Nguyên Ngôn


Nguồn

 

Cơn mưa dai dẳng còn nặng hột, rì rào trên mái lá, tí tách trên mặt nước sông đầy. Hàng dừa ven sông đứng lặng im ủ rũ, trầm mặc, cam phận chịu đựng những phiền trược của cuộc đời, nhòa nhạt trong màn mưa. Trên sông phẳng lặng vắng bóng những con thuyền xuôi ngược. Cả làng quê chìm vào khung cảnh im lìm, tĩnh mịch của buổi hoàng hôn trong mưa. Túp nhà sàn tre lá đơn sơ bên bờ sông, trên mặt nước, thiếu chăm sóc, vẫn đượm một nét thi vị êm đềm. Phần nhô ra mặt sông của túp lều đặt bếp, bàn ăn và một chiếc võng treo, ba phía vách che bằng tấm phên tre lá được chống cao lên.

Bên bàn ăn trống trải, cạnh chiếc đèn dầu vàng hoạch, đôi bạn già ngồi đối mặt nhau. Họ cảm nhận tấm tình thân thương của nhau sau hai mươi năm xa cách bằng tấm lòng, bằng ánh mắt, bằng nụ cười, chứ không phải bằng những lối nói khách sáo, thói quen, lối mòn, cũng không phải bằng những cử chỉ vồn vã giả tạo, vô hồn. Họ đã đạt đến cảnh giới “vô ngôn thông”. Chốc chốc, một luồng hơi lạnh từ ngoài phả vào làm Diêu rùn mình. Anh bước lại bếp hì hục thổi một bếp than, bưng đến đặt lên bàn. Nguyên vẫn nhìn mưa rơi không quay lại, lên tiếng:

– Đâu cần thiết phải sưởi.

– Không phải để sưởi, để nướng khô nhậu đó. Sao? Việt kiều nhậu được rượu đế, khô lịch với xoài sống không?

– Mầy chọc đúng chỗ hận của tao rồi. Tao vẫn còn là một người Việt nam nguyên vẹn hồn xác, đột nhiên bị xếp vào một loại người riêng biệt, tách lìa khỏi dòng dân tộc Việt. Bấy lâu nay, tao hậm hực về chuyện nầy. Nhà cầm quyền Hà nội muốn xếp tao vào loại gì theo lợi ích tuyên truyền chính sách của họ, là tại họ muốn. Tại sao người dân lại về hùa với họ?!

Diêu cười thoải mái:

– Thôi, đủ rồi. Diễu chút chơi, có chết thằng tây nào đâu mà sợ. Tao hiểu mầy mà. Để tao đi lấy mồi nhậu và rượu.

– Có cần tao không?

– Không cần.

Diêu mang đến đặt lên bàn một rổ khô lịch ngoằn ngoèo, một dĩa xoài sống ánh vàng, loại xoài thơm Sa đéc. Anh lại bước vô góc bếp lấy hai cái dĩa, cái cốc nhỏ, chai rượu đế và con dao.

– Mầy có thích tự tay mình nướng khô, hay để tao nướng cho mầy?

– Tao thích tự tay mình nướng, mình ăn.

Tiếng than nổ lách tách, hòa lẫn tiếng mưa rơi rào rạc trên mái lá, tiếng nước rơi trên mặt nước sông, tạo nên một nhạc điệu nhẹ nhàng, dìu dặt buồn. Giọng Diêu trầm trầm:

– Mầy đã vượt qua hai mươi năm của kiếp người bằng cách nào?

– Cái lối dùng chữ của mầy thật lạ. Mầy làm như sống là một ách nạn đau khổ mà mình cần phải vượt qua.

– Quả tình tao có hàm ý đó. Tao đã chịu đựng hết nổi cái nhiễu nhương của xã hội, cái điên đảo của con người, tao rút vào cái vỏ để trốn tránh xã hội bên ngoài. Mầy xem, qua hai mươi năm, tao vẫn còn nguyên trong vỏ. Nhưng tao có thoát khỏi phiền não đâu! Tao còn nhớ câu chuyện ông vua có lỗ tai lừa mà mầy kể trước khi mầy bị bắt đi học tập cải tạo. Thật là thảm thương cho anh chàng lỡ thấy ông vua có lỗ tai lừa, anh ta phải chiến đấu thường trực với cái biết của mình, vì hễ mở miệng nói ra, là bị rơi đầu. Tao cũng vậy, tao phải từng phút, từng giây dấu diếm tri thức của tao. Lát nữa tao sẽ nói tiếp, tao đang hỏi mầy mà.

