Nguyễn Lê Hồng Hưng


Thời lưới gộc

.

Cá gộc và bong bóng cá gộc

“Ngày về quê tìm lại bạn bè thời lưới gộc nhưng hổng còn ai, nói chi tới đàn chú, bác. Lục lạo trên Google tìm cả buổi cũng hổng thấy hình nào giống con cá gộc. Bèn nhắn tin bạn bè trong nước và ngoài nước, hỏi có ai còn giữ tấm hình cá gộc không? Cuối cùng thì có một ông anh đưa cho một cái link của một công ty bán cá gộc, mở ra xem mới thấy hình con cá gộc mà là loại cá gộc ghe cào còn non, nên trông không giống cá gộc tới lứa của thời lưới gộc. Dù sao đi nữa có còn hơn không. Sợ mai mốt già rồi nằm xuống, không còn ai nhớ tới miệt mũi Cà Mau có một thời “rừng vàng bạc biển” mà ngày nay không còn nữa. Nhớ lại ngày xưa, tôi bèn viết lại truyện thời lưới gộc. Xin kính dâng hương hồn các bác, các chú đã dạy tôi nghề đánh cá gộc. Kính tặng bà con bên vàm Sông Ông Đốc và các bạn ngư phủ đồng thời.”

***

Lúc mới vào nghề đánh cá tôi có nghe bậc đàn chú, đàn anh làm nghề lưới gộc lâu năm kể lại rằng hồi trào ghe buồm một chiếc ghe dài trên mười thước và một dàn lưới gộc chiều dài chừng vài ba trăm sải tay. Những ngày mùa gió Nam, sáng sớm ngư phủ dựng buồm cho ghe ra bãi bủa lưới, xế chiều kéo lưới trúng cá gộc khẳm ghe. Đâu như sau nầy, lưới cước bén và dài cả ngàn sải mà phải chạy tuốt ra khơi đánh, dác nào kéo được một hai trăm con là đã trúng lắm rồi. Thời đó chưa có nước đá, cá gộc và bong bóng gộc làm khô bán cho người Tàu; bong bóng họ nấu cao lâu, cá khô họ dành ăn cháo trắng, cơm trắng và nhậu ba xị đế cho nên cá gộc bán không được giá. Sau nầy nhờ cá gộc đông đá xuất cảng qua Tân Gia Ba (Singapore) giá mắc gấp ba bốn lần cá khô nên xóm lưới gộc mới phất lên như diều gặp gió.

Thời ghe buồm lưới gộc đan bằng chỉ gai, cọng lưới cỡ đầu đũa ăn, lỗ lưới mười phân. Một tay lưới gộc chiều dài mười sải, dạo dài ba sải. Giữa thập niên sáu mươi Tân Gia Ba qua mua bán, trao đổi, họ đem chỉ cước qua cho dân nơi đây đương lưới thí nghiệm. Lưới cước thành công nhờ màu trắng trong, bén cá và nhẹ hơn lưới gai. Từ đó ngư phủ dùng cước số một trăm tư để đan lưới gộc, lỗ lưới cũng vẫn giữ mười phân như cũ. Lưới chánh là dùng đánh cá gộc và cá đường. Ngoài ra lưới còn bắt được cá sóc, cá sủ, cá sạo, cá bè, cá chét và nhiều thứ cá lặt vặt vừa cỡ, tức là con cá nào bằng bắp chưn trở lên mới đóng được lưới gộc. Cá đường thì hội ở mũi Cà Mau vào những con nước chết tháng ba hoặc về bãi vào mùa gió nam, còn cá gộc đánh được ba mùa, trừ mùa gió bấc, nên dân ngư đặt tên là lưới gộc.

