Topa


Bất lực

 

Tôi vì bận công việc sinh nhai, nên hôm nay tôi mới nhớ đến hắn và muốn đi thăm hắn. Hắn và tôi sống cách xa nhau cũng có hơn bốn trăm cây số. Và, tuy có xa mặt, nhưng chắc chắn không cách lòng. Hắn cũng như tôi, luôn muốn gặp nhau để chi duy trì tình bạn cho thêm đậm tình. Hắn từng là quân, còn tôi mãi mãi vẫn là dân. Ngày trước do hoàn cảnh đặc biệt nên nhiều năm trong cuộc chiến tôi đã được hoãn dịch. Nhưng, cuối cùng tôi cũng nhận được lệnh gọi trình diện nhập ngũ vào giữa tháng năm năm một chín bảy lăm. Tiếc thay Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ đành đoạn cúp hết mọi viện trợ. Trong khi đó, Việt Cộng lại được các nước cộng sản viện trợ thật dồi dào thì… Không còn súng đạn và tiền bạc, Việt Nam Cộng Hòa còn làm gì được ngoài việc phải đầu hàng thôi. Mặc dù phải đầu hàng, nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn có thể ngẩng cao đầu hãnh diện vì đã chiến đấu rất anh dũng và chiến thắng gần như trên các mặt trận mà đồng bào miền Nam luôn tin tưởng… Người Mỹ đã bỏ Việt Nam Cộng Hòa cho cộng sản, nên tôi không bao giờ được cầm súng.

Cuộc đời của hắn, theo tôi, là một câu chuyện đáng ghi lại để những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa biết đến. Tôi nghĩ vậy là vì hắn sinh ra đời tại xứ sở triệu voi; là người mang hai giòng máu Miên và Lào, nhưng, cuộc đời của hắn lại gắn bó với quốc gia Việt Nam Cộng Hòa từ thuở ấu thơ cho đến ngày Việt Nam Cộng Hòa mất vô tay cộng sản. Hắn tâm sự với tôi trong lần gặp mặt lần thứ nhất tại vùng rừng núi mà hắn chọn để gởi thân: “Ba tôi là người Lào. Má tôi là người Miên. Ông bà nội tôi thuộc giai cấp trung lưu giàu có vì có nhiều đất đai. Ba tôi được ông bà nội cho đi du học bên Pháp. Trở về Lào, ba tôi làm thư ký kiêm thông ngôn trong Tòa án của Pháp. Một quan chức người Pháp trong Tòa rất kính nể ba tôi nên mời ba tôi theo ông đến Việt Nam để phụ trách cai quản những khu đồn điền cao su. Khi đi dĩ nhiên ba tôi đem má tôi và tôi theo… Khi đó tôi ra đời được mới có bảy tháng. Tôi đã lớn dần lên trong khu đồn điền cao su của vùng đất đỏ Lộc Ninh - Hớn Quản mà ba má tôi rất thích và xem như quê hương thứ hai của mình. Nhưng, khi tôi bắt đầu học năm đầu tiên bậc trung học thì ba tôi bị Việt Minh giết chết. Theo má tôi kể lại, Việt Minh giả dạng công nhân đồn điền cao su và đến nhà vào buổi chiều khi hai người đang ăn cơm và bắt ba tôi đi, mặc dù họ biết rõ ba tôi không phải người ‘có nợ máu’. Hơn nữa ba tôi rất hiền và luôn giúp đỡ những người nghèo khó. Nhưng, ông vẫn bị dẫn đi và bị giết sau đó với bản án: “Cộng tác với giặc Pháp”. Tôi thi tú tài một bị rớt nên đành nghỉ học để làm cai đồn điền cao su hầu có phương tiện phụ giúp mẹ tôi…”.