– Tao đến Hòa Lan, sau đó theo học cao đẳng hàng hải, hiện giờ sống bằng đồng lương thuyền trưởng viễn duyên, hiện đang yêu và đang khổ.

Diêu lầu bầu:

– Nói chuyện với mầy chán quá. Tao đang muốn biết mầy sống thế nào và những vui buồn, ưu tư trong đời mầy, chớ tao có biểu mầy làm thống kê về cuộc đời mầy đâu.

– Hai mươi năm của đời người, trong phút chốc làm sao tao nói hết được.

– Không sao, tao sẵn sàng ngồi sáng đêm nay, ngày mai, ngày mốt nghe mầy nói. Mầy đang yêu và đang khổ, mầy yêu nhằm một cô bé có trái tim bằng sắt hả?

– Không phải một cô bé, mà là một người đàn bà và cũng không phải nàng có trái tim bằng sắt. Trái lại, nàng có một trái tim rung động rạt rào, vi tế và nàng cũng yêu tao.

– Như thế là hạnh phúc tuyệt vời, chứ đau khổ nỗi gì? Nhân sinh quan chỏi ngược hả?

– Trật lất. Chúng tao hợp nhau đến từng chi tiết nhỏ nhặt, đôi khi đoán được cả ý nghĩ của nhau nữa. Về bản thể, hai đứa tao giống hệt nhau, nhưng về hành xử thì có vẻ trái ngược nhau. Tao thì cứng ngắc, vụng về, thô lỗ; tao đang cải sửa thái độ của mình. Còn nàng thì tinh tế, mềm mỏng, nhỏ nhẹ, vén khéo, lịch thiệp.

– Ôi! Thật là diểm phúc! Kiếm được một người bạn hiểu mình và sẵn sàng chia xẻ những vinh nhục của đời mình đã là khó rồi. Mầy đã yêu được một người là cái khó thứ nhứt, người ấy chịu yêu mầy là cái khó thứ hai và người ấy chịu hiểu mầy nữa là cái khó thứ ba. Ba cái khó nầy mầy đã vượt qua thì còn khổ cái gì nữa? Mầy còn đợi gì mà không đóng trang, rinh nàng về mà kính ngưỡng, nâng niu?... Thôi tao không đoán nữa, mầy kể tiếp đi.

Nguyên ngồi trầm ngâm bất động. Bên ngoài trời đã tối, tiếng mưa vẫn rì rào trên mái lá. Diêu dùng tay không bóc một con khô lịch ra khỏi vỉ sắt trên than hồng, vừa thổi, vừa chuyền tay cho bớt nóng, cuối cùng anh cũng phải để con khô xuống dĩa, lấy dao gọt một miếng xoài dầy để nguyên vỏ. Xoài cứng, dòn bể kêu lách tách dưới lát dao, làm cho nước miếng trong miệng Nguyên cứ dâng lên. Đôi bạn già vừa ăn khô lịch nướng, xoài sống và uống rượu đế, vừa tâm tình.

Diêu phân trần:

– Đáng lẽ xoài nầy phải đập cho nó bể ra hơi dập, ăn mới ngon. Nhưng tao sợ mầy đập vào góc cột, sập nhà tao, nên đành phải gọt vậy.

Nguyên phì cười về cái lối tự đem mình ra làm trò diễu về sự nghèo nàn của Diêu. Một con người dám đem mình ra chế diễu thì trên đời nầy còn gì để anh ta phải kiêng dè nữa. Nguyên thích thú ghi nhận mức độ từng trải của bạn. Diêu trở lại câu chuyện:

– Kể tiếp đi.

– Nàng là một tác phẩm hoàn hảo của tạo hóa, từ thể chất đến tâm hồn, vừa là một người tình tuyệt vời, lại vừa là một mẫu người vợ hiền đảm đang, là một người bạn đời để tao có thể chỉa xẻ tất cả các mối đau buồn, vinh nhục của cuộc đời, vừa là một hợp tác viên để cùng nhau bàn bạc kế hoạch, quyết định đường hướng. Sự bén nhạy, tinh tế, mau mắn và kiên trì của nàng đã vượt xa tao. Do đó, tao yêu nàng với một niềm tôn kính đặc biệt.

- Chỉ cần nghe ngôn ngữ của mầy diễn tả về nàng, tao cũng hiểu là mầy đã vong thân cho nữ thần của mầy rồi.

– Vâng, tao yêu nàng bằng tất cả cuộc đời tao. Tao hiến dâng cả hồn xác cho nàng rồi, ngoài ra, tao chẳng còn gì để hiến dâng thêm nữa. Đó chính là nỗi đau của tao.

