Nguyên Ngôn
Muộn
Cô gái trẻ bước vào.
Căn phòng bỗng rực sáng long lanh do sự xuất hiện của cô. Trong chiếc áo dài đơn sơ màu trắng, quần đen, mái tóc buông xuôi xõa ngang vai, cô vẫn còn vương vấn nét đẹp thuần khiết của một sinh viên. Chiếc áo dài trắng mộc mạc đơn sơ của cô, đơn sơ đến độ tinh khiết, vi diệu, nếu thêm một tí sẽ thành hoa hòe, nếu bớt một tí sẽ thành kệch cỡm. Chiếc áo dài đẹp đến mức nó không hiển hiện, chỉ còn hiển hiện nét đẹp của người con gái. Cô đẹp một vẻ đẹp mộng huyễn như giọt sương mai dưới nắng sớm làm cho người ta vừa thấy đó, lo sợ sau chớp mắt nó sẽ không còn, phải nâng niu, kính ngưỡng vì sợ hạt sương tan. Nét đẹp rực rỡ của cô chìm sâu lặng bên trong sự đơn sơ tinh khiết, một nét đẹp để cả đời khám phá cũng chưa nắm bắt hết được.
– Kính chào ông hiệu trưởng, tôi tên...
– Biết rồi, xin chào cô Thi, hoa khôi của vùng nầy, còn ai không biết. Tôi nói mau.
Thi mở to mắt nhìn tôi rồi nghiêng đầu e thẹn, má ửng hồng. E thẹn có lẽ là nét đẹp thần thánh của riêng người Việt nam. E thẹn làm cho nét đẹp mộng huyễn của Thi ẩn ẩn hiện hiện,chập chờn, lãng đãng, le lói ánh lửa thuyền chài trong sương khói trên sông. Sự e thẹn của Thi làm cho tôi thoát trần, đi vào cõi mộng mơ chập chờn tiên cảnh, vượt lên trên cái nhân thế trần truồng thô kệch nầy. Đôi mắt tròn, to, đen láy, đượm vẻ đa tình, lấp lánh nét tinh ranh thông minh:
– Tôi đến trình nghị định bổ nhiệm dạy tại trường của ông hiệu trưởng.
Bị tống xuống trần gian một cách thô bạo, không thương tiếc, tôi nghĩ, lại chơi cha nữa rồi! Xin dạy giờ ở trường tôi mà không xin ý kiến phê chuẩn của tôi trước. Nhưng có ai lại dám cư xử thô thiển trước người đẹp, tôi đọc lướt qua nghị định, vui vẻ trả lời :
– Hay quá, trường đang thiếu giáo sư dạy Việt văn. Chừng nào cô có thể bắt đầu?
– Chừng nào ông hiệu trưởng cho phép tôi bắt đầu?
– Trong trường nầy toàn là những người trẻ không, chúng tôi coi nhau như anh em, nên gọi nhau bằng anh em. Thứ hai tuần tới đi. Thứ Sáu tuần nầy trường có phiên họp, tôi mời cô đến vào hồi bốn giờ chiều để giới thiệu với các đồng nghiệp. Trong tuần nầy chúng tôi sẽ sắp thời dụng biểu, khi nào xong, tôi sẽ gởi cho cô xem trước.
– Dạ,... anh Ngôn. Cô thè lưỡi ra rồi gục đầu e thẹn như vừa làm điều gì sái quấy vậy.
***
Thi đã dạy ở trường tôi hơn ba tháng qua. Vào cuối tuần, chúng tôi tổ chức đi thăm vùng Thất Sơn, tất cả giáo chức và nhân viên văn phòng đều tham dự. Tôi khuyến khích phái nam đem xe Honda theo để người nam có thể đèo người nữ chạy trên đoạn đường dài. Tôi cố tình không sắp xếp trước ai phải đi với ai, vì muốn để cho mọi người tự tìm người “ăn ý” đi chung với mình, như một sự tình cờ.
