Nguyễn Hoàn Nguyên


Buổi sáng sương mù

.

Vừa ngồi an vị trong toa xe lửa ở nhà ga Rotterdam, điện thoại cầm tay chợt run lên. Anh bạn thân gọi:

– Mới nghe tin nầy, bác Tư đã qua đời rồi. Biết ông đã gặp bác từ những ngày đầu ở Hòa Lan nên tôi báo cho ông ngay.

Sau vài câu trao đổi, tôi cất điện thoại vào túi áo khoác, dựa lưng vào ghế. Toa xe vắng người, hành khách ngồi rải rác, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang để phòng bệnh dịch. Xe lửa bắt đầu chuyển bánh chạy tới phía trước. Hay nói xe chạy lùi về phía sau thì cũng được vì tôi ngồi trên ghế hướng mặt về thành phố Rotterdam. Nhưng tâm tưởng tôi chắc chắn lướt nhanh về phía sau, vượt một khoảng thời gian cách đây gần bốn mươi năm…

Mặc dù đi ngủ rất muộn tôi vẫn thường dậy rất sớm. Buổi sáng tinh mơ ở khu này thật yên lặng. Mọi người thường dậy trưa, ngay cả trong những ngày làm việc. Chẳng có gì khó hiểu, bởi đây là khu nhà xây cất dành cho những người độc thân hay mới lập gia đình mướn. Ɖám này lại đang thất nghiệp dài lưng. Kinh tế Hòa Lan vẫn chưa hồi phục trong giai đoạn này.

Trôi theo trào lưu bất đắc dĩ, tôi cũng chưa từng có một công việc làm nào. Còn nói về chuyện học hành, tôi đang đánh vật với mớ vốn liếng ngôn ngữ mới. Trong thời gian qua không phải tôi cứ bù đầu mỗi ngày với sách vở. Kiểm điểm lại, tôi thấy thời giờ dành cho sự vụ này chẳng có là bao. Những biến động đưa đẩy tôi một thân một mình đến chốn này vẫn chưa lắng xuống. Phần lớn thời giờ tôi chỉ sử dụng để đi lông bông đâu đó, để ngủ và nhất là để ngồi không ngó mông lung qua cửa kính, mặc cho đầu óc nghĩ ngợi lan man trăm ngàn chuyện. Như buổi sáng hôm nay chẳng hạn.

Ông bảo trợ già người Hòa Lan mỗi lần gặp mặt tôi, sau khi vồn vã hỏi thăm sức khỏe, tuôn ra ngay câu kế tiếp:

– Sao, cậu vẫn còn nhớ nhà à?

Thường thì tôi không trả lời dứt khóat “ja” hay “nee” mà chỉ uể oải cười nhẹ lững lờ. Thái độ gượng gạo, chậm chạp của tôi càng làm ông chiếu cố tận tình,  trở thành nỗi khốn khổ mỗi lần gặp mặt ông. Bởi vì sau đó tôi phải ngồi nghe ông hùng hồn thuyết giảng đủ thứ. Kết luận của ông luôn luôn là câu: cậu phải tìm một đứa bạn gái. Con gái Việt Nam ở đây không có nhưng con gái Hòa Lan thì đâu có thiếu. Cơn bế tắc của tôi được giải quyết nhanh, gọn và hợp lý. Thật ra cũng phải như thế. Tôi may mắn qua được đến bên này, tương lai mở rộng trước mặt, chỉ cần chịu khó nghiêm chỉnh làm việc một chút. Trước khi từ giã, bao giờ cũng vậy, ông thân ái vỗ vào vai tôi và nhắc lại câu nói trên. Rồi ông chào tôi bằng câu cuối cùng “cậu còn trẻ quá mà”.

Gần cả năm trời tôi chẳng thấy được mặt mũi người đồng hương nào ở đây. Giữa làng là một khu phố với hai ngôi nhà thờ, một Công Giáo và một Tin Lành. Ngôi làng được bao bọc chung quanh bởi khu rừng thưa. Mỗi buổi chiều tối tiếng chim kêu ríu rít về tổ lại khiến tôi buồn não nuột. Từ làng muốn lên thành phố gần đó để đi học, tôi phải mất khoảng bốn mươi phút xe buýt.

