Trịnh Bình An
Đọc “Truyện Ngắn” của Mặc Đỗ
Để tưởng nhớ đến nhà văn Mặc Đỗ (tên thật là Đỗ Quang Bình), từ trần ngày 20/09/2015,
xin gửi đến quý bạn đọc bài giới thiệu tuyển tập cuối đời của ông, do Trịnh Bình An viết tháng 01/2015.
BBT Cái Đình
Mặc Đỗ là một tên tuổi lớn trong làng báo chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975, nhưng giờ đây dường như chẳng còn ai biết tới ông. Không, phải xóa đi hai chữ “dường như” bởi vì thực sự chẳng còn ai biết tới Mặc Đỗ nữa. Khi tôi tìm kiếm trên mạng chỉ thấy vỏn vẹn vài truyện ngắn, vài dòng tiểu sử ngắn, thế thôi; tài liệu duy nhất (và quý nhất) có lẽ là bài “Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn Mặc Đỗ”. Tại sao lại xảy ra như thế?
Có thể vì Mặc Đỗ từng được biết tới như một dịch giả thay vì tác giả? Hay có thể vì Mặc Đỗ không tham dự vào các sinh hoạt văn chương hải ngoại? Dù sao, Mặc Đỗ cuối cùng đã quyết định gom một số truyện ngắn để cho ra đời tuyển tập “Truyện Ngắn” vào đầu năm 2014; cuốn sách dày 500 trang này tôi may mắn được một người bạn cho mượn về đọc.
Qua vài truyện ngắn của “Truyện Ngắn”, cảm tưởng đầu tiên là Somerset Maugham.
Somerset Maugham là nhà văn phương Tây về truyện ngắn mà tôi thích nhất. Tôi ưa giọng văn tỉnh rụi đến mức lạnh lùng của ông, cách mô tả nhân vật ngắn gọn nhưng chính xác, nhất là lối hành văn giản dị ít chữ khó. Nhưng cái hấp dẫn nhất của Maugham là ở chỗ ông tả mọi cảnh đời y như nó là, không bôi hồng, không tô đen; tuy nhiên, không vì vậy mà thiếu vắng quan điểm của nhà văn, vẫn có sự phân định rõ ràng giữa trung và gian, vẫn có sự ngợi ca những hành vi cao thượng vượt trên bản năng tầm thường.
Những truyện ngắn Mặc Đỗ thu hút tôi ngay từ dòng bắt đầu, như đoạn văn sau:
Phản ứng đầu tiên của tôi là chùn bước lại, nghĩ rằng mình đã lầm nhà. Từ ngày người đàn ông Đại Hàn đó qua đời, lần thứ hai tôi bước tới cửa căn nhà nhỏ ở tận cùng một con hẻm giữa thành phố, lần thứ hai cách lần thứ nhất có tới mười tháng, lần thứ nhất đúng một ngày sau đám tang của người đàn ông. Mười tháng trời đã làm thay đổi hẳn một khung cảnh tôi tưởng đã ăn sâu mãi mãi trong tim óc tôi như chất cường toan thấm xuống làm nổi bật những đường nét của bức vẽ trên một bản kẽm. (TN – trang 183)
Có gì hay trong đoạn mở đầu truyện ngắn “Người Đàn Bà Tìm Lại Được Mùa Xuân”?
Nó hay vì không dài dòng trong phần tả cảnh. Tôi rất ngán đọc loại văn ê a theo kiểu “em hãy miêu tả căn nhà cha mẹ em” mà nhiều tác giả thường mắc phải. “Căn nhà nhỏ tận cùng một con hẻm thành phố” là đủ, không cần thêm những thứ lỉnh kỉnh như “gió đìu hiu, đèn vàng mờ, trời u ám” gì gì khác. Còn lại dành cho sự tác động của cảnh tới người: “chùn bước”, “ăn sâu mãi mãi” vì cách ấy làm người đọc thắc mắc, tự hỏi “tại sao vậy” và rồi sẽ hăm hở đọc tiếp.
Người ta thường nói truyện ngắn quan trọng nhất là đoạn mở đầu. Mở đầu mà không níu được người đọc là hỏng. Truyện dài thì khác, phần mở đầu có thể không hấp dẫn, nhưng nhờ dài nên còn có cơ hội kéo người đọc trở lại. Mặc Đỗ biết nguyên tắc này nên hầu như truyện nào ông cũng tạo đoạn mở đầu hấp dẫn, điển hình là truyện “Người Điên”, cũng gợi được sự tò mò:
Trên xe từ nhà ông giáo sư trở về ông chủ tịch cứ trở mình hoài, đôi lúc lại thở dài một cái mạnh. Cậu con trai lái xe ngồi bên phải quay lại hỏi cha:
– Hôm nay hội họp ra sao, có vấn đề gì lôi thôi chăng, cha bực bội không vui?
Ông bố thở dài thêm cái nữa rồi mới đáp:
– Có vấn đề gì đâu! Tao bực mình chính vì chẳng có vấn đề gì hết!
