Linh Vang
Thừa tình
10 giờ sáng chủ nhật, ông Thụ đã thấy ông Ngàn lái xe từ hướng nhà ông bà Dần ra tới đầu hẻm. Ông Ngàn giơ tay chào ông Thụ. Ông Thụ đi làm ca nửa khuya nửa sáng về gần tới nhà, cũng giơ tay chào lại, rồi kéo cái kiếng xe xuống, hỏi lớn qua phía ông Ngàn:
– Anh đi đâu mà đi sớm thế, anh Ngàn?
– À, nghe chị Trọng vừa từ Florida qua chơi, đang ở nhà anh chị Dần nên tôi ghé thăm,... tiện hỏi... vài tin tức.
Rồi không ai hỏi mà ông lại nói như biện hộ:
– Bà tôi, bả còn mệt, không đi với tôi được, đêm qua, bả ngồi sòng tới 2, 3 giờ sáng.
– Tui biết, tui biết! Bả ngồi với vợ tui chớ ai. Đánh ở tiệm con Thủy chớ đâu khác.
Cô Thủy là con gái ông Ngàn, chồng cô ta là Tuấn, là con trai ông Thụ. Ông Thụ với ông Ngàn là sui gia với nhau. Thủy mở tiệm nail ở khu South Hill. Mấy bà dùng cái phòng dư ở phần sau tiệm làm chỗ hẹn hò đánh bài tiến lên. Nghe mấy bà chửi thề khi sát phạt thì mấy ông úy, ông tá là những ông chồng của các bà cũng tá hỏa tam tinh!
Cái tin tức mà ông Ngàn muốn đi hỏi là tin về đứa con rơi của ông. Ông Trọng, bạn ông, một hôm gọi điện thoại cho biết ông mới vừa đi thăm một người bạn. Ông Trọng nói:
– Anh Thanh gốc ở Hội An đó anh nhớ không? Cái thằng con của ảnh có con bạn gái ở VN qua Mỹ được vài tháng. Con nhỏ đi diện gì, tui không kịp hỏi, nhưng nghe nói sắp làm đám cưới với thằng nhỏ nhà này. Giọng ông Trọng chợt nói nhỏ lại, hỏi Chị có nhà không? Chị đi shopping chưa về hả? Anh biết không? Có điều này lạ lắm! Tui nghĩ... nó là con anh. Nó giống anh như đúc, vừa nhìn, tôi biết nó là con anh. Tôi có hỏi ba con ở đây hay ở Việt Nam, thì nó nói ở Việt Nam, vậy té ra nó không biết gì. Thằng nhỏ con anh Thanh nói đó là người cùng xứ. Tui không nhớ anh có ở Hội An.
Ông Trọng không thấy là bên này đầu dây ông Ngàn đang cảm xúc mạnh. Ông lắp bắp trong miệng:
– Con của... Thúy?
Quả thật là có thời gian ông Ngàn ở Hội An mà ông Trọng không biết. Hơn hai chục năm ông Ngàn không biết tin tức về mẹ con nàng. Ngày đó, ông ở Quảng Trị về, nghe tin Thúy bị tai nạn xe cộ chết. Gần ngày đi Mỹ, ông tình cờ mới hay là Thúy còn sống và có một đứa con với ông. Người bị tai nạn chết là chị em song sinh với nàng. Cũng có nghe Thúy có chồng. Người chồng thương đứa con riêng của nàng như con ruột, lo cho nó ăn học. Ông chưa kịp đi tìm thăm mẹ con Thúy thì ông bận rộn bao giấy tờ lo đi HO.
Mười năm trước khi mới qua Mỹ, bà Ngàn đau một trận tưởng như sắp chết. Mới qua mà ông đã lén lút dấu tiền gởi về Việt Nam cho mấy đứa con riêng của ông. Con của những bà khác chứ không phải con của Thúy. Bà biết được chuyện gởi tiền, lồng lộn lên, nói với bà con hàng xóm, phải chi ông nói với bà một tiếng. Nói thì nói vậy, chứ nói với bà một tiếng thì chắc gì bà đã cho ông gởi. Lại có lần ông qua nhà hàng xóm mượn điện thoại gọi về... bồ ở bên Việt Nam Việt Nam. Bà hàng xóm trong lúc vui miệng lại đi... khai với bà. Ông Hồng kể: – Ăn không tiêu, cứ tức ở ngực, ngáp ngáp sắp chết, Cộng Đồng đã chuẩn bị đi quyên tiền lo đám ma cho bả rồi đó chớ, sau đó bác sĩ tìm ra bệnh, cái tuyến giáp trạng bị vôi đóng, chữa lành, bả ăn dữ lắm, ăn như con nít, ngồi chỗ nào cũng ăn. Bả vừa ghen vừa sợ chết, sợ ông Ngàn bỏ, cho người thông dịch với bác sĩ là đau tâm thần. Nhờ súc cái ruột, bác sĩ mới tìm ra bệnh...