Nhớ lúc mới được đưa về định cư trong làng này, tôi rất khó chịu mỗi khi phải bước ra đường. Mọi người trong làng với ánh mắt tò mò dõi theo, quan sát tôi từ đầu tới chân. Cả vài tháng sau dân làng mới quen với sự hiện diện của tôi, bắt đầu chào hỏi lúc gặp nhau giữa đường. Ɖây cũng là thói quen của mọi người trong làng bất kể lạ hay thân.

Dãy nhà nơi tôi ở nằm gần bìa rừng, mới được cất theo nhu cầu. Cách một bãi cỏ rộng, bên kia con rạch là khu nhà dưỡng lão ở đàng xa. Ɖám trẻ bên này thường kháo nhau, nếu tao vẫn không tìm được việc làm thì cứ nằm lì ở đây, đợi tới già khăn gói bước qua bên kia cũng tiện.

Trong khoảng thời gian này tôi nhớ nhà, nhớ nước quay quắt. Nhất là vào những ngày trời nắng, lúc bước dọc theo con rạch chảy vòng vèo qua mấy cái nông trại. Cảm giác ánh nắng nhiệt đới giữa buổi trưa im vắng bên dòng sông quê nhà như tiếng gọi của mẹ hãy mau mau trở về. Ɖôi khi tiếng gọi cuốn hút, thiết tha như nhận chìm tôi dưới dòng nước lấp lánh của con rạch. Ý thức rằng đó là điều bất khả trong lúc này lại như có lực xô đẩy tôi trồi lên khỏi mặt nước, trở về thực tại.  Hơi thở của tôi cấp bách, dồn dập. Cảm giác đó thỉnh thoảng xuất hiện trong các giấc mơ. Rồi tôi lại bắt gặp mình ngồi bất động sau khung cửa kính, nhìn ra ngoài bầu trời xám xịt như chờ đợi một sự thúc đẩy tình cờ nào đó. Ɖàng kia trên bàn viết bừa bãi giấy má, mớ bài học từ mấy ngày qua vẫn chưa được thanh toán.

Lão về cư ngụ trong làng trong khoảng thời gian này. Với chính sách rải đều người tỵ nạn  khắp nước, lão là người Việt Nam thứ hai trở thành dân làng. Tôi giúp lão một số công chuyện trong lúc ban đầu. Dầu gì mớ vốn ngôn ngữ Hòa Lan của tôi cũng khá hơn nhiều.

Lão chỉ ở vào khoảng tuổi trung niên, nhưng tóc đã bạc nhiều. Gương mặt gầy, điểm các nếp nhăn tạo nên vẻ khắc khổ. Lão bước đi hơi khom mặc dù đôi chân rất vững chãi. Thật ra lão chẳng có nét gì đặc biệt nếu lão đi đứng giữa thủ đô hay làng quê Việt Nam. Nhưng ở nơi đây, giữa một khu đa số là dân trẻ độc thân, sự gia nhập của lão vào sinh hoạt có vẻ gì không ổn. Trong ánh mắt của đám thanh niên Hòa Lan, lão già ngoại quốc này là một vreemdeling (kẻ lạ) đúng nghĩa. Có lẽ do số tuổi cùng sự tương phản giữa lão và đám thanh niên ồn ào này nên tự dưng tôi đã gọi lão là “lão” ngay từ lúc ban đầu.