Nhưng đoạn văn này lại có “vấn đề”. Vấn đề ở chỗ nó không phải là văn nói, ngoài đời người ta không nói như thế. Cậu con sẽ hỏi “Có chuyện gì lôi thôi à, sao cha bực bội vậy?” và người cha sẽ đáp “Chuyện gì đâu! Tao bực vì chả có chuyện gì hết”. Thế nhưng khi dùng “vấn đề” thay cho “chuyện” câu văn gây được sự chú ý hơn. Ở đây, tác giả không ghi lại y chang cách nói thông thường bởi vì độc giả cũng không trực tiếp nghe những lời đó. Đọc là nhìn và nghe một cách trung gian nên dễ bị loãng, vì thế để kéo sự chú ý của người đọc người viết có khi cần sắp xếp lại những câu nói thông thường. Cái tài ở đây còn tùy vào cách sắp xếp, lọc lựa, dùng chữ,… sao cho khéo để không “nghe” gượng, cứng hoặc giả tạo.
Ngay trong cách chọn tựa, Mặc Đỗ cũng cho thấy ông rành chuyện níu khách.
Có những tựa chỉ có độc một chữ như “Sợ”, rồi hai chữ như “Sầu Riêng”, “Người Điên”, rồi nhiều chữ như “Thư Của Một Người Lối Xóm Nhiễu Sự”. Có những tựa đọc qua là thấy tò mò ngay, như “Tình Thương Trong Ngoặc Kép”, “Bốn Người Không Ngủ”, “Một Vụ Phá Hủy Công Phu”, “Trương Chi Con Gái”, v.v.
Nhưng tựa nghe hay không đủ, mở đầu hấp dẫn cũng không đủ; truyện ngắn hay vẫn là truyện ngắn… hay, hay từ cách viết tới cốt truyện, hay từ tả cảnh, tả tâm lý nhân vật, rồi tới thắt nút và mở gút, và cuối cùng là ý nghĩa hàm chứa – chính cái phần “ý tại ngôn ngoại” này mới ở lại trong tim óc người đọc và khiến cho truyện ngắn tuy ngắn mà vẫn đường hoàng chiếm vị trí ngang tầm truyện dài.
Phần tiếp theo đây, tôi – như một người đọc, xin được trình bày một số nhận xét của mình về các tính chất vừa kể trên trong những truyện ngắn của Mặc Đỗ.
Văn Phong
Như đã nói ở trên, Mặc Đỗ có cách viết khiến nhớ tới Somerset Maugham đó là văn phong thẳng và gọn. Dường như khi viết Mặc Đỗ đã chặt chém văn mình không chút nương tay cho đến khi không còn chặt thêm được nữa mới thôi. Điều này rất khó khi phải diễn tả tâm lý con người vì tâm lý con người vốn rất phức tạp, nói dài chưa chắc người nghe đã hiểu huống hồ là nói ngắn, nhưng Mặc Đỗ đã vượt được cái khó này.
Trong truyện “Một Vụ Phá Hủy Công Phu”, nhân vật chính tên Thủy, một cô gái trẻ xinh đẹp làm thư ký cho ông chủ Vĩnh Phúc và được ông này ngỏ lời xin cưới, nhưng Thủy lại yêu Đạo – một thanh niên cùng làm chung trong công ty. Thủy nói với Đạo muốn hai người sống chung với nhau nhưng không ngờ bị Đạo cự tuyệt. Thế là Thủy uất ức lang thang trên đường, tình cờ gặp một thanh niên giàu có đang lái xe lơi khơi và đưa lời gạ gẫm, Thủy bỗng muốn đem “cái ngàn vàng” cho không gã lạ mặt để trả thù Đạo. Nhưng khi Thủy buột miệng nói ra lý do tại sao nàng lên xe và đồng ý về nhà thì gã playboy kia đâm ra hết sức ngỡ ngàng, và rồi hắn mở cửa xe, đuổi Thủy ra ngoài.
Đây là đoạn diễn tả tâm lý của chàng thanh niên (ít ra cũng biết sợ) này.
Thủy sửng sốt, mở to mắt ngó chàng thanh niên:
– Ông lầm rồi. Tôi không có giá nào cả. Tôi đang buồn chuyện nhà, ông có lòng tốt muốn cho tôi đi nhờ một quãng đường, hay muốn đưa tôi đi đâu cũng được, nhưng đừng nói giá cả với tôi. Tôi cho không ông đấy. Để mai mốt tôi không bị mặc cảm là bán rẻ quá cho lão già. Đi đâu thì đi nhưng đừng nghĩ rằng tôi là một người có giá. Tôi là người tử tế có công việc làm. Tôi bực mình, bực chuyện nhà không giải quyết được, bực vì người yêu của tôi đần độn quá. Gặp ông tình cờ, nếu ông gỡ cho tôi được cái mặc cảm là một món hàng quá rẻ, tôi cám ơn ông. Nhưng đừng trả giá, tôi không có giá, tôi cho không…
[…]
Thủy hỏi chàng thanh niên:
– Ông sợ hay sao?
