Tường An


Dì Lam

.

“Dì Lam đã đi rồi! Dì Lam đã đi rồi con!” Ba tôi quì dưới đất ôm tôi vào lòng. Ba không khóc, nhưng mắt ba đỏ hoe. Ba dụi đầu vào vai tôi, và hình như vai áo tôi bỗng dưng ẩm ướt. “Dì Lam, dì Lam...”, tôi lẩm bẩm, trong trí nhớ tôi lờ mờ một hình bóng nhỏ nhắn, lanh lẹ của một người đàn bà mà qua khuôn mặt khó ai đoán được tuổi.

Thật thế. Dì bao nhiêu tuổi, tôi không biết. Hình ảnh cuối cùng của dì trong đầu óc mùn cụt của tôi là một bóng dáng khô khan, loắt choắt, tay xách nách mang đứng trên bậc thang cuối cùng của một chuyến bay xa, mắt nhập nhoè, ngơ ngác tìm kiếm những bóng dáng thân quen giữa đám đông. Rồi dì ngập ngừng đưa tay lên vẫy vẫy về đám đông như thể muốn nói: “Họ có thấy mình không nhỉ? Thôi, hy vọng vậy!” Rồi dì cúi xuống, lại tay xách, nách mang lê gót bước hẳn vào phía trong. Tới cửa, dì còn ngoái lại một lần nữa. Tôi tưởng tượng, lúc này đôi mắt dì chắc đã đỏ hoe rồi và chắc hẳn trên máy bay dì sẽ gục đầu vào cửa sổ khóc nức nở.

Vâng, dì hay khóc lắm! Cái vui, nỗi buồn gì cũng làm cho dì rơi nước mắt. Dì lại rất dễ cảm động, ai khen dì một câu chân thật cũng làm cho mắt dì chan hòa lệ. Dì cũng hay tủi thân và mặc cảm. Những lần về thăm dì hay thủ thỉ với tôi: “Con à, nhà mình nghèo, tầng lớp lao động. Mình không có tài cán gì, lại không có nhan sắc thì con đường duy nhất để tiến thân là học. Phải học, con nhé! Học là con đường duy nhất để sau này con có thể ngẩng mặt nhìn đời.” Thuở đó tôi nghe mà chẳng thèm để ý. “Dì lẩm cẩm quá! Dì cứ sợ mình làm biếng học nên dụ!” Rồi tôi cứ thản nhiên vui chơi mà quên mất thời gian cứ đi qua chẳng chờ đợi ai. Thoắt quay lại mới chợt thấy mình đã bỏ phí quá nhiều thì giờ của đời sống. Sau này, trải qua những thăng trầm của cuộc đời tôi mới ngẫm nghĩ lại cái phương trình của dì: Nghèo + Xấu → Học = Thành công. (Sau này tôi thêm vào cái phương trình đó một chút may mắn nữa).

Dì Lam, người dì loắt choắt, nhỏ nhắn của tôi đó. Bên ngoài, dì như một người sống trong mơ, chả để ý cái gì hết. Có lần trở về thăm quê, gặp bạn bè cũ, có người nói với dì: “Mầy giống như người đi bên cạnh cuộc đời vậy!” …y thế mà không có gì qua mặt được dì đâu nhé. Dì hay để ý và lại nhớ dai ghê lắm, có chuyện mười năm sau dì còn nhắc lại: “Lần đầu tao về thăm nhà, chỉ có con Hiếu là nhớ nhắc tao lại thắp nhang trên bàn thờ Ba.”