Ông Ngàn cao ráo đẹp trai, có máu nghệ sĩ, biết làm thơ, ngâm thơ, ca hát, có 1, 2 bà nhỏ và vài cô nhân tình. Nhờ cái vụ đi HO này mà bà Ngàn thắng. Mỹ chỉ cho bà lớn, vợ chính thức có giấy tờ mới đi được thôi. Chứ ai cũng được đi thì ổng đã dẫn mấy bà vợ nhỏ đi rồi.
Bà Ngàn phì phà điếu thuốc trên môi bầm tím. Những ngày bà không đánh phấn, để trần cái mặt thì thấy cái mặt xám nghét. Lúc nào bà cũng có điếu thuốc vì bà quen hút thuốc Cẩm Lệ lâu rồi. Tóc tai bù xù. Nhiều người không thích vợ chồng bà nói bà giống như một con mẹ điên. Bà cứ kể tới kể lui cũng những câu chuyện đó. Chuyện bà mướn một số du đãng đi đánh ghen, ra thành phố nơi ông làm tổ uyên ương với cô tình nhân, lột áo lột quần cô ta, xởn tóc cạo trọc đầu.
– Có người còn kêu tui xẻo tai cái con đĩ đó mà tôi nhơn đức không làm.
Vụ đánh ghen làm náo động khu phố và nổi tiếng là vụ "đánh ghen lớn nhất" mà người nào ở lâu nơi thành phố nhỏ miền Trung đó đều biết tới. Cũng nổi tiếng như Sài Gòn có vụ đánh ghen của bà vợ trung tá Thức, cho người tạt át-xít, hủy cái mặt đẹp của vũ nữ Cẩm Nhung. Sau đó, cô vũ nữ phải làm nghề ăn xin trên đường phố Lê Lợi, trước ngực đeo tấm hình chụp hồi cô còn xinh đẹp, ai nhìn hình rồi thấy hoàn cảnh ăn xin của cô bấy giờ đều trông cô thật tội nghiệp. Ghen thì ghen, nỡ nào đi hại một đời người. Sau này nhà văn Mai Thảo kể lại ngày trước ông và đám bạn của ông cũng thường đưa cô vũ nữ này đi ăn đêm sau khi vũ trường đóng cửa. Ông nói nếu mà cô cứ la cà với đám làm thơ, viết văn thì đời cô đâu đến nỗi như vậy.
Ai cũng mỉm cười khi nghe bà Ngàn cho là bà còn nhân đức khi chưa xẻo tai tình địch.
Rồi đi đánh ghen một tình nhân khác thì kỳ đó bà thất bại, vì bà không dẫn theo người giúp mà bà còn bị ông ôm chặt để cho tình nhân ông đánh đấm bà đến bầm mặt, cho tới giờ mỗi khi nghĩ tới, bà vẫn còn giận ông đến tức ngực.
Dạo mới qua Mỹ, ông Ngàn còn xấu hổ vì bà làm xấu ông, đem chuyện nhà đi kể cho thiên hạ nghe. Có khi nổi sùng, ông cũng lụi bà mấy cùi chỏ. Nhưng rồi bà dọa gọi 911 nhốt tù ông thì ông thôi không lụi bà nữa. Bà vẫn không bỏ chuyện nói xấu về ông, nhưng lâu ngày, ông trơ mặt lì ra, ông nghĩ có nhà nào là hoàn hảo đâu!
Vợ chồng ông Trọng có chụp chung một tấm hình với gia đình ông bạn, và có con bé đó trong hình. Ông Trọng cẩn thận dặn:
– Bà vợ tui sắp qua bên anh chị đi dự đám cưới đứa cháu. Tui sẽ dặn bả mang hình qua cho anh coi. Anh sẽ thấy là tui nói không sai đâu.
– Cám ơn anh thật chu đáo. Dạ, dạ, anh chị cứ thế mà nhớ cho.
Rồi ông nói lớn tiếng với vợ ông vừa bước vô nhà cũng là để cho ông Trọng biết mà đổi đề tài:
– Anh Trọng gọi hỏi thăm, đó mình!
Ông Trọng cũng biết vậy, nhưng ông chợt nhớ và ông phải hỏi:
– Rồi anh có đi dự đám cưới không? Tui nói đám cưới con gái anh đó. Ở bên này nhà gái chắc là không có ai. Tôi thấy để nó "bơ vơ" cũng tội!
– Để coi! Anh coi tình hình, tính dùm. Dạ chào anh. Cám ơn anh!