– Mầy dùng chữ “ hiến dâng cả hồn xác” nghe được lắm, nhưng nó hàm hồ, vô nghĩa làm sao ấy. Bây giờ tao chia ra từng mục nhỏ. Tao biết cái mầy quý trọng nhứt đời là danh dự. Mầy có dám hy sinh danh dự của mầy cho nàng không? 

– Dám, tao dám hy sinh danh dự của tao cho nàng, và điều nầy tao đã làm.

– Được rồi. Mầy có bỏ tự ái của mầy vì nàng không?

– Lúc đầu thì không. Nhưng bây giờ thì tao đã đạt được rồi.

– Giỏi, mầy là thằng có quá nhiều tự ái, đã vì nàng mà bỏ được, thì quả thật cô nàng có một sức cảm hóa phi thường, thế gian hi hữu. Tao cứ tưởng khi mầy chết, cái mầy sẽ mang theo xuống đáy huyệt, là tự ái và danh dự của mầy. Thật không ngờ trên thế gian nầy còn có một người cảm hóa được mầy, mà lại là một người đàn bà! Tài thật. Tao hỏi tiếp: Mầy có lo lắng chăm sóc cho nàng không?

Nguyên trầm ngâm nghĩ ngợi:

– Tao muốn lắm, nhưng chưa làm được.

– Sai. Trả lời lạc đề. Tao hỏi mầy có hay không, chứ không phải muốn hay không.

– Mầy rắc rối quá. Chỗ nầy mầy để cho tao dài dòng một chút. Nàng có một văn phòng cố vấn trang điểm và một tiệm bán mỹ phẩm. Về phương diện chuyên môn của nàng, tao chẳng rớ vào chỗ nào được, vì tao không có khả năng kiến thức đó. Nhưng về phương diện hành chánh tài chánh, thuế khóa, luật lệ, giao tiếp với các cơ quan định chế nhà nước, những thứ nầy nằm trong khả năng của tao, tao lại chẳng giúp gì được. Tao không có cái chính danh để nhân danh nàng mà giải quyết những khó khăn của nàng, tao đành trơ mắt ếch ngồi nhìn nàng vật vã với những nỗi khó khăn. Tao thương cảm thân phận của nàng đến muốn khóc, nhưng tao không biết phải làm sao để gánh bớt cái gánh nặng của nàng.

– Đúng. Như thế mới thật là tình yêu. Nhưng tại sao mầy không ngỏ ý xin cưới nàng?

– Đây là một vấn nạn thường trực của tao trong những đêm dài thao thức, trằn trọc. Nếu bây giờ tao xin cưới nàng và giả thử rằng nàng chấp thuận, thì có gì khá hơn đâu. Hàng ngày tao vẫn lênh đênh trên biển, lâu lâu tao về bến một lần thì nàng vẫn phải hàng ngày, một mình đương đầu với những khó khăn chồng chất.

Ngừng một lúc, Nguyên kể tiếp:

– Nếu tao bỏ nghề nghiệp, bỏ tất cả để xin cưới nàng, tao phải làm cái thứ thân cư thê, sống bám vào vợ sao? Tên tuổi và vị thế xã hội mà tao có được là do nghề nghiệp của tao, bỏ nghề, tao sẽ trở thành một kẻ trắng tay. Nàng phải kết hôn với một thằng vô tích sự như vậy sao? Về phần tao, tao chấp nhận bỏ tất cả để được nàng. Nhưng tao không chấp nhận nổi nàng vì tao mà phải bị cả thiên hạ chê cười. Đẹp, sang trọng, danh vọng như nàng có biết bao gã đàn ông thèm muốn mà không được, thì đây là cái lý cớ cho họ dèm pha, kể cả phái nữ thua kém nàng đâm ra ganh tị, đố kỵ, thì đây sẽ là cơ hội để nàng trở thành câu chuyện đầu môi của mọi người.

Diêu ngồi im lặng thở dài, vói tay lấy ly rượu nốc một hơi cạn ly, anh lại rót đầy ly, đẩy qua Nguyên, chép miệng:

– Ý của nàng thế nào?

