nguyễn như mÂy


Lồng đèn Ông Trăng Khuyết

.

Nhà cu Tí chỉ là một túp lều nhỏ che tạm bợ bên cạnh hàng rào chùa. Miếng đất ấy do nhà chùa nhín cho từ ngày cha mẹ nó chạy về đây xin tá túc. Chùa còn cho nhà nó nhiều áo quần, vật dụng cá nhân quyên góp từ các Phật tử và đồ cúng trong các ngày lễ vía hay tết. Riêng nó, hằng ngày đều chun hàng rào qua chùa chơi đến tối mịt khi cha mẹ nó đi gánh cá thuê ở cảng cá về nó mới chịu rời chùa để mò về. Cha mẹ nó yên bụng vì biết nó chỉ quanh quẩn chơi ở chùa. Biết nó ham làm, chùa giao cho nó việc đi gom lá khô hay cỏ dại trong các chậu hoa quanh sân để đốt. Ngoài ra, nó còn được các thầy ở chùa mua sách vở về dạy cho học tới lớp hai.

Cách đây mấy hôm, cu Tí kiếm ở đâu về mớ tre đã vót sẵn. Thầy trụ trì hỏi chi rứa, nó bảo con sẽ làm một cái lồng đèn đón trung thu sắp tới. Vậy là cả ngày hôm đó nó bận bịu suốt với công trình yêu thích của mình. Các thầy góp nhiều ý kiến về hình dáng cho nó nhưng cuối cùng, cu Tí vẽ ra trên sân gạch cái lồng đèn mặt trăng nó sẽ làm. Thầy trụ trì hỏi:

– Tại sao con làm có nửa cái lồng đèn ông trăng tròn vậy?

– Dạ. Con thích ...

– Lạ đó. Chưa bao giờ thầy thấy ...

– Kỷ niệm của con đó thầy ơi!

Thầy trụ trì càng ngạc nhiên hơn khi nghe cu Tí nói vậy nhưng vẫn im lặng ngồi xuống bên cạnh để coi nó làm việc. Lát sau, như không đừng được, vị sư già đánh tiếng hỏi:

– Kỷ niệm gì vậy Tí?

Tí vẫn cặm cụi làm mà không trả lời. Nhìn nó lúc này ai cũng thấy mắt nó buồn buồn nên không hỏi gì nữa. Tối đó, nó gởi cái khung lồng đèn ở chùa rồi về nhà ngủ. Vì thương cu Tí ngoan và dễ dạy nên thầy trụ trì treo cái khung lồng đèn bằng tre của nó giữa phòng khách. Lúc tụng kinh tối xong, thầy vừa uống trà vừa ngồi ngắm cái khung ấy. Tâm trạng của vị sư già vẫn cứ lấy làm lạ sao một đứa trẻ con như cu Tí lại chỉ thích làm lồng đèn mang hình dáng của nửa vầng trăng ấy? Theo thầy, lúc nào thì dáng hình của vòng tròn cũng tượng trưng cho sự viên mãn, hạnh phúc cuộc đời... Nhưng sao nó không làm thành vầng trăng tròn như xưa nay ai cũng nhìn thấy? Hay nó không có đủ tre hoặc giấy màu để dán? Thầy trụ trì liền đi tìm thêm nhiều thanh tre quanh chùa rồi về mở tủ lấy ra một xấp giấy kiếng đủ màu sắc với ý định sẽ cho nó vào ngày mai để nó đổi ý làm một cái lồng đền ông trăng cho tròn trịa và đầy đặn.

Sáng hôm sau cu Tí lại chun hàng rào qua chùa từ ngõ sau. Thầy trụ trì hỏi sao con không đi vào bằng cổng chùa mà lại thích “chun lỗ chó”? Nó đáp ngay:

– Đâu phải lúc nào cổng chùa cũng mở sẵn cho con vào!..

Thầy trụ trì nói thích được cùng cu Tí làm tiếp cho xong cái lồng đèn. Nó đồng ý nhưng vẫn không nhận số tre và giấy kiếng của thầy cho. Rồi thầy trở thành một cộng sự đắc lực để cho nó sai bảo khi bắt đầu dán giấy vở học trò lên cái khung lồng đèn. Thầy vừa phụ nó làm vừa ngắm nhìn gương mặt cu Tí rồi nghĩ tới hoàn cảnh nhà nó mà lòng càng thấy thương yêu nó như ruột thịt.

– Thầy vào lấy một khúc đèn cầy nhỏ cho con thắp lên nha.

Thầy trụ trì được cu Tí sai nên rất thích.

– Gì nữa thì bảo cho thầy lấy luôn đi Tí ơi!

– Xong, mời các thầy với con đi rước đèn cho vui nha. Mình ăn lễ Trung thu sớm từ đêm nay là vừa đó thầy.

Tội nghiệp vị sư già khi thầy được trở về với tuổi thơ ngày nào lúc nhẹ tay nâng cao cái lồng đèn lên cho cu Tí bật quẹt diêm thắp sáng. Các thầy trong chùa đều xếp hàng một rồng rắn theo sau cu Tí đi quanh sân chùa với mỗi người một nụ cười từ bi. Lúc trăng vừa lên trước chùa, cả đoàn rước đèn bỗng dừng lại theo lời gọi của thầy trụ trì. Cu Tí ngạc nhiên nhưng cũng phải đứng lại. Nó bỗng bất ngờ khi thấy sư trụ trì đặt vào hai bàn tay non nớt của mình cái bánh Trung Thu thơm lựng. Cu Tí bật khóc làm cho cái lồng đèn trong tay nó rung lên. Nó ôm vị sư già mà từ hai năm nay nó cứ nghĩ đó chính là ông nội mình.

Thầy trụ trì vuốt đầu nó rồi hỏi:

– Sao con không làm cái lồng đèn ông trăng tròn cho đẹp vậy?

Cu Tí đưa tay lau nước mắt rồi nói:

– Đêm nọ con buồn ngủ quá mà phải ráng thức tới khuya chờ ba má con mới về. Vừa lúc đó con thấy ông trăng hiện lên nhưng chỉ có một nửa thôi nên con nhớ tới giờ... Kỷ niệm của con đó thầy ...

.

nguyễn như mÂy

 

Direct link: http://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/longdenongtrangkhuyet.htm


Cái Đình - 2021