Trong cái con người nhỏ bé ấy lại chứa đựng một nghị lực phi thường. Dì kể, thời đi học, nhà nghèo, có lần dì phải đi bộ gần ba chục cây số, dẫn một chiếc xe đạp chở kiện hàng nặng hàng chục kí lô, dưới cái nắng thiêu người của mùa hè để tiết kiệm một cuốc xe lam. Trong nhà, dì siêng học nhất. Ba vẫn thường hay nhắc nhở: “Ti ráng bắt chước dì Lam, hồi đó dì cứ giăng mùng ngoài hành lang, thắp đèn học thi tới bốn năm giờ sáng.” Dì học không giỏi, nhưng được cái siêng. Dì vẫn thường than: “Mình học nhiều, đọc nhiều, mà nhớ chẳng được bao nhiêu. Phải chi mình nhớ được một phần mười những cái mình đọc là đã hài lòng lắm rồi.” Dì cứ nhắc nhở những kỷ niệm ngày xưa: “Ă nhà ồn ào quá, học không được, dì phải đạp xe lên núi, đem khoai lang lên đó để ăn và ở đó cả ngày để học bài, đến chiều tối mới đạp xe về. Có hôm, gió mát, cây lá rì rào, dì ngủ quên trên núi, đến chiều mới giật mình thức dậy, mất hết một ngày không học được gì. Dì giận lắm, sau đó không thèm lên núi học nữa.” Tôi hãy còn nhớ lắm, lúc dì về quê thăm nhà lần đầu tiên, và đó cũng là lần đầu tiên dì nhìn thấy tôi. Dì lạc lõng giữa đám người tíu tít vây quanh. Bà nội khóc, dì Ba khóc, bà dì Bảy khóc... Dì cúi đầu, tách khỏi đám đông đi về một góc, bỏ mặc đám hành lý ngổn ngang, tôi chỉ thấy phía sau đôi vai dì run lên từng chập.

Khi về đến nhà, ba tôi bồng tôi đưa cho dì và bảo: “Bé Ti đây chị!” Dì nhìn tôi ngơ ngác xen lẫn vui mừng rồi đưa tay định bồng tôi, nhưng tôi khóc ré lên và ôm chặt lấy ba tôi. Dì cười ngượng ngập: “Chắc nó còn lạ tao.”

Mẹ tôi qua đời lúc tôi sanh ra được hai ngày. Thế là tôi trở thành một hoàn cảnh tội nghiệp. Và, vì thế, mọi tình thương ở hai họ đều đổ dồn vào tôi – đứa bé mất mẹ – Tôi lớn lên trong tình yêu thương của mọi người chung quanh, tôi nhận được tất cả những chìu chuộng của nội ngoại, dì cô... Mặc dù lớn lên trong một xã hội nghèo đói, trong một dòng họ không lấy gì làm khá giả lắm, thế mà tôi vẫn ‘tròn trịa’, đứa bé bụ bẫm nhất trong cái xóm đầy những trẻ con gầy gò... Trong khi những đứa trẻ khác tranh nhau từng mẩu khoai vụn thì tôi được uống sữa tây, áo quần thừa thãi, vòng vàng đeo đầy thân thể một đứa bé lên năm, như chứng tỏ rằng, để thay vào tình yêu của một người mẹ, tôi đã hưởng được tình yêu của hàng chục người thân. Lớn lên trong sự nuông chiều, đùm bọc của những người chung quanh, tôi trở thành một con bé bướng bỉnh, tự tin và xem sự nuông chiều đó là một sự tất nhiên. Tôi không hề tự hỏi về những quần áo đắt tiền, những buổi cơm nuôi tôi lớn lên từ đâu mà có. Cho đến khi trưởng thành, bắt đầu nhận thức được cuộc đời, tôi vẫn tiếp tục thừa nhận những tình thương, những sự chiều chuộng đó như một hẳn nhiên ắt có của đời sống. Như một ngày thì phải có sáng, trưa, chiều, tối. Và cứ như thế, tôi sống trong giấc mơ của mình, cho đến khi tôi hiểu được dì Lam.

Dì Lam và tôi là hai phương trình trái ngược, những gì tôi có được một cách dễ dàng thì dì phải trải qua bao nhiêu khó khăn mới đạt được. Tôi thừa thãi tình thương yêu, thì ở dì: “đôi khi để có được một tình thương – hay tưởng là tình thương – dì phải trả một giá rất đắt.” Cuộc đời tôi có tấm thảm nhung êm ái lót đường, còn cuộc đời dì dầy dẫy những lần vấp ngã và đứng lên.