Ông Ngàn bị vợ con đuổi ra ở riêng. Ông nhận thư bồ bên Việt Nam gửi qua. Bà bắt ông phải xé lá thư trước mặt bà. Ông đâu đã coi lá thư! Ông không chịu xé. Bà làm dữ.
Và ông phải ra mướn một căn phòng ở gần chợ Việt mà ở. Từ đó ông ăn ở một mình, làm quen với thùng mì gói. Nhưng được một điều là ông có tự do. Ông muốn liên lạc với ai thì ông liên lạc. Tiền già, tiền hái dâu dưa, ông muốn làm gì thì làm. Nhưng thật sự thì ra ở như thế này, ông lại không có dư cắc bạc nào.
Không lâu sau đó, ông Ngàn đau nằm hấp hối trong bệnh viện. Ông biết đứa con gái rơi, con của ông với cô giáo Thúy, đang ở Mỹ. Ông kêu thằng con trai tin cậy đi kiếm đứa con rơi đó cho ông. Đạt cũng là con rơi của ông. Mẹ nó là một trong hai cô con gái xinh đẹp của một bà chủ tiệm gạo ở Đà Nẵng. Lúc vừa đẻ nó ra, bà chủ tiệm gạo bắt con gái đem đứa bé đi trả cho ông Ngàn. Tuy ông bà Ngàn mang tiếng là nuôi nhưng thật sự để cho một bà người làm trong nhà coi ngó nó. Nó ăn ngủ chung với người làm. Cha đẹp, mẹ đẹp, thằng bé lúc nhỏ trắng trẻo, dễ thương, lớn lên cũng đẹp trai. Đám con chính thức lại không đẹp bằng. Có thể vì vậy mà Đạt luôn luôn bị anh em trong nhà ganh ghét ngắt véo bạt tai từ thuở nhỏ.
Bây giờ chỉ có hai cha con, ông thều thào:
– Nó là em gái của con. Nó giống ba lắm. Như con giống ba vậy.
Ông đã nhìn được hình của Thảo. Nó đúng là con của ông. Con nào cũng là con. Con bé này bao nhiêu năm bị thiệt thòi rồi. Còn tí vốn liếng gì thì ông sẽ để cho nó.
Ông cũng không quên dặn Đạt:
– Nhớ đừng cho "họ" biết!
Bà vợ bôi son phấn có vô thăm một chút rồi về. Từ ngày không có ông sống chung trong một nhà thì bà chịu khó ngắm lại dung nhan bà và biết chăm sóc mình. Bà phân bua với người quen, tui thấy cảnh người đau ốm, bệnh tật, tui gớm quá. Mấy cô con gái bênh mẹ cũng hất hủi ông, lúc bệnh ông nặng, họ mới vô thăm. Bây giờ ông nhờ cậy thằng con rơi nhiều hơn. Đôi khi, ông lại nhờ được thằng rể. Chứ đứa con gái ông – vợ thằng rể đó – thì ông đừng hòng. Nó kỵ với ông như nước với lửa. Thỉnh thoảng ông cũng có hội viên của hội lão niên mua bịch cam, bịch nho, bó bông vô thăm, vì ông có chân trong hội đó. Các cụ khá rõ được chuyện nhà của ông. Họ bất mãn nói:
– Người sắp chết rồi mà vợ con đối xử chi tệ bạc vậy!
Có người lại nói:
– Mình làm sao hiểu nổi được mối hận của người ta?
Ông Ngàn chưa kịp nhìn đứa con gái rơi thì ông đã mất. Té ra ông lại là người đi trước bà. Đám ma của ông cũng không đến nỗi tẻ lạnh, dù gì cũng còn có bà con của hội lão niên và người trong cộng đồng, ngày ngày nói xấu nhau nhưng khi chết thì không ai bỏ ông. Lần này, ông Hồng không phải đi xin tiền cộng đồng để lo đám ma cho ông Ngàn, vì ông Ngàn có được bốn ngàn của quỹ trợ tang và ba ngàn của hội lão niên. Số tiền đó cũng đủ lo cho ông mồ ấm mả đẹp. Thời bà Ngàn đau tưởng như sắp chết thì chưa có hội này hội nọ mới phải vô tiệm quán xin. Từ lúc nghe một chủ tiệm than: Chết gì chết dữ vậy! Thì hai ba hội trợ tang ra đời.
– Tưởng mẻ đi trước ông chồng, vậy mà bây giờ mạnh ù, bác sĩ tìm ra bệnh, chữa được, nước da hết tái mét rồi!
Đạt còn nhớ việc cha căn dặn, Đạt nghĩ thầm:
– Dù gì thì Thảo cũng là em của mình. Mình sẽ gửi hình đám ma của ba cho Thảo coi... để cha con biết nhau!
Linh Vang