Lúc tôi còn nhỏ ghe lưới gộc gắn máy hiệu gì tôi không biết, chỉ nhớ là mỗi buổi chiều những chiếc ghe nổ máy phành phạch phun khói ra khơi cùng những ghe mang những cánh buồm được đan bằng đệm nên nhìn từ xa thấy những cánh buồn màu nâu xậm. Có lẽ những cái máy thời đó được nhập từ Ấn Độ nên người ta gọi là máy Ấn Độ. Tới khi tôi khôn lớn và nhận thức được thì máy Yanmar F5 - F10 nằm ngang của Nhựt Bổn đã lần lượt thay cho máy Ấn Độ đã lỗi thời. Tuy nhiên ngư dân ở đây vẫn còn se chỉ gai để đương lưới gộc. Khoảng giữa thập niên sáu mươi Sông Đốc vàm thành lập hợp tác xã giao thương với Tân Gia Ba. Tân Gia Ba cho tàu qua neo ở cồn ngoài mũi Cà Mau cạnh vùng biển nơi mà lưới gộc hành nghề. Chiều về khi kéo lưới được cá ngư phủ mổ bụng lấy bóng bóng, bỏ ruột, rửa thân cá sạch rồi cặp lại tàu của Tân Gia Ba cân để cho họ bỏ vô hầm lạnh đông đá. Phần ngư phủ cân cá xong lấy phiếu, khi hết con nước về hợp tác xã đếm phiếu tính tiền. Sông Đốc vàm lúc đó trở thành một hải cảng là nhờ cá gộc được xuất cảng với giá cao. Cũng từ đó dân ngư nơi đây mới biết cách dùng nước đá để ướp cho cá tươi. Ngoài cá gộc ra người ta còn xuất cảng vi cá mập, bong bóng cá đường và rất nhiều bong bóng khô và cá, tôm khô khác...

Tôi chưa bao giờ thấy thời nào Sông Đốc vàm phồn thịnh và dân ngư nơi đây có cuộc sống sung túc như những năm sáu mươi. Có lính quốc gia đóng đồn nhưng không có chiến tranh, có dân bài bạc nhưng không trộm cắp. Đầu con nước ngư phủ cho ra biển, mãn con nước về rửa ghe ăn nhậu đờn ca tài tử, nhưng không du côn lập băng lập đảng đánh nhau. Tuy nhà lá xập xệ nhưng con gái, đàn bà bận đồ vải nhập từ Tân Gia Ba, tay đeo vòng cẩm thạch, bông tai, cà rá bằng vàng y. Con trai thì đeo đồng hồ hiệu Titoni mua từ thương lái người Tân Gia Ba.

Khi tôi nhập vào làng ngư phủ thì máy Yanmar đầu xanh, đầu bạc loại đứng; máy đầu xanh một lốc mười ngựa, đầu bạc một lốc mười lăm ngựa được thay cho máy Yanmar F5 - F10. Ban đầu dùng Yanmar đầu xanh gắn ghe mũi nhọn mà người ta gọi là ghe bô lão. Về sau ghe lưới gộc đóng theo kiểu Thái Lan mũi thẳng đứng có ca-bin rộng và mỗi chiếc trọng tải trên hai chục tấn, gắn máy Yanmar đầu bạc ba lốc, bốn lốc...

Rất tiếc cuộc sống sung sướng, vui vẻ ấy đến với dân vùng ven vàm sông Ông Đốc quá ngắn ngủi. Bắt đầu năm 1968 chiến tranh tràn lan làm cho Tân Gia Ba không giao thương được nữa và hợp tác xã ở sông Ông Đốc cũng giải tán luôn. Đường sông Cà Mau-Sông Đốc Vàm bị cấm. Không lưu thông được trên sông về Cà Mau thì dân nơi đây mở đường biển lên Rạch Giá. Những ghe lưới gộc cũng phải lên Rạch Giá lấy nước đá và thức ăn đủ cho một tháng ra khơi, đánh tới mãn con nước thì cho ghe trở về Rạch Giá bán cá và lấy thêm nhiên liệu trở về Sông Đốc vàm cho ngư phủ nghỉ ngơi chờ đầu con nước lại ra khơi đánh tiếp.

Khi tôi thành ngư phủ chuyên nghiệp thì ghe lưới gộc đã dùng máy kéo, tuy không còn hì hục kéo lưới bằng tay như đàn anh, đàn chú trước kia nhưng máy móc mỗi ngày một tối tân và kỹ thuật đánh bắt mỗi ngày một tinh vi, nên đánh riết rồi cá gì cũng phải hết. Trước kia sáng cho ghe ra bủa lưới, chiều kéo lưới gỡ cá. Cho ghe chạy về cồn neo muối cá xong ngư phủ đánh một giấc thẳng cẳng tới sáng sớm hôm sau tiếp tục. Sau nầy cá đóng ít phải canh nước đánh đêm và đánh trùm lên rạn, vậy mà lắm khi ra khơi đánh cá cả tháng trời về bán chỉ đủ sở hụi.

Tôi còn nhớ rất rõ cái mùa lưới cuối cùng năm ấy.