Lúc khởi hành, tôi rồ máy xe ngồi đợi người lên ngồi phía sau. Và thật “tình cờ”, người lên ngồi xe tôi lại là cô Thi. Trời đất nông thôn hiu quạnh nầy bỗng nhiên bừng sáng một màu hồng. Cây ô môi tràn ngập hoa hường vươn lên giữa đồng lúa dưới bầu trời xanh thắm, cây vông đồng đơm bông đỏ thắm một vùng trời, buông từng cánh hoa đỏ chót xuống dòng nước trong xanh. Quả là cõi non bồng nước nhược ngay trước mắt, không cần tìm đâu xa. Đây là điều mơ ước không dám nói ra lời của tôi. Tôi cho xe lướt tới dẫn đầu. Cả đoàn chạy theo sau.
Hai mươi sáu năm làm người, chưa từng có cơ hội lăn lộn vào đời, lại rơi ngay vào môi trường mô phạm, tôi chưa hề biết tán gái. Ở nông thôn, thầy giáo là mẫu mực đạo đức để mọi người noi theo. Tôi là hiệu trưởng, tức là đầu đàn của đám mẫu mực mô phạm đó. Dẫu có “tà tâm”, tôi cũng phải đành cắn răng chịu đựng cho qua ngày tháng. Tôi đã héo úa trong cái đạo mạo giả hiệu hàng ngày, hàng giờ, khắp mọi nơi đó, và nó đã thành một phần kéo dài của bản ngã tôi. Trên đường đi, chúng tôi nói với nhau những chuyện vô thưởng vô phạt, nói để khỏi yên lặng mà thôi.
Xe tôi đến bến đò đi Tân Châu, vẫn không thấy các bạn cùng đi. Tôi mời Thi vào quán nước ngồi đợi:
– Cô mặc áo dài đẹp lắm.
Thi hoảng hốt, bối rối ra mặt, má hồng lên e thẹn. Ôi! nét e thẹn thần thánh của người con gái Việt. Thi đẹp mờ ảo như một nàng tiên, một vẻ đẹp để tôn thờ. Trước vẻ đẹp huyền bí nầy, tôi có thể quì gối chỉ để hôn lên một sợi tóc bay trong gió của cô. Mọi sự đụng chạm thể xác sẽ là một xúc phạm tới những gì tôn quí, linh thiêng nhứt đời. Cô kéo cái xách tay vào lòng với nhữmg ngón tay rung rung. Tôi biết mình đã thất thố, bèn lên tiếng biện bạch:
– Xin lỗi, tôi... nói thật đó.
Thi càng hoảng hốt thêm, bối rối hơn, cúi đầu thẹn thùng, mắt ngời sáng long lanh hơn, ướt át hơn. Giờ nầy tôi thắm thía câu hát “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em”. Đôi mắt đẹp đến đỗi tôi mang theo trọn đời làm hành trang vượt qua khốn khổ, tai ương, bất hạnh, kể cả lúc ở tù lao cải. Tôi bắt đầu lúng túng, không gỡ ra được tình cảnh nầy. Thay vì làm giảm căng thẳng, tôi lại làm cho nó nặng nề thêm. May quá, người chủ quán bước ra. Tôi liền hỏi:
– Cô Thi uống cam vắt nghen.
– Dạ, tùy anh.
Ông chủ quán bưng ra cái khay có hai ly cam vắt đặt xuống bàn. Tôi lấy một ly đặt nhẹ trước mặt Thi:
– Mời cô.
– Anh galant khá thành thạo. Mắt cô long lanh nét tinh ranh.
Tôi nghĩ, Thi không “độc ác” đến độ muốn xỏ xiên tôi, có thể nàng chỉ muốn thăm dò. Tôi vội cải chính ngay:
– Tôi là dân nhà quê, sinh ra và lớn lên ở vườn, nên còn quê lắm, thiếu lịch sự, không tế nhị, thường vô ý làm phiền người khác, không biết lấy lòng người ta, chưa biết nịnh đầm.
Thi cười khanh khách, trong sáng, vui nhộn:
– Không dám đâu. Tất cả giáo chức và nhân viên văn phòng đều quí trọng anh. Anh thấy không, khi anh đưa ra dự án mời tòa án về với nông thôn, anh có ngay sự hưởng ứng của tất cả giáo chức trong vùng. Thưa ông hiệu trưởng, một anh nhà quê mà vừa đưa ra ý kiến là được mọi người trí thức trong vùng hưởng ứng, cộng tác ngay, thì ông nhà quê đó không tầm thường đâu.
