Phạm Viêm Phương


I'd love you to want me

.

Lần đầu tiên giáo sư gọi không đúng tên của bà Khanh là ở một tiệc cưới, dịp sinh hoạt đông đúc mà họ thường tham dự, phần lớn là do nghĩa vụ. Khi cô dâu và chú rể tiến tới bàn của họ, bà Khanh nhận thấy giáo sư đang đọc lại lời chúc mừng và tên của đôi tân hôn vốn họ chưa từng gặp, được ông ghi sẵn trong hai lòng bàn tay. Nghiêng người tới gần để người ta nghe được tiếng nói của mình giữa tiếng trò chuyện của bốn trăm khách mời và tiếng ầm ĩ của ban nhạc, bà thấy chồng mình tỏa mùi của những cuốn sách bìa giấy tả tơi và tấm thảm mòn xơ xác. Nó là một mùi mốc dễ chịu, mùi làm bà liên tưởng tới những tiệm sách cũ.

“Ðừng lo lắng,” bà nói. “Anh đã như vậy cả ngàn lần rồi mà.”

“Vậy sao?” Giáo sư chà bàn tay vào quần. “Có vẻ anh không nhớ được.” Lớp da sáng của ông mỏng như giấy và đầy những đường mạch máu xanh. Từ đường ngôi rõ ràng trên mái tóc bạc cho tới ánh sáng bóng trên đôi giày nâu, ông vẫn là con người từng dạy nhiều sinh viên đến độ không còn đếm được nữa. Trong hai phút mà đôi tân hôn ghé lại bàn, ông không lỡ một nhịp, gọi đôi ấy bằng đúng tên và tặng cho họ những điều chúc tốt lành mà người ta vẫn mong đợi ở ông trong vai trò của người lớn tuổi nhất trong bàn mười người này. Nhưng trong khi chú rể vuốt cổ của áo khoác kiểu Nehru và cô dâu kéo nhón lớp váy của chiếc đầm may thắt dưới ngực, bà Khanh chỉ có thể nhớ lại buổi tối chẩn đoán được bệnh, khi giáo sư làm bà hoảng sợ: ông bật khóc lần đầu tiên trong bốn thập niên chung sống. Chỉ đến lúc cặp tân hôn rời đi bà mới thấy thư thái, thở ra lâu hết mức cho phép của tấm áo dài nhung bó sát.

“Má cô dâu nói với em rằng hai đứa nó hưởng tuần trăng mật đầu tiên ở Paris.” Bà múc một càng tôm hùm vào đĩa của giáo sư. “Tuần thứ nhì chúng đến vùng biển Riviera.”

“Vậy sao?” Tôm hùm rang me là món ưa thích của giáo sư Khanh, nhưng tối nay ông nghi ngại nhìn cái càng tôm đang chĩa vào mình. “Người Pháp gọi Vũng Tàu là gì vậy nhỉ?”

“Cap Saint Jacques.”

“Mình có một thời gian thật vui ở đó. Phải không?

“Lúc đó anh mới bắt đầu nói chuyện với em.”

“Ai mà không bối rối khi ở gần em,” giáo sư lầm bầm. Bốn mươi năm trước, khi bà mười chín và ông băm ba, họ hưởng tuần trăng mật tại một khách sạn ven biển ở đó. Chính trên ban công căn phòng của họ, dưới vầng trăng tròn, sáng, nghe tiếng những người Pháp ca hát và la hét bên bãi biển, giáo sư đột nhiên bắt đầu nói chuyện. “Tưởng tượng đi!”, giọng đầy mê hoặc khi ông khởi sự nói về thể tích Thái Bình Dương tương đương thể tích mặt trăng như thế nào. Khi xong chuyện đó, ông nói tiếp về loài cá lạ ở những khe biển sâu và về bí ẩn không giải thích được của những con sóng sát thủ. Nếu sau một lát bà không theo kịp những điều ông nói, thì cũng chẳng quan trọng gì, vì lúc đó thanh âm giọng nói của ông đã làm bà xiêu lòng, với sự an toàn trong âm điệu chừng mực của nó y như lần đầu tiên, khi bà nghe trộm từ dưới bếp của gia đình trong lúc ông giải thích cho cha bà về luận án của ông nghiên cứu về nhiệt động lực học của dòng hải lưu Kuroshio.

Bây giờ những ký ức của giáo sư dần lẻn rời xa ông, và đi theo chúng là những câu văn dài mà ông từng ưa thích. Khi ban nhạc chuyển qua bài I’d Love You to Want Me, ông nới lỏng cà vạt thắt theo kiểu Windsor và nói, “Nhớ bài này không?”

“Có gì trong đó?”

“Tụi mình nghe nó hoài. Trước khi mấy con mình ra đời.”

Bài hát chưa có mặt khi bà mang thai lần đầu, nhưng bà Khanh nói, “Ðúng rồi.”

“Mình nhảy đi.” Giáo sư chồm tới sát hơn, gác một cánh tay trên lưng ghế của bà. Một dấu ngón tay in mờ mờ trên một tròng kính của ông. “Em luôn nhất quyết mình phải nhảy khi nghe bài này mà, Yến.”

“Ồ?” Bà Khanh nhấp chậm rãi ly nước của mình, che giấu nỗi ngạc nhiên khi được kêu bằng tên của người khác. “Mình từng nhảy hồi nào?”

Giáo sư không trả lời, vì đoạn điệp khúc hợp ca cất cao đã khiến ông đứng dậy. Khi ông bước tới sàn nhảy lát gỗ, bà Khanh nắm vạt sau của chiếc áo khoác xám có sọc mảnh của ông. “Thôi đi!” bà nói, kéo mạnh tay. “Ngồi xuống đi!”

Với một cái nhìn tổn thương hướng vào bà, giáo sư nghe lời. Bà Khanh biết rõ những khách khác trong bàn đang nhìn họ. Bà giữ cho mình hết sức bình thản, không nhớ ra bất kỳ phụ nữ nào tên Yến. Có lẽ Yến là một người quen cũ mà giáo sư chưa bao giờ thấy cần nhắc đến, hoặc là bà ngoại mà bà Khanh chưa bao giờ được gặp và bà cũng không nhớ được tên, hoặc là một cô giáo tiểu học mà ông từng có lúc say mê. Bà Khanh đã sẵn sàng cho nhiều chuyện, nhưng không hề sẵn sàng cho những người chưa quen biết hiện ra từ tâm trí của giáo sư.

“Bản nhạc sắp hết rồi,” giáo sư nói.

“Mình sẽ nhảy khi về nhà. Em hứa đó.”