Hắn là người bạn tốt và có nhiều ý nghĩ rất hay và táo bạo. Tiếc là thời thế không cho hắn cơ hội để được thực hành những gì hắn ấp ủ. Tôi quyết định phải đi thăm hắn. Lần thăm này là lần thứ ba sau hơn chín tháng tôi chưa gặp lại hắn. Cuộc sống của tôi bây giờ tuy có ‘dễ thở’ hơn trước nên việc đi thăm hắn sẽ được thuận tiện hơn chứ không như hai lần qua. Hắn sống ở nơi “rừng thiêng nước độc” nên đi thăm hắn tôi không muốn đi với hai bàn tay không. Tôi mua tặng hắn chiếc xe đạp mới vì nơi hắn đang sinh sống là khu rừng rậm chưa được mở mang hoàn toàn nên đường sá không có. Nếu gọi là con đường thì đó chỉ là một con đường đất nhỏ với bề rộng khoảng một thước mà khi xưa nó là con đường mòn nhỏ. Con đường mòn được hình thành do những người Thượng trong một cái làng cách xa dãy núi Trường Sơn cũng hơn hai mươi cây số, và, cách thị trấn cũng khoảng sáu cây số. Người Thượng trong làng mỗi ngày đều đi ra phố để đổi chác vật dụng hoặc mua bán thực phẩm với người Kinh; mà nay thì cái làng Thượng đã bị dời vô tuốt tận chân dãy núi Trường Sơn. Hắn nói: “Sau khi má tôi qua đời, tôi vì căm thù bọn Việt Cộng đã giết ba tôi làm cho gia đình tôi không còn những tiếng cười vui như ngày nào nữa. Cộng thêm những cảnh đấu tố và chém giết những người dân vô tội, nên tôi tình nguyện vô Biệt Kích. Lính Biệt Kích do người Mỹ tuyển mộ và huấn luyện. Tôi nghĩ mình đang sống trên đất nước Việt Nam thì phải bảo vệ Việt Nam khi giặc Cộng gây chiến. Một phần cũng là vì tôi đã quá quen nếp sống cũng như được dạy dỗ những điều hay lẽ phải của Việt Nam Cộng Hòa, nên tôi muốn cầm súng chiến đấu với Việt Cộng. Mỹ là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa thì đi lính do Mỹ chỉ huy hay đi lính Cộng Hòa đều có cùng mục đích là đánh đuổi Việt Cộng. Làng Thượng nằm gần con đường mà Việt Cộng phải đi qua nên viên Trung úy Mỹ mang Trung đội có tôi đến đóng quân trong cái làng Thượng này như là cách nhử cho Việt Cộng xuất hiện. Từ đó cuộc đời tôi đã gắn bó với cái làng Thượng đó rất nhiều năm với thật nhiều kỷ niệm. Nếu không đang là lính thì tôi đã ‘có vợ và thành chồng’ với cô sơn nữ tuyệt dễ thương trong cái làng Thượng đó rồi. Việt Cộng sợ hỏa lực của Mỹ nên không dám xuất hiện để quấy rối làng Thượng mà luôn chờ cơ hội. Cơ hội đến khi người Mỹ ngưng viện trợ và rút về nước. Người Mỹ đi rồi, lính Biệt Kích chúng tôi được chuyển qua binh chủng Biệt Động Quân Biên Phòng. Tôi được đề bạt cho đi học khóa Hạ sĩ quan Đồng Đế. Khi Việt Nam Cộng Hòa thất trận, tôi đang mang cấp bậc Trung sĩ Nhất.Và, cái làng Thượng đó đã bị Việt Cộng chiếm trước hai tháng ngày Việt Nam Cộng Hòa phải buông súng.”

Con đường đất ngày hắn đưa tôi đi trên đó lần đầu, khi đó đang mùa mưa, và lầy lội đến khó nhấc chân lên để bước đi. Vùng đất đó còn quá hoang vu nên chỉ có những người đi đốn cây làm than đến dựng những cái chòi để sinh sống. Nhưng, cũng chỉ dăm ba gia đình và không quá mười nhân khẩu. Lần trước khi thăm hắn, hắn có nói: “Nếu tôi được làm chủ một chiếc xe đạp thì xem như tôi là người giàu có ớ đây”. Từ ngoài thị trấn đi đến chỗ hắn định cư thì khoảng bốn năm trăm thước tôi mới nhìn thấy một căn nhà. Nhà nào cũng có vườn trước vườn sau nhưng thường không thấy người trong nhà. Thăm hắn lần đó tôi được hắn nói cho biết: “Họ thường phải đi làm rừng từ lúc trời chưa sáng tỏ. Đi làm rừng tức là đi đốn cây làm than rồi vác từng bao nhỏ ra thị trấn bán.” Lần trước khi tôi đang trên đưòng cuốc bộ đến nhà của hắn, thỉnh thoảng tôi vẫn phải nhìn lại phía sau lưng vì… lạnh sống lưng quá. Buổi sáng sớm tinh mơ hay buổi chiều tà thì không một người nào di chuyển trên con lộ đất đó. Thú dữ thì, như hắn nói: “Thú rừng và khỉ khi xưa nơi đây nhiều lắm. Nhất là khỉ. Lúc tôi mới đến khỉ vẫn còn xuất hiện cả bầy. Nhưng bây giờ thì họa hoằn lắm mới thấy một vài con thú nhỏ. Khỉ thì từ lâu rồi tôi không còn thấy xuất hiện nữa. Thật ra thì…  không phải tự nhiên mà những con khỉ biến mất hết được. Khỉ đã biến đổi hình dạng đó thôi. Có một loài cũng từng sống trong rừng nhưng vì biết nấu ăn nhưng không biết phân biệt điều hay lẽ phải nên đã mau lẹ tiêu diệt loài khỉ rừng bằng cách bắt ăn thịt để được làm bá chủ núi rừng. Loài khỉ đó mang hình hài như con người nhưng tính tình hung dữ còn hơn cả khỉ. Người dân sợ quá nên, sau một hai vụ làm than và dành dum được chút ít những người đó liền tìm cách biến mất khỏi chỗ ở mà những người hàng xóm không ai hay biết gì cả. Đến chừng lâu quá không thấy những người đó xuất hiện thì mọi người mới hiểu ra là, người hàng xóm của mình vì sợ quá nên đã… chạy ra biển hoặc băng rừng đi tìm những nơi có con người với trái tim biết thương người. Đối với tôi thì chuyện băng rừng vượt núi có gì là khó khăn đâu. Nhưng… tôi thích sống ở đất nước này và ở những nơi chỉ có núi với rừng. Tôi sợ sống nơi phố thị tôi sẽ không còn là tôi nữa. Tôi sợ những cám dỗ sẽ biến tôi trở thành người xấu và rồi tôi sẽ làm hại đến người khác. Nhìn những con người mà ngày trước tôi từng xem là thù địch; tôi khinh bỉ họ. Những con người không còn là người mà là những con thú dữ”.

