Nguyễn Hoàn Nguyên


Lời chúc cuối năm

 

Hàng năm, kể từ năm đầu tiên định cư ở Hòa Lan, tôi đều nhận được thiệp chúc Giáng Sinh và tết dương lịch của bà Van Vliet. Những thiệp Giáng Sinh này đều do bà tự làm lấy, nó không giống như hầu hết các thiệp bán trong tiệm với lời chúc Giáng Sinh và năm mới dương lịch được in sẵn. Màu sắc, hình vẽ trên thiệp của bà thay đổi hàng năm. Có năm trên nền thiệp màu trắng chỉ có một cây thông đơn độc được tượng hình bằng những chấm mực li ti màu xanh dương, đơn giản nhưng đẹp. Có năm thiệp được làm cầu kỳ hơn với hình tượng  một tranh tỉnh vật bằng giấy xếp chồng lên nhau theo không gian ba chiều. Nhưng dù thiệp có thay đổi hình thức như thế nào, câu chúc hàng năm trong tháng mười hai trước ngày Giáng Sinh đều giống hệt như nhau: Geniet van dit moment (Hãy thưởng thức giây phút này).

Một cách máy móc tôi hiểu lời chúc này dành cho những đêm Giáng Sinh (lễ Giáng Sinh ở Hòa Lan kéo dài hai ngày), đêm giao thừa hay ngày mồng một Tết với những sinh hoạt đầm ấm trong gia đình bình thường ở Hòa Lan sau một năm với nhiều bận rộn, sinh hoạt cơm áo. Ðó đúng là những giây phút rất đặc thù để thưởng thức.  Nhưng có một trở ngại là hoàn cảnh phải tương đối lý tưởng thì câu chúc này mới có đầy đủ ý nghĩa. Và đời sống thì không phải lúc nào cũng lý tưởng, nhất là ở vào thời điểm cuối năm.

Trong tháng mười hai đầu tiên của tôi ở Hòa Lan tuyết rơi khá nhiều. Giáng Sinh sắp đến, nổi nhớ nhà của tôi càng gia tăng như những con dao sắc lẻm cứ đang cứa nhè nhẹ vào từng khúc ruột.  Vào đúng đêm Giáng Sinh, không chịu nổi, tôi lấy áo khoác lội tuyết đi ra nhà thờ thị xã nơi tôi đang cư trú.  Hoàn toàn không có cảnh tượng những chiếc đèn ngôi sao treo quanh nhà thờ và người đi lại rộn rịp như tôi đã tưởng tượng. Ðường xá vắng tanh, tôi chỉ thấy tôi đang đứng một mình trước cửa nhà thờ văng vẳng tiếng thánh ca vọng ra từ đó. Thay vì đẩy cửa bước vào, tôi đứng ngẩn ngơ khá lâu rồi bước trên tuyết về trở lại nhà. Tôi nhìn qua cửa kính của các căn nhà dọc theo đường, thấy mọi người quây quần giữa phòng khách cạnh cây Giáng Sinh trong bầu ánh sáng đèn vàng ấm cúng. Tôi cảm thấy mình là người ngoại cuộc của đời sống, giống như nhân vật của của một cuốn phim hạng B rẻ tiền đang lê những bước chân cô độc trong đêm Giáng Sinh băng giá. Tôi – và chắc chắn còn nhiều người khác lúc bấy giờ – vẫn chưa có được giây phút bình an để có thể thưởng thức giây phút này

Cái ánh sáng đèn vàng được nhìn qua cửa kính đã ám ảnh tôi nhiều năm. Những Giáng Sinh đã trôi qua, từ vị trí đứng ngoài cửa kính nhìn vào phòng khách của các căn nhà tôi đi ngang qua, tôi đang ngồi trong ánh sáng đèn vàng ấm cúng cạnh cây Giáng Sinh cùng vợ tôi và đứa con gái đầu lòng đã được hai tuổi rưỡi. Con bé mặc váy màu xanh, đầu đội mũ nỉ tím, đã biết thích thú với các bóng đèn tí hon và các trang trí đủ màu sắc trên cây Giáng Sinh. Tôi cảm thấy thật bình an trong giây phút sum hợp gia đình nhỏ ba người này mặc dù sự sum hợp đó chưa hoàn toàn đầy đủ. Nhưng tôi cảm nhận trọn vẹn lời chúc cuối năm của bà Van Vliet.