Thì ra cô bé hay e thẹn nầy không giản dị chút nào. Tôi bắt đầu thấy hứng thú đối đáp với cô:
– Cái đó…tôi ăn may, không kể. Gần như tất cả học trò trong vùng nầy không có khai sanh, đây là một vấn đề lớn. Phụ huynh học sinh, thầy cô giáo, Sở Học Chánh đều muốn vấn đề nầy phải được giải quyết. Tôi may mắn gặp ông chánh án có tư tưởng dấn thân đã nhận lời mời.
– Còn chuyện các cấp chính quyền xã, quận, tỉnh, rồi Sở Học Chánh, rồi Hội Đồng Tỉnh, còn mấy ông dân biểu cũng kéo đến hỗ trợ anh, cũng ăn may hả?
Khi một ông chánh án chịu đến trường mình để tuyên án thế vì khai sanh cho học sinh, thì các ông tỉnh trưởng, quận trưởng, chánh sở Học Chánh phải đến. Còn các ông hội đồng tỉnh, các ông dân biểu thì đến để kiếm phiếu. Tôi chỉ làm công tác phối trí thôi.
– Anh nhìn xuyên suốt được mọi khía cạnh của công tác, cái đó không thể nói là ăn may.
– Dự án khai sanh được hoàn tất tốt đẹp như vậy, rõ ràng là nhờ tài chuyên biệt và sự cộng tác chân thành của giáo chức trường mình và giáo chức trong vùng. Rõ ràng là tôi may mắn có được những đồng nghiệp nầy. Tôi chỉ có thể nhìn ra những nét chính để định hướng công tác thôi, cái yếu của tôi là không thấy được các chi tiết. Các đồng nghiệp thấy và làm hoàn tất các chi tiết. Tôi chỉ thấy rừng mà không thấy cây.
Những người đi chung hình như họ cố tình đi chậm lại để dành cho tôi và Thi một khoảng không gian riêng biệt. Tới bây giờ họ mới kéo đến.
Chúng tôi ăn sáng ở Tân Châu, ăn trưa ở Châu Đốc rồi cùng nhau vô núi Sam.
Sừng sững, uy nghiêm ở triền dốc phía Tây, vươn lên vòm trời chập chùng núi một Cửu Trùng Đài. Cửu Trùng Đài lấy ý từ đạo pháp Cao Đài, gồm một tòa tháp cao chín từng được nối liền với một tòa miếu, bằng một cây cầu trên không trung. Thi và tôi cùng nhau leo lên các bực thang đến từng thứ chín. Khoảng trời cao rộng mở ra phía trên rừng núi. Tôi đến đứng bên cạnh Thi. Gió phất phơ tà áo nàng guộn nhẹ vào thân tôi. Mùi nước hoa hay mùi trinh nữ thơm nhẹ, ngọt ngào lất phất quanh đây. Nàng đứng yên phô trương nét đẹp tiên nữ bên cạnh tôi. Tôi chưa bao giờ được nhìn nàng trong tư thế đứng yên bên cạnh như vậy. Tôi bắt đầu nghe hơi thở dồn dập của nàng. Dù Thi đã dạy trường tôi hơn ba tháng, nhưng mỗi lần nhìn, tôi lại ngạc nhiên thấy nàng đẹp một một cách huyền bí thêm. Tôi không dám di chuyển, không dám nhúc nhích, không dám cử động, không dám thở, sợ rằng nét đẹp hư ảo, huyền nhiệm của nàng sẽ tan biến, bốc hơi đi theo linh khí của núi rừng. Hơi thở dồn dập của nàng làm tôi bối rối, rung lên. Tà áo dài của nàng vẫn tiếp tục mơn trớn tôi. Mùi trinh nữ làm tôi ngây ngất. Trần gian tan biến, núi non rừng rậm tan biến, chỉ còn mùi hương của nàng và hơi thở của nàng. Thời gian bỗng dừng lại, cái giây phút thần tiên trong khung cảnh thoát trần nầy trở thành vĩnh cửu, giây phút vĩnh cửu của đời tôi! Khuôn sáo đạo đức vắng bóng, mẫu mực xã hội không hiện diện, lý tưởng mô phạm biến mất, tất cả đều biến mất, chỉ còn hiện diện hơi thở dồn dập của nàng. Tôi chỉ đưa tay ra sau eo lưng của nàng, mọi chuyện sẽ thành trần tục và thánh nữ của tôi sẽ bị hóa phàm ngay. Không, nàng mãi mãi vẫn là thánh nữ của tôi, là đối tượng linh thiêng để tôi tôn thờ:
– Thôi mình đi xuống để họ khỏi kiếm.