– Nàng không đòi hỏi gì cả, nàng nghĩ rằng lâu lâu gặp nhau tâm sự, cùng nhau đi chơi đó đây cũng đủ rồi. Chính tâm hồn cao thượng, khoáng đạt, chấp nhận hy sinh của nàng làm tao đau khổ. Tao muốn vươn lên cao hơn nàng về sự cao thượng trong tình yêu, hy sinh mọi thứ cho hạnh phúc của nàng, hiến dâng tất cả những cái tao có cho cuộc đời nàng. Nhưng nàng không cần, nàng lại hiến dâng cho tao một tình yêu ngọt ngào, đầm thấm, ngát hương. Ông trời sanh ra hai đứa tao một cặp để mà yêu nhau, nhưng ông ta lại chơi ác, không sanh ra mỗi người một nửa để phải ráp lại nhau thành một cái tròn đầy, mà lại sanh ra hai đứa tao như hai cái tròn đầy, mỗi cái tròn đầy đã tự đủ bên trong, tự mình có thể tồn tại, rồi lại liệng qua nửa vòng trái đất, sau khi đã lãng phí hơn hai phần ba đời người, mới cho ráp lại trong nghịch cảnh. Tao tưởng tượng, trong những đêm dài khuya khoắc, lỡ nàng bịnh, không người chăm sóc, nàng phải vật vã một mình với nỗi đau đớn, tao khổ tâm lắm. Thân vô thường mà, ai tránh khỏi thân đau yếu, những lúc đó, sự hiện diện của tao bên cạnh nàng vô cùng cần thiết. Tao muốn tự mình chăm sóc cho nàng, lo lắng cho nàng, mà tao vẫn không làm được, tao buồn lắm, tao khổ lắm.

Diêu ngồi trầm ngâm giây lâu, lát sau lên tiếng:

– Tao nghĩ, mầy nên nói trắng ra với nàng những cái trong đầu mầy. Hai người đã đạt đến trình độ hiểu nhau để có thể chia sớt nhau mọi sự, vậy thì hãy cùng nhau mà giải quyết, đừng có một mình giành lấy độc quyền thu xếp công việc theo ý riêng mình, dù với hậu ý tốt.

Nguyên đưa tay cầm lấy ly rượu nốc một hơi. Cơn gió thốc hơi lạnh và bụi nước từ ngoài vào. Ngọn đèn dầu chao đảo, lung linh. Diêu ngồi bất động nghĩ ngợi. Nguyên xé khô, vói tay bốc miếng xoài đưa vào miệng nhai. Họ ngồi im lặng bên nhau lâu lắm. Nguyên lên tiếng:

– Mầy nghĩ ngợi gì vậy?

– Tao đang cố lắng nghe hòa âm của vũ trụ.

Nguyên phì cười:

– Bộ mầy tưởng ngồi nhậu lai rai với tao, rồi có thể nghe được hòa âm của vũ trụ sao? Mầy còn ngồi nhậu, tức mầy còn chạy theo trần và thức, chưa định tâm được, mầy còn dùng lý luận với tao, tức mầy chưa đoạn lìa sở kiến, vậy thì mầy lấy gì để nghe được hòa âm của vũ trụ.

– Mầy nghĩ coi, trong vũ trụ có biết bao hiện tượng trái nghịch nhau, vậy mà cho đến bây giờ vũ trụ nầy vẫn chưa nổ tung, bao nhiêu cái trái nghịch đó, nó phải được hòa hợp nhau trong một hòa âm vi diệu.

– Mầy muốn nói gì đây? Có phải mầy muốn nói cả hai chúng tao dù đã tròn đầy, tự tồn tại biệt lập nhau, vẫn có thể ráp lại trong một hòa âm tình tứ vĩnh cữu?

Diêu không trả lời, vói tay lấy ly rượu nốc cạn. Lại một cơn gió lốc lùa nước mưa vào bàn nhậu. Nguyên nhớ lại những ngày mưa bão trên biển:

– Có lần đang giữa đại dương, tao được thông báo: sắp có bão lớn, tâm bão xuất hiện ngay tọa độ ở gần tàu của tao. Không còn đường lẩn tránh, tao cho tàu vô tâm bão, thả xập xình nghỉ ngơi. Bên ngoài bão dậy đầy trời, khắp mặt đại dương, nhưng trong tâm bão thật là yên tĩnh. Thủy thủ được một ngày nghỉ ngơi thoải mái...

Diêu ngồi bật dậy:

– Đúng. Mọi biến động trên trần thế nầy phải được phát xuất từ một nguồn yên tĩnh. Tao còn nhớ, hồi nhỏ mình học hình học, được thầy giảng rằng, hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau ở vô cực, hoặc đường thẳng là một đường bắt nguồn từ vô cực và đến vô cực. Nơi đó, sẽ là chỗ gặp nhau, chỗ tận cùng, lại cũng là chỗ phát xuất mọi sự việc trái nghịch nhau. Nhưng chính nơi đó thì không có sự phân biệt, không có trái nghịch, mà mọi việc hòa hợp nhau trong một trật tự toàn hảo.