Lão đến làng vào đầu mùa xuân, lúc màu xanh nõn chuối bao phủ khu rừng thưa. Ɖến giữa mùa hè thì mọi người hầu như  quen thuộc với hình ảnh của lão với chiếc áo khoác rộng thùng thình, đi đứng lặng lẽ như một cái bóng. Theo lời kể, lão là một giáo viên tiểu học. Ɖến được vương quốc này, lão phải trả giá đắt cho tự do. Lão chẳng có vợ con gì cả, nhưng đi vượt biên cùng hai người cháu. Chỉ còn một mình lão sống sót đến bờ bến an toàn. Ɖược đưa về làng này, gần gũi thiên nhiên, lão cảm thấy khá hài lòng. Lão ở căn nhà của tên hàng xóm vừa mới dọn đi. Mỗi tuần vào ngày thứ tư có thầy hay cô giáo thiện nguyện đến nhà dạy kèm ngôn ngữ Hòa Lan. Hàng ngày ông thầy giáo tiểu học ngày xưa phải dành thời gian để tập tành a, b, c của ngôn ngữ xứ lạ.

Những lần gặp nhau, lão hầu như không kể lại chuyện vượt biên hay gia cảnh của mình. Lão thường trầm ngâm, ít nói. Nhưng đôi khi lão lại kể một loạt  chuyện về quê hương miền Bắc, những bức tường hoa, đồng ruộng, sông rạch ở Thái Bình. Rồi những tháng năm lão sống ở miền Nam cho đến ngày vượt biên. Ɖôi mắt lão lúc kể chuyện  nhìn vô hồn vào khoảng không phía trước. Tôi khám phá ra lão cũng mang trong lòng những con sông, con rạch như tôi. Phải chăng thời gian làm lành các vết thương? Chỉ mới vài tháng tôi đã thấy muốn ngất ngư, lão đã cưu mang các con sông rạch đó đến hàng chục năm.

Có những ngày ngồi trong căn phòng của mình quá lâu, tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt. Tìm đến đám trẻ Hòa Lan, chỉ sau hơn một giờ tôi đã thấy mất hứng. Do không khí ồn ào, tửu lượng bia của tôi quá yếu, nhất là tôi không hiểu hết những câu chuyện khôi hài của đám này. Tôi mò đến nhà lão, được mời uống trà, đôi khi được nghe lão kể vể những kỷ niệm. Nhưng không khí quá trầm lặng trong phòng khách của lão lại khiến tôi muốn quay lại căn phòng nồng nặc khói thuốc của đám trẻ hay trở về lại nhà mình. Ɖôi khi sự giằng co này khiến tôi muốn phát cuồng.

Nhưng rồi đám thanh niên ở gần lão lại tò mò một điều lạ khác. Mỗi đêm từ cánh cửa sổ hé mở của căn phòng không sáng đèn lắm của lão có những âm thanh lạ phát ra. Nó như âm thanh của vật gì gõ vào khối kim loại, có tiếng vọng ngân dài, khá êm tai. Tôi khám phá ra lão đã tìm mua được ở một cửa tiệm trong làng cái tô bằng đồng. Lão sử dụng cái tô này như cái chuông lúc lão ngồi tụng kinh. Lần đó tôi đến nhà lão vào lúc mười giờ tối. Lão rót cho tôi một tách trà nóng. Ɖể tôi ngồi một mình, lão thản nhiên bắt đầu thời khóa kinh. Tọa cụ, bồ đoàn chỉ là mền, gối xếp chồng lên nhau. Bàn thờ là chiếc bàn thấp, chẳng có hình tượng gì cả. Tiếng lão tụng kinh trầm, ấm và rõ ràng. Tôi nghe lọt được vài chữ, thị chư chúng sanh, nhược tâm thủ tướng,…

Trong suốt thời gian tôi cư ngụ ở khu này, âm thanh tôi nghe nhiều nhất là thứ nhạc kích động ồn ào của đám trẻ, bài bản tương tự nhau phát ra từ những căn phòng kế cận. Nhất là vào mùa hè, khi những cánh cửa sổ mở rộng. Nếu nhà tên hàng xóm nào đó tổ chức tiệc sinh nhật, đứng ngoài rừng vẫn còn nghe tiếng nhạc văng vẳng. Hình như trong khu này chẳng có ma nào mê thứ nhạc êm dịu hơn. Tiếng tụng kinh, tiếng chuông của lão lại càng trở nên bất bình thường. Tôi nhìn dáng lão ngồi. Ɖáng lẽ một người như  lão giờ này có thể ngồi thảnh thơi bên ngọn đèn giữa nhà với vợ con quây quần chung quanh. Lão ngồi đó, gầy gò và đơn độc, tụng lên những lời kinh trên xứ lạ. Tôi thấy lão còn độc thân hơn tôi, hơn cả những tên độc thân trong khu này.