Thêm một lần nữa chứng tỏ sự thiếu kinh nghiệm của Thủy. Một chàng thanh niên có xe hơi, có biệt thự, một mình chiều đến lái xe đi chơi, có bao giờ sợ ai. Bảo cậu ta sợ là chạm vô cùng tới tự ái. Chàng thanh niên không biết sợ nhưng chỉ ngại những hậu quả bất ngờ của một cuộc mua bán không ở trong những lề thói thông thường. Đã bực mình vì cuộc săn thất bại, lại bị mắng rằng sợ, chàng thanh niên nổi nóng lên, nhưng cũng dằn lại kịp – không phải vì sợ! – đưa tay qua trước mặt Thủy, mở cánh cửa, trong khi xe từ từ chậm lại và nói:
– Thôi xuống đi, dấm dớ thế mà bảo lên cũng cố lên! (TN – trang 143)
Đoạn văn trên, tuy ngắn gọn nhưng diễn tả đầy đủ tâm lý phức tạp ở người thanh niên kia: đang hào hứng vì gặp “bò lạc” quá ngon bỗng đâm ra sững sờ khi thấy cô mình nói những lời nghe ra quá quái đản, và giọt nước cuối cùng tràn ly là khi nghe người đẹp phán “anh sợ à”, thế là xong, lửa dục tắt ngúm. Đoạn văn tả rõ tính cách của một gã playboy khá thông minh, biết ngừng lại khi đánh hơi thấy nguy hiểm, biết kềm giữ dục vọng khi cần, và biết ra tay ngay khi thấy cần ra tay.
Tôi rất ngán những đoạn văn nhiều lời ít ý, đọc đã một thôi một hồi rút cục vẫn chẳng biết tác giả muốn nói gì. Mặc Đỗ ngược lại, mồi câu, mỗi đoạn nghe ra đều ít nhiều ý vị khiến đọc tới rồi lại muốn quay lui, đọc lại.
Cốt Truyện
Câu văn hay tuy hấp dẫn nhưng chính cốt truyện mới làm ta chú ý. Điều này gần gần như bài hát, phần nhạc làm ta khoan khoái nhưng chính lời ca mới khiến ta để tâm vào. Có người bảo tôi một số ca khúc của Trịnh Công Sơn nếu bỏ đi lời hát thì nhạc nghe chán phèo, tôi hoàn toàn đồng ý.
Tôi ưa những cốt truyện giản dị nên thích Somerset Maugham. Nhiều truyện ngắn của ông đơn giản tới mức khó có thể đơn giản hơn, ví dụ truyện kể về ba bà béo mê ăn nhưng muốn bớt béo, hay một người đàn ông da trắng mê say một người đàn bà da màu nhưng chục năm sau đâm chán, hay một người chỉ muốn nhàn nhưng cuối cùng không thể sống quá nhàn rỗi, v.v… Viết với đề tài đơn giản rất khó vì hầu như chẳng có gì để viết, nếu người viết không nhìn ra được những chi tiết khác lạ thì chỉ còn cách tự bịa chúng, và như thế truyện sẽ thành giả tạo, không thực.
Mặc Đỗ chọn những đề tài rất giản dị: một thày giáo làng quê, một phụ nữ bị chồng và nhà chồng khinh thường, một người tha hương nhớ quê gói bánh chưng ngày Tết, một người sợ hãi vì bạn mình bị bắt vì làm cách mạng, v.v… nhưng không vì đề tài đơn giản mà truyện thành nhàm chán, trái lại, đều nêu lên được những khía cạnh khác thường trong những con người bình thường.
Ví dụ truyện “Thày Giáo”. Người thày tên Khuê, dạy học cho một đám nhỏ ở trường làng trong một vùng xôi đậu. Mỗi sáng thày và trò đều làm lễ chào cờ – lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Điều này khiến bọn nằm vùng tức tối, tìm cách trừ khử Khuê. Vài người dân trong làng biết âm mưu và khuyên Khuê tạm bỏ lá cờ xuống, ngay cả Sương – từng là người yêu của Khuê nhưng bỏ vào bưng, cũng đến khuyên răn. Nhưng Khuê nhất định giữ vững ngọn cờ. Niềm tin trong sáng và kiên cường của Khuê đã làm Sương thay đổi, cô hy sinh lãnh trái lựu đạn thay thế cho Khuê.
Một cốt truyện khá cliché “một thày giáo làng yêu nghề và có lý tưởng”. Đã có hàng triệu câu truyện về một ông thày giáo như thế. Chưa nói đến việc viết hay, nội viết sao cho khác những truyện khác đã là rất khó, cho dù lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam thì vẫn chỉ gồm bấy nhiêu sự việc: một ông thày cứng đầu, sự đe dọa của đối phương, sự sợ hãi của dân làng v.v…
Để làm truyện thành lý thú, Mặc Đỗ chú trọng đến việc mô tả tỉ mỉ tâm tư của Khuê, ông cho thấy tại sao Khuê chọn thái độ như vậy: Khuê nhìn lá cờ và thấy mình được gắn kết với những bạn đồng nghiệp cùng chung lý tưởng để rồi dù xa xôi anh vẫn cảm thấy không hề cô đơn. Lá Cờ chính là cội nguồn nghị lực của anh. Nội tâm của Khuê như nói lên tâm tưởng của biết bao người Việt tha hương chúng ta khi ngước nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ hay khi cất giọng hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, và chính điều đó làm ta rung động.
