Phan Ni Tấn


Bánh Tết Núi

.

Trong màn đêm lành lạnh ướt sương của miền sơn cước, tuổi thơ tôi trùm mền nằm co ro trên nền đất bên cạnh nồi bánh tét đang sôi lục ục. Không có gì thích thú cho bằng nấu bánh tét ở ngoài trời từ lúc chạng vạng tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau.

Những ngày cuối năm trên cao nguyên đêm xuống rất nhanh. Đêm càng sâu không gian càng tịch mịch, gió hiu hiu càng thêm gai lạnh. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét sau hè nhà và sự yên tĩnh của trời đất làm cho tâm hồn trong trẻo của tôi có cảm tưởng như con phố đang gối đầu lên thế giới bình an vô sự.

Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm sắp Tết, nội và má tôi vẫn thường gói bánh tét cúng Phật đầu năm, cầu cho thế giới hòa bình, cho muôn loài yên ổn, cho gia đạo bằng an, cho con cái nên người...

Ngoài bánh tét, đôi tay khéo léo của hai bà còn làm dưa món củ kiệu ăn với tôm khô bên cạnh nồi thịt kho hột vịt thơm ngon điếc mũi. Để tăng thêm vẻ đẹp văn hóa và làm giàu thêm thực phẩm dân gian, hai bà còn ra công ngào mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me nguyên trái (chua chua ngòn ngọt), mứt gừng nguyên củ (cay hít hà)... cạnh mâm ngũ quả trong ba ngày Tết cổ truyền.

Nói tới Tết ai cũng biết ở miền Bắc có bánh chưng xanh gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày của hoàng tử Tiết Liêu (tức Lang Liêu) thứ 18 con vua Hùng với ý nghĩa tượng trưng cho trời tròn, đất vuông thì bánh tét miền Trung hay trong Nam cũng có những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc và ý nghĩa riêng, như chuyện kể rằng vua Quang Trung đổi hình bánh chưng vuông thành dạng đòn để dễ mang theo hành quân, rồi gọi tên là bánh tét.

Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, sau khi Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước, quân lính được nghỉ ngơi ăn Tết. Trong số đó có anh lính được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhưn đậu xanh, anh mang bánh mời vua Quang Trung. Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm thì được biết bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết (sau này đọc trại là bánh tét) nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về.

Ý kiến khác cho rằng hình dạng bánh tét là hình tượng Linga của người Chàm. Bánh tét không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhưn bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhưn bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhưn đậu xanh hoặc ướp thịt nhưn bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).

Nói đến Tết ở miền sơn cước quê tôi cũng cần nói sơ qua Tết của người Êđê. Tỉnh lỵ Banmêthuột từ trước thế kỷ 19 đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng đến năm 1930 mới có một số ít người Kinh lên lập nghiệp. Thời đó cũng như thời của chúng tôi (thập niên 1940) người Êđê không ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh. Theo phong tục của người Êđê, lễ hội Mừng Lúa Mới được tổ chức sau mùa gặt hái gọi là Lễ hội Mùa Xuân đón năm mới.

Người Eđê vốn chất phác, giản dị, nhưng món ăn thức uống của họ rất phong phú và cầu kỳ mang đậm hương vị núi rừng. Tuy món ăn dân dã nhưng ngay cách đặt tên và hương vị không kém phần đặc sắc, như cơm gạo tẻ, cơm lam, gà nướng, canh cà đắng tôm khô, canh kiến vàng, canh bột lá Êyao, lẩu lá rừng, lá mì xào, dế cơm rang muối... vừa ăn vừa hút rượu cần trở thành một trong những truyền thống văn hóa của người sơn cước. Thời của chúng tôi, người Thượng không biết đến bánh tổ, bánh ít, giò chả, giò thủ, tré, nem, thịt kho nước dừa, bánh tráng, bánh phồng, bánh dày, bánh chưng, bánh tét..

Xưa nay người miền núi chúng tôi gọi bánh chưng, bánh tét là bánh chưng, bánh tét, vừa mộc mạc, giản dị lại chứa đựng một triết lý sâu sắc về con người và đời sống; không như ở miền đồng bằng sông Cửu Long hầu như đâu đâu cũng làm bánh nên có nhiều tên gọi như: Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét Vĩnh Long, bánh tét Hội Gia, bánh tét cốm, bánh tét gấc, bánh tét nhưn chuối, bánh tét hạt điều, bánh tét ngũ sắc, bánh tét chữ (nhưn có hình chữ cái) … với nhiều màu sắc lấy từ các loại lá, cây trái tạo nên hương thơm mang ý nghĩa đem lại may mắn trong những ngày Tết.