Lúc chạng vạng tối một chiếc ghe Thái Lan bốn lốc đầu bạc từ ngoài lằn nước xanh chạy phăng phăng vô cồn bùn rồi bỏ neo. Sau khi neo ghe xong bác Sáu kêu tôi tắt máy và mở đèn bên ngoài. Dưới ánh đèn nêon sáng choang, những con cá gộc màu vàng, mỗi con nặng có hơn chục ký, chúng nằm lẫn lộn chung với cá lặt vặt đầy nhóc trên boong. Mấy anh ngư phủ cột xong dây neo lần chen chưn bước trong đống cá mà đi. Hai Dê phía trước đi lại thấy bác Sáu trong ca bin ló đầu ra, anh hớn hở nói liền:

– Ngày mơi cá còn đóng như vầy thì chắc hổng đủ nước đá đánh tới mãn con nước quá bác.

Bác Sáu kiêu hãnh hỏi lại:

– Sao hổng đủ mậy?

Hai Dê chỉ vô đống cá:

– Bác thấy đó, cả thảy một trăm ba chục cá gộc, tính sơ sơ mất hết ba bốn chục cây nước đá đó là chưa kể mấy trăm ký cá vặt mà nước đá mình muối xong đợt nầy còn bảy tám chục cây là cùng.

Bác Sáu vừa trả lời vừa ra lịnh:

– Cái thằng dốt tính, bắt đầu từ đêm nay nước đá chỉ dành ướp cá gộc còn cá lặt vặt cho xẻ muối mặn mần khô hết.

Suốt ngày kéo lưới mệt lả người, còn một đống cá gộc chưa mổ bụng, moi ruột bỏ xuống hầm đông đá mà còn phải xẻ cá muối mặn, cái điệu nầy chắc phải thức suốt đêm rồi. Ngày nào khác chắc ngư phủ kêu trời, nhưng hôm nay ai cũng vui vẻ chấp nhận ý bác. Cả mùa qua chưa đánh dác nào được trên trăm con cá, bây giờ chỉ mong cá tiếp tục đóng cho tới mãn con nước có thức suốt cũng chẳng hề gì. Hơn nữa gần tới Tết rồi ai cũng quyết chí phải về ăn Tết với vợ con cha mẹ linh đình một năm cho bỏ phen cực nhọc. Hai Dê đề nghị anh em bắt tay mổ bụng cá liền. Bác Sáu gạt ngang:

– Thôi, vô cơm nước trước rồi ra mần, đêm nay tao thức mần với tụi bây.

Trong bữa ăn bác Sáu vui vẻ nói huyên thiên về kinh nghiệm đánh cá của mình hồi trào ghe buồm. Kính lão đắc thọ, chúng tôi ngồi nghe bác nói, dù sao đi nữa bác cũng thuộc hạng kỳ cựu trong nghề lưới gộc. Trong đời bác đã trúng cá và trúng nhiều hơn bây giờ nữa, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên bác vui nhứt trong đời lưới gộc. Nguyên nhân hồi đầu năm 1972 vùng biển khơi mũi Cà Mau xuất hiện hai chiếc tàu sắt lớn bằng những chiếc hạm tuần biển, máy móc gì hổng biết mà nổ nghe bành bành, ống xẹt măng phun khói cuồn cuộn. Hai chiếc kéo miệng cào bề ngang có hơn trăm sải, lướt qua rạng ngọt sớt. Mỗi lần đổ đục họ dùng cần trục câu lên cá lớn họ bắt, cá nhỏ họ liệng trôi trắng mặt biển mặc sức cho bầy nhàn bu lại sớt ăn.

Từ đó trở đi vùng biển của lưới gộc bị hai chiếc tàu sắt quậy đục ngầu như vậy cá voi còn phải trốn nữa nói chi tới ba con cá gộc. Trong thời gian đó có cào Xiêm cào tôm thẻ cũng trúng lắm cho nên ghe lưới gộc lần lượt đổi sang nghề cào Xiêm hết. Vì danh dự nghề nghiệp ba đời mần lưới gộc bác Sáu quyết bám theo nghề lưới gộc cho tới cùng. Theo bác thì biển giả là nghề của ba Cậu (1) thì làm sao mà lường trước được, con nước nầy thất thì chờ con nước sau, mùa nầy thất thì chờ mùa tới. Kệ bác nói gì thì nói, dàn bạn thấy lưới gộc hết thời bèn bỏ bác sang qua đi cào. Còn lại anh Hai Dê là bạn thân tín hồi còn ghe bô lão và tôi từ mới tập sự đã theo ghe của bác cho tới ngày nay nên chúng tôi không nỡ lòng bỏ bác mà đi.