Mùa hè năm đó, đám trẻ tổ chức tiệc nướng thịt ngoài trời. Tôi cũng được mời tham dự. Ɖến hơn mười giờ tối trời vẫn còn sáng, tiếng nhạc ầm đùng vẫn tiếp tục. Mặc dù không uống nhiều rượu, tôi cũng đã cảm thấy xây xẩm. Tôi rời đám đông đến ngồi tựa dưới gốc thông. Một đứa con gái tóc vàng bước đến ngồi kế bên rồi bắt chuyện:

– Nghe nói bạn thích nhạc êm dịu phải không?

Tôi gật đầu. Ɖứa con gái đứng dậy, vừa kéo tay tôi vừa nói:

– Ɖi với tôi. Tôi có đĩa nhạc này chắc bạn thích.

Tôi bước đi với đứa con gái vào căn phòng ở khu nhà lân cận. Ɖóng cửa xong, nó lấy ra từ trong góc phòng một đĩa nhựa nhạc hòa tấu của James Last. Tiếng nhạc vừa cất lên, đứa con gái cũng từ tốn mở hết hàng nút áo và kéo tôi đến gần. Tôi và nó ngả người trên chiếc giường nệm. Bộ ngực đứa con gái đầy đặn, trắng ngần mời gọi dưới ánh đèn mờ. Hơi thở tôi như dừng lại, nghĩ mình sẽ vùi đầu mê man vào trong vùng mịn màng đó. Dù đã đoán trước ít nhiều, nhưng chuyện xảy ra quá nhanh và quá dễ dãi đối với tôi. Miệng đứa con gái ở gần tỏa nồng nặc mùi bia và mùi thuốc lá, đôi mắt lại mở tròn như nhìn xem tôi làm ăn ra sao. Tôi đột nhiên cụt hứng, cảm thấy không thể nào trút hết những buồn phiền và nhu cầu của mình lên thân thể đứa con gái đang chờ đợi. Không nói một lời, tôi bước vội ra khỏi phòng.

Kể từ ngày tai nạn xảy ra với con nhỏ tóc vàng, tôi né đám trẻ và liên lạc với  lão thường xuyên hơn. Buổi sáng hôm nay tôi cũng thức dậy sớm, thấy rằng khó nằm yên trong giường cho đến khi trời sáng hẳn. Bỗng dưng tôi thèm một tách trà hay cà phê nóng và thơm. Tôi tung mền ngồi dậy. Sau khi rời phòng tắm, tôi không bước xuống bếp để tự pha chế cà phê hay trà cho mình. Tôi khoác áo sang bấm chuông nhà lão. Bên ngoài trời không lạnh lắm. Ánh sáng mấy ngọn đèn dọc theo lối đi không xuyên qua nổi lớp sương mù dày đặc.

Lão cũng đã thức dậy từ lâu. Lúc tôi ngồi yên trong ghế thì lão đang pha trà. Trên bàn đã bày sẵn hai chung trà bằng sành điểm hoa cúc vàng. Lão bước đến với bình trà nóng trong tay.

– Trà xanh, mới mua ở khu phố Tàu trên Amsterdam.

– Bác chịu khó đi tới trên đó lận?

– Tôi đi cùng với gia đình bảo trợ. Sẵn mua thêm ít đồ gia vị và bộ đồ trà.

– Bác muốn thưởng thức lại thú uống trà như lúc còn bên nhà?

