nguyễn như mÂy


Cây đàn và dòng sông

.

Suốt mấy ngày nay không có một người khách nào đi đò qua bên kia sông để tham quan và vãng cảnh ngôi chùa – là một di tích lịch sử rất xưa. Cuối buổi chiều, lão Si kéo thuyền vào neo dưới bụi tre rồi đi nấu nồi cơm khoai nhỏ xíu của mình. Bên bờ sông cô quạnh này chỉ có mình lão sống bao năm với cái chòi tranh nép dưới bóng cây đa. Còn xóm làng đông đúc ở trong sâu sau những luỹ tre xanh ngít nhưng tất cả họ đều biết có một ông già sống nghề đưa đò qua chùa bên kia sông. Thỉnh thoảng, họ cũng là khách đi đò của lão Si.

Khói bếp từ chòi lão Si nhè nhẹ bay lên rồi lan toả ra trên mặt sông vắng lặng. Chiều xuống thật chậm như còn chờ lũ chim về đầy đủ trên cây đa. Chúng hò hát đủ kiểu với nhiều giọng điệu líu lo như một dàn đồng ca mang nhiều màu sắc vùng miền khác nhau. Lão Si nghe riết rồi quen nên gặp hôm mưa gió chim bay đi ngủ chỗ khác làm lão sinh ra buồn buồn như thiếu một điều gì thân thiết lắm. Lũ chim đã vô tình trở thành đám bạn nghèo của lão Si với mỗi ngày hai lần bay đi bay về có nhau. Nhưng thật ra, lão Si còn có một người bạn thân vào bất cứ lúc nào lão muốn có với nhau là cây đàn ghi-ta do chàng khách trẻ gửi lại đã mấy năm nay rồi.

Đó là một chàng lãng tử vô danh đã thuê lão đưa qua sông. Lúc gần tới bờ bên kia, lão chỉ nghe chàng trai cho biết sẽ ở lại chùa vài ngày rồi về.

– Chắc chú em là nhạc sĩ? Là bạn của thầy trụ trì?

– Giờ đây con đang rất buồn nên không thích mang theo nữa. Xin cụ chỉ biết vậy cho con là đủ nha. Con xin nhờ cụ giữ cây đàn này giúp cho một thời gian.

Lão đã giữ cây đàn ấy hơn 6 năm nay rồi. Lão sợ mưa gió thổi qua căn chòi của mình sẽ gây hư hao cho cây đàn vì lão không còn biết phải giữ như thế nào cho tốt hơn! Nhưng có một điều bâng khuâng mãi là lão không biết cách làm sao cho cây đàn phát ra âm thanh của một bản nhạc nào đó cho vui tai mình! Nhiều lúc gặp khi trời sáng trăng, lòng lão chợt rung lên một nỗi buồn không tên nào nhưng vì không biết cách dùng nên lão đành treo lại cây đàn vào góc giường nằm hiu hắt của mình. Ở đó có thể nước mưa sẽ văng tới làm ướt cây đàn nhưng lão đâu còn biết cách để bảo quản? Lão đành ngồi thẫn thờ nhìn ra dòng sông đang lờ lũng ánh trăng khuya.

Suốt mấy năm nay đêm nào lão Si cũng đều có tâm trạng u uất buồn buồn như vậy nên dòng sông trước mặt đã trở thành nơi cho lão khi thì gửi gắm khi thì chịu đựng cho lão trút hết những tâm sự vui buồn của riêng lòng mình. Với lão, sự lạnh lẽo và cô đơn nhất vẫn là những khi trời đổ mưa suốt đêm làm chai rượu của lão không sao đủ lượng men cay cho lão đừng khóc khi chợt nhớ lại cảnh đời hiện tại của mình. Xưa, lão từng có mái ấm cho một gia đình riêng tư nhưng rồi...

– Thôi! Nghĩ tới nó nữa làm chi cho đau lòng? À, hay là biết đâu anh chàng lãng tử gửi cây đàn kia cũng có cảnh ngộ như mình? 

Đêm nay, trời chuyển qua gió bấc nên dòng sông đã gợn lên nhiều đợt sóng lênh đênh rồi trôi hết vào bờ. Từng tiếng sóng vỗ miên man vào bờ sông gợi cho lão những âm thanh của cây đàn do lão chạm tay nhẹ vào chúng. Mỗi giây đàn rung lên không khác gì những cảm xúc của lão khi lội bì bõm dưới sông để kéo chiếc thuyền vào bờ. Ánh trăng lung linh trôi giạt dưới mạn thuyền theo từng lớp sóng xô nhau đẩy lão vào bờ. Lão nghe được từng đợt hơi men cay đắng của rượu đang tràn vào đầu óc như ai cố tình xô giạt những ý nghĩ không đâu của mình. Gió đẩy từng đợt sóng vang lên khắp mặt sông có khác gì tiếng đàn buồn của chàng đãng tử năm nào? Có khác chăng là lúc này lão đang đứng dưới mép sông khi chợt nghe được tiếng chuông chùa tận bên kia sông vọng lại! Lão cảm thấy tiếc vì lúc này mình không còn một giọt rượu nào để uống...

Nửa đêm, gió bấc làm cho thấm lạnh thấu xương một tấm thân của ông già đang co ro trong cái chòi tranh nghèo ven sông. Bất chợt, ông già như nghe có tiếng gọi đò của chàng lãng tử ngày nào vang vang trong gió. Ông vội ngồi dậy để cố lắng tai nghe cho rõ hơn. Nhưng ai lại gọi đò vào lúc nửa đêm thế này bao giờ? Không! Nhất định đó chỉ là lời gió hú trên sông... Không! Nhưng ta nghe rất rỏ đó là tiếng gọi đò của ai đó chứ thật ra không còn là của chàng lãng tử kia nữa! Ôi! Không lẽ lại là tiếng của chính ta gọi cho con sông này đừng thổi gió bấc nữa vì ta đã lạnh lắm rồi?

Trong bóng đêm của căn chòi xiêu vẹo, lão Si quờ tay tìm thấy chai rượu ở đầu giường, nơi có cây đàn của người khách trẻ gửi lại. Lão bỗng nghe lòng vui lại khi nghĩ ít ra trong đáy chai ấy còn sót lại vài giọt rượu của ai đó để dành cho mình...

nguyễn như mÂy

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/caydanvadongsong.html


Cái Đình - 2022