Trước ngày ba mươi tháng tư đau thương của những năm xa xưa lắm, hắn tạo được rất nhiều chiến công trong chiến đấu nên từng được chọn là, chiến sĩ xuất sắc. Hắn thay mặt đơn vị về Dinh Độc Lập ngày mười chín tháng sáu năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba để dự liên hoan do Tổng Thống khoản đãi. Cũng vì từng là chiến sĩ có công trận nhiều nên khi Việt Nam Cộng Hòa thất trận, hắn bị trả thù thật thậm tệ. Hắn bị bắt tại mặt trận khi đơn vị của hắn hết đạn dược mà không có tiếp tế. Hắn kể: “Tôi và đơn vị đang tìm đường về thành phố thì bị Việt Cộng bao vây. Chúng tôi có lo lắng nhưng hoàn toàn không sợ Việt Cộng. Chúng ta sống trên đời chỉ được một lần. Không người nào được sống hai lần. Khi chọn binh chủng Biệt Kích, hay Biệt Động Quân Biên Phòng sau này, chúng tôi đã chấp nhận sẽ có ngày kết thúc mạng sống trong lửa đạn. Trung đội của chúng tôi mà tôi là Trung đội phó, chia ra làm ba toán tỏa ra các hướng để khỏi bị tiêu diệt. Toán của tôi gồm năm người và không còn biết đã đi qua những địa danh nào vì hoàn toàn đi trong rừng mà la bàn thì đã bị mất; mà máy truyền tin thì cũng đã không còn sử dụng được nữa… Chúng tôi đi được ba ngày thì bị Việt Cộng phát giác và vây đánh. Chúng tôi chống trả lại rất mãnh liệt. Và, thật buồn thật tiếc vì hết đạn dược nên chúng tôi bị bắt trước chỉ hai ngày Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố buông súng để hòa giải hòa hợp với Việt Cộng. Vì bị bắt trước ngày Việt Nam Cộng Hòa buông súng nên chúng tôi không bị xử bắn. Việt Cộng không giết chúng tôi là vì chúng muốn những đơn vị khác sẽ chịu đầu hàng vì tin chúng muốn hòa giải để hòa hợp. Sau này khi đã ở trong trại cải tạo, tôi được biết có nhiều đơn vị đang tìm đường về thành phố thì bị bắt và liền bị xử tử sau khi Việt Nam Cộng Hòa đã buông súng.

Tù binh hay hàng binh đều bị Việt Cộng hành hạ, đều bị bị bỏ đói như nhau. Người Cộng sản không hề biết tôn trọng luật lệ về tù binh, không biết đến tình con người mà chỉ biết căm thù, nên tôi và những người cùng chiến tuyến bị đối xử rất man rợ. Tôi bị hành hạ đến sống dở chết dở, nhưng đã không làm cho tôi phải khuất phục. Tôi là tù binh nên bị đối xử có phần dã man hơn nhiều so với những anh em bị bắt buộc buông súng. Cứ sơ xuất một chút thôi là bị kiên giam. Mà, kiên giam là đồng nghĩa với bị bỏ đói và bị đánh. Tôi không sợ bị kiên giam hay sợ bị bỏ đói đâu. Tôi xem như mình đã chết từ khi bị bắt nên không coi những hình phạt của Việt Cộng là cái gì cả. Tôi đã từng bị nhốt đến hai mươi hai ngày trong thùng conex…”.