Bất chấp bệnh trạng của mình, hoặc có lẽ chính vì bệnh trạng của mình, giáo sư nhất quyết cầm lái khi về. Bà Khanh căng thẳng khi nhìn ông xử lý chiếc xe, nhưng ông lái với cung cách cẩn thận và chậm rãi thường lệ. Ông im lặng cho đến khi rẽ trái ở đường Golden West thay vì rẽ phải, cú rẽ nhầm của ông đưa họ ngang qua trường đại học cộng đồng nơi ông đã nhận quyết định về hưu mùa xuân rồi. Sau khi đến Mỹ, ông không tìm được việc làm trong ngành hải dương học và đã ổn định với việc dạy tiếng Việt. Trong hai mươi năm qua, ông đã giảng dạy dưới dàn ánh sáng huỳnh quang cho những sinh viên chán nản. Khi bà Khanh tự hỏi phải chăng một trong những sinh viên ấy có thể là Yến, bà cảm thấy một cơn nhói đau mà ban đầu bà nghĩ là do ợ chua. Ðến khi nghĩ lại bà mới nhận ra đó là máu ghen tuông.

Giáo sư bất ngờ đạp thắng dừng xe lại. Bà Khanh kềm người với một tay chống vào bảng điều khiển trước mặt và chờ ông gọi mình bằng cái tên đó lần nữa, nhưng giáo sư không nhắc gì đến Yến. Thay vào đó, ông cho xe trở đầu theo hình chữ U, và khi họ chạy về nhà, ông hỏi bằng giọng trách móc, “Sao em không nói mình đã rẽ sai đường?” Nhìn tất cả đèn giao thông trên con đường phía trước đổi màu xanh cứ như theo hiệu lệnh, bà Khanh nhận ra rằng bà không có sẵn câu trả lời cho câu hỏi của ông.

Sáng hôm sau, bà Khanh đang ở bên bếp lò chuẩn bị bữa giữa buổi cho con trai lớn sắp ghé chơi thì giáo sư bước vào bếp, vừa tắm và cạo râu xong. Ông ngồi xuống ghế bên quầy bếp, mở tờ báo ra, và bắt đầu đọc cho bà nghe từng bài báo. Mãi đến khi ông đọc xong bà mới bắt đầu kể cho ông nghe những chuyện tối qua. Ông yêu cầu bà cho ông biết những lúc ông cư xử không giống như ông lúc bình thường, và bà kể tới chỗ ông định lao lên sàn nhảy thì đôi vai rũ chùng xuống của ông khiến bà dừng lại.

“Ổn thôi mà,” bà nói, cảnh giác. “Nó đâu phải lỗi của anh.”

“Nhưng em thấy anh trên sàn nhảy ở tuổi này được không?” Giáo sư cuộn tờ báo lại và gõ vào quầy bếp để nhấn mạnh. “Và đang trong tình trạng như vầy nữa?”

Móc một sổ tay nhỏ màu xanh từ túi áo, giáo sư rút lui ra sân trong, ở đó ông đang ghi lại những lỗi lầm của mình thì Vinh đến. Vừa kết thúc ca đêm tại nhà thương của quận, con trai họ mặc bộ quần áo xanh suôn rộng của y tá nhưng chẳng che được mấy vóc dáng thân thể của cậu ta. Giá mà nó ghé thăm ba má đều như ghé phòng tập thể hình, bà Khanh nghĩ. Cạnh bàn tay của bà chắc nhét vừa vào khe giữa ngực của cậu con trai, và đùi bà không lớn bằng bắp tay cậu. Một tay cậu cặp một tấm bảng cồng kềnh bọc giấy nâu và để tựa nó vào hàng rào mắt cáo sau lưng cha cậu.

Giáo sư nhét sổ tay vào túi áo và chỉ cây bút vào gói giấy. “Bất ngờ gì đây?” ông hỏi. Khi bà Khanh dọn ra món trứng phủ thịt xông khói, Vinh lột lớp giấy gói để bày ra một bức tranh trong một khung to bản phủ màu vàng gợi tới châu Âu thế kỷ mười chín. “Nó tốn của con hết một trăm đô ở đường Ðồng Khởi đó,” cậu nói. Cậu vừa có kỳ nghỉ ở Sài Gòn tháng trước. “Mấy phòng trưng bày ở đó nhái được đủ thứ, nhưng đóng khung tranh ở đây thì dễ hơn.”

Giáo sư chồm tới để liếc nhìn bức tranh. “Có một thời con đường đó được gọi là Tự Do,” ông nói với vẻ tiếc nuối. “Còn trước nữa là Rue Catinat.”

“Con hy vọng ba nhớ,” Vinh nói, ngồi xuống bên má cậu ở cái bàn ngoài sân. Bà Khanh nhận ra được chủ đề của bức tranh là một phụ nữ, nhưng bà ta có mắt trái màu xanh lá và mắt phải màu đỏ, điều đó cũng không hề kỳ quái bằng cái kiểu họa sĩ vẽ thân mình và cánh tay của bà ta phẳng bẹt, khiến bà ta trông không giống một người thật lắm mà giống một hình nhân bằng giấy của trẻ con hơn, vốn được cắt ra và dán vào một cái ghế ba chiều. “Có một nghiên cứu mới cho thấy tranh Picasso có thể kích thích những người như ba.”

“Vậy sao?” Giáo sư lau kính bằng tấm khăn ăn. Ðằng sau ông là khung cảnh mà bây giờ bà Khanh đã quen thuộc, một đường dẫn lên cao tốc qua phía trên sân sau nhà họ mà Vinh có thể theo đó chạy về nhà ở Los Angeles, cách Westminster này chừng một giờ xe chạy về phía bắc. Mấy con trai của bà thường dùng hết những buổi chiều cho việc đoán nhãn hiệu và kiểu của những xe hơi chạy qua, cứ như chúng là những nhà điểu học đang phân biệt sẻ Bắc Mỹ với sẻ thường vậy. Nhưng ngày đó đã lâu lắm rồi, bà nghĩ, và Vinh bây giờ là người đưa tin được đám còn lại trong sáu đứa con của bà sai phái tới.

“Tụi con nghĩ má nên nghỉ làm ở thư viện đi, má,” cậu nói, tay cầm sẵn dao và nĩa. “Mỗi tháng tụi con có thể gởi tiền về thanh toán mọi chi phí. Má có thể thuê người làm để giúp má mọi việc. Rồi cả người làm vườn nữa.”

Bà Khanh chưa bao giờ cần giúp đỡ trong vườn vốn được bà tự thiết kế. Một bãi cỏ xanh chạy thành hình móng ngựa tách một vòng những cây hồng vàng khỏi trung tâm khu vườn, ở đó những cây ngò xanh nhạt, húng quế có lá giống mũi tên, và ớt Thái Lan mọc sum suê trên những luống bà dọn sẵn cho chúng. Bà nêm món trứng bọc thịt bằng ba nhúm tiêu, và khi chắc chắn rằng mình có thể tiết chế được sự bực bội, bà nói, “Má thích làm vườn.”

“Dân làm vườn người Mễ rẻ rề má ơi. Với lại, má sẽ muốn càng nhiều người giúp việc càng tốt. Má phải sẵn sàng cho những điều tệ nhất.”

