Nguyễn Lê Hồng Hưng


Miền Kinh Rạch

.

Tiện dịp gia đình người em từ Úc sang thăm gia đình tôi và gia đình đứa em kế. Sau hơn hai mươi năm ba anh em mới gặp, phải tính chuyện đi chơi coi sao cho được. Tôi là anh lớn và tất cả qua ở nhà tôi, nên tôi phải chọn một nơi thắng cảnh đẹp của Hoà Lan để mọi người cùng thưởng ngoạn. Tôi hỏi ý kiến bà xã và con gái, bà xã tôi thích bông nên chọn đi vườn bông, con gái thì thích những thắng cảnh thành phố nên chọn Amsterdam, Den Haag hoặc Rotterdam, hai người nói qua nói lại cả buổi nhưng chưa chọn được chỗ nào. Bà xã tôi bèn day qua hỏi tôi:

– Anh đi nhiều chắc anh biết chỗ nào đẹp?  

Tính ra cả đời tôi thường xê dịch đó đây, mang tiếng là dân Hoà Lan nhưng thường thì tôi sống ngoài Hoà Lan nhiều hơn, nên sự hiểu biết về đất nước con người ở xứ hoa tulip của tôi có phần giới hạn. Tôi cười và nói:

– Ở Hoà Lan anh biết ít lắm.

– Anh thường tìm chuyện du lịch mà, bộ ở Hoà Lan anh hổng có ấn tượng chỗ nào sao?

Nghe hỏi tôi chợt nhớ ra và buông lời không do dự:

– Theo anh thì Hoà Lan ở Giethoorn là ấn tượng.

Con gái tôi thắc mắc:

– Chú và mấy em bên Úc tới Hoà Lan thì phải đi những nơi có tiếng và nhộn nhịp, ai mà tới một nơi hẻo lánh và buồn hiu.

Con gái tôi sanh ra và lớn lên ở xứ sở bông tulip, trên vùng đất thấp. Tuy ẩm ướt nhưng rất thanh bình và tên nghe có vẻ cổ tích là quê hương ếch hoặc nhái (Kikkerlandje), cho nên đầu óc nó không phức tạp và sự so sánh của nó khác biệt hơn thế hệ cha chú. Vì vậy tôi phải một phen giải thích cho nó và mọi người cùng nghe:

– Giethoorn thuộc về tỉnh Overijssel ở phía đông của vương quốc Hoà Lan,  nơi đây kinh đào chằng chịt trong một khu vực rộng lớn, nước có màu lục, cỏ màu xanh và một nơi rất thanh bình. Ngôi làng nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào kinh rạch, nhiều ngôi nhà cheo leo không thể đến được bằng đường xe hoặc đường bộ, nhân viên bưu điện đưa thư phải dùng xuồng bơi hoặc xuồng máy. Thật ra thì Giethoorn tuy hẻo lánh nhưng không buồn hiu, vui vẻ nhưng hổng ồn ào và cũng là một trong nhiều nơi có tiếng Âu Châu về bảo tồn cảnh đẹp của thiên nhiên.

Đứa em ở Hoà Lan chen vào:

– Ờ... ờ... ở đó giống quê mình.

– Theo anh thì du khách dùng xuồng bơi, trong nhiều năm qua ca nô hay đò dọc rất thịnh hành ở Giethoorn. Với hơn chín mươi cây số đường nước và nhiều xuồng máy cho mướn thì trông có vẻ giông giống miệt đồng bằng quê hương mình.

Đứa cháu hỏi:

– Mà sao tên là Giethoorn chú?

– Theo chú biết thì tên Giethoorn bắt nguồn từ những cư dân đầu tiên tới đây sinh sống, họ phát hiện ra hàng trăm sừng của con dê (gietehorens) ở vùng đầm lầy, sau một trận lụt hồi thế kỷ thứ mười. Hôm nay không còn thấy sừng dê ở đây nữa, cảnh quan cũng khá khác biệt, tuy do bàn tay con người xây đắp, nhưng đất, nước, kinh, rạch gần như còn nguyên vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ bìa của những ao hồ rộng lớn bên ngoài vô tới những con kinh, con rạch nhỏ hẹp trông đẹp đẽ, rất lý tưởng cho du khách di chuyển bằng thuyền để thắng cảnh hoặc câu cá. Theo chú thì nếu quan cảnh Hồ Sils ở Thụy Sĩ và trong thung lũng Engadine được bao quanh bởi cây kaneelkleurige trông đẹp như cảnh thiên thai trong tranh vẽ thì Giethoorn đẹp đơn giản với bờ cỏ xanh um và cây gì hổng biết mà trông giống như cỏ lát hoặc rau bồn bồn mọc khích khao xung quanh trảng nước. Một trảng nước minh mông đến đổi tưởng như không phải thật giữa cái xứ văn minh này. Có lẽ cũng vì đơn giản và hổng phải thật, nên cho con người ta từ xa tới đây tha hồ mà tưởng tượng.