Rồi năm tháng trôi đi như nước chảy qua cầu. Nước trôi tôi ra sông ra biển, trôi tôi lạc nẻo quê nhà. Biết bao biến thiên của thời cuộc, biết bao vui buồn, cay đắng, biết bao sự việc qua đi rồi lại tới. Ở cái tuổi về chiều, trời xui đất khiến tôi lại dính vào cái công việc bếp núc lọ lem, lui cui giúp nội tướng tôi nấu bánh tét y hệt như cái thuở ấu thời. Chỉ khác một điều là ngày xưa nấu bánh bằng một tâm hồn trong trẻo, nay thì đầu óc có quá nhiều tạp niệm nên mỗi lần đụng phải vấn đề gì đơn giản hay phức tạp tôi đều băn khoăn, như đụng phải bánh tét chẳng hạn, tôi cứ nhởn nhơ trước một câu hỏi riết rồi kẹt luôn giữa hai động từ "tét" và "cắt".

Làm sao để "tét"hay "cắt" một đòn bánh tét?

Dùng dao thì chỉ "cắt" ngang đòn bánh thành từng khoanh chớ không thể "tét" theo chiều dọc từ trên xuống.

Dùng dây lạt cột bánh hoặc sợi chỉ quấn quanh đòn bánh để cắt hay tét thành từng lát nên gọi là "bánh tét"

Có điều dù "tét" hay "cắt" thì cái tên "bánh tét" cũng đã thành tên từ cái thời xửa thời xưa. Tuổi thơ tôi cũng lớn lên theo đòn bánh tét vừa đơn sơ, nẫu nẹt lại quê mùa, cái tên dân dã như bánh ít, bánh ú nghe sao mà hiền lành, mộc mạc, dễ thương. Nó gần gũi, thân quen như cái tên thằng cu, thằng tí, thằng tèo.

Tết ở trong Văn nghi ngút hương vị thơm ngon của đòn bánh tét bên cạnh nồi thịt kho hột vịt thì cũng có Tết ở trong Thơ. Thơ rằng:

Tôi cột tuổi thơ tôi trên đòn bánh tét
Để nghe nó reo ngoài ngõ xuân về
Nó gánh xuân đi cong đòn kẽo kẹt
Lặc lè lặc lẹo làm trẹo cả hồn quê

Tôi dắt tuổi thơ đi dung dăng dung dẻ
Về nghe tháng giêng mừng tuổi vang trời
Tay bưng tài lộc tay bồng phúc đức
Ông thọ sún răng méo cả miệng cười

Tôi đội lên đầu tùm hum chúm vỏ bưởi
Con mắt nghe cay đọt lá trên giàn
Dưa hấu bụng tròn lăn vô góc bếp
Làm gẫy mùi hương của nhánh hoàng lan

Tôi cuộn tuổi thơ trong miếng bánh tráng
Chưa kịp nuốt câu mỹ vị thơm lành
Chú ruồi bất nhơn vèo vô báo hại
Tôi phun phéo phèo ướt cả mặt trời xanh

Tôi cõng tuổi thơ lội đồng xuân lấp lánh
Đất nứt chui lên những cọng hoa hiền
Mùi quê đi qua cầu tre lắt lẻo
Dựng lại câu hò câu hát ngả nghiêng

Trèo lên trái núi tôi gặp con chiền chiện
Láu táu nó la ngoài phố lân về
Tiếng trống cắc tùng chen trong tiếng pháo
Cờ xí mừng reo rợp bóng trẻ thơ

Đón một chút thương vừa đi qua ngõ
Vạt áo ai bay rối cả con đường
Cái nắng trong veo trời treo trên ngọn gió
Cũng ráng rụng vàng theo tiếng guốc hương

Đi qua tuổi thơ gặp cơn mơ luống cuống
Thả cái cò bay trong tiếng à ơi
Câu hát ngày xưa cũng lắn quắn líu quíu
Níu đóa thanh tân về nở giữa hồn tôi.

.

Phan Ni Tấn

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/banhtetnui.html


Cái Đình - 2023