Hắn chọn nơi đây làm chỗ nương thân thì như hắn nói: “Tôi không còn người thân thích ruột thịt. Tôi sống trong rừng núi đã quá lâu nên quen và vì vậy mà  tôi chọn nơi đây. Tôi chọn về đây sinh sống cũng đúng ngày ba mươi tháng tư để giữ mãi cái kỷ niệm đau thương của ngày người lính Việt Nam Cộng Hòa bị mất nước. Chỉ ở nơi đây tôi mới được làm chủ một mảnh đất một mẫu bằng công việc trồng khoai lang và đậu phộng. Khoai lang là lương thực chính của tôi, của đồng bào ở đây. Còn đậu phọng thì vừa bổ dưỡng vừa có thể bán để mua những thứ cần thiết… Tất cả tôi đều làm bằng hai bàn tay này đây.”

Hắn đưa hai bàn tay ra cho tôi xem. Hai bàn tay chai và cứng ngắc. Hèn gì lúc mới gặp lại nhau hắn làm cho bàn tay của tôi đau điếng khi bắt bàn tay của hắn.

Hắn và tôi quen nhau khi hắn ở ‘trại học tập cải tạo’ ra. Hắn và tôi gặp nhau khi cả hai cùng đang lang thang kiếm sống ở chợ trời. Quen biết nhau chừng hai tháng thì hắn bỏ thành phố về lại với núi rừng. Tôi ở lại thành phố sống lây lất qua ngày với nghề buôn bán lặt vặt, còn hắn thì trôi dạt về đây với nghề trồng cây làm vườn. Mặc dù cuộc sống có quá nhiều khó khăn, vậy mà hắn cũng cố trở lại thành phố tìm tôi và đưa tôi về đây cho biết nơi hắn định cư.

Chiều nay khi tôi đến. Hắn đang cuốc đất trên mảnh đất cạnh bên căn nhà của hắn. Nhìn thấy tôi, hắn liền bỏ cuốc xẻng và chạy đến ôm chầm lấy tôi vẻ mừng rỡ chân thành. Hắn nói:“Tôi tưởng không bao giờ còn gặp lại bạn nữa. Không phải vì bạn ngại đến đây thăm tôi mà vì bạn đã đi vượt biên vượt biển rồi.”

“Nếu muốn vượt biên thì tôi phải lên đây để nhờ bạn chứ. Bạn là thổ địa mà.”

Tôi chỉ tay vô chiếc xe đạp và nói tiếp:

“Quà tôi tặng bạn đó.”

Hắn xúc động ôm chặt tôi mà hai con mắt của hắn đỏ hoe. Hắn không muốn tôi nhìn thấy hắn khóc nên vội vàng quay mặt nhìn về mảnh đất và bước đi thu dọn đồ làm vườn để cùng tôi trở về nhà. Lúc này cảnh vật mỗi lúc mỗi mờ dần. Mặt trời sắp khuất phía sau dãy núi. Hắn quay mặt lại nhìn tôi và đồng thời cũng  nhìn đến cái túi lớn tôi treo trên tay cầm xe đạp. Hắn nói: “Tôi biết chắc trong cái túi đó bạn có đem theo thứ để tụi mình vui đêm nay.” Tôi nhìn đến cái túi lớn treo trên cái tay cầm xe đạp và nói: “Trước khi lên đường tôi có mua một lít rượu đế ngon và lỗ tai heo ngâm dấm của một tiệm ăn nổi tiếng ở Saigon giống như lần trước mà bạn khen ngon, cùng bốn ổ bánh mì và miếng thịt heo quay để tụi mình thưởng thức gọi là, ngày hội ngộ.”

Hắn cười, nụ cười vui mà có lẽ từ lâu rồi hắn không cười nên hắn cười mà cứ như người ta… đang đau khổ. Hắn nói:

“Từ lâu lắm rồi tôi không được ăn những thứ thức ăn mà ngày trước vẫn thường được ăn. Có bánh mì thịt quay là đêm nay xem như tôi được ăn tiệc lớn như lần tôi được dự tiệc ở Dinh Độc Lập. Đêm nay anh em mình sẽ lại có dịp tâm sự. Đêm nay tôi sẽ kể bạn nghe về những chuyện đã qua, mà, một trong những chuyện đó rất quan trọng với định mệnh của dân tộc mình.”  