Chúng tôi đi xuống nhẹ nhàng, nhưng cảm thấy như vừa vướng mắc, vương vấn, nuối tiếc hay đánh mất một cái gì to lớn rất ngọt ngào, rất thân thương, nhưng không còn quay lại được nữa.
Chúng tôi đi thăm Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng. Trên đường, tôi dừng xe lại chụp hình Thi trên triền núi. Nàng mở túi xách đưa tôi chiếc máy Pentax. Trong giai đoạn nầy, chỉ có dân nhà nghề hay kẻ đua đòi giàu có mới xài loại máy nầy. Tôi nghĩ, chắc phen nầy phải lộ nguyên hình nhà quê của mình rồi. Tôi quan sát, tìm hiểu nút bấm và các khớp điều chỉnh xong, liền đưa ra ý kiến lấy cảnh cây thốt nốt để nàng đứng và hậu cảnh là triền núi thoai thoải xuống. Thi ngoan ngoãn đến đứng nghiêng mình bên cây thốt nốt, nhìn vào ống kính, mỉm nụ cười huyền bí của Monalisa. Tôi khám phá ra một chân lý tuyệt đối, nhìn người đẹp qua ống kính, cách tuyệt diệu nhứt mà không bị xem là sỗ sàng. Ôi! Nàng nhìn tôi và mỉm cười với tôi! Từ giây phút nầy, tôi biết rằng mình thành nô lệ cho thánh nữ của mình rồi. Vâng, tôi cam tâm tình nguyện đánh mất mình để được thành nô lệ của nàng. Nàng đưa tay lên vịn một tàu thốt nốt, một tam giác nõn nà, trắng hồng vừa xuất hiện ở bên hông nàng, nơi ngã chẻ của tà áo. Tôi chỉnh ống kính cho hình đến gần hơn. Một cõi thiên thai tiên cảnh trinh nguyên chưa có cả dấu vết của thần tiên vừa mở ra trước mắt kẻ phàm tục nầy. Tôi rung lên, ngộp thở, đầu óc bấn loạn. Rõ ràng, tôi là người phàm lạc vào tiên cảnh bất xứng, làm ô uế tiên nữ nơi động tiên. Tất cả những đường cong tuyệt mỹ của thân vóc ngọc ngà của Thi phô diễn ngay trước mắt tôi. Từ trước tới giờ, tôi chỉ nhìn nhân dạng của nàng. Nhưng bây giờ tất cả những đường cong của nhân dạng đó lại hiển hiện ngay trước mắt tôi đến từng chi tiết. Tuyệt phẩm của thượng đế quả có thật và đang hiển hiện ở trước mắt tôi! Tôi bằng lòng đánh đổi những gì cao quí nhứt, chỉ để được nhìn ngắm nàng trong tư thế nầy.
Tôi đã bấm được những tấm hình đẹp nhứt đời tôi. Những tấm hình đẹp đến nỗi ông chủ tiệm chụp hình của thị trấn Hồng Ngự phải công nhận là hình có tính nghệ thuật cao nhứt từ trước tới giờ trong tiệm của ông. Ông phóng đại tấm hình và đưa vào khung lớn, đặt ngay chỗ trang trọng nhứt trong tiệm hình của ông. Ông còn rửa hình kiểu, một người ra thành hai người đứng cạnh gốc cây thốt nốt. Những tấm hình đẹp tuyệt vời. Khi tôi đưa những tấm hình cho Thi, cô nhìn trân trối những tấm hình rồi ngước lên nhìn tôi thật lâu với ánh mắt ngọt ngào, thân thương. Lại ánh mắt! Tôi đã từng chết đuối trong ánh mắt nầy. Nàng vẫn cầm những tấm hình, ngập ngừng như muốn nói gì, hoặc trông đợi tôi muốn nói gì. Nhưng cả hai lại im lặng, bối rối. Thật ra chúng tôi đã nói với nhau thật nhiều và không bao giờ dư thừa, những lời tình tự đẹp nhứt trần gian trong cái im lặng bối rối đó.