Đầu tháng Chạp âm lịch cũng là đầu mùa lưới gộc. Bác Sáu kêu thêm mấy người bạn mới, phân Hai Dê làm chủ lực, tôi làm tài cải và bác làm tài công, sau khi xuống lưới bác cúng cặp vịt cho dàn bạn ăn nhậu đã một bữa rồi bác cho ghe trực chỉ xuống cồn ngoài khơi mũi Cà Mau. Bác thề có ba Cậu, Nam Ông, đánh không có cá gộc bác sẽ không về ăn Tết.

Năm nay hai chiếc tàu sắt cào đôi có lẽ đã đổi vùng nên không thấy bóng dáng chúng đâu hết. Một mình một cõi thênh thang mặc cho bác bủa lưới ngang dọc. Mới dác đầu đã hơn trăm ký cá vặt, tám chục con cá gộc và hôm nay là dác thứ hai trúng cả hơn trăm con. Bác Sáu vui mừng chửi thề ỏm tỏi lên:

– Bà mẹ, chuyến nầy về tao cho mấy thằng cào Xiêm tối mày tối mặt luôn!

Thường thì chuyến ra khơi là một tháng, nhưng chuyến đó chưa đầy ba tuần lễ mà bốn trăm cây nước đá đã hết sạch, dác lưới cuối cùng bác phải ướp sương sương cá gộc rồi cho ghe chạy thẳng lên Rạch Giá. Bán cá xong trở về Sông Đốc vàm đúng ngày hai mươi ba tháng Chạp ta. Sau khi chia tiền cho bạn xong bác vật con heo trăm ký, xẻ thịt chia cho dàn bạn đem về ăn Tết với vợ con và bác còn lì xì cho mỗi đứa một bao phong bì màu đỏ dầy cộm.

Sau chuyến bác Sáu trúng cá gộc, đám cào Xiêm tối mày tối mặt thiệt chớ hổng phải chơi. Họ đâu để bác dễ dàng ăn một mình như vậy được. Những tay lưới gộc đã cất trong nhà chứa vật dụng bây giờ lôi ra cột dây ranh lại, kéo hết dàng lưới xuống ghe, cứ ra khơi đánh thử một vài con nước nếu được thì tiếp tục, không thì vươn ngán ra cào tiếp có chết ai đâu. Đầu mùa gió chướng năm ấy những ghe lưới gộc đã trở lại vùng biển cũ.

Biển im phăng phắc và nước trong xanh. Chiều kéo lưới bầy cá mập lắc (2) lượn quanh ghe táp phầm phập, chúng chầu chực chờ những con cá đóng lưới được ngư phủ kéo lên gần mặt nước thì nhào tới xớt một cái tức thì con cá bị tiện hết khúc đuôi máu loang đỏ lòm, máu loang càng nhiều thì cá mập kéo tới càng đông. Ngư phủ người kéo lưới người dùng mung phóng xuyên qua lưng và lấy câu bắt kê ngang hông giựt từng con cá mập kéo lên ghe. Có đêm tranh giành với bầy cá mập cho tới giữa khuya mới kéo xong dác lưới, đã mất thời giờ mà còn thiệt hại. Có bữa kéo được trăm con cá gộc thì bị cá mập táp đứt khúc hết ba chục con, nhìn những con cá bị đứt khúc nằm ngổn ngang thấy mà xót ruột. Tuy nhiên các anh ngư phủ cũng bắt được một mớ cá mập, nhưng vi cá mập lắc không đủ tiêu chuẩn bán, còn xác mần khô thỏi bán cho dân nhậu hoặc mấy bà buồn miệng nướng ăn chơi thì đâu được bao nhiêu.

Dác lưới đầu ghe nào cũng được vài chục cá gộc và cá lặt vặt có trên trăm ký. Ai cũng tin chắc năm nay cá gộc sẽ đóng trở lại.

Niềm hy vọng của họ chỉ được vài ba con dác lưới đầu thì có chuyện xảy ra. Một sáng nọ, trong lúc ngư phủ ăn bữa cháo lót lòng trước khi ra khơi bủa lưới. Chợt nghe tiếng máy nổ phành phành, mọi người giựt mình nhìn ra ngoài cồn. Chao ơi! Trời mới vừa đâm mây ngang (3) mà đèn của hai chiếc tàu sắt sáng trưng ở bên ngoài bìa rạn, có lẽ họ đương kéo dác cào hừng đông. Hồi đầu mùa cho tới bây giờ vui mừng vì cá gộc đóng trở lại nên dân ngư quên mất hai chiếc tàu sắt ăn hại kia, bây giờ thấy nó lù lù trở lại làm ai nấy lặng thinh không nói lời nào chỉ biết nhìn nhau thở dài ngao ngán.