Tao mơ ước, tao thèm khát được biết, được đến đó, cái nơi gọi bằng gì cũng được: Nguồn, Vô Cực, Tâm Vũ Trụ, Thiên Thai hay gì gì đó.

– Mầy muốn lìa bỏ trần thế nầy à?

– Tao chịu hết nổi cái trần thế nầy rồi.

– Trần thế nầy là hư ảo, vốn không có thật, nó chỉ là hệ luận của duyên tụ và tán của tứ đại. Nhưng mầy lìa bỏ nó rồi, mầy chẳng còn gì cả. Mầy phải bám vào cái trần thế hư ảo nầy để mà chuyển hóa.

– Tao đang ở giửa đám thây ma thúi hoắc. Đám thây ma nầy rồi cũng trở về với cát bụi. Và tao cũng vậy. Mầy bắt tao bám lấy đám thây ma thúi hoắc nầy để mà chuyển hóa à? Tao đã chờ hơn nửa đời người rồi, Tao có chuyển hóa được cái gì đâu? Còn mầy, mầy yên bình nơi xứ người, lo tận hưởng tình yêu.

Nguyên giật mình thấy bạn đổi thái độ:

– Cũng không đến nổi tệ như thế.

Diêu đánh lạc hướng câu chuyện:

– Thôi uống đi, nói người ta mới tin.

Diêu nốc một hơi cạn ly, lại rót đầy, đẩy qua cho Nguyên.

Cơn mưa đã tạnh. Trời bắt đầu sáng. Đôi bạn già vẫn còn ngồi đối ẩm. Trên bàn vương vãi xương lịch, hột xoài. Bếp than hồng đã tắt tự bao giờ. chiếc đèn dầu vẫn còn le lói vô nghĩa.

Bên ngoài, những đóa hoa lùn trắng xóa tinh anh mở rộng cánh đón sương mai bên cạnh sàn nhà. Những cọng cỏ mồm ốm yếu run rẩy trên làn nước còn vướng vấp hơi sương lãng đãng. Những đám lục bình từ phương trời vô định bềnh bồng trôi về phương trời vô định, mang theo những đóa hoa màu tím nhạt lẩn khuất trong sương sớm.

***

Bảy năm sau khi Nguyên trở về chịu tang cha có đến thăm Diêu. Ngôi nhà vẫn còn đó, tiêu điều, xơ xác, xiêu vẹo. Nhà cũ vẫn còn đây, nhưng người xưa đà vắng bóng. Nguyên đến thăm em trai Diêu và được biết:

Khoảng thời gian sau nầy, Diêu trở nên lầm lì ít nói và lánh mặt hết mọi người. Anh sống cô độc giữa xã hội loài người. Vào một sớm, Diêu âm thầm lên đường tìm về Nguồn. Anh lên chiếc ghe tam bản trương buồm đi về thượng lưu sông. Đã hơn một năm rồi, không còng ai gặp lại Diêu, cũng không còn ai nghe nói về Diêu. Túp nhà sàn tre lá vẫn để đó đợi chờ.

Nguyên nghĩ ngợi “Không phải là một sự tìm về, mà là một sự trốn chạy. Dẫu cho Diêu có tìm ra được Nguồn, nơi luôn luôn thanh bình, an lạc, trong sáng, không còn phiền não, đói khổ lạnh lẽo, chẳng cần phải dự phòng cho những chuyện bất ngờ nữa, không còn phải sử dụng đến ý chí và nghị lực để đối phó với những khó khăn, khả năng phấn đấu tiến thủ sẽ phải dẹp bỏ, Diêu sẽ không thể thích hợp, không thể hội nhập được với một hoàn cảnh như thế và Diêu sẽ thèm nhớ cái xã hội trần gian đầy bất trắc, nhiều rối rắm nầy.”  Rất tiếc, Nguyên không nói được những điều nầy với Diêu, cũng chưa nói được giải pháp đã thực hiện cho cuộc đời minh.

Lần trở về nầy, Nguyên cũng muốn báo cho bạn biết giải pháp cho vấn nạn của mình:

Hai kẻ yêu nhau, chờ đợi hơn hai phần ba đời người, cuối cùng vì yêu nhau chân tình, yêu nhau trọn vẹn hồn xác, yêu đến độ sẵn sàng quên bản thân mình cho người thương, nên phải chia tay nhau. Tình yêu của họ thuần khiết, tinh tế đến độ không thể chịu đựng nổi một vết bụi mờ nên họ phải chia tay nhau để bảo vệ mối tình lý tưởng đó!

Nguyên Ngôn

 


Cái Đình - 2014