“Ba má gặp nhiều chuyện tệ hơn tụi bay mà,” giáo sư cắt ngang. “Ba má sẵn sàng cho mọi chuyện.”

“Và má chưa đủ già để về hưu,” bà Khanh nói thêm.

“Xin ba má hợp lý chút.” Nghe Vinh nói không còn giống cậu bé mới lớn từng khiến ba má không hiểu được, khi lẻn ra khỏi nhà buổi tối để gặp bạn gái là cô bé người Mỹ sơn móng tay màu đen và nhuộm tóc tím rịm. Giáo sư cứu chữa tình trạng này bằng cách đóng đinh cửa sổ cứng ngắc, một vấn đề mà Vinh giải quyết bằng cách bỏ nhà đi bụi ngay sau khi tốt nghiệp trường trung học Bolsa Grande. “Con đang yêu,” Vinh đã gào lên với má qua điện thoại từ Las Vegas. “Nhưng má không hiểu gì về chuyện đó, phải không?” Ðôi khi bà Khanh hối tiếc về việc nói cho cậu biết rằng ông ngoại cậu đã dàn xếp chuyện hôn nhân của bà.

“Má đâu cần số tiền từ công việc đó,” Vinh nói. “Nhưng ba cần có má ở nhà.”

Bà Khanh đẩy đĩa sang một bên, món trứng hầu như chưa động tới. Bà sẽ không nghe lời khuyên của ai đó có cuộc hôn nhân kéo dài không quá ba năm. “Nó không phải chuyện kiếm tiền, Kevin à.”

Vinh thở dài, vì má cậu chỉ gọi tên Mỹ của cậu khi bà giận cậu. “Có lẽ má nên giúp ba,” cậu nói, chỉ vào ngực áo thun của ông, bị dơ vì một vệt nước xốt.

“Coi nè,” giáo sư nói, lấy mấy ngón tay quệt vào vết ố. “Chỉ vì con làm ba bực.” Vinh lại thở dài, nhưng bà Khanh không chịu nhìn cậu khi bà chấm một cái khăn ăn vào ly nước của bà. Bà tự hỏi nó còn nhớ lần họ trốn khỏi Vũng Tàu trên một ghe đánh cá ọp ẹp, bị quá tải với năm anh chị em nó và sáu chục người lạ, ba năm sau khi chiến tranh kết thúc không. Sau ngày thứ tư lênh đênh trên biển, nó với những đứa bé còn lại, bạc cả người vì nắng, đang khóc đòi nước, dù chẳng có gì cho chúng uống ngoài nước biển. Tuy vậy, bà đã rửa mặt và chải tóc cho chúng mỗi sáng, dùng nước biển và nước miếng. Bà đang dạy chúng rằng sự đúng mực bao giờ cũng quan trọng, và nỗi sợ của má chúng nó không lớn đến độ ngăn không cho bà yêu thương chúng.

“Ðừng lo,” bà nói. “Vết ố sẽ hết thôi.” Khi chồm tới để chùi lên áo giáo sư, bà Khanh mới nhìn rõ bức tranh. Bà không thích cả bức tranh lẫn cái khung vàng mạ. Nó quá huê dạng so với thị hiếu thưởng ngoạn của bà, và có vẻ quá cổ lỗ so với bức tranh. Sự thiếu hài hòa giữa cái khung và bức tranh chỉ nhấn mạnh thêm đặc điểm gây bối rối nhất của bức tranh, cái kiểu đôi mắt của người phụ nữ nhìn ra từ cùng một bên của khuôn mặt. Hình ảnh đôi mắt đó khiến bà Khanh khó chịu đến nỗi cuối ngày hôm đó, sau khi Vinh đã về, bà chuyển bức tranh vào thư phòng của giáo sư, trong đó bà để nó úp mặt vào tường.

 

Chẳng bao lâu sau lần đứa con trai ghé thăm, giáo sư bắt đầu ngưng đi lễ ngày Chúa nhật. Bà Khanh cũng ở nhà, và dần dần họ ngày càng ít gặp gỡ bạn bè. Những lần hiếm hoi bà rời nhà là để đi mua sắm hoặc tới thư viện Garden Grove, nơi những thủ thư đồng nghiệp của bà chẳng biết gì về bệnh tình của giáo sư. Bà thích thú với công việc bán thời gian này, đặt mua và phân loại bộ sưu tập đồ sộ về sách và phim Việt Nam được mua để phục vụ những cư dân của khu Little Saigon gần đó, những người, nếu họ đến thư viện để hỏi, đều được chỉ dẫn tới cái ghế ngồi cao của bà sau quầy cho mượn sách. Khi trả lời những câu hỏi đó, bà Khanh luôn cảm thấy sự hài lòng vốn khiến công việc của bà trở nên có giá trị, niềm vui khi có người cần đến mình, cho dù chỉ trong thoáng chốc.

Khi ca làm việc kết thúc vào buổi trưa và bà thu dọn đồ của mình để ra về, bà luôn làm thế với một cảm giác sợ hãi khiến bà thấy hổ thẹn. Bà khỏa lấp nỗi hổ thẹn này bằng cách tạm biệt các thủ thư khác vui vẻ hơn, và bằng cách chuẩn bị nhà cửa cho những trường hợp khẩn cấp một cách nhiệt tình, cứ như bà có thể trì hoãn điều tất yếu thông qua lao động chăm chỉ. Bà đánh dấu hướng đi từ giường tới phòng tắm bằng băng keo màu vàng dạ quang, để giáo sư không lạc hướng vào ban đêm, và trên bức tường đối diện phòng vệ sinh, bà dán một bảng nhỏ ngang tầm mắt ghi chữ Nhớ Giật Nước. Bà soạn một loạt những danh sách mà khi được đặt một cách có chiến lược khắp nhà, chúng sẽ nhắc giáo sư trình tự khi mặc quần áo, những món cần bỏ vào túi trước khi rời nhà, và giờ giấc trong ngày ông phải dùng bữa. Nhưng chính giáo sư lại là người thuê thợ để gắn những song sắt vào các cửa sổ. “Em sẽ không muốn anh lẻn ra ngoài ban đêm đâu,” giáo sư nói với vẻ cam chịu, tì trán vào những song sắt. “Và anh cũng không muốn thế.”