Đứa em hô lên:

– Ồ, anh nói đúng rồi. Là người Việt Nam, nhứt là sống trên vùng sông nước miệt đồng bằng sông Cửu Long thì hình dung nó ra cảnh đồng quê miền Nam.

Tôi nói chỉ có bao nhiêu đó mà thuyết phục được mọi người. Nhưng cả hai phe, một phe Hoà Lan và một phe ở Úc cộng lại gần chục mạng. Em tôi day qua hỏi tôi:

– Mình đi bằng cách nào?

– Để thưởng ngoạn vùng trời và khám phá nhiều kinh rạch ở Giethoorn, có hai cách, một là tham gia một chuyến du thuyền trên kinh, trên thuyền có những nhân viên người địa phương hướng dẫn, giải thích qua các địa điểm và  những nơi quan trọng nhất trong ngôi làng yên tĩnh này. Vì du khách đến Giethoorn tăng vọt trong vài năm qua và số lượng tàu, xuồng, hạn chế, nhứt là những ngày nắng đẹp, du khách phải đặt chuyến du hành trên kinh rạch trước. Cách thứ hai thì mình có thể mướn một chiếc xuồng máy điện nhỏ, chiếc xuồng này không đòi hỏi kỹ năng lái, ai cũng có thể lái được, lái một chút là quen, nếu lỡ lái đụng nhau với xuồng khác cũng không sao, có thể nói đụng nhau cũng là một thú vui để cho mọi người cười. Ngoài ra còn có ba bảo tàng bên kinh để tham quan và xưởng đóng tàu Schreur, nơi đóng những chiếc tàu và những chiếc xuồng nhôm ở Giethoorn.

Vậy là tất cả đồng ý đi Giethoorn. Ngày hôm sau trời trong và nắng rất đẹp, tất cả kéo nhau tới Giethoorn lúc mặt trời đã lên cao. Chúng tôi mướn một chiếc xuồng vỏ nhôm chạy bằng điện, vừa đủ cho chín người ngồi rất là thoải mái. Mấy đứa nhỏ hôm nay được giao cho lái xuồng, chúng thích thú và thấy mình quan trọng lắm. Tiếng máy điện thì thào, nhẹ nhàng lướt trên dòng kinh. Thả tà tà dọc theo những con kinh hẹp quanh co vừa đủ cho hai chiếc xuồng qua mặt nhau. Khi ra khỏi những trang trại trước bãi cỏ xanh với những mái tranh cũ kỹ, ven bờ có những con đường nhỏ tráng nhựa và những chiếc cầu gỗ bắc ngang nối liền qua hai bờ kinh thì tới một trảng nước minh mông, ở giữa trảng là một cù lao rộng vừa đủ cho du khách sau khi chạy vòng trảng tham quan, cặp lại cắm xuồng và leo lên cù lao, trải khăn ra ngồi thư giãn, ăn, uống hoặc bơi lội trên vùng nước trong màu lục, sạch và cạn không ngập khỏi đầu.

Khi xuồng trở vô kinh hẹp, tới nơi đông đúc, mỗi khi hai chiếc xuồng đụng nhau làm mọi người cười rộ lên vui vẻ, nhìn các cháu vui vẻ cười nói hồn nhiên, đầu óc không phức tạp, không suy tưởng mông lung như những người lớn. Làm tôi nhớ lại cách đây hơn hai mươi năm, mỗi khi nhớ quê hương, tôi và vài người bạn hay tới đây mướn xuồng máy chạy tà tà trên những con kinh và ra trảng nước chạy vòng vòng. Nhứt là mỗi khi vô kinh, chạy ngang những chiếc cầu gỗ vững chắc dành cho người đi dạo hoặc cho những người già đi qua thăm bạn bè hàng xóm. Khi đi ngang một chiếc cầu, có người bạn đi cùng hô lên:

– Ồ, Cầu khỉ!

Nhiều người cũng hùa theo, giống cầu khỉ ở quê mình quá.