Không biết từ hồi nào ngư dân có luật dưỡng ngư không văn bản, vùng cá gộc chỉ có lưới gộc được đánh, những lưới nhỏ hơn không được đánh vào, ngược lại những vùng của lưới khác thì lưới gộc cũng không được xâm phạm. Nhưng hai ông tàu sắt nầy ở đâu hổng biết, cứ ngang nhiên cho ghe cào càng đại vô lưới người ta, có ghe bị hai chiếc cào cho cả dàng lưới nát bét, hễ chạy tới mắng vốn thì mấy ông đem súng ra dọa. Có tin đồn hai chiếc tàu đó là của vợ ông tổng thống và cũng có tin khác nói là của ông tướng nào ở Sài Gòn. Cho dù của ai đi nữa nhưng thời buổi chiến tranh ai có súng là người đó có quyền làm mưa làm gió, dân đen chỉ có nước kêu trời.

Mấy năm nay tới mùa cá đường hội, thì mấy ông lính địa phương trong Gò Công và Ông Trang ra bắt phải đóng hối lộ. Ghe nào không tiền thì phải nạp bong bóng cá đường; không bong bóng, không đóng tiền thì mấy cha cầm ghe người ta lại chờ người nhà đem tiền xuống chuộc, bằng không thì không cho về. Lưới gộc sống nhờ vào cá gộc và cá đường, nhưng hai nơi nầy không còn yên ổn nữa, thôi thì rũ lưới thiệt sạch ém vừa ranh vừa lưới xuống một hầm rồi ráp miệng cào, vươn ngáng ra chạy về hòn Chuối, hòn Hàn cào tôm bạc thẻ cho chắc ăn.

Những ghe có ráp cào Xiêm đi hết còn lại mình ên bác Sáu. Mỗi sáng bác chạy khỏi lằn cào của hai chiếc tàu sắt bác mới cho bủa lưới, nhưng đánh kiểu nầy thì lệch lằn cá, cho nên ba bốn dác lưới mà chẳng thấy mặt mũi con cá gộc nào hết. Muốn lấy đủ sở hụi bác phải canh nước đánh đêm. Chiều lên khi mặt trời vừa líp xuống viền nước phía trời Tây, bác Sáu cho ghe chạy tuốt ra ngoài lằn nước sâu mười bốn sải, bác lên ranh đánh nổi hy vọng bắt được mớ cá bè làm khô sình (4) bán lấp vào sở hụi. Bủa lưới xong trời cũng vừa sụp tối, bác ngồi canh cho tới khi khuya mới kêu Hai Dê ra thay canh cho bác đi ngủ. Trong lúc mọi người yên giấc, chợt nghe tiếng Hai Dê kêu giựt giọng:

– Bác Sáu! Bác Sáu ơi! Lưới bị đứt rồi sao mà ghe trôi ào ào bác ơi!!

Bác thức giấc cào nhào.

– Cái thằng, đánh nổi thì lưới phải trôi nhanh.

Tuy miệng nói vậy nhưng bác cũng ngồi dậy đi ra phía trước. Tôi cũng thức dậy theo bác. Bác ra mũi cầm dây dung lên thấy lưới còn bác trở lại hông ghe lấy trái dò thẩy xuống dò nước, khi trái dò chạm tới đáy biển bác thấy ghe trôi ào ào không được bình thường lắm. Bác kêu tôi xuống đề máy và đánh thức đám bạn dậy thay đồ chuẩn bị kéo lưới.

Các anh vừa choàng dây lên trái lăn cho máy kéo lưới chợt máy cuốn ro ro lên hơn ba tay lưới thì hết, phần còn lại gần nguyên dàn lưới trôi đâu mất tiêu. Bác Sáu đứng sững hồi lầu, ngao ngán thở dài, không nói không rằng bác vô mui quay vô lăng cho ghe trực chỉ hướng cồn rồi ra lịnh bỏ neo. Từ lúc neo ghe cho tới sáng đâu ai ngủ nghê gì được. Mấy người pha hết bình trà nầy qua bình trà trà khác ngồi nhâm nhi đoán già đoán non coi lưới trôi hướng nào... Tới khi trời hừng sáng bác Sáu kêu tài cải đề máy ra lịnh nhổ neo. Bác phân công Hai Dê và bác thay phiên nhau cầm lái, tài cải cùng dàng bạn thay nhau đứng trên mui ghe dòm nếu thấy ranh thấy lưới thì xuống báo cho bác hay....