Với bà Khanh, vấn đề cấp thiết hơn ở đây là chuyện giáo sư về nhà như một kẻ lạ. Trong khi chồng bà chưa từng là người lãng mạn, kẻ lạ này một lần đi dạo buổi chiều nọ trở về lại nhất định cầm theo một đóa hoa hồng trong một ống nhựa dẻo. Trước đây ông chưa bao giờ mua bất cứ loại hoa nào, mà thích làm bà ngạc nhiên với những món quà lâu bền hơn, như những cuốn sách mà thỉnh thoảng ông tặng bà, về những đề tài như đắc nhân tâm, hoặc cách chuẩn bị hồ sơ thuế thu nhập. Có lần ông khiến bà ngạc nhiên khi tặng bà tác phẩm hư cấu, tập truyện ngắn của một tác giả mà bà chưa từng nghe tên trước đó. Ngay cả cố gắng đó cũng hơi trật mục tiêu, vì bà thích tiểu thuyết hơn. Bà chưa bao giờ đọc quá những trang tựa đề của những món quà do ông tặng, thỏa mãn với việc nhìn thấy tên mình được viết bằng nét chữ thanh tú của ông bên dưới tên tác giả. Nhưng nếu giáo sư dành cả đời mình để luyện thư pháp, ông đã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tặng bông hồng, và khi cúi đầu trao cho bà đóa hoa, ông nhìn có vẻ như đang bị một cơn co thắt bao tử.

“Cái này cho ai?” bà hỏi.

“Còn có ai khác ở đây?” Giáo sư lắc lắc bông hồng để nhấn mạnh, và một cánh hoa, mép đã ngả nâu, rụng xuống. “Tặng em đó.”

“Ðẹp quá.” Bà miễn cưỡng đón lấy cánh hồng. “Anh kiếm được ở đâu vậy?”

“Chỗ ông Esteban. Ông ấy cố gạ anh mua cam nữa, nhưng anh nói mình có cam rồi.”

“Thế em là ai?” bà hỏi. “Em tên gì?”

Ông liếc nhìn bà. “Dĩ nhiên là Yến rồi.”

“Dĩ nhiên.” Cắn môi, bà kềm ước muốn ngắt nụ hồng khỏi cành. Bà chưng cành hoa trong một cái bình trên bàn ăn chiều lòng giáo sư, nhưng lúc bà dọn bữa ăn ra khoảng một giờ sau, ông đã quên rằng ông đã mua nó. Khi nhấm nháp con tôm sú cháy, được nướng bằng que xiên, với đậu hũ ánh lên trong nước tương đen, ông lại nói chuyện sôi nổi về bưu thiếp mà họ nhận được chiều hôm đó từ đứa con gái lớn, đang làm cho American Express ở Munich. Bà Khanh ngắm nghía hình chụp quảng trường Marienplatz trước khi lật mặt sau để đọc to mấy dòng thư ở đó, vốn nói về sự vắng bóng kỳ lạ của lũ bồ câu.

“Mình thường nhớ mãi những chuyện nho nhỏ khi du lịch,” giáo sư nhận xét, hít hà với món thứ ba, canh khổ qua. Con cái họ chẳng bao giờ thấy món này ngon, nhưng nó gợi cho giáo sư và bà Khanh nhớ lại tuổi thơ của họ.

“Chẳng hạn như cái gì?”

“Như giá thuốc lá chẳng hạn,” giáo sư nói. “Khi anh trở lại Sài Gòn lúc học xong, anh không mua được loại thuốc Gaulois hàng ngày nữa. Giá nhập cảng quá cao.”

Bà tựa tấm bưu thiếp vào bình hoa, nơi nó sẽ trở thành một vật nhắc nhớ đến những kế hoạch mà họ từng vạch ra cho việc du lịch đến mọi thành phố lớn trên thế giới sau khi về hưu. Loại phương tiện vận tải duy nhất mà bà Khanh gạt bỏ là tàu vượt đại dương. Mặt nước rộng mở mênh mông khơi dậy nỗi sợ chết đuối, một chứng ám ảnh mạnh đến nỗi bà không tắm trong bồn nữa, và ngay cả khi tắm vòi sen bà cũng quay lưng về phía dòng nước phun xuống.

“Tại sao em mua nó?” giáo sư hỏi.

“Bưu thiếp hả?”

“Không, hoa hồng kìa.”

“Em đâu có mua.” Bà Khanh cẩn thận lựa chọn từ ngữ, không muốn gây bối rối cho giáo sư quá mức, thế nhưng vẫn muốn ông biết việc ông đã làm. “Anh mua mà.”

“Anh hả?” Giáo sư ngạc nhiên. “Em chắc không?”

“Hoàn toàn chắc chắn,” bà nói, ngạc nhiên khi nghe có sự hài lòng trong giọng của mình.

Giáo sư không nhận thấy. Ông chỉ thở dài và rút sổ tay màu xanh trong túi áo ra. “Hy vọng việc này không tái diễn,” ông lẩm bẩm.

“Em không nghĩ nó sẽ tái diễn.” Bà Khanh đứng dậy thu dọn tô đĩa. Bà hy vọng khuôn mặt mình không lộ vẻ giận dữ. Bà đang bưng bốn cái đĩa, cái liễn đựng canh, và cả hai cái ly của họ, tại ngưỡng cửa phòng bếp, bỗng dưng mớ tô đĩa lắc lư trở nên nặng quá sức. Âm thanh của những món đồ bạc kêu lảng cảng trên nền gạch và tiếng đồ sứ vỡ tan khiến giáo sư la lên trong phòng ăn. “Gì vậy?” ông kêu.

Bà Khanh nhìn những mảnh vỡ của cái liễn dưới chân mình. Ba khúc khổ qua nhồi thịt chưa ăn nằm đẫm nước giữa những mảnh vỡ. “Không có gì đâu,” bà nói. “Em sẽ dọn.”

Rồi tối đó sau khi ông ngủ thiếp, bà vào thư phòng của ông, trong đó bức tranh bà đặt tựa vào bàn bây giờ đã được quay mặt ra. Bà thở dài. Nếu ông cứ quay mặt bức tranh ra thế này, ít nhất bà cũng phải cho nó vào cái khung nào đó hiện đại và phù hợp hơn. Bà ngồi vào bàn của ông, hai bên là những kệ sách chứa mấy trăm cuốn tiếng Việt, Pháp, và Anh. Tham vọng của ông là sở hữu nhiều sách hơn khả năng đọc, một khát vọng được thôi thúc bởi việc đã phải bỏ lại toàn bộ sách của ông khi họ rời khỏi Việt Nam. Mấy chục cuốn sách bìa giấy bỏ bừa trên bàn của ông, và bà phải gạt chúng qua một bên để tìm cuốn sổ mà ông ghi lại những lần lú lẫn trong mấy tháng qua. Ông đã cho muối vào cà phê và rắc đường vào chén canh của mình, khi một người tiếp thị qua điện thoại gọi tới, ông đã đồng ý đặt mua năm năm tờ Guns & Ammo và tờ Cosmopolitan; và một ngày nọ ông nhét ví vào ngăn đá trong tủ lạnh, tạo ra nghĩa mới cho cụm từ “tiền mặt cứng, lạnh” hoặc theo kiểu ông nói đùa với bà khi bà tìm thấy nó. Nhưng không có chỗ nào nhắc tới Yến, và sau một phút lưỡng lự, bên dưới dòng ghi gần đây nhất của ông, bà Khanh soạn ra đoạn sau: “Hôm nay tôi đã gọi vợ tôi bằng tên Yến,” bà viết thế. Bà bắt chước nét bay bướm trong lối viết của ông một cách hết sức cẩn thận, giả như việc bà làm là vì lợi ích của giáo sư. “Lỗi lầm này không được tái diễn.”