Hình như giữa tôi và dì không có điểm nào giống nhau ngoài cái sợi dây máu mủ mong manh và những món quà dì thỉnh thoảng gởi về.Nhưng khi nhận được tin dì mất, tôi vẫn cảm thấy một nỗi mất mát to lớn, sự trống trải mơ hồ cho tôi cái ý nghĩ mình  vừa đánh mất một cuốn sách quý mà từ lâu tôi đã để quên trong ngăn kéo.

Trong gia đình, trừ ba tôi ra, dì là người ít nói nhất trong đám chị em. Càng về sau này dì càng ít nói. Qua những lá thư của dì, cộng với những mẩu chuyện vụn vặt của dì mà tôi góp nhặt được, tôi lờ mờ hiểu rằng dì đã gặp nhiều thất vọng trong tình bạn, tình yêu. Từ nỗi thất vọng về con người, cuộc đời, dì rút lại trong cái vỏ của mình, tách rời mọi người, sống an phận với chú chó nhỏ để lãng quên đời và hy vọng bị đời lãng quên.

Dì vẫn tâm sự với dì Vân về nỗi mâu thuẫn xâu xé trong dì. Dì sợ cô đơn, dì sợ cái không gian vắng lặng bao quanh dì, nhưng dì lại không muốn đi đến đám đông, đến những nhà có gia đình đông đủ. Những ngày cuối năm, có nhiều bạn bè rủ đi đến nhà họ ăn Tết, ăn Giáng sinh, nhưng dì không muốn đến. Dì sợ cái cô đơn vây hãm, nhưng dì lại không dám đến nhà bạn bè để nhìn cái hạnh phúc của người khác, dì không muốn làm một thứ ‘cây leo hạnh phúc’. Trong một bức thư của dì gởi cho dì Vân: “Vân biết không. Tết, Giáng sinh đối với mọi người là những ngày vui, được mọi người chờ đón, riêng đối với tao, đó là những ngày kinh khủng nhất trong năm. Nửa năm trước đó, tao phải nghĩ ra cách nào để chạy trốn nó. Tao sợ phải ngồi một mình bên mâm cỗ lạnh tanh, cạnh ngọn bạch lạp bập bùng như làm tăng thêm nỗi cô đơn, tao sợ phải ngồi một mình trong căn nhà lạnh vắng để tưởng tượng, giờ này, ở đâu đó, mọi người đã tề tựu đông đủ, quây quần bên nhau, cười nói xôn xao, trong cái hạnh phúc đầm ấm của gia đình. Vân biết không, những ngày đó, tao phải tìm cách, hoặc đi làm, hoặc đi nghỉ hè ở một nơi thật xa...”

Ba kể, những ngày cuối cùng của cuộc đời, dì thường nuối tiếc: “Cả cuộc đời tao chỉ có hối hận một điều là tao đã không đem được bé Ti về nuôi.” Dì vẫn than thở: “số tao chắc vô duyên xấu số nên tới chết vẫn cô đơn, tới chết vẫn không có được cái hạnh phúc tầm thường mà mọi người đều có, là một mái ấm gia đình.”

“Mà ai chịu đuợc một người đầy mâu thuẫn như tao,” dì lắc đầu, tặc lưỡi như thạch sùng, “vừa im lặng, vừa ồn ào; vừa thông minh, vừa ngu xuẩn; vừa yếu đuối, vừa cứng rắn; lúc buồn, lúc vui. ừ! Ai mà chịu được tao?” Sau này tôi có đọc được một đoạn trong một bức thư dì gửi cho dì Vân: “Có lẽ vì tâm hồn tao đầy mâu thuẫn, tâm tư tao là những luồng tư tưởng trái ngược nên vì thế mà ít ai hiểu được tao – mà đôi khi tao còn không hiểu được tao nữa là – có lẽ, vì thế mà ở đây hầu như tao không có bạn, chữ BẠN viết hoa theo đúng nghĩa của nó.