Mỗi tháng, tối thiểu, tôi phải về Sở Học Chánh một lần để họp, báo cáo và lãnh lương. Chúng tôi phải ở lại Cao Lãnh qua đêm. Từ cù lao Cái Vừng về Cao Lãnh, tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Phong, khoảng năm mươi cây số, phương tiện lý tưởng nhứt là đi xe Honda. Thi ngỏ ý muốn được đi chung với tôi. Đây quả là điều mong ước của tôi.
Đến Cao Lãnh, tôi đưa Thi vào tiệm ăn Cầu Đình Trung, một tiệm ăn thơ mộng, lãng mạn nhứt tỉnh lỵ. Tiệm ăn thật ra là một gian nhà ngói, các bàn ăn đặt giữa vườn cây, trong bóng mát, bên dòng sông, trên sân cỏ xanh mướt. Bàn ăn đặt rời rạc cách xa nhau. Mỗi bàn là một cõi mộng mơ tĩnh mịch riêng biệt. Tôi chọn bàn ăn sát bên dòng nước, dưới bóng dừa. Trong khi uống nước ngồi đợi thức ăn, Thi mở đầu câu chuyện :
– Anh ăn ở thế nào mà ai cũng thương hết vậy?
Thật là một lời bày tỏ tâm tình rất thẳng thắn, trực tiếp, không quanh co. Câu trả lời của tôi có sẵn trên môi sắp rớt ra : “Còn cô thì sao?”, nhưng tôi ngăn lại, đánh lạc hướng một cách lảng nhách :
– Cám ơn cô. Tôi sẽ cố gắng cho xứng đáng với lời khen của cô.
Ngần ngừ một chút, cô hỏi:
– Anh biểu ông Từ, chủ tiệm rửa hình fantasie cho Thi rồi trưng hình của Thi ra khung kính đó hả? Tại sao ổng chịu nghe lời anh vậy?
– Nếu Thi phiền về việc nầy, thì tôi thành thật xin lỗi. Nhưng việc nầy không phải tại tôi, mà tại vì tấm hình Thi quá đẹp làm cho anh Từ nổi máu nghệ thuật, không tiếc công và tốn kém thực hiện một tấm hình để trưng bày quảng cáo cho tiệm hình của ảnh mà.
– Thi đâu có trách anh. Khi bạn Thi dẫn Thi đến tiệm hình của ông Từ chỉ cho thấy hình Thi được trưng bày, Thi cảm động muốn đứng tim luôn và phục anh lắm. Thi nghĩ, khi anh nhúng tay vào đâu là tầm vóc sự việc được nâng lên một mức cao hơn.
– Và khi tôi nhúng tay vào vấn nạn, vấn nạn sẽ trầm trọng hơn.
Thi cười trong sáng, hồn nhiên, dòn tan, tiếng cười của nàng có công năng tiêu trừ mọi khổ đau ách nạn, đem tâm hồn tôi về cõi an bình ngay tại trần thế nầy. Nghe được tiếng cười nầy, tôi đã thỏa nguyện sinh ra làm người, không cần phải thăng quan, tiến chức, giàu có, danh phận gì cả, tôi vẫn có thể có hạnh phúc triền miên ngay tại cõi đời ô trược. Giọng Thi reo vui:
– Thi không có ý đó đâu.
– Mỗi khi gặp Thi, nghe Thi nói chuyện tôi thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui.
Thi ngồi im lặng, bất động, nhìn sâu vào mắt tôi. Lại ánh mắt! Tôi đã chết ngộp mấy lần trong ánh mắt nầy rồi, bây giờ tôi không còn năng lực nào để đề kháng, tim ngừng đập, máu ngừng lưu thông, hơi thở cô động lại, cả thân xác tôi tan biến, bốc hơi hòa vào vĩnh cửu. Mấy thế kỷ sau nàng lên tiếng giọng bâng khuâng xa vắng từ một động tiên thăm thẳm nào vọng về :
– Sao vậy?
