Nguyên Ngôn


Hắn

.

Oanh ngồi ở sân sau nhà mình, nhấm nháp ly cà phê, thưởng thức khóm hoa hồng tự mình chăm bón. Thưởng thức công trình của chính mình bao giờ cũng là sự thưởng thức cao nhứt. Hắn hẹn cuối tuần sẽ đến thăm Oanh. Đây là cái hẹn đầu tiên với Hắn. Oanh lẩm nhẩm làm một bản thống kê về Hắn.

Hắn bình thường đến độ không thể bình thường hơn. Hắn chìm lỉm trong đám đông. Từ trước đến giờ, Hắn chưa hề biểu lộ một tài năng gì đặc biệt. Hình như Hắn chưa hề cầm micro để oang oang cái miệng trước đám đông. Có thể nói, Hắn chỉ là một chúng sinh trong đám chúng sinh lúc nhúc mà Oanh gặp hàng ngày.

Hắn ít nói, lại tìm đủ mọi cách để được nói ít hơn. Trong một bữa trà dư tửu hậu, anh chị em đang nói về việc lái xe trên đường trường. Người thì nói, khi gặp mặt đường có nhớt thì phải chạy chậm lại. Người khác nói khi gặp mặt đường có cát thì phải giảm tốc độ lại. Một người khác nữa nói khi gặp mưa đá… Mỗi người một câu rôm rả, om sòm. Hắn vẫn ngồi làm thinh. Có người hỏi Hắn, theo anh thì khi nào anh phải giảm tốc độ? Hắn buông ra chỉ có năm chữ, khi mặt đường đổi màu. Chấm hết. Hắn dùng chỉ có năm chữ để diễn tả tất cả các tình cảnh trên mặt đường.

Hắn có lối nói chuyện thấy ghét! Có khi Hắn dùng những từ ngữ triết học hán việt cao siêu, đắt đỏ và viện dẫn những ông thánh bên Tàu ra, người ta cứ tưởng Hắn bắt đầu giảng đạo. Không, hắn dùng điển tích và từ ngữ như thế chỉ để… nói tục, hoặc chọc phá ai đó. Trong bữa tiệc, mọi người chia nhau xong dĩa tôm, còn dư ra hai con. Món tôm càng xào chua ngọt nầy rất hợp khẩu vị mọi người. Anh Thạch muốn ăn thêm, liền đưa cái dĩa đi một vòng mời mọi người. Hắn vào truyện. Hồi học tiểu học, tôi rất thích chơi đáo lạc. Ngón sở trường của tôi là chọi cạnh hồi, chọi đồng tiền đi để nó phản hồi trở lại. Để nói lên sự kiện nầy, Lão tử viết trong Đạo Đức kinh rằng, muốn nhận lấy, thì trước hết phải cho đi. Thì ra nãy giờ Hắn chọc phá anh Thạch. Cả bàn cười ầm lên. Anh Thạch bối rối kêu lên, thua, thua, keo nầy thua đứt đuôi con nòng nọc.

Trái lại, để diễn tả những khái niệm rắc rối của triết học, hắn dùng những từ ngữ rẻ mạt, đôi khi của con nít. Trong một cuộc nói chuyện giữa anh em với nhau về tĩnh thức. Cuộc nói chuyện lan qua chủ đề tạp niệm. Anh em xúm nhau đưa ra định nghĩa tạp niệm. Tới phiên Hắn, Hắn kể truyện. Thằng nhỏ năm tuổi, con của người anh của Hắn rất thích quấn quít bên Hắn. Thằng bé thấy Hắn ngồi Thiền cũng bắt chước xếp bằng ngồi xuống bên cạnh, hỏi hắn: Rồi làm sao nữa? Hắn dạy ngồi thẳng lưng, thở đều, để đầu óc trống không. Lát sau, thằng bé lại hỏi nữa: Con không nói mà trong đầu con nó nói hoài. Hắn kết luận: đó là tạp niệm.