Hắn lấy cái áo khá dầy nhưng có nhiều chỗ rách và khoác lên người rồi nói tiếp: “Thật ra thì sau một ngày làm lụng cực nhọc tôi thường qua bữa với chén khoai lang hoặc khoai mì nấu lúc sáng trước khi ra rẫy; cùng với dĩa rau lang luộc chấm với chao hoặc xì dầu, và thế là cũng xong một ngày.”

Hắn chỉ tay đến mảnh vườn và nói tiếp:

“Nhìn những luống khoai trên mảnh đất nhỏ nhoi và khô cằn này, tôi không hề chán ngán cho phần số của mình mà hoan hỷ chấp nhận. Đó là những thứ mà Thượng Đế đã ban tặng cho tôi. Con chó thì lúc nào cũng theo sát bên tôi và cái đuôi của nó luôn đưa qua đưa lại như mừng rỡ dù rằng tôi và nó, cả hai ăn uống chẳng bao giờ được ngon và được đầy đủ cả. Tôi thì thỉnh thoảng còn buồn bực vì cuộc sống quá cô đơn, chứ con chó thì không. Nó luôn vui và luôn quấn quít bên tôi như người thân.”

Hắn vừa nói vừa để các vật dụng làm vườn vô trong cái chòi nhỏ được che chắn bằng những tấm thiếc đã rỉ sét. Nhìn con chó đang chạy tới chạy lui bên những luống khoai làm tôi nhớ đến một câu chuyện dụ ngôn của thi sĩ La Fontaine viết về con chó và con lừa. Chuyện kể rằng, ông nhà giàu kia mỗi khi đi đâu về thì con chó nhỏ luôn chạy ra mừng ông rồi nó đứng lên bằng hai chân sau còn hai chân trước đưa ra cho ông nhà giàu nắm lấy như người ta bắt tay nhau. Mỗi lần con chó nhỏ làm như vậy thì nó được ông chủ thưởng cho cục đường. Con lừa đang đứng ở ngoài sân và nó đã nhiều lần chứng kiến cảnh ấy nên nó nghĩ là, con chó chỉ làm được có bấy nhiêu, đứng lên bằng hai chân sau còn hai chân trước đưa ra cho ông chủ bắt lấy, vậy mà nó được ông chủ cưng và được thưởng cho cục đường. Có lẽ ông chủ thích như vậy và mình, ngoài công việc chuyên chở các vật nặng và kéo xe, mình cũng có thể làm như vậy được. Nghĩ rồi con lừa bèn từ từ bước vô nhà và đi đến trước mặt ông chủ lúc đó đang nựng con chó. Con lừa hừ hừ lên mấy tiếng rồi đứng lên bằng hai chân sau và đưa hai chân trước ra cho ông nhà giàu bắt lấy. Con lừa nghĩ thế nào ông chủ cũng ngạc nhiên thích thú và rồi cũng sẽ thưởng cho nó cục đường. Ông nhà giàu cũng ngạc nhiên thật, nhưng, lại cộng thêm sự tức giận vì vậy ông vớ lấy cái cây gần đó rồi đập và đuổi con lừa ra sân.Thi sĩ kết luận: Đừng làm quá bẩm sinh mình!

Con chó nhỏ đưa hai chân trước lên cho ông nhà giàu bắt lấy thì lại được nựng và được thưởng cho cục đường, còn con lừa cũng đưa hai chân trước lên thì bị đánh. Cùng một việc làm như xây dựng lại những đổ vỡ tang thương của ‘căn nhà chung’ sau cuộc chiến mà người này thì được vinh danh còn người kia lại bị khinh bỉ. Cùng viết một bài nói về cái vật vô tri vô giác đã bị phá bỏ thì người này được khen còn người kia thì bị chê trách làm ảnh hưởng đến nồi cơm của gia đình.

***

Sau khi uống liền hai ly nhỏ rượu đế… đưa cay, hắn cảm thấy phấn khởi nên kể cho tôi nghe về những việc đã xảy ra sau lần chúng tôi gặp nhau lần trước:

“Sau lần bạn đến đây lần trước. Chừng một thời gian ngắn sau đó tôi gặp được tình yêu và chúng tôi chung sống với nhau… bạn à. Vợ tôi là người quê mùa, nhưng là người đàn bà hiền hậu và thật thà. Cuộc sống của vợ chồng tôi tuy thiếu thốn nhưng đầm ấm; nếu như vợ tôi không thật thà nói cho tôi nghe về những điều nàng so sánh tôi với những người đàn ông ở ngoài thị trấn thì làm sao tôi biết. Có lần quá buồn bực, vợ tôi nhìn mâm cơm của ngày hôm nay cũng giống mọi ngày khác, nghĩa là cũng chỉ có rau luộc với nước tương hoặc với chao, nàng đã thốt ra lời nói như tiên đoán trước cho số mệnh của nàng:

“Nếu cuộc sống của con người có kiếp sau, thì kiếp sau em sẽ không lấy chồng nghèo.”

