nguyễn như mÂy
Đường dẫn tới dòng sông
.
Gần hai năm nay, sáng nào tôi cũng để dành phần điểm tâm gồm ly cà phê, vài điếu thuốc và gói xôi hoặc cái bánh cho một người có vẻ lớn hơn tôi khoảng một giáp mà tôi đã quen gọi bằng “Thầy”. Tóc và râu ông đã bạc trắng. Cái áo ông đang mặc có lẻ sẽ rách bươm nay mai. Tôi muốn giúp áo khác nhưng ông bảo không lo gì vì hôm nào rồi sẽ nhận. Ông dắt chiếc xe đạp chở theo gói hành trang gồm ít vật dụng nấu ăn và một cái chăn để đắp khi ngủ. Ngoài ra không có thêm bất cứ gì như nón hay giấy dép chi cả. Ông bảo mấy chục năm nay sống nhẹ nhàng và không vướng bận gì nhiều về vật chất như vậy đã quen rồi.
Vì không có ai biết chút ít về ông nên qua cốt cách của ông, tôi đã áng chừng có thể trước đây ông là một tu sĩ Phật giáo, nhưng vì một lẽ gì riêng tư nên đã “xuất” ra đi bụi đời như thế này. Tôi đã hai lần có ý hỏi thăm khi thấy ông vui nhưng ông vội nói tránh qua chuyện khác. Rồi thôi, nhưng tôi thấy vui vui khi mỗi sáng ông ghé ngồi chơi “có gì ăn nấy” với tôi.
Nhiều khi tôi có ý định mời ông ở lại với gia đình mình như một người anh cả nhưng ông đều từ chối: “Cảm ơn chú thím. Nay tôi được sống thế này đã là quá đủ rồi!”. Ông còn bảo:
– Tôi hạnh phúc vì tôi đang được tự do!
Một hôm, có thể vì muốn tôi không hỏi gì thêm về mình nữa, ông cho biết nay tuổi già nên không thể đi bộ nên phải dắt theo chiếc xe đạp để đi khi mỏi chân. Trước đây, ông hay đi “khất thực” ở chợ là chính. Ai cho gì ăn nấy; nhưng được cho đồ chay thì ông thích hơn. “Cứ coi như mình đang là một nhà tu ở chùa nhưng khi ra đời rồi thì không ‘nặng nề’ gì việc ăn uống nữa “ để lúc nào cũng thấy được sống tự do”. Ông nói thêm:
– Đời sống vật chất chỉ là phương tiện thôi chú à.
Có lần, tôi xin đi theo nhưng ông bảo:
– Chú tưởng đi lang thang không nhà không cửa như tôi là dễ và thích thú lắm sao? Xin thưa là rất khó! Khó vô cùng đó chú à! Trước hết, chú phải có “Duyên” với... cuộc đời... Thôi, chú không phải là Phật tử nên chưa có... duyên để hiểu về nó...
Sau vài giây trầm ngâm, ông siết nhẹ bàn tay tôi rồi nói, giọng thành thật:
– Cảm ơn chú đã cho tôi được hạnh phúc cả năm nay. Nhưng xin nói thật, chú đi theo chỉ làm vướng bận cho tâm hồn tôi mà thôi! Cứ để tôi sống một mình thế này là vui lắm rồi, chú mình nha!
Tôi đã tình cờ nhìn thấy ông ở chợ. Ông ngồi ở cuối một lối đi chật hẹp với nhiều mùi hôi thối vì gần đó có một đống rác lớn đang chờ xe vệ sinh tới hốt dọn. Hầu hết những người cho ông tiền hoặc thức ăn đều là phụ nữ. Thậm chí có chị còn chắp hai bàn tay lại khi đã “bố thí” và ông cũng nhẹ nhàng chắp tay đáp lễ.
Sau này, nghe tôi hỏi sao Thầy không ngồi chỗ sạch sẽ để “khất thực” cho vệ sinh thì ông nói, giọng có vẻ từ tốn như của một người thầy truyền đạt vốn sống cho học trò:
– Đã chấp nhận đi xin ăn mà chọn ngồi chỗ sạch sẽ thì có ai thương tình để cho đâu!
Đêm đó đúng vào ngày Vu Lan, gia đình tôi mời ông ở lại ăn các món chay do vợ tôi nấu. Giữa bữa, tôi đánh bạo mời ông cùng uống rượu tây. Ông bỗng vui vẻ lên rồi bảo rằng đã lâu lắm rồi mới được uống lại nên hy vọng sẽ thấy ngon. Tôi vui khi thấy ông đã thật tình vì không câu nệ về hình thức trong việc ăn uống. Tuy nhiên, vì thấy do tuổi già nên ông ăn không được nhiều, vợ tôi đơm thêm thức ăn cho ông đem về.
Bẵng đi gần hai năm tôi không thấy ông già hành khất đi ngang nhà. Tôi lo việc đau ốm có thể xảy ra cho ông. Tôi cứ trách mình nhiều về việc sao trong suốt chừng đó thời gian quen biết mà vô tâm đến nỗi không hề biết chỗ ở của ông để tới thăm. Tôi bỏ ra mấy ngày đạp xe đi tìm nhưng không gặp lại được ông - một người mà cả gia đinh tôi thầm quí trọng.
Vừa rồi, nhân chuyến đi ăn cưới xa, tôi tình cờ gặp lại ông trên một bến sông. Nay, ông là một người lái đò dù tuổi đã cao rồi. Nghe tôi gọi “Thầy”, ông quay lại nhìn rồi chống cây dầm xuống khoang thuyền để từ từ bước lên bờ chào đón tôi. Ông bảo rất mừng vì cách đây mấy đêm ông chiêm bao thấy tôi rót rượu mời ông uống ngay trên bến sông này.
Vẫn với phong cách trầm tĩnh và ít nói, ông kéo tôi vào quán cạnh chợ để nhâm nhi cùng ông vài chén rượu nấu của địa phương. Bến sông ở sát chợ nên tấp nập suốt buổi sáng. Khách đi đò của ông là người trong làng và rẫy bắp bên kia sông. Bên ấy có một ngôi chùa nhỏ mà sư trụ trì vốn người đồng liêu xưa của ông. Và ông đã từng tu ở chùa đó từ khi cha mẹ ông mất lúc ông còn con nít.
Hôm nay tôi thấy tửu lượg của ông đã “xuống” nhiều nên xin ông thôi uống nhưng ông ôm tôi lại rồi thì thầm bên tai:
– Chú à, mình không ngờ lại trôi giạt về cái chợ có bến sông này. Chiếc thuyền đây là của nhà chùa cho để mình có miếng mà ăn hằng ngày. Chính mình hồi xưa đã từng chèo chiếc thuyền này để đưa đón sư phụ...
Hớp thêm một ngụm rượu với miếng mồi, ông bắt đầu gật gù từng lời tâm sự:
– Đêm nào mình cũng được nghe tiếng chuông chùa bên đó vọng qua...
.
nguyễn như mÂy
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/duongdantoidongsong.htm