Cái lối bắt đầu vào chuyện của Hắn làm cho người ta phải tức lên. Hắn bắt đầu từ một điểm xa xôi, chẳng ăn nhằm gì với đề tài đang thảo luận. Anh em cứ tưởng Hắn lạc đề. Đến khi Hắn kết luận mọi người mới hiểu, à thì ra nãy giờ Hắn đang nói đến đề tài nầy. Anh em đang thảo luận rất gay cấn, gay cấn đến độ cuộc thảo luận sắp thành một cuộc tranh cãi. Hắn đứng dậy đưa hai tay ra cho mọi người im lặng. Hắn vô đề: “Nietzsche tin rằng: ngày nào nhân loại còn cần đến chân lý, thì ngày đó nhân loại vẫn còn phải cần đến Heraclite.” (Trích Lê Tôn Nghiêm). Một anh bực quá, dằn không được, lên tiếng: cái đó thì mắc mớ gì đến chúng ta. Hắn đủng đỉnh thuyết pháp: Heraclite chủ trương thuyết biến dịch. Trong dòng biến dịch, chân lý là chân lý tương đối. Không bao giờ có cái đúng tuyệt đối cho mọi người, trong mọi thời đại và ở khắp mọi nơi. Vậy thì vì cái gì mà các anh chị nổi nóng lên như vậy? À, thì ra Hắn muốn đưa ra một lời khuyên.

Oanh ngẫm nghĩ một chút, hình như mình chú ý hơi nhiều đến các đặc điểm của Hắn.

Bỗng dưng đài truyền hình lớn nhứt Hòa Lan loan báo nhiều lần một thiên phóng sự về Hắn sẽ được chiếu vào chiều mai. Vì có loan báo trước, nên thiên phóng sự nầy được nhiều người Việt tại Hòa Lan đón nhận, trong đó có Oanh.

Thiên phóng sự nầy có đề cập đến tiểu luận tốt nghiệp trường Cao Đẳng Cán Sự Xã Hội của Hắn. Việc Hắn đi học Cao Đẳng rất ít người biết đến. Hắn làm như đó là việc đương nhiên, chẳng có gì để khoe ra. Cuốn tiểu luận “Nỗi Cô Đơn Của Người Việt Tại Hòa Lan” được người dẫn chương trình ca ngợi là có một giọng văn nhẹ nhàng, đầy màu sắc và đẹp như một bài thơ. Một số đoạn trong cuốn tiểu luận được trích đọc.

Sáng hôm sau, Oanh gọi điện thoại đến cơ quan Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn Đông Nam Á xin gặp Hắn. Oanh muốn xin cuốn tiểu luận nầy. Hắn trả lời nghe dễ ghét, tôi đã tặng bản quyền cho cơ quan rồi, xin Oanh vui lòng đặt mua ở cơ quan. Oanh tức lắm, dẹp đi, không cần nữa.

Ngày hẹn đến. Đó là buổi chiều ngày thứ sáu. Hết giờ làm việc, Oanh nhanh nhẩu lái xe về nhà. Nhưng chiều thứ sáu, Amsterdam kẹt xe vô cùng tận. Tối mịt Oanh mới về tới nhà. Giờ hẹn đã qua từ lâu. Oanh bước vào nhà, lượm lên cái danh thiếp của Hắn. Danh thiếp có dòng chữ viết tay “Anh đến để nhìn em trong tâm tưởng”. Oanh vừa có cảm giác ngọt ngào vừa thấy tưng tức trong lòng. Hắn không phiền hà hay trách móc, mà chỉ than không thấy được Oanh, nên phải tưởng tượng như đã nhìn thấy. Cái lối dùng chữ của Hắn cũng không tệ.

Nói đến cái lối dùng chữ của Hắn, Oanh nghĩ đến bút hiệu của Hắn, Ngô Anh. Ngô là họ của Hắn, còn Anh, có phải Hắn lấy tên Oanh của mình bỏ bớt một nguyên âm không? Vô tình trùng hợp, hay dụng tâm của Hắn?

Khi Oanh nhận lời cộng tác trong ủy ban tài chánh của ban tổ chức trại hè Hùng Vương 1 cho thanh niên Âu Châu, Oanh vẫn chưa biết người điều hợp công tác là ai. Mãi đến khi họp ban tổ chức, Oanh mới được biết Hắn là phối trí viên. Hình như Hắn không đến đỗi quá tầm thường. Sau khi trại hè bế mạc, ủy ban tài chánh khám phá ra sự thất thoát mười ngàn Gulden. Ban tổ chức được triệu tập tìm giải pháp. Không tìm ra giải pháp. Mọi người còn đang tức tối và pha lẫn chút bối rối, vì không tra ra nguyên nhân thất thoát. Hắn chậm rãi phán ra vỏn vẹn ba chữ: thôi bỏ đi. Anh em áy náy nhìn Hắn, hỏi: thế rồi giải quyết bằng cách nào. Hắn là phối trí viên, trách nhiệm sau cùng sẽ đổ lên vai Hắn. Hắn tuôn ra chỉ có ba chữ: tôi xin Bộ. Từ đó Oanh nhìn Hắn bằng con mắt khác.