Tôi nhìn nàng thương hại chứ không buồn vì lúc nào tôi cũng yêu thương vợ. Ngày quê hương không còn bom mìn, không còn khủng bố và chém giết lẫn nhau bằng súng đạn, và, cũng vì không muốn bị bắt lại nên sau đó không bao lâu tôi đã chia tay bạn để về đây và trở thành anh nông dân nghèo với bữa đói bữa no… còn không bỏ nhau, thì nay làm sao chuyện đó có thể xảy ra được, ngoại trừ nàng bỏ tôi.”

“Việc gì làm bạn nghĩ, bạn sẽ bị bắt lại?”

“Bất công vì bị cướp đất cướp nhà như là cách để trả thù người dân Việt Nam Cộng Hòa thì làm sao mình ngồi yên được chứ. Chính mãnh đất này, mãnh đất mà tôi đã đổ mồ hôi ra để có được như ngày hôm nay... cũng không thuộc quyền sở hữu của tôi. Nhà cầm quyền địa phương nói cho tôi biết, đây là mảnh đất thuộc quyền quản lý của họ.” 

“Rồi… vợ bạn…”

“Vợ tôi, nàng đã bỏ tôi thật bạn à.. Nàng đã bỏ tôi để đi về bên kia thế giới vì thiếu ăn và vì bệnh.Tôi vẫn hằng đêm - trước khi đi ngủ - cầu xin Thượng Đế cho nàng kiếp sau sẽ gặp được người đàn ông giàu sang như nàng hằng mong ước.

Tôi yêu vợ cuồng nhiệt, yêu quá say đắm một người phụ nữ hiền hậu và thật thà. Nhưng, vì không thể tạo cho nàng có một cuộc sống đầy đủ vì vậy khi nàng mất sớm, tôi nghĩ đó là hình phạt chỉ vì tôi bất lực bất tài không biết xoay xở. Từ sau cái chết của nàng tôi không bao giờ dám nghĩ đến phải sống với người đàn bà nào khác.

Ngược dòng thời gian… ngày tôi mới khôn lớn với biết bao ước vọng ấp ủ trong tim mong làm được một việc gì đó có ích cho quê hương cho dân tộc của xứ sở mà tôi được nương thân. Rồi cũng ngày xa xưa đó tôi đã ước ao trở thành nhà thơ nhưng không phải làm thơ về tình yêu trai gái.Tôi muốn mỗi một câu thơ khi tôi hoàn thành phải như một mũi tên sắt có tẩm thuốc độc bắn thẳng ngay tim bọn khủng bố đã đặt mìn đã pháo kích bừa bãi giết hại đồng bào vô tội. Tôi không có tài làm thơ tình yêu với trời, với trăng, với mây, với nước… Ngày xưa tôi khí khái bao nhiêu thì nay lại hèn hạ bấy nhiêu bởi cuộc sống quá nhọc nhằn. Mỗi ngày phải phơi lưng dưới nắng mưa để cày bừa trên mảnh đất nhỏ nhoi và khô cằn chẳng khác gì con lừa, vậy mà cũng chẳng đủ ăn, nhưng lại luôn bị bọn cầm quyền xã bắt phải đóng góp đủ mọi thứ tiền.Tôi đã cố thử thời vận nhiều lần bằng đủ mọi thứ nghề nhưng tất cả đều thất bại nên tôi phải tự an ủi mình, đó là phần số của tôi đã được an bài như vậy.

Nhiều khi quá cô đơn, tôi cũng muốn tìm hạnh phúc mới nhưng nghĩ lại thân phận... Thí dụ… chỉ là thí dụ thôi cho vui thôi; nếu sau này tôi có lấy người phụ nữ nào nữa thì tôi sẽ không lấy vào mùa thu. Mùa thu đối với tôi như là một khởi điểm cho mọi tai họa được xuất phát từ miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa; từ một con người gian xảo và dâm đãng nhưng lại được bọn cướp đánh bóng để trở thành ông thánh. Chỉ khi mùa xuân đến tôi mới thấy những người phụ nữ kiều diễm hơn. Quê hương Việt Nam chỉ vì có một mùa thu quái đãn nên đã đem đến biết bao đau thương và hận thù.