Những ngày sau đó, tôi lại cảm thấy bứt rứt, nhung nhớ những giây phút đầm ấm đã qua. Ðôi lúc cảm giác mạnh đến nỗi nó đưa tôi đến ý nghĩ tôi sẽ không bao giờ gặp lại đứa bé gái với chiếc váy xanh, đầu đội mũ nỉ tím bên cây Giáng Sinh nữa. Cảm giác dòng nước không bao giờ chảy qua con suối hai lần. Tôi ở tâm trạng tiệc vui đã tàn, thực khách giải tán từ lâu, chỉ còn một mình tôi vẫn còn ngồi thừ người giữa mớ ly chén ngổn ngang. Cũng giống như tâm trạng ngày xưa khi những cành mai sau ngày Tết bị đem đi làm củi chụm. Tội nghiệp các cành mai chưa đủ, tôi còn muốn níu kéo lại những ngày vui đầu năm bởi vì nó trôi qua nhanh quá. Rõ ràng đang bị đắm chìm trong kỷ niệm đẹp, chỉ thấy mùa xuân đang tàn tạ, bông hoa đã rụng hết rồi, tôi cố níu kéo lại quá khứ huy hoàng mà không thấy được một đóa hoa mai đời sống vẫn còn đang nở trước sân nhà. Ở trong tâm trạng này lâu hơn, chắc chắn tôi sẽ bị rơi vào trầm cảm nếu tôi không tìm cách để thoát ra. Hãy thưởng thức giây phút này chớ không phải ngồi đây bận rộn với  những giây phút đã qua rồi. Giây phút này coi vậy mà không đơn giản như tôi nghĩ, có thể đó là những giây phút ở trong một hoàn cảnh không lý tưởng hay thuận tiện chút nào. Thưởng thức được nó hay không lại là chuyện khác.

Nói đến giậy phút bình an của Giáng Sinh đầu tiên ở xứ người, tôi lại nghĩ đến nhà văn nữ Hòa Lan Marieke van der Pol,  nghĩ đến phong cách sống của bà hơn là tác phẩm. Theo tôi bà là người vô cùng may mắn, có một đời sống bình an phẳng lặng nếu so sánh với đời sống của tôi và nhiều người Việt Nam khác. Nhưng bà cảm thấy “đời thường” này quá trơ trọi, quá giả tạo và đã chọn cách sống gây hấn, hút sách, nổi loạn kiểu hippy, sống lang thang trong các căn nhà bỏ phế ở thành phố...  Tôi lại cảm thấy ganh tỵ với bà, một lần nữa tôi thấy bà là người hạnh phúc vì bà đã có thêm may mắn và sự can đảm để chọn lựa cách sống đời sống của mình. Ðó là một đặc ân.

Trong một bài phỏng vấn bà cho biết vào năm mười bốn tuổi, là một cô gái tóc vàng thon đẹp, bà đã gắn lông nheo giả và ngồi giữa công trường Dam ở thủ đô Amsterdam. Chỉ là một cuộc phiêu lưu thôi, như bà nói. Không cần phải chờ đợi lâu, hãy tưởng tượng: tất cả mọi chuyện đều xảy ra. Thành phố Amsterdam là một thành phố phóng khoáng nhưng cũng phóng túng nhất thế giới, cũng ẩn chứa một xã hội đen như bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới: rượu, speed, amfetamine, cần sa, ma túy, cưỡng dâm,… Những gì bà đã trải qua trong thời gian này cũng trở về tâm tưởng khi bà được trị liệu tâm lý cách đây mười năm. Bà cho rằng bà đã sống trọn vẹn hết đời sống, đã trải qua sanh, tử, bệnh, khốn, cùng, sợ hãi…

Thú thật dù cảm phục bà dám chọn một cách sống khác hơn nhiều người, so với những gì tôi đã nhìn thấy được qua đời sống – ở đây không phải là sự chọn lựa – của tôi và những người khác, tôi không biết bà đã thật sự sống trọn vẹn và trải qua hết sự khốn cùng đúng nghĩa hay không? Tôi cứ tưởng tượng rằng  thay vì ngổi giữa thủ đô Amsterdam, bà có thể đến một thành phố hay thị xã nào đó của Việt Nam và nhìn chung quanh. Với sự sắc bén của bà, chắc chắn bà sẽ nhìn xuyên qua những hào nhoáng bên ngoài của đời sống nơi đây để thấy có những con người đang ở đáy tuyệt vọng. Bà hãy đứng giữa một quảng trường, thử trương một biểu ngữ: Nhân quyền cho Việt Nam. Không, bà không cần phải có hành động dấn thân cho một lý tưởng nào cả mà chỉ thử nghiệm thôi theo phương cách gây hấn, nổi loạn của bà. Có thể bà cũng chưa gặp chuyện gì nghiêm trọng  lắm vì người Tây Phương vẫn được đối xử tử tế hơn một người bản xứ bình thường ở nơi này. Nhưng nếu bà cứ tiếp tục và hô to cho thêm phần sinh động: tự do, dân chủ, công bằng xã hội,...  – những thứ khá bình thường trong đời thường trên quê hương bà – chẳng hạn, tôi nghĩ những gì xảy ra sau đó có thể giúp bà tìm ra cái mà bà đã không tìm ra được trong đời sống bình an phẳng lặng của bà và nhìn rõ hơn những gì đang vận hành ở tận cùng tâm thức của sinh vật gọi là con người…  

Vào tuần lễ thứ ba của tháng mười hai năm nay, tôi lại nhận được một thiệp Giáng Sinh của bà Van Vliet với lời chúc quen thuộc: Hãy thưởng thức giây phút này. Tôi cảm thấy mình thật may mắn có được những ngày lễ đúng như lời chúc. Giáng Sinh và Tết dương lịch trôi qua, tôi tình cờ lái xe ngang qua thành phố vào ban đêm. Cây thông Giáng Sinh cao lớn vẫn còn đứng sừng sững giữa quảng trường thành phố với những ngọn đèn lấp lánh như luyến tiếc các ngày lễ đã trôi qua mau. Tuy nhiên tôi không còn bận tâm lắm với những giây phút thoải mái trong các ngày qua. Ðời sống vẫn trôi, cây thông đẹp đẽ kia sẽ bị kéo đi để nghiền thành gỗ vụn, đứa con gái hai tuổi với chiếc váy xanh và cái nón nỉ màu tím ngày xưa sắp đi trình diễn trong một buổi hòa nhạc vào cuối tuần tới. Và tôi biết rằng trong giây phút này có những nụ hoa đang chuyển động, nhú lên trên những cành mai và cành đào ở quê nhà trước thềm năm mới.

Mỗi người trong thời gian này có một hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau. Có người đang đoàn tụ với gia đình, có những người đang nằm một mình trong căn phòng của viện dưỡng lão, có những bé thơ lên giường ngủ với bụng đói, có người đang bị giam hãm giữa bốn bức tường lặng căm của xà lim, có những người đang đợi chờ hoàn cảnh thay đổi… Nhưng cầu mong rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào,  bằng một phương cách nào đó, do may mắn hay do chuyển hóa hoàn cảnh, mọi người có thể có được một giây phút an lành để tôi được gởi đến lời chúc như bà Van Vliet: Hãy thưởng thức giây phút này. Ðơn giản thế thôi! Nhưng biết đâu nhờ những giây phút như thế, như những ngụm nước mát trên con đường khô hạn nắng cháy khắc nghiệt, chúng ta lại có thể đặt những bước chân để tiếp tục  cuộc hành trình của con người trên mặt đất.

 

Nguyễn Hoàn Nguyên

 


Cái Đình - 2014