Khuê nhìn thấy ở ngọn cờ một mối liên lạc mạnh mẽ với bao nhiêu những thày giáo khác cùng hoạt động trong một hoàn cảnh tương tự. Khuê không thể là một cá nhân đơn độc, Khuê muốn mãi mãi là một bộ phận tích cực ở trong đoàn thể những bạn cùng nghề, cùng lo một công việc chăn dắt những trẻ em nghịch ngợm nhưng rất đáng yêu. Khuê sinh trưởng ở ấp Tân Thới này, nhưng ở nhiệm vụ hiện thời của Khuê, Khuê sẽ cảm thấy lạc lõng hết sức nếu không có ngọn cờ đó. Khuê yêu cái nhiệm vụ hiện thời của mình cho nên Khuê quyết phải giữ ngọn cờ, nó hình dung trước mắt Khuê mối liên lạc mật thiết giữa Khuê với đoàn thể to tát những bạn cùng nghề. (TN – trang 150)
Một điểm nữa, chính nhờ cốt truyện đơn giản nên ta sẽ không còn nhớ các tình tiết nữa mà chỉ thấy lòng mình rung động, do đó dù sau này ta không còn nhớ truyện nói gì nhưng vẫn nhớ cái rung động nọ. Đó cũng là một trong những đặc điểm của truyện ngắn Bình Nguyên Lộc như trong các truyện “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”, “Con Bảy Đưa Đò”, v.v.
Tâm Lý Nhân Vật
Nhìn chung, các tác giả Việt không được giỏi trong cách mô tả tâm lý nhân vật. Tính cách nhân vật thường xây dựng sơ sài, tâm lý không diễn biến hợp lý, buồn vui yêu giận tùy hứng; kết quả cuối cùng là một mớ nhân vật nhòe nhoẹt, không để lại ấn tượng. Tại sao quá khó để học cách xây dựng nhân vật như Truyện Kiều: một Thúy Kiều đa tình, một Thúy Vân vô tâm, một Thúc Sinh ba phải. Hay bởi Nguyễn Du quá thấu tình đạt lý, hoặc biết tôn trọng tâm tánh tự nhiên của con người, loại người nào thế nào thì sẽ hành xử thế ấy, Nguyễn Du không “duy ý chí” bắt họ theo ý riêng của ông, vì thế mới có một Thúy Kiều rất thông minh sắc sảo nhưng chỉ là cái thông minh con mọt sách trong tháp ngà nên khi đụng cuộc đời phức tạp thường có những phản ứng khá ngờ nghệch.
Đọc truyện Somerset Maugham (và những nhà văn lớn khác) ta thấy tâm lý nhân vật và diễn biến tâm lý rất tự nhiên và hợp lý. Có những truyện tôi đọc khi còn rất trẻ nên không hiểu tác giả viết đúng cỡ nào, phải tới hàng chục năm sau, đụng người đụng chuyện rồi mới thấy truyện tả không sai về một loại người nào đó.
Tả tâm lý nhân vật trong truyện ngắn còn khó thêm nữa vì khuôn khổ hẹp nên người viết phải chọn sao cho đúng những nét chính đặc biệt nhất để mô tả. Một nét đặc biệt nhất trong tính cách nhân vật của “Truyện Ngắn” Mặc Đỗ là tính cương cường, kiên quyết. Trong 30 truyện thì ít nhất 7 truyện có nhân vật chính – dù nam hay nữ, đều là loại người cứng rắn.
– Trong “Sợ”, một người vợ (Sương) thất vọng bỏ đi vì thấy chồng mình đã tỏ ra quá sợ hãi sau khi một người bạn thân, và cũng là đồng chí, bị bắt.
– Trong “Thày Giáo”, một ông thày trẻ (Khuê) nhất định không lấy xuống lá cờ quốc gia treo trước trường học dù tính mạng bị đe dọa hàng ngày.
– Trong “Người Đàn Bà Tìm Lại Được Mùa Xuân”, một phụ nữ Đại Hàn (Aki) quyết định ly dị chồng, từ bỏ quê cũ, đến sống nơi xứ người chỉ vì muốn tìm tự do.
– Trong “Người Đồng Chí Gánh Cát”, một người có địa vị xã hội (Thái) quyết định mai danh ẩn tích, chọn làm nghề hèn mọn để dứt khoát đoạn tuyệt với một tổ chức mà anh không còn cùng chung chí hướng.
– Trong “Người Điên”, một thanh niên tị nạn (Tài) tìm cho mình một nơi thật hoang vắng ở Mỹ để định cư với ý định buộc mình phải trở thành một con người khác hẳn với con người cũ trong quá khứ.
– Trong “Trương Chi Con Gái”, một cô người ở (Túy) nhảy sông tự vẫn sau khi biết mối tình của cô với con trai chủ nhà mãi mãi là vô vọng.
– Trong “Ở Giữa Có Hàng Rào”, tình nhân nữ (A) không chấp nhận tiếp tục quan hệ với tình nhân nam nếu anh này không chịu từ bỏ quan điểm sống vô cảm.
Những nhân vật cương quyết ấy dường như phần nào phản ảnh tâm tính và quan niệm sống của chính Mặc Đỗ, hay, đó chính là sự ngưỡng mộ của Mặc Đỗ tới những con người cương trực, loại người dám tách ra khỏi đám đông, dám lội ngược dòng, dám làm lại từ đầu? Dù là một người thuộc bậc đàn anh trong giới văn chương báo chí miền Nam trước 1975, nhưng khi qua tới Hoa Kỳ Mặc Đỗ đã lui vào bóng tối đến mức hầu như không còn ai nhắc tới ông nữa. Những nhân vật “Truyện Ngắn” dường như chỉ để nói dùm tâm tư của ông chứ không thật sống cuộc đời của họ. Văn Mặc Đỗ, do đó, là văn khẩu khí hơn văn miêu tả.