Ngày đó tôi cũng nghĩ vậy, khi nhìn trảng nước rộng minh mông, chiều sâu không quá hai thước, làm cho tôi nhớ quê hương sông nước miền Tây Nam Việt với những trảng nước rộng trong rừng và cỏ lát mọc chen nhau hoặc là một đầm nước đầy rau bồn bồn. Hổng phải người Việt Nam vì nhớ nhà, nhớ nước non rồi sanh ra viễn tượng. Người Tây phương du lịch tới đây cũng tưởng tượng không kém, họ đặt cho nơi này biệt danh là "Dutch-Venice",  nghĩa là Venice Hòa Lan. Theo tôi thì so sánh giữa Giethoorn với thành phố Venice, một trong bảy kỳ quan thế giới ở nước Ý thì có thể bị sai lầm về mặt diện tích và sự ồn ào náo nhiệt của du khách, sự bán buôn và ăn uống trong thành phố. Đây là làng quê Giethoorn của Hoà Lan, buổi trưa nghe văng vẳng tiếng gà, thỉnh thoảng vài tiếng chó sủa vu vơ rồi trở lại yên tĩnh, nhẹ nhàng, thanh thản, thân thương và gần gũi. Cũng có hàng quán, bán buôn nhưng nó không náo nhiệt, sự yên bình của miền quê đến đổi du khách tới đây cũng tự mình hạn chế sự ồn ào. Âm thanh nổi bật thường nghe thấy là tiếng vịt kêu cạc cạc trên dòng kinh hoặc tiếng hót, tiếng kêu của những loài chim khác nhau ở trên các cành cây cổ thụ.

Trên đây là những cảm xúc mà tôi còn nhớ được hơn hai mươi năm về trước. Hình như nỗi nhớ quê hương đã nguội lạnh, nên hôm nay tôi trở lại đây thì những ý nghĩ, cảm xúc và tưởng tượng ngày trước tan biến hết. Còn những đứa con, đứa cháu lớn lên bên này thì chúng đâu biết gì về quê hương đất nước, chúng chỉ biết giành nhau lái xuồng đùa dỡn khi gặp chỗ đẹp thì dừng lại chụp hình. Riêng tôi thì không tưởng tượng nữa mà so sánh thực tế hơn, thắc mắc và tự hỏi. Cũng rơm rạ, xi-măng, vôi gạch mà người Hoà Lan cất lên cái nhà rất kiên cố, trì được cả trăm năn. Còn người Việt mình thì cất cái nhà lên chưa bao lâu thì nhà đã dột, cột đã siêu, ấy vậy mà hể có dịp thì đem ra thở than rất là văn hoá với giọng điệu ca dao “Ví dầu nhà dột cột siêu...”. Và cũng chừng đó cây, ván, đinh, ốc vậy mà người Hoà Lan đóng một cây cầu bắc qua con kinh nhỏ rất vững chắc, đi bộ hoặc đạp xe rất an toàn? Còn người Việt ở đất nước Việt Nam thì cũng chừng đó dụng cụ, cây ván có thể nói là tốt hơn ở đây nữa, mà lại đóng một cây cầu chỉ một người bước qua nó lắc lư như đưa võng, nhứt là những mùa mưa trơn trợt, đi hổng khéo thì bị té nhào đầu xuống kinh. Ấy vậy mà còn tự hào văn hoá và đặt tên là “cây cầu khỉ, cầu dừa, cầu ván...”. Cách đây bốn năm, tôi về Việt Nam thăm nhà ở Bến Tre, thằng cháu chở tôi trên chiếc xe gắn máy hai bánh, mỗi lần băng qua những chiếc cầu xi măng lót ván ở quê, tôi hót ruột hót gan khi thấy chiếc cầu hẹp té mà hổng có lan can, lại còn long đinh, sút ván làm, xe chạy nghe tiếng ván khua lụp cụp là tôi  sợ khiếp vía, xanh máu mặt, trong khi đó nó thì tỉnh bơ, còn ra vẻ anh hùng, nói:

– Trước đây có vài người phóng xe qua cầu và bị lọt xuống kinh đó chú.

Sau khi đi thuyền thấm mệt lên quán ngồi nghỉ ngơi uống nước. Ven bờ kinh có rất nhiều quán cà phê, nhà hàng và hầu hết các nhà hàng trên kinh đều có phòng cho du khách từ xa tới ở trọ. Lối đi bộ bên cạnh các kinh đào là nơi lý tưởng để đi bộ hoặc đi xe đạp. Du khách cũng có thể đi dạo trên những con đường nhỏ bên bờ kinh, dưới những tàn cây cổ thụ mát mẻ, ngang những ngôi nhà tranh ấm áp và thong thả đi qua những chiếc cầu cây nhỏ duyên dáng, chắc chắn, rất an toàn và bảo đảm hổng sợ té nhào đầu xuống dòng kinh hay dòng sông.

.

Dronten cuối hè 2019
Nguyễn Lê Hồng Hưng


Cái Đình - 2019