Lại một lần nữa, một câu nói có sẵn trên môi tôi sắp rơi ra, tôi ngăn lại, vì sợ thánh nữ của mình bị hóa phàm. Tôi gọi người bồi đến dặn dò về nước chấm để khỏi phải trả lời nàng. Nhưng câu trả lời, chúng tôi đã biết cả rồi và đã nhận vào lòng từ lâu.
Ăn xong, Thi về nhà bà con nghỉ qua đêm, tôi về khách sạn. Hôm sau chúng tôi trở về cù lao Cái Vừng, vẫn trong trắng, thánh thiện.
***
Sau khi đổi đời, tôi vào tù “ngụy quyền”, Thi vẫn còn đi dạy học. Để khỏi suy sụp tinh thần trong tù, tôi làm nhẫn liên tục bằng miểng dừa. Làm để cho mất thì giờ, càng mất thì giờ càng tốt. Từ một miểng dừa và một miểng ve chai mà tôi lượm được trong lúc đi lao động bên ngoài, tôi khoét lỗ cho vừa ngón tay, rồi mài xuống nền nhà tù bằng xi măng cho nó thành chiếc nhẫn, rồi chạm, khắc cho ra tác phẩm nghệ thuật. Tôi tốn khoảng mười lăm ngày cho một chiếc nhẫn. Tôi vẫn chưa biết dùng các chiếc nhẫn nầy vào việc gì.
Mỗi thứ năm, người thăm nuôi được gởi quà vào cho tù nhân, nhưng không được gặp mặt nói chuyện, hoặc đưa thư theo quà. Một ngày thứ năm của đời tôi, tôi được gọi lên lãnh quà. Chẳng biết người tặng quà là ai, tôi gởi ra một chiếc nhẫn miểng dừa để tạ ơn. Tôi quên đi chiếc nhẫn còn mang một ý nghĩa đính hôn! Khi nhận được quà, tôi ngạc nhiên thấy có cái gì không ổn. Quà sang trọng một cách quá đáng cho một thằng tù: bánh bích qui hộp, trà hộp, thuốc hút có đầu lọc, một lon guigoz cà ri, một lon guigoz ra-gu, những món mà người bình thường bên ngoài cũng không thể mua ra. Trại tù của tôi là một đồn lính cũ. Tôi trèo lên nóc lô cốt xem ai là người gởi vào món quà đặc biệt nầy.
Trời! Đó là người mà tôi mơ ước từng đêm, nhưng không bao giờ dám mong mỏi nàng đến thăm tôi trong tình cảnh nầy : Thi. Nàng đứng ngoài cổng rào, tôi đứng trên nóc lô cốt. Dù qua một khoảng cách khá xa tôi vẫn nhìn thấy nàng rõ ràng. Tôi nhìn Thi không phải bằng mắt, mà nhìn bằng tâm thức. Thi không còn gục đầu e thẹn cười duyên nữa. Đôi mắt buồn hiu hắt làm cho nàng đẹp não nùng. Thánh nữ của tôi đã buồn!!! Hai mắt tôi nằng nặng, cổ tôi nghẹn cứng. Hình như hai giọt nước đang lăn dài theo hai bên mũi. Tôi muốn gầm lên một tiếng cho sập trời, cho tiêu vong cõi thế gian nầy.
Phi lý! Tất cả đều phi lý. Phi lý vì tôi đã vào cõi thế. Phi lý vì tôi chưa chết. Và càng phi lý hơn khi tôi vẫn còn sống. Hai giọt nước rơi nhẹ trên nóc xi măng của lô cốt. Mình còn khóc được à?
Sau nầy khi ra tù, tôi được biết, đó là lần nàng đến từ biệt tôi để đi lấy chồng! Thật là bẽ bàng cho chiếc nhẫn “đính hôn” của tôi.
Khi định cư ở Hòa Lan, tôi còn nhận được thư của Thi với phim ảnh. Nàng nhờ tôi rửa dùm vài tấm hình. Khi rửa hình xong, tôi mới biết đó là tấm hình mà năm xưa tôi chụp cho Thi bên gốc cây thốt nốt.
Ôi! Muộn rồi!
Nguyên Ngôn