nguyễn như mÂy


Tản mạn về Văn Hóa

.

Hôm nọ, tôi và một bạn người nước ngoài đi dạo phố. Hắn đang có công trình về Văn hoá Việt Nam để lấy chứng chỉ tại một trường đại học của nước mình. Hắn nói và viết tiếng Việt Nam khá giỏi dù chỉ mới học hơn hai năm nay với tôi. Nhưng hình như hắn luôn “nặng nợ” với Việt Nam hơn chính quê Mẹ của mình. Ví dụ như khi chúng tôi đi ngang qua một quán nhậu bình dân với tấm bảng “to tổ chảng” viết: “Bia Sài Gòn, niềm tự hào của Việt Nam”, hắn bắt tôi phải dừng lại bên hè phố để chờ hắn chụp hình cái quán nhậu và tấm bảng quảng cáo ấy. Hắn đưa cả hai tay lên trời như muốn nói “Than ôi!” rồi lại nắm cả hai vai tôi mà hỏi như tra vấn:

– Chỉ một cái quán “nhậu bình dân” này mà người ta đã “tự hào” như vậy thì “những nơi to hơn”, họ sẽ “tự hào” tới đâu nữa hỡi thằng bạn nhà thơ của tôi ơi?

Rồi hắn bỏ tôi đứng lại một mình giữa hè phố đông người chiều chúa nhật mà bước đi nhanh về phía trước khá xa mới đứng lại. Hắn có vẻ như đang chờ tôi tới.

– Tau hiểu mày. André à! Tau xin cảm ơn mày đã dành cho xứ sở tau tình cảm đẹp tha thiết vậy. Nhưng ...

Hắn cắt ngang tôi ngay:

– Nhưng? Nhưng cái gì? Cái gì?

Tôi kéo tay hắn ra ngồi ở bờ sông. Chiều đang xuống với những “gam” màu tối như có ai vừa đổ tràn ra trên mặt sông. André ngồi thẫn thờ, mắt nhìn vô hồn xuống sông. Tôi biết hắn “chưa đã nư” về hai từ “tự hào” kia. Tôi lấy gói thuốc hút ra mời hắn một điếu trước. Hơi khói bay thơm trong vạt nắng chiều còn sót lại chỗ bọn tôi ngồi.

– Tau xin nhắc lại cho nhà thơ Việt Nam nghe rõ: “Tự hào” tiếng Pháp tụi tau nói “s’énorgueillir” chỉ dùng khi nói về lịch sử, về văn hoá chứ có bao giờ dân tau dám “vỗ ngực xưng tên” để “tự hào” về rượu nho vùng Bretagne là “number one” đâu!.. Chỉ có nước mày với những “công bộc” (fonctionnaire) ăn đồng lương từ thuế của nhân dân mà lại “duyệt” cho bọn lái buôn dám ngang nhiên viết được như vậy thì...

Nghỉ một lát, André lại “thuyết” về lịch sử khẩn hoang của xứ miền nam trong cuộc nội chiến dai dẳng kéo dài suốt 70 năm giữa hai phe Đàng Trong và Đàng Ngoài làm mất mát biết bao nhiêu là công trình và di sản văn hoá Việt Nam, đó là chưa nói tới nỗi thống khổ của nhân dân hai miền...

Cuối cùng, André hỏi một câu làm tôi như chợt tỉnh:

– Nhà thơ thân mến của tôi có biết ngày nay nhân dân cả nước của nhà thơ đều nói và viết chỉ có một nửa tên hiệu tổ quốc mình không? Tại sao mọi người không nói đầy đủ là “Việt Nam” mà lại cứ “dùng” từ “Việt” khi nói và viết về tổ quốc mình? Vậy mà mọi người đều không một ai phản đối hay lên tiếng nói một lời nào mới là hay!..

André “nóng” hơn:

– Nhưng khi nói tới sự mua chuộc nhau bằng cách bỏ tiền trong phong bì cho “lịch sự” thì mọi người đều tỏ ra thích thú với cụm từ đầy đủ là “văn hoá phong bì”; rồi lúc bị cho “về vườn” trước thời hạn qui định thì cũng những người ấy lại ví von rằng đó là “văn hoá từ chức”! Không lẽ nước bạn nhà thơ thân mến của tôi lại dễ dùng từ “văn hoá” một cách vô tội vạ như vậy?! Chữ nghĩa của nước bạn ngày càng “đi xuống” nhanh vậy sao?.. Tau rất buồn nhưng tau cũng rất yêu thằng bạn nhà thơ là mày đó!.. Mày là người làm công tác văn hoá thì biết Văn Hoá nó thiêng liêng và to lớn tới bao nhiêu ? Vậy mà dân Việt Nam hễ mở miệng hoặc cầm tới cây viết là “tung hô” vô tội vạ hai từ “văn hoá” đến như vậy!..

André ăn ở “y chang” người Việt Nam suốt 10 năm nay nên mọi ý tưởng tốt đẹp của hắn về đất nước mình đều làm tôi thích thú và ngày càng thương quí hắn hơn. Trên đường ra về, bất ngờ làm sao khi hắn rút trong ví ra một tấm hình cũ rồi đưa tôi coi. Đó là hình chụp lại trên báo cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận trong một ngày lễ kỷ niệm về Hai Bà từ trước năm 1975 ở Sài Gòn.

– Tau không là công dân của nước nhà thơ nhưng tau rất tự hào về tấm hình cũ này. Vì tau là bạn mày. Vì tau yêu quí dân tộc và đất nước của nhà thơ... Mày hiểu rồi chớ gì? Nè, tau nói cho mày biết rằng: dù có ai đòi trả giá cao nhất để mua lại tấm hình này tau cũng không bán đó nha!.. Vì tau rất tự hào là bạn thân thương của quốc gia Việt Nam anh hùng rất đáng để tự hào...

Trong tập tài liệu của André chuẩn bị đem về trường để lấy chứng chỉ tiến sĩ về Văn hoá Việt Nam, tôi còn thấy có nhiều sử liệu xa xưa và cả một cuốn sổ tay dày mấy trăm trang chép toàn bộ những ca dao, tục ngữ nước ta. Hắn đã nhiều lần “thao thao bất tuyệt” với tôi cả buổi sáng về thơ văn chữ Hán của Nguyễn Trãi, thơ chữ Nôm của bà Hồ Xuân Hương và Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Cũng may vì tôi là dân học ban C nên chịu lắng nghe và hiểu được hắn!.. Cuối cùng, hắn nắm cả hai bàn tay tôi rồi siết chặt lại khi hùng hồn nói:

– Tất cả đều làm tau tự hào, dù đó là di sản văn hoá lâu đời của xứ sở nhà thơ... Tau rất tự hào!..

Tôi nhớ có lần André đã kể tôi nghe chuyện quân đội nhân dân của Algéri thường hô vang một từ để động viên nhau trong mỗi lần tấn công quân đội Pháp chiếm đóng tổ quốc mình:

– Điện Biên Phủ!

.

* nguyễn như mÂy

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/tanmanvevanhoa.htm


Cái Đình - 2021