bobby bưng ly bia lên uống, để ly xuống, hổng nói gì mà chỉ gừ gừ trong cổ họng. Nhìn tướng tá ốm nhôm như con khô hố của ông và nghỉ tới một con người sống không chịu lập gia đình, chỉ biết có bia, rượu và gái giang hồ mà lây lất sống cho tới hôm nay thì cũng là lạ. Chợt nhiên tôi thốt lên bằng tiếng Anh.

– Oh, Ghosts!

Bobby giựt mình nhìn tôi, có lẽ ông tưởng tôi kêu Trời, ông hỏi:

– Chuyện gì?

Tôi mỉm cười:

– Không, hổng có gì hết.

Hẹn với ông John, ổng hổng tới được, coi như xong rồi. Mọi hôm thì Bryony thường lại ngồi nói chuyện chơi với tôi, hôm nay bị Bobby làm kỳ đà cản mũi, nên con nhỏ hổng tới được. Tôi thấy mình cũng không còn lý do gì ngồi nán lại đây nữa. Tôi đứng lên bắt tay từ giã Bobby:

– Ông ngồi chơi, tui phải xuống tàu.

Bobby đứng lên và ngập ngừng một chút rồi nói:

– Mày cho tao xin hai chục pound.

– Để tui xem.

Tôi móc bóp, may cho ông, tôi còn một tờ hai chục và mớ tiền lẻ, tôi trút ra đưa hết qua cho ông:

– Ông ở lại chơi vui vẻ.

Tôi đi ngang qua bar, thấy Bryony đứng trong góc, tôi đưa tay chào. Cô nhỏ kêu tôi đúng lại, cô đi ra đưa cho tôi cái nón len.

– Cho chú nè.

Lần trước ghé hội quán tuyết rơi mà đầu tôi vừa mới cạo trọc và ngoài trời thì lạnh quá, tôi lại chỗ để đồ cũ vạch đống đồ ra tìm. Thấy tôi đứng vạch tìm hơi lâu, Bryony đi tới hỏi tôi tìm gì, tôi nói tìm nón len, cô nhỏ phụ tìm nhưng không có nón len. Đêm nay cầm cái nón len mới toan, tôi nghĩ, có lẽ Bryony mua nón cho tôi. Tôi hôn phớt lên má cô nhỏ một cái và nói:

– Oh, cám ơn.

– Không có chi.

Đêm nay không có sương mù, trời trong quá và trăng khuyết một bên, ánh sáng yếu ớt của vầng trăng làm cho ánh đèn những con tàu thêm rực rỡ. Lòng tôi chợt sáng và nghĩ ra, nếu hổng có chuyện xảy ra trong chuyến đi này thì tôi đã quên mất tiêu cái khoảng đời lẽ ra tôi hổng được quên. Trước kia gặp bạn đồng nghiệp trên những hội quán xa xôi, chúng tôi háo hức vui mừng cùng nhau ngồi uống bia và tán chuyện cho tới khi hội quán đóng cửa chưa thôi. Nhưng lần này tôi gặp Bobby tôi có cảm giác như gặp lại con người cũ kỹ xa xôi nào và tôi mới nhận ra Bobby là cột mốc cho một lớp người thay đổi và tốc độ của cả một thế giới đổi thay. Thân thể và tâm hồn tôi cũng bị thời gian làm cho chai sạm. Cũng ngay bây giờ, trong đêm nay, tôi mới nhận ra một điều là những người đồng hương cùng thời tị nạn với tôi ai cũng đã an cư lạc nghiệp ở một quốc gia tự do nào đó trên trái đất này. Riêng tôi thì ngót hơn bốn chục năm trôi qua, cho tới bây giờ, tôi vẫn còn là một Vietnamese boat people, nghĩa là một Thuyền Nhân người Việt và vẫn còn lênh đênh trên sóng nước.

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Teestport 20 3 2019

____________

(Hình: The invisible citizens of Hongkong – Sophia Suk-Mun Law)

 


Cái Đình - 2019