– Anh thấy đó, pha một bình trà như tôi vừa pha thì cũng xong. Nhưng nó xong nhanh quá. Mình chỉ đổ nước vào ấm, vặn lò ga, phó mặc cho ông táo. Chừng nào nghe vòi ấm rít lên thì biết là nước sôi, rót ra bình, cho vào một túi trà. Thế là xong. Pha bằng máy còn giản dị hơn nữa. Nhưng là khi nào anh không có nhiều thời giờ. Chứ nếu uống trà buổi sáng sớm mà không dành nhiều thời giờ và không bõ công để pha một bình trà ngon thì còn gì là thú vị.

Tôi hỏi tiếp:

– Chắc bác cũng thử qua mấy loại trà Hòa Lan?

– Tôi đã uống thử mấy loại trà hiệu Pickwick hay Van Nelle bày bán ngoài siêu thị, kể cả mấy loại trà ướp các loại thảo mộc, trái cây. Nhưng hương vị trà Tàu thì đã quen mất nết rồi cậu à.

Chung trà đầu tiên đã làm tôi trở nên tỉnh táo hơn. Lão rót đầy chung trà thứ hai cho tôi. Thấy lão vẫn ngồi im lặng, tôi gợi chuyện:

– Bác tụng kinh gì vậy? Chác bác tụng kinh đã lâu rồi, thấy bác tụng không cần phải có quyển kinh trước mặt?

Ɖôi mắt của lão khẽ nhướng lên:

– Tôi tụng kinh Kim Cang, cũng đâu khoảng mười bốn mười lăm năm rồi. Trong thời gian dạy học tôi chỉ đọc vài quyển sách về Phật Giáo tiểu thừa, ngắn gọn và dễ hiểu. Một hôm trong chuyến xe đò về miền Tây, tôi tình cờ nhặt được một quyển sách do ai đó đánh rơi dưới sàn xe. Xem lại là quyển kinh Kim Cang. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.

Lão ngừng lại để nhắp một hớp trà. Bên ngoài trời đã lờ mờ sáng. Vùng đất thấp hơn mặt biển này thường đọng sương mù vào mùa thu. Qua khung cửa kính phía sau nhà lão, tôi chỉ thấy lờ mờ hai thành cầu bắt qua con rạch nối liền bãi cỏ phía bên này và khu rừng thông phía bên kia. Khu rừng mù sương trở nên huyền bí như một cảnh trong phim thần thoại. Ɖột nhiên tôi lại muốn rời khỏi ghế, băng mình qua sương mù để bước vào khu rừng.

Trong lúc tôi im lặng nhìn ra ngoài thì lão cũng không nói gì. Chỉ còn âm thanh tiếng nước rót vào chung. Nhưng tôi lại nghe tiếng của lão:

– Cậu biết không, quyển kinh chứa đầy những tư tưởng cao siêu. Nhưng có một đoạn trong kinh tôi rất lấy làm thú vị. Sau này mỗi lần tôi tụng hay đọc hết đoạn đó, tôi cảm thấy đủ rồi. Tôi không có nhu cầu phải đi xa hơn nữa.

Tôi nghĩ sáng nay lão đang có hứng thú trò chuyện. Lão cứ trầm ngâm nói và tôi có lơ đãng nghe thì cũng chẳng sao. Nhất là đề tài câu chuyện đã bắt đầu bước vào chỗ rắc rối đối với tôi. Nhưng tôi cảm thấy tò mò về điều lão nói:

– Bác có thể chỉ đoạn nào trong quyển kinh cho cháu xem đươc không? Bác ngồi đây để cháu đi lấy quyển kinh. Cháu cũng thèm đọc tiếng Việt cả mấy tháng nay.

– Quyển kinh đó có còn đâu mà cậu muốn đi lấy.

– Sao vậy bác?

– Nó đã chìm dưới đáy biển rồi. Chính là quyển kinh tôi nhặt trên xe và tôi đã giữ bên mình cả chục năm nay.

Không muốn gợi lại những chuyện thương tâm đã xảy ra trong chuyến đi của lão, tôi hỏi tiếp:

– Vậy bác có thể đọc lại đoạn đó cho cháu nghe được không?