Hãy đọc một đoạn đối thoại giữa A và Y trong truyện “Ở Giữa Có Hàng Rào”:
Y đang ngả người tựa lung trên hai ba chiếc gối chồng chất trong góc đi văng, vội nhỏm dậy, hỏi:
– A ơi! Sao em nỡ quyết liệt vậy? Em đã bảo em vẫn yêu anh, phải chăng có kẻ nào đứng ngoài tìm cách ảnh hưởng tới em, phá sự yên ổn của anh? Anh đã nói, địa vị của anh khiến lắm kẻ thù ghét…
A liền đáp:
– Anh yên tâm đi, không có kẻ nào đứng ngoài tìm cách ảnh hưởng tới em, nếu có cũng chẳng ảnh hưởng được. Nhưng cái xã hội chung quanh ta đây – chính em cũng ở trong đó – cái xã hội đó không thể nào chấp nhận được anh của bây giờ, vì anh đã tách ra ngoài. Ngày nào còn sống trong cái xã hội mà em yêu thương đó em cũng không thể chấp nhận được anh. Em đòi anh thay đổi là vì vậy. Anh thay đổi đi để cùng sống với em, cho tình yêu của chúng ta được vẹn toàn. Em tha thiết như vậy mà hôm nọ anh lại nói một câu khiến em không ngủ nổi, anh xui em cũng tách ra như anh, anh bảo vậy là thực tế . Sở dĩ hôm nay em cần thảo luận dứt khoát với anh là vì câu nói đó của anh. Nếu có phải quyết liệt cũng đành! (TN trang 414)
Quả thực là quá quyết liệt. Tôi tự hỏi phụ nữ Việt Nam mấy ai “ăn thua đủ” với tình nhân như thế? Những người phụ nữ quyết liệt của Mặc Đỗ khiến tôi không thể không nhớ tới người đàn bà trong truyện ngắn “The Short Happy Life of Francis Macomber” của Ernest Hemingway, chỉ khác là chưa ai dám nổ súng bắn vào đầu chồng mình.
Kịch Tính
Một điểm làm tôi không mấy thích ở truyện ngắn Mặc Đỗ là kết cuộc có phần khá tuồng, nghĩa là, quá nhiều kịch tính.
Văn phong Mặc Đỗ khiến tôi nhớ tới Somerset Maugham, nhưng kết cuộc của một số truyện của Mặc Đỗ kết thúc như truyện của Guy de Maupassant, như một cái nhún vai “đời-xe-la-vi” đầy kịch tính. Truyện Maugham không như thế, ông để cuộc đời các nhân vật trôi một cách tự nhiên, ông không dụng công sắp xếp cho nó thành thế này hay thế khác. Tôi còn nhớ truyện dài “Theatre” của Maugham, nhân vật chính, một nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng những toan về già, rồi điên đảo trong mối tình lén lút với một chàng trai trẻ, nhưng cuối cùng đã tìm lại chính mình; đoạt kết tả cảnh nàng ăn mừng “chiến thắng” bằng một bữa thật khoái khẩu dù rất kỵ cho việc giữ eo: dĩa bíp tếch, bia và rất nhiều khoai chiên. Đó là một kết cục rất đơn giản nhưng cũng rất thật, không tuồng, không… làm dáng.
Tới đây, tôi thấy cần giải thích thêm về hai chữ “làm dáng”. Tôi dùng chữ này khác với Mặc Đỗ và Thanh Tâm Tuyền đã dùng.
Để bạn đọc biết rõ thêm, xin nhắc lại đoạn Mặc Đỗ nói về “làm dáng”.
Đoạn văn sau được trích từ bài viết “Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn nhà văn Mặc Đỗ”.
Nguyễn Tà Cúc: Nhà văn Võ Phiến có viết về nhóm Quan Điểm (nghĩa là anh và các bạn anh) như sau: ”Không làm cách mạng được thì làm dáng”. Anh nghĩ sao? Nhất là về hai chữ “làm dáng”?
Mặc Đỗ: Cụm từ ‘làm dáng’ do chính tôi bày ra. Trong ‘Siu Cô Nương’ một nhân vật đi Paris tới khu Opéra mua một lọ nước hoa về tặng người bạn gái kể với bạn rằng bị cô đầm bán hàng bơm thử chút nước hoa đó lên áo làm cho anh chàng vội về hotel thay bộ áo khác sợ ai ngửi thấy bảo là chàng làm dáng. Thanh Tâm Tuyền, họp với vài người trong nhóm Sáng Tạo bàn chuyện dìm truyện của tôi, đã túm lấy cụm từ làm dáng đưa lên tựa bài đả tôi (Văn Nghệ Làm Dáng). Ý độc của Thanh Tâm Tuyền tôi cũng bỏ qua. Thử hỏi mấy cừu a dua Thanh Tâm Tuyền dùng cụm từ ‘làm dáng’ rằng trong Việt ngữ làm dáng nghĩa là gì, một người nữ nếu không làm dáng liệu có ai làm thơ ca tụng sắc đẹp, chút hồng lên má chút son tô môi đều là làm dáng, nói năng êm tai cũng là làm dáng. Muốn chê nhè nhẹ thì kêu cô bé làm dáng QUÁ. Chê tôi nâng cao phẩm chất tác phẩm của tôi (nội dung và hình thức, tư tưởng, lời văn, trình bày) bằng cách ra ngoài khuôn mòn đặt ra từ ngày nhà văn VN bắt đầu viết theo kiểu tác giả Tây (xưa ít đọc ngoại ngữ khác) chỉ có ác tâm (bực vì nó đi trước!) mà thôi. Sau này có những anh em trẻ bảo tôi, Bị chê làm dáng là khen. Nội dung cũng như hình thức truyện của tôi rất khác với mọi truyện đã in ra thời đó. Tôi cố ý làm dáng cho tác phẩm của tôi, truyện đó cũng như mọi truyện ngắn dài khác của tôi.