Lần trước bạn đến đây thì bạn cũng đã thấy, vùng này từ bao năm qua vốn là nơi núi rừng heo hút và yên tĩnh thì, những tháng sau này bỗng một sớm một chiều có nhiều ‘người lạ’ đến và vô tận chân núi dựng lên những căn nhà bằng vật liệu nhẹ dễ lắp ráp, rồi sau đó người của Bộ Giao Thông đến mở mang đường sá rộng rãi phía bên kia khu rừng để nối từ trung tâm thị trấn vô đến tận chân núi. Vùng quê nghèo nàn này bỗng như trải qua giấc ngủ đông, cựa mình trong cơn nắng hừng hực vươn lên để mong được phát triển như khắp cùng cả ba miền mà nhà cửa đã và vẫn đang tiếp tục phát triển, tiếp tục xây dựng… do cướp được đất của dân nghèo và cô thế.

Tuần qua khi tôi đi ra rẫy khoai, tôi đã chứng kiến một ông già và một cô gái sánh bước bên nhau đi vô trong dãy núi. Có một điều không được bình thường giữa hai người, vì, người đàn ông thì quá già mà người phụ nữ thì lại quá trẻ. Mấy lúc gần đây tôi có tật hay nhìn những người phụ nữ và luôn luôn nhìn thẳng ngay mặt. Nhiều lần tôi đã quyết tâm bỏ cái tính xấu xa đó đi nhưng vẫn không được. Chỉ ở nơi những người phụ nữ tôi mới tìm thấy được sự bình lặng của tâm hồn. Tôi nghĩ có lẽ bắt nguồn từ ngày tôi bị mất quê hương, mất nhà, mất cha, mất mẹ và, mất tất cả... Tôi may mắn vẫn còn đây và hy vọng ở một ngày mai tươi sáng hơn. Chỉ những khi được nhìn thấy những người phụ nữ tôi mới thấy bớt đi cái mặc cảm bất lực.

Người phụ nữ trẻ ép sát đầu vô vai ông già và ông già vòng cánh tay qua eo người phụ nữ. Hai người vừa bước đi vừa trò chuyện và âu yếm nhau như thể trên thế gian này chỉ có hai người mà thôi. Khi hai người đi ngang qua trước mặt tôi, tôi nghe giọng nói của ông già, giọng nói không phải vì tuổi tác mà phát âm không rõ. Giọng nói của những người mà tôi từng nghe khi đến vùng Chợ Lớn vào những tháng ngày xa xưa lắm:

“Mãnh đất mà em và anh đang đi, trước kia thuộc giòng giống của dân tộc anh và nay anh trở lại để chờ được thu hồi.”

Cô gái trẻ ngước mặt lên nhìn ông già tình nhân và nũng nịu:

“Nhưng… từ lâu rồi giòng giống của anh đâu còn là chủ… đâu còn chủ quyền...”

Ông già nhìn cô gái trẻ và thốt ra một câu nói làm tôi phải sửng sốt và đồng thời một luồng hơi lạnh chạy dài theo sống lưng, tuy lúc đó trời đang có nắng.

“Những gì của César phải trả lại cho César. Giòng giống của anh có sức mạnh có thể làm cho quốc gia này biến khỏi trên bản đồ thế giới.”

Cô gái trẻ có lẽ hiểu được câu nói của ông già nên tôi thấy cô gái sa sầm mặt lại và cúi đầu xuống nhìn con đường. Ông già thì vẫn ngước nhìn về nơi có dãy núi và hai người vẫn tiếp tục sánh bước bên nhau trong im lặng.

Cả hai người đã đi qua mặt tôi từ lâu rồi nhưng tôi vẫn cứ đứng bất động nhìn theo họ mà trong lòng thật đau đớn. Cả hai sau đó đã biến mất vô trong dãy núi. Ông già và cô gái trẻ không bao giờ còn trở ra nữa vì mỗi ngày tôi vẫn để ý mong được nhìn lại hai người. Nhưng … hoài công. Tôi nhìn những người đàn ông xa lạ mới đến ngụ trong dãy núi như người mù lòa. Dĩ nhiên đây không phải mang ý nghĩa là mắt không thấy đường.

Tôi căm thù bọn cầm quyền tham nhũng và hèn nhát nhưng lại xảo trá lừa lọc với những người dân hiền hòa và lương thiện. Ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quá hiểu về người cộng sản nên đã để lại cho đời những câu nói mà không một người Việt nào mà không thuộc lòng. Rồi đây các thành phố, các thị trấn, và, cả nước Việt Nam sẽ ngập tràn trong biển nước mênh mông chỉ vì những người cầm quyền tham lam vật chất và chức quyền nên đã tiếp tay với bọn người ngoại bang phá nát những khu rừng.