Lão khẽ gật đầu, đọc một loạt các câu Hán Việt. Sau đó lão đọc chậm rãi từng tiếng đoạn dịch nghĩa:

– Lúc đó đến giờ ăn của đức thế tôn, ngài mặc áo, cầm bát vào thành lớn Xá Vệ xin ăn. Ở trong thành này lần lượt xin xong, trở về chỗ cũ, ăn cơm xong, thu y bát, rửa chén xong, trải tọa cụ mà ngồi.

Sau hớp trà, lão nói tiếp:

– Trong phần mở đầu quyển kinh chỉ trình bày những công việc bình thường hàng ngày của đức Phật. Tầm thường hơn cả cung cách tôi và cậu uống trà sáng hôm nay. Chỉ vậy thôi. Quyển kinh tình cờ nhặt được trên xe lại giúp tôi cảm thấy bình an trước những mất mát trong cuộc đời. Tôi tiếp tục đi tới bằng những việc làm bình thường hàng ngày. Uống một chung trà buổi sáng chẳng hạn.

Tôi ngồi yên nghe lão nói. Cũng còn may mắn hơn tôi, trong những ngày đầu chân ướt chân ráo đến xứ này, ngơ ngáo về chuyện hội nhập, lão hãy còn mớ hành trang mang theo để nương tựa và chia sẻ. Tôi lại nghe lão nói:

– Tôi sẽ viết lại đoạn kinh đó cho cậu. Nếu cậu thích đọc tiếng Việt, tôi cũng có thể chép lại cả quyển kinh.

Lại thêm một ngày không thấy bóng dáng mặt trời. Bầu trời màu chì như hạ thấp xuống chạm vào những ngọn thông bên kia rừng. Sương mù hãy còn khá dày nhưng bãi cỏ bên này đã trở nên sáng sủa hơn. Tôi nhìn thấy rõ thành cầu ở đàng xa. Chiếc cầu như biểu tượng của sự nối liền, nối liền vùng quang đãng bên này và khu rừng còn mù sương bên kia, nối liền tôi và lão trong buổi trà sương sớm hôm nay.

Do việc học và việc làm vào khoảng thời gian sau đó, tôi dọn đi khỏi làng. Lão vẫn sống ở đó một thời gian rồi cũng dọn đi nơi khác. Với những bận rộn theo đuổi trong cuộc sống, tôi gần như không còn liên lạc với lão. Thỉnh thoảng có vài người nhắc đến lão với những cái gàn: lão vẫn còn giặt quần áo bằng tay, lão vẫn chưa nhập quốc tịch, ở bên này mà vẫn còn thích học viết chữ Nho, chữ Nôm… Mọi người đánh cuộc với nhau rằng lão sẽ thọ đến một trăm tuổi.

Tôi cũng đã bước vào tuổi của lão lúc lão mới đến ngôi làng Hòa Lan. Những trải nghiệm trong cuộc sống trong thời gian qua cho tôi khả năng có thể nhìn thấy được phần nào cái mê cung đời sống dày đặt của lão, khởi đi từ miền Bắc của một đất nước xa xôi và kết thúc trên đất Hòa Lan này. Cũng là cách để thấu hiểu hơn cái mê cung của chính mình. Tôi đã thấm thía những mẫu chuyện của lão kể trong lúc tôi và lão cùng ngồi uống trà trong những buổi sáng sớm.

Ɖã gần bốn mươi năm trôi qua, trong tâm tưởng tôi vẫn gọi thầm lão là “lão”. Bên dưới lớp vỏ chậm chạp, từ tốn, tôi thấy mình quả thật giễu cợt chua cay, cynical đến không ngờ. Nhưng cũng thật vô cùng thân thiết.

Tôi chưa có lời cầu nguyện nào về cõi vĩnh hằng cho lão. Qua lớp sương mù quá khứ cõi lòng tôi chỉ thốt lên được một câu: “Cháu chào Bác Tư”.

.

Nguyễn Hoàn Nguyên

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/buoisangsuongmu.htm


Cái Đình - 2021