Bùi Hoàng Linh
Huế – Quê hương đi để trở về
Làm sao ra đi cho đành đoạn mà không khắc khoải ngày trở về thăm Huế: nơi chốn lưu giữ một phận đời tôi ...
1. Ngày trở lại, Huế đón đứa con của mình bằng giọt nước mưa từ trời nhỏ lặng lẽ xuống mái hiên nhà hương hoả. Mưa như để mình thấy cần trở về mái nhà xưa, ngồi yên đó và để hồi ức cùng về trò chuyện giữa đêm sâu. Cái tĩnh mịch của thành phố đã được trả lại sau một ngày dài xôn xao của phố thị. Yên ắng đủ để hương cỏ dọc hai bờ sông thoảng một mùi sương khuya lẫn với gió sông của hương đêm đủ để mình như muốn hóa thân thành những con dế cứ thả mình trong cái nôi thiên nhiên êm ả đó. Những mảng tường của thành quách loang lở xen kẽ các cửa dẫn vào Thành Nội vẫn lẩn khuất giữa sương khuya, như chờ đợi những bước chân trở lại, giống như một cái vòng tay Huế chực chờ đón một cái ôm đã đợi từ lâu, đôi khi nó lại giống một ngọn núi tình cảm để mình tựa vào mỗi lúc chơ vơ. Mấy táng cây của những con đường Huế nhỏ nhắn làm cành lá xích lại gần nhau tựa những cái nắm tay, để thấy thiên nhiên cũng ảnh hưởng không ít đến căn tính của con người, thành ra người Huế vẫn cứ thuỷ chung với bất cứ kẻ ở người đi. Hình như Huế là đô thị mà thiên nhiên cũng biết tỏ bày và chia sẻ tình cảm với con người.
2. Ngày trở lại, gặp một người bạn cấp 3, câu đầu tiên gặp mình bạn nói “Tau ra Huế cái là về thăm mẹ, cả năm rồi chưa gặp nên tau muốn dành thời gian ít ỏi ở Huế bên mẹ” làm mình thấy hình như trở về Huế là để trở về bên mẹ. Mình quay qua bạn khoác vai, và nhìn bạn với sự đồng cảm, bởi tụi mình đều biết quỹ thời gian mỗi lúc mỗi ít đi khi mình lớn lên và mang trên vai nhiều phận sự, lúc đó mình sẽ phải chọn dành thời gian cho những người quan trọng nhất”. Và cảm nhận có lẽ những người con Huế khác cũng mang chung một nỗi lòng như vậy. Những cắt chia, đoạn trường của đời nhau, qua năm tháng cứ dồn nén bao cảm xúc, chỉ chờ được vỡ òa và khóc như một đứa trẻ trong những lần hạnh ngộ ít ỏi của đời người. Những khắc khoải đó cứ là những lời hẹn sâu thẳm nhất để khi trở về chắc hẳn ai cũng bồi hồi gặp lại mẹ mình sau tháng năm dài lang bạt. Nhưng Mẹ cũng như Huế chẳng bao giờ vội vàng bộc lộ cảm xúc, cứ lặng lẽ lui cui đơn sơ một đời như vậy, nhưng mình biết khi chạm vào áo mẹ, có thể trong đáy mắt mình cũng sũng giọt “mưa” mang tên ngày gặp lại.
3. Ngày trở lại, dòng sông vẫn lặng lẽ chở theo những giọng hò buông lững giữa sóng nước mênh mông như một tiếng nói của tình cảm đã cất thành câu hát, mới hay hình như đời người rồi cũng gập ghềnh với biết bao nỗi niềm như đời sông vậy. Những chặng đường trúc trắc lở bồi, những khúc quanh của đời sông hóa ra cũng là hành trình của phận người trước khi xuôi về chốn vô cùng. Nhưng sông và người rồi cũng có một điểm chung là đều nhớ về những suối nguồn của thuở khai sinh. Trở về Huế như trở về nơi khởi hành của những kẻ mang thân rời xa xứ sở, dẫu biết là vương thăng trầm đó mà vẫn ôm khói sương dâu bể như đánh cược với sự chọn lựa của mình. Và con người nơi đây cũng như con sông cứ chần chừ không muốn đi mà cứ phải theo dòng xuôi mãi. Thời gian hình như là một sự nghịch lý với tình cảm, những người con Huế thì muốn nấn ná ở lại mà thời gian thì được đo đếm bằng hình ảnh của bóng câu qua cửa. Chẳng đủ để qua hết những nơi chốn đã gắn bó cả một thời tuổi thơ của đời người. Và cũng từ đó trên dặm dài phiêu bạt của đời mình hành lý mang theo luôn có sự nuối tiếc, ngậm ngùi nên thi thoảng vẫn vọng lại một khúc Nam Ai trong giấc mơ của những đời viễn xứ.
Bùi Hoàng Linh
(Trích từ tác phẩm "Huế - Quê hương đi để mà nhớ")
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/huequehuongdi.html