Mỗi ngày khi mặt trời bắt đầu từ từ xuống sau dãy núi báo hiệu một ngày sắp qua, và tôi thì vẫn bất lực đứng bên những luống khoai lang trên mãnh đất khô cằn và nhỏ nhoi nhìn vô trong dãy núi để tự hỏi, chuyện gì đã xảy đến cho ông già và cô gái trẻ? Rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho dân tộc Việt Nam khi mà nhà cầm quyền đã bán nước cho bọn Tàu cộng rồi?”

Nghe những lời tâm sự của hắn, tôi cảm thấy một nỗi chua cay đang lan tỏa trong từng mạch máu và từng tế bào khắp châu thân. Tôi tựa người vô tấm vách nhà và nhắm mắt lại. Nhưng, tai tôi vẫn lắng nghe lời hắn nói:

“Tôi lúc nào cũng mang một nỗi buồn hận những người cầm quyền. Từ sau ngày đau thương, người của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đi đâu mất mà tôi chỉ thấy toàn những ‘người mới’ với những từ ngữ khó lọt tai mang âm hưởng của người ngoại quốc phương Bắc. Cách sinh hoạt và cách ăn nói của ‘người mới’, dù tôi có cố gắng cách nào cũng khó hòa đồng vì cảm thấy rất xa lạ.

Một con heo thì họ lại nói: “Một cá thể heo.” Chẳng phải đó là ngôn ngữ của phương Bắc sao? Tôi muồn nghe giọng nói của người cũ vì thẳng thắn và thật thà. Tôi vô cùng thất vọng và tuyệt vọng vì nhận ra những nơi tôi đến không còn của người cũ và của tôi như ngày nào nữa. Dù sao tôi vẫn phải chấp nhận vì tôi bất tài và bất lực. Tôi vẫn phải sống để chứng kiến những con khỉ mang hình hài của con người mỗi ngày múa may quay cuồng trong sự xảo trá từ lời nói đến việc làm.

Bên ngoài sương đã phủ xuống dầy đặc và bóng đêm đã che kín nên tôi không còn nhìn thấy dãy núi phía xa. Mỗi chiều khi ngồi ăn… khoai thay cơm, tôi vẫn nhìn vô dãy núi với nhiều câu hỏi mà không sao có được câu trả lời. Đêm đã khuya lắm rồi mà nửa lít rượu ngon của bạn không đủ làm cho tôi chợp mắt dù chỉ trong đôi phút, tuy rằng cả ngày tôi phải làm việc cật lực trên mảnh đất không lấy gì là mầu mỡ…”

Hắn nằm xuống và kết thúc câu chuyện với câu nói làm cho tôi vô cùng xúc động: “Thôi, bạn ngủ đi. Chúc bạn một đêm thật ngon giấc. Cả ngày bạn đi đường xa nên cũng mệt lắm rồi. Cho đến cuối cuộc đời tôi vẫn sẽ ghi nhớ mãi ngày hôm nay. Ghi nhớ tấm chân tình của bạn đã dành cho tôi. Bạn đừng trách tôi sao lại khách sáo với bạn. Bởi vì, biết ơn là một trong những tập tính tốt của người miền Nam mà tôi đã học được từ những ngày còn nhỏ dại.”

Hắn nằm đó nhưng hai con mắt vẫn mở lớn nhìn lên trần nhà. Nhìn gương mặt của hắn thật hiền và thật nhân hậu. Tôi cầu mong cho hắn tìm được hạnh phúc thật sự khi chọn vùng đất này làm chốn nương thân cho đến hết cuộc đời; một đất nước mà hắn không được sinh ra nhưng lại có quá nhiều gắn bó mà hắn luôn xem như là quê cha đất tổ của mình.

Hắn và tôi, cũng như đồng bào miền Nam Việt Nam luôn khắc khoải những hình bóng xưa và những ngày êm ấm của quê hương ngày cũ. Thuở ấy, miền Nam Việt Nam đã có những tháng ngày vàng quá đẹp để cho mọi người đến cuối cuộc đời vẫn còn vương vấn mãi không quên.

Hơn ba giờ sáng tôi mới chìm dần vô giấc ngủ. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy hắn và tôi vừa bước đi vừa chuyện trò vui vẻ trên đường phố thủ đô Sàigòn thương yêu và thân thiện của Việt Nam Cộng Hòa đã không còn kể từ cuối tháng tư oan nghiệt của một thời xa xưa lắm.

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/batluc.html


Cái Đình - 2022