Trại hè Hùng Vương Hòa Lan năm 1989

Quả tình, Hắn đã xin được Bộ chấp thuận bù lỗ cho cộng đồng. Bộ Văn Hóa Xã Hội và An Sinh của Hòa Lan rất hài lòng trước thắng lợi to lớn về mặt truyền thông của trại hè nầy. Hơn hai mươi bảy cơ quan truyền thông lớn ở Âu châu đã làm phóng sự và bình luận về sự kiện nầy, bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý và Hòa Lan. Dĩ nhiên là chỉ có những người trong ủy ban tiếp xúc báo chí, các sinh hoạt trại và ông chủ tịch cộng đồng được truyền thông đưa ra hình ảnh và phỏng vấn. Hắn không có tiếng nói hoặc hình ảnh gì cả trên báo chí hoặc các đài truyền hình. Oanh nghi ngờ Hắn thích đứng phía sau để giựt dây.

Lần hẹn thứ hai Hắn đến rất đúng giờ, trên tay có bó bông hồng đẹp. Trong khi Oanh pha cà phê, hắn ngồi táy máy đọc một vài văn thư trên bàn. Oanh bước ra với mâm cà phê trên tay, mặt tối xầm lại trước sự tò mò bất lịch sự nầy. Hắn hỏi Oanh tỉnh bơ:

– Tuần tới Oanh sinh nhựt rồi hả? Thì ra hắn muốn tìm ngày sinh nhựt của Oanh.

– Sống một mình, lâu rồi Oanh không có tổ chức sinh nhựt, Oanh trả lời.

Mắt Hắn sáng lên:

– Năm nay Oanh cho phép tôi đón sinh nhựt của Oanh được không?

Oanh hững hờ:

– Tùy anh.

Uống cà phê xong, hai người rủ nhau đi dạo phố. Oanh bước vào một tiệm quần áo sang trọng, loại hàng hiệu. Oanh cầm lên một cái áo ngắm nghía. Hắn bước đến biểu:

– Thử đi.

Từ phòng thử áo, Oanh bước ra. Hắn mở tròn mắt ngạc nhiên thích thú, ngưỡng mộ nhìn Oanh. Chiếc áo dường như may ra chỉ dành cho Oanh, từ màu sắc đến kích cỡ. Oanh đẹp rực rỡ, sáng chói long lanh, hớp hồn Hắn.

Oanh thay áo xong, trở ra máng áo trả lại chỗ cũ. Thật là lạ lùng, hắn thản nhiên để cho Oanh trả áo về chỗ cũ. Oanh bất mãn nghĩ, không muốn mua, tại sao bắt mình thử áo? Hắn hỏi restaurant nào ngon rồi dìu Oanh đến nhà hàng kêu thức ăn.

Ngày sinh nhựt Oanh, Hắn đến tay không, với lời chúc mừng lạt lẽo, vô duyên: chúc mừng sinh nhựt. Hắn nhìn đồng hồ rồi rủ Oanh đi dạo phố. Lại đi dạo phố? Oanh ghé ngang tiệm bánh sinh nhựt tỏ ý muốn mua một cái bánh kem. Oanh muốn nhắc khéo lời hứa mừng sinh nhựt. Nhưng Hắn lại bàn ruồi: đừng mua. Oanh ngẫm nghĩ, chẳng lẽ Hắn bần tiện đến như thế sao?

Lúc sáu giờ chiều, bọn họ đi ngang nhà hàng hôm nọ. Hắn kéo tay Oanh như chuyện ngẫu nhiên:

– Anh cũng đói rồi, mình vô ăn cái gì đi.

Hắn dìu Oanh đến một chiếc bàn rộng. Oanh nhìn một vòng chung quanh, hình như có gì khác thường. Oanh hỏi:

– Sao chỉ có bàn này có bình bông thôi, lại bình lớn, bông cắm công phu đến thế nầy?

– Chắc mình ngồi trúng cái bàn hên, Hắn tỉnh bơ.