Những lần về thăm quê sau này, khi tôi đã bắt đầu  hiểu chút đỉnh, dì thường hay dẫn tôi ra biển tâm sự, hai dì cháu ngồi trên tảng đá nhìn mặt trời lặn. Trong những câu chuyện của dì, tôi mơ hồ cảm thấymột điều là dì cô đơn lắm. Có lần tôi hỏi: “Dì có bạn không?” Dì cười bẹo má tôi: “Dĩ nhiên là có chứ con, ai mà chả có bạn. Bạn ngoài đời, bạn trong công việc, thiếu gì!” Tôi gặn: “Ủa, vậy sao dì cứ than buồn?” Cánh tay dì choàng qua vai tôi bỗng rơi xuống, mắt dì xa xăm: “Đôi khi giữa chốn đông người mình càng cảm thấy cô đơn hơn nữa con à. Bạn bè thì nhiều nhưng người hiểu mình thì đâu có bao nhiêu.”

Sau này tôi mới ‘cảm thấy’ cái cô đơn của dì, tìm tới đám đông để trốn chạy nỗi cô đơn, nhưng ở giữa cái ồn ào của mọi người nỗi buồn vẫn âm ỉ đâu đó. Rời khỏi đám đông là cái buồn vừa lắng xuống đó bỗng sừng sững đứng dậy, cào xé tâm hồn, hùng hổ tiêu hủy chút nhựa sống còn sót lại.

Hình như cuộc đời dì gắn liền với nước mắt. Dì hay khóc lắm. Bà nội tôi đánh dì, dì khóc. Bà nội tôi đánh dì S., dì cũng khóc. Ạng hàng xóm đánh con chó, dì cũng chảy nước mắt. Có lần bà nội tôi mắng: “Nó làm gì mà nước mắt ở đâu lắm thế!” Đừng tưởng dì ham khóc. Dì thù ghét những giọt nước mắt, dì đọc sách tìm những lời khuyên, theo những khóa học để thống trị những giọt nước mắt của mình. Dì thường bảo: “Khóc không phải là xấu, nhưng đừng chảy nước mắt trước những người không xứng đáng, đừng để những giọt nước mắt bị hiểu lầm là kêu gọi lòng thương hại.” “Dì ơi,” tôi thì thầm, “bây giờ dì đi rồi thì ai là người khóc cho dì đây?”

Hoàng hôn rơi chầm chậm trên biển, mặt trời chiều đỏ ối chỉ còn một phần bán nguyệt lặng lờ trên mặt sóng. Tôi ngồi trên tảng đá ở một góc quen thuộc thẫn thờ nhìn buổi chiều đang xuống. Hình như có một khoảng trống mênh mang trong lòng tôi, đâu đó những chiếc thuyền đánh cá đang hối hả trở về. Tôi ngồi đó, bất động, đợi đêm xuống. Ngày xưa, tối nào sau khi học bài dì cũng đạp xe đi dạo một vòng biển. Một mình một xe, thở vào lòng mùi biển mặn, mùi hương đêm để mọi mệt nhọc của một ngày lắng xuống. Dì vẫn đi như thế, một mình mỗi đêm. Sau này, dì kể, dì vẫn đi dạo mỗi đêm, nhưng dì không đi một mình mà đi với chú chó nhỏ của dì. Dì có nuôi một con chó nhỏ. Mỗi lần nhắc đến nó là mắt dì sáng lên. “Ừ, dì chỉ có mình nó là người bạn trung thành, ai rồi cũng bỏ dì mà đi hết, chỉ có nó là ở lại với dì thôi.”

Ráng chiều đã tàn dần trên biển, mặt trời còn bỏ sót lại chút ánh nắng tàn lụi của một ngày sắp tắt. Ngày mai; ngày mai, lại bắt đầu một ngày mới cho mọi người. Còn dì Lam, với dì Lam sẽ không còn một ngày mai nữa. Chỉ còn một hoàng hôn ở lại trong đời dì. Dì đã chết, chết trong lạnh lùng và cô đơn.

.

Tường An

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/dilam.htm


Cái Đình - 2021