Tà Cúc ơi, tôi đã được Thày đặt cho bút hiệu Mặc Đỗ (họ Đỗ trầm lặng, khiêm cung) tôi rất chịu và cố giữ mãi như vậy, nhưng nếu tôi có lấy làm hài lòng về tôi thì do tôi đã làm-khác được truyện VN từ đó (Khoan kể lại với tôi Đỗ Đức Thu đã lấy làm ngạc nhiên hỏi Khoan, Sao anh ấy lại viết như thế nhỉ? Khi bàn tới truyện của tôi, Khoan bảo, Tao chỉ cười thôi) Bây giờ được đại văn hào mỉa cả bọn làm dáng thì cũng hay!
Ngoài ra, vụ đó nằm trong một mẻ “ngu” lớn xuất phát từ xu hướng xô sang tả vì chớm phải bả ‘giải phóng thuộc địa’. Kéo dài cho tới khi ‘trắng mắt ra’ ai viết ngoài địa hạt bình dân nghèo khổ đều bị bài bác. Tôi nghĩ viết không phải để cãi cho đám đông nghèo khổ, viết để đưa ra mọi mặt của xã hội đương thời, để độc giả thấy và ngẫm. Hồi đó tôi mô tả xã hội mà tôi quan sát được (vì gần bên) cũng ngầm bêu cái xã hội đó và vô tình giải thích được tại sao cơ hội ngàn năm một thuở cả nước bỏ qua mất.
Qua phát biểu trên, ta thấy Mặc Đỗ không dấu diếm việc ông cố tình để mình chịu ảnh hưởng từ các tác giả trời Tây, nếu người ta có gọi ông là “tây con” thì ông cũng “coi như nơ-pa”.
Một ví dụ khác minh họa cho cái kết-cục-nhún-vai-rất-tẩy là truyện ngắn “Trương Chi Con Gái”.
Túy, một cô gái ở đợ với khuôn mặt bị rỗ nhưng có giọng hát tuyệt hay. Túy thầm yêu Hòa, cậu con trai của chủ nhà. Hòa là một bác sĩ quân y đẹp trai nhưng hiền lương. Sau ngày cưới của Hòa, Túy lặng lẽ bỏ nhà ra đi rồi trầm mình tự vẫn.
Dưới đây là đoạn kết của truyện:
Chị bếp trở dậy không thấy Túy. Ra cổng thấy cửa chỉ khép hờ, thùng rác đã đưa ra gốc cây trên hè. Hốt hoảng chị bếp trở vào, xuống gara thấy chiếc vali của Túy vẫn còn đó, y nguyên. Lát sau bà chủ được thông báo đã làm một cuộc tổng kiểm soát những tài vật trong nhà nhưng không mảy may suy suyển. Đám cưới của Hòa bận rộn, cả nhà đều mệt, sau đó lại tới lo cho vợ chồng Hòa đi Nha Trang. Hòa sau khi trình luận án chính thức đậu bác sĩ phải trở lại quân đội và được bổ nhiệm làm việc tại bệnh viện quân y Nguyễn Huệ. Cả nhà chẳng ai buồn đọc báo, không ai biết có báo đăng tin vớt được trên sông Đồng Nai một cái xác thiếu nữ chết đuối trôi dạt vào bờ. Tin trong báo có ghi rõ không tìm thấy giấy tờ trên người tử nạn, chỉ ghi được đặc điểm người con gái chết đuối tuổi chừng mười tám với gương mặt rỗ hoa. (TN – trang 224)
Thành thực, tôi không thích lối kết “đại bi kịch” như trên, số phận bất hạnh của cô người làm (một thân phận bé mọn) được tô đậm thêm bằng sự thờ ơ của những người chung quanh (lối kết này hao hao như lối kết của truyện ngắn “Boule de Suif” của Guy de Maupassant). Tôi thấy điều này không cần thiết, và, có khi không thực. Hãy thử nghĩ xem, chàng bác sĩ quân y Hòa – một người được mô tả là nhân hậu và tinh tế, anh ta chắc chắn không thể thờ ơ với sự mất tích của Túy – người đã được anh chú ý đến vì giọng hát tuyệt hay. Cố tình “bắt” Hòa thành người vui duyên mới quên nghĩa xưa là điều không đúng thực. Ở đây, vì muốn tạo nên một kết cục kịch tính mà tác giả đã bất công với nhân vật của mình, từ đó, bất công cả với độc giả nữa.
Nhưng nhìn chung, Mặc Đỗ khá khéo léo trong cách dẫn dắt độc giả, ông biết gợi sự tò mò, biết cách thắt gút và rồi tháo gút một cách thông minh.