Suốt ba ngày trời ban đêm neo ghe, ban ngày cho ghe chạy từ cạnh phía Nam hòn Hàn xuống tuốt hòn Khoai, đôi lần bác cho ghe vô vùng cấm nhưng ngoài hai chiếc tàu sắt đương tung hoành trên vùng biển lưới gộc trước kia và vài chiếc ghe câu khơi thấp thoáng phía ngoài hòn Khoai ra chẳng thấy bóng dáng đâu là cờ hay ranh lưới nhà. Hổng lẽ cứ cơm ghe bè bạn chạy khơi khơi như tàu tuần biển. Sáng sớm hôm đó tự nhiên bác Sáu đánh thức dàng bạn dậy, gương mặt bác hết căng và cau có. Bác kêu thằng nhỏ theo nấu ăn mở hầm lấy con cá sạo nấu cháo và kêu một ngư phủ nướng khô cá đuối và đem hết bánh kẹo ra. Còn hơn nửa can rượu bác kêu tất cả tụ tập vô ca bin ngồi vòng tròn. Vô vài cốc bác ôn tồn nhỏ nhẹ:

– Tao suy tính kỹ rồi, không kiếm lưới nữa, có chạy thêm chỉ tốn dầu, thiết nghĩ lưới gộc hết thời rồi, có kiếm được dàn lưới đem dìa cũng để chật nhà chớ chẳng ích lợi gì.

Bác nhìn mọi người dò ý, thấy ai cũng yên lặng chờ nghe. Bác nói tiếp:

– Về kỳ nầy tao giao ghe cho thằng Dê làm tài công, day qua tôi bác nói, còn thằng Cu, mầy theo phụ anh Hai mầy ra Sơn Rái gắn ngáng, ráp cào đem dìa đi cào.

Day qua dàn bạn:

– Đứa nào theo cào thì theo bằng không thì nhảy qua ghe khác. Có đứa nào ý kiến gì hông?

Ai cũng đồng ý ở lại với bác làm nghề cào. Tôi lên tiếng hỏi:

– Còn bác làm gì?

Bác hừ một cái:

– Thằng hỏi kỳ cục, tao về nhà làm chủ của tụi bây, lưới gộc đã bỏ tao rồi thì tao cũng hổng cần nó nữa, về chuyến nầy tao bỏ nghề luôn.

Bác quyết định như vậy rất hợp ý với dàn bạn. Mọi người vui vẻ nhẹ nhàng như vừa trút đi một gánh nặng. Khi cháo chín thằng nhỏ dọn lên mọi người ăn và uống hết can rượu xong bác Sáu mới chịu cho nhổ neo và cho ghe trực chỉ về vàm Sông Ông Đốc. Đó là chiếc ghe cuối cùng đã bỏ nghề lưới gộc vào giữa mùa gió chướng năm 1973.

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Đại Tây Dương 22-06-2007

___________

Chú thích:

1. Ba Cậu chớ không phải bà cậu. Tục truyền, ngày xưa có gia đình một bà mẹ và ba đứa con trai sống gần biển. Một hôm bà mẹ xuống bãi mò cá bị sóng cuốn trôi. Ba cậu con trai mò hoài không được bèn nghĩ ra một cách là se chỉ đan thành miếng lưới rồi đem ra biển thả xuống rà, nhưng tìm hoài không thấy xác mẹ đâu mà chỉ bắt được rất nhiều cá. Dân làng thấy vậy mới bắt chước se chỉ đan lưới để bắt cá. Về sau ba cậu chết người ta nhớ ơn lập bàn thờ thờ ba Cậu. Mỗi khi ra biển dân ngư vái ba Cậu cho chuyến ra khơi trúng nhiều cá và từ đó dân ngư xem ba Cậu như là tổ của nghề chài lưới.

2. Cá mập lắc mỗi con chừng hai chục ký.

3. Mây đâm ngang là lúc rạng đông ở phía mặt trời mọc có những đám mây xám, mây đen đâm ngang chơn trời.

4. Cá bè để sình lên, xẻ lấy hai miếng thịt nạc hai bên rồi đem ướp muối một ngày, sau đó mới đem phơi khô. Người ta gọi là khô sình. Khô sình ăn cháo trắng rất ngon...

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/mualuoigoc.html


Cái Đình - 2022