Oanh lấy làm lạ, sao mình ngồi nãy giờ mà không thấy Hắn kêu thức ăn gì cả. Bỗng nhạc sinh nhựt trên hệ thống âm thanh của nhà hàng trổi lên và người bồi bàn đẩy ra một chiếc xe nhỏ từ từ hướng về bàn của Oanh. Trên xe có gắn pháo bông mừng sinh nhựt. Thực khách cả nhà hàng hát theo bản nhạc sinh nhựt được phóng thanh. Tiếng hát trên loa, tiếng hát của thực khách không quen, vang dội trong nhà hàng, tạo nên một không khí sinh nhựt tưng bừng. Hắn nói nhỏ:

– Họ mừng sinh nhựt của Oanh đó.

Oanh chới với, lính quýnh đứng dậy:

– Cám ơn. Cám ơn. Xin cám ơn tất cả.

Hắn nói nhỏ vào tai người bồi bàn:

– Mời mỗi người một ly nước, tính tiền với tôi.

Chiếc xe đẩy tới chỗ Oanh ngồi, người bồi bàn bưng một cái bánh sinh nhựt to đùng, sang trọng đặt trước mặt Oanh. Trên bánh có dòng chữ “CHÚC MỪNG SINH NHỰT OANH” và những con số 12-11.

Hắn nói lớn:

– Chúc mừng sinh nhựt của Oanh.

Oanh thở hổn hển:

– Anh làm cho Oanh ngạc nhiên đến mất thở rồi nè.

Hắn nói nhỏ:

– Chưa hết đâu. Oanh ước nguyện rồi thổi đèn đi.

Hắn đưa tay xuống bàn, lấy lên một máy chụp hình bấm lia lịa. Thì ra Hắn đã chuẩn bị từ trước.

Oanh thổi đèn sinh nhựt, cùng lúc với tiếng Champagne nổ giòn tan và tiếng pháo tay tưng bừng khắp nhà hàng.

Sau khi cắt hai miếng bánh để lên bàn cho Oanh và Hắn. Người bồi bàn rót cho Hắn và cho Oanh mỗi người nửa ly Champagne. Hắn cầm ly rượu đưa lên. Oanh chưa bao giờ uống rượu, lần nầy cũng phải cụng ly:

– Anh mong sao được tiếp tục mừng sinh nhựt của Oanh hàng năm.

Hắn nhờ anh bồi bàn cắt bánh mời khách các bàn khác. Tiếng cám ơn, cám ơn đó đây, từ các bàn khác hướng về bàn của Oanh. Hắn thủ thỉ bên tai Oanh:

– Anh “bắt” thiên hạ mừng sinh nhựt của Oanh đó.

Hắn thò tay xuống bàn lấy lên một gói quà, thân thương nói:

– Quà sinh nhựt của Oanh đó.

Oanh run run mở gói quà, ngạc nhiên kêu lớn:

– Trời ơi! Chiếc áo Oanh thử hôm nọ! Vậy mà Oanh cứ tưởng họ bán rồi.

– Đúng, họ bán rồi, nhưng bán cho anh.

– Oanh phục tài làm bộ phớt lờ một cách tĩnh bơ của anh rồi.

Oanh không dằn được, đứng dậy, chồm qua bàn tặng cho Hắn một nụ hôn môi đầu đời:

– Thôi nghen, còn ngạc nhiên nữa Oanh đứng tim luôn đó.

– Chưa hết. Anh nhớ là Oanh rất thích tôm hùm. Yên trí đi. Tôm hùm nầy anh mới đưa đến đây hồi trưa, vẫn còn sống.

Hắn đưa tay lên.

Người bồi bàn hiểu ý, dọn ra một bàn với các dĩa tôm hùm xào chua ngọt sốt cà, tô nước rửa tay, dao, kéo, cặp gắp nhỏ để ăn tôm hùm. Oanh thỏ thẻ bên tai Hắn:

– Đây là một cái sinh nhựt để em nhớ đời. Trong đời, em chưa bao giờ được hưởng một cái sinh nhựt đầy ngạc nhiên thích thú như thế nầy.

Không biết từ lúc nào, chữ Oanh được thay thế bằng chữ em. Và họ tay trong tay về nhà, chứ không còn đi bên nhau nữa.

.

Nguyên Ngôn


Cái Đình - 2017