Tôi rất thích truyện “Trăng Đỏ” của Mặc Đỗ. Một người đàn ông được bạn giới thiệu với một cô gái xa lạ, nàng yêu cầu gặp mặt để học hỏi kinh nghiệm làm việc. Tuy rất ngần ngại nhưng cuối cùng ông đã nhận lời. Họ gặp nhau vào một buổi chiều sau giờ làm việc tại một quán nhỏ. Người con gái đề nghị được “uống theo” người đàn ông, một đề nghị táo bạo mà người đàn ông cho là khá táo bạo. Nhưng không cần lâu, cô gái – theo nhận xét kín đáo của người đàn ông, đã tỏ ra biết “uống đẹp”. Hai người không nói gì nhiều, chỉ ngồi đó, uống với nhau. Rồi bồng cô gái đứng lên cáo từ nhưng không quên nói rằng sẽ còn ở lại với chị trong một tuần. Và cô đi thẳng không đợi người đàn ông tiễn chân.
Xin được trích một đoạn:
Lâu lắm, hai người cứ ngồi đó uống từng ngụm nhỏ. Người đàn ông đã bỏ qua từ cả giờ trước cơ hội đặt câu hỏi dứt khoát vào đề, cho nên cứ ngồi yên đó mà đợi. Với lại, như đã ghi ở trên, người đàn ông bắt đầu không thấy tiếc buổi chiều của mình. Với lại nữa, cô gái có đủ tài khéo không nói gì mà sự hội diện không trống rỗng. Cứ bấy nhiêu cử chỉ, thủng thẳng hút một điếu thuốc, thủng thẳng dụi tàn thuốc khi cần, nâng chiếc ly lên, đung đưa bàn tay cho cục đá khẽ lay động, cho mức rượu song sánh trong ly chung quanh cục đá, ghé môi uống một chút men, ngước mắt bên sau cái ly ngó người đàn ông một thoáng dài và mỉm cười, bấy nhiêu đó cũng đủ làm quá đầy thời gian hai người ngồi đó. (TN – trang 400)
Trong toàn truyện, không hề có lấy một chữ tả nhan sắc người con gái, nhưng ta có thể hình dung đó là một cô gái đẹp, không những thế, nàng còn có bàn tay đẹp ngón thon dài. Cùng với người đàn ông, ta dần dần khám phá nét đẹp của cô gái theo từng động tác để rồi cũng sẽ đồng ý với ông ta rằng “đó là một buổi chiều tưởng rỗng mà không rỗng”. Cái gút được tháo mở và ta cảm thấy khoan khoái như cùng được dự vào buổi chiều thi vị nọ.
Kịch tính giúp truyện ngắn thú vị và hào hứng, nó là sự phân biệt người viết thông minh và không thông minh. Giống như nhận xét của nàng về chàng: “Anh ấy tốt lắm nhưng nói chuyện hơi bị nhạt”, nghĩa là anh ấy không được mấy thông minh; tương tự, truyện ngắn cũng sẽ thành nhạt nếu không đủ kịch tính dù người viết rất thành tâm thiện ý. Mặc Đỗ không nhạt, Mặc Đỗ thông minh.
Ý Nghĩa
Có người cho rằng truyện hay là hay đâu nhất thiết phải có ý nghĩa.
Thưa, xét từ cổ chí kim, truyện đạt tới mức “classic” đều có ý nghĩa, và các văn nhân dù đó là Maugham hay Maupassant, Bồ Tùng Linh hay Nhất Linh, thảy đều đạt tới mức classic vì truyện nào của họ cũng có ý nghĩa. Cái ý nghĩa có được là do tấm lòng tha thiết tới cuộc đời, tới con người của tác giả, nó nồng nàn đến mức họ phải dùng ngòi bút viết ra mới bớt quay quắt trong tâm. Thành thử, nếu người đọc không thấy truyện hay vì có ý nghĩa thì chỉ có thể giải thích là, hoặc về tâm hoặc về trí, họ chưa tới được “chỗ đó”.
Tôi sẽ không nói nhiều về những ý tiềm tàng trong những truyện ngắn Mặc Đỗ vì muốn để bạn đọc tự thử thách trái tim mình, nhưng nếu bạn đọc qua những đoạn văn trích ở trên mà không thấy mơ hồ những ý tứ sâu xa trong câu chữ thì tôi xin thành thật khuyên: đừng tìm đọc Mặc Đỗ làm gì cho uổng công.
Nhưng tôi sẽ kể thêm vì lý do gì tôi rất thích truyện “Trăng Đỏ”.
Một truyện ngắn trở nên rất có ý nghĩa với ta khi ta tìm thấy trong đó một bài học hữu ích. Nếu chỉ đọc thoáng qua, “Trăng Đỏ” là một câu chuyện lơi khơi ở đó một người đàn bà làm dáng (lại “làm dáng”!) trước một người đàn ông xa lạ qua cách nàng tỏ vẻ rất “cool”: không vội vàng, không bối rối; có thể vì nàng tự tin, cũng có thể nàng còn nhiều thời gian để cưa đổ người đàn ông, hoặc giả, nàng cũng chẳng quan trọng gì lắm kết quả đạt được. Cái lý do thứ ba này có một ý nghĩa đặc biệt với tôi.