Sáng hôm sau, giáo sư giơ tách cà phê ra và nói, “Ðưa giùm anh lọ đường, Yến.” Ngày kế tiếp, khi bà tỉa tóc cho ông trong phòng tắm, ông hỏi, “Tối nay tivi có gì vậy, Yến?” Vì ông cứ gọi bà bằng tên của người khác nhiều lần suốt trong những tuần kế tiếp, câu hỏi người phụ nữ ấy là ai chiếm trọn thời gian của bà. Có lẽ Yến là một đam mê thoáng qua lúc nhỏ, hoặc một bạn sinh viên trong những năm sau đại học ở Marseille, hoặc thậm chí là một bà vợ khác ở Sài Gòn, một bà mà ông ghé thăm trên đường từ trường đại học về nhà, trong những giờ đằng đẵng vào chiều tối khi ông bảo bà rằng ông đang ở văn phòng trong viện đại học, sửa bài thi cho sinh viên. Bà ghi lại mọi sự cố về nhầm lẫn tên gọi này vào các sổ của ông, nhưng sáng hôm sau ông đọc những dòng giả mạo của bà mà không có phản ứng gì, và không lâu sau đó có thể lại gọi bà là Yến, cho đến khi bà nghĩ bà có thể bật khóc nếu nghe thấy cái tên đó lần nữa.

Người phụ nữ ấy rất có thể là một hình ảnh tưởng tượng mà trí óc lan man của giáo sư tìm thấy, hoặc như bà tự nhủ khi nhìn thấy ông ở truồng, quỳ trong bồn tắm và điên cuồng chà cọ quần dài và quần lót dưới tia nước nóng. Trừng mắt liếc qua vai, giáo sư la lên, “Ra đi!” Bà bật lui lại, vội vàng đóng sầm cửa buồng tắm. Trước đây chưa bao giờ giáo sư mất kiểm soát như vậy, hoặc lớn tiếng với bà, ông cũng không hề như thế ngay cả trong những ngày đầu sau khi chuyển tới phía nam California, khi họ dùng bữa bằng tem thực phẩm, nhận trợ cấp thuê nhà, và mặc quần áo cũ do giáo dân nhà thờ St. Albans gởi tặng. Ðó là tình yêu thực sự, bà nghĩ, khi không tặng hoa hồng mà đi làm mỗi ngày và không hề than thở về việc dạy tiếng Việt cho những người được gọi là học viên ngôn ngữ di sản, những sinh viên là di dân và người tị nạn vốn đã rành thứ tiếng này nhưng đơn giản chỉ muốn điểm cao.

Ngay cả trong thời kỳ kinh hoàng nhất của đời bà, khi họ lạc hướng giữa cõi trời biển xanh ngát mênh mông, sóng cuộn không ngừng về phía đường chân trời, giáo sư cũng không hề cao giọng. Ðến buổi tối ngày thứ năm, âm thanh duy nhất ngoài tiếng sóng vỗ vào thân tàu là tiếng trẻ con rên rỉ và người lớn cầu khấn Chúa, Phật, và ông bà tổ tiên của họ. Giáo sư không cầu nguyện. Thay vì thế, ông đứng ở mũi tàu cứ như đang ở trên bục giảng, mấy đứa con rúc vào nhau dưới chân ông để tìm che chở trước làn gió đêm, và ông nói bừa với chúng. “Ngay cả ban ngày mấy con cũng không thấy được,” ông nói, “nhưng dòng hải lưu đang đẩy tàu mình sẽ chảy thẳng tới Philippines, theo kiểu nó vẫn chảy từ khai thiên lập địa.” Ông lặp lại câu chuyện này thường xuyên tới nỗi ngay cả bà cũng tin theo, cho đến buổi chiều của ngày thứ bảy, khi họ thấy, ở xa xa, một dải đất đầy đá của một bờ biển xa lạ. Bám trên đó là những căn chòi của một làng chài, cứ như làm bằng cành cây và cỏ tranh, nép giữa lưa thưa rừng đước. Nhìn thấy đất liền, bà đã ngã vào vòng tay của ông, xô nghiêng cả cặp mắt kính của ông, và khóc thoải mái lần đầu tiên trước mặt những đứa con đang ngạc nhiên của bà. Bà bị chìm hoàn toàn vào nỗi ngây ngất do biết rằng tất cả họ sẽ được sống, đến nỗi bà buột miệng “Em yêu anh.” Ðó là điều bà chưa bao giờ nói trước mặt người khác và gần như chưa từng nói trong chỗ riêng tư, và giáo sư, bối rối vì tiếng khúc khích của mấy đứa con, chỉ biết mỉm cười và chỉnh lại gọng kính. Nỗi bối rối của ông chỉ tăng thêm khi họ cặp vào vùng đất liền mà dân địa phương cho họ biết là bờ biển phía đông Malaysia.

Vì lý do nào đó, giáo sư không nói về thời điểm trên biển này, tuy ông nhắc tới rất nhiều chuyện khác mà họ đã cùng nhau làm trong quá khứ, trong đó có những sự việc mà bà không nhớ gì cả. Càng nghe ông nói, bà càng sợ trí nhớ của mình đang mất dần đi. Có lẽ họ thực sự đã ăn kem có mùi sầu riêng trên hàng hiên nhà ở một đồn điền trà trên cao nguyên miền Trung, ngồi dựa trên ghế mây. Và liệu có thể họ đã cho hươu trong sở thú Sài Gòn ăn măng tre không? Hoặc đã cùng nhau đuổi được một kẻ móc túi, một người tị nạn ghẻ lở từ vùng quê bị bom đạn tàn phá lẻn đến bên họ trong chợ Bến Thành?

Khi những ngày mùa xuân kéo dài dần thành mùa hè, bà ngày càng ít trả lời điện thoại, sau cùng tắt hẳn chuông để giáo sư khỏi trả lời luôn. Bà sợ rằng nếu có ai xưng tên bà, ông có thể hỏi, “Ai vậy?”. Ðáng lo hơn nữa là viễn cảnh trong đó ông nói với bạn bè hoặc con cái về Yến. Khi con gái bà từ Munich gọi về, bà nói, “Ba mày không khỏe lắm,” nhưng để các chi tiết ở tình trạng mơ hồ. Bà nói chuyện cởi mở hơn với Vinh, hiểu rằng mọi điều bà nói cậu sẽ viết thư điện tử kể lại cho mấy đứa kia. Nhưng mỗi khi cậu để lại lời nhắn, bà đều nghe được tiếng xèo trên chảo mỡ, hoặc tiếng huyên thuyên của kênh tin tức, hoặc tiếng còi xe tin tin. Cậu chỉ gọi cho bà bằng điện thoại di động khi cậu đang làm việc gì khác. Bà thừa nhận tuy rất yêu con trai, nhưng bà cũng rất ít thích nó, một thú nhận khiến bà kém vui với bản thân cho đến ngày bà gọi lại cậu và cậu ta hỏi, “Má quyết định chưa? Má có nghỉ việc không?”

“Ðừng bắt má nói lần nữa.” Bà cuốn sợi dây điện thoại chặt vào ngón trỏ. “Má không bao giờ bỏ việc đâu.”

Sau khi gác máy, bà trở lại với công việc thay khăn trải giường mà giáo sư đái dầm tối hôm trước. Ðầu bà nhức bưng bưng vì thiếu ngủ, lưng bà ê ẩm vì công việc nhà, và cổ bà cứng nhắc vì lo nghĩ. Ðến giờ lên giường, bà không ngủ được, nghe giáo sư nói về cảnh những cơn gió mistral đẩy ông thế nào từ bên này sang bên kia những con đường nhỏ ngoằn ngoèo ở Le Panier, nơi ông sống ở một căn hộ tầng hầm trong những năm học ở Marseille, hoặc về âm thanh mê hoặc của mấy trăm cây bút cào trên giấy khi sinh viên làm bài thi. Khi ông nói, bà ngắm ánh sáng mờ mờ trong phòng ngủ của họ, hắt vào từ những bóng đèn đường bên ngoài, và nhớ lại trăng trên Biển Ðông sáng đến độ ngay cả nửa đêm bà vẫn còn thấy được nét sợ hãi trên mặt mấy đứa con. Bà đang đếm những chiếc xe chạy qua bên ngoài, lặng chờ nghe những âm thanh của động cơ và hy vọng ngủ được thì giáo sư chạm vào bàn tay bà trong bóng tối. “Nếu nhắm mắt lại,” ông nói nhẹ nhàng, “Em có thể nghe được âm thanh của biển.”

Bà Khanh nhắm mắt lại.

Tháng Chín đến rồi đi. Tháng Mười trôi qua và đến mùa gió Santa Ana, xô từ núi về phía đông cộng hưởng với sức mạnh của dòng giao thông trên đường cao tốc, làm dập những thân cây cói giấy mà bà trồng trong mấy chậu sứ bên cạnh hàng rào mắt cáo. Bà không còn để giáo sư đi dạo một mình vào buổi chiều nữa, mà thay vào đó bà lặng lẽ theo sau ông một khoảng độ năm ba mét, giữ chặt nón trước những cơn gió. Nếu gió Santa Ana dịu lại, họ cùng đọc sách ở sân trong. Trong mấy tháng qua, giáo sư có thói quen đọc lớn tiếng, và chậm. Mỗi ngày ông có vẻ đọc càng lớn tiếng hơn, và chậm hơn, cho đến buổi chiều tháng Mười một đó ông ngưng giữa câu lâu đến độ quãng im lặng kéo bà Khanh ra khỏi sức hút của cuốn tiểu thuyết diễm tình mới nhất của Quỳnh Dao.

“Có chuyện gì vậy?” Bà hỏi, gập cuốn sách của mình lại.

“Anh đã cố đọc câu này cả năm phút,” giáo sư nói, nhìn vào trang sách. Khi ông nhìn lên, bà thấy mắt ông rướm lệ. “Anh đang mất trí, phải không?”

Từ đó, bà đọc cho ông nghe mỗi khi rảnh rỗi, từ những sách về các đề tài hàn lâm mà bà chẳng chút quan tâm. Bà dừng lại bất cứ lúc nào ông bắt đầu kể lại một ký ức – nỗi bồn chồn của ông khi gặp cha của bà lần đầu, trong khi bà chờ trong bếp để được giới thiệu ra mắt, vào ngày đám cưới của họ, khi ông gần như ngất xỉu vì nóng và cái cà vạt quá siết, hoặc cái ngày họ trở lại Sài Gòn ba năm trước và thăm lại ngôi nhà cũ của họ trên đường Phan Thanh Giản mà ban đầu họ không tìm ra bởi vì con đường được đổi tên thành Ðiện Biên Phủ. Sài Gòn cũng bị đổi tên sau khi đổi chủ, nhưng họ không sao gọi nó là Thành phố Hồ Chí Minh được. Cả người tài xế taxi đưa họ từ khách sạn tới ngôi nhà đó cũng không gọi được, cho dù anh ta quá trẻ không thể nhớ được một thời khi thành phố này chính thức là Sài Gòn.

Họ đậu xe cách ngôi nhà cũ của họ hai căn, và ngồi trong xe để tránh những cán bộ từ miền Bắc đã dọn vào đó ở sau khi chính quyền mới tiếp quản. Bà và giáo sư gần như bị chìm trong nỗi buồn và giận dữ, nổi xung lên khi họ tự hỏi những kẻ lạ kia là ai mà coi sóc ngôi nhà của họ quá tệ như vậy. Ngọn đèn lẻ loi trong con hẻm soi sáng những giọt nước mắt của gỉ sét chảy thành vệt trên bức tường, bị mưa trong mùa đẩy trôi xuống từ lưới sắt trên sân thượng. Khi cần gạt nước của chiếc taxi kêu cọt kẹt trên mặt kính chắn gió, một thợ đấm bóp về khuya đạp xe ngang qua, thông báo công việc của anh ta bằng cách lắc một cái chai thủy tinh đựng sỏi. (1)

“Em bảo anh rằng đó là âm thanh cô đơn nhất trên đời,” giáo sư nói.

Trước khi ông bắt đầu nói chuyện, bà đang đọc cho ông nghe một cuốn tiểu sử của De Gaulle, và ngón tay bà vẫn chỉ vào chữ cuối cùng vừa đọc. Bà không thích nghĩ về ngôi nhà đã mất của họ, và bà không nhớ mình từng nói điều gì như thế. “Mấy cái gạt nước hay chai thủy tinh?” bà hỏi.

“Cái chai.”

“Lúc đó thì nó có vẻ như thế,” bà đáp. “Em không nghe được âm thanh đó bao năm rồi.”

“Mình thường nghe thấy nó lắm. Ở Ðà Lạt.” Giáo sư gỡ mắt kính ra và lau bằng cái khăn tay. Ông có lần đã tới một khu nghỉ dưỡng trên vùng núi Ðà Lạt để dự một hội nghị trong khi bà ở lại Sài Gòn, mang thai. “Em lúc nào cũng thích ra khỏi nhà ăn kem vào buổi tối,” giáo sư nói tiếp. “Nhưng thật khó mà ăn kem ở xứ nhiệt đới, Yến à. Người ta không kịp thưởng thức. Trừ khi ta ở trong nhà, có máy lạnh.”

“Sản phẩm từ sữa làm anh khó tiêu.”

“Nếu người ta ăn kem trong ly, nó mau chóng biến thành xúp. Nếu người ta ăn trong bánh ốc quế, nó tan hết ra trên tay mình.” Khi ông quay lại phía bà và mỉm cười, bà trông thấy những hạt ghèn trong khóe mắt của ông. “Em thích những cái bánh đường ốc quế màu nâu đó, Yến. Em cứ nhất định bắt anh phải cầm cho em ăn để em không bị dính tay.”

Một cơn gió nhẹ đùa qua giàn bông giấy, dấu hiệu đầu tiên, có lẽ thế, của đợt gió Santa Ana trở lại. Âm thanh trong giọng nói của bà làm choáng cả bà lẫn giáo sư, ông nhìn bà chăm chăm với cái miệng há hốc khi bà nói, “Ðó không phải tên em. Em không phải người đàn bà đó, bất kể bà ta là ai, nếu bà ta từng tồn tại.”

“Ô?” Giáo sư chậm rãi ngậm miệng lại và đeo kính lên. “Tên em không phải Yến hả?”

“Không,” bà nói.

“Vậy tên em là gì?”

Bà không hề dự trù câu hỏi đó, do bà chỉ ưu tư về việc chồng bà gọi nhầm tên mình. Họ hiếm khi dùng tên riêng của nhau mà thích cách gọi biểu lộ tình cảm như Anh với Em hơn, và khi nói chuyện với nhau trước mặt con cái, họ thường gọi là Ba và Má. Thường bà chỉ nghe được tên riêng của mình từ bạn bè, bà con, đồng nghiệp, hoặc khi bà tự giới thiệu với ai đó mới quen, như bà đang làm đây, theo một nghĩa nào đó.

“Em là Sa,” bà nói. “Em là vợ anh.”

“Ðúng rồi.” Giáo sư liếm môi và lấy sổ tay ra.

Ðêm đó, sau khi họ đã lên giường và bà nghe ông thở đều, bà bật đèn ngủ phía giường của bà và vươn tay qua người ông để lấy cuốn sổ nhỏ, được đặt tựa vào cái đồng hồ báo thức. Chữ viết của ông biến thành một lối nguệch ngoạc đến độ bà buộc phải đọc những dòng ông viết tới hai lần, dõi theo những mũi nhọn và đỉnh cao của các mẫu tự trên một trang giấy quăn mép cho đến tận dòng cuối, ở đó bà giải mã được những câu sau:

Mọi chuyện đang tệ hơn. Hôm nay bà ấy nhất quyết là tôi đã gọi bà ấy bằng một cái tên khác. Phải coi chừng bà ấy sát hơn..

đến đây bà liếm đầu ngón tay và dùng nó để lật tiếp – vì có lẽ bà cũng không biết mình là ai nữa. Bà đóng sập cuốn sổ lại, với một tiếng vỗ giữa các trang giấy, nhưng giáo sư, cuộn mình nằm nghiêng, vẫn không động đậy. Mùi của mồ hôi và khí thải oi nồng tỏa ra từ bên dưới lớp khăn trải giường. Nếu không có nhịp thở lặng lẽ và hơi nóng từ cơ thể, ông cứ như đã chết, và trong một thoáng rất nhanh như cảm giác mình đã thấy điều này từ trước, bà mong ông thực sự là như thế.

***

Sau cùng chẳng có lựa chọn nào khác. Vào ngày làm việc cuối cùng của bà, các thủ thư đồng nghiệp tổ chức một tiệc chia tay bất ngờ cho bà, có cả một chiếc bánh và một thùng quà bọc giấy trong đó đựng một bộ sách hướng dẫn du lịch cho những kỳ nghỉ mà họ biết bà luôn muốn có. Bà vuốt ve những sách hướng dẫn một lát, lật lướt qua các trang, và khi bà muốn bật khóc, các thủ thư đồng nghiệp nghĩ bà quá đa cảm. Lái xe về nhà với thùng chứa sách hướng dẫn du lịch ở băng sau, bên cạnh một gói tã cho người lớn mà bà mua ở cửa hàng Sav-On sáng hôm đó, bà cố gắng kiểm soát ý thức rằng cuốn sách cuộc đời bà đang được khép lại một cách chậm rãi như thế.

Khi mở cửa vào nhà và gọi tên ông, bà chỉ nghe tiếng lụp bụp trong hồ cá. Sau khi tìm không thấy ông trong các phòng ngủ hay buồng tắm, bà để mớ tã và thùng sách hướng dẫn trong thư phòng của ông. Một tờ Sports Illustrated còn mở trên ghế tựa nằm đọc sách của ông trong phòng khách, một lọ xốt mứt táo ăn dở dang còn để trên quầy bếp, và ở sân sau, cái chăn mỏng có tua ông thường đắp trên bụng khi trời se lạnh nằm dưới đất. Trong tách trà của ông trên cái bàn ở sân trong còn nổi một cánh bông giấy quăn queo, nhẹ trôi tới lui.

Trong cơn hoảng hốt bà suýt gọi điện cho cảnh sát. Nhưng họ sẽ không làm gì sớm sủa như vậy đâu, họ sẽ bảo bà gọi lại khi ông đã mất tích một hoặc hai ngày. Với Vinh, bà loại cậu ngay, không muốn nghe nó nói, “Con đã nói với má vậy mà.” Rồi cảm giác tiếc nuối tràn ngập trong bà, một làn sóng cảm xúc nảy sinh từ mặc cảm tội lỗi về việc quá vị kỷ. Bản năng của thủ thư trong việc giải quyết vấn đề và tìm hiểu có trật tự giữ cho bà đứng vững dưới áp lực của mặc cảm nuối tiếc đó, và bà trở ra xe với lòng quyết tâm tìm ra giáo sư. Trước tiên bà lái xe quanh khu nhà của mình rồi mới mở rộng dần vòng chạy xe, cửa sổ xe ở cả hai bên đều quay xuống. Công viên lân cận, nơi bà và giáo sư thường đi dạo, không có bóng ai ngoài mấy con sóc đuổi nhau qua những nhánh sồi. Lề đường không có khách bộ hành hay dân chạy bộ thể dục, ngoại trừ một ông hom hem mặc áo sọc vuông đứng ở một góc đường, bán hoa hồng chất trong những xô nhựa và cam bày trong thùng gỗ, đôi mắt của ông ta khuất dưới vành mũ lưỡi trai bẩn thỉu. Khi bà gọi tên Mister Esteban, đôi mắt ông mở to; khi bà hỏi ông có thấy giáo sư không, ông mỉm cười như rất tiếc và nói, “No hablo inglés. Lo siento.” (2)

Quay ngược lại lộ trình đã qua, bà chạy xe xem lại mỗi con đường và hẻm với ngõ cụt một lần nữa. Nghiêng người ra cửa sổ xe, bà gọi tên ông, ban đầu còn gọi nhỏ, mắc cỡ vì mình gây huyên náo, và rồi thành tiếng la lớn. “Anh Khanh!” bà kêu. “Anh Khanh!” Vài tấm màn cửa sổ kéo lên, và một vài chiếc xe chạy qua giảm tốc độ lại, mấy tài xế liếc nhìn bà tò mò. Nhưng ông không hề nhảy ra từ hàng rào nhà ai, hoặc ló ra từ khung cửa nhà người lạ nào cả.

Mãi đến khi trời tối hẳn bà mới quay về. Ngay khi bước qua cửa trước bà ngửi thấy mùi khí đốt. Một cái ấm đang nằm trên bếp lò, nhưng miệng lò chưa bật lửa. Cả bước chân lẫn nhịp tim của bà tăng từ tốc độ tản bộ lên đà chạy nước rút. Sau khi tắt khí đốt, bà thấy rằng khung cửa kính dẫn ra sân trong, vốn đã đóng lại trước khi rời nhà, hơi hé mở. Có một cây đèn pin dài, nặng tay trong ngăn kéo nhà bếp, và trọng lượng của cái ống nhôm ấy trong tay bà mang lại cảm giác trấn an khi bà chậm chạp tới gần khung cửa kính. Nhưng khi rọi đèn lướt qua khoảng sân và vào khu vườn, bà chỉ thấy những cây húng quế của bà và ánh đỏ của mấy trái ớt.

Khi vào trong lối hành lang bà thấy ánh sáng lọt ra từ thư phòng của giáo sư. Khi hé nhìn qua cửa bà thấy giáo sư quay lưng về mình. Dưới chân ông là thùng sách của bà, và ông đứng quay mặt vào dãy kệ dành riêng cho bà. Ở đó, bà cất mớ tạp chí và những cuốn sách mà ông tặng bao năm qua. Giáo sư quỳ xuống, lấy một cuốn sách khỏi thùng, và đứng lên xếp nó vào kệ. Ông lặp lại động tác đó, mỗi lần một cuốn. Hidden Tahiti and French Polynesia (Vùng đa đảo thuộc Pháp và Tahiti ẩn mình). Hawaii của Frommer. National Geographic Traveler: The Caribbean (Lữ khách của tạp chíNational Geographic: Vùng Caribbean). Với mỗi cuốn ông lại lầm bầm điều gì đó mà bà không nghe được, cứ như ông đang cố đọc tựa sách in trên gáy. Essential Greek Islands (Những đảo Hy Lạp chính yếu). Jerusalem and the Holy Land (Jerusalem và Ðất thánh). World Cultures: Japan (Các nền văn hóa thế giới: Nhật Bản). A Romantic’s Guide to Italy (Hướng dẫn du lịch Ý của một kẻ lãng mạn). Ông chạm vào bìa của từng cuốn với vẻ cực kỳ nâng niu, dịu dàng, và bà nhận thấy, không phải lần đầu, rằng bà không phải là tình yêu lớn nhất của đời ông.

Giáo sư xếp lên kệ cuốn cuối cùng và quay lại. Vẻ mặt của ông khi nhìn thấy bà chính là vẻ mặt ông đã có từ bốn mươi năm trước trong lần gặp gỡ đầu tiên của họ, khi bà bước vào phòng khách nhà mình và thấy ông nhợt nhạt vì bồn chồn, đôi mắt hấp háy với vẻ chờ đợi. “Bà là ai?” ông kêu lên, giơ tay lên như gạt một cú đấm. Tim bà đập nhanh và hơi thở của bà nặng nề. Khi nuốt nước miếng, miệng bà khô ran, nhưng bà cảm được một lớp ẩm ướt trên hai lòng bàn tay bà. Rồi bà chợt nhận ra rằng trong lần đầu đó bà đã cảm thấy chính những xúc động ấy, khi thấy ông trong bộ đồ vải lanh trắng bị nhăn vì độ ẩm cao, cái nón rơm kẹp giữa bàn tay và bắp đùi.

“Em đây mà,” bà nói. “Yến đây.”

“Ồ,” giáo sư nói, hạ tay xuống. Ông ngồi nặng nề vào cái ghế dựa, và bà thấy đôi giày của ông dính bùn khô cứng. Khi bà bước trên thảm tới kệ sách, ông dõi theo bằng ánh mắt hơi khép lại, trông như kiệt sức. Bà định lấy cuốn Les petites rues de Paris (Những phố nhỏ Paris) trên kệ để đọc buổi tối, nhưng khi thấy ông nhắm mắt lại và ngồi dựa ra trên ghế, bà thấy rõ rằng ông sẽ không du hành tới đâu cả. Bà cũng không. Sau khi gạt bỏ những sách hướng dẫn du lịch, bà cũng quyết định không đọc loại sách tự học hoặc các cẩm nang dạy tự làm các thứ ở nhà luôn. Rồi bà thấy cái gáy mỏng và chưa bị gấp nếp của một tập truyện ngắn.

Một truyện ngắn, bà nghĩ, chắc cũng vừa đủ dài.

Ngồi trên thảm cạnh ông, bà thấy mình ngồi kế bức tranh. Bà quay lưng lại người phụ nữ với cả hai mắt ở một bên khuôn mặt, và bà tự hứa ngày mai sẽ cho đóng khung lại bức tranh này. Khi mở sách ra, bà có cảm giác người phụ nữ đó nhìn qua vai bà để thấy tên bà, được viết tay bằng nét rõ ràng của ông bên dưới tên tác giả. Bà tự hỏi mình biết gì về tình yêu, nếu có. Có lẽ cũng không nhiều, nhưng đủ để biết rằng những việc bà có thể làm cho ông lúc này thì bà sẽ làm lại ngày mai, và ngày kế, và ngày sau đó nữa. Bà sẽ đọc to lên, từ đầu. Bà sẽ đọc với hơi thở chừng mực, cho đến kết thúc. Bà sẽ đọc cứ như mỗi mẫu tự đều quan trọng, từng trang một và từng chữ một.

.

Nguyên tác: Viet Thanh Nguyen
Phạm Viêm Phương dịch, giữ nguyên tựa truyện

______

Chú thích:

(1) Có lẽ tác giả nhầm. Âm thanh của thợ đấm bóp được tạo bằng thứ mà họ gọi là “cây lắc xắc” gồm những thẻ kim loại, hoặc nắp chai bia, được đục lỗ và gắn cách đều trên một que sắt. Khi lắc hoặc vẩy, các thẻ, hay nắp chai, chạm vào nhau đồng loạt tạo thành một âm thanh riêng biệt, tượng trưng cho nghề của họ. (ND)

(2) (Tiếng Tây Ban Nha) Không nói được tiếng Anh. Rất tiếc. (ND)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/idloveyoutowantme.html


Cái Đình - 2022