Tôi đã từng nhiều lúc vội vã, hấp tấp trong cuộc tiếp xúc với người khác chỉ vì quá mong thành công, hay, nói trắng ra, khi muốn chinh phục ai đó (kể cả nam lẫn nữ), để rồi chỉ trong ít lâu sau có khi lại quay lưng lạnh nhạt với họ. Tôi biết cái tình cảm đầu voi đuôi chuột ấy là không hay chút nào nhưng vẫn không làm sao tránh được. Từ khi đọc “Trăng Đỏ” tôi có một thứ giúp mình dằn lòng xuống, tôi nhớ tới người đàn ông tỉnh rụi và người đàn bà thản nhiên, tới cái không khí lững lờ giữa hai người, và tôi học được sự bình thản.
Kết
Trước khi đọc bài viết này bạn có thể không biết đến Mặc Đỗ, nhưng tôi hy vọng sau khi đọc bài này bạn đã biết chút ít về ông, ít ra về mặt chữ nghĩa. Tôi mong rằng bạn cũng sẽ như tôi, cảm thấy an ủi vì biết rằng đất Việt vẫn có những con người hằng ưu tư về vận mệnh của đất nước và cố gắng làm “một cái gì đó” dù biết thời gian của mình chẳng còn bao nhiêu nữa.
Vào đời tràn háo hức
Tiếp theo liền dằng dặc ưu tư
Nhắm mắt còn ưu tư
(Mặc Đỗ)
Mặc Đỗ tiêu biểu cho lớp trí thức Việt Nam may mắn thụ đắc cả hai nền văn minh: Đông phương cổ truyền và Tây phương tân tiến, nhưng thay vì tự mãn với cái hơn người ấy, Mặc Đỗ loay hoay đi tìm một sự kết hợp giữa những luồng văn hóa khác biệt ấy nhằm thổi một luồng gió mới vào nếp văn chương cũ mòn. Những truyện ngắn của Mặc Đỗ tuy không nhiều nhưng đủ minh họa cho tâm nguyện của một người cầm bút chân chính là góp phần đưa văn chương Việt Nam hòa nhập và sánh bước với văn chương thế giới.
Riêng với bài viết này, dù chỉ là ý kiến của một người đọc, tôi vẫn ít nhiều làm việc phê bình nên thường tìm đọc những quan điểm về phê bình văn học, vì lẽ đó, tôi xin được trích quan điểm về phê bình của Mặc Đỗ khi ông được hỏi ý kiến về văn học hải ngoại:
Người trong cuộc biết ăn nói sao cho phải phép? Tôi không thể nằng nặc khen, tôi cũng không thể đột nhiên nhảy tót ra ngoài cuộc để vểnh môi chê bai đủ thứ. Tôi nghĩ việc phê phán cần cho thật đúng, thật lương thiện, phải để dành cho đời sau. Bây giờ ai chê ta biết liền tại sao, mưu toan gì mà chê. Ai khen ta thành thật thì phải cười xòa bảo, Gớm! cái đuôi của tôi dài có bây nhiêu mà “mèo khen” quá khiến tôi phát ngượng! (Trích “Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn nhà văn Mặc Đỗ)
Tôi tự tin không nói sai lòng mình.
Lại vẩn vơ tự hỏi khi con mèo được người vuốt đuôi thường xảy ra hai trường hợp: hoặc nó thích thú vì được nựng nịu, hoặc nó đổ quạu vì bị quấy rầy; được khen cũng vậy, có khi người được khen đâm bực mình vì lời khen không đúng sẽ còn tệ hơn là chê .
Tôi chỉ mong không phạm phải điều thứ hai.
Trịnh Bình An
__________________________
Tiểu sử Mặc Đỗ:
Tên thật Đỗ Quang Bình. Sinh năm 1920 tại Hà Nội. Di cư vào Nam năm 1954. Tị nạn đến Hoa Kỳ năm 1975. Là nhà văn có những ảnh hưởng quan trọng với nền văn chương Miền Nam 1955-1975. Là người trong nhóm sáng lập tờ báo Tự Do ( Phạm Việt Tuyền) và nhóm Quan Điểm. Ngoài sáng tác, Mặc Đỗ còn là dịch giả nhiều tác phẩm văn học thế giới.
Tác phẩm đã xuất bản:
Bốn Mươi, Siu Cô Nương, Tân Truyện, Trưa Trên Đảo San Hô , Truyện Ngắn (2014), Thần Nhân và Thần Thoại Tây Phương (biên khảo – nxbTrương Vĩnh Ký, Saigon 1974 & nxb Văn Hoá Thông Tin in lại 1995)
Dịch thuật: Lão Ngư và Biển Cả (E. Hemingway), “Con Người Hào Hoa (F. S. Fitzgerald) , “Một Giấc Mơ”(Vicky Baum) , “Người Vợ Cô Đơn” (F.Mauriac), “Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers”(B. Pasternak) , “Tâm Cảnh” (A. Maurois) , “Anh Môn”(A. Fournier) , “Vùng Đất Hoang Vu” (L.Tolstoi) , “Giờ Thứ 25″(C. V... Georghiu).
“Truyện Ngắn”
470 trang – giá 30.0 USD
Mua sách: Ms. Ynhi Nguyen
13337 Amasia Drive
Austin, TX 78729-4907, USA
Trịnh Bình An